Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 6 / Trí tuệ và phát triển

Trí tuệ và phát triển

- Hàn Thuỷ — published 08/09/2008 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:38
 
 

Trí tuệ và phát triển

  

Hàn Thuỷ

 

Do một sự ngẫu nhiên thích thú, ngày 30 tháng chạp năm Tân Mùi vừa qua, ban biên tập Diễn Đàn và một số thân hữu đã gặp nhau để thảo luận trọn một buổi chiều về chủ đề: “trí tuệ và phát triển”. Bày món cỗ giao thừa này vì lẽ sau 5 số vất vả để sống được, để tới tay bạn đọc đều đặn mỗi tháng như hoa nở đúng mùa, đã tới giai đoạn Diễn Đàn phải tự khẳng định là một tiếng nói độc lập và tự do của những người Việt, chủ yếu ở nước ngoài, mang nặng ưu tư với đất nước.

Vườn chỉ đẹp khi có nhiều loại hoa, nhưng không thể thiếu hài hoà, nhất là trong không gian thu hẹp 32 trang. Vì thế Diễn Đàn sẽ đều đặn đề nghị với bạn đọc những chủ đề qua đó ban biên tập và bạn đọc có thể góp phần tô điểm mảnh vườn chung. Hoa nào cũng đẹp; miễn là hoa, nghĩa là chân thành, nghiêm túc và cô đọng. Diễn Đàn không thể gửi tới bạn đọc những cây đại thụ, tuy rằng trên đời không thể thiếu những cây đại thụ.

Khỏi cần nói đến tầm quan trọng của trí tuệ trong công cuộc phát triển ở mọi nơi, khi ngày nay người ta đã coi trí tuệ là một động lực chủ yếu của sự phát triển kinh tế; thậm chí trong những lãnh vực mũi nhọn nó còn là sức sản xuất trực tiếp. Tuy nhiên không thể khẳng định xuông như vậy: nên hiểu trí tuệ là gì? Vai trò của giới trí thức ra sao? Phát triển để đi đến đâu? Tạo điều kiện như thế nào để phát triển được trí tuệ và để cho trí tuệ đóng góp vào sự phát triển ?... là những câu hỏi có liên hệ khắng khít với nhau và với mọi lĩnh vực khác trong sinh hoạt xã hội.

Đưa ra một chủ đề rộng như vậy, Diễn Đàn có tham vọng khơi mào cho một cuộc suy nghĩ, tranh luận, thảo luận dài hơi trong nhiều số sau. Và như thế cũng để rộng đường bút, có nhiều khía cạnh có thể bàn tới. Cuộc thảo luận có tính cách bàn tròn vừa qua chỉ nhằm gợi ra những đề tài cho ban biên tập, bạn đọc và bạn viết. Dĩ nhiên những suy nghĩ xuất hiện trong ba giờ thảo luận trực tiếp không thể gọi là đã đi tới gốc tới ngọn, và cũng không cô đọng như văn viết. Vì thế chúng tôi không đăng lại ở đây bàn tròn đó, chỉ hẹn có dịp sẽ trở lại với vài mẩu đối thoại lý thú. Sau đây xin tóm lược những ý chính đã nảy ra, dĩ nhiên không được sinh động, và xin không có kết luận:

1. Hoạt động trí tuệ nằm ở mọi người, tuy nhiên có thể chia ra hai loại vấn đề: dân trí nói chung và những người trí thức nói riêng, nói hẹp lại là những người lao động bằng trí óc và sản xuất ra ý tưởng. Về dân trí, đâu là những hiểu biết cơ bản cần thiết về luật pháp, về tính cách công dân, về khoa học thường thức, về văn hoá, v.v...? Như vậy lại thấy nổi bật vai trò bản lề của nền giáo dục và các nhà giáo cũng như của chính sách truyền thông và các phương tiện truyền thông.

2. Quan hệ giữa trí thức - chuyên gia và trí thức - công dân: Hiện nay khuynh hướng đào tạo và nghiên cứu thường đi sâu vào những vấn đề chuyên môn nhỏ; vì thế có ý rằng: người trí thức khi nói về những chuyện mình biết không đóng vai trò “trí thức”, còn khi đóng vai trò “trí thức” tức là nói về những điều mình không biết hơn ai khác! Đây là điều cần được phát triển rõ hơn, nó có quan hệ đến nhiều mặt, vì dù sao cái chính là có một đội ngũ trí thức - chuyên gia - công dân: không thể tách rời! Như thế vấn đề đặt ra vừa là chính trị vừa là đạo đức: – đào tạo con người như thế nào? và bản thân người trí thức phải đảm nhận vai trò đôi chuyên gia - công dân của mình như thế nào? Vấn đề đã quan trọng trong khoa học chính xác, lại càng quan trọng trong khoa học xã hội, nhân văn.

3. Phát triển rộng ra chủ đề trên thì phải nói tới quan hệ trí thức - xã hội - chính quyền. Những vai trò tuyệt đối quan trọng của người trí thức là chứng nhân và phê phán. Như vậy cần độc lập đối lập hay đứng ngoài. Lại cần biết đó có phải là những vai trò độc nhất không? Nếu người trí thức không tham gia chính quyền, thậm chí giành chính quyền, thì việc ấy để cho ai? Thế nhưng rõ ràng là có sự cạnh tranh, nếu không nói là mâu thuẫn, giữa “đòi hỏi chính trị và đòi hỏi đạo đức” (nécessité politique et nécessité morale). Người làm trọng tài chính là xã hội công dân. Lại trở lại vấn đề dân trí, và không phải chỉ dân trí; vì xã hội là một tổng thể các yêu cầu vật chất và tinh thần, vì người ta đã thấy có những xã hội, trong một lúc nào đó có thể phát triển kinh tế rất mạnh trong một môi trường tinh thần không mấy tốt đẹp.

4. Liên hệ với Việt Nam hiện nay và rộng hơn là các nước không có nền văn hoá Tây phương, lại một loạt những vấn đề khác được đặt ra:

  • Sự suy nghĩ của chúng ta có quá “tây” hay không, khi đề cao vai trò của người trí thức và giới trí thức (intellectuels và intelligentsia) như vậy có lạc lõng hay không? Có được xã hội cảm nhận hay không?

  • Như thế lại đặt ra những quan hệ mới giữa văn hoá dân tộc - khoa học kỹ thuật và phát triển: có cần thiết phải Tây phương hoá về mặt văn hoá mới phát triển được hay không?

  • Những vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay: vấn đề chảy máu chất xám, sự quan hệ khắng khít giữa nhiều ngành với nhau, giữa nhiều nơi với nhau là điều kiện để phát triển khoa học. Có cần nghiên cứu khoa học cơ bản hay không? Mục đích đào tạo là để làm gì ?... đều cần có câu trả lời, và nói chung chưa có câu trả lời.

5. Cuối cùng xin liệt kê một số chủ đề có tính cách nghiên cứu lịch sử - xã hội - và triết học. Tuy vậy, đó không phải là những đề tài viển vông hay xa xôi:

  • Ở Việt Nam, có hình thành hay chưa “giới trí thức” – hiểu như những người sống một cách độc lập bằng những sản phẩm trí tuệ của mình? Truyền thống “sĩ phu”, “nho lâm” ngày xưa còn lại gì trong xã hội, vai trò của nó như thế nào?

  • Ở châu Âu, sự hình thành của sĩ phu (intelligentsia) là như thế nào? Tại sao khoảng thế kỷ 16-17 họ nhảy vọt trong sự phát triển khoa học kỹ thuật, trong khi các xã hội khác chựng lại? Phải chăng ở đây có vai trò của các môi trường tự do tư tưởng là các đại học? các tu viện?

Khả năng ghi lại và tóm tắt của người viết rất có hạn trước một buổi bàn tròn đầy hứng thú và rất giàu ý kiến. Vì thế không dám nói ai là ai, ai đã nói gì. Mong bạn đọc theo dõi sự phát triển của chủ đề này trên mặt báo Diễn Đàn. Trong số này, ngoài bài suy nghĩ của Ng.V. có phần đầu bài “Trí thức và Dân tộc” của Tôn thất Nguyễn Khắc Thiêm. Số sau chúng tôi sẽ đăng thêm những suy nghĩ dưới dạng hồi ký về một bước dấn thân của Cao Huy Thuần. Và những nghị luận hay biên khảo khác, nếu điều kiện cho phép.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss