Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 7 / mầm sống vươn lên

mầm sống vươn lên

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:41, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:41
Để bảo vệ nền văn hóa từ bao nghìn năm các thế hệ nối tiếp nhau bồi đắp cho dân tộc tồn tại đến ngày nay, và để có khả năng hấp thu cái mới hầu mong hội nhập vào thế giới hiện tại vai trò quyết định của xã hội công dân là cần thiết. Nhưng không đủ. Còn cần sự hỗ trợ của một Nhà nước với đầy đủ quyền lực và chức năng của nó.

 

Ca nhạc dân tộc, Sân khấu, Điện ảnh


Giữa băng hoại,
mầm sống vươn lên
từ xã hội công dân

 
Bùi Mộng Hùng

 
Dân ca, sân khấu... Là hoa là lá, là trò giải trí, thật bình dân. Và cũng là những mảng văn hoá bắt nguồn từ tiếng ạ ời mẹ ru, từ nhạc tâm tình của chị đi cấy, của anh đi cày, từ nỗi buồn vạn cổ âm lên thành tiếng nam ai, thành câu vọng cổ hoài lang, là nhạc lòng dân tộc thầm thì truyền đời truyền kiếp, sống trong dân gian mộc mạc tự nhiên như hoa đồng cỏ nội. Nay đứng thế nào, rồi sẽ ra sao trước cơn lốc nhạc thời thượng, trước vũ bão băng nhạc, video tràn ngập thị trường ? Những điều nhận xét được, cho có cục bộ, giới hạn đến đâu đi nữa, chính là những biểu hiện cụ thể của sức chịu đựng, lối phản ứng của văn hóa ta, của xã hội ta, là những sự kiện thực tại, có thể làm cơ sở để suy tầm lối thoát cho nền văn hóa dân tộc trước thử thách ngặt nghèo hiện nay.

Nhìn dưới góc cạnh nào đó, điện ảnh có thể xem như là cực đối lập với dân ca, với sân khấu cổ truyền : là nghệ thuật nhưng nó chính là một công nghiệp, phải đầu tư nặng, vốn liếng, kỹ thuật... Ngành điện ảnh còn trứng nước của ta có đứng nổi hay chăng, vấn đề không phải không hệ trọng cho văn hóa dân tộc. Nghệ thuật thứ bảy là đất dụng võ cho các nghệ thuật khác, là một kênh văn hoá đại chúng thật thuận lợi trong cái thời đại hình ảnh làm bá chủ này. Nếu mai kia, trên màn ảnh lớn, màn ảnh nhỏ...

Mai kia ra sao, ta đã được nếm mùi từ 1988-89. Băng caxét, băng video các loại từ ngoài tràn vào như nước lũ. So với năm 89, trong năm 90 lượng băng video xin nhập tăng 110 %, băng caxét và đĩa tăng 652 %. Đấy là đường chính thức, còn nhập lậu nữa. Có 1400 cửa hàng dịch vụ video tại thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày cho thuê ít nhất 28 000 băng, trong số ấy có trên 50 % là phim ngoài danh mục. Phim nhập lậu theo đường hàng không, đường biển, đường bộ, đổ về thành phố Hồ Chí Minh, tấp vào chợ Huỳnh Thúc Kháng quận I, từ đó làm " tổng đại lý" phát hành đi khắp nơi. Có lúc cơ quan phát hành phim của nhà nước cũng mua lại phim lậu để khai thác. Phim lậu nếu được hội đồng duyệt phim thông qua thì gọi là phim " trong luồng ". Có 500 điểm càphê video tại thành phố Hồ Chí Minh. Xem " phim tư nhân " gởi xe trước cửa không tốn tiền, vào xem một bộ phim kèm nước uống chỉ mất độ 1 .000 đồng và phim thường là " ngoài luồng ", các rạp chiếu phim khố mà cạnh tranh nổi ! Gần đây xuất hiện hình thức cho thuê phim tận nhà. Có người xách túi đựng băng đi " chào hàng " từ đầu đường đến cuối hẻm, phim gì cũng có, bạo lực, sex nhẹ, sex nặng... thuê một băng chỉ tốn 500 đồng, xem xong người cho thuê đến tận nhà thu lại. Thật khó ngăn chặn phim nhập lậu, khó quản lý dịch vụ mua bán, cho thuê, in sang phim vì kẽ hở quá nhiều. Ở mọi khâu, vì lẽ này hay lẽ khác (nể nang, tình cảm bạn bè, ăn tiền...), khâu hải quan cửa khẩu, khâu cơ quan văn hóa giám định, chưa kể việc chính cán bộ văn hóa, cơ quan văn hóa và một số cơ quan khác cũng mở các điểm cho thuê phim video ngoài danh mục (1) .

Trước làn sóng tràn ngập đó, chẳng riêng gì điện ảnh điêu đứng " thập tử nhất sinh " mà cả sân khấu, nhạc nhẹ, dân ca cũng ngắc ngoải !

Đạo diễn điện ảnh đang hồi thất nghiệp, nghệ sĩ nhân dân Hông Sển, sau Chiến trường chia nửa vầng trăng nhàn du từ hai năm nay, lâu lâu ghé hãng phim như người đi thăm bệnh. Đạo diễn nghệ sĩ ưu tú Huy Thành từ giữa năm 90 trở thành ủy viên thường ... họp, Lê Văn Duy, kết thúc Dòng Sông Hát đã gác máy suốt ba năm nay, Đào Bá Sơn sau phim Người Tìm Vàng phải làm hàng lô việc khác để kiếm tiền, may nhờ Nguyễn Vinh Sơn được cử đi tu nghiệp mới thay bạn làm phim Rồi ly ly sẽ chết. Hồ Nhân sau những phút vinh quang Chân dung màu đỏ, rơi vào số phận bị cắt lương của nhân viên Xí nghiệp phim thành phố, phải bán dần đồ đạc để sống, đang nằm nhà sau khi đã trao tay cho kẻ khác chiếc xe nhờ trúng số mới mua nổi. Lê Dân, Lê Mộng Hoàng, Việt Linh cũng trong tình trạng ít việc làm, chỉ có Lê Hoàng Hoa, đạo diễn bộ phim dài chín tập Ván bài lật ngửa, là được đặt cọc liên tục, trước mắt còn ít nhất hai kịch bản chuẩn bị thực hiện (2).

Hẳn không ít người nghĩ " dân Nam bộ vắng cải lương sao nổi ", " người quảng Nam - Đà Nẵng quên tuồng sao đang ! ". Nhưng sự thật hiển nhiên, tuồng đã chết, ngay cả trên đất Quảng, và vài năm trở lại đây sân khấu cải lương các tỉnh phía Nam rất vắng khách, có không ít dấu hiệu báo động sự tan rã của nhiều đoàn sân khấu chuyên nghiệp (3). Tại thành phố Hồ Chí Minh, từ cuối 90 đầu 91, trên dưới hai mươi đoàn chuyên nghiệp thường phải phiêu bạt đến những vùng xa. Phóng viên Tuổi Trẻ, đi một vòng quanh các rạp cải lương toàn gặp cảnh chợ chiều ế ẩm, mở màn tới nơi mà vé mới bán được khoảng 50 chục tấm. Anh chị em hậu đài than vãn : " Khổ quá chị ơi, bữa nào diễn có khách tụi em mỗi đứa được lĩnh 2.000 đen 3.000 đồng, ế như vầy chắc khỏi có đồng cắc nào ! Nghề này cũng chẳng vui sướng gì, cứ khuân cảnh ra vào liên tục mà tiền lương buổi tối nhiều khi không đủ tô hủ tiếu. " (4).

Về ca nhạc nhẹ, số đoàn còn sống được rất ít. Đoàn nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng, một đoàn mạnh cũng không còn ai kể cả nhạc công, ở thành phố Hồ Chí Minh đoàn Tháng Tám thì chết đi sống lại, còn Đoàn ca nhạc nhẹ phải ghép nối đủ thứ mới sống được (5). Khá đông ca sĩ dân ca trở nên " thảnh thơi ", các nhóm ca nhạc dân ca nổi tiếng như Phù Đổng, Trúc Đào, Phù Sa, Hải Vân, Bách Việt sống lây lất, thăng trầm, nguy cơ tan rã. Hiện nay chỉ còn vài điểm du lịch (khách sạn Bến Thành, Hải Vân. . .) và một ít tụ điểm ca nhạc ( 126 Cách mạng Tháng Tám, Phú Thọ, Trống Đồng, Bạch Tùng Diệp...) là còn có chương trình biểu diễn ca nhạc dân tộc. Những ca sĩ dân ca như Ngọc Yến canh cánh bên lòng nỗi lo : " Dân ca đã chết ở nhiều tụ điểm ca nhạc, liệu dân ca có tồn tại lâu dài được không ? " (6).

Đã chấp nhận cơ chế thị trường thì phải chấp nhận qui luật cạnh tranh, dù có khắc nghiệt đến đâu. Vấn đề đặt ra là nhà nước đã và đang làm gì để cứu lấy các ngành nghệ thuật trình diễn Việt Nam đang lâm vào tình trạng nguy kịch.

Rất ít số liệu để đánh giá mức đầu tư của nhà nước vào văn hóa, văn nghệ. Tuy nhiên qua cuộc tọa đàm " Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn hóa, văn nghệ " do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 9.08.1991, những con số do ông Võ Ngọc An phó giám đốc Sở văn hóa thông tin thông báo làm cho ta băn khoăn tự hỏi phải chăng văn hóa, văn nghệ đã được xem như một vú sữa chăng : trong năm 1990 số tiền 7,4 tỷ thành phố Hồ Chí Minh đầu tư lại cho ngành Văn Hoá Thông Tin chưa bằng nửa số tiền 19,9 tỷ mà ngành đã nộp cho ngân sách thành phố. Phó trưởng ban Tuyên huấn thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Sơn cho rằng nhà nước chỉ đầu tư khoảng 0,5 '% ngân sách cho văn hóa thông tin (7). Và trong năm 1991 các đoàn trung ương được Bộ văn hóa bảo trợ là Dàn nhạc giao hưởng, Nhà hát ca vũ kịch, Đoàn nhạc dân gian Việt Bắc, Đoàn ca múa nhạc Việt Nam cùng với bốn đơn vị nghệ thuật dân tộc (Đoàn quan họ Bắc Ninh, Đoàn nghệ thuật ca múa cung đình Huế, đoàn Hoàng Liên sơn và đoàn Khmer Cửu Long). Mỗi đoàn được 15 triệu đồng một năm (5) trong khi giá hợp đồng một đêm trình diễn cùng thời buổi đó của một đoàn kịch là khoảng 2 triệu đồng, và có những ca sĩ đanh tiếng đòi riêng cho mình 1 triệu đồng (8).

" Bộ máy " quản lý cái ngân quỹ eo hẹp ấy ra sao ?

Trong năm 1990, nhà nước tài trợ cho Liên hiệp Điện ảnh Việt Nam (LHĐAVN), cơ quan quản lý các hãng sản xuất và kinh doanh toàn ngành điện ảnh, 5 tỷ 900 triệu đồng để phát triển điện ảnh. Nhưng xử lý những tài sán tồn đọng sớt ngay mất 2 tỷ 838 triệu đồng. Từ ngữ bí hiểm đó diễn nôm ra là bù lỗ : riêng bù lỗ cho hoạt động kinh doanh của hai công ty phát hành trung ương Fafim đã hết 1 tỷ 700 triệu. Hai công ty này không chịu nhân bản phim Việt nam vì cho là không ăn khách đế đi nhập lậu ồ ạt. Phim Mỹ phim Hồng Kông chiếm tới 70 % tiết mục phát hành. Tiền nộp lại dù là tượng trưng cho nhà nước không thấy đâu, chỉ có tiền của nhân dân là chi ra như nước đúng theo khẩu hiệu mà Tuổi Trẻ cười đã đặt cho những hoạt động này : " Vì sự nghiệp thương mại chủ nghĩa, vì sự phát triển của điện ảnh ngoại tộc ". Trong khoản trợ cấp cho hoạt động sản xuất, có những số tiền như 100 triệu đồng chi cho Hãng phim truyện Việt Nam để làm phim về Bác Hồ ; tiền ra thì có thật, có điều là trong năm 1990 hãng phim nói trên không làm một bộ phim nào về Bác cả ! Trong khi đó các cơ sở sản xuất phim như Hãng phim Giải phóng, Hãng phim truyện,... thì lại phải dựa vào số vốn ít oi của mình, vào tiền vay ngân hàng, tất nhiên là phải chịu lãi, để làm phim (9).

Mở cửa kinh tế, người nước ngoài vào làm phim tại Việt Nam, hợp tác và cung cấp dịch vụ có thể là một hớp dưỡng khí cho các hãng phim trong nước chưa kể những nhà làm phim Việt Nam có dịp quan hệ hữu nghị, trao đổi với đồng nghiệp nước ngoài, tiếp cận phong cách làm việc của họ. Hớp dường khí trong lúc ngặt nghèo ấy bị ngay những người, những bộ phận lợi dụng chức quyền sớt ngang để " kiếm tiền " , để gây uy thế cho mình và cho bè phái : trong khi Hãng phim truyện Việt Nam đang lúng túng về ngân quỹ đến mức có nguy cơ giải thể thì LHĐAVN lập ngay một công ty mới, công ty SECOFILM đế nẫng tay trên dịch vụ cho phim Pháp " Điện Biên Phủ " ; ở thành phố Hồ Chí Minh Liên hiệp các xí nghiệp điện ảnh và băng từ đoạt mất một loạt phim dịch vụ đáng ra phải dành cho Xí nghiệp phim thành phố và Hãng phim Giải phóng (l0).

Trong tình thế lưỡng đầu thọ địch ấy, các ngành nghề trình diễn phản ứng theo nhiều hướng khác nhau. Trước hết là tăng sản xuất video, caxét, trong năm 90 video xin xuất khấu tăng 110 %, caxét và đĩa tăng 201 % so với 89 (1). Sex hóa cũng có. Phim sex ta ra chen chân với các loại sex Mỹ, Pháp, Nhật, Thái, có ca múa nhạc sex và cả cải lương sex khai trương với vở " Nữ chúa Phù Nam " của đoàn Châu Long - An Giang và vở " Động ảo tình " được dàn dựng ở Sân khấu tài năng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (11). Các đoàn cải lương thi nhau ra kịch bản mới để hút khán giả, mỗi năm có đoàn ra ba bốn vở mới song hầu hết là không hay, nhiều vở cứ như là bổn cũ sao lại. Có vài vở như " Tình yêu và tướng cướp ", " Giũ bụi đời ", " Cha con người hát rong " viết về cuộc sõng hôm nay, đặt vấn đề nghiêm túc đạt được chỉ số khán giả cao. Nhưng rõ ràng là hiện nay đang thiếu hụt kịch bản vì đội ngũ tác giả tâm huyết bỏ nghề do cung cách làm ăn, quản lý ăn xổi ở thì của lãnh đạo văn hóa, lãnh đạo các đoàn. Bên cạnh loại vở để kiếm sống bắt buộc phải có loại vở " cúng cụ ", chưa nói đến một số sản phẩm chính trị " chay " dùng tô điểm tên tuổi cho một ai đó. Tác giả kịch bản còn bị nạn chia chác giựt tiền bản quyền...(4, 12).

Trong tình trạng bát nháo đen tối như vậy, những bước dọ dẫm của kịch nói mở ra được một hướng mới. Trên đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh những vở hay như Sợi dây đay, Không chỉ là ước mơ, Vẫn xanh màu áo, Giải độc đắc, Nhật xuất... đã lôi kéo được khán giả. Và không thể không nói tới Sân khấu nhỏ, một sân khấu thể nghiệm ở thành phố Hồ Chí Minh ra mắt được ba năm nay. Địa điểm biểu diễn ở số 5B Võ Văn Tần, một sân khấu bỏ túi, có khoảng 200 chỗ ngồi thôi, đã nuôi dưỡng một lực lượng sáng tạo trẻ cố giữ một khuynh hướng nghệ thuật đứng đắn. Trong mấy năm qua sân khấu này đã giới thiệu 30 vở diễn đa dạng và đã chinh phục được khán giả vì hay, vì mới lạ, vì đáp ứng được tâm lý thưởng thức của quần chúng thích gần gũi với diễn viên, thích xem nét diễn trên từng khuôn mặt. Lành mạnh và tiến bộ, đồng thời cũng tạo ra được một lớp công chúng mới Sân khấu nhỏ đã gây ảnh hưởng trên cả nước. Không khí này gây lại nguồn hứng cho các tác giả kịch bản (13,14). Điều đáng nói thêm, sáng kiến Sân khấu nhỏ là của một hội đoàn : Hội sân khấu thành phố, điểm này có tầm quan trọng của nó, xin đề cập tới sau.

Về ca nhạc dân tộc chưa thấy có chiều hướng nuôi nổi người nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng sức sống tiềm tàng, mầm sống còn ấp ủ trong lòng dân gian. Cạnh những trường nghệ thuật công, còn các " lò " đào tạo ca cổ với phương thức truyền nghề, còn trường đào tạo Nhà hát Trần Hữu Trang kết hợp phương thức truyền nghề với phương pháp dạy dỗ hiện đại cho người diễn viên. Ngoài những nhóm chuyên nghiệp như Phù Đổng, còn những nhóm nghệ sĩ nghiệp dư như Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương, như nhóm nhạc Đức Minh trình độ nghệ thuật gây được ấn tượng đẹp nơi giới mộ điệu.

Vì bị Công ty phát hành trung ương ép giá (trả thấp hơn giá thành) Hãng phim Giải phóng bắt buộc phải tự phát hành lấy tập I của phim Tây Sơn hiệp khách, chấp nhận nguy cơ phá sản trong trường hợp thất bại. Bất ngờ thích thú, mới chỉ riêng tại khu vực thành phố và vài tỉnh (Thuận Hải, Nha Trang) hãng phim đã thu về đủ số vốn 200 triệu đồng. Tiếp theo đó, doanh thu khá lớn của phim võ hiệp Thăng Long đệ nhất kiếm, phim tâm lý xã hội Ngọc trong đá, Vị đắng tình yêu, phim tình báo Tình không biên giới... là những tín hiệu cho thấy phim Việt Nam có khả năng giành được thị trường, giành được khán giả. Nghề làm phim bị bắt buộc phải tính toán, cân nhắc, tìm cách làm cho phim được độc đáo. Đoàn làm phim Ngọc trản thần công (tức Tây Sơn hiệp khách, tập hai) chọn phố cổ Hội An, rừng Đà Lạt để tạo thêm hấp dẫn. Các đoàn làm phim võ hiệp hiện nay phải chịu tốn kinh phí dàn dựng cảnh trí, phải huy động hàng trăm người biết võ nghệ, phải thuê cascadeur với giá 100.000 đồng một ngày quay ; diễn viên trẻ, ăn khách được mời vào đóng vai chính phải tập tành võ nghệ...(15). Và rõ là phim sản xuất trong nước có chỗ đứng, có khả năng đáp ứng được thị hiếu của người xem. Trong bối cảnh cả nền văn hóa, văn nghệ nước ta đang lặn hụp giữa sóng to gió lớn, ngong ngóng trông mong được một kế hoạch sáng suốt, một chương trình vững chắc, đầu tư hữu hiệu, quản lý vén khéo tiếp hơi tiếp sức, nhưng mịt mù nào thấy tăm hơi...một chút hy vọng loé lên : vài mầm sống mong manh nhú lên, từ những sáng kiến của hội đoàn, của câu lạc bộ nghiệp dư, của cá nhân. Toàn là từ xã hội công dân, một xã hội công dân bị chèn ép, bị đẩy ra rìa !

Để bảo vệ nền văn hóa từ bao nghìn năm các thế hệ nối tiếp nhau bồi đắp cho dân tộc tồn tại đến ngày nay, và để có khả năng hấp thu cái mới hầu mong hội nhập vào thế giới hiện tại vai trò quyết định của xã hội công dân là cần thiết. Nhưng không đủ. Còn cần sự hỗ trợ của một Nhà nước với đầy đủ quyền lực và chức năng của nó.

Nguy cơ dân tộc bại hoại sẽ mãi treo lơ lửng đó, khi nào nhà nước vẫn chỉ có tiếng mà không có thực chất (16), khi nào vấn đề xã hội công dân và quan hệ của nó với nhà nước chưa được đặt ra và giải quyết cho thật nghiêm túc.

   
Tháng 2. 1992.

B. M. H. 

 

 

(1) Nhóm phóng viên văn hóa : Những lỗ rò rỉ trong quản lý và hoạt động phân phối ngầm như thế nào ? ; Sài Gòn Giải Phóng 06.06. 1991 .

Xuân Dung : Vấn đề quản lý xuất và nhập văn hoá phẩm ; Tuổi Trẻ 13.08.1991.

(2) Cát Vũ : Các đạo diễn điện ảnh hiện đang làm gì ? ; Tuổi Trẻ Chủ Nhật 21.07.1991 .

(3) V.A.T. : Quy hoạch, sắp xếp lại sân khấu Thành Phố - Một yêu cầu cần thiết ; Sài Gòn Giải Phóng 25. 08. 1991.

(4) Ngọc Mai : Một vòng quanh các rạp cải lương ; Tuổi Trẻ 05. 10.1991

(5) Trần Nhật Vy : Phỏng vấn ông Nguyễn Trung Kiên, cục trưởng Cục âm nhạc và múa thuộc Bộ văn hóa thông tin - thể thao và du lịch. Sẽ chính thức cho phép sử dụng lại một số ca khúc cũ ; Tuổi Trẻ 03. 08. 1991.

(6) Trần Hữu Lục : Tâm tình của người hát dân ca ; Tuổi Trẻ Chủ Nhật 28. 07. 1991.

(7) V.N. : Quản lý văn hóa, văn nghệ trong cơ chế kinh tế thị trường ; Sài Gòn Giải Phóng 13 .08 .1991 .

(8) Hà Thu : " Bệnh nghệ sĩ ngôi sao " ; Sài Gờn Giải Phóng 02.06. 1991.

(9) Nguyễn Trung Nghĩa : Liên hiệp điện ảnh Việt Nam đã sử dụng 5 tỷ 775 triệu đồng nhà nước tài trợ như thế nào ? ; Đại Đoàn Kết 10/16. 07. 1991.

Vũ Quang Chính : Hưởng ứng bài báo " Liên hiệp điện ảnh Việt Nam đã sử dụng . . . . " ; Đại Đoàn Kết 27 . 07 . 1991 .

Nguyễn Trung Nghĩa : Lại bàn về chuyện chi tiêu của Liên hiệp Điện ảnh VN ; Thanh Niên 20-27 . 10. 1991 .

(l0) Lưu Xá : Để việc hợp tác và cung cấp dịch vụ làm phim với nước ngoài tốt hơn ; Sài gòn Giải Phóng 21 . 07 . 1991 .

(11) Dạ Sinh : Sản phẩm văn hóa nghệ thuật và thông tin đang bị... sex hoá ! ; Sài Gòn Giải Phóng 20. 07. 1991.

(12) Huỳnh Thanh Diệu : Cuộc ra đi được báo trước ; Tuổi Trẻ Chủ Nhật 13. 10. 1991.

(13) Lê Nhược Thủy : Kịch nói đi về đâu ; Thanh Niên 8/15. 12. 1991.

(14) Kiều Ly : Vì sân khấu lớn cần đầu tư cho Sân khấu nhỏ ; Sài Gòn Giải Phóng 22. 12. 1991.

(15) Như Nguyện : Phim võ hiệp Việt Nam, tốn kém và hiệu quả ? ; Tuổi Trẻ Chủ Nhật 18 . 08 . 1991 .

Thanh Quyên : Làm phim trước cơ chế thị trường ; Thanh Niên 20- 27. 10. 1991.

(16) Hải Vân : Ngôn từ và thực chất ; Diễn Đàn số 5, 1.02. 1992,

Cao Huy Thuần : Cấu trúc chính trị trung ương trong dự án sửa đổi hiến pháp ; Diễn Đàn số 5, 1.02.1992.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss