Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 7 / Những con người đi giữa hai làn đạn

Những con người đi giữa hai làn đạn

- Nhật Tiến — published 08/09/2009 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:42
 
 

Những con người
đi giữa hai làn đạn

 

Nhật Tiến

 

 

Cuộc đối thoại tiếp tục...

Bản TỰ BẠCH về TIỂU THUYẾT VÔ ĐỀ của Dương Thu Hương mà Diễn Đàn công bố trong số 6 như có thể đoán trước đã gây tiếng vang lớn, đặc biệt ở Mỹ, là nơi mà những tác phẩm của nhà văn đã được tái/xuất bản, và bản thân việc phổ biến tiểu thuyết của bà vẫn chưa hết gây ra tranh luận.

Tiếp theo bài trả lời của Thuỵ Khuê (đăng cùng số trước), chúng tôi đăng trong số này phát biểu của nhà văn Nhật Tiến (Hoa Kỳ) – bài này tác giả có nhã ý gửi cho cả Diễn Đàn và tạp chí Hợp Lưu (Mỹ).

Nhân tiện, xin thêm vài thông tin ngắn liên quan tới tác phẩm của Dương Thu Hương:

– Nữ diễn viên Catherine Deneuve đã hợp tác với Nhà xuất bản Des Femmes, đọc một số chương NHỮNG THIÊN ĐƯỜNG MÙ (Les Paradis Aveugles, bản dịch của Phan Huy Đường). Băng catxet này được phát hành trong bộ Livre-cassette. Trả lời phỏng vấn của Michèle Manceaux, Catherine Deneuve (sống ở Hà Nội 4 tháng để quay cuốn phim Indochine) tâm sự rằng bà đã tìm lại trong tiểu thuyết của Dương Thu Hương những ấn tượng và cảm xúc mà bà đã sống trong thời gian ở Việt Nam.

– NHỮNG THIÊN ĐƯỜNG MÙ đang được dịch và xuất bản ở Ý, Đức và Hoa Kỳ.

Tôi dự đoán hai bài Tự bạch của Dương Thu Hương và Trả lời của Thuỵ Khuê sẽ gây một tiếng vang lớn trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại. Có lẽ chỉ ở hải ngoại thôi, vì báo chí ở trong nước, trong hoàn cảnh hiện nay sẽ chẳng có cơ hội được công khai phổ biến những tài liệu văn học như thế. Tôi cũng dự đoán rằng, trong những cuộc thảo luận sôi nổi quanh hai bài viết ấy dư luận sẽ có nhiều cách nhìn để phê phán, tuỳ hoàn cảnh, tuỳ vị trí tuỳ tâm tư cũng như kinh nghiệm sống của mỗi người.

Sự trao đổi ý kiến một cách rộng rãi và đa dạng như thế, vừa giúp cho người viết có cơ hội bầy tỏ quan điểm của mình, vừa khiến cho người đọc có nhiều dữ kiện đánh giá và tự tìm cho mình một cung cách để kết luận vấn đề, đó là ưu điểm của một xã hội tự do dân chủ. Bởi những lý do đó, tôi cũng muốn góp phần vào công cuộc thảo luận để có cơ hội bày tỏ cách nhìn của mình, nhất là đối với một vấn đề có tính cách hệ trọng, không chỉ dính dấp đến hai cây bút nữ mà cả hai tôi đều quý trọng, mà còn mở ra một lãnh vực vô cùng rộng lớn khác, liên hệ đến những con người cùng chia sẻ với nhau nhận định rằng dù thắng, dù thua, tất cả đều là những đứa con của cùng một quê hương, và đều là nạn nhân trong trò chơi cay nghiệt của định mệnh (chữ của Dương Thu Hương).

Phải nói ngay rằng, ngồi trong tù để viết bản Tự bạch mà viết được đến như thế, quả Dương Thu Hương đã giành lấy sự tự do hoàn toàn để sử dụng ngòi bút của mình. Tôi không nhìn thấy một sự trói buộc ngoại cảnh nào khiến bà phải uốn cong ngòi bút của mình. Bà đã khẳng định rằng cuộc chiến tranh vừa qua là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn (điều mà các giới lãnh đạo ở cả hai miền đều không chấp nhận), rằng cả hai thứ người này (ở đầu mút của nó) đều không đem lại một tương lai khả quan nào cho đất nước, rằng quan điểm của những người chống cộng cực đoan giống quan điểm của lớp cộng sản bảo thủ (theo chiều ngược lại) như hai giọt nước, đều là những người khăng khăng ôm chặt lấy định kiến, mặc cảm cũ, không mảy may khoan dung, không mảy may đoái thương tới đồng bào, đồng loại, và rằng tất cả đều không muốn đi đến cội nguồn của sự thật, tất cả đều không muốn nói đến hai chữ tha thứ...vân vân...

Nhưng nói thế không có nghĩa là Dương Thu Hương khi cầm bút viết bản Tự bạch lại không bị ràng buộc bởi bất cứ một trở lực nào. Theo cách nhìn của tôi, do hoàn cảnh đặc biệt của riêng cá nhân bà, một người tham dự cuộc chiến ở một phía ngay từ năm 18 tuổi (trong hoàn cảnh này, tâm tư và tình cảm của bà tất nhiên được hình thành trong một khuôn mẫu khác với khuôn mẫu của một thanh niên miền Nam khi nhập ngũ, kể cả những dữ kiện thông tin mà giới trẻ ở cả hai miền được cung cấp và bồi dưỡng), và nhất là vào thời điểm viết bản Tự bạch, bà không những chưa bao giờ đặt chân ra hải ngoại, lại còn nằm trong tù, nên về mặt hiểu biết những gì đang xẩy ra ở bên ngoài, bà còn rất nhiều điều hạn chế, thậm chí có thể nói, bà còn đang bị những cơn hoả mù về những lượng thông tin hiếm hoi đến được với bà, sau những chuyện rối ren như vụ Bác sĩ Bùi Duy Tâm, vụ ấn hành cuốn Tiểu thuyết vô đề, vụ kiện cáo gần đây quanh cuốn sách của bà. Tất cả những điều đó dù muốn dù không cũng đã là những trở lực làm hạn chế cách nhìn của bà, và nó đã thể hiện rõ trong bản Tự bạch.

– Chính vì được đúc trong khuôn mẫu của một phía nên trong bản Tự bạch, bà chỉ nhắc nhở đến “mẫu quốc Hoa Kỳ”, đến vi trùng lậu Đại Hàn, đến những quái thai do chất độc da cam, hay những cuộc tàn sát những nữ chiến binh hoặc thanh niên xung phong miền Bắc vv... mà đã thiếu công bằng khi không nhắc đến nguồn viện trợ khổng lồ cho miền Bắc đến từ Trung Hoa, Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc... và nhất là đến những vụ thảm sát gây ra bởi quân đội miền Bắc đối với quần chúng miền Nam, như những vụ ám sát, chặt đầu, trôi sông, hay cụ thể rõ rệt nhất là những mồ chôn tập thể ở Huế trong biến cố Mậu Thân.

– Chính vì thiếu dữ kiện thông tin do hoàn cảnh của những người còn kẹt lại trong nước (chưa kể còn nằm trong tù), nên trong bản Tự bạch, bà đã có những nhận định sai lầm, như thể: cho rằng tác phẩm Tiểu thuyết vô đề của bà bị đánh giá là “ lời sám hối của một tên Việt cộng, một con Việt cộng, một kẻ đã từng là đảng viên cộng sản”, hay như thể Tiểu thuyết vô đề là một “ cơ may để những người chống cộng cực đoan lợi dụng một cách triệt để nhằm chống lại kẻ thù của họ tức chính quyền Hà Nội”. Sự thật đã xảy ra không đúng như thế. Nếu độc giả ở hải ngoại đa số tiếp đón tác phẩm của Dương Thu Hương cũng như của nhiều nhà văn khác như Nguyễn Huy Thiệp, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Khắc Trường, Hoàng Lại Giang...thì hầu hết đều có tâm trạng cởi mở, không thành kiến, chỉ đón nhận những tác phẩm có chân giá trị như một tài sản chung của dân tộc, không phân biệt xuất xứ địa dư cũng như chính trị. Trong khi đó, ngược lại, chính sự cho in lại những tác phẩm trong nước, trong đó có cả cuốn Tiểu thuyết vô đề đã là một đề tài để cho những người cực đoan ở hải ngoại lên án một cách nặng nề, rằng tất cả những ấn phẩm như vậy chỉ là một trò đổi mới giả hiệu, giúp cho chính quyền trong nước thoát hiểm trong cơn bế tắc, kiệt quệ hiện nay. Tôi có thể khẳng định chưa có một bài báo nào thuộc nhóm cực đoan lại khai thác một cách triệt để và bầy tỏ nỗi vui mừng khi tiếp đón cuốn Tiểu thuyết vô đề như “một lời sám hối của một tên Việt cộng”. Thì ra những người chống cộng cực đoan và chính quyền trong nước đã lại gặp gỡ nhau ở một vị trí trớ trêu: cả hai đều không muốn cho cuốn Tiểu thuyết vô đề (và cả những cuốn khác cùng loại) được ấn hành ở hải ngoại, và cả hai đều ra sức ngăn cản sự ấn hành đó!

– Cũng chính vì thiếu sự thông tin, nên Dương Thu Hương không hề biết Thuỵ Khuê là một mẫu người quả cảm, cũng đã từ lâu đi giữa hai làn đạn để thực hiện mơ ước của mình.

Trên diễn đàn của tờ Thông Luận (Paris), ngòi bút Thuỵ Khuê trong mục Sổ tay, đã ròng rã nhiều năm trời bầy tỏ sự can đảm trong nỗ lực “vượt qua những định kiến của quá vãng để mưu cầu lợi ích chung của dân tộc”, và điều này đã khiến bà trở thành nạn nhân của những cuộc chụp mũ, bôi nhọ, mạ lỵ tưởng như đã vượt quá mức chịu đựng của một phụ nữ Việt Nam vốn có bản chất hiền hoà, khiêm ái.

Là người giữ trọng trách thực hiện những cuộc phỏng vấn trên đài RFI thường xuyên phát thanh về Việt Nam, Thuỵ Khuê cũng đã được dư luận đồng bào trong nước đón nhận một cách trân trọng khi bà đem lại cho thính giả những nguồn thông tin trung thực, quí báu và nhất là đã thể hiện một lập trường không khác gì lập trường của Dương Thu Hương: “Sẽ mãi mãi là bất hạnh, sẽ khổ đau truyền đời mãn kiếp nếu những đứa con của Hùng Vương không nhảy qua được vòng phấn của quá vãng”.

Nêu lên những sự kiện kể trên, thâm tâm tôi thực sự không thống trách gì Dương Thu Hương cả. Và ở hoàn cảnh có những mặt hạn chế như đã nói, bà không thể có một cái nhìn khách quan hơn trên cái nền tảng nhiễu loạn thông tin chung quanh cuốn Tiểu Thuyết Vô Đề. Và có lẽ cũng do bản chất cương cường hết sức mạnh mẽ (mà bà đã thể hiện trên hầu hết những bài phát biểu trước đây) bà đã không thắng được sự nóng nảy của mình để nhìn một cách trung thực hơn điều mà Thuỵ Khuê đã phải kêu lên rằng mình bị xuyên tạc. Chẳng hạn như đoạn văn ví Dương Thu Hương là một viên ngọc trong đám sình lầy đang ô nhiễm quê hương. Tôi không có lý do gì để kết luận rằng Thuỵ Khuê đã miệt thị cả dân tộc Việt Nam là một đám sình lầy. Còn như những hiện tượng tham nhũng, bất công, thối nát, những sự hiện diện của một thiểu số tư bản đỏ đang hưởng thụ phè phỡn trên nỗi đau thương nghèo khó của chính những đồng bào, đồng chí của mình (những người cộng sản suốt đời không biết hưởng thụ là gì chỉ tồn tại trong sự khốn cùng) thì đó chẳng phải là một đám sình lầy làm ô nhiễm quê hương hay sao?

Tuy nhiên, bỏ qua tất cả những tiểu tiết như vừa kể, tôi thấy rõ, một lần nữa, trong bản Tự bạch, nhà văn Dương Thu Hương đã lại khẳng định một cách dõng dạc, thẳng thắn và can cường về quan điểm minh bạch của mình. Đó là mọi vinh quang đều là hão huyền, chỉ hạnh phúc là có thực. Đó là sự khổ đau của dân tộc đã khiến cho những con người có lòng phải lọc bỏ mọi định kiến, mọi hận thù để nhìn về tương lai hơn là kéo dài một cuộc chiến vốn đã đau thương và khốc liệt. Và đó là dân tộc chúng ta đã mất đi những vận hội, những may mắn, đã lỡ nhiều chuyến tàu, giờ đây chỉ có một cách, là mỗi người dân Việt ý thức đầy đủ sự bất hạnh của giống nòi và đóng góp cho tương lai bằng thiện chí, tinh thần trọng lẽ phải và sự công bằng.

Những tâm tình ấy, những ước mơ ấy của Dương Thu Hương cũng chẳng có gì khác biệt với những ước mơ của Thuỵ Khuê mà bà đã bầy tỏ trong nhiều năm tham dự sinh hoạt báo chí ở hải ngoại. Mà trong hoàn cảnh tâm lý vô cùng phức tạp như hiện nay, dù là sống giữa một xã hội được tiếng là hết sức tự do dân chủ như Pháp, như Mỹ, thì sự cất lên tiếng nói để đấu tranh cho những mơ ước đó được thể hiện, cũng thừa đủ để trở thành nạn nhân của những vụ ném đá, chụp mũ, thậm chí cả bạo hành và tiêu diệt sinh mạng. Như thế quả là cả hai ngòi bút mà tôi đều quí trọng, Dương Thu Hương và Thuỵ Khuê đều là những kẻ đồng hành, đi giữa hai làn đạn.

Cả hai đã và đang còn phải trả giá cho sự chọn lựa can đảm của mình.

Tôi chỉ có một điều ước mong duy nhất, đó là rồi ra, những người chia sẻ được với quan điểm của hai người, sẽ ngày một thêm đông đảo, để cùng nhau thực hiện những điều thật sự tốt đẹp cho quê hương, dân tộc.

California , 1.3.1992

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss