Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 7 / quanh vấn đề “ tài nguyên chất xám”

quanh vấn đề “ tài nguyên chất xám”

- Nguyễn Lộc — published 08/09/2009 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:42
 
 

Vài suy nghĩ quanh vấn đề
“ tài nguyên chất xám”

 

Nguyễn Lộc

 

“Đi làm về khuya trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, tôi thường thấy một thanh niên ngồi chờ ai dưới cột đèn đường lù mù, tai đeo headphone, miệng thì thầm. Tôi tự giải thích, anh chàng học sinh ngữ. Ngẫu nhiên sau đó tôi được biết ông thầy Anh văn của anh lại là bạn tôi. Mỗi đêm anh ngồi đó chờ ông thầy trẻ đi dạy “cua” về để học từ 9 giờ đến 11 giờ. Là một giáo viên trẻ ở đại học, 29 tuổi, anh đang quyết liệt, hối hả học sính ngữ vì yêu cầu nghiên cứu. Theo sáng kiến của anh, khoa đồng ý phân công anh liên lạc với các đại học lớn trên thể giới để trao đổi, tiếp nhận thông tin mới về chuyên khoa mà anh đang phục vụ...”

Tôi đọc lại nhiều lần đoạn viết trên đây trong bài “ Bông hồng vàng” của nhà báo Kim Hạnh (Tuổi Trẻ, số Xuân Nhâm Thân). Không phải vì ngạc nhiên mà cũng không phải vì một xúc cảm chợt đến. Mà vì nó gợi mở lại một số vấn đề vẫn đeo đẳng tôi sau chuyến đi Việt Nam vừa rồi.

Nổi bật hơn cả là tình trạng thiếu thốn thông tin mà hầu như ai có dịp trao đổi với các anh chị làm chuyên môn trong nước đều phải quan tâm. Và cũng do đó, nhiều người đến từ nước ngoài đã phải trầm trồ trước mức độ nghiêm chỉnh của các anh chị ấy trong việc tiếp thu và xử lý những thông tin hiếm hoi lọt được vào trong nước và đến được tay họ... Chính sự nghiền ngẫm, tận dụng những thông tin từ ngoài vào của các anh chị đã làm tôi băn khoăn không ít. (Xin mở ngoặc, ở đây tôi nhằm vào các thông tin ngành nghề, tương đối chuyên môn. Còn nhìn chung, tình trạng phổ biến các loại truyền thông, báo chí đại chúng, kể cả các tạp chí nước ngoài như Newsweek, Time, Far Eastern&Economic Review, The Economist, Bangkok Post,... đã có những cải thiện tương đối; một số ấn phẩm dù còn rất hiếm nhưng không phải là không tìm ra).

Một phần, do yêu cầu bản năng nhằm đề kháng lại tình trạng bị tràn ngập thông tin – một chứng bệnh xã hội mới của thời đại thông tin (information age) –, phần khác, do phương pháp tiếp thu có chọn lựa, vô tình hay cố ý, của nếp sinh hoạt nghề nghiệp vốn ngày càng chuyên môn hoá, thói quen lơ là hoặc để một lượng lớn thông tin trôi tuột qua tay đã thành tự nhiên đối với tôi. Nếu nhìn tình trạng này trong hoàn cảnh những đồng nghiệp còn quá thiếu thốn thông tin trong nước, đây là một thứ lãng phí. Chỉ với những loại kiến thức phổ biến trong lãnh vực công cộng (public domain) không thôi, tôi đã phải tự hỏi: nếu tôi thu thập một cách có hệ thống và tìm cách chuyển giao các thông tin ấy về Việt Nam, đến đúng người, đúng lúc thì có lợi biết bao? Còn nói gì nếu thật đông người trong chúng ta làm được như vậy? Khó là làm sao thiết lập những quan hệ, có thể riêng lẻ, để người bên ngoài giúp đỡ cho người trong nước những thông tin có ích.

Cũng cần để ý, thông tin chuyên ngành được lọt vào Việt Nam nhiều khi không hẳn là ngẫu nhiên. Nếu chúng qua một sự gạn lọc cố ý nào đó từ bất kỳ ai, tất nhiên trong một chừng mực nhất định chúng sẽ bị thiên lệch theo chiều hướng định sẵn của quá trình chọn lọc ấy. Trông hiền lành nhất, đôi khi còn ngon mắt nữa, có lẽ là các thông tin vận dụng trong ngành quảng cáo, chào hàng, mặt trận tuyên truyền chính của thời đại. Các “trade magazine” là loại ấn phẩm trong đó lằn ranh giới giữa thông tin trung thực và các hậu ý cạnh tranh thương mại rất khó tách rời. Và đây là loại thông tin dễ được chú trọng để thâm nhập vào Việt Nam. Những thông tin này không hẳn là xấu nhưng thường là phiến diện.

Tôi lại chạnh nhớ tới một trường hợp “thông tin” được luật gia Nguyễn Huy Thức, uỷ viên thường trực Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp, sử dụng trong bài phỏng vấn dành cho báo Tuổi Trẻ số ngày 11.01.92. Nhân bài bác yêu cầu kiến lập một Nhà nước tam quyền phân lập, ông nói: “... Nhưng đi vào cụ thể thì phó Tổng thống Mỹ lại là Chủ tịch Thượng viện vậy thì lập pháp và hành pháp đâu phải đã phân lập”. Khi một nhà làm hiến pháp của một nước tự gọi là XHCN đã phải viện dẫn một chi tiết trong cơ cấu quyền lực Nhà nước của Hoa Kỳ ra để minh chứng cho một mẫu mực về sự dính chùm của ba quyền thì đó nhất định là chuyện nghiêm chỉnh, và thật. Có điều, đó là toàn bộ hay một nửa sự thật lại là chuyện khác 1.

Trở lại vấn đề đang bàn, tôi không hề hàm ý lo lắng, hoặc ám chỉ rằng anh chị em trong nước không có sức để phán đoán đúng sai. Với lực lượng trí thức chuyên viên đông đảo trong nước, khả năng xử lý thông tin nhất định không phải là vấn đề. Nhưng làm so sánh đối chiếu chỉ có ý nghĩa khi lượng thông tin đầu vào có đủ tính đa dạng, nhiều chiều cần thiết cho sự đối chiếu. Nói khác hơn, người trong nước cần những nguồn thông tin vừa có đủ chiều rộng và chiều sâu, không thiên lệch, méo mó hoặc phiến diện do sự gạn lọc trước qua một thứ bộ lọc nào đó. Trong tin học có một định luật dễ hiểu, dễ nhớ như sau: “Rác rưởi vào, rác rưởi ra” (GIGO – Garbage in, garbage out). Ở đây tôi không có ý nói tới những rác rưởi được chuyển về quê nhà không nhằm vào đối tượng là những người có trình độ cần thiết để phán đoán giá trị các thông tin họ nhận được. Và đó lại là một vấn đề lớn hơn, vấn đề dân trí của người Việt, trong và ngoài nước.

Dĩ nhiên, khi đặt vấn đề góp phần gia tăng chất và lượng thông tin cho Việt Nam, tôi đã giả thiết rằng ở phía đầu nhận, trong nước, đã sẵn sàng những người như anh giáo viên trẻ trong mẩu chuyện ở đầu bài. Tôi mạnh dạn giả thiết như thế vì nhận xét riêng – dĩ nhiên là chủ quan – cho phép tôi tin như vậy. Và hi vọng rằng, chính những con người như thế, “ tài nguyên chất xám” tại chỗ, nếu được nhân lên, được cung cấp với nhiều thông tin và tri thức hơn, sẽ góp phần tìm được lối ra và đi lên, trước hết là cho bản thân họ, sau nữa là cho xã hội. May ra, họ sẽ kéo theo được những bạn bè, trang lứa của họ, những người sau khi tốt nghiệp chuyên khoa hoặc đại học, đang bán quán, bưng phở, bán chợ trời, hoặc làm đủ thứ nghề để kiếm sống...2. Những người ở cái lứa tuổi hoạt động, đóng góp, khai phá, nhưng lại bị vùi dập trong cái thảm trạng đau đầu của Việt Nam hiện nay: nạn thất nghiệp.

Ở đầu bài viết tôi có dùng cụm từ “ tài nguyên chất xám”, một cụm từ thật ra khá mơ hồ. Cũng như tôi đã cố ý không xác định rõ cái gọi là thông tin chuyên ngành. Bởi lẽ, trong giới hạn thật nhỏ hẹp của một bài viết như vầy tôi nghĩ mình không nên đặt vấn đề trong cái khung chi tiết của kinh tế, giáo dục, hoặc khoa học, hoặc công nghệ gì đó. Nhu cầu thông tin chuyên ngành ở Việt Nam, ở thời điểm này, vừa đa dạng, vừa chưa “định hình”. Nói nôm na, hầu như thông tin gì cũng cần, đàng khác lắm khi người có nhu cầu cũng chưa chắc có thể mô tả, xác định được mình cần gì. Vì vậy việc đánh giá về phía người chuyển giao thông tin thật rất khó khăn. Ai dám nói là các thông tin về máy tính điện tử là “quý báu” hơn kinh nghiệm của một người quản lý thành công một xưởng thủ công nghiệp gia đình? Xin hãy cứ nghĩ tới một vùng đất hạn hán đang cần những hạt nước mưa, và xin chỉ đừng gieo xuống đó những giọt mưa acid là đủ...

Đã coi chất xám là một thứ tài nguyên, thì tất nhiên để có thể phát huy được tiềm năng của tài nguyên ấy, cần có những ước tính về trữ lượng, đánh giá trữ lượng, và triển khai sách lược khai thác và tận dụng trữ lượng ấy. Đó là những công tác lớn, dài hơi, và liên tục vì đối tượng khảo sát sẽ luôn thay đổi với thời gian và tình thế. Bài viết này không có tham vọng động đến các việc lớn ấy, chỉ xin thêm vài ý nhỏ quanh cái “vỉa tài nguyên chất xám ở Mỹ”.

Đã trở thành một thói quen của nhiều người – trong và ngoài nước, thuộc nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau – ưa nhắc tới số vốn tri thức khoa học kỹ thuật, và đôi lúc, ngay cả tài sản vật chất trong cộng đồng người Việt ở Mỹ như một thành tố quan trọng trong việc phát triển Việt Nam (hoặc là hôm nay, hoặc là “hậu cộng sản ”(!)). Một cách khái quát, sự nhắc nhở này có cơ sở của nó. Nhìn chung, chắc cũng dễ đồng ý với nhau là con số người Việt ở Mỹ tham dự vào sinh hoạt kinh tế (sản xuất và dịch vụ), văn hoá, khoa học kỹ thuật ngày càng đông, vốn liếng tích lũy có lẽ cũng đáng kể. Thế nhưng, đó là cách nhìn và ước đoán trong bối cảnh xã hội sở tại, nằm trong cơ chế riêng của xã hội sở tại, mà về cơ bản rất khác điều kiện của Việt Nam. Dùng các con số ấy, những phỏng đoán ấy để nối kết với hoàn cảnh và vận mệnh Việt Nam tôi lại e rằng sẽ có nhiều điều cần điều tra và suy nghĩ “kỹ lưỡng” hơn. Xin đơn cử một vấn đề tương đối giới hạn: tay nghề chuyên môn của một người kỹ sư Mỹ gốc Việt là sản phẩm đào tạo và phát triển của nền công nghiệp Mỹ, nhằm sử dụng ngay trong guồng máy quản lý và sản xuất của Mỹ, tương thích với trình độ tiến bộ (cũng như các giới hạn, bệnh tật) của chính nền công nghiệp Mỹ. Nếu đặt vấn đề kỳ vọng sử dụng được cái vốn kỹ năng của một chuyên viên như thế vào hoàn cảnh Việt Nam, liệu những người làm chiến lược còn bao nhiêu là chặng nghiên cứu, khảo sát, hoạch định và tổ chức phải đi qua? Ở đây tôi không hề hàm ý đưa ra cái khó khăn, hoặc thuận lợi một cách vội vã, vì thú thật, bản thân tôi chưa nhìn thấy hết. Tôi chỉ đặt vấn đề cần thiết phải hiểu và thấy các yếu tố phức tạp bên trong của một ước vọng vốn có cơ sở lớn về mặt tình cảm. Sự tham dự hữu hiệu của một người kỹ sư, ở một cấp nào đó, đòi hỏi những yếu tố nhất định về môi trường, hoàn cảnh, nhiệm vụ và quyền hạn, những chuẩn bị tương đối phức tạp, mà ngay ở xã hội sở tại, sau hàng bao nhiêu năm công nghiệp hoá người ta đã coi là tất yếu, không còn bận tâm để đặt ra.

Theo kỹ sư Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Liên hiệp các hiệp hội KHKT thành phố HCM, “Bồi dưỡng và sử dụng chất xám trí thức nói chung, trí thức Việt kiều nói riêng, thuộc phạm trù quản lý cao cả mà một nguyên tắc hàng đầu là chủ thể quản lý phải ngang tầm nhiệm vụ quản lý. Còn nhiều cán bộ lãnh đạo chưa thật thấm với sự yếu kém về trình độ KHKT và quản lý vĩ mô và vi mô” 3. Có lẽ ý này cũng đáng cho những người lưu tâm đến vấn đề “tài nguyên chất xám” ở hải ngoại suy ngẫm. Vì quan trọng hơn cả, đằng sau cụm từ “ tài nguyên chất xám” – thực chất chỉ là một cách nói – lại là vấn đề liên quan đến hàng ngàn, hàng vạn con người, mà lại là những con người tương đối có nguồn gốc giáo dục, đào tạo và sinh hoạt đa dạng, phức tạp. Và, trong tất cả các yếu tố hệ trọng, có một yếu tố vừa có tính quyết định, vừa không đo lường được: đó là tấm lòng.

Đã đặt vấn đề ra như vậy, thiết tưởng những người làm hoạch định, cả trong và ngoài nước, phải hiểu khá sâu sắc đặc tính và điều kiện sinh hoạt của xã hội Việt Nam và Hoa Kỳ. Trộm nghĩ, đấy là những việc đòi hỏi nhiều nỗ lực nghiêm chỉnh và rộng lớn. Chưa có những điều tra, khảo sát có qui củ, thì rất khó để mà nói rằng cái trữ năng chất xám ở hải ngoại được là bao nhiêu, và các dự đoán về khả năng thu hút và vận dụng cái trữ năng ấy vào sự nghiệp khôi phục lại đất nước là khả thi đến chừng nào. Cách đặt vấn đề ở trên đồng thời cũng bao hàm nhu cầu thông tin hai chiều: người ngoài nước phải được chia sẻ các dữ kiện và phân tích về nhu cầu, giới hạn, khó khăn của trong nước, trong từng ngành, từng nghề. Phải có hoàn cảnh, phương tiện, và thông tin để người bên ngoài hiểu sâu sát đối tượng hợp tác và phục vụ của mình.

Phía những người có trách nhiệm về đường lối cũng như quản lý nhân sự ở Việt Nam cũng cần có nhiều thay đổi. Thái độ thập thò, mở rồi lại đóng, đóng rồi lại mở, kèm theo những toan tính nặng phần lo lợi riêng, lợi gần, hoặc chí ít, quan tâm thái quá đến yêu cầu “phòng gian bảo mật”, nhìn đâu cũng thấy “CIA”, “âm mưu đế quốc” chỉ tổ làm cho tình hình rối mù thêm. Từ đó, ngay cả những nỗ lực riêng lẻ, ở tầm cỡ thật nhỏ, cũng chưa phát huy được mục tiêu khiêm tốn của chúng. Nói gì đến chuyện lớn.

Và nói cho cùng, có nắm được thực tế, may ra các bên trong sự hợp tác mới có thể có được những định nghĩa khá căn bản như: thu hút và vận dụng cái trữ năng chất xám của trí thức gốc người Việt Nam thực ra nghĩa là gì? Một điều thoạt nói tới, cứ tưởng là đã được xác định.

(Hoa Kỳ, tháng 2.1992)

(l) Hiến pháp Hoa Kỳ ghi:

“President of the Senate : The Vice-presidenl of the United States shall be President of the Senate, but shall have no vote, unless they be equally devided.”

Và dĩ nhliên, nếu đã muốn bàn cho ra lẽ về vấn đề này với người đọc thiết tưởng các thông tin liên quan đến vai trò của President of the Senate và của chức vụ Phó Tổng thống Mỹ còn phải được trình bày cặn kẽ hơn nữa.

(2) Về đâu chất xám miền Tây ?, Huỳnh Kim (Tuổi Trẻ Xuân Nhâm Thâm)

(3) Quốc sách về chất xám Việt kiều: trăn trở của những người đã về nước, Hữu Khánh (báo đã dẫn).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss