Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 7 / Bạn đọc và Diễn Đàn

Bạn đọc và Diễn Đàn

- Diễn Đàn — published 08/09/2009 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:42

 
Bạn đọc và Diễn Đàn

 

Diễn Đàn chân thành cảm ơn thư và bài của các bạn: Nguyễn Hoàng (California, Hoa Kỳ), Phạm Ngọc Lân (Athis-Mons), Nguyễn Khắc Xuyên (Le Perreux), Nguyễn Việt Bắc (Niederbronn), Lá Xanh (Canejan), Trương Pierre (Nouméa), Trần Ngọc Anh (Le Blanc-Mesnil), Bùi Mỹ (Canada), Lý Thanh (Ba Lan).

Dưới đây, chúng tôi xin trích đăng một đôi đoạn trong các thư của Nguyễn Hoàng và Phạm Ngọc Lân. Bài không đăng trong hai số liền, và không có thư riêng của ban biên tập, xin các bạn tuỳ nghi sử dụng nơi khác.

Ngoài các tạp chí thường xuyên trao đổi với Diễn Đàn, đã kê trong các số trước, chúng tôi vừa nhận được ấn phẩm của các đồng nghiệp Thế Kỷ 21 (Hoa Kỳ), Terzo Mondo Informazioni (Ý), Giao Điểm (Hoa Kỳ), Người Việt (Thuỵ Sĩ), Hướng về Nguồn (Anh), Đất Nước (Úc). Trân trọng cảm ơn tất cả. Diễn Đàn đang nghĩ tới một trang (thường xuyên?), hoặc bài giới thiệu báo chí của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, dù là báo chí có trao đổi với Diễn Đàn hay không song công việc không dễ (vì có quá nhiều ấn phẩm, nội dung rất khác nhau).

Ác ngôn?

Tôi đã đọc bài “Đọc Nhật ký Nguyễn Ngọc Lan” của Đặng Tiến đăng trên Diễn Đàn số 6 một cách chăm chú – như tôi vẫn đọc tất cả các bài phê bình văn học của Đặng Tiến. Và cũng như mọi khi, tôi vừa thưởng thức lối viết độc đáo của nhà văn, vừa thích thú chia sẻ những nhận xét tế nhị và thẳng thắn của nhà phê bình, vừa học hỏi những kiến thức về văn học của nhà mô phạm – văn học vốn không phải là lãnh vực chuyên môn của tôi. Riêng trong bài về Nguyễn Ngọc Lan, tôi không đồng ý với hai chữ “độc ác” mà Đặng Tiến đã hai lần dùng để làm tính từ cho “lối viết” và “lối chơi chữ” của tác giả. Và toà soạn Diễn Đàn còn đóng sâu thêm cái đinh khi gán thêm chữ “độc ác” cho “ngôn từ” của Nguyễn Ngọc Lan, trong lời chú thích cuối bài. Dĩ nhiên, nhiều tính từ khác cũng đã được dùng như “dí dỏm, tinh tế, sắc sảo”, nhưng riêng đối với tôi, từ “độc ác” đã lấn át tất cả, và tôi nghĩ cũng sẽ gây ấn tượng đối với một số người đọc. Trong một tác phẩm mà cả “lối viết, lối chơi chữ và ngôn từ” đều độc ác thì tôi nghĩ đó là một phán xét quá nặng nề. Tôi đã đọc kỹ nhật ký Nguyễn Ngọc Lan, và tôi không cảm thấy cái “độc ác” toát ra trong tác phẩm này.

(Phạm Ngọc Lân, Athis-Mons)

[Chữ “độc ác” dùng theo nghĩa bút pháp có hiệu lực nhất định. Có thể dùng với Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Thiệp... Nguyễn Đình Thi dùng chữ “ tàn nhẫn”, Nguyễn Mộng Giác dùng chữ “rốt ráo”, nghĩa dù có khác, đại ý cũng gần như vậy như cho style voltarien của người Pháp. Tôi dùng chữ ấy là một cách quảng cáo kín đáo cho cuốn sách. Ngoài ra, phần đông độc giả trách tôi viết phê bình mà quá nhẹ tay, “ bao cấp”. Bạn trách tôi “phán xét quá nặng nề” thì... tôi khoái.

[Đ.T]

Thoáng hơn

Thực ra, gần như số Diễn Đàn nào cũng ít nhiều động đến vấn đề mục tiêu và chỗ đứng của DĐ. Từ số đầu, cho đến số 5, đặc biệt là hai bài của Đặng Tiến và Bùi Mộng Hùng quanh vấn đề ghetto. Điều đó, theo tôi nghĩ cho người đọc thấy cái loay hoay tìm kiếm và nỗ lực tự xác định của DĐ. Với một số người gần gũi với Đoàn Kết - Diễn Đàn sự loay hoay là biểu hiện tất yếu của một chặng đường. Với một số người, không xa lạ với Đoàn Kết - Diễn Đàn, nhưng tự đặt ra một số kỳ vọng nào đó, có thể họ sẽ hoặc thất vọng, hoặc bắt đầu sốt ruột.

Bản thân tôi, thật khó để mà khách quan trong vấn đề này. Vì thật tình, tôi vừa muốn DĐ được phổ biến thật rộng, và có nhiều người đóng góp bài viết, vừa có một bản sắc và vị trí của nó (tránh nói là “riêng” vì không hẳn là riêng). Hai điều này thật ra không loại trừ nhau, chỉ rất khó “hoà hợp” trong giai đoạn này thôi.(...)

Vậy tôi hiểu (muốn) Diễn Đàn như thế nào?

– Trong hoàn cảnh thông tin về các vấn đề trong nước chưa được thông suốt và chính xác, DĐ làm được việc này tốt chừng nào hay chừng đó. Nhưng nên là những nét lớn, vì là báo hàng tháng nên một số tin chi tiết đã mất tính thời gian. Cần làm rõ (trong điều kiện cho phép) các nỗ lực, suy nghĩ, và các giới hạn của những người đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn. Cái khó là khen, khen đúng và dám khen, nếu có cái để khen.

– Thái độ và phản ứng của người viết trên DĐ (đối với các vấn đề trong nước và trong cộng đồng) phải trực diện và xây dựng. Cái khó vẫn là những cái nhãn hiệu có thật và không có thật còn đeo đẳng như một ám ảnh (cả người viết lẫn người đọc) một cách vô ích. Tôi nói vô ích vì có những thứ vẫn cần lưu giữ và nhất quán.

– Tốt hơn hết vẫn là có nhiều người khác chịu viết cho DĐ. Được như thế không khí sẽ thoáng hơn. Và điều này tuy khó nhưng vẫn có thể nên cố đẩy thêm. Thí dụ: định ra chủ đề cho vài số, thông báo và mời thiên hạ viết, mời trực tiếp những cá nhân mà ban biên tập nghĩ là nên (có gây ra tranh luận – controversial – càng hay). Thêm vào đó, một số cây viết quen biết của DĐ có thể nên gửi bài cho các báo khác, như anh Đặng Tiến đã làm.

– Một dạng tôi thấy rất thành công là ghi lại các buổi toạ đàm. Nó sẽ giúp mở ra, giới thiệu sự khác biệt và chấp nhận nhau.

Nói tóm lại, tôi có ý nghĩ là DĐ nên tham gia vào sinh hoạt báo chí trong cộng đồng ở hải ngoại một cách nào đó.

(Nguyễn Hoàng, Hoa Kỳ)

Bài tạm gác

Vì bài vở số này quá nhiều, chúng tôi buộc phải hoãn một số bài, trong đó có:

– Viếng bạn Nguyễn Văn Cổn, của Hoàng Xuân Hãn

– Mục Quyền trả lời: các bài của nhà văn Thế Uyên, nhà báo Thành Tín.

Xin các tác giả và bạn đọc thứ lỗi.

Sửa mà không sửa

Tuy có tham vọng là trở thành tờ báo Việt ngữ ít lỗi chính tả nhất thế giới, Diễn Đàn còn để sót khá nhiều lỗi, kể cả lỗi ngữ pháp của nghề in, mặc dầu cũng đã có tiến bộ “trông thấy”. Đỉnh cao của tội lỗi là bài của Vũ Quang Việt, Ngô Thanh Nhàn (số 6): thay vì lên khuôn bản đã sửa lỗi, chúng tôi đã lên khuôn bản chưa sửa! Xin chịu lỗi với bạn đọc và các tác giả.

Giúp Thăng Long: Version Française là AUFV

Vì quen tay, chúng tôi đã đánh máy tên viết tắt của hội Amitié Universitaire France-Vietnam (bài Đã 3 năm, của Colette Andrieu và Bùi Trọng Liễu, số 6) là AUVF, khiến cho chị Colette nhận được một số ngân phiếu ủng hộ đề sai tên hội. Xin cáo lỗi cùng bạn đọc và hội AUFV; và xin nhắc lại: ngân phiếu ủng hộ Trường Thăng Long, xin đề A.U.F.V., 16 rue du Petit-Musc, 75004 Paris.

Ý nhảm

Diễn Đàn số 5, trong bài thơ Gửi VĐ của Đặng Tiến, có một câu hơi lạ:

Khỏi đọc văn chương nhảm ý mất giờ

Xin bạn đọc sửa lại cho đúng:

Khỏi đọc văn chương nhảm – mất giờ

Tại sao lại lọt chữ “ý” nhảm nhí đó? Vì chương trình chữ Việt thiếu gạch dài (–) mỗi lần dùng phải đổi sang chương trình tiếng Pháp, đổi đi đổi lại mà quên, thì dấu “–” trở thành “ý” cũng như các dấu ngoặc kép (“) và (”) thì trở thành Ờ và Ậ. Xin có đôi lời giải thích dài dòng như vậy, để khi gặp phải những hạt sạn Ờ, Ậ, ý... ( mà chúng tôi cố tránh nhưng vẫn còn sai sót) bạn đọc có thể giải mã và sửa lại cho đúng.

Vô lễ với cổ nhân

Diễn Đàn số 6, bài Lời toà soạn cho cái gọi là “thư Pa-ri”, tên nhà thơ Ba Tư thay vì Omar KHÉMAN xin đọc là KHEYAM. Đây cũng là người mà Kim Dung nói đến trong “Cô gái Đồ Long” dưới tên Nga Mạc.

Nhắn tin

Bà Trương thị Ngọc Bàng, trước 1975 làm thư ký ở thương cảng Đà Nẵng và ông Ngô Bá Niên, trước 1975 là thượng sĩ nhất, hải quân ở Duyên phòng Cam Ranh, nay ở đâu xin thư về cho ông Bùi Văn Khiển, 10.600 Brunswick Roadg, # 304, 1 Blơomington, MN 55438, USA.

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss