Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 6 / Kinh tế thị trường và ổn định chính trị

Kinh tế thị trường và ổn định chính trị

- Hoà Vân — published 08/09/2008 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:38
 
 

Kinh tế thị trường
và ổn định chính trị

 
Hoà Vân

 

Với bản Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp, nếu được thông qua, Việt Nam chính thức bước hẳn vào nền kinh tế thị trường. Điều đó hẳn không mấy ai lấy làm ngạc nhiên khi có dịp quan sát những đổi thay ở trong nước từ mấy năm qua. Những hoạt động ngoại giao dồn dập của chính phủ Việt Nam mấy tháng gần đây cũng nằm trong chiều hướng này. Ví dụ điển hình là việc xin gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), đã được Việt Nam nêu lên khi tiếp đón thủ tướng Thái Lan Anand ở Hà Nội cũng như trong chuyến đi thăm Malaixia của ông Võ Văn Kiệt (đều trong tháng 1.92).

Những nghi vấn cuối cùng có thể dễ dàng được xoá đi khi người ta đọc bài báo cáo của Hội đồng chính phủ do ông Võ Văn Kiệt đọc tại kỳ họp Quốc hội cuối năm vừa qua. Một bài báo cáo dài khoảng 6 trang khổ A4 đầy chữ in nhỏ, trong đó nổi lên một sự vắng bóng hiếm có: trong khoảng 100 nghìn chữ của bản báo cáo, ông Kiệt đã không một lần nào nói tới bốn chữ chủ nghĩa xã hội (kể cả “định hướng xã hội chủ nghĩa” cho nền kinh tế). Thật ra, bản báo cáo, nói về “nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội” trong năm năm 1991-1995 và cho riêng năm 1992, còn nhiều điều “phạm húy” khác, so với “Chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2000” vừa được đại hội VII của đảng thông qua 6 tháng trước chẳng hạn. Việc lờ đi mọi lời dẫn về kế hoạch hoá, “công cụ chủ yếu” của Nhà nước xã hội chủ nghĩa về quản lý kinh tế, chứng minh thêm một lần nữa rằng ý muốn bước vào kinh tế thị trường của chính phủ là thật sự nghiêm chỉnh!

Nói cho đúng, bước đi chính thức đó (tiếp theo những phát triển trên thực địa từ vài năm nay, như đã nói) không hoàn toàn nhất quán và không tránh khỏi những giằng co, níu kéo, băn khoăn từ nhiều phía, không tránh khỏi nhiều ảo tưởng nữa. Đi sâu hơn, có lẽ cần phân biệt những băn khoăn chính đáng của (đa số?) đảng viên và của những người bình thường e ngại những đảo lộn quá mau chóng, với những giằng co, níu kéo của những kẻ sợ mất quyền lực, địa vị. Song, cái thế rất yếu của những lực lượng bảo thủ trong đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đã thể hiện rõ ràng qua những lúng túng, mâu thuẫn, những bước lùi rất cơ bản trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp (xem các bài trong Diễn Đàn số trước và bài “Bỏ chuyên chính vô sản” trong số này). Việc ông Võ Văn Kiệt có thể đọc trước Quốc hội một bài báo cáo của Hội đồng bộ trưởng như trên càng chứng minh là những trận đánh cản hậu (combats arrière-gardes) sẽ chẳng trì kéo được mãi những thay đổi bất khả kháng.

Vấn đề đáng đặt ra, do đó, là làm gì, làm thế nào để vượt qua những trận đánh cản hậu nói trên, khiến cho nền kinh tế thị trường phát huy được những tác dụng tốt của nó để đưa đất nước chóng ra khỏi nghèo đói, cực khổ, đồng thời hạn chế hoặc chuẩn bị để có khả năng hạn chế những tiêu cực (một vấn đề nhức nhối, nạn thất nghiệp, chẳng hạn) của nó.

Ông Kiệt nhiều lần nói tới sự cần thiết phải có những “ quyết sách” để giải quyết những vấn đề lớn, cấp bách, của nền kinh tế khi chuyển sang cơ chế mới, trong đó “Đáng lo ngại nhất là tình trạng mất trật tự, kỷ cương, vi phạm pháp luật, tệ tham nhũng, cửa quyền, ức hiếp nhân dân.” Nhưng ông tránh nêu ra thủ phạm chính của tình trạng đó là các đảng viên giữ những chức vụ chủ chốt ở khắp các cấp, những tỉnh uỷ quyền uy với những cây dù lớn ở trung ương làm như không có gì rung chuyển nổi. Những vụ việc đổ bể lớn báo chí đã nêu ra vẫn chìm vào im lặng không ngoài lý do đó. Một vài vụ xử án gương mẫu, nghiêm minh, được sự ủng hộ hiển nhiên của công luận, kể cả của phần lớn đảng viên, không nằm ngoài tầm tay của chính phủ và sẽ dấy lên một sức mạnh mới để giải quyết tình trạng mất kỷ cương nói trên.

Một vấn đề cơ bản khác của kinh tế thị trường: vốn. Báo cáo của chính phủ nói: “ Phương thức có hiệu quả nhất để h uy động nguồn vốn (trong nhân dân) là tạo môi trường và điều kiện thuận tiện cho nhân dân yên tâm bỏ vốn đầu tư kinh doanh...”. Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã phải chấp nhận bãi bỏ, hoặc ít nhất tránh dùng bốn chữ “ chuyên chính vô sản”, hẳn là để góp phần tạo ra “ môi trường thuận tiện” ấy (ít ra, về mặt tâm lý), nhưng làm sao các nhà doanh nghiệp, lực lượng chủ yếu của kinh tế thị trường, không khỏi cảm thấy mình vẫn chỉ là phó thường dân dưới một chế độ mà nền tảng dựa trên “ liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân” (dù có viết thêm “ và tầng lớp trí thức”)? Và liệu giai cấp nông dân có thực sự nhận thức được vai trò chủ đạo của mình để ra sức làm ăn, khi quyền sở hữu ruộng đất vẫn chưa được thừa nhận?

Vấn đề nhân sự trong bộ máy hành chính có tính chất quyết định bảo đảm cho guồng máy kinh tế không bị những hạt cát làm tê liệt. Trong bản báo cáo, ông Kiệt đề ra yêu cầu “đổi mới việc tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ với cán bộ trong các cơ quan hành chính”. Ông cũng đã từng đề cập thẳng tới khả năng bổ nhiệm những người ngoài đảng làm bộ trưởng (trả lời phỏng vấn của báo Le Monde ngày 15.10.1991). Nhưng làm sao thay đổi được khi không loại bỏ từ gốc cái quyền của cấp uỷ đảng “xem xét và có ý kiến đối với các chức danh cán bộ chủ chốt trước khi trình để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm”? (Xem bài nói của Tổng bí thư Đỗ Mười tại Hội nghị ban chấp hành trung ương đảng ngày 29.11.1991). Làm sao các cán bộ ngoài đảng có thể thực thi trách nhiệm của mình một cách vô tư khi chức vụ mình nhận lãnh tuỳ thuộc vào cấp uỷ đảng? Có thể nào đưa vào Hiến pháp những bảo đảm cơ bản về việc đảng không can thiệp vào những công tác của Nhà nước?

Yêu cầu ổn định chính trị mà nhiều người nói tới không phải không có cơ sở. Nhưng một vài “quyết sách” trong các vấn đề nêu trên (chỉ là một vài ví dụ nhỏ) đâu có mâu thuẫn với ổn định? Và nhất là, đâu phải không thực hiện được trong một tình hình mà ngay trong đảng ai cũng thấy (hoặc ít ra phải nói ngoài miệng) là không thể không thay đổi nếu muốn tránh nguy cơ sụp đổ?

Cuối tháng 3.92 này, Quốc hội sẽ được triệu tập để thảo luận và thông qua sửa đổi Hiến Pháp và luật bầu cử mới. Rõ ràng bản “Dự thảo” còn cần nhiều sửa đổi kiên quyết hơn để thích ứng với những quy luật nghiệt ngã của nền kinh tế thị trường. Đáp ứng yêu cầu sửa đổi đó (cả trên văn bản và trong những công tác của chính phủ), đồng thời khẩn cấp tiến hành một vài biện pháp nghiêm khắc đối với tệ nạn tham nhũng, lợi dụng quyền hành của một số đảng viên cao cấp...: Một vài công việc hoàn toàn trong tầm tay mà người ta có thể trông chờ để biết quyết tâm của những lực lượng đổi mới trong Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam hiện nay.

Và cũng để biết việc bước chân vào nền kinh tế thị trường thực chất sẽ ra sao.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss