Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 5 - 02.1992 / Việt Nam... đã qua... sắp tới...

Việt Nam... đã qua... sắp tới...

- Diễn Đàn — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:35

 

Việt Nam... đã qua... sắp tới...

 

Buôn lậu: 240 triệu đô la.

Đó là con số (tính theo tiền Việt Nam, khoảng 3000 tỉ đồng) ước tính giá trị hàng hoá buôn lậu trong năm 1991, do ông Trần Duy San, Giám đốc Công an kinh tế đưa ra trong một bài trả lời phỏng vấn của báo Quân đội Nhân dân (ngày 8.12.1991, AFP cùng ngày).

Hàng nhập lậu chính gồm xe gắn máy (150000 chiếc, trị giá 600 tỉ đồng) và thuốc lá (100 triệu bao, khoảng 500 tỉ đồng), được đưa vào Việt Nam chủ yếu từ Thái Lan, qua đường biên giới Campuchia. Theo báo Tuổi Trẻ ngày 3.12.1991, thuốc lá nhập lậu chỉ giảm mạnh trong ba tháng cuối năm 1990, sau khi có chỉ thị cấm nhập và hút thuốc lá ngoại, sau đó lại tăng lên, và từ tháng 6.91 trở đi tăng mạnh như trước khi có chỉ thị!

Trong chiều ngược lại, hàng xuất lậu, một phần đáng kể qua đường biên giới phía bắc, gồm có đá quí, cao su, kim loại màu, đồ cổ...

Trong bài phỏng vấn nói trên, ông Trần Duy San xác nhận hoạt động buôn lậu được tiến hành với sự đồng lõa của cán bộ chính quyền và quân đội và có chiều hướng gia tăng ở cả hai vùng biên giới với Campuchia và Trung Quốc. Nỗ lực chống buôn lậu của chính phủ từ hơn một năm nay không mang đến những kết quả mong đợi. Trong hai cuộc hội nghị về vấn đề này tại Hà Nội và thành phố HCM đầu tháng 12, các viên chức chính phủ cho biết những chiến dịch chống buôn lậu chỉ làm giảm bớt không tới 10% hoạt động phi pháp này.

Tham nhũng.

Theo tạp chí Kinh tế Viễn đông (FEER, ngày 9.1.1992), trong kỳ họp Quốc hội tháng 12 vừa qua, nhiều nhóm người đã tụ tập trước hội trường Ba Đình đòi Nhà nước phải đem ra xử những cán bộ cao cấp dính líu tới các vụ tham nhũng và cửa quyền. Một trường hợp điển hình là vụ nguyên thứ trưởng bộ lâm nghiệp Thân Trung Hiếu, sau khi bị báo chí tố cáo tham nhũng đã bị cách chức (tháng 10.1990), nhưng vừa được Viện kiểm sát nhân dân tối cao “đình chỉ điều tra”! (Theo Tuổi Trẻ, 3.12.1991).

Trước đó, cũng theo tạp chí này (bài của Murray Hiebert, phóng viên thường trú của FEER tại Hà Nội, trong số đề ngày 19.12.1991), thông cáo của kỳ họp trung ương Đảng đã lên án gay gắt những thiếu sót trong cuộc đấu tranh chống buôn lậu và tham nhũng. Đồng thời, kỳ họp trung ương cũng phê bình báo chí viết quá nhiều về nạn tham nhũng!

70 000 người nghiện ma túy.

Theo tạp chí Tuần Tin Tức số ra ngày 18.1.92, trích thống kê của công an, số người nghiện ma túy ở Việt Nam hiện nay lên đến 70 000 người. Đồng thời với số người nghiện tăng lên, khối lượng thuốc phiện và ma túy buôn bán trong nước cũng tăng theo. Trong hai năm qua, chính quyền đã tịch biên 794 kílô thuốc phiện, 2 kí héroin và 0,5 kí moọcphin. Tờ báo cũng cho biết, ước lượng có tới 3000 chủ lò hút thuốc phiện trên cả nước. Thành phố HCM và tỉnh Lai Châu là những nơi có số người nghiện ma túy nhiều nhất, mỗi nơi này có tới 20 000 người nghiện, trong khi ở Hà Nội số người nghiện ước tính từ 5 tới 7 nghìn người. Khoảng 20 000 người nghiện khác sống trong các tỉnh miền núi phía bắc: Sơn La, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Lạng Sơn, Cao Bằng và Quảng Ninh. 35% người nghiện là thanh niên từ 18 đến 30 tuổi, và số người hút thuốc phiện thuộc các thành phần cán bộ, viên chức Nhà nước, quân đội tăng nhiều. Từ một năm nay, chính quyền đã đóng cửa một công ty quốc doanh có nhiệm vụ thu mua thuốc phiện dùng trong công nghiệp dược phẩm và rút giấy phép cho một số nơi được quyền trồng thuốc phiện.

(AFP 18.1.992)

Thiếu ăn.

Theo một bản tin của Thông tấn xã Việt Nam, do hãng AP đưa lại ngày 17.1.1992, 50% trên tổng số 21 triệu trẻ em ở nông thôn Việt Nam bị thiếu ăn, và 30% trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm các chứng bệnh về bộ máy hô hấp. Các em cũng thường bị ỉa chảy, ho hen, sởi (rougeole), viêm tủy xám (polio), uốn ván (tétanos).

Bản tin cũng đưa ra những con số 1 ,2 triệu trẻ em từ 6 tới 10 tuổi và 1 triệu em từ 11 đến 14 tuổi không được đi học.

Dân số Việt Nam năm nay ước tính là 69 ,3 triệu người, với mức độ tăng dân 2,2% mỗi năm.

Nhật - Việt: từng bước.

Một phái đoàn chính thức gồm 9 quan chức ngoại giao, tài chính và kỹ thuật Nhật, do ông Takao Kawakami, Vụ trưởng vụ hợp tác kinh tế, bộ ngoại giao dẫn đầu đã tới thăm Việt Nam từ 12 đến 18.1 vừa qua để thảo luận với chính phủ Việt Nam về việc Nhật viện trợ trở lại cho Việt Nam sau 13 năm gián đoạn. Theo ông Kawakami, cuộc đàm phán chưa kết thúc “ nhưng (hai bên) đã đi được một bước dài tới một giải pháp”. Theo AFP, phía Nhật nêu lên vấn đề giải quyết món nợ 20 tỉ yên (157 triệu đô la) mà chính phủ Nhật đã cho chính quyền Sài Gòn vay trước năm 1975. Thông tấn xã Việt Nam thì nêu một nguồn tin Nhật nói rằng chính phủ Nhật đã quyết định viện trợ cho Việt Nam 4 tỉ yên trong năm thuế khoá mới của Nhật, bắt đầu tháng 4 tới.

(AFP 11 và 18.1.92)

Thủ tướng Thái thăm Việt Nam.

Trong hai ngày 15 và 16.1, ông Anand Panyarachun, Thủ tướng Thái Lan đã đến thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của một người cầm đầu chính phủ Thái. Tại Hà Nội, ông Anand Panyarachun và ông Võ Văn Kiệt đã ký một biên bản cập nhật hoá hiệp ước thương mại giữa hai nước đã được ký kết năm 1978, trước khi quân đội Việt Nam tiến sang Campuchia. Hai bên đã thoả thuận tăng cường các mối liên hệ kinh tế song phương, và Thái Lan đã hứa cho Việt Nam vay với lãi suất thấp 150 triệu bath (6 triệu đô la) để mua hàng Thái. Một số thoả thuận khác đã đạt được trong những lĩnh vực ngân hàng và lãnh sự. Ông Anand Panyarachun cũng đã ghé thăm thành phố HCM một ngày trước khi trở về Băng Cốc.

Trong thông cáo chung của hai bên Việt - Thái về cuộc đi thăm, Việt Nam đã nhắc lại mong muốn gia nhập tổ chức Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và “(sẽ) rất hoan nghênh sự hỗ trợ của Thái Lan và những nước khác trong ASEAN” về sự gia nhập này. Theo ông Anand, sự kiện đó là “tất sẽ xẩy ra”, song Việt Nam còn phải thoả mãn một số điều kiện trước đã. Điều quan trọng nhất là Việt Nam phải đi tới kinh tế thị trường và hoà nhập vào hệ thống kinh tế thế giới.

(AFP, 16 và 17.1.1991)

Ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam

Theo tin Reuter ngày 16.1.92, Ngân hàng trung ương Việt Nam đã quyết định về nguyên tắc cho phép 7 ngân hàng nước ngoài chính thức hoạt động ở Việt Nam. Ông Lê Văn Châu, phó Thống đốc Ngân hàng đã gặp và thông báo quyết định này cho các ngân hàng nói trên, gồm có 4 ngân hàng Pháp (Crédit Lyonnais, Indosuez, BNP, và Ngân hàng ngoại thương Pháp BFCE), Ngân hàng Băng Cốc (Thái Lan), Ngân hàng Úc và Tân Tây Lan, Cathay Bank (Đài Loan). Diễn Đàn số 3 cũng đã đưa tin Ngân hàng Malaixia Public Bank đã hoạt động ở Việt Nam dưới dạng một ngân hàng liên doanh với Ngân hàng đầu tư và phát triển của Việt Nam.

Vatican - Việt Nam

Tổng giám mục Claudio Celli, người phụ trách theo dõi các vấn đề Việt Nam ở Toà thánh Vatican từ năm 1980, đã đến thăm Việt Nam từ thứ ba 14 đến chủ nhật 19.1.1992. Theo ông, “mặc dù Nhà Thờ Công giáo ở Việt Nam không được tự do như ở những nước khác”, “có nhiều dấu hiệu báo trước là mùa xuân đang đến” và hai bên “đi tới những thoả hiệp tích cực cho tương lai”. Trong những dấu hiệu này, vị giáo sĩ sứ giả của Vatican đã kể ra việc mở một chủng viện thứ năm (ở Nha Trang) trong năm qua, và việc các chủng viện được mở cho 50 giáo sinh mỗi khóa 3 năm, thay vì chỉ được nhận 50 giáo sinh mỗi 6 năm như trước kia. Vatican mong được mở 6 chủng viện ở Việt Nam. Ngoài ra, việc cử các giáo sĩ đứng đầu các địa phận Hà Nội, Huế, Thanh Hoá cũng đang trên đà được giải quyết. Tổng giám mục Celli đã chuyển tới chính phủ Việt Nam lời mời viếng thăm chính thức Vatican, và theo ông, lời mời này đã được tiếp đón một cách tích cực.

(Reuter 16.1 và AFP 17.1.91)

Tin ngắn kinh tế

** Ngày 4.12.1991, Uỷ ban nhân dân thành phố HCM đã quyết định giải thể công ty Cosevina (Dịch vụ Việt kiều và xuất khẩu tại chỗ), và thành lập một ban thanh lý để kiểm kê thanh lý vốn, tài sản, công nợ... của công ty. Theo báo Tuổi Trẻ (26, 28, 30.11 và 7.12.1991), công ty được thành lập từ ngày 1.4.1987, quản lý cửa hàng Intershop (phục vụ khách nước ngoài, các lãnh sự quán, Việt kiều... mua hàng tiêu dùng bằng ngoại tệ), nhưng đã chạy theo nhiều dịch vụ kinh doanh tùy tiện, không hiệu quả, làm lỗ gần 16 tỉ đồng và nợ nước ngoài gần 4 triệu đô la không có tiền trả.

** Theo báo Tuổi Trẻ ngày 30.11.1991, Ngân hàng công thương thành phố HCM không thanh toán được 150 tỉ đồng theo yêu cầu của khách hàng.

** Tiếp theo Công ty tài chính Saigon Finance Co (xem Diễn Đàn số 4), ngày 21.12.91, Ngân hàng Sài Gòn thương tín, ngân hàng cổ phần đầu tiên ở thành phố đã khai trương hoạt động, với số vốn gần 26 tỉ đồng.

** Một Hội đồng trung ương lâm thời các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã được thành lập theo quyết định của Hội đồng bộ trưởng ngày 18.12.1991, làm “ đầu mối về đối nội và đối ngoại của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh”, và “đại diện quyền lợi cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia với cơ quan Nhà nước soạn tháo các chính sách, pháp luật có liên quan...” “ chuẩn bị cho việc tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh...”. Hội đồng do ông Hoàng Minh Thắng, bộ trưởng thương mại làm chủ tịch. (Tuổi Trẻ 21.12.1991)

** Theo UPI 26.12.91, Ngân hàng Mỹ City Bank đã bắt đầu mở dịch vụ chuyển tiền trực tiếp từ những người Mỹ gốc Việt về cho thân nhân tại Việt Nam. Theo giấy phép của bộ Ngân khố Mỹ, mỗi gia đình chỉ được nhận tối đa 300 đôla mỗi ba tháng.

** Việt Nam và Singapour đã ký thoả thuận cho các công ty hàng không của hai bên mở các đường bay liên lạc giữa hai nước. Đường bay Singapour - Thành phố HCM sẽ được khai trương ngày 28.2, và đường Singapour - Hà Nội ngày 6.5.1992. (Reuter, 13.1.1992)

** Asia Pacific Breweries (APB), một công ty liên doanh giữa Heineken và công ty Fraser & Neave của Singapour sẽ đầu tư 25,5 triệu đô la trong một liên doanh với Công ty thực phẩm số 2, thành phố HCM, để mở một xưởng sản xuất bia tại đây. APB chiếm 60% vốn trong liên doanh này, và bia sản xuất sẽ mang nhãn hiệu Tiger của hãng này. Công suất ban đầu được dự trù là 30 triệu lít một năm. (FEER 19.12.1991).

Vấn đề đưa người lao động Việt Nam ở Đức hồi hương.

Thứ trưởng ngoại giao Đức, bà Ursula Seiler-Albring, đã tới Hà Nội ngày 14.1.1992 để thảo luận với chính quyền Việt Nam về việc đưa những người Việt đang ở Đức trở về nước. Sau một thoả thuận giữa hai nước năm 1989, gần 20 000 người lao động Việt Nam ở Cộng hoà dân chủ Đức cũ đã trở về nước trong 18 tháng qua. Tuy nhiên, số người ở lại, vì chưa hết hạn hợp đồng hoặc chạy sang các tỉnh phía Tây còn nhiều hơn. Khoảng 10 000 người trong số này đã nộp đơn xin tị nạn chính trị Thêm vào đó, có khoảng 8300 người từ các nước Đông Âu khác chạy sang Đức. Một đợt hành hung người Việt Nam do những nhóm cực hữu Đức đã diễn ra trong mùa thu năm 1991 (xem Diễn Đàn số 2), và lần này chính phủ Đức muốn ký một thoả thuận mới với Việt Nam để đưa thêm khoảng 20 000 người về nước. Phía Đức đề nghị một ngân khoản 10 triệu Đức mã để giúp những người trở về được học nghề và có công ăn việc làm. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo ngày 16.1.1992 ở Hà Nội, kết thúc hai ngày đàm phán, bà Seiler-Albring cho biết, thoả thuận đã chưa đạt được. Bà cũng khẳng định lập trường của chính phủ Đức là những người Việt Nam ở Đức không được nhận quy chế tị nạn chính trị sẽ phải trở về nước. Các nguồn tin ngoại giao Đức cho biết, điều đã cản trở việc ký kết thoả thuận là chính phủ Việt Nam không chịu cam kết sẽ không ngược đãi (persécuter) những người trở về.

(Reuter 14.1, AFP 14 và 16.1.1992)

Việt Nam và SEA Games 91

7 huy chương vàng, 12 bạc, 10 đồng. Đó là kết quả của đoàn Việt Nam trong Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 16 ở Manila (Philipin), cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua. Năm 1989, trở lại với SEA Games lần thứ 15 sau nhiều năm vắng mặt, đoàn Việt Nam đã đoạt được 19 huy chương, gồm 3 vàng, 11 bạc và 5 đồng.

Những tiến bộ của thể thao Việt Nam lần này không chỉ thể hiện ở các con số huy chương. Nếu năm 89, 3 huy chương vàng và một số huy chương khác của đoàn Việt Nam là thuộc bộ môn bắn súng, thì lần này, ngoài bắn súng vẫn là một môn mạnh, nhiều bộ môn khác đã có những thành tích đáng khích lệ. Về điền kinh, đó là huy chương bạc của Vũ Mỹ Hạnh trong môn nhảy cao nữ, với kỷ lục quốc gia 1,80m và huy chương đồng của Nguyễn Thu Hằng trong môn 100 mét rào nữ. Đội bóng bàn nữ, với những cây vợt Trần Thu Hà và Nhan Vị Quân cũng đã mang về huy chương vàng giải đồng đội và một huy chương bạc giải cá nhân (Nhan Vị Quân). Ngoài ra, còn phải kể những huy chương vàng các môn võ Taekwondo (Trần Quang Hạ, hạng cân 54 kg, nam), Judo (Cao Thị Phương Trinh, nữ, hạng cân 48 kg). Về môn bắn súng, đáng kể nhất là thành tích của Đặng Thị Đông, với đạt 593 điểm, phá kỷ lục châu Á của một vận động viên Trung Quốc giữ đã 9 năm nay.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us