Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 6 / Việt Nam... đã qua... sắp tới...

Việt Nam... đã qua... sắp tới...

- Diễn Đàn — published 08/09/2008 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:38

 

Việt Nam... đã qua... sắp tới...

 

Ngoại thương 1991: cân bằng

Theo nhà báo Murray Hiebert, mặc dù bị Liên Xô cắt viện trợ và chấm dứt buôn bán với giá ưu đãi, mặc dù bị mất mùa (mất hơn 1,5 triệu tấn gạo) vì lụt lội và thời tiết lạnh, Việt Nam đã giữ được cân bằng về thương mại nhờ tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu một cách nghiêm ngặt. Theo ước tính chính thức, trong năm 1991, Việt Nam đã xuất sang các nước không cộng sản 1,9 tỉ đô la Mỹ so với 1,2 tỉ vào năm 1990. Gần 30% số đô la thu được là nhờ bán dầu thô tăng từ 2 ,5 triệu tấn lên 3,9 triệu tấn. Lượng than xuất khẩu cũng tăng thêm 50% (lên đến 1,2 triệu tấn). Trong khi đó, lượng lương thực xuất khẩu giảm từ 1,4 triệu tấn xuống 1 triệu tấn (tổng sản lượng lương thực dừng lại ở mức 22 triệu tấn).

Vì chỉ bán sang Liên Xô được có 85 triệu đô la hàng công nghiệp so với 1 tỉ rúp trong năm 1990 (bằng 1,8 tỉ đô la theo hối suất chính thức), Việt Nam bị thiếu hụt nghiêm trọng về vải sợi cũng như máy móc thiết bị may mặc và đóng giày.

Vì không được tín dụng rẻ của Liên Xô, theo ước tính chính thức, Việt Nam cắt giảm nhập khẩu từ 3,7 tỉ đô la xuống 1,9 tỉ, nghĩa là ngang với xuất khẩu.

Vào tháng 10.1991, chính phủ cấm nhập hàng tiêu dùng cho đến năm 1992 và quyết định từ nay việc nhập tư liệu sản xuất như xăng dầu, phân bón, máy móc và nguyên liệu phải được cấp bộ chuẩn y.

Hiện nay, Xinh-ga-po trở thành bạn hàng số một của Việt Nam. Trong năm 1991, hàng nhập vào Việt Nam thông qua Xinh-ga-po tăng từ 6% năm 1990 lên 32% và hàng xuất tăng từ 8% lên 32%.

Trong năm qua, Việt Nam đã chuẩn y 149 dự án đầu tư trị giá 1,2 tỉ đô la, gấp đôi năm 90. Gần 661 triệu đô la được dành cho những kế hoạch công nghiệp, so với 108 triệu vào năm trước.

Nhu cầu ngoại tệ để trả tiền hàng nhập – và ít nhất 300 triệu đô la hàng buôn lậu – làm suy yếu nghiêm trọng đồng tiền Việt Nam. Vào giữa năm 91, đồng tiền VN đột nhiên mất giá rồi đứng lại được trong mấy tuần qua vì dường như chính phủ đã quyết định bán ra thị trường tự do 1 tấn vàng để chặn đứng sự mất giá này.

(FEER 23.1.92)

Lạm phát 91: 60%

Từ tháng 3.91, tỉ lệ lạm phát của Việt Nam là 4% mỗi tháng, rồi tăng lên 5,6% vào tháng 11 và 6,1% vào tháng 12. Tỉ lệ lạm phát cả năm là 60%, thấp hơn sự dự đoán của các nhà kinh tế rất nhiều sau khi Liên Xô cắt viện trợ, như tăng thuế và giảm chi phí chính phủ.

Nhằm giảm lạm phát xuống còn khoảng 30 - 40% vào năm 1992, Hà Nội đã công bố chấm dứt bù lỗ cho những công ty quốc doanh có khó khăn về tài chính và tăng cường nỗ lực thu thuế. Theo lời bộ trưởng tài chính Hoàng Quy trước Quốc hội vào tháng 12.91, chỉ riêng các xí nghiệp quốc doanh đã nợ Nhà nước hơn 500 tỉ đồng.

(FEER 23.1.1991)

Việt kiều và kinh tế Việt Nam

Theo bà Ủ Thị Anh, phó ban Việt kiều thành phố HCM, trong 10 tháng đầu năm 1991, khoảng 52.000 Việt kiều đã về thăm thành phố, so với 42.000 người trong cả năm 1990. (Diễn Đàn số 2 đã đưa tin 300.000 Việt kiều đã về thăm quê hương trong 6 tháng đầu năm 91, thừa một con số 0!). Trong năm qua, Việt kiều đã đem hoặc chuyển về nước cả thảy 500 triệu đô la Mỹ, nhưng chỉ 10% số tiền này được gửi qua ngân hàng Nhà nước. Riêng thành phố HCM có khoảng 250.000 hộ có thân nhân ở nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 1991, những gia đình này nhận được vàng và tiền của thân nhân ước khoảng 150 triệu đô la, so với 100 triệu trong cả năm 1990.

Ngoài tiền giúp thân nhân và tiêu dùng tại chỗ khi về nước, một số Việt kiều đã mở những công ty trực tiếp làm ăn với trong nước, nhất là ở thành phố HCM. Năm qua, 60 công ty Việt kiều được giấy phép làm ăn ở thành phố đã nhập vào đây 63 triệu đô la hàng hoá, và xuất khẩu 19 triệu đô la hàng hải sản, nông sản và thủ công. Tuy nhiên, đầu tư của Việt kiều về nước còn nhỏ và đang có đà chậm lại thay vì tăng lên. Năm qua, có 16 dự án đầu tư của Việt kiều vào thành phố được giấy phép, với tổng số vốn 26 triệu đô la.

(theo M. Hiebert, FEER 23.1.1991)

Chia tỉnh

Kỳ họp cuối năm 1991, Quốc hội đã chấp thuận chia đôi 4 tỉnh sau đây:

– Thuận Hải chia thành hai tỉnh Ninh Thuận (tỉnh lỵ: Phan Rang - Tháp Chàm) và Bình Thuận (tỉnh lỵ: Phan Thiết)

– Cửu Long chia thành Vĩnh Long và Trà Vinh (tên tỉnh lỵ trùng với tên tỉnh).

– Hậu Giang chia thành Cần Thơ và Sóc Trăng (tên tỉnh lỵ trùng với tên tỉnh).

– Hà Nam Ninh chia thành Nam Hà (tỉnh lỵ: Nam Định) và Ninh Bình.

(Xem thêm Diễn Đàn số 1, tháng 10.91, tin chia đôi 5 tỉnh khác)

Du lịch 1991: 35 triệu đô la

Trong năm 1991, ngành du lịch Việt Nam đã đón tiếp khoảng 300.000 lượt khách nước ngoài (tăng 16% so với năm 90), đồng thời phục vụ khoảng 1,5 triệu lượt khách trong nước. Doanh thu đạt 811 tỉ đồng (tăng 18%). Riêng ngoại tệ đã thu 35 triệu đô la, bằng 91% mức kế hoạch.

Từ năm 1989 đến nay, tổng số vốn đầu tư vào ngành du lịch lên tới 2.800 tỉ đồng, trong đó vốn của Việt Nam chiếm khoảng 839 tỉ. Có 23 cơ sở du lịch nhận vốn nước ngoài với tổng số vốn 223 triệu đô la, trong đó chỉ có khách sạn nổi do tập đoàn EIE (Úc) đầu tư 100%, còn lại là những liên doanh, Việt Nam hợp tác với Hồng Kông, Xinhgapo, Đài Loan, Pháp, Nhật , Canada.

Tuy nhiên, trong số 18 khách sạn đang xây dựng mới với 2368 phòng, chỉ có 4 khách sạn Saigon Star, Festival, Régent và Embassy với 235 phòng đã hoạt động. Do đó vẫn còn thiếu phòng đủ tiêu chuẩn đón khách quốc tế.

Theo số liệu của Hải quan thành phố HCM, trong năm 1991 có gần 180.000 lượt khách nước ngoài đã vào thành phố qua sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó khách châu Á chiếm tỉ lệ cao nhất (44%). Khoảng 56.000 Việt kiều đã về thăm quê hương trong năm qua, cao điểm là vào dịp Tết với 16.000 người về.

(Nhân Dân 6.1 và Tuổi Trẻ 2.1.1992)

Ý viện trợ

Chuyến đi thăm Việt Nam của ngoại trưởng Ý De Michelis đã đưa tới việc ký kết một hiệp định viện trợ cho Việt Nam 70 triệu đô la trong hai năm 1993-1994, gồm một phần tư là viện trợ không hoàn lại, còn lại là dưới hình thức cho vay. Chính phủ Roma còn cho biết sẵn sàng góp 10 triệu đô la để giúp Hà Nội trả nợ Quỹ tiền tệ quốc tế. Trong ba năm 1990-1992, Ý cũng đã viện trợ kỹ thuật cho Việt Nam 140 triệu đô la. Nhiều dự án liên doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, đánh cá, cấp nước và viễn thông do Ý tài trợ đã đi vào hoạt động.

(Tuổi Trẻ 7.1.92)

Xuất khẩu lao động tại chỗ

Từ 1989 đến nay, thành phố HCM đã cung ứng cho các xí nghiệp có vốn nước ngoài hoạt động trên địa bàn thành phố hơn 9000 lao động. Lương tối thiểu do nhà nước Việt Nam qui định đối với những lao động này là 50 đô la/tháng, song có tới 30% các xí nghiệp trả lương dưới mức qui định.

Cùng thời gian này, hơn 100 lao động Việt Nam đã sang Nhật, Tây Ban Nha, Hồng Kông, Đức, Nam Triều Tiên để làm các nghề chế biến cá, nấu ăn, thủy thủ. Trong khi đó, 14.000 công nhân lao động ở các nước Đông Âu và Liên Xô cũ đã trở về nước.

(Tuổi Trẻ 14.1.1992)

Pháp - Việt

Gần ba tháng sau ngoại trưởng Roland Dumas, thứ trưởng ngoại thương Pháp Jean-Noel Jeanneney đã đi thăm chính thức Việt Nam từ ngày 11 đến 16.2 vừa qua. Cùng đi với ông có 15 nhà kinh doanh Pháp. Đoàn đã đi 4 tỉnh Hà Nội, Đà Nẵng, Huế và thành phố HCM. Trong các cuộc tiếp kiến với Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt, với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố HCM, ông Jeanneney đã thuyết phục Việt Nam cân bằng các trao đổi thương mại với Pháp và Nhật, hứa hẹn Pháp sẽ giúp đỡ Việt Nam giữ vững độc lập kinh tế trước những “hiểm nguy” có thể do sức mạnh kinh tế của Nhật gây ra. Ông cũng đã nhắc lại việc Pháp ủng hộ Việt Nam trong quan hệ với FMI, đồng thời gợi ý Việt Nam nên mạnh dạn tìm những hình thức vượt qua các khó khăn do chưa bình thường hoá được quan hệ với Mỹ.

(Le Monde 15.2, AFP 12.2.92)

Dầu mỏ: những hợp đồng mới.

Theo một nhà ngoại giao Nga tại Hà Nội, một hợp đồng liên doanh Việt - Nga sản xuất dầu mỏ sẽ được ký kết trong tháng 2 hay 3 năm nay, thay thế cho hợp đồng ký tháng 7 năm ngoái giữa Việt Nam và Liên Xô cũ. Công ty dầu khí Nga Rosneftegaz sẽ thay thế Bộ Dầu Khí Liên Xô đã bị giải thể. Phía Nga tỏ ra sẵn sàng ký một hợp đồng tay ba, giữa Việt Nam, Nga và một công ty dầu mỏ Tây Âu, một hình thức để nắm thêm những kỹ thuật hiện đại trong ngành. Nhưng theo những nhà kinh doanh Tây Âu nằm tại thành phố HCM, Việt Nam có vẻ như muốn tách riêng phần làm ăn với Nga và với Tây Âu.

Nhận xét này đã được thực tế xác nhận trong cuối tháng 1, khi người ta biết tin PetroVietnam vừa ký kết với 5 công ty Tây Âu những hợp đồng nguyên tắc để thăm dò mỏ dầu mới. Theo AFP, 5 công ty đó là Arabian Oil Co của Nhật, Korean Petrolium Consortium của Nam Triều Tiên, Total của Pháp, British Petroleum của Anh và Shell của Hà Lan. Theo tin từ Tokyo, các giới hữu trách trong Arabian Oil hy vọng sẽ hoàn tất hợp đồng của họ, đặc biệt là những điều khoản về chia sản phẩm, vào giữa năm, để có thể cho máy khoan khởi động trước cuối năm nay. Vùng khoan do PetroVietnam qui định trong các bản đấu thầu đưa ra năm ngoái nằm gần các mỏ dầu Bạch Hổ và Đại Hùng, ngoài khơi Vũng Tàu. Mỗi công ty được thầu sẽ lãnh khoan thăm dò một lô rộng 3 ,5 cây số vuông.

Tiếp theo các hợp đồng nói trên, PetroVietnam sẽ tiếp tục đưa ra đấu thầu để ký kết nhiều hợp đồng thăm đò khác. Theo ông Đặng Quốc Sâm, Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước trong một buổi hội đàm với thứ trưởng ngoại thương Pháp Jeanneney, Việt Nam trông đợi các công ty dầu mỏ Tây Âu hợp tác để đánh giá xong toàn bộ trữ lượng dầu mỏ Việt Nam từ nay đến năm 1995.

Trong tháng 1 vừa qua, hãng thông tấn Nhật Kyodo cũng đã đưa tin công ty dầu Nhật Idemitsu Oil Development Co có hy vọng ký kết một hợp đồng thăm dò dầu mỏ ngoài khơi Vịnh Bắc bộ trong năm nay.

(AFP 27. 30.1 và 12.2.92, Reuter 31.1.92)

Thể thao - Văn hoá

* Tim Sauter, một luật sư người Anh ở Hồng Kông, 36 tuổi đã về nhất trong cuộc chạy đua maratông quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày chủ nhật 16.2.1992, với thành tích 2 giờ 43 phút 26 giây. Một vận động viên Việt Nam, anh Lưu Văn Hùng, 21 tuổi, chạy chân không, đã đoạt giải nhì, chỉ thua Tim Sauter 1 phút 26 giây. Cuộc đua đã thu hút 219 vận động viên thuộc 26 nước ngoài và 92 vận động viên Việt Nam.

Giải nhất nữ của cuộc đua đã về tay chị Đặng Thị Tèo, với thành tích 3 giờ 26 phút 22 giây.

Nhiều cựu chiến binh Mỹ đã tham dự cuộc đua trong tinh thần hoà giải giữa hai nước.

(AP và Reuter 16.2.92)

Tin nhanh

* Thanh Thanh Tâm, Vũ Linh, Ngọc Huyền, Tài Linh, Phương Hồng Thủy, Thanh Hằng đã được trao tặng giải thưởng diễn viên cải lương mang tên cố đạo diễn Trần Hữu Trang. Đây là lần đầu tiên sau 17 năm giải phóng, giải này mới được trao lại. Ban giám khảo do nữ nghệ sĩ Phùng Há làm trưởng ban, gồm có các nghệ sĩ Út Trà Ôn, Thanh Vy, Bạch Tuyết, Huỳnh Nga...

* Giải thưởng âm nhạc Hoàng Mai Lưu 1991 đã được trao cho 4 cá nhân: nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nghệ sĩ Y Đôn, hai em Kiều Vũ Chinh và Kiều Vũ Chính, và 9 tập thể.

* Trong tháng 2 vừa qua, ban giám khảo Liên hoan phim ba châu Á - Phi - Mỹ La tinh ở Fribourg (Thuỵ Sĩ) đã nhất trí trao tặng giải nhất cho cuốn phim Gánh Xiếc Rong (tức Trò ảo Thuật) của nữ đạo diễn Việt Linh, vì “tính sâu sắc của ẩn dụ, tay nghề đạo diễn và sức mạnh của cái nhìn”. Ngay sau khi đoạt giải, Gánh Xiếc Rong đã được một tổ chức phát hành phim Thuỵ Sĩ mua bản quyền để khai thác tại các nước Thuỵ Sĩ, Áo và Đức. Đây là lần thứ ba phim này được giải thưởng quốc tế (xem Diễn Đàn số 3) và lần đầu tiên được một tổ chức trong mạng lưới thương mại phương tây nhận phát hành.

* Việt Nam đã quyết định mở văn phòng cấp thị thực nhập cảnh tại Hồng Kông. Văn phòng này sẽ nằm trong toà nhà của Phòng thương mại Việt Nam tại Hồng Kông, được mở hồi tháng 2.1991.

* Theo đài truyền hình Trung Quốc, ở khu chợ biên giới Việt-Trung gần cửa khẩu Bằng Tường, có khoảng 7000 nguời dân hai nước mỗi ngày đến mua bán, với doanh số lên tới một triệu nhân dân tệ, tương đương 200.000 đô la.

* 28.000 sản phẩm đồ sứ Trung quốc thế kỷ 17 trị giá khoảng 2 triệu đô la sẽ được đưa ra bán đấu giá tại Amsterdam tháng tư tới, và tiền lời được chuyển cho chính phủ Việt Nam. Những đồ sứ này do một chuyến tàu Trung Quốc chuyên chở sang Inđônêxia 300 năm trước đây, trên đường đi bị đắm ở gần Vũng Tàu, trong hải phận Việt Nam. Xác tàu được những người đánh cá tìm thấy trong năm 1989. (Reuter 12.2.92).

* Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (PNUD) sẽ viện trợ cho Việt Nam 93 triệu đô la để phát triển kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực luật pháp kinh tế, cải tiến quản lý ngân hàng và đào tạo nhân công. (AP 9.2.92)

* Đại sứ Nga ở Hà Nội cho biết, những cố vấn quân sự Liên Xô cuối cùng sẽ rời Cam Ranh trong tháng 5 tới, và hai bên Việt-Nga đang thảo luận các vấn đề còn tồn tại để việc rút quân này được tiến hành một cách thuận lợi cho cả hai. Hiện còn 2000 quân nhân Liên Xô và gia đình đang đóng ở Cam Ranh.

* Theo bản tin tiếng Anh hàng ngày Vietnam News, 88 cán bộ có trách nhiệm trong ngành công nghiệp nặng, trong đó có 44 giám đốc xí nghiệp đã bị sa thải năm vừa qua, vì tội tham nhũng, tẩu tán hàng hoá của Nhà nước giá trị gần 11 tỉ đồng (1 triệu đô la). (AFP 12.2.1992)

* Một người biểu tình với lá cờ vàng ba sọc đỏ trước Khách sạn nổi Saigon đã bị bắt giữ ngày chủ nhật 16.2. Khách sạn này là trung tâm báo chí của cuộc đua Maratông quốc tế được tổ chức tại thành phố trong ngày. (AFP 16.2.92)

Miễn bình luận

* Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội tháng 12 vừa qua tại Hà Nội, bộ trưởng văn hoá thông tin Trần Hoàn cho rằng cần “đổi mới Quốc hội”, song bác bỏ “loại ý kiến cho rằng đại biểu quốc hội phải là những người có trình độ văn hoá cao, có khả năng xét đoán dựa trên tri thức vững vàng và cần phải có kinh nghiệm nghị trường.”. Ông nhấn mạnh: “Tôi không thể tưởng tượng được là Quốc hội của ta lại không có nông dân, không có công nhân, không có các đại biểu người dân tộc”. (Tuổi Trẻ 26.12.91)

* Sau khi sở văn hoá thông tin thành phố HCM liên tiếp dính vào nhiều vụ xì-căng-đan trong các ngành điện ảnh, âm nhạc..., một phóng viên đã hỏi giám đốc sở Nguyễn Văn Tòng nghĩ gì về ý kiến cho rằng ông nên từ chức. Ông Tòng liền trả lời: “Chữ từ chức không có trong từ điển của tôi. Đó là kiểu nghĩ của những người dân chủ tư sản. Người cách mạng cư xử phải khác. Tôi đến và đi đều do tổ chức và đảng bố trí phân công.” (Tuổi Trẻ Chủ nhật 19.1.1992)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss