Cuộc độc thoại cần thiết
Cuộc độc thoại cần thiết
Trần Đạo
Gần bốn mươi năm sau Điện Biên Phủ, chiến tranh Đông Dương còn làm người Pháp nhức nhói. Mỹ có khoảng 50 000 người chết trong chiến tranh Việt Nam. Gần hai mươi năm sau, chiến tranh ấy vẫn ám ảnh xã hội Mỹ. Trong ngót nửa thế kỷ, có lẽ cả chục triệu người Việt Nam đã chết qua hai cuộc chiến. Lại thêm một cuộc di cư và một cuộc di tản khổng lồ. Vết thương ấy không dễ gì khép liền. Chuyện ấy đòi hỏi ở người Việt Nam một lòng nhân, một trí tuệ, một nghị lực phi thường. Chỉ có thế hệ này mới có thể thực hiện được chuyện ấy. Không làm được, thế hệ sau sẽ quét sạch, coi năm mươi năm lịch sử đẫm máu kia như một trò hề của một lũ ngốc.
Dương Thu Hương ngồi tù, đột nhiên thấy Tiểu thuyết vô đề xuất bản ở Mỹ ngoài ý muốn của mình, phải viết bài Tự bạch. Thuỵ Khuê không muốn mà vẫn phải cầm bút trả lời. Nhật Tiến viết bài, vừa tỏ lời quí trọng, thông cảm hai nhà văn, vừa “giải thích” vì sao Dương Thu Hương còn có mặt “thiên vị”, và hiểu sai Thuỵ Khuê. Đủ thấy một cuộc thảo luận giữa người Việt Nam hôm nay khó đến thế nào. Tại sao hiểu nhau lại khó như vậy? Không hẳn vì thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, tuy hai điều ấy quan trọng. Có lẽ vì nhu cầu hiểu nhau, một nhu cầu khá bất thường: trong cuộc sống người ta gần người hợp tình hợp ý, xa người khác biệt mình, thế thôi, mấy khi có cái nhu cầu hiểu người khác. Cái nhu cầu ấy, chỉ có chúng ta, những bèo bọt của cuộc chiến vừa qua mới có được. Dễ hiểu. Khó làm. Nó đòi hỏi một việc không dễ thực hiện.
Người mắc ung thư có thể sống thêm vài năm tháng, nhưng đến chết cũng không thể quên căn bệnh của mình. Cách sống đàng hoàng nhất là nhìn thẳng nó, xây dựng cuộc sống còn lại. Cuộc chiến vừa qua là ung thư trong tâm hồn những người còn rơi rớt lại. Ta phải ôm lấy nó, quằn quại với nó, gạt bỏ khỏi đời ta những thành kiến, sai lầm, mù quáng, âu yếm giữ gìn những tình cảm, giá trị ta vẫn thấy là chân chính và, trên cơ sở đó, hướng về tương lai. Như thế, cuộc đời ta, quá khứ, hiện tại, tương lai mới thống nhất, mới có ý nghĩa, có giá trị. Có nhân cách. Như thế, ta mới thoải mái gánh mọi sự mất mát, thua thiệt, đôi khi vô lý vô cùng. Như thế, ta chấp nhận thân phận của mình trong thời đại của mình, đưa vai gánh nó. Như thế, ta hiểu mình trong thời cuộc. Không hiểu mình, khó có khả năng hiểu người khác. Không hiểu nổi người khác, khó có khả năng hiểu chính mình.
Dương Thu Hương sống và lớn lên trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Mười tám tuổi, chị xung phong đi đánh Mỹ cứu nước. Người đàn bà đã cống hiến tuổi xuân của mình cho lý tưởng, đã vì nó tạm bỏ qua những điều chướng tai gai mắt chị đã chứng kiến dọc đường, lúc vào Sài Gòn, không hoa mắt vì chiến thắng hay vì những đống hàng tiêu dùng, mà lặng người trước những quầy sách đầy tác phẩm bốn phương, kể cả tác phẩm của Marx. Rồi chị xả thân đấu tranh cải tiến xã hội, nói thẳng thừng, công khai, những điều nhiều người không dám nói, hoặc chỉ dám thổ lộ một cách quanh co. Và đi tù. Ở Việt Nam, người vào tù biết ngày vào, chẳng thể biết có ngày ra hay không. Thế mà tư thế, ngòi bút của chị vẫn dõng dạc. Có lẽ vì chị đã làm cái việc hiếm ai làm được: ôm những mảnh đời tan tác của mình, gạt bỏ những gì đáng gạt, vun xới những gì còn lại để nuôi nấng tương lai. Ba quyển tiểu thuyết nổi tiếng của chị đều thể hiện chuyện ấy. Có thể vì vậy tác phẩm của chị xúc động người cùng hoàn cảnh. Nó là lời mời tiến hành cuộc độc thoại đau đớn, cần thiết, với đời mình. Để ngửng mặt lên đường. Với người khác.
Có lẽ vì vậy mà tác phẩm của chị làm nhiều độc giả Việt Nam ở hải ngoại xúc động. Nhưng sự tiếp đón ở đây phức tạp hơn. Có người hả hê đón nhận nó như bằng chứng hùng hồn rằng mình đã hoàn toàn có lý. Họ sẽ hả hê có lý đến chết, bên lề dòng lịch sử, sản phẩm của đồng loại. Có người rung động vì thấy mình đã không hoàn toàn sai. Đó là không kể có kẻ lưu manh muốn lạm dụng tên tuổi và tác phẩm của Dương Thu Hương.
Đã 17 năm! Một thế hệ mới đã hình thành trong nước, một thế hệ không có lý tưởng, không tin một giá trị nhân bản nào. Nhà văn, người trí thức Việt Nam hôm nay, có gì để nói với họ về cái thế giới họ kế thừa, về cuộc đời họ phải gánh? Và với tư cách nào để có thể lọt tai họ? Riêng về giới Việt kiều ở Pháp và Mỹ, đủ các phía, có khi nghe chuyện hay đọc sách họ xuất bản mà phải sững sờ. Còn có người, sống hơn 10 năm ở Mỹ, vẫn tưởng năm 1964 chính Bắc Việt đã tấn công Hạm đội 7! Còn có người không hiểu nổi sự khác biệt giữa những vụ thanh toán nhau trong thời chiến và 750 quả bom Hiroshima trải lên quê hương từ Nam chí Bắc. Còn có người đinh ninh cải cách ruộng đất 1953-56 chủ yếu là đánh địa chủ phong kiến, và đánh Nhân văn - Giai phẩm là chống âm mưu phản loạn của giai cấp tư sản. Chúng ta sống ở hai nơi trên thế giới có khá nhiều tài liệu từ các bên, kể cả tài liệu mật. Thế mà lắm lúc ta chỉ hiểu được những gì minh hoạ cho quá khứ khốn nạn của ta, khi ta còn đui chột. Thế mới thấy, thẩm định lại đời mình khó khăn, đau đớn đến thế nào! Ôi, có thể ta không đủ sức làm cái chuyện Dương Thu Hương đã làm, trong hoàn cảnh của chị: nhìn thẳng những sự kiện, hiệu đính chúng, liên hệ chúng với những gì ta đã cảm, đã nghĩ, đã làm, đã sống, đã được, đã mất, khi ta chưa có điều kiện thấy hết, gạt bỏ, vun xới, chấp nhận lịch sử, chấp nhận thân phận mình trong đó và, do đó, có đủ tình, đủ trí, đủ nghị lực để hiểu người khác đã phải gánh lịch sử trong hoàn cảnh khác ta và, nếu có thể, cùng họ sáng tạo tương lai.
Tương lai, tự nó là nói KHÔNG với hiện tại. Nói KHÔNG với hiện tại một cách nhân bản phải ôm vào lòng cả cuộc đời của mình, cả quá khứ của dân tộc, của loài người, để cất bước. Đối với người Việt Nam hôm nay, về lịch sử vừa qua, có hai câu hỏi gốc:
1/ Cuộc chiến vừa qua có mang tính chất ý thức hệ hay không?
2/ Cuộc chiến vừa qua có mang tính chất giải phóng dân tộc hay không?
Về vấn đề thứ nhất, có lẽ mọi người đều chấp nhận là có. Người cộng sản đã đành: họ không hề giấu quan điểm và mục đích cuối cùng của họ. Người theo kháng chiến cũng vậy: mấy ai chống sự lãnh đạo của cái đảng ấy trong chiến tranh? Về phía người quốc gia, hay những người đồng hành, cũng rõ ràng. Dĩ nhiên, tinh thần quốc gia, tự do, dân chủ, tự chúng không đủ để hình thành một hệ tư tưởng quán xuyến, nhưng chống cộng với bất cứ lý do nào cũng đủ, trong hoàn cảnh ấy, để đặt người chống cộng vào thế của một đối thủ trong cuộc chiến tranh ý thức hệ. Trong cả hai phía, hiện nay vẫn có người nghĩ rằng cuộc tranh chấp ý thức hệ phải giải quyết và chỉ có thể giải quyết bằng bạo lực. Họ sẽ chẳng bao giờ thảo luận được với nhau. Cái đáng buồn cười và đáng buồn, là số đông những người đó không phải ở trong Đảng cộng sản Việt Nam (còn mấy người thực sự tin tưởng vào những lý thuyết họ từng sùng bái? Chỉ coi hành động cụ thể của họ cũng thấy) mà ở người Việt Nam di tản! Những người này có thể sẽ thắng một cách bất ngờ: những gì họ mong ước có thể sẽ được thực hiện, có điều là chính guồng máy của Đảng cộng sản hôm nay sẽ thực hiện và ... thụ hưởng! Song, ngày càng đông người, ở cả hai vị trí, chấp nhận rằng cuộc tranh chấp ấy có hại cho dân tộc, hay, ít nhất, xử lý nó bằng bạo lực là điều nguy hại cho dân tộc.
Trả lời câu hỏi thứ hai phức tạp hơn, đau đớn hơn cho mọi người. Nhưng, mặt nào đó, đối với ai có đầy đủ thông tin, cũng dễ dàng hơn. Điều cốt yếu là phải phân biệt hai khía cạnh: 1/ tình cảm của người nhập cuộc, 2/ thực tế của sự kiện. Về mặt tình cảm, nói chung, không một người Việt Nam nào có quyền nghi ngờ lòng yêu nước của người khác. Về mặt thực tế của sự kiện, ta (những người sống ở hải ngoại) có tương đối đầy đủ tài liệu để xác định được vai trò thực, ở mức độ thực, của Mỹ, Nga, Tàu, Đảng Cộng sản Việt Nam, các chánh quyền liên tiếp ở Sài Gòn. Điều đó không khó. Cái khó nhất là ta dám nhận ta đã từng làm con rối tới mức nào. Ta chưa làm được điều đó, đương nhiên ta chưa dám hiểu chính ta trong thời cuộc đã qua, ta không có khả năng hiểu người khác và, không những ta không có gì đáng kể để nói với nhau, để nói với thế hệ sau, mà ta không có tư cách để nói bất cứ điều gì. Còn lại: khả năng lải nhải tới chết những điều cũ rích, ngày càng ít người thèm nghe.
T.Đ.
Các thao tác trên Tài liệu