Vũ điệu của cái bô
Vũ điệu của cái bô
Nguyễn Quang
Thân
Thế là không hy vọng gì nữa rồi. Nhà máy đóng giầy phá sản. Cả năm nay Hảo sẽ không có việc làm. Đề tài, số tiền trợ cấp ban đầu và bản quyền bán cho nhà máy tan thành mây khói. Khách hàng đã tẩy chay thứ giầy bong mũi của nhà máy trước khi loại keo dán tuyệt vời của Hảo qua được bát quái trận thủ tục.
Vậy mà cũng phải ăn, phải gửi tiền cho con gái lên Hà Nội học thêm, phải nuôi cái xe đạp tàng, hễ mó đến là ăn vạ tiền nghìn. Rồi chén cà-phê đen mỗi sáng, quên nó một bữa là Hảo thấy mình đang mọc đuôi ra.
Thế nào cũng phải làm một cái gì! Nhưng ngoài cái chuyên môn được ghi trong mảnh bằng phó tiến sĩ, Hảo không biết làm gì khác. Cũng không thể như Tứ, hoạ sĩ ở tầng dưới. Tứ thường không biết ngày mai mình ăn gì, ăn ở đâu. Tứ nói: “ Đói là con hổ, đừng nhìn nó, nhìn là nó vồ ngay”.
Nhưng Tứ đã bước vào phòng đúng lúc Hảo đang nghĩ đến anh, nhem nhuốc như cái xơ mướp nhúng vào thùng bột màu.
– Này cậu, có việc này hợp với cậu lắm. Nhưng pha cà-phê uống cái đã.
Hảo lóng ngóng múc cà-phê vào phin. Hay là Tứ rủ mình làm bạc giả? Trông mặt y như đang thu vén quần áo để vào Hoả Lò.
– Việc gì thế?
– Giữ trẻ! Tháng một trăm tì, có ăn trưa. Được chưa?
– Tốt quá. – Hảo nghi ngờ, chùm rẽ quạt toé từ mắt xuống đôi gò má – Món thơm thế đâu đến phần mình. Với lại còn cơ quan...
– Thì đã bảo người ta cần mà. Chăn một thằng bé ba tuổi rưỡi, nói tập toẹ. Vừa chăn vừa dạy tiếng Anh để lớn lên biết đọc tên các công ty trong phố và phân biệt được nhà vệ sinh nam nữ ở sân bay. Việc cơ quan thì để tớ gà cho. Đăng ký một đề tài thật kêu, đại khái thế này: “Ném một cái nhìn vào quy trình chế tạo keo dán mũi giầy ở địa phương ta”, nhớ là phải có chữ ta, không cần xin trợ cấp, xin hai năm ngồi nhà nghiên cứu, được chưa?
Không bị Tứ rủ đi làm bạc giả là phúc rồi. Hảo đăng ký đề tài, anh có chữa lại vài chữ của Tứ. Ném một cái nhìn, không được. Cuối cùng: Tiếp cận hyperbole tính duy vật biện chứng... song ngữ: Faire une hyperbole.... (tiếng Pháp) và To take a hyperbola... cộng thêm hai trang đề cương (cũng song ngữ). Được rồi, rất có e! Hảo qua mặt được chủ nhiệm Uỷ ban khoa học kỹ thuật tỉnh vốn trước là giáo viên cấp III. Trong bản dịch đề cương tiếng Anh có mấy tiếng khó dịch, Hảo bịa ra, nhưng chắc là ông không biết. Ông thường bắt cán bộ làm thuyết minh song ngữ nhưng bản thân ông không phân biệt được tiếng Pháp với tiếng Anh, trừ tiếng Nga nhờ những chữ N ngược kỳ lạ của nó. Ông nói: “ Cậu khá lắm, tính tư tưởng, tính địa phương, đề tài của cậu ưng cái bụng mình lắm rồi. Nhưng có xin trợ cấp không đấy ? Không hả. Tốt, nhớ khao nhé!”. Ông ký một cái rẹt, chữ ký như con bọ cạp đang bò.
Thế là Hảo có hai năm rỗi rãi. Sẽ khao, sẽ khao. Ông chủ nhiệm và cả Tứ nữa, những nhà Mạnh Thường Quân của khoa học.
Một chú chó Nhật sủa lách nhách rồi te tái tuồn dưới chân hai người. “Ê, Mi-mô-sa, Mi-mô-sa, ngoan nào... Xin mời hai bác...”. Chị chủ nhà nhặt vội con chó lên, nghi ngại nhìn cái ống quần lem nhem của anh hoạ sĩ dắt mối. Tứ xăng xái:
– Tôi dẫn anh Hảo đến như đã hứa với chị. Bây giờ tôi phải đi treo cờ mồng một tháng năm. Xin hai vị cứ tự nhiên.
Hảo nhìn chị chủ nhà. Chị đẹp, sang trọng và thừa thãi. Áo quần, mỡ phần, không gian và thời gian.
– Chắc anh Tứ đã nói với anh. Cháu cần một người có học trông nom, bố cháu nói ở Nhật người giữ trẻ đều phải qua đại học. Tôi giao cháu cho anh ban ngày, anh ở lại ăn trưa, ngủ với nó hai giờ mỗi ngày, nhất thiết phải cho nó ngủ hai giờ như ở nhà trẻ. Và dạy tiếng Anh cho cháu. Tôi muốn mướn một cô giữ trẻ. Nhưng chồng tôi lại muốn có một người đàn ông, anh ấy nói cháu phải có nam tính mạnh mẽ để đua ganh với đời.
Mọi việc đã xong xuôi. Chị nói: “ Ban đầu hẵng biết thế. Còn sau này...” Rồi chị nhìn xoáy vào mắt anh (anh khẽ rùng mình), khuôn mặt lặng lẽ buồn chán và sung mãn của chị bỗng bừng sáng. Có lẽ chị cũng có học, không phải loại mướn vua về múa như anh nghĩ. Anh hỏi: “Cháu đâu? ”. Rõ ràng là chị đã quên mất thằng bé. Chị ừ hữ: “Tôi cho cháu về bên ngoại. Anh cứ gọi nó là thằng Cu. Chúng tôi vẫn gọi cháu thế cho dễ nuôi. Mai xin mời anh đến”.
Sáng hôm sau chị chủ nhà và thằng Cu đón anh ở cửa. Con Mi-mô-sa đứng cạnh. Nó có vẻ ngạc nhiên khi thấy anh dám dắt một chiếc xe đạp như thế vào cái sân rải sỏi. Chị thì nuột nà trong bộ mút-xơ-lin màu thiên lý, thoa sơ sài một lớp phấn mỏng lên mặt. Chị đẩy thằng Cu lại cho anh: “Nào, Cu chào bác đi, chào thầy đi!” Cố gắng như một cái máy không nhạy, nó nói: “Cháu chào cô ạ!” Chị chữa: “Chả là tôi đã cho cháu vào nhà mẫu giáo mấy ngày, con nói lại đi, chào chú ạ!” Chị dẫn anh và nó sang một phòng nhỏ cạnh phòng khách. Một cái bàn học cho trẻ. Chiếc đi văng gỗ mà anh sẽ ngả lưng buổi trưa. Cốc và những chai nước lọc. Chị nói: “Nghe anh Tứ bảo anh nói tiếng Anh như người Anh phải không? Hôm nào về mà hai bố con bi bô được với nhau là anh ấy mừng lắm. Anh ấy nói tiếng Anh như gió”. Hảo định cải chính: “ Tôi nói tiếng Anh như người Việt” nhưng thằng Cu đòi ị. Nó nhăn mặt, duỗi tay ra và lấy tay bưng đít. Chị chủ nhà nói: “ Bác để tôi – chị nhăn mũi – quên đưa vào đây một cái bô, bà Múi ơi!” Người nấu bếp chưa vào chị đã bế thằng Cu ra ngoài. Lát sau chị vào, tay thằng bé, tay cái bô. “ Dọc hành lang một đoạn là toa lét. Anh cứ đổ vào đó rồi giật nước là được” . Chị đặt cái bô vào góc nhà như người nhạc trưởng cất gậy lên giá. Điệu vũ chấm dứt. Hảo nhìn cái biểu tượng nhà nghề trắng muốt, chỉ mong chị chủ nhà đi khuất. Năm năm trước đêm nào anh cũng mơ thấy mình xúng xính trong bộ quần áo tiến sĩ cổ truyền. Chị đưa anh hai chiếc chìa khoá: “Đây là khoá phòng. Đây là cổng. Thỉnh thoảng bác dẫn cháu đi chơi, tuỳ ý bác”. Rồi chị lên lầu, vẻ tự hào đã hoàn thành nhiệm vụ người đạo diễn.
Hảo hỏi thằng Cu: “Oắt xi o nêm mơ?” Nó nhìn anh trân trân một giây rồi tái mặt: “ Đ...bu mày!” Nó tưởng anh vừa chửi nó. Phải nói là nó chửi rất du dương. Ngày hôm nay phải dạy bằng được câu này cho nó: “Oắt xi o nêm mơ, tên cháu là gì chứ không phải câu chửi tục. Nhân loại chưa đổ đốn đến mức biến một câu vấn danh thành câu chửi”. Chấm dứt buổi học tiếng Anh đầu tiên.
Mọi thứ dù phi lý đến đâu mà lặp đi lặp lại mãi thì vẫn chấp nhận được dễ dàng. Việc anh thành người giữ trẻ thì cũng chỉ cần một tuần để trở thành dĩ nhiên. Dĩ nhiên như một giáo sư nổi tiếng ốm đau kéo dài phải đốt sách để sưởi, như việc cái xe đạp nào cũng phải tòn teng một tấm biển số thời nào. Hai mươi tờ giấy năm ngàn đủ sức mạnh biến Hảo thành người giữ trẻ mẫn cán trong ba mươi ngày. Chị chủ nhà không chú ý đến anh hơn bà Múi, người nấu bếp lầm lũi như cái bóng. Từ ngày có anh đến làm, chị được giải phóng khỏi thằng con trai nên rỗi rãi hơn. Chị lên lầu xuống lầu, đọc sách trong khi anh túi bụi trong phòng với thằng Cu và cái bô, đã bắt đầu nhớ cái giá sách và những ngày nhàn rỗi đọc chữ thánh hiền. Thỉnh thoảng chị pha một một cốc nước chanh mời anh với dáng vẻ của người làm việc từ thiện rồi cũng tiện mồm kể lể chuyện nhà chuyện cửa. Chồng chị trước đây là thuyền trưởng viễn dương. Nhờ anh mà chị được nhìn thấy đồng đô-la xanh rờn đầu tiên và hình những tổng thống Mỹ quá cố. Khi túi đã hơi nặng, anh tìm cách lên bờ. Anh bảo chị: “ Thời nay chỉ leo được lên mới thắng, dưới đất bao giờ cũng thua”. Anh biết đầu tư chiều sâu và lên dần. Bây giờ anh phụ trách một văn phòng đại diện ở Hồng Kông, môi giới mua những con tàu hàng vạn tấn đến những chiếc nịt vú. Anh nói: “Một chuyến đi Nhật cứt đái cùng mình chỉ thắng một hai cây. Bây giờ ký xạch một cái tôi có bạc triệu!” Hảo không biết chị kể một cách thành thực những chuyện ấy với anh để làm gì, chị có tâm đầu ý hợp với người chồng ở xa hay không. Chị kể một cách buồn chán, mệt mỏi; là người tiêu tiền, chị không có cái say mê của những con sói săn mồi. Chị là con kền kền cái lười biếng rỉa xác một con voi. Chồng chị thỉnh thoảng có viết thư nhưng hai năm nay anh không hẹn ngày về. Hảo cảm thấy, với chị thì anh vĩnh viễn không về nữa.
Thằng Cu có người trông, sạch sẽ hơn. Nó học tiếng Anh cũng khá và mến thầy. Để giải quyết chuyện cái bô, Hảo đã tập cho nó ra toa-lét mỗi khi có nhu cầu. Cuối tháng đầu chị trả lương cho anh, đưa luôn cả tháng sau, tặng thêm cho anh năm mươi ngàn. Thấy anh lưỡng lự, chị nói: “Anh cầm đi. Chúng tôi giàu lắm . Anh không tưởng tượng được chúng tôi giàu như thế nào đâu. Nhưng ở cái đất hay nhòm ngó nhau thế này mình cũng phải giữ ý".
Một sáng anh đang ở trong phòng với thằng Cu thì ông Vị đi xe máy đến. Qua cửa sổ anh nhìn thấy ông chải chuốt hơn ngày thường tuy ít đường bệ hơn so với những lúc ông đi lại dọc hành lang nghe một cán bộ khoa học thuyết minh cái gì đó sau lưng mình. Chị ngồi tiếp ông hàng giờ trong phòng khách. Buổi chiều trước khi Hảo ra về, chị mời anh uống trà. Chị nói: “ Ngày mai tôi phải vắng nhà mấy ngày. Anh giúp tôi ngủ lại và trông hộ cháu được không ?” Anh đáp được. Suy nghĩ một lúc chị hỏi: “Anh có biết cái ông hồi sáng đến thăm tôi không?” Anh nói: “ Không”. Chị nhìn anh vẻ tin cậy: “Thôi chẳng giấu anh làm gì, sợ anh nghĩ tôi không đàng hoàng. Ông ấy là bồ tôi đó”. Thấy Hảo cảm động vì lời thổ lộ ấy, chị duyên dáng níu nhẹ vào ống tay áo anh: “ Nhưng tôi đã quyết định dứt ông ấy ra. Ngày mai chúng tôi cùng đi Sầm Sơn. Lần cuối cùng rồi thôi. Anh giúp tôi nhé?” Chị kể trước đây mấy năm chồng chị khéo léo đưa chị đến với ông ấy. Đối với sự nghiệp của anh, cũng là của thằng Cu, chị không nề hà gì. Ông ấy giúp đỡ chồng chị đến nơi đến chốn nhưng không hề để mắt đến chị, món mỡ trước miệng mèo. Đã có ai ở thành phố này dám coi chị như củ khoai cơ chứ? Lòng tự ái nổi lên, chị tìm cách khám phá con người mẫu mực kia và chị yêu ông ấy lúc nào không biết. Khi chị hiểu ra sự cao đạo của ông là một cái bẫy chinh phục nguy hiểm của những người có tuổi thì cũng là lúc chị chán ông ta. “ Cuối cùng thì chồng tôi thắng, nhưng tôi chẳng được gì. Anh giúp để tôi làm chuyện chia tay với ông ấy trót lọt” . Anh đáp: “Vâng, tôi trông nhà hộ và kín miệng nữa”. Chị cười buồn: “Chẳng cần đâu. Cả thành phố biết chuyện tôi với ông ấy rồi. Họ chưa đưa lên ti-vi là may”. Hảo nói: “ Chị đừng mang theo con chó nhỏ”. Chị ngạc nhiên: “Vì sao vậy?” Bỗng chị mỉm cười: “ Tôi nhớ ra Sê-khốp rồi. Anh yên tâm. Thời nay không ai dùng chó làm môi giới cho yêu đương đâu!” Ngừng một chút, lần thứ hai Hảo thấy khuôn mặt chị rạng lên. Chị nói hấp hổi: “ Tôi sẽ mang theo con chó. Tôi là một con mù mà lại muốn đi tìm ngọc quý. Mi-mô-sa sẽ dẫn đường cho tôi” . Chị mang Mi-mô-sa đi thật. Chị còn tin có một người nào khác đang chờ chị ở Sầm Sơn ư?
Ba ngày sau chị và ông Vị về nhà. Một chiếc Toyota đậu trước cổng. Nghe tiếng còi Hảo ra mở cổng như một người gác gian mẫn cán. Anh bất ngờ chạm mặt ông Vị. Nhưng cả hai không chào nhau, không nói gì. Ôi tiền giấy và sắc đẹp, những lá bài của số phận éo le.
Nhìn nét mặt cau có, dồn nén và thân thể sung mãn của tuổi già đang chín một lần trước khi rụng của ông Vị, Hảo biết là mấy ngày ở Sầm Sơn ông chỉ được xơi thịt thỏ. Túi tiền có thể vơi chút ít, nhưng cái túi tục luỵ kia thì chắc vẫn còn nguyên. Nó làm ông cáu giận. Hảo nghe tiếng cãi cọ trên lầu, ở phòng khách.
Nhưng rồi ông cũng phải ra đi. Chị gọi dây nói cho xe đến đón ông, tươi tỉnh, lịch sự đưa ông ra đàng hoàng. Ông thì hầm mặt vì tiền mất tật mang, chỉ biết tự an ủi là đã giữ gìn được phẩm chất trong chuyến đi biển đầy rẫy những trò ăn chơi tư sản.
Hảo biết không mấy người vui vẻ khi bị người tình buộc về hưu.
Chị chạy đến gặp Hảo sau khi ông đi khỏi, mời anh sang phòng khách uống trà. “Thế là trút được món nợ Liễu Thăng!” Chị nói, ve vuốt con Mi-mô-sa, nó liếm tay chị, kiêu hãnh vì đã giành lại được chị và tự hào vì ông già giàu có, oai vệ kia đã ao ước được một số phận như nó hôm nay mà không có: được chị ve vuốt, nâng niu. “Sao có một dạo ông ấy dễ thương thế. – Chị nói. – Bây giờ thì chỉ dạy dỗ, khuyên bảo suốt ngày !” Chị lại ve vuốt con Mi-mô-sa, thì thầm: “ Sầm Sơn năm nay đẹp lắm, mày có nhớ Sầm Sơn không con, Mi-mô-sa?” Hảo thầm đoán là ở Sầm Sơn con chó nhỏ này đã đóng được một vai trò gì rồi.
Anh không nhầm. Ba hôm sau, một chàng trai, trẻ hơn chị vài tuổi, đến nhà. Anh ta dắt chiếc CBT 125 màu nòng súng vào sân, cởi chiếc mũ mô-tô khỏi đầu rồi nhoẻn miệng cười với ngôi nhà. Hảo vì nể nhìn chiếc xe mới thấy lần thứ hai trong đời, lần đầu Tứ giới thiệu nó cho anh ỡ bãi xe, nói rằng ở cái thành phố ăn chơi đồ Nhật này chỉ mới thấy xuất hiện vài cái. Anh gọi chị xuống, bàn giao khách cho chị rồi vào phòng với thằng Cu. Người khách nhìn anh không chút ngạc nhiên như chính anh ta đã từng mướn vài chục thằng đầy tớ cỡ đó.
Họ nói chuyện với nhau trong phòng khách. Rồi chị thét bà Múi ra chợ. Bữa trưa có bún chả, ốc nhồi thịt và một chai Giôn bộ 1 giá nửa chỉ vàng khách mang tới và những gói kem vừa đông lạnh trong chiếc máy làm kem sau cốp xe. Hảo cùng ngồi ăn với họ. Hợp đồng đã ghi có ăn trưa. Chị uống vài hớp rượu quý nói luôn mồm, cười luôn miệng, trông chị trẻ ra mấy tuổi so với ngày hôm qua. Chị giới thiệu khách với Hảo: Anh X. đây là con ông Y., gọi ông Z. bằng bác họ (Hảo nghe tiếng họ từ lâu), tốt nghiệp đại học ở Ba Lan, mười năm nay đi đi về về, không quốc tịch, không hộ khẩu, hộ chiếu ba năm đổi một lần (cái khoản này thì chính tôi cũng không hiểu vì sao mình có – anh nói – lúc cần cứ hỏi pa-pa), nay là nhà kinh doanh bự, nguồn vốn không xác định rõ nhưng lớn lắm và đảm bảo là không có chuyện Nguyễn-Văn-Mười-Hai 2, buôn bán từ đầu vi-đê-ô đến chổi đót xuất khẩu... Anh đây còn có một căn hộ ở Vác-xa-va, giữ thường xuyên một phòng ở Pa-lat Sin-ga-po và vừa bay từ đó về tuần trước. Chị nói: “ Ở Sầm Sơn ông Vị tâm sự với tôi rằng, không có các ông thì bọn trẻ bố láo đảo lộn cơ đồ lên mất. Nhưng khốn nỗi ông ấy khôn g phân biệt được cá thu khô với cá thu tươi ở chợ cá Sầm Sơn, phải không Mi-mô-sa?” Con chó vắt ngang trên đùi chị ư hử đồng tình. Chị tiếp: “ Theo tôi những người như anh X. đây...” Anh X. đây đưa bàn tay lên. “Hẵng khoan, hồi nãy em nói gì nhỉ. À, ông ấy đã, đang và sẽ... còn anh thì ngay cả khi dùng tiếng Anh, anh không bao giờ chia động từ theo thì quá khứ và tương lai cả. Tôi đang nói, tôi đang sống. Thì hiện tại muôn năm!” Anh hạ bàn tay xuống và nhón một con ốc nhồi thịt. “Để em nói hết đã mà! Theo em thì chính những người như các anh sẽ đưa chúng ta ra khỏi cuộc khủng hoảng. Có phải thế không anh Hảo?” Hảo nghĩ, không biết chị nói cuộc khủng hoảng nào, của đất nước hay của chị? Anh đáp : “Tôi không sành chính trị nhưng tôi biết chắc muốn giải quyết vấn đề thì ai cũng phải cứng rắn”. Chị là người thông minh. Chị cười hồn nhiên: “Anh nói đúng chóc! Phải thế, chứ như ông Vị thì... như con sứa ấy!” Người khách tỏ ra kém thông minh và ghen tị nhỏ nhen khi thấy chị vừa khen anh người làm nói leo. Anh mím cái miệng đỏ hồng riết róng, nhìn đĩa trứng vịt lộn chưa ai đụng tới rồi quay sang chị: “Vấn đề là tiền! Em mua quả vịt lộn này bao nhiêu ? Bảy trăm à? Tôi hứa, nếu em ra lệnh, trong ngày mai tôi sẽ (lại sẽ rồi – Hảo nghĩ) có đủ tiền hạ giá trứng vịt lộn ở thị trường thành phố này xuống một nửa. Và tôi giữ giá đó trong một tuần, em chịu không?” Chị lại cười ré lên, lần này vì lòng tự ái được ve vuốt. Hảo nhăn mặt cố nghĩ xem vị anh hùng này làm cách gì và sẽ bỏ ra bao nhiêu để hạ giá trứng vịt lộn xuống còn một nửa. Nếu anh ta làm được như thế, Hảo sẽ cố tranh thủ ăn lấy vài quả, mấy lâu nay anh quên mất thứ thực phẩm dành riêng cho những tay bá chủng heo nọc này rồi. Nhưng thật ớn những trò nói khoác. Suy cho cùng là do lỗi của đế quốc Anh. Chúng sản xuất ra thứ Johnny Walker ngon quá. Sau khi chấm nước mắt do trận cười, và không ngừng bị ám ảnh bởi từ “cứng rắn” anh vừa phát hành, chị hỏi Hảo: “ Còn anh, anh nói nữa đi, ý anh thế nào?” Hảo đáp: “Xin lỗi, tôi không sành chính trị”. Nhà kinh doanh giơ tay lên như ông giáo trẻ dạy cho chú học trò chậm hiểu: “Đây không phải là chính trị. Đây là chuyện làm cường dương cả một thành phố. Chúng ta x ẹp như dán quá lâu rồi!” Chị lại cười, làm một cử chỉ e lệ gọi là, rồi nói: “Anh yêu, thế thì anh hạ giá trứng vịt lộn đi!” Hảo muốn kìm sự hưng phấn đang quá đà do chai rượu Anh gây ra. Anh hỏi anh yêu: “Bao giờ thì anh định cư hẳn trong nước để làm ăn?” Anh yê u lấy khăn lau miệng, nói qua kẽ răng: “ Khi nào chúng tôi có đại biểu trong quốc hội – Anh cười tinh quái – Nếu không thì ai bảo vệ vốn liếng của chúng tôi chứ?”
Sau bữa trưa, họ lên phòng của chị. Hảo trở về cái đi-văng. Thằng Cu đã ngủ, cạnh nó là một cái bô đầy. Anh múa tiếp điệu vũ của mình rồi nằm xuống cạnh nó. Tiếng nhạc êm dịu lọt qua bức trần xuống tai anh. Đó là những bài hát tiền chiến rất quen thuộc. Anh nhớ mẹ lạ lùng. Cái hố trống trong ngực anh to dần ra, to mãi đến hư vô. Bữa cơm quá tải làm anh khó ngủ. Anh nhớ mẹ cũng giàu, cũng sang trọng, sang trọng cả lúc không còn giàu nữa. Cả trong những ngày chiến tranh liên miên. Tất cả vàng bạc, hạt xoàn mẹ đưa anh, lúc đó mới ba tuổi, để tự tay anh thả vào khe của cái hộp gỗ sơn son trong Tuần lễ vàng. Mẹ bảo với bố: “ Tôi gánh gạo đường xa cho các con”. Miếng vườn cả nhà vỡ hoang ven bờ suối dưới sự chỉ huy của mẹ, tiếng vo gạo buổi sáng, nước gạo chảy men bờ như sữa. Chim hoạ mi hót sau mấy cây ổi mẹ trồng, con rắn mai gầm lâu lâu lại xuất hiện, chạy qua sân rồi biến mất trong đám hương nhu, làm thành một sự kiện trọng đại. Rồi cái tang đầu tiên: bố chết vì bom bi trong một trận oanh kích. Cái tang thứ hai, người anh cả ở Trường Sơn. Đến lượt anh, đứa con yêu của mẹ cũng biến mất ở chân trời Đông Âu, mang theo hy vọng về một cuộc sống tử tế của cả nhà. Lúc anh về thì mẹ đã mất. Và cùng với mẹ là cả một vũ trụ đáng kiêu hãnh và nuốt tiếc cũng mất nốt. Hảo như đui mù. Anh không được chuẩn bị cho sự nghèo khổ và bệ rạc, không được chuẩn bị để sống với người vợ trước đây để sống trong cảnh ngộ hiện nay. Không chuẩn bị để thành người ở, làm công cho người đàn bà thông minh nhưng tinh quái, có lương tri và dâm đãng nữa. Anh cố nghĩ một tính từ khác nhưng không được. Thú thực là anh ghét và ghê tởm khi chị dám cả gan và sai lầm khi đồng loã đánh giá nền chính trị thông qua những người đàn ông liệt dương trên giường mình, dù trong đó có cả một ông xếp không ra gì của Hảo. Và cũng thật khó chịu thấy mắt chị sáng lên khi con dê cỏn dằm đô-la kia đòi có ghế trong quốc hội của nền vô sản chuyên chính. Khi đó anh tưởng nếu có cuộc bầu cử thì chị sẽ bỏ cho y ta mười phiếu một lúc. Nhưng tại sao chị vẫn phát tiền công cho anh hàng tháng? Tại sao chị vẫn làm cho anh có cảm tình và nhiều lúc thèm muốn chị nữa? Tại sao chiếc CBT 125 giá ba mươi triệu ở ngoài sân kia vẫn đè cái bóng cao cả của nó lên những giấc mơ nghèo khổ của anh? Tại sao cái thế giới êm dịu và lung linh những ước mơ của mẹ, và cũng cả của anh nữa lại biến mất dễ dàng đến thế? Phải chăng sau một sự kiện kinh hoàng năm đó, lời lão thầy bói đã ứng nghiệm? Mùa hè ấy, thời tiết bình thường, mẹ cho ấp một ổ gà, khi nhấc xuống, trong ổ lúc nhúc một bầy rắn con, còn mấy cây ổi sau nhà thì ra mười ba quả bứa chua loét. Hôm ấy một lão thầy bói ôm tay nải qua làng. Mẹ làm thịt một con gà giò, ông ta xem chân gà rồi nói: “ Ông tổ nhà này ngày xưa nhiều thất đức. Bà hãy cẩn thận. Trong nhà này rồi sẽ có người đi ở !” Ông ta còn nói những chuyện nhảm nhí khác. Dân quân xóm trói ông vào một cái cọc, phơi nắng nửa ngày rồi mới cho đi. Năm đó bố chết, rồi đến anh cả. Gia đình trĩu nặng tang tóc. Bây giờ đứa con út của mẹ đi ở.
Tiếng nhạc buồn phòng trên ngừng bặt. Cái đầu vi-đê-ô bắt đầu rên rỉ những pha phim xếch (trước đây chị vẫn dùng cái hộp nhựa Nhật Bản ấy để khởi động nhà đạo đức luống tuổi của chị). Rồi tiếng rên điện tử cũng im nốt nhường chỗ cho nhạc đời hang động. Con Mi-mô-sa bị bỏ rơi buồn bã vào phòng, liếm bàn tay Hảo thõng xuống đi văng. Anh nhấc nó lên, kéo tai nó, tên ma cô mất dạy, thằng mối lái vô phúc, những con chó nhỏ vô tích sự thời Sê-khốp hay thời hiện đại đều thế cả. Nằm trong lòng Hảo, nó nhìn lên trần như anh, có thể nó còn thấu suốt hơn anh bằng bản năng chó của nó.
Một tuần lễ liền ngôi nhà yên tĩnh ở góc phố ròn rã tiếng CBT 125. Những bữa cơm trưa quá tải với sự đồng loã tội lỗi của những chai rượu Anh và kỹ nghệ vi mạch Nhật Bản. Nhưng chủ nhật anh ta không đến. Chị đưa tiền lương cho Hảo, tăng lên hai trăm ngàn (để bù trượt giá, chị nói) và giữ anh ở lại ăn cơm tối với chị. Chị buồn, nét mặt căng thẳng tuy vẫn kiêu sa. Hảo đã nếm mùi những cơn cớ tâm sự của chị. Họ lấy ghế vải ra ngồi ở sân sau. Chị nói: “ Anh tiên tri thật! Giá không mang Mi-mô-sa đi thì tôi đâu có rước ngữ ấy về nhà!”
Chị nhìn anh với đôi mắt của người vừa thoát khỏi tai nạn. Như một nhà thám hiểm Nam cực sống sót, chị kể cho Hảo nghe chuyện mấy ngày ở Sầm Sơn. Hôm ấy, chị để Mi-mô-sa trên bờ biển để xuống tắm với ông Vị. Họ tìm một góc vắng. Vì hễ hai người mặc áo tắm đi vào đám đông là y như lũ trẻ la lối: “Bố ơi, bố nhường chúng con đi bố!” Tuy khó chịu vì thứ ngôn ngữ máy nước ấy, nhưng từ cái góc vắng kia chị vẫn nhìn về phía một bộ phận nhân loại trẻ trung và thô bỉ một cách chân thành ấy. Còn ông Vị thì tìm mọi cách để sử dụng đôi bàn tay vàng. Ông càu nhàu: “ Tại sao em lại không mặc bộ bi-ki-ni hai mảnh của Thái ấy?” Ông vẫn thường phàn nàn mốt Hà Nội dạo này quá hở hang, nhưng trong một chuyến đi Băng Cốc về, chính ông đã mua tặng chị hai bộ bi-ki-ni ấy. Hôm đó chị cố ý mặc bộ đồ tắm cổ điển được mậu dịch quốc doanh đứng đắn của chúng ta phát hành những năm bảy mươi sau khi mẫu đã được sở văn hoá xét duyệt. Một bộ đồ tắm có thể cấp bằng tiết hạnh khả phong. Ông Vị đành phải đầu hàng bộ đồ ông đã từng duyệt mẫu trước đây. Bực bội vì ông lão sắp bị giảm biên chế ngầy ngà, chị quên mất con Mi-mô-sa. Trời lại đổ một trận mưa nữa. Thế là họ lạc mất con chó. Đến chiều tối, sau khi ăn cơm xong, khi ông Vị đang càu nhàu lên án bộ đồ tắm khốn nạn, trút lên nó những từ người ta thường chỉ dùng trong các cuộc tranh luận triết học và đạo đức thì anh ta đến. Anh ấy ôm con Mi-mô-sa trên tay. Trong khung cảnh biển sau cơn mưa, chàng trai thật tuyệt vời. Chiều hôm sau, trong khi ông Vị đi nói chuyện về vai trò người phụ nữ mới (bài tủ của ông) cho công đoàn công ty du lịch thì chị với anh đi vào rừng thông. Chị cám ơn anh vì đã tìm hộ con Mi-mô-sa. Anh cám ơn vì chị đã làm cuộc đi biển cô đơn của anh có ý nghĩa. Anh gọi chị là bà làm chị kiêu hãnh, sau đó là chị làm chị ấm lòng và cuối cùng là em làm chị sung sướng. Cuộc cách mạng về xưng hô ấy chỉ diễn ra trong vòng mười lăm phút. Phút thứ mười sáu thì anh nói là anh đã thuê hai hec-ta rừng thông chiều nay để không ai được phép lai vãng qua. Phút thứ mười bảy thì lưng chị đã lấm đầy cát và sau đó chị bắt đầu cuộc hành trình vào thiên đường lần đầu tiên trong đời. Trước đây ông Vị chỉ mô tả cái thiên đường ấy cho chị bằng lý thuyết. Những pha mô tả của bọn nhà văn ba xu thường được thay bằng những dấu chấm chấm cũng không làm thoả mãn chị.
Tối đó, chị sang phòng ông Vị (họ vẫn thuê hai phòng từ lúc đến Sầm Sơn). Ông rất mừng vì chị đã tự nguyện nộp xác, vì buổi diễn thuyết thành công, “ chị em nuốt từng lời” và theo cá nhân ông thì cần phải khôi phục khí thế của phong trào ba đảm đang trước đây. Chị ngắt lời ông: “Anh yêu em đi!” Chị quyết định tặng ông một bữa tiệc chia ly no xôi chán chè như bữa cơm người ta vẫn thường cho tử tù ăn trước ngày ra trường bắn. Ông sững sờ vì hạnh phúc cũng như kẻ tử tù kia đang nằm mơ thấy cái cọc thì bỗng thấy trước mắt mình một con gà mái quay, nghẹn ngào nhìn nhưng không ăn được. Ông đổ tội cho tính đãng trí, bỏ quên chai rượu tắc kè ở nhà, chửi sự quản lý khách sạn xuống cấp vì cái giường cứ kêu cót két, chửi rủa cả cái váy ngủ của chị, làm gì mà phải dùng đến hai cửa ra vào làm ông lầm lẫn lung tung, sự xa xỉ điển hình của nền dân chủ tư sản!
Cũng như mọi lần, ông chẳng bao giờ chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thất bại nào. Tuy vậy ông vẫn trấn an chị: “Em hãy tin, tôi đã, đang và sẽ cố gắng...”
Sáng hôm sau chị giục ông ra về để kịp ngày hẹn với anh ấy, người đã mua hai hec-ta rừng thông một chiều cho chị.
Chị thở dài:
– Nhưng tôi lại chán ngấy anh ta rồi! Thằng tư sản mới cũng chẳng hơn gì lão già đạo đức giả? Sao cái số tôi nó nhọ thế này hả anh!
Hảo tự chửi mình vì quả thật trong anh có loé lên một chút hả hê dễ hiểu. Anh đứng lên, xin phép chị ra về. “Đừng vội, anh. – Giọng chị thân mật khác lạ – Anh về bây giờ thì tôi chết buồn mất. Tại sao tôi chỉ gặp phải lũ dở hơi? Chúng chui ở đâu ra lắm thế hả anh?”
Hảo cảm thấy sự chán chường của chị là thành thật. Nó lan toả trên da thịt anh cùng mùi nước hoa Pháp và hơi thở thơm tho của chị. Suy cho cùng thì chị cũng đáng thương. Ít nhất chị cũng có cái can đảm và hào phóng làm việc phân phối lại của cải đã trấn được của những thằng dại gái. Chị đã nuôi được một phó tiến sĩ bằng ba lần số lương chính của y, vớt y ra khỏi cảnh thất nghiệp dài dài được mã hoá bằng cụm từ nghiên cứu có tính chiến lược trong cái vỏ những đề tài không ai cần đến. Nhưng anh cứng rắn trở lại, kiên trì sự đố kỵ muôn thuở của người nghèo, sự ghê tởm của hàn sĩ bị phỉ báng. Rồi anh khôn khéo đứng lên.
Số phận xô đẩy anh theo hướng khác. Mấy tuần sau chị ốm. Thóc mách như một thằng ở thực thụ, anh đoán thầm nhà kinh doanh không quốc tịch kia đã kịp đầu tư một vật lạ vào nội địa trước khi bị trục xuất. Anh lên thăm chị, vừa là phải phép vừa bị lòng nhân ái thúc bách. Chị nằm bất động trên giường, tay duỗi ngoài chiếc chăn mỏng. Chị đập nhẹ bàn tay như cánh bướm bảo anh ngồi xuống mép giường cạnh mình. Vì mấy cái ghế xếp Nhật Bản đã bị thu lại và cũng không thể ngồi lên cái táp-đờ-nuy, vật duy nhất có thể ngồi lên trong phòng, anh đành chiều ý chị. Tay anh run lên khi nắm lấy cái mép giường. Chị nhìn thấy tất cả trong một cái liếc mắt rồi cầm lấy tay anh, bàn tay chị dịu dàng như cánh bướm cầu xin sự giúp đỡ. Chị nói: “Anh có thể thu xếp đi với tôi một vài ngày không?”. Anh nhìn con Mi-mô-sa nằm duỗi dưới chân không đáp.
Rồi anh đi với chị sau khi hai người đã thu xếp được người trông thằng Cu và nhà cửa. Anh sẽ phải đưa chị về một bệnh viện nhỏ nào đó ở Hà Nội. Đúng như anh đoán, chị cần tống khứ nhanh chóng giọt máu được đầu tư một cách vội vã của nhà kinh doanh trẻ. Chị cần anh đóng vai một người chồng cho đỡ tủi thân và hợp lý. Từ khi mới đi lại với nhau, ông Vị đã yêu cầu chị làm việc này ở bất cứ chỗ nào cũng được trừ ở thành phố ông đang nổi tiếng và có quyền lực. Bởi vì dù đứa con trong bụng chị là của ai thì dư luận cũng sẽ nghĩ là của ông, điều ấy rất bất lợi cho ông trong những cuộc bầu cử. Vậy là quá đủ lý do để anh phải đưa chị đi.
Họ xuống tàu vào lúc sẩm tối rồi vào một khách sạn gần nhà ga. Cô tiếp tân nhìn họ một cách tình tứ, bảo họ có thể thuê một phòng cũng được. Chị thuê hai. Anh ghi nhận với chị cách làm ăn thoáng của ngành du lịch. Rõ ràng mọi việc đang đổi mới. Chị nói: “ Nhà trống thì phải thoáng!” Họ ở đêm đầu tiên trong bầu không khí hoà hoãn, không xâm lấn biên giới của nhau. Hôm sau chị vẫn không vào nhà thương ngay. Chị đòi anh đưa thăm các địa điểm nổi tiếng của Hà Nội. Anh đưa chị đi Văn Miếu để tỏ lòng yêu mến văn hoá nước nhà, đến cầu Thăng Long để ngưỡng mộ tình hữu nghị Xô-Việt. Cuộc đi chơi kết thúc ở hàng chả cá nổi tiếng giữa những ông tây bà đầm trả bằng đô-la. Thế là nhờ chị mà anh đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 9 năm trước thời hạn. Anh định đúng vào năm 2000 sẽ tập trung toàn lực đi ăn một bữa chả cá đầu tiên và cuối cùng trong đời. Ăn xong, uống cà-phê xong, cái hoá đơn đặt lên bàn làm anh suýt ngất tưởng như mình vừa mua cả tháp Ép-phen. Nhưng chị rút ví ra kịp thời, trên bộ mặt hơi xanh xao không chút cảm xúc. Anh nhẹ nhõm thầm nhận ra rằng, chị là người đàn bà đầu tiên đi ăn với anh mà anh không phải mó tay vào ví lần nào. Chị đòi đi Hồ Tây. Họ lên Hồ Tây. Cô bán hàng mang đến cho họ hai cái ghế mây cạnh gốc cây tù mù và hai chai nước ngọt do Viện kiểm sát nhân dân thành phố X. sản xuất. Chị nắm tay anh: “Anh mệt không?” Anh nói: “ Văn hoá chỉ khác tình dục ở chỗ nó làm cho con người ta hào hứng mà không mệt”. Chị mỉm cười: “ Thế thật! Ở Hà Nội có người đã chi cho tôi hai triệu một ngày nhưng không hề dẫn tôi đến một di tích văn hoá. Trí thức các anh dễ thương thật” . Anh nghĩ: có lẽ công thức trước đây của họ là: Quán đặc sản - giường ngủ. Còn trí thức: Văn Miếu - Nhà triển lãm Ngô Quyền. Vào cửa hai trăm đồng một vé, kem que cạnh đó cũng hai trăm mà những ba màu. Trí thức nói chung là ít phải trả tiền dù đi với mỹ nhân. Chỉ hơi tốn nước bọt mà thôi. Thời nào cũng vậy.
Chị không để anh có thì giờ suy nghĩ lan man. Chị xiết mạnh tay anh, bàn tay chị ấm nóng: “ Vậy mà tôi chưa bao giờ lọt được vào mắt xanh một anh trí thức”. Anh nói: “Vì chị quá đẹp còn họ thì quá nghèo. Thánh nhân đãi khù khờ chứ đâu có phù hộ người hay chữ”. Chị bình luận: “ Thánh ghen tỵ đấy mà! Chắc cũng có một nữ thánh nào đó ghen ghét tôi. Tôi cố tìm lấy một người mà không thấy...” Chị thở dài. Cái khuynh hướng phủ nhận sạch trơn ba bốn mạng đàn ông một lúc của chị làm anh khó chịu. Nhưng anh thấy mủi lòng, bản chất hay dao động của trí thức. Anh nói: “Rồi chị sẽ tìm thấy”. Chị đột ngột nhìn vào mắt anh: “Anh có biết tại sao chồng tôi cứ nằm lỳ ở Hồng Kông không về? Anh thử đoán xem!” Anh im lặng. Chị nói:
– Anh ấy bị SIDA! Thật tồi tệ. Hành động yêu nước cuối cùng của anh ấy là đề nghị HU 3 đăng ký mình vào danh sách bệnh nhân của Hồng Kông chứ không phải nước ta. Gian lận thêm cho bọn tư bản một người sa đoạ cũng chẳng oan gì.
Anh cảm thấy chạm được bằng xúc giác nỗi đau khổ của chị. Giọng chị trở lại bình thường:
– Tôi đòi ly dị, nhưng ông Vị khuyên tôi: “ Đừng có đánh mất lòng tin. Khoa học sẽ chữa được cái bệnh tai quái đó. Rồi ngày nào đó chồng em sẽ về”. Như thơ Xi-mô-nốp vậy. Tôi thì biết thừa tim đen của ông. Nếu ly dị lỡ tôi đòi lấy ông, như thế thì sự nghiệp ông tan tành. Vả lại ngân sách ái tình của ông ấy được tư bản Hồng Kông trợ cấp một nửa, nửa kia moi ruột nhà nước thì tiện bao nhiêu. Tôi nói về ông ấy như vậy anh có coi thường tôi không?
Anh đáp: “Tôi là nhà khoa học. Tôi thích có dữ kiện trong mọi vấn đề”
– Tôi căm ghét ông ấy còn vì câu chuyện khủng khiếp này nữa. Hôm đó chúng tôi đi xem xi-nê với nhau. Lúc chen chúc vào rạp, một bà nọ dẫm guốc bảy phân lên chân tôi. Tôi la trời. Đáng lẽ một câu xin lỗi là xong, chị ta lại chối bay biến và còn chửi tôi nữa. Chúng tôi túm tóc nhau lời qua tiếng lại. Không biết vì vô tình hay cố ý, chị ta chửi tôi là “ con đĩ non xí xớn với thằng dê già!”. Ông Vị tím mặt. Người ta mời chúng tôi vào phòng bán vé. Khai tên tuổi, nơi làm việc và xin lỗi nhau. Tối hôm ấy trên giường nhà tôi, ông ấy chỉ vặn hỏi tôi về người đàn bà ngoa ngoắt nọ. Ông rút sổ tay ra ghi. Ba tháng sau, tôi gặp lại chị, thân tàn ma dại ngồi bán rau. Chị buộc phải thôi việc, chồng chị nghỉ bảy mươi phần trăm, hai con nhỏ. Tôi hỏi chị vì sao nên nỗi thế. Chị làm thủ kho, để thất thoát hai mươi mốt miếng xà phòng bảo hộ lao động. Tôi thì tôi biết con nhện nào đã dệt tấm lưới bắt con ruồi cái ốm đói kia. Tôi van xin ông ấy. Nhưng ông chỉ cười gằn: “ Phải nghiêm để nâng cao dân trí”. Thế đấy. Ông trả công tôi bằng cái quyền chính là thứ tôi và anh, cả chị thủ kho kia nữa đã cho ông ấy. Còn thằng cha đầu tư? Nó làm tôi sung sướng nhưng nó trả tiền tôi từng ngày, có khi hàng triệu, nhưng trả từng bữa, nghĩa là trả theo sản phẩm. Nó bảo cả thế giới người ta đều làm như thế.
Chị buông tay anh, ôm mặt. Anh không thể ngồi im. Anh lặng lẽ lấy tay vuốt tóc chị, trong lòng trào lên thứ tình cảm của người anh trai. Chị ngước mắt nhìn anh vẻ biết ơn: “Anh khác họ nhiều lắm!” Rồi chị vòng tay qua cổ anh, chị hôn anh.
Đêm ấy chị sang với anh. Ngon lành và thơm như một múi mít và thanh thản nữa. Anh không dối mình đã hơn một lần anh thèm muốn chị. Nhưng giờ đây anh lạnh băng. Cũng chẳng phải anh trinh bạch như gã chăn cừu của Đô-đê nâng niu giấc ngủ của cô chủ trên vai mình. Chị cũng không phải là một vì sao lạc. Chị phô bày cái bản năng dữ dội nhưng bao giờ cũng hồn nhiên của một người đàn bà. Nhưng anh không thèm chị. Giá chị để cho anh bình tĩnh, anh sẽ an ủi chị như một người anh. Nhưng chị đã quýnh lên và cáu: “Trí thức chỉ là thế này thôi à? Trong sách người ta không dạy anh ư?” Chị hạ mình trước anh, làm cả những điều chị chưa hề làm với người khác. Nhưng anh chỉ rúm ró lại trong nỗi đau của một hàn sĩ. Chị trần truồng đi ra cửa để về phòng mình, ném đại mảnh vải Thái Lan nhỏ xíu vào mặt anh rồi rít lên trong cơn giông bão đàn bà: “ Lại một con sứa nữa! Tôi còn căm ghét anh hơn cả ba thằng kia!”
Một tháng sau, khi đã bình phục sau trận ốm, chị cho một anh xích-lô gửi nhờ xe. Anh ta kể: nhà, vợ con anh bị cháy thành tro, hai tháng nay anh ngủ trong xe ở sân ga, chân cầu. Bà Múi thầm thì với Hảo: “Cứ cách một đêm hắn lại lên phòng ngủ với cô. Thằng khốn nạn!” Hảo bảo bà: “Ơ -rê-ka! Cô chủ đã tìm thấy!” Bà ta chưa được học tiếng Hy Lạp, tưởng anh điên, chạy biến vào bếp.
Tiếng Anh cuối cùng Hảo dạy cho thằng Cu là The Man – người đàn ông. Hôm sau anh thôi việc. Anh lững thững đi bộ về nhà. Trời sẩm tối. Một đoàn tàu hàng dừng lại sân ga. Anh nhìn thấy công nhân xếp dỡ đang chuyển xuống đất mười hai toa tàu trứng vịt lộn. Những sọt trứng toả ra một vòng hào quang, những quả trứng nhú khỏi đám cọng rơm như đầu những dương vật của một loại người hùng mạnh chưa từng có. Cũng chưa từng có công ty nào ở thành phố này buôn về một số lượng nhiều ghê gớm như thế.
Sáng hôm sau trên các phố nhan nhản biển hàng viết bằng phấn: vịt lộn – hạ giá năm mươi phần trăm! Người ta lo ngại xì xào rằng, một năm nữa dân số của thành phố chắc sẽ phát triển vô tội vạ.
Trại sáng tác văn xuôi Hải
Phòng
Tháng 7. 1991
Nguyễn Quang Thân
(Văn Nghệ, số 43 (1659), 26.10.1991)
1 Johnny Walker, nhãn rượu whisky
2 giám đốc công ty Thanh Hương, đã làm sạt nghiệp hàng chục ngàn người gửi tiền lấy lời. Vụ xì-căng-đan Nguyễn Văn Mười Hai đã kéo theo dây chuyền phá sản hàng chục hợp tác xã tín dụng từ Sài Gòn đến Hà Nội.
3 phiên âm từ WHO, tên tắt tiếng Anh của Tổ chức y tế thế giới, mà tên tắt tiếng Pháp là OMS.
Các thao tác trên Tài liệu