Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 5 - 02.1992 / Tình ca quê hương

Tình ca quê hương

- Đặng Tiến — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:35

 
Đọc thơ
Huỳnh Mạnh Tiên

 
Tình ca quê hương

 
Đặng Tiến



Trôi dạt ở nước ngoài, người Việt tha hương ưa làm thơ, giai đoạn nào cũng vậy. Báo chí Việt ngữ đăng nhiều thơ thỉnh thoảng cũng có bài hay. Ngoài tấm lòng yêu thơ trong người Việt nói chung, Việt kiều còn có nhu cầu riêng. Làm thơ là một cách sống với nội tâm, nâng niu một kỷ niệm, vân vê một hình ảnh, trau chuốt một lời nói, gạn lọc một tình cảm; làm thơ, đọc thơ là một cách vừa đối phó với đời sống phương tây vừa thầm thì với quê hương, bè bạn. Huỳnh Mạnh Tiên, bạn tôi, Việt kiều lâu năm ở Paris, làm thơ và cho xuất bản tác phẩm Tình ca quê hương 1 trong tinh thần đó:

Quê hương không thể mất
Khi
tim mình là thơ
Tiếng mẹ lỡ ngu ngơ ,
Mình vẫn yêu vẫn nhớ

Võng hiền chở lời ru
Câu ơi à vời vợi
Bỗng nghe
về à ơi
Ầu ơ ru hỡi ru hời
Quê hương khói khắm, bời bời mắt chau

Chỉ có vậy thôi, chỉ vài âm hao xa vắng sao cứ dìu dặt mãi trong lòng ta? Huỳnh Mạnh Tiên kể lại chuyện một người bà con về thăm nhà, lúc sang lại Pháp mang theo một cặp cắc kè để chúng tắc lưỡi nghe đỡ nhớ nhà. Chỉ tiếng thạch sùng mà đã cần thiết, còn tiếng trẻ con “ rầm rì rúc rích”, và tiếng dế trong những lá me “nghiêng nhánh vàng uể oải”, trong một trưa hè vời vợi:

Choàng giấc bướm đong đưa dầu cánh rã
Vang trong hồn tiếng chú dế ngày xanh

Rồi thân phận đôi lứa cắc kè phiêu dạt sẽ ra sao, trên những trần nhà phẳng lì thẳng góc:

Cắc kè tắc lưỡi kêu đau
Chơ vơ ngơ ngẩn bò vào bò ra
Mái gì trần trụi lạ xa
Không kèo, chả cột, la cà sao đây?
Ai đâu m ong chú sang đây
Vuột kèo mất cột, chú mày lao đao

Huỳnh Mạnh Tiên không dụng công đẽo vần gọt điệu; thơ anh thường chuyên chở một nhận xét cụ thể, một ý tưởng chính xác, một tình cảm rõ rệt; tuy rằng, tình cảm ấy đôi khi bàng bạc, lửng lơ, như một đoá hoa vàng đong đưa trong kỷ niệm. Thơ Huỳnh Mạnh Tiên là mảnh vườn xưa mong chờ cơn gió cũ.

Gió đưa cải cứu vàng hoa
Con đi bỏ xứ bỏ nhà bỏ quê.

Đi quanh đi quẩn quên
về
Quên luôn mẹ dặn “ chớ hề đi xa”
Mộng du lạc mất lối ra
Cải tần vàng lá vàng hoa lỡ làng

Quê hương không phải chỉ u hoài, tiếc nuối. Có khi nó thúc giục, khích lệ người con xa xứ:

Xưa kia
Ông và cha
Vai
trần chân đất
Lội trảng tranh

Xưa kia
Ông và cha xuyên rừng thiêng nước độc
Không sợ tiếng hổ gầm
Và voi đàn dẫm nát rừng cây

Xưa kia
Ông và cha
Tầ
m vông vót nhọn
... giặc đến nhà
Bỏ tất cả ra đi cầm súng

Và từ đó Huỳnh Mạnh Tiên ý thức trách nhiệm mình trước hiện tại của đất nước:

Ngày nay
Giặc đói, giặc nghèo, giặc khổ
Lấp ló rình mò quê hương tôi
bé nhỏ
Không lẽ
Tôi ngại vót thơ luyện văn
Gào to lên các thống khổ não nùng của đồng bào tôi

Huỳnh Mạnh Tiên là người tân học nhưng mang nặng tinh thần đạo lý của người xưa, nên có khuynh hướng làm “thơ nói chí” – thơ ngôn chí – của cổ nhân. Nhìn vào cọng trà, anh cũng thấy đạo:

Mắt chè nhấp nháy lăn tăn
Nhìn ta từ ái nhủ răn chuyện đời

Và anh không ngại lên giọng Trạng Trình răn dạy chúng ta:

Ngoài trời mưa tuyết phũ phàng rơi
Tuyết bạo, trúc gầy, đè thử ch ơi
Hay đâu cành trĩu cong thân dẻo
Chợt nẩy bung lưng: tuyết tả tơi

Thế giới này là của các cụ Ức Trai, Bạch Vân dăm ba thế kỷ về trước. Cuộc đời này, ngày nay, tràn ô nhiễm, đầy thô tục khiến hồn thơ khép cánh như Cây mắc cỡ:

Lòng trực giác loài hoa trinh nữ,
Trọc khí nào dù nhẹ lướt qua.
Lá xếp lại, phòng ô tục tử,
Chắc
xếp hoài: đời loạn bóng ma.

Xuân Diệu cũng có bốn câu cùng một đề tài:

Những cành trinh nữ
Trong cỏ e dè lá hổ ngươi
Khép nép ngoài sương hoa mắc cỡ
Run run dây nhỏ thẹn tay người.

Hai nhà thơ đều tinh. Xuân Diệu tinh tế, Mạnh Tiên tinh quái.

Đạo đức do anh rao giảng không phải là luân lý giáo khoa thư, mà là cái nhìn vô chấp bắt nguồn từ cuộc sống và đặt cuộc sống lên trên những lý thuyết, những hệ thống tư duy:

Không cúc thì cũng cỏ gà
Hoa nào mà chả là hoa
(... ) Cúc không thì cũng cỏ gà, chết đâu.

Thơ Huỳnh Mạnh Tiên mang dáng khoẻ mạnh và lành mạnh, đôi khi hồn nhiên:

Mũ cao, áo rộng chả màng
Mong tìm vàng trữ lá vàng, nai tơ.

Anh làm thơ, là để gìn giữ chất mơ mộng, ngây thơ trước một xã hội đa đoan, khe khắt. Thơ anh còn nhiều chỗ thô vụng, trong hình ảnh và nhạc điệu, nhưng trong sáng, chân chính. Khổ luyện thêm về kỹ thuật, anh có thể đạt tới bài hay và cô đúc như bài Tự tình:

Cây bén rễ, cần một thời chăm bón
Nuôi vô tình, người thích chậm hoa non.
Sợi khói kia còn bay vòng lọng cọng:
Bởi chưa nồng tình lửa ngọn con con.

Ngọn lửa Đạo, ngọn lửa Thơ, lửa quê hương, lửa mến thương, đều lấy tình người làm dưỡng khí. Giữa chúng ta, giữa bè bạn với nhau, cần giữ cho nhau, cần giữ trong nhau những ngọn lửa. Những ngọn lửa hồng, nhũng ngọn lửa nồng. Ngọn lửa Tình. Sáng và ấm.

1.1.92

 

1 Tình ca quê hương, thơ Huỳnh Mạnh Tiên, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1991. Tại Paris, có thể tìm mua tại Nhà Việt Nam, Sudestasie (quận 5), Khai Trí, Thuý Nga (quận 13).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss