Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 6 / Tự bạch về tiểu thuyết vô đề

Tự bạch về tiểu thuyết vô đề

- Dương Thu Hương & Thuỵ Khuê — published 08/09/2008 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:38

 

Viết trong tù

 

Tự bạch về tiểu thuyết vô đề

 
Dương Thu Hương

 

Chúng tôi đăng dưới dây toàn văn bản TỰ BẠCH mà nhà văn DƯƠNG THU HƯƠNG đã viết trong tù, ngày 1 2.8.1991, sau 4 tháng bi giam cầm. Khi gửi cho DIỄN ĐÀN (cuối tháng 1. 1992), Dương Thu Hương cho biết chị đã viết bài này trong hoàn cảnh như sau:

Việc TIỂU THUYẾT VÔ ĐỀ được xuất bản tại Mỹ đầu hè 1991 (Văn Nghệ, xem bài của Đặng Tiến, Diễn Đàn số 2), đã gây một “cú sốc” trong giới cầm quyền ở Hà Nội. Công an đã đưa cho Dương Thu Hương đọc bản chụp bài của bà Thuỵ Khuê viết tựa cho ấn bản tại Mỹ khi đó, Dương Thu Hương không biết Thuỵ Khuê là phụ nữ, nên gọi bằng ông. Dương Thu Hương đã viết bản Tự bạch này và yêu cầu nhà cầm quyền công bố. Chị nói với họ: “Dù sao, để cho công luận hiểu rõ chính kiến của tôi cũng có lợi cho các ông hơn là lưu giữ trạng thái mù mờ vì như thế những người chống cộng cực đoan sẽ có cơ hội mà dẫn dắt dư luận theo định kiến của họ”. Tuy nhiên, vì những lý do mà người ta dễ đoán ra khi đọc xong bản Tự bạch, chính quyền Việt Nam không công bố. Sau khi được trả tự do (ngày 20.11.1991), vì có vụ kiện Võ Văn Ái lợi dụng vụ bắt Dương Thu Hương để xuyên tạc và xuất bản trái phép tác phẩm Tiểu thuyết vô đề, nhà văn Dương Thu Hương đã đòi lại bản Tự bạch: “Nếu các ông không trả, tôi sẽ viết bản mới”. Cuối cùng, cơ quan công an đã trả lại cho tác giả bản viết tay 16 trang và tác giả đã gửi cho chúng tôi.

Diễn Đàn công bố bản Tự bạch trước hết vì giá trị chứng từ của nó. Qua những trang viết trong tù, người đọc thấy rõ khí phách của một người phụ nữ đã hiến tuổi thanh niên cho sự nghiệp độc lập và thống nhất đất nước, và ngày nay, hiên ngang đấu tranh cho dân chủ, tự do. Tự bạch cũng giúp cho người đọc hiểu rõ tâm sự và dự phóng của nhà văn khi viết Tiểu thuyết vô đề.

Vì trong bản Tự bạch, Dương Thu Hương đã thẳng thắn đối thoại với Thuỵ Khuê, nên Diễn Đàn đã mời Thuỵ Khuê phát biểu. Khoảng cách còn xa, không phải chỉ làm bằng cự ly 10 000 km giữa Hà Nội và Paris, và cánh cửa tù. Còn bằng những điểm chưa hiểu nhau – rồi sẽ được giải toả. Và bằng những bất đồng ý kiến: đó cũng là điều đương nhiên, càng chứng tỏ sự cần thiết của đối thoại. Đầu tiên, là đối thoại giữa tất cả những người, nói như Dương Thu Hương “chịu đi giữa hai làn đạn”.

Đó cũng là lý do tồn tại của tờ báo này.

 

Mùa thu năm Canh Ngọ tôi viết Tiểu thuyết vô đề tức Khải hoàn môn. Bản thảo đã được đưa đến nhà xuất bản tại Hà Nội và đã bị từ chối. Chính tôi, tự tay tôi đã gửi nó sang Pháp. Tôi chủ trương vi phạm pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối với tôi, vòng phấn của thứ luật pháp đó quá hẹp. Tôi không thể thích ứng. Tôi giành quyền tự do cho mình bằng bất cứ giá nào. Tiểu thuyết vô đề được gửi đi với hai lý do:

– Lý do thứ nhất, nó là quà tặng cho bố mẹ nuôi của tôi.

– Lý do thứ hai, tôi dụng tâm viết cuốn sách này cho tất cả những ai thuộc nòi giống Việt. Nếu trong nước tôi bị treo bút thì tôi sẽ in cho người Việt ở hải ngoại đọc. Thà ít còn hơn không.

Tuy nhiên, tôi không từ bỏ đội ngũ những người cộng sản để chạy sang hàng ngũ những người chống cộng. Vì lẽ, khác với nhiều quốc gia trên hoàn cầu, trong cảnh huống đặc biệt của Việt Nam, những người cộng sản và những người chống cộng không chỉ mâu thuẫn nhau bởi một ý thức hệ trái chiều mà họ đã bị đặt vào tình thế thù nghịch trong một cuộc chiến lâu dài, đau thương và khốc liệt:

– Một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Tôi biết rõ rằng cả hai thứ người này (ở đầu mút của nó) đều không thể đem lại một tương lai khả quan nào cho đất nước. Vì những lý do ấy, tôi chọn đất Pháp, nơi cộng đồng người Việt ít thành kiến, tư tưởng phóng khoáng và tự do hơn, và tôi cũng chọn một nhà xuất bản thuần tuý văn hoá, phi chính trị để in ấn phẩm này.

Dẫu vậy, phải thừa nhận rằng một khi cuốn sách đã in ra (Hoàn toàn không theo ý muốn của tôi – sách in ở Mỹ, rất vội vàng, không được những người bạn tôi biên tập và sửa chữa. Vì đã vào tù tôi không còn điều kiện để liên lạc với gia đình ở Pháp), Tiểu thuyết vô đề đã bị những người chống cộng cực đoan lợi dụng một cách triệt để nhằm chống lại kẻ thù của họ tức chính quyền Hà Nội. Đó là một cơ may để những người chống cộng cực đoan bộc lộ những hiềm thù chưa phỉ, cũng như mối căm uất của kẻ thua trận chưa có cơ hội giải toả và chiến dịch này đã gây ra những thất thiệt cho nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tôi là con người tự do. Tôi chỉ trung thành với những tư tưởng của chính mình. Tôi bất chấp sự khủng bố của phía bên này cũng như tôi phản đối sự lợi dụng, xuyên tạc của phía bên kia. Do lẽ ấy để tránh mọi sự bất như ý còn có thể xảy ra, tôi yêu cầu cuốn Tiểu thuyết vô đề không được tái bản hay dịch ra bất cứ thứ tiếng nào nếu không có sự chấp thuận của chính tôi.

Bây giờ tới phần chính yếu của bản tự bạch. Tôi muốn nói với bạn đọc bốn phương về lập trường khởi điểm khi tôi viết cuốn sách này. Có đúng Tiểu thuyết vô đề “lời sám hối của một tên Việt cộng”, của một “ con Việt Cộng”, của “một kẻ đã từng là đáng viên Cộng sản” hay không?

Thưa vâng, có thể, nếu lịch sử đặt tôi vào vị trí trọng đại nào đó mà ở vị trí ấy, do mù quáng hay do dục vọng cá nhân lấn át lương tri, tôi đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho đồng bào của mình. Nếu như vậy, tôi sẽ sẵn lòng sám hối vì sám hối, theo tôi là một tình cảm tự nhiên và thuần nhân tính, cần thiết cho tất cả những ai tồn tại dưới danh hiệu Con Người. Nhưng đáng tiếc thay tôi chỉ là một người đàn bà bình thường, một phó thường dân, chịu đủ thứ đầy ải của đói khát, bệnh tật, bom đạn vì tham gia cuộc chiến “ chống Mỹ cứu nước” theo truyền thống của người Việt.

Ngoái nhìn lại cuộc chiến đã qua, có lẽ những ai đã treo đèn kết hoa, dàn kèn đồng ra các hải cảng và phi trường chào đón những binh đoàn lính Mỹ, lính Úc, lính Đại Hàn vào xứ sở cần biết đến hai từ sám hối hơn là tôi. Những ai ngoan ngoãn nhất, trung thành nhất với “ Mẫu quốc Hoa Kỳ” dù ở nơi đâu cũng nên biết vào giờ này, khi những đội quân “quốc ngoại” đã quay gót viễn chinh từ lâu nhưng dấu vết vẫn còn lưu trong đời sống của dân tộc Việt. Đó là chứng ung thư máu, chứng vô sinh, chứng đẻ quái thai do nhiễm chất độc da cam. Đó là thứ vi trùng giang mai, vi trùng lậu Đại Hàn – thứ vi trùng không hiệu ứng với nhiều loại kháng sinh và khiến các thày thuốc Việt Nam đau đầu nhức óc.

Chính những người ấy, họ cần phải sám hối nhiều hơn cả các đội quân thám báo đã tàn sát những nữ chiến binh, những cô thanh niên xung phong miền Bắc mà tôi từng chứng kiến. Vì lẽ, những kẻ sát nhân thực thụ, những kẻ có đôi bàn tay đẫm máu, thường khi lại là phó sản của một chương trình được quyết định sau các bàn giấy bóng nhoáng, bởi những con người có đôi tay sạch sẽ và mặc áo trắng tinh...

Vậy tình cảm nào đã thôi thúc tôi viết cuốn Tiểu thuyết vô đề?

Nói một cách xác thực, đó là nỗi đau khổ. Chính nỗi đau khổ đã dẫn dắt tôi đi qua mấy trăm trang giấy. Nỗi đau khổ đã khiến tôi lọc bỏ mọi định kiến, mọi hận thù. Cho nên, dẫu rằng trong thực tế, các đội quân thám báo Cộng Hoà miền Nam không chỉ hiếp, xẻo vú và cửa mình những người con gái miền Bắc mà còn đóng cọc vào miệng và cửa mình họ. Nhưng khi viết, tôi đã tước bỏ chi tiết ấy đi. Vì tôi e rằng, người nước ngoài (nếu đọc) sẽ phải kêu lên: “Sao lại có một giống người dã man đến thế? Sao lại có một dân tộc ác đến thế?...”. Họ sẽ không phân biệt đấy là người Việt chống cộng hay người Việt cộng sản. Họ chỉ xác định đó là một giống người. Và như vậy, những ai thuộc về nòi giống ấy sẽ phải cúi đầu tủi hổ.

Đơn cử một chi tiết đó, tôi muốn chứng minh rằng khi viết cuốn sách này tôi không còn là người của bất kỳ đảng phái hay phe nhóm nào. Tôi là người Việt theo nghĩa thuần tuý. Tôi kêu tiếng kêu đau đớn, tôi nói lời sám hối chung cho một nòi giống, một cộng đồng.

Người ta, nói chung, không ai có thể khôn ngoan từ thuở lên ba. Con người bị nhào nặn giữa các tập quán, các hệ tư tưởng hiện tồn, các nguyên tắc luân lý truyền thống. Phải tới một lúc nào đó, và với những điều kiện nào đó, một cá nhân mới có thể bứt khỏi lực hướng tâm của quần thể để xác định những tư tưởng đích thực của mình.

Cách đây ngót một thế kỷ, André Gide, Arthur Kœstler và nhiều trí thức lớn đã tiến đến với chủ nghĩa cộng sản vì lý tưởng cao quý của nó và đã giã biệt chủ nghĩa cộng sản vì sự thực tàn khốc của nó. Việc tôi hay nhiều người nữa dẫm vào vết chân của họ cũng là lẽ thường tình. Với một thời gian chậm hơn, một không gian xa hơn. Nơi xứ sở biệt lập bị bưng bít thông tin và chậm tiến. Cũng cần nói thêm rằng, ở cái xứ sở biệt lập và xa cách các trung tâm văn minh của nhân loại ấy có tới 90% dân số là nông dân, phần đông chưa thoát nạn mù chữ. Mà chủ nghĩa cộng sản lại là một thứ tân tôn giáo được lôgic hoá bằng những lý lẽ khoa học thô sơ, hình thức và phiến diện. Thứ lý lẽ rất tương hợp với tâm thức và mặc cảm cố hữu của người nô lệ. Làm sao họ có được sức đề kháng với loại lý thuyết như vậy? Trong tâm hồn chất phác và tủi nhục của họ, chưa có nỗi an ủi nào lấp đầy. Và trong trí não, họ không có lấy một vi lượng kiến thức để gợi nên sự cân nhắc hay nỗi hoài nghi.

André Gide, Arthur Kœstler và các bậc tiền bối khác đã nói rất đúng: cái quyến rũ của chủ nghĩa cộng sản là ở chỗ nó không cho người ta gì cả mà nó đòi hỏi người ta phải hy sinh. Trong thực tế, do vậy mà chủ nghĩa cộng sản đã thu hút số đông những con người lý tưởng chủ nghĩa là những người từ chối khoái lạc hay tiện nghi, sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân hay gia đình mình để chiến đấu “ vì một ngày mai tươi sáng cho toàn thể dân tộc và nhân loại”. Những người chống cộng có thể vì thiên kiến mà chỉ chú tâm nhìn vào những người cộng sản nắm quyền lực. Đúng là những người cầm quyền, do một cơ chế độc tài không ai kiểm soát, do một cấu trúc nhà nước không đối trọng tự hành, nên họ có thể tham nhũng vô độ, cường quyền vô độ. Nhưng, đại đa số những đảng viên cộng sản bình thường là những con người nhẫn nại hy sinh và khổ ải. Cả cuộc đời họ không được hưởng một chút tiện nghi nào ngoài công việc và sự tồn tại khốn cùng.

Thời chiến tranh, chính quân đội Cộng Hoà miền Nam đã vẽ nên hình ảnh “ ba thằng Việt cộng đu không gãy một cọng đu đủ”. Hình ảnh ấy đúng về thực chất. Những người lính miền Bắc được hưởng một mức đãi ngộ không bằng một phần ba mức đãi ngộ của người lính miền Nam. Những sĩ quan miền Bắc không bao giờ dám mơ tưởng tới những câu lạc bộ dành cho các sĩ quan quân đội Cộng hoà. Có lẽ chính tính lý tưởng đã huy động đến cùng tinh thần khắc kỷ và đã trở thành một yếu tố tạo nên chiến thắng.

Vào năm tôi mười tám, thế hệ chúng tôi đã lên đường chống Mỹ theo truyền thống của người Việt. Nói đến người Việt, là nói đến một hành trình bất tận chống ngoại xâm. Tôi sẽ không bao giờ hối tiếc, tôi sẽ mãn nguyện hy sinh đến giọt máu cuối cùng nếu phía trước mũi súng của tôi chỉ là kẻ ngoại bang. Nhưng sự thể đã không diễn ra như vậy. Những tù binh chiến tranh lần đầu tiên tôi thấy lại là những người tóc đen, da vàng, cùng nòi giống và máu huyết với tôi. Dẫu rằng họ đã gắn kết với người Mỹ và đứng vào chiến tuyến bên kia, dẫu rằng lý trí tỉnh táo nhắc nhở cho tôi biết họ đã từng bắn giết bao nhiêu đồng đội của tôi bằng súng đạn Mỹ, nhưng trái tim thầm kín vẫn bảo cho tôi biết rằng họ là đồng bào của tôi và số đông trong bọn họ chỉ là nô lệ phục tòng một định mệnh tàn khốc. Chính những cảm xúc, những ý nghĩ bộc phát trong giây phút ấy đã được bồi đắp nuôi dưỡng và dẫn tới hành trình tư tưởng này.

Càng ngày, dấu ấn của cuộc chiến tranh in trong tôi càng nóng bỏng, ngược chiều với sự phai nhạt thường tình của thời gian. Tôi đã đến nhiều trại thương binh. Tôi đã gặp những phế binh nơi thôn cùng ngõ hẻm. Tôi đã qua cao nguyên miền Trung và sườn dãy Trường Sơn, nơi những cánh rừng chưa hồi sinh nguyên vẹn vì chất độc. Tôi chứng kiến nhiều cái chết ung thư do nhiễm chất da cam, trong đó có bậc đàn anh, nhà văn Nguyễn Minh Châu chết vì chứng máu trắng do nhiễm độc ở vùng Quảng Trị. Tôi đã nhìn tận mắt những quái thai do nhiễm độc ở cả hai miền...

Lãnh tụ Cộng hoà miền Nam nào đã từng chấp thuận cho người Mỹ rải chất độc xuống các cánh rừng xứ sở, ngày hôm nay có nhìn ngó đến những tử thi máu trắng, những bào thai quái dị của đồng bào họ chăng? Và liệu có pháp đình nào dựng lên trong lương tri của họ ?... Tôi biết rằng trong mọi thứ kiến thức thì kiến thức khó đạt được nhất là sự tự hiểu mình. Trong mọi lẽ công bằng thì lẽ công bằng cao nhất là công bằng với bản thân. Nhưng mà, đó luôn luôn là cái đích cho hành trình của một nhân loại xứng đáng.

Là một người đàn bà, tầm nhỏ, tay ngắn, tôi không thể làm gì hơn cho Tổ quốc mặc dù tình trạng buồn thảm của nó không ngừng ám ảnh tôi. Điều tôi có thể, chỉ là đau đớn đến tận cùng thân phận đau đớn của dân tộc mình. Một quốc gia chậm tiến, một dân tộc lạc hậu là mảnh đất màu mỡ cho các ảo lý tưởng thâm nhập. Trình độ dân trí thấp luôn kèm theo tố chất thơ ngây, chứng bệnh ấu nhi. Mặc cảm tự ti là bạn song hành của chứng cuồng tôn hiếu đại. Lòng tự hào về một khả năng ưu việt trong truyền thống nếu không khéo dẫn dắt sẽ trở thành vật chướng ngại trên hành trình hội nhập vào nền văn minh chung. Những quán tính sống, những diện mạo tư duy đã rèn tập, đã vĩnh định trong hàng nghìn năm chiến tranh liên miên rất có thể tiêu huỷ sự sáng suốt, sự nhạy cảm, sự tinh tế, tinh thần năng động là những yếu tố đặc biệt cần thiết cho con người khi nó phải chấp nhận một sự lựa chọn giữa những ngã ba lịch sử, trong một thời đại nhiều biến động và bão tố. Vào những khoảnh khắc ấy, không ai có thể tiên liệu được rằng dòng chảy của lịch sử sẽ xô dạt một dân tộc đến bờ bến nào. Và một cộng đồng càng có trữ năng tinh thần, tiềm năng về đời sống tâm linh lớn bao nhiêu – khi bị hướng vào những mục tiêu sai lạc, nó sẽ càng tự huỷ khủng khiếp bấy nhiêu.

Khi chính quyền miền Bắc sao chụp mô hình cách mạng Trung Quốc, tiến hành cuộc cải cách ruộng đất tàn bạo lầm lỗi thì ở miền Nam, ông Ngô Đình Diệm khủng bố những người kháng chiến cũ, phân loại treo bảng từng gia đình cách mạng để trả thù. Khi nhà nước miền Bắc chưa kịp tuyên bố “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì chính quyền miền Nam đã hô hào “Bắc tiến! Lấp sông Bến Hải” rồi...

Tôi không muốn làm dài thêm bản liệt kê quá khứ. Đó là những trang đen tối nhất trong lịch sử chúng ta. Đã từng có sông Gianh. Đã từng có cuộc giao tranh Trịnh Nguyễn. Nhưng vết thương để lại cũng không trầm trọng đến như vậy.

Người phương Tây có lý khi họ so sánh số phận của dân Việt Nam với dân Do Thái. Những dân tộc đau khổ, bất hạnh, phân ly. Người Do Thái đã phóng rọi khát vọng của họ vào tôn giáo và họ tạo nên Jesus. Dân tộc chúng ta không sáng tạo được huyền sử nhưng đã tạo nên những chiến thắng mang tính huyền thoại. Chúng ta đã chứng tỏ dân tộc Việt là dân tộc rất biết chết để bảo vệ chủ quyền và nòi giống. Giờ đây, người Do Thái đã vượt qua định mệnh khắt khe, đặt chân lên bậc thềm thánh đường của họ. Chúng ta, những người Việt Nam, bao giờ chúng ta đến được bến bờ hạnh phúc của mình?...

Để trả lời câu hỏi này, trước hết tôi cần phải xác quyết rằng tôi không phải đứa con bội bạc với tổ tiên. Những chiến thắng ngoại xâm oanh liệt trong lịch sử đã, đang và sẽ ngự trị trong tim óc, trong xương máu tôi. Chúng cho tôi sức mạnh và niềm tự hào. Bởi vì, biết chết và dám chết cũng là một khả năng. Bởi vì, không phải bất cứ dân tộc nào cũng gây cho một ngoại bang hùng cường “ hội chứng Việt Nam” như dân tộc Việt. Tuy nhiên, tôi mong muốn dân tộc chúng ta không chỉ biết chết mà còn biết sống. Đã đến lúc người Việt Nam phải quay ngược chiều vectơ trữ năng tinh thần, phải di phóng những tiềm lực sống vào một thiên hướng khác. Đã đến lúc người Việt phải tỉnh táo và can đảm soi rọi quá khứ để xác quyết dòng chảy cho tương lai.

Không ai có thể đào bới mộ chí để thay đổi trang phục hay tô son trát phấn cho các tử thi. Nhưng người ta có thể đào bới các tầng nghiệm sinh trong dĩ vãng để soát xét mọi nguồn cơn, sàng lọc điều hay lẽ dở. Đối với một dân tộc có thói quen tôn trọng và suy tưởng quá khứ như dân tộc Việt, hành động như tôi là điều nguy hiểm. Nhưng tôi chấp nhận hiểm nguy vì tôi tha thiết với tương lai đất nước. Vì tôi hiểu rằng dân tộc nào chỉ đắm chìm trong quá khứ, dân tộc ấy không có tương lai.

Chúng ta không thể ngồi than khóc rằng, cớ sao cách đây 120 năm, chúng ta không có một Minh Trị thay vì cho Tự Đức. Chúng ta cũng không thể hối tiếc rằng, cách đây một phần hai thế kỷ, những lãnh tụ có đầu óc dân tộc đã không thể chiến thắng được sức mạnh can thiệp của ngoại bang để thực hiện cuộc tuyển cử thống nhất đất nước một cách êm dịu và tránh đi một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn.

Lịch sử đầy rẫy những may rủi, những phi lý, những hàm hồ. Và trong vòng biến động ấy, thân phận các quốc gia chậm tiến, các dân tộc nhược tiểu thường phải lãnh phần thua thiệt.

Chúng ta không thể đòi hỏi những gì chúng ta không có. Vì rằng, không phải bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu nhân loại cũng sản sinh ra cỡ lãnh tụ siêu việt như Minh Trị, Pierre đại đế, Roosevelt hay Gorbatchev. Dân tộc chúng ta đã mất đi những vận hội, những may mắn, đã lỡ nhiều chuyến tàu. Giờ đây, chỉ có một cách, là mỗi người dân Việt phải ý thức đầy đủ sự bất hạnh của giống nòi và đóng góp cho tương lai bằng thiện chí, tinh thần trọng lẽ phải và sự công bằng.

Đến đây, tôi trở lại cuốn Tiểu thuyết vô đề. Tôi đã viết cuốn sách ấy khi tôi giã từ quá khứ. Tôi là một người dân Việt, chỉ thế thôi, và với tôi lợi ích dân tộc là tối thượng. Vì lợi ích dân tộc, tôi phải lật bới cuộc chiến tranh vừa qua, phanh phui ra để mọi người thấy đến thẳm cùng sự tàn khốc lẫn niềm ai oán, để những ai thắng không thể còn tiếp tục vui sướng, để những ai thua không thể còn tiếp tục thù hận. Bởi lẽ, tất cả, dù thắng dù thua, họ đều là những đứa con của cùng một quê hương, và đều là nạn nhân trong trò chơi cay nghiệt của định mệnh.

Tôi đã đọc kỹ lời đề tựa của ông Thuỵ Khuê. Tôi xin trân trọng cảm ơn một người đã khen ngợi tôi quá mức như vậy. Tuy nhiên, vì biết rõ tôi là người thẳng thắn, xin ông hãy vui lòng nghe những lời thẳng thắn của tôi.

“ Nhà văn có phận sự ghi lại sự thật. Không có phận sự phải chiều lòng ai”.

Thưa ông, đúng thế. Và thưa ông, không chỉ trong văn chương mà ngay trong đời sống, tôi cũng không quen chiều lòng ai. Tôi chỉ quy phục một sức mạnh thôi, ấy là chân lý và sự công bằng.

Khi ông viết: Tiểu thuyết vô đề nhắm vào cái phần cốt tuỷ của huyền thoại “chống Mỹ cứu nước” vạch trần mặt trái của những lý tưởng “cao đẹp”, mặt sau của những khải hoàn môn, mặt nạ của những mỹ từ đã trở nên những khẩu hiệu trống rỗng: Tổ quốc - Nhân dân - Chính nghĩa - Tự do - Quốc gia - Dân tộc... vì người ta đã lạm dụng và dày xéo quá nhiều rồi...”, tôi thấy ngay rằng hoặc vì thiên kiến, hoặc vì lầm lẫn, hoặc vì không am hiểu thực tiễn nên ông đã tạo cho câu văn một ám bóng, một trạng thái lập lờ. Thưa ông, chính quyền miền Bắc không bao giờ sử dụng những danh từ: Quốc gia - Tự do - Dân tộc trong các khẩu hiệu được coi là tôn chỉ của cuộc chiến. Và việc lạm dụng các mỹ từ đã xảy ra cùng một lúc ở hai nơi. Nếu ở miền Bắc là “ Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” thì ở miền Nam là “ Vì lý tưởng quốc gia”. Nếu ở miền Bắc là “ Đánh cho Mỹ cút, nguỵ nhào” thì ở miền Nam là “Bảo vệ tự do – Vì chánh nghĩa chặn đứng làn sóng đỏ”. Tuy nhiên, chắc ông cũng không phủ nhận điều này: trên mảnh đất Việt Nam mà hai hệ ý thức trái chiều đã chọn làm đấu trường không hề có bóng dáng một người lính Nga trong khi đó đầy nhóc lính Mỹ và các nước đồng minh. Sự thực ấy, người nông dân mù chữ nào cũng thấy được. Cũng nhờ sự thực ấy mà quân đội miền Bắc có phần ưu thắng. Và người Mỹ có thói quen thay đổi chính phủ như lật bàn tay, thạo nghệ thuật làm đảo chính như rán trứng, người Mỹ đã thành công trong cuộc chính biến đưa chính phủ Nguyễn Khánh lên ngôi, hạ sát Ngô Đình Diệm – kẻ bướng bỉnh vì trót có tinh thần dân tộc, rồi cuối cùng cũng đã rút quân khỏi miền Nam và phải ghi vào từ điển hai chữ Việt Nam với tư cách một tính từ hàm chứa sự cay đắng và ngao ngán.

Thưa ông Thuỵ Khuê, cái gì là sự thật thì không ai có quyền chối bỏ, dù thích hay không thích. Dẫu vậy, tôi cũng xin nhắc lại lần thứ hai, là dù thắng hay thua, hai đội quân cũng chỉ là những đứa con chung một giống nòi. Và trên phương diện thực tiễn, người thắng đâu có sung sướng hơn kẻ bại? Xét cho cùng, họ chịu đau khổ nhiều hơn, sống một cuộc sống gian nan hơn. Để đi đến Khải hoàn môn, họ phải vắt kiệt sinh lực và từ bỏ mọi niềm vui sống.

Vì ở miền Bắc có những đội văn nghệ tuyên truyền từng ca ngợi chiến tranh là ngày hội. Vì ở miền Nam có cả một đoàn quân tâm lý chiến với các giọng oanh vàng véo von khích lệ những “anh hùng quốc gia” lên đường, nên ngày hôm nay tôi phải ngồi viết Tiểu thuyết vô đề. Tôi muốn nói với đồng bào của mình rằng chiến tranh không giống giấc mộng vàng mà các nữ ca sĩ thêu dệt, cũng chẳng là ngày hội tưng bừng mà các bản hoà tấu kèn diễn tả. Chiến tranh có gương mặt thật của nó mà ít ai tường tận. Và trong bất kỳ cuộc chiến nào, chết chóc, đau đớn và sự huỷ diệt nhân tính cũng được chia đều cho cả hai bên.

Điều nữa, thưa ông, ông có một lời khen mà tôi không thể nào chấp nhận: “ Dương Thu Hương là một hiện tượng hiếm có, một viên ngọc trong đám sình lầy ô nhiễm quê hương”.

Với một lời khen hết cỡ như vậy, ai đó – khác tôi, sẽ vô cùng mãn nguyện. Bởi, phàm là người nói chung ai là chẳng thích vuốt ve. Nhưng đáng tiếc, tôi thì không. Tôi là con người mà hai câu thơ sau đây của Xuân Diệu bộc lộ trung thành:

Tôi cùng xương cùng thịt với nhân dân tôi
Cùng đổ mồ hôi cùng sôi nước
mắt

Không phải tôi là viên ngọc giữa đám sình lầy mà chính dân tộc này mới là một viên ngọc bị vùi lấp trong sình lầy của nghiệp chướng. Một quốc gia có lúc thịnh lúc suy. Có lúc người trị vì là bậc tuấn kiệt như các vua Lý vua Trần. Có lúc ngự trên ngai vàng là bọn hôn quân ám chúa như Lê Ngoạ Triều, Lê Chiêu Thống. Không thể nhìn vào Lê Chiêu Thống để quy kết dân tộc Việt là dân tộc bán nước. Cũng như thế, không thể nhìn vào một số người cộng sản cầm quyền tham nhũng, độc đoán, ngu dốt mà cho rằng những người Việt sống nơi quê hương là một đám sình lầy. Trong đám sình lầy ấy đã mọc lên những Tôn Thất Tùng, Đặng Thái Sơn, Lê Bá Khánh Trình... Và, ai cũng hiểu rằng, có một Đặng Thái Sơn nghĩa là còn một ngàn Đặng Thái Sơn khác mai một trong đói nghèo ràng buộc.

Tôi biết dân tộc chúng ta là một Hercule bị trói. Chiến tranh, thể chế xã hội lạc hậu, ý thức phong kiến biến tướng và được nuôi dưỡng... Những xiềng xích ấy đã không ngừng cùm trói và đày đoạ con người, không cho họ có cơ hội sống một cuộc đời xứng đáng. Nhưng không thể vì cái hiện thực buồn thảm ấy mà bất kỳ ai được quyền nhục mạ đồng bào mình. Từ những ngày đầu bị bắt, tôi đã tuyên bố với nhà cầm quyền: “ Tôi là nhà văn của dân đen. Tôi đấu tranh cho lợi ích của dân đen. Những người mà, vì lầm than, có thể không bao giờ cầm đến quyển sách vả biết đến tên tôi”. Thưa ông, tiêu chí đó không thay đổi. Bởi một lẽ tôi hiểu đồng bào mình. Những lê dân hôm nay cắm mặt xuống ruộng bùn cấy lúa, ra nước ngoài làm thuê với đôi chân không tất không giầy trước cặp mắt khinh bỉ và ghẻ lạnh của ngoại nhân, họ, chính họ, nếu được nuôi dưỡng trong một hoàn cảnh khác sẽ có đủ khả năng đuổi theo nền văn minh và không thua kém bất kỳ dân tộc nào khác trên địa cầu.

Tại Hà Nội, khi nghe tin một thanh niên Mỹ gốc Việt đoạt giải nhất trong kỳ thi “vẻ đẹp cơ thể đàn ông” lòng tôi đầy vui sướng. Chẳng biết khi nghe tin Đặng Thái Sơn thắng lợi trong concours diễn tấu Chopin ông có cảm giác ấy không? Hay vì người nghệ sĩ kia xuất thân từ đám sình lầy ô nhiễm nên ông quay mặt đi ?... Tôi rất lấy làm tiếc, thưa ông. Nhưng quả tình, một cách nhìn như vậy về đồng bào mình sẽ chỉ khơi sâu thêm mối hằn thù trong quá vãng và không đem lại điều gì tốt lành cho tương lai.

Tôi cũng phải nói thêm rằng quan điểm của những người chống cộng cực đoan sao mà giống quan điểm của lớp cộng sản bảo thủ ở đây đến thế!... (Tất nhiên, theo chiều ngược lại). Hệt như hai bản sao, hai giọt nước. Đều là những người khăng khăng ôm chặt lấy định kiến và mặc cảm cũ, không mảy may khoan dung, không mảy may đoái thương tới đồng bào, đồng loại. Tất cả đều không muốn đi đến cội nguồn của SỰ THẬT. Tất cả đều không muốn nói đến hai chữ THA THỨ.

Thưa các ông, tại sao các ông lại không thể hình dung rằng: vào cùng một thời khắc, có hai đứa bé chào đời. Một đứa ở Hà Nội, đứa kia ở Sài Gòn. Mười tám năm sau, đứa bé ở miền Bắc đi theo lời kêu gọi “ Chống Mỹ cứu nước”, “ Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Đứa bé ở miền Nam bị lôi cuốn bởi “ Lý tưởng quốc gia”, bởi “Chiến dịch chặn đứng làn sóng đỏ”, bởi những câu thơ kiểu như “Thành ngăn sóng đỏ mây sừng sững”... Và hai đứa bẻ hăm hở ra đi, rắp ranh lập công với Quốc gia Cộng hoà hay Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa. Rồi chúng bắn giết. Rồi chúng trúng thương, cùng tàn phế, cùng chết chui chết lủi trong rừng, cùng rữa nát giữa bùn chiến địa. Dù cậu thiếu niên phía Nam được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn vì tựa lưng vào một “mẫu quốc” giàu có hùng cường hơn, thì khi thối rữa, da thịt chúng cũng đều bốc lên một thứ mùi khủng khiếp như nhau.

Hai đứa bé ấy liệu có tội gì trong trò chơi oan nghiệt của số phận? Liệu còn có ai muốn tiếp tục khơi gợi oán thù để hai hồn ma trong trắng ấy tiếp tục bắn giết nhau ở thế giới bên kia?

Với tôi hai chàng thiếu niên ấy đều là con tôi cả. Máu chúng chảy ra là máu của tôi. Và trong bàn thờ tâm linh mình, tôi thắp hai nén nhang như nhau mà vọng tưởng.

Sẽ mãi mãi là bất hạnh, sẽ khổ đau truyền đời mãn kiếp nếu những đứa con của Hùng Vương không nhảy qua được vòng phấn của quá vãng.

Sẽ có một sông Gianh lần thứ ba nếu những người Việt còn nuôi dưỡng hằn thù và khôn nguôi khát vọng tàn diệt nhau.

Đất nước sẽ mãi mãi là một bãi tha ma mênh mông, chất chồng nhiều tầng hài cốt nếu mỗi người Việt không thấy rõ rằng một cuộc nội chiến, dù với bất cứ lý do nào, cũng là chất cường toan làm ruỗng nát cả sinh lực lẫn tâm hồn dân tộc.

Trước tôi, về cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn, đã có người làm bài hát Hồn sông Gianh. Giờ đây, để từ chối cuộc chiến vừa qua, tôi viết Tiểu thuyết vô đề. Tôi từ chối cái cuộc chiến mà trong đó nửa quê hương Việt Nam ăn gạo Nga cầm súng Nga cùng các nước theo lý thuyết mác-xít, nửa kia ăn gạo Mỹ cầm súng Mỹ và các quốc gia đồng minh, quyết tử với nhau. Đất nước ông cha biến thành đấu trường. Những con người cùng huyết thống cùng giống nòi, biến thành những thù địch.

Ngày hôm nay, tại điện Kremlin, người Nga và người Mỹ ngồi với nhau ký hoà ước giải trừ vũ khí nặng. Còn lại, những người Việt vẫn khôn nguôi thù hận, quyết tát cạn bắt lấy, quyết phân định tao đúng mày sai?... Nếu quả vậy, đó sẽ là trò chơi cay độc và tàn nhẫn nhất của Tạo hoá.

Là một người vào Sài Gòn từ thời gian đầu tiên, sau ngày 30.4.1975, nhưng trong lúc mọi người xung quanh không ngớt hân hoan, tôi đã đánh mất mọi niềm vui. Nhiều tiên cảm mơ hồ, lo buồn ám ảnh tôi. Đối với tôi, mọi vinh quang đều hão huyền, chỉ hạnh phúc là có thực. Không phải vô cớ mà Bertold Brecht đã viết: “Bất hạnh thay cho dân tộc nào sản sinh ra lắm anh hùng”.

Thời gian trôi qua, những tiên cảm mơ hồ trong tôi đã biến thành sự thực. Dân tộc chúng ta, một dân tộc đầy huyết khí và thơ ngây, đã phải chết hàng triệu lần trong cái chết, tưởng sẽ dựng nên một kỳ tích vĩnh hằng cho nhân loại, và sẽ có tất cả sau ngày chiến thắng. Dân tộc ấy giờ đây đang nhặt từng hạt lúa giữa ruộng bùn, đang xây dựng cuộc sống từ một mức bình quân mạt hạng, với khối lượng khổng lồ thương phế binh của cả hai đạo quân, với hằng hà sa số những đàn bà goá những trẻ mồ côi. Dân tộc ấy mới ngày hôm qua còn ngây ngất bởi tiếng vỗ tay cổ vũ chiến thắng, bởi quà tặng của các thứ tình hữu nghị, giờ đây đang bị xua đuổi, bị sỉ nhục, bị hành hạ ở Tiệp, ở Đức, ở Ba lan, ở Bungari, ở Nga... Dân tộc ấy, dù đang sống ở Mỹ, Pháp hay các quốc gia phát triển nhất, an hưởng một đời sống vật chất và tinh thần hoàn hảo nhất, vẫn không ngừng bị đầy ải vì khôn nguôi nỗi sầu xa xứ. Người ta, không ai có thể từ bỏ nguồn gốc của mình. Sự từ bỏ ấy, nếu là thực trên tấm hộ chiếu thì nó sẽ là giả tạo trên phương diện giống nòi, máu huyết. Nếu nó diễn ra trong ý thức thì sẽ có một ẩn ức trái chiều lặn sâu vào vô thức và tới lúc nào đó, trồi lên cắn xé con tim.

Vì dân tộc phân ly và đau khổ ấy, tôi xin chấp nhận mọi thua thiệt về mình. Dù là sự đàn áp của nhà nước, sự tức giận và phản bác của những người cộng sản bảo thủ. Dù là sự lợi dụng, xuyên tạc và lăng nhục của những người chống cộng cực đoan. Là một kẻ bất hạnh, tôi chịu thêm một lần bất hạnh nữa, ngay cả cái chết cũng chẳng hề chi. Bởi lẽ, nỗi đau khổ của một cá nhân dù nặng nề đến đâu cũng không thể sánh với nỗi đau khổ của 70 triệu con người. Sự bất hạnh của riêng tôi, dù khốc liệt đến đâu cũng không sánh được sự bất hạnh của toàn dân tộc.

Nhưng tôi tin rằng, người Việt nào có một lương tri mạnh mẽ và khoan dung, người Việt nào tôn trọng lẽ công bằng, can đảm vượt qua những định kiến của quá vãng, tha thiết với lợi ích chung của dân tộc, những người ấy sẽ hiểu tôi.

Vì một nước Việt trong tương lai, một nước Việt vẹn toàn không phân ly không thù hận, một nước Việt dân chủ và phồn vinh, ngày hôm nay tôi xin chịu đi dưới hai làn đạn.

Vì một dân tộc Việt trong tương lai một dân tộc không chỉ biết chết mà còn biết sống, không chỉ mài rũa nghệ thuật chết mà còn tạo dựng và trau dồi nghệ thuật sống, một dân tộc bất hạnh – đã lặn ngụp trong mất mát và thất vọng – sẽ tự hiểu mình – sẽ lớn khôn – và sẽ trồi từ đáy sâu lầm than đau khổ hận thù tới bến bờ hạnh phúc. Vì dân tộc Việt như thế trong tương lai, ngày hôm nay tôi sẵn lòng chấp nhận bị ném đá cả từ hai phía.

Những ngày lập thu Tân Mùi

12.8.1991

Dương Thu Hương

 
 
 

Thuỵ Khuê trả lời

 
Ngày 22.4.1991 ba ngày sau khi tin Dương Thu Hương bị bắt được các hãng thông tấn loan đi, tôi được một anh bạn, anh X (cũng là bạn Dương Thu Hương) trao cho tập bản thảo Tiểu thuyết vô đề, nhờ tôi viết tựa và tìm cách xuất bản với lời yêu cầu: trong bất cứ hoàn cảnh nào, xin chị đừng tiết lộ vì đâu và vì ai mà chị có tập bản thảo này 1.

Cần nhắc lại rằng khi Dương Thu Hương bị bắt, không khí rất căng thẳng, những người theo dõi tình hình Việt Nam và ủng hộ việc đấu tranh dân chủ hoá đất nước của Dương Thu Hương, ai cũng muốn làm việc gì đó cho Dương Thu Hương. Mọi quyết định phải nhanh.

Tôi đã nhận lời anh X trong không khí sôi nổi và khẩn thiết – việc mà trong trường hợp bình thường tôi từ chối vì tôi không quen Dương Thu Hương, không đồng chính kiến với Dương Thu Hương và Dương Thu Hương không trực tiếp nhờ tôi in ấn gì cả 2. Nhưng cuối cùng tôi cũng đã nhận lời anh X với nhiều do dự và trăn trở:

– Một trong những chủ đích của việc xuất bản sách ngay là để gióng một tiếng vang trong dư luận, khiến chính quyền cộng sản phải e dè trước mọi quyết định đàn áp Dương Thu Hương. Chủ đích ấy có thể tác dụng ngược lại – nghĩa là nhà cầm quyền căn cứ vào đó mà buộc tội Dương Thu Hương một cách gay gắt hơn.

Một mặt khác, tôi tin rằng:

– Điều cần thiết cho văn học là tác phẩm đến tay người đọc, còn vì đâu mà đến, do ai mà đến, không quan trọng.

– Về những tác phẩm viết ở trong nước mà tôi được đọc cho tới nay: Tiểu thuyết vô đề có giá trị tiên phong trong việc nhìn nhận lại cuộc chiến một cách sáng suốt và mạnh dạn. Ngoài ra, Tiểu thuyết vô đề còn có một giá trị nghệ thuật nhất định. Tuy nhiên, vì lo ngại phản ứng của chính quyền mà trong bài tựa tôi khẳng định: không biết bản thảo từ đâu tới để xác quyết việc Dương Thu Hương không nhờ tôi làm bất cứ việc gì, do đó chính quyền Việt Nam không thể căn cứ vào đó mà buộc tội Dương Thu Hương chuyển bản thảo sang Mỹ.

Tôi đã giao phó tác phẩm cho nhà xuất bản Văn Nghệ của thầy Từ Mẫn Võ Thắng Tiết vì những lý do:

– Qua những đóng góp vào văn học nước nhà từ trên 10 năm nay, Văn Nghệ là nhà xuất bản uy tín tại hải ngoại hiện giờ.

– Giữa thầy Từ Mẫn và tôi đã có hợp tác và tin cậy.

Mặc dù phản ứng chống đối việc in sách trong nước lúc đó còn mạnh, thầy Từ Mẫn đã nhận lời. Đó một cố gắng của nhà xuất bản Văn Nghệ cần được ghi nhận mà thầy Từ Mẫn, bây giờ, đã phải trả giá khá đắt.

 
Về một vài điểm trong bài Tự bạch của Dương Thu Hương

Có nhiều mức độ để đọc một tác phẩm hay một văn bản:

– Độc giả, một số – rất ít – thẩm xét cái hay cái dở để đánh giá và phân định giới hạn tác phẩm và tác giả. Lớp độc giả này chắt lọc những điều hay trong tác phẩm lưu lại cho mình và sa thải hoặc quên đi những cái dở trong tác phẩm – đó cũng là chủ đích của những bài tựa.

– Một số đông, có nhận xét chung chung tương đối đúng.

– Và một số khác hiểu lầm hoặc ngộ nhận, thậm chí đi đến chỗ xuyên tạc vô căn cứ.

Tự bạch, đề ngày viết ở trong tù, nhưng lời lẽ hoàn toàn tự do, đã được gửi ra ngoại quốc mới đây, vậy vẫn phù hợp với tâm trạng hiện tại của tác giả. Độc giả sẽ thẩm xét Tự bạch. Tôi không đi vào nội dung bài viết, vì không phải là chủ đích của bài này. Chỉ đưa ra vài nhận xét:

Sau 16 năm thống nhất đất nước, mọi định danh, phân giới đội ngũ những người cộng sản / hàng ngũ những người chống cộng: tôi ở bên này / anh ở bên kia – ở thời điểm này – dường như đã lỗi thời, lạc hậu.

Một khi thắng trận, viết về những nhầm lẫn của mình, đã là khó. Viết về những nhầm lẫn của đối phương lại càng khó hơn. Không mấy người thành công trong cuộc phiêu lưu nguy hiểm ấy cho dù viết với mục đích “để những ai thua không thể còn tiếp tục thù hận”. Ngôn ngữ văn học là một con dao hai lưỡi: nếu Tiểu thuyết vô đề – qua sự kiểm nghiệm lại dĩ vãng – giải toả được một số vấn đề trong sự chia rẽ sâu xa của dân tộc và có một giá trị nhân bản cao, thì bài Tự bạch về Tiểu thuyết vô đề, với những tố cáo “tội ác” đối phương, giới hạn mọi giải toả chia rẽ và triệt tiêu giá trị nhân bản.

Chủ đích của bài này là nhìn nhận một vài khía cạnh nhỏ liên quan đến việc in ấn Tiểu thuyết vô đề mà tôi có phần trách nhiệm. Dương Thu Hương muốn chọn một nhà xuất bản thuần tuý văn hoá và phi chính trị tại Pháp: khó đấy! Ở hải ngoại, kiếm một nhà xuất bản thứ nhì – không dây dưa với chính trị – và có uy tín hơn nhà xuất bản Văn Nghệ, không phải chuyện dễ. Xác quyết trong sự thiếu thông tin cũng là một giới hạn nữa, đáng ghi nhận của Tự bạch.

Tránh dài dòng, tôi xin vắn tắt trả lời 2 điểm có liên quan trực tiếp đến tôi trong bài viết:

I. Về câu “Tiểu thuyết vô đề nhắm vào cốt tuỷ của huyền thoại “ chống Mỹ cứu nước”, vạch trần mặt trái của những lý tưởng cao đẹp, mặt sau của những khải hoàn môn, mặt nạ của những mỹ từ đã trở nên những khẩu hiệu trống rỗng: Tổ quốc - Nhân dân - Chính nghĩa - Tự do - Quốc gia - Dân tộc... Vì người ta đã lạm dụng và dày xéo quá nhiều lần” trong bài tựa Tiểu thuyết vô đề.

Câu văn trên – cũng như chủ ý toàn thể bài tựa của tôi – cần được hiểu trên hai mức độ:

1) Vì viết về Tiểu thuyết vô đề – một cuốn tiểu thuyết chống chiến tranh, nhìn từ phía Bắc – nên tôi đề cập đến huyền thoại “chống Mỹ cứu nước”. Nếu viết về một tác phẩm chống lại cuộc “chiến tranh chống cộng sản”, nhìn từ phía Nam, tất nhiên tôi sẽ đề cập đến huyền thoại “chống cộng”.

2) Khi nêu tên ý tưởng: những danh từ như tổ quốc, nhân dân, chính nghĩa, tự do, quốc gia, dân tộc... đã được người ta lạm dụng và dày xéo quá nhiều, tôi viết với tâm cảm hoà hợp Nam-Bắc:

a) qua cách dùng chữ: người ta có nghĩa là một số người nào đó không nhất thiết Nam hay Bắc (nếu không, tôi đã viết rõ: chính quyền miền Bắc)

b) qua cách pha trộn các danh từ thông dụng (tổ quốc... dân tộc...) của cả hai miền, vì đối với tôi, 6 danh từ trên đều là tiếng... Việt cả. Ngoài ra, tôi không nghĩ: vì miền Nam hay dùng chữ quốc gia, miền Bắc hay dùng chữ nước hay đất nước, mà những từ đó trở thành độc quyền ngôn ngữ của các chính quyền Nam-Bắc.

c ) Theo Dương Thu Hương, “chính quyền miền Bắc không bao giờ sử dụng những danh từ: Quốc gia – Tự do - Dân tộc trong các khẩu hiệu được coi là tôn chỉ của cuộc chiến”. Vậy thì những khẩu hiệu “ Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”, “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”, “ Vì độc lập, vì tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”... những khẩu hiệu ấy ở đâu ra? Nhắc lại những khẩu hiệu ấy ở đây không phải để phủ nhận chân lý nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, nhưng để cùng nhau tự hỏi: có chân lý nào đáng giá 20 năm cốt nhục tương tàn, với những đau thương, chia rẽ, hận thù... mà ngày nay dân tộc vẫn còn phải trả?

Vì viết vội 3 nên tôi viết vụng chăng? Khiến Dương Thu Hương không thấy dụng ý hoà hợp của tôi, khiến Dương Thu Hương phải vất vả, mất thì giờ giảng giải về những điều tôi muốn nói và đã viết?

II. Khi viết: “Dương Thu Hương là một hiện tượng hiếm có, một viên ngọc trong đám sình lầy đang ô nhiễm quê hương”.

Trong mạch văn và trong bối cảnh bài viết, thiết tưởng không một người Việt nào đọc câu trên lại có thể gán cho nó ý nghĩa mạ lỵ dân tộc. Có cần phải giải thích: viên ngọc ở đây chỉ là hình ảnh tượng trưng cho thái độ quả cảm, đã nổi lên và sẽ còn nổi lên trên đất nước, mà Dương Thu Hương là một trường hợp, và sình lầy tượng trưng cho sự độc tài, chuyên chế, tham nhũng gian dối, đàn áp tư tưởng... hay không?

Không nhận lời khen là quyền của mọi người. Nhưng xuyên tạc lời viết lại là chuyện khác.

Tóm lại, việc xuất bản Tiểu thuyết vô đề đã xảy ra là do lòng tin tưởng vào một việc chung và tốt giữa ba người: anh X, tôi và thầy Từ Mẫn.

Trách nhiệm và Thương tổn. Tôi nhận. Nếu tôi có sai lầm trong sự nhiệt tình thì tôi đã được trả giá đúng mức. Ngày nay thẩm định lại: Thử hỏi việc xuất bản ấy có hại hay có lợi cho tác phẩm?

Dù sao chăng nữa, đây cũng là một dịp đối thoại. “ Khôn không qua lẽ, khoẻ không qua lời”, biết vậy mà lễ độ trí thức và cái chừng mực của con người vẫn không cho phép tôi đẩy lời lẽ đến cùng.

Thuỵ Khuê

14.2.1992

 

1 Trong hoàn cảnh lúc đó, tôi chấp nhận điều kiện này.

2 Cơ sở duy nhất mà tôi dựa vào là một bản sao một lá thư Dương Thu Hương viết cho hai người bạn (anh Giao và anh Đường), nội dung ngỏ ý muốn xuất bản Tiểu thuyết vô đề tại hải ngoại.

3 Tôi đã đọc Tiểu thuyết vô đề và viết Tựa trong 5 ngày (từ 22 đến 27.4.1991). Cùng trong tuần lễ đó, thực hiện một chương trình phát thanh về Dương Thu Hương trên RFI dài 24 phút và viết 2 bài về đề tài Dương Thu Hương để kịp đi trên Thông Luận số ra ngày 1.5.1991.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss