Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 8 / Alexandre de Rhodes và sự hình thành chữ quốc ngữ

Alexandre de Rhodes và sự hình thành chữ quốc ngữ

- Hồng Nhuệ — published 08/12/2007 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:44


Alexandre de Rhodes
và sự hình thành chữ quốc ngữ


Hồng Nhuệ

 

Trước đây ba bốn chục năm, Alexandre de Rhodes thường được kể như một trong những người chính yếu đã đóng góp vào sự hình thành chữ quốc ngữ, một trong những người đã sáng chế ra thứ chữ viết này, nếu không là người chính yếu nhất. Do đó năm 1941 ở Hà Nội đã tổ chức dựng bia kỉ niệm có toàn quyền Jean Decoux chủ toạ với sự tham dự của các ông Ngô Tử Hạ, Nguyễn Văn Tố, Paul Boudet. Thực ra cũng là một việc làm chính đáng, bởi vì năm 1651, de Rhodes đã cho ấn hành ở Roma ba cuốn sách làm cơ sở cho thứ chữ phiên âm theo mẫu tự Latinh, cuốn Từ điển Việt-Bồ-La, cuốn Phép giảng tám ngày và cuốn Ngữ pháp tiếng Việt. Cái năm quan trọng 1651 này cũng đã được dùng làm cái mốc để người ta phân chia giai đoạn hình thành chữ quốc ngữ: giai đoạn de Rhodes, tiền de Rhodes và hậu de Rhodes, trước và sau nhân vật lỗi lạc này. Thực ra, trước ông, mới chỉ có một vài dòng chữ in rải rác đó đây và một ít bản viết tay kể từ 1621, và sau ông cũng chỉ còn một ít bản viết tay, tỉ như mấy bức thư của Văn Tín và Bentô Thiện năm 1659. Từ đó, phải chờ cho tới khoảng năm 1774 mới có Từ điển Việt-Latinh của Pigneaux de Béhaine, vẫn còn là bản thảo nằm trong văn khố, Philiphê Bỉnh1 và sau cùng mãi tới năm 1838 mới có hai bộ từ điển đồ sộ của Taberd, cuốn Nam Việt-Dương hiệp tự vị và cuốn Tự vị Latinh-Việt.

Thế nhưng năm 1972 Đỗ Quang Chính, trong Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, đã đưa ra một giả thuyết: Alexandre de Rhodes chưa chắc đã là người giỏi nhất về tiếng Việt, bởi vì Gaspar d'Amaral có thể còn tinh thông hơn ông. Tác giả quả quyết như vậy bởi vì ông tìm thấy trong một bản thảo của d'Amaral viết năm 1632, có những biểu hiện tích cực về một thứ chữ quốc ngữ hoàn hảo hơn cũng thứ chữ đó trong một bản viết tay của de Rhodes năm 1636 (Đỗ Quang Chính, Sd, tr 65, Sài Gòn, 1972). Đỗ quân còn viết tiếp: “Bây giờ nhờ việc khám phá được tài liệu của d’Amaral, chúng ta dám nói là d’Amaral giỏi hơn Đắc Lộ ngay từ năm 1632” (Sd, tr.67).

Giả thuyết hay khẳng định của Đỗ quân, theo chúng tôi, thì chưa đích đáng. Thứ nhất, thủ bút bằng tiếng Bồ của d'Amaral chỉ gồm chưa đầy một trăm trang giấy và số chữ quốc ngữ cũng chỉ có hạn, nên việc so sánh cũng có hạn. Còn cuốn Từ điển Việt-Bồ của d'Amaral thì đã thất lạc. Thứ hai, người ta khó so sánh, nhất là khó quyết định ai giỏi hơn ai, bởi vì mỗi người có một phương pháp, một môi trường hoạt động. Một thí dụ điển hình: nếu theo tiếng Ý thì người ta viết Sc, còn theo tiếng Bồ thì là X (như Scin và Xin). Cũng vậy, nếu theo tiếng Ý, âm Gn tương dương với Nh của tiếng Bồ (Gna và Nha)... Cuối cùng, phe theo tiếng Bồ đã thắng.

Thế nhưng giả thuyết hay khẳng định của Đỗ quân làm cho chúng tôi suy nghĩ nhiều và chúng tôi thấy phải đặt lại vấn đề như thế này: có hai môi trường hoạt động, có hai lối phát âm được hạn định bởi hai địa trường đất nước Việt Nam ở thế kỷ 17; có Bắc Hà và Nam Hà tức Đàng Ngoài và Đàng Trong, thì cũng có tiếng Đàng Ngoài và tiếng Đàng Trong. “Tiếng An Nam” là tiếng chung cho cả hai miền như những giáo sĩ tới nước ta vào thế kỷ này cũng đã công nhận và hơn một lần tuyên bố, nhưng có giọng Bắc, giọng Nam, có nhiều cách phát âm khác biệt nhau mà chúng tôi tạm gọi là tiếng Đàng Ngoài, tiếng Đàng Trong. De Rhodes trong Hành trình và Truyền giáo đã nói về ba cuốn sách ông cho ấn hành, trong đó không phải có cuốn từ điển Annam Lusitan Latin mà là cuốn Từ điển Đàng Trong-Latin-Bồ (Dictionnaire cochinchinois, latin et portugais, Sd, Paris, bản 1854, tr. 89). Thực ra cuốn “Tiếng Đàng Trong” này chính là cuốn Từ điển Việt-Bồ-La in năm 1651. Là vì de Rhodes đã tới Đàng Trong và học tiếng Đàng Trong, sau đó ông mới ra Đàng Ngoài và dĩ nhiên dùng tiếng Đàng Trong để giảng cho Đàng Ngoài. Sự việc vắn tắt đã xẩy ra như thế này:

Lớp giáo sĩ Dòng Tên do Busomi dẫn đầu đã tới Đàng Trong năm 1615 dưới thời Nguyễn Phúc Nguyên, con Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng mất năm 1613. Năm 1617 có de Pina và năm 1617 thêm Borri. De Pina học tiếng Việt rất nhanh và rất tinh thông, vì thế khi de Rhodes năm 1624 tới thì đã thấy de Pina nói rất sõi tiếng Đàng Trong; ông còn dạy de Rhodes học nữa. Cũng ở Đàng Trong vào năm 1621 người ta đã soạn thảo một cuốn giáo lý sơ đẳng bằng tiếng Việt và cũng đã có một cuốn ngữ vựng truyền tay giữa các giáo sĩ: cuốn này có thể làm cơ sở cho công việc soạn từ điển của de Rhodes sau này. Năm 1649 Maracci viết trong Tường trình: “Gaspar Luis người Bồ đã ở lâu trong khu truyền giáo này, đã soạn một cuốn ngữ vựng rất đầy đủ về ngôn ngữ này, nhưng cuốn sách đã mất trong một vụ đắm tàu vì người ta gửi sách đó từ xứ Đàng ngoài về Macao và nay không còn bản nào đầy đủ hơn”. Chỉ có một điều là Gaspar Luis không ở Đàng Ngoài mà ở Đàng Trong. Khi de Rhodes năm 1626 bỏ Đàng Trong trở về Macao để rồi năm 1627 tới Đàng Ngoài, thì như trên đã nói, ông đã thông thạo tiếng Đàng Trong và dùng tiếng Đàng Trong giảng cho Đàng Ngoài.

Trái lại Gaspar d'Amaral đã tới Đàng Ngoài, lần đầu từ tháng 10 năm 1629 tới tháng 3 năm 1630 và lần thứ hai từ tháng 3 năm 1631 tới 1638 thì ông trở về Macao để dưỡng bệnh. Như vậy, trong khi ở Đàng Trong đã có nhiều giáo sĩ thông thạo tiếng Việt, thì d'Amaral mới học tiếng Đàng Ngoài và cũng đã soạn một cuốn Từ điển Việt-Bồ ngày nay đã thất lạc và chúng ta cũng chỉ được biết do de Rhodes nói ra. Ngoài d'Amaral đã tới Đàng Ngoài và học tiếng Đàng Ngoài thì còn Antonio Barbosa, người Bồ, tới đây năm 1636 và ở cho tới năm 1642 mới rút về Ma cao để đi Ấn Độ. Barbosa cũng đã soạn một từ điển là Từ điển Bồ-Việt, sách này cũng thất lạc và cũng chỉ được biết tới qua de Rhodes. Rất tiếc là hai cuốn từ điển tiếng Đàng Ngoài này ngày nay không còn để cho chúng ta dễ bề học hỏi và nhận thấy những phần dành cho tác giả này hay tác giả kia.

Hãy lấy một thí dụ cụ thể để so cách phát âm khác nhau ở Đàng Ngoài và Đàng Trong. Năm 1645 có một bản viết tay nói về công thức phép Rửa tội. Đây là bản quyết nghị của một cuộc hội họp, trong đó có 35 giáo sĩ bàn giải về công thức, có 31 người thuận, 2 người trung lập và 2 người chống. Hai người chống đó là de Rhodes và Saccano. D'Amaral là cựu trưởng phái đoàn truyền giáo Đảng Ngoài, được ghi chú trong bản viết tay là người rất thông thạo tiếng (peritissimus linguae). Công thức đó được viết như sau: Tau rửa mài nhân danh Cha và Con và Spirito santo” (Đỗ Quang Chính, Sd, tr.72). Vì nói theo tiếng Đàng Ngoài, cho nên ta thấy viết theo cách phát âm của người Đàng Ngoài, ở chữ nhân.

Thế nhưng, năm 1648 có bản viết tay bàn về công thức này bằng tiếng “Annam” thì thấy ghi nhơn chứ không phải nhân. Hơn nữa, chúng ta còn biết thêm một chi tiết: người ta viết “nhơn nhít danh” (nhân nhất danh) ở trang 74, Sd và “nhin nhít danh” ở trang 75, Sd.

Như thế là có ba cách phát âm của một tiếng: nhân, nhơn nhin. Cũng vậy có cách phát âm nhít cho nhất.

Chúng ta có thể coi nhân là cách phát âm Đàng Ngoài và được ghi trong công thức tiếng Đàng Ngoài với sự có mặt của d'Amaral như đã nói ở trên. Còn nhơn, nhin được ghi trong công thức bằng tiếng “Annam” hay tiếng Đàng Trong vì phát âm khác với tiếng Đàng Ngoài.

Trong Phép Giảng (1651) de Rhodes đều viết nhin: nhin tâm, nhin nghĩa, nhin đức, nhin vì sự ấy, nhin lành, rứt nhin lành. Trong Từ Điển (1651) cũng vậy, ông ghi: nhin, người; tiểu nhin, kẻ bần nhin, nhin; nhin sâm; nhin đức, nhin nghĩa; nhin thay; nhin thể, một thể ; nhin vì sự ấy, nhin sao, nhin danh Cha. Không có bóng chữ nhân hay nhơn trong Phép Giảng cũng như trong Từ Điển 2.

Đến chữ nhít thì Phép Giảng hoàn toàn nhất luật viết như thế: nhít, chữ nhít; đạo sinh nhít, nhít sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật ;... Trong Từ Điển, de Rhodes cũng một mực ghi: nhít, một; thứ nhít, nhít nhin; nhít, rút nhít, nhít thiên hạ, nhít mlời3 .

Để kết luận, học tiếng Đàng Trong, de Rhodes đã soạn Phép Giảng hoàn toàn theo tiếng Đàng Trong, mặc dầu trong khi lưu trú ở Đàng Ngoài ông đã có dịp hiểu biết thêm về cách phát âm và tiếng Đàng Ngoài. Thế nhưng khi soạn Từ điển, thường ông dùng cái lõi, cái gốc ở kho tàng từ vựng ông đã nhận được khi ông ở Đàng Trong, nhưng với sự hiểu biết thêm khi ở Đàng Ngoài và nhất là, theo chúng tôi, nhờ vào Từ điển Việt-Bồ của d'Amaral và Bồ-Việt của Barbosa, ông đã ghi nhận thêm cả cách phát âm của Đàng Ngoài. Vì thế trong rất nhiều trường hợp, ông viết cả hai cách phát âm, như: ruật, xem ruột ; sưấng, xem sướng; thuâng, xem thương; uấng, xem uống...

Như vậy, không thể nói ai giỏi hơn ai, d'Amaral giỏi hơn de Rhodes. Mỗi người có đóng góp của mình, mỗi người được học hỏi theo một địa trường khác nhau, mỗi người ghi cách phát âm khác nhau. Nhưng cuối cùng, de Rhodes vẫn trỗi vượt lên tất cả bởi đã công phu viết lại hai cách phát âm, hai thứ tiếng là tiếng Đàng Trong và tiếng Đàng Ngoài trong Từ điển Việt-Bồ-La của ông. Nếu ông không thành thực nói ra thì ai biết d'Amaral và Barbosa đã soạn từ điển. Hơn nữa ông cũng thẳng thắn cho biết là ông đã sử dụng hai cuốn sách của hai đồng nghiệp. Cho nên còn phải đợi cho tới khi chúng ta khám phá ra hai thủ bút của hai người viết tiếng Đàng Ngoài, lúc đó mới có thể khẳng định được một cách nghiêm chỉnh phần đóng góp thực sự của mỗi người4, nhất là của d'Amaral. Và trong khi chờ, de Rhodes vẫn là người thông thạo tiếng Việt hơn tất cả các bạn đồng sự, một người chính yếu đúc kết tất cả những thành quả học hỏi tiếng Việt từ 1615 ở Đàng Trong và từ 1630 ở Đàng Ngoài.

H.N.

 

(l) Đã viết chữ quốc ngữ vào những năm 1800-1830, khi lưu trú ở Bồ Đào Nha.

(2) Trong Thánh giáo yếu lý của Pigneaux de Béhaine (1774) thấy ghi: Nhơn từ. Taberd (1838) ghi: nhơn (người), nhơn đức, nhơn hôn. Theurel (1887): nhân, nhân thế, nhân đức, đào nhân, hôn nhân, nhân vì. Nên thêm: Theurel theo Taberd nhưng vì Taberd ghi tiếng Đàng Trong nhiều hơn, nên Theurel nói là bổ di, cho tiếng Đàng Ngoài vào.

(3) Taberd viết: nhất hoặc nhứt, nhứt xem nhất, không có nhít. Theurel theo Taberd, không có nhít.

(4) Có thể là D'Amaral và Barbosa còn ghi các phụ âm kép Bl, Ml Tl như de Rhodes, nhưng hẳn là không ghi chữ bêta để chỉ cách phát âm đặc biệt của chữ V ở miền cực nam Đàng Trong (Coi: De La Liraye, Dictionnaire Annamite Français, Paris 1874, tr. 8-9).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss