Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 5 - 02.1992 / Vai trò của Đôm Năm

Vai trò của Đôm Năm

- V.Đ. — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:35

 

Cộng đồng đó đây... đây đó

   

Cộng đồng người Việt ở Nga
Vai trò của Đôm Năm
 

 

 V.Đ.

 

Ở Matxcơva có một toà nhà bình thường, trên một phố bình thường: nhà số 5 phố Dmitri Ulianốp. Nhưng nó lại rất nổi tiếng, không chỉ ở Matxcơva mà trong toàn Liên Xô. Mọi người đã quen gọi thân mật Đôm Năm – cái tên vừa Nga vừa Việt. Đôm Năm còn nổi tiếng cả ở các nước Đông Âu và dĩ nhiên ở cả Việt Nam. Từ Ba Lan, Tiệp Khắc, người ta vẫn nói với nhau: “Mai mình sang Đôm Năm đấy!” “Mình mới ở Đôm Năm về, đến chơi, có “quà” đấy!”

Vậy Đôm Năm nổi tiếng vì lẽ gì? Có phải vì nó là toà nhà ở dành cho các nhà khoa học tương lai: những nghiên cứu sinh; thực tập sinh Viện hàn lâm khoa học Liên Xô; nơi đang thai nghén những công trình khoa học có giá trị lớn lao phục vụ công cuộc cải tổ? Không! Đôm Năm lừng danh vì nó là một trung tâm buôn bán hàng hoá năng động nhất, chi phối thương trường Liên Xô và những nước bạn hàng. Hoạt động buôn bán ở đây chủ yếu được thực hiện bởi các nhà khoa học thực thụ và các cán bộ khoa học tương lai của Việt Nam. Hoạt động này có từ lâu, ít ra từ 10 năm nay, nhưng sau khi cuộc cải tổ khởi đầu thì nó rầm rộ hẳn lên.

Đôm Năm mạnh nhờ mạng lưới công nhân Việt Nam đang lao động trên khắp các địa bàn quan trọng của Liên Xô và các nước Đông Âu. Và từ hơn một năm nay, khi Liên Xô bắt đầu chuyển sang kinh tế thị trường, mạng lưới này lại được mở rộng ra các hợp tác xã kinh doanh.

Khởi đầu, Đôm Năm phải trải qua khá nhiều gian lao, vất vả: vượt qua mặc cảm về nghề buôn trong chế độ xã hội chủ nghĩa, vượt qua hàng rào kiểm soát của cảnh sát, tính toán đường đi nước bước để phá vỡ vòng vây kiểm tra hành chính, cũng như các hoạt động nhiễu nhương của bọn lừa đảo, trấn lột. Ngày nay, nó phải tăng tốc và tăng cường để chạy đua với sự mở rộng thị trường ở Liên Xô và các nước Đông Âu.

Thời gian đầu, hoạt động của Đôm Năm nằm trong vòng bí mật: việc buôn bán được tiến hành trong các căn phòng kín đáo, người Nga ở cạnh cũng không biết. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, người Nga được giáo dục lòng khinh thị với những người gọi là “nhà buôn”. Nhưng mấy năm gần đây, việc buôn bán ở Đôm Năm đã trở thành công khai ở giữa một cơ quan mang danh nghĩa khoa học. Việc buôn bán lan ra hành lang, đôi khi ở ngay trước cửa toà nhà. Ở lối vào, người ta chen nhau như ở cổng chợ Đồng Xuân. Các phòng ở biến thành những gian hàng có những cô gái được thuê vào bán hàng. Sáng sáng, các cô ăn mặc diện, phấn son duyên dáng để mời chào khách. Có phòng trưng cả danh sách và giá cả các mặt hàng. Đủ cả: từ đồ trang sức đến hàng điện tử, máy vi tính, têlêfax, máy in; từ quần áo, dây lưng đến ba-lô, giầy dép; từ thuốc lá, dược phẩm đến sâm nhung, rượu bổ... Luận văn tốt nghiệp cũng phải thuê người viết để tập trung thời giờ vào việc buôn bán. Các bạn Nga cũng có một số tham gia “giải toả” hàng cho các đồng nghiệp Việt Nam. Một số khác “nhượng” phòng cho những người Việt Nam tốt nghiệp ở Liên Xô về nước không có việc làm giờ lại sang đây thuê phòng làm nơi buôn bán. Còn một số bạn Nga có vận may rơi vào những cơ sở kinh doanh thì đã nối lại mối quan hệ với Đôm Năm. Và có người trở thành bạn hàng lớn, tiêu thụ cho bạn bè ở Đôm Năm hàng trăm máy vi tính và những đồ dùng điện tử khác, những lô hàng quần áo...

Đôm Năm chủ yếu là bán buôn. Mạng lưới bán lẻ không do Đôm Năm trực tiếp tiến hành, nhưng cũng có sự chỉ đạo về phương hướng và sách lược. Buổi đầu, hàng được tiêu thụ trong các cửa hàng ký gửi của Liên Xô. Sau đó, khi các chợ trời mở ra khắp nơi, thì công nhân Việt Nam ra chợ đứng bán. Gần đây, người Nga đến các “ốp” của công nhân và sinh viên Việt Nam mua hàng rồi cũng ra bán ở chợ trời.

Người dân Liên Xô hiền lành và quen chịu đựng. Hàng mấy chục năm chỉ biết làm theo lệnh, theo kế hoạch, cả ngày xếp hàng để mua đồ ăn, đồ dùng theo giá quy định. Họ bắt đầu làm quen với mặt hàng mới lạ, cách bán mua khác nhau, giá cả cũng linh động. Các nhân viên cửa hàng cũng năng động hơn, họ bắt đầu suy nghĩ đến việc tăng thu nhập bản thân bằng cách bán hàng do người Việt ký gửi. Thế rồi các quầy ký gửi tăng lên, tiến tới việc hình thành các quầy hàng kinh doanh. Ở các cửa hàng đó, sắc thái phục vụ có đổi mới, tư duy kinh tế thị trường dần dần xâm nhập vào đầu óc trì trệ của họ.

Báo chí Liên Xô đã từng đăng những bài rất xấu về việc buôn bán của người Việt Nam. Song gần đây, bắt đầu có những bài phóng sự có thiện cảm, với cái nhìn thực tế, mới mẻ hơn. Có tác giả không giấu giếm sự khâm phục của mình: “ Chúng ta có mọi phương tiện trong tay, nhưng chúng ta đã không làm được. Còn những người Việt Nam đến đây họ chỉ hai bàn tay trắng và đôi chân nhỏ bé. Nhưng hãy nhìn xem họ làm việc thế nào. Và kia, những thùng hàng, những container đầy hàng đang đợi các phương tiện giao thông của chúng ta chở về đất nước của họ”.

Tuy nhiên, phải nói thực: không riêng gì tác giả bài này, mà nói chung nhiều cán bộ khoa học Việt Nam ở chính Đôm Năm cũng rất xót xa vì tình cảnh của mình, vì triển vọng nền khoa học Việt Nam. Đối với người làm khoa học, có gì đau hơn là phải rời bỏ chuyên môn để lăn lộn kiếm sống? Họ biết hơn ai hết: Viện khoa học Việt Nam không có việc làm, và nếu có, thì cũng không có đủ phương tiện và điều kiện làm việc. Hơn nữa, bản thân nền khoa học xô viết cũng chẳng hấp dẫn gì. Đó cũng là một nét của sự khủng hoảng chung của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong đó cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật vẫn được rao giảng là then chốt.

Để kết thúc bài này, tác giả trích phần cuối lời ca bài hát Quê em của Nguyễn Đức Toàn đã được cộng đồng người Việt ở Nga cải biên thành Đôm em:

Đôm em là Đôm Năm
Là Đơm atxpiràn 1
Viện hàn lâm Xô viết
Công việc nghiên cứu
Xin dành cho mai sau
Là khi nước mạnh giàu
Vì cuộc sống anh ơi
Em sang đây kiếm tiền
Đóng mấy thùng nuôi con
Anh! Thôi đừng có sĩ 2
Theo em bán hàng ra tay đóng hàng!
Đây thùng năm, kìa thùng bốn
Và đã Ô Kê với bọn hải quan
Nhưng còn thua Thương vụ, Sứ 3
Họ đóng những thùng
Mười tám khối to.

MOCKBA, tháng 12.1991

 

1 Aspirant: sinh viên chuẩn bị luận án phó tiến sĩ

2 sĩ diện

3 vai trò của Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam ở Mạc tư khoa trong vụ buôn lậu đã bị phanh phui trên vô tuyến truyền hình Liên Xô cuối năm 1990. Tại cuộc họp Quốc hội tháng 7.1991, khi được đề cử làm bộ trưởng ngoại giao thay thế ông Nguyễn Cơ Thạch, ông Nguyễn Mạnh Cầm lúc đầu đã từ chối, với lý do là trong thời gian làm đại sứ ở Liên Xô ông đã để xảy ra vụ xì-căng-đan này.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us