Thư gửi Phạm Duy
Thư gửi Phạm Duy
Trần Văn Khê
Khi tập 1 Hồi ký của Phạm Duy ra mắt, Đặng Tiến đã có bài giới thiệu trên báo Đoàn Kết. Nhân dịp tập 3 phát hành, Diễn Đàn xin đăng dưới đây lá thư của Trần Văn Khê gửi Phạm Duy. Chúng tôi cảm ơn hai anh đã cho phép đăng thư này. Cũng nhân dịp này, Diễn Đàn đăng bài phỏng vấn Phạm Duy của Đặng Tiến.
Vitry-sur-Seine , ngày mùng 5 tháng 9 năm 1991
Duy ơi!
Sau khi nhận được quyển Hồi ký thứ ba (Thời phân chia Quốc Cộng!!!) của Duy gửi tặng, tôi đã đọc say sưa.
Trong giai đoạn đó, tôi ở nước ngoài, đi học, soạn luận án, và chen vào các hội nghị quốc tế để giới thiệu âm nhạc và con người Việt Nam. Biết về đất nước và con người Việt Nam trong thời ấy, thì chỉ ngang qua báo chí, chỉ thấy bộ mặt bề ngoài, chớ làm sao biết được trong tim gan, có thể nói trong não trong hồn của người dân Việt thời ấy như Duy? Về âm nhạc, thì có tin tức ngang qua thư từ của bạn bè, như Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Ngu Í và Lưu Hữu Phước, nhờ vài tờ báo và tạp chí, biết qua một cách hết sức phiến diện phong trào sáng tác nhạc mới ở hai miền Nam Bắc.
Hồi ký của Duy đối với tôi, là một quyển lịch sử “âm nhạc cải cách” vô cùng sống động và những nhận xét của Duy vừa tinh tế, vừa xác thực, không phải chỉ dựa theo cái nhìn của một người sử gia, hay nhạc học giả, đứng bên ngoài nhìn vào, mà của một người đã lăn lộn bên trong với nghề sáng tác và biểu diễn âm nhạc. Đã thấy hết, bề mặt lẫn bề sâu, lại biết tổng kết, đưa ra những chi tiết quan trọng nhứt cho người, dầu cho “ngoại đạo”, cũng thấy được đại cương của phong trào tân nhạc. Chỉ mấy câu trong trang 248, đã phác hoạ rất đúng các giai đoạn phát triển “âm nhạc cải cách” từ lúc ra đời năm 1938 đến thời kỳ “loạn phát” (1966-1975), những đoạn viết về Lê Thương hay Trịnh Công Sơn trong quyển này rất tuyệt vời! Làm sao có thể trong đôi câu tóm tắt những điều cần phải biết về nhạc Trịnh Công Sơn? Nội dung đã súc tích mà lời văn lại ngọt ngào duyên dáng.
“Nhạc thần thoại quê hương, nhạc tình yêu và thân phận con người của Trịnh Công Sơn có một tư tưởng chỉ đạo khá rõ, dù toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức hoạ trừu tượng hơn tả thực. Cả nhạc lẫn lời, cả xác chữ lẫn hồn thơ (hay quá!) nghe bãng lãng mơ hồ, khó phân định cho đúng nghĩa, nhưng nếu nghe kỹ, cũng tìm ra ý chính: Trịnh Công Sơn muốn nói lên nỗi đau con người trong cuộc sống hiện đại, có tình yêu, có chiến tranh, có hận thù, có cái chết dễ dàng như chết trong mơ. Anh ca tụng tình yêu và – cũng như bất cứ nghệ sĩ nào ở trên đời này – anh chống bạo lực và chống chiến tranh” .
Không thể ghi lại hết những ưu điểm về mặt nhạc học, hay dân tộc nhạc học, âm nhạc trong xã hội, âm nhạc và chánh trị, âm nhạc và ái tình. Riêng đối với những sáng tác của Duy, thì không có sách nào giảng rõ hơn những biến chuyển trong tâm hồn của tác giả trước những hoàn cảnh khác nhau, những động cơ nào thúc đẩy Phạm Duy sáng tác tình ca, tâm ca, tâm phẫn ca, vỉa hè ca, tục ca, đạo ca... Đọc hồi ký này, người chưa hiểu Duy, sẽ hiểu, ai đã hiểu, hiểu rõ hơn, người đã thương, lại càng thương hơn.
Không phải người nào thích nhạc học mới say sưa với hồi ký này. Những nhà chánh trị học, sử học, xã hội học cũng tìm được trong đó nhiều điều bổ ích. Các bộ mặt trong chính giới được Duy phác hoạ, sơ sài nhưng rất đúng. Những nhận xét của Duy về cựu hoàng Bảo Đại, hay ông Ngô Đình Diệm và gia đình trị, về địa vị của Thiên chúa giáo trong xã hội Việt Nam, về các phong trào hay cơ quan có dính dáng ít nhiều đến âm nhạc, như đài phát thanh, phòng trà, các nhà xuất bản băng nhạc, hãng đĩa hát... rất rõ ràng, không thiên vị, không tưng bốc, mà cũng không đả kích. Nhờ dọc quyển Hồi ký của Duy, tôi thấy rõ hơn những sinh hoạt âm nhạc trong những năm 1951-1975.
Phạm Duy đã không quên những người giúp mình thực hiện được ước muốn của mình là “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”, sáng tạo ra nhiều tình khúc tuyệt vời mà Duy sắp vào loại “cảm tính”, khác với loại “lãng mạn” buổi ban đầu trong tân nhạc, và khác với “não tính”, “nhục tính”, và “ảo tính”, mà Duy đã nhắc đến. Phạm Duy không quên ơn Thái Hằng, người vợ hiền “đại lượng sẵn sàng tha thứ cho mình” (tr. 112), không quên những người tình, những người bạn, như Nguyễn Đức Quỳnh, Phạm Thiên Thư, những người đã cho mình những bài thơ đẹp để mình phổ nhạc, mấy lần, nhắc đến Thái Thanh có “giọng hát vượt thời gian” đã làm cho Duy thêm hứng mà sáng tác, kể cả công của các cháu, con của Duy, Duy Quang, Thái Hiền, Duy Cường... Có nghĩa, có tình, có trước có sau!
Lời ca Phạm Duy đặt ra toàn là thơ đủ các thể, thơ trong hình thức, mà nhứt thơ trong nội dung. Văn xuôi của Duy cũng đầy thi vị. Và nếu tôi chép ra một cách khác, ai đọc mà không cho nó là một bài thơ? Như câu: “Chúng ta đã có tới mười ngàn đêm đau thương, mười ngàn đêm đoạn trường, mười ngàn đêm oan khiên rồi thì đã đến lúc chúng ta phải quỳ x uống cầu nguyện cho tình yêu giáng sinh, cho một lần hoa nở, cho mộ t lần ngực nở, cho một lần cửa mở và cho tình yê u của chúng mình cũng được giáng sinh”, tôi có thể chép ra như sau:
Chúng ta đã
có
Mười ngàn
đêm đau
thương
Mười ngàn đêm đoạn trường
Mười ngàn đêm oan khiên
Rồi thì
Đã đến lúc chúng ta phải quỳ xuống
Cầu nguyện cho tình yêu giáng sinh
Cho một lần hoa nở
Cho một lần ngực nở
Cho một lần cửa mở
Và cho
Tình yêu chúng mình
Cũng được giáng sinh
Có đúng là một bài thơ không?
Những lần phải bỏ chạy vì thời cuộc cũng được Duy cho những trạng từ phù hợp với hoàn cảnh:
“Nhớ ngày hè năm 1951 đôi vợ chồng và đứa con đầu lòng lếch thếch bỏ chợ Neo để vào thành tìm tự do... Rồi lễ mễ giã từ miền Bắc vào Nam để sinh sống... Và bây giờ long đong vĩnh việt Sài Gòn với một nửa con cái!”
Còn rất nhiều chữ, nhiều đoạn rất độc đáo trong cách hành văn, kể ra không xiết.
Không thể ghi lại tất cả những gì đã làm cho tôi xúc động do đọc hồi ký này của Duy. Trong đoạn cuối khi Duy viết: “ Thống nhất đất nước chưa đủ, phải thống nhất lòng người” thì tôi đồng ý biết bao!
Riêng tôi, đọc hồi ký này, tôi được giải nhiều thắc mắc. Chưa hẳn là đồng ý với Duy trong căn bản, nhưng thấy đỡ vương vướng trong lòng tôi về những bài hát loại “một hai ba, chúng ta đi lính”, loại tục ca, hay mối tình của Duy với Hélène và Alice. Tôi lại được biết trong điều kiện nào Duy rời Việt Nam tháng tư năm 1975, khác với những điều người ta thường nói ngoa. Tôi đã yêu tài của Duy rất nhiều, và vì quá yêu, nên đôi khi cũng đã quá giận nhưng theo bài ví dặm Nghệ An, “giận thì giận, mà thương thì cứ thương”, phải không Duy?
Có một điều tôi muốn nhắc cho Duy biết để sau này khi tái bản có thể sửa lại vài chữ cho đúng với thực tế.
Anh Phạm Gia Huỳnh, không phải như anh Huỳnh Tấn Đốc (Tấn chớ không phải Văn), không có “nhiều bạn gái Pháp” (tr. 79). Anh Huỳnh có một người bạn gái mà sau này anh cưới làm vợ hẳn hòi.
Anh Đốc thì, đúng theo lời Duy nói, có nhiều bạn gái. Josiane, Gisèle và các cô khác nhưng các cô đều là “bồ” trong một vài giai đoạn của anh thôi.
Về bài Sombre Dimanche thì có nhiều câu cần phải ghi lại:
Par ce sombre
Dimanche, les bras chargés de fleurs
Je suis rentré très tôt
dans ma petite chambre
Où pourtant je savais que tu
ne viendrais pas
J' ai murmuré les chants d’
amour et de douleur
Je suis resté tout seul et j'ai
pleuré tout bas
En écoutant souffler le vent froid
de Décembre
Sombre Dimanche!
Je mourrai un beau jour où j’aur
ai trop souffert
Alors tu reviendras, mais je serai parti!
Des cierges brûleront
tendrement comme l’espoir
Pour toi, rien que pour toi, mes yeux seront ouverts
N’aie pas peur de mes yeux
s’ils ne peuvent te voir
Ils te diront que je t’aim
ais plus que ma vie
Sombre Dimanche!
Ghi lại cho Duy vài cảm tưởng của tôi khi đọc xong quyển Hồi ký thứ ba của Duy. Chờ đợi quyển thứ tư. Và xin thật tình hoan nghinh Duy đã viết những thiên hồi ký đầy đủ súc tích, chân thật, bổ ích cho nhiều người trong xã hội Việt Nam, không phải chỉ kể những chuyện có liên quan tới bản thân của tác giả, mà nhờ trí nhớ phi thường của Duy, đã ghi lại những chi tiết chẳng những bổ ích cho lịch sử âm nhạc Việt Nam, mà cho lịch sử của đất nước Việt Nam về nhiều mặt khác, chính trị, xã hội và kinh tế nữa. Hoan nghinh nhứt là Duy đã thoát ra ngoài mọi sự phân chia tranh chấp. Nhắc đến các nhạc sĩ Việt Nam ở hải ngoại, mà cũng nhắc đến Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước. Không có một câu chửi mắng, không có một nét hận thù. Tìm hiểu, giải thích không phải cốt chỉ đi đến “ hoà hợp, hoà giải dân tộc” mà, như Duy đã nói với tôi, để “hoá giải oan khiên” cho nhau.
T.V.K.
Các thao tác trên Tài liệu