Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 6 / Trung tâm đại học Thăng Long Đã 3 năm

Trung tâm đại học Thăng Long Đã 3 năm

- Colette Andrieu và Bùi Trọng Liễu — published 08/09/2008 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:38
 
 

Trung tâm đại học Thăng Long
Đã 3 năm

 

Colette Andrieu và Bùi Trọng Liễu 1

 

Đã ba năm rồi, kể từ ngày Đại học Thăng Long mở cửa. Nhân dịp này, chúng tôi xin được tóm tắt vài lời sơ kết, nhìn từ Pháp.

1. Những nghi ngờ lúc đầu từ nhiều phía 2 dần dần đã tan bớt, nhường chỗ cho những đánh giá đúng mức hơn. Điểm qua những thành tựu của Thăng Long: sinh viên đã sang năm thứ 3; không khí học hành nghiêm chỉnh; kỷ luật nghiêm túc; thày dạy được lựa chọn ở mức cao; chương trình giảng dạy có mức độ quốc tế 3; quản lý có nề nếp và tiết kiệm; giao dịch quốc tế được mở rộng 4. Với sự thành lập của Thăng Long, vấn đề lý lịch (trong việc học) không còn nữa; vấn đề chảy máu chất xám được đặt ra với một hướng giải quyết; việc công chúng so sánh mức độ học hành và giảng dạy giữa các trường đã buộc mọi trường – dù là quốc lập hay dân lập – phải nhìn lại chương trình học và quản lý của mình; việc công chúng quan tâm và tham gia vào việc học hành của con em mình và việc nêu lại một số giá trị đạo đức, tất góp phần cho sự phục hưng của một xã hội dân sự (société civile). Ngoài ra, Thăng Long đã nêu lại sứ mạng của một nền đại học (theo tiêu chuẩn của thời đại, ở các nước phát triển): truyền bá sự hiểu biết, thông tin khoa học và kỹ thuật, mở rộng văn hoá, nâng cao trí tuệ, tính độc lập suy nghĩ, hợp tác quốc tế và hoà nhập vào sự tiến triển chung của thế giới, chứ không chỉ đào tạo nghề nghiệp (theo nghĩa hẹp) mà thôi.

Có lẽ nay có thể coi thái độ của giới cầm quyền đối với Thăng Long như là một sự công nhận “tính chất có căn cứ” (bien-fondé) của thí điểm Thăng Long 5.

2. Bên cạnh những điểm đạt, cũng xin nói những điểm không đạt của Thăng Long: vì ngân quĩ eo hẹp, chỉ mở có một ngành; vấn đề trường sở chưa giải quyết nổi6; Thăng Long chưa có sức thuyết phục cảnh tỉnh rằng nhu cầu ưu tiên cho Việt Nam là việc đào tạo tại chỗ, chứ không phải là việc đóng góp cho một số tài năng trẻ rời bỏ Việt Nam để tìm đường tiến thân ở nước ngoài; tại Việt Nam thì người hưởng ứng quá nghèo không thể đóng góp cho Thăng Long mở rộng; bên ngoài Thăng Long được sự giúp đỡ của một số hội đoàn, vài nhà xuất bản hảo tâm và vài chục cá nhân đóng góp vì nghĩa cả và đạo lý, nhưng chưa thuyết phục nổi các nhà kinh doanh về sự lợi ích lâu dài của việc tham gia hỗ trợ một nền giáo dục đào tạo không chỉ nhằm phục vụ nhất thời...

Trong tình trạng đó, có lẽ vấn đề ưu tiên của Thăng Long là tồn tại lâu chừng nào hay chừng nấy, hơn là khuếch trương. Tất nhiên Thăng Long không thể (và chưa hề có ý định) thay thế cho tất cả; nhưng nó đóng vai trò một động lực thúc đẩy sự đổi mới.

3. Nhưng trong cái hiện tại đầy khó khăn, gian nan này, Thăng Long còn là một giấc mơ. Mơ về quá khứ, trở về năm 1076, dưới triều Lý, Quốc tử giám – một thứ đại học theo tiêu chuẩn của thời đó, mà không phải nước nào cũng có – được thành lập, mở ra một nền học vấn có qui củ cho Việt Nam... Mơ về tương lai, về một ngày nào đó, khi đông đảo người chấp nhận cái ý rằng đất đai Việt Nam chỉ đủ để là nơi bảo đảm một cuộc sống ổn định và đàng hoàng cho gần 70 triệu con người với điều kiện đó là những con người có học thức, có một trình độ văn hoá.

Đã ba năm qua. Thời gian ba năm rất ngắn so với lịch sử của một nước, nhưng so với một vài độ dài thời gian trong quá khứ, ví dụ 9 tháng của trường Đông Kinh nghĩa thục 7 thì 3 năm cũng là một thời gian khá dài.

Quí vị muốn chia sẻ giấc mơ này, xin hãy cùng chúng tôi tiếp sức cho Thăng Long. Chúng tôi xin gửi đến các ân nhân của Thăng Long lời chân thành cảm ơn.

21.2.1992

 

 

1 Tổng thư ký và chủ tịch của hội A.U.V.F. (Amitié Universitaire France-Vietnam), 16 rue du Petit-Musc, 75004 PARIS. Có thể hỏi bản tiếng Pháp Thăng Long, trois ans déjà ở AUVF.

2 Báo chí và truyền thông phương Tây hồi đó (như The New York Times, The International Herald Tribune, đài M6, Le Monde de l'Education, FEER... và gần đây CNN, CBS...) và chính giới, thì đánh giá Thăng Long như một bằng chứng của sự đổi mới và mở cửa của Việt Nam. Báo chí và truyền thông của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu thời đó thì tìm hiểu xem Thăng Long có phải là một triệu chứng của sự “lệch đường” của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không. Trong khi dư luận nói chung ở Việt Nam hưởng ứng (kể cả qua báo chí), thì từ nước ngoài – bên cạnh những nhiệt tình – cũng có những thờ ơ, gán ghép hoặc ganh tị vu vơ.

3 Giáo sư viện sĩ Laurent Schwartz, cựu chủ tịch Uỷ ban đánh giá đại học Pháp (Comité d'évaluation des universités françaises), sau chuyến thăm Thăng Long cuối năm 1990, có làm một bản đánh giá rất tốt về trình độ Thăng Long (xem Đoàn Kết bộ cũ, số 433, 1991).

4 Được sự giúp đỡ vật chất của các tổ chức CCFD, AEFA, France-Libertés, Hội người Việt Nam tại Pháp và các Chi hội Lille và Puy-de-Dôme... Bà Danielle Mitterrand, chủ tịch France-Libertés, thăm Thăng Long tháng 5.1991 (lý do chính thức sang Việt Nam của bà là lời mời của Ban giám đốc Thăng Long). Thăng Long có trao đổi với ISG, và đang cố gắng mở quan hệ với một số nơi, như đã liên lạc với AUPELF (Hội các đại học sử dụng hoàn toàn hay một phần tiếng Pháp)...

5 Sau ngày khánh thành 21.2.1989 tại Văn Miếu, với sự có mặt của Phó chủ tịch Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Trần Hồng Quân, và sau một thời gian lâu quan sát, ngày 25.10.1991, Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Nguyễn Khánh và Bộ trưởng giáo dục và đào tạo Trần Hồng Quân đã đến thăm Thăng Long và đánh giá tốt. Một qui chế về các “đại học tự quản” đang được soạn thảo. Theo dự thảo, “đại học tự quản” gồm 2 loại: “đại học bán công”, nếu tỉ lệ đầu tư cơ sở vật chất ban đầu của Nhà nước chiếm từ 50% đến 100%, và “đại học dân lập” nếu tỉ lệ đó là 0%. Quyền tự quản của nhà trường gồm: tự đề xuất chương trình và ngành nghề đào tạo; tự đưa ra qui chế tuyển sinh và thoả thuận sử dụng thày giáo theo qui chế hợp đồng; tự quyết định về tài chính; tự chủ trương trong việc thiết lập các mối quan hệ trong và ngoài nước.

6 Trong vòng 3 năm, Thăng Long đã phải đổi nơi giảng dạy 4 lần.

7 Trường hoạt động 9 tháng năm 1907. Chúng tôi chỉ so sánh tuổi thọ, và ngưng ở đó.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss