Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 7 / thăm dò ý kiến giới trẻ của báo Nhân Bản

thăm dò ý kiến giới trẻ của báo Nhân Bản

- Kiến Văn — published 08/09/2009 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:42
 

Chuyển biến trong giới “Tổng hội”

 

Một cuộc thăm dò ý kiến giới trẻ
của báo Nhân Bản

 

Kiến Văn

 

Số xuân Nhâm Thân 1992, báo Nhân Bản của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris đã dành 16 trang (khổ lớn) để đăng một tài liệu đặc biệt, nhan đề TUỔI TRẺ HẢI NGOẠI, XÍ NGHIỆP PHÁP VIỆT NAM.

Phần đầu, “Người trẻ hải ngoại nghĩ gì về Việt Nam”, công bố kết quả một cuộc thăm dò ý kiến có ý nghĩa, mà dưới đây chúng tôi sẽ tập trung lược thuật. Phần hai, “Xí nghiệp Pháp về Việt Nam ”, không có gì đặc sắc, nhưng công phu và ít nhất cũng cung cấp cho người đọc không có điều kiện tham khảo những tờ báo và tạp chí kinh tế chuyên môn một cái nhìn chung về sự kinh doanh và đầu tư của Pháp ở Việt Nam. Đáng chú ý là một vài thông tin về vai trò của chuyên viên (gốc) người Việt trong lãnh vực này, và chủ trương của các xí nghiệp Pháp về việc sử dụng (hay không) Việt kiều trong việc làm ăn với Việt Nam.

Đây không phải là cái gạch nối duy nhất giữa hai chủ đề thoạt trông không liên quan với nhau. Còn có những “mẫu số chung” khác, như ban biên tập Nhân Bản đã rút ra trong bài Thay lời kết (tr. 16):

“Cả người trẻ Việt hải ngoại lẫn các xí nghiệp đều có vẻ chấp nhận chế độ cộng sản hiện hành tại Việt Nam.

“Trong trường hợp người thanh niên, chấp nhận chế độ không đồng nghĩa với ủng hộ vì đây là một cái giá phải trả đem đến một thể chế dân chủ trong êm thắm. Những biến chuyển chính trị tại một số quốc gia Đông Âu ắt hẳn đã ảnh hưởng nhiều đến cái nhìn của các thanh niên. Hơn nữa, để không tạo mâu thuẫn với “ trò chơi dân chủ”, chấp nhận sự hiện diện của đảng cộng sản trong sinh hoạt chính trị là một chuyện cần thiết với người thanh niên.

“Trong trường hợp các xí nghiệp, sự hiện hữu của một chế độ cộng sản tại Việt Nam đối với họ không phải là một chướng ngại. Việt Nam là một nước giàu tài nguyên, có tiềm năng phát triển mạnh, chế độ cộng sản dầu cho có những khuyết điểm trầm trọng cũng vẫn đủ vững chãi, những yếu tố đó đã đem đến cho các xí nghiệp một sự tin tưởng tối thiểu để họ đầu tư”.

Đối với người đọc còn nhớ Nhân Bản Tổng Hội, trong cuối thập niên 70 và suốt thập niên 80, đã chủ trương dùng “hình thức quân sự” để “ đánh đuổi” chính quyền cộng sản, đã kêu gọi “tập trung mọi nỗ lực để yểm trợ các lực lượng kháng chiến” (cụ thể là tổ chức phục quốc của Trần Văn Bá, nguyên chủ tịch Tổng Hội), thì mấy đoạn trên, và cả tập tài liệu, cũng như “ Lá thư Nhân Bản” mở đầu số báo, quả đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan điểm của một hội đoàn chống cộng. Nói nôm na, đây là một trái bom thầm lặng.

Điều đáng chú ý là sự biến chuyển này không phải của riêng ban chấp hành Tổng Hội và ban biên tập Nhân Bản: nó thể hiện qua cuộc thăm dò ý kiến mà dưới đây là những nét chính.

Trước hết, cũng cần nói rõ về giá trị khoa học hạn chế của cuộc thăm dò: khoảng 200 thanh niên Việt Nam, hạn hẹp về địa lý (vùng Paris) và nhất là về xã hội - chính trị (67% có tham dự “những sinh hoạt của cộng đồng”, trong đó một nửa là “cộng tác viên của một hội đoàn”). Để bạn đọc rộng đường tham khảo, xin đưa thêm một vài con số có lượng thông tin xã hội học:

– 62% từ 18 đến 30 tuổi, 11% dưới 18 tuổi,

– 37% là nữ,

– 4% đang đi học, 38% đi làm (32% làm công, 6% nghề tự do), 2% không làm việc, 1% thất nghiệp,

– 14% mới sang Pháp (dưới 3 năm), 69% định cư ở Pháp từ hơn 10 năm, trong đó 41% sang Pháp sau 1975,

– 10% chưa hề sống ở Việt Nam, 37% dùng tiếng Pháp để trả lời phỏng vấn.

Dưới đây là một số kết quả của cuộc thăm dò ý kiến:

1) Đúng như lời tạm kết của Nhân Bản cho thấy, ý kiến chống cộng cực đoan là thiểu số: 30% cho rằng phải “đề cao cảnh giác”, “không nên tin cậy nơi những hình thức gọi là “đổi mới” của đảng cộng sản Việt Nam”. Sự phân hoá thể hiện trong quan niệm về tương lai chính trị của Việt Nam: một nửa còn đòi “giải tán” Đảng cộng sản (49%), nửa kia (48%) thì không (trong đó, 41% cho rằng ĐCS sẽ phải thay đổi).

2) Những nhân tố được coi là ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế Việt Nam: giáo dục (30%), giao thương (28%), tu bổ hạ tầng cơ sở (27%), du lịch (19%), canh nông (17%), dầu hoả (5%), tiểu công nghệ (4%).

3) Những nhân tố cản trở sự phát triển hiện nay: sự tồn tại của Đảng cộng sản (37%), thiếu tiền (26%), hạ tầng cơ sở kém (20%), thiếu chuyên viên (16%).

4) Trong hoàn cảnh hiện tại, muốn về Việt Nam: du lịch (42%), công tác (11%), sinh sống (6%), [44% không muốn về].

5) Trong tương lai, muốn về Việt Nam: du lịch (33%), công tác (29%), sinh sống (36%), [3% không muốn về].

Sơ bộ, có thể nêu ra vài nhận xét:

1) Mặc dầu mẫu người được thăm dò không tiêu biểu cho giới thanh niên Việt Nam tại Pháp (vì lý do nêu trên, nhưng còn vì một lý do cơ bản hơn: đến nay chưa hề có một cuộc điều tra khoa học về giới này, nên không thể nào định ra mẫu tiêu biểu), những kết quả trên cũng cho ta một ý niệm về tâm trạng thanh niên, và xu hướng tiến hoá.

2) Về mặt xã hội học, kết quả trên xác nhận rằng, đối với một cộng đồng nhập cư ở các nước phát triển, “hồi hương” là một huyền thoại. Trong mọi trường hợp (4 và 5), số bạn trẻ có ý muốn về nước sinh sống là thiểu số, đấy là không nói tới khoảng cách giữa ý muốn và hiện thực. Song, cộng chung số người, trong tương lai, muốn về công tác và số người muốn về luôn (65%) có thể nhận định rằng đa số, bằng cách này hay cách khác mong muốn đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước.

3) Tuy mẫu thăm dò không tiêu biểu cho toàn bộ thanh niên Việt Nam tại Pháp, có thể nghĩ rằng nó phản ánh khá trung thực tâm tư của hội viên và cảm tình viên của Tổng Hội. Ý nghĩa của cuộc thăm dò chính là ở chỗ đó. Nó xác nhận sự chuyển biến chung, từ hai ba năm nay, trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt ở Hoa Kỳ: từ bỏ dần chủ trương bạo động và có một cái nhìn thực tế và chính xác hơn về Việt Nam.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss