Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 8 / Người, ma, ma-người

Người, ma, ma-người

- Nguyễn Trọng Nghĩa — published 08/12/2007 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:44

Đọc Nguyễn Khắc Trường


Người, ma, ma-người


Nguyễn Trọng Nghĩa

 

Điều trước tiên cần nói về Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường là sức lôi cuốn khá mạnh của nó nhờ lối kể chuyện có pho có phách, ít nhiều mang dáng dấp tiểu thuyết chương hồi của Trung quốc: ở cuối một số đoạn dài, tác giả thường hé mở cho thấy trước những gì sắp xảy ra để kích thích sự tò mò của người đọc theo kiểu “hạ hồi phân giải”!

Chẳng hạn như ở trang 52, ông viết: “ Nhưng lão Quềnh đã không sống được đến chiều mà về để nhìn thấy phần cơm của người đàn bà xa lạ dành cho mình. Có ai ngờ một sức vóc như thế, một người vô hại như thế mà lại bị lưỡi hái của tử thần xén ngọt như đùa.”

Hoặc ở trang 201, về hậu vận của chị Bé ông đã nói nửa úp nửa mở: “Bà Son đã rước người đàn bà lạ về như rước một tai họa! Một tiền định! Nhưng đây là chuyện của một tháng sau nữa”.

Như trong “truyện tàu”, nhiều khi tác giả cũng nhảy xổ ra bình luận, phân bua cùng người đọc, kiểu: “ở hiền mà chẳng gặp lành là thế đấy ai ơi!” (tr. 52)

Với lối văn rất bình dị, ông thích dùng những thành ngữ dân dã đôi khi khá táo bạo, nhất là đặt ở miệng một người đàn bà: “ Cầm buồi cho người khác đái”!

Ông dùng cả những thành ngữ quen thuộc của ngôn ngữ cách mạng hiện đại, thường là với sự đùa cợt:

“Đưa cay xong, lão Quềnh “diệt gọn” một nồi ba cơm” (tr. 57)

Chỉ có dịp này mới có thể đánh tận gốc, trốc tận rễ vây cánh nhà Trình Bá ra khỏi mọi quyền lực từ thôn lên tới xã”. (tr. 376)

“Thế là chị ấy đã nắm vững phương châm “một tấc không đi, một ly không rời” và dùng chiến thuật “đánh đổ từng bước, đánh lui từng bộ phận, tiến tới làm chủ hoàn toàn tình thế” của chiến tranh nhân dân đấy!” (tr. 444).

Lối bông đùa này thật ra cũng thường gặp trong câu chuyện hàng ngày của đồng bào trong nước: nó đang góp phần “phi thiêng hóa” (désacraliser) ngôn ngữ và sinh hoạt chính trị ở Việt Nam hiện nay.

Tất cả những yếu tố nói trên đã tạo ra được, nếu nói như Bertolt Brecht, khoảng cách (distanciation) giữa tác giả, người đọc và tác phẩm. Kết quả là người đọc, dù có bảo thủ đến đâu đi nữa cũng không thể nghi tác giả có ý đồ “phản động” hay chống phá chủ nghĩa xã hội khi nhận ra là ông ta đã đưa mình đi vào một hiện thực đáng kinh hoàng và bắt mình phải suy nghĩ. Có lẽ chính đó là lý do cắt nghĩa tại sao ban giám khảo Hội nhà văn đã không quá bị “sốc” và đã tặng giải thưởng cho Mảnh đất lắm người nhiều ma.

Câu chuyện bắt đầu vào những ngày cái đói giáp hạt “ nhảy xổ vào cả xóm Giếng Chùa, xóm vẫn quen đứng đầu về cái sang cái giàu toàn xã” . (tr. 5 )

“Những mặt người hao gầy, nhớn nhác hớt hải cứ tưởng như vội vã đi đâu nhưng kỳ thực chẳng có việc gì hết, cứ ra vào quanh quẩn với cái bụng sôi èo èo!” (tr. 8)

Họ đang chờ vụ gặt đầu tiên sau cải cách nông nghiệp quan trọng thường được gọi tắt là “khoán 10”: hợp tác xã giao đất cho nhân dân tự ý canh tác, thu hoạch rồi sau đó nộp thuế và một số đóng góp khác cho nhà nước và hợp tác xã (khoảng 30% sản lượng đạt được).

Như tên gọi của cuốn truyện, đây là câu chuyện về một mảnh đất lắm người nhưng hầu hết đã biến thành ma cả rồi sau hơn 30 năm xáo trộn triền miền. Trước kia Giếng Chùa cũng đã nổi tiếng nhiều ma nhưng khi ấy ma và người chưa lẫn lộn với nhau: tập trung ở núi ông Bụt, ma chỉ hù dọa người và thỉnh thoảng cũng gây ra một vài sự cố nhưng không quá nghiêm trọng.

Thế rồi núi ông Bụt đã bị phạt trụi nên ma quỷ cũng bị cắt “hộ khẩu” và dường như đã bỏ đi đâu mất. Nhưng theo cô thống Biện, ông thầy cúng của Giếng Chùa, thì

“đừng tưởng đất này đã hết ma”: “hôm ấy tôi đi nhận ruộng hộ con cháu, thấy hốt quá! Nhìn chả thấy người đâu, toàn ma! Những thân người sống ngồi đấy mà cấm còn nhận ra ai nữa [...] Những con ma tham, ma ác [...], con nào cũng lành chanh lành chói mồm năm miệng mười, chả còn bùa đâu mà yểm cho xuể!” (tr. 16)

Và hai con ma-người gộc nhất, kinh khủng hơn những con ma ngày xưa gấp trăm lần là Trịnh Bá Thủ (đương kim bí thư xã) và Vũ Đình Phúc (một đảng viên kỳ cựu), lãnh đạo hai họ Trịnh Bá và Vũ Đình dùng mọi thủ đoạn độc địa nhất để triệt hạ nhau.

Phúc là con của địa chủ Vũ Đình Đại. Vào thời cải cách ruộng đất, Phúc đã là đảng viên và đang làm bí thư đoàn thanh niên của xã. Để bảo vệ sinh mạng chính trị của mình, Phúc đã đấu tố cha theo đúng bài bản. Do đó mà Vũ Đình Đại, sau khi tai qua nạn khỏi, đã không nhìn mặt con nữa trong hơn 30 năm.

Thế mà sau khoán 10, khi mà tình hình xã hội - chính trị ở nông thôn đã thay đổi hẳn và trở nên thoải mái hơn trước đó vài năm rất nhiều, Phúc đã mời được cha về đoàn tụ. Ta hãy nghe ông ta thuyết phục bố, đúng là với cái lưỡi của một Tô Tần thời Chiến quốc:

“Thời bấy giờ nó nhiễu nhương, trắng đen lẫn lộn, cóc ngoé nhảy lên làm người! Muốn còn chỗ đứng thì phải biết lựa. Chân dù có nhún nhưng lòng vẫn khinh. N hún với m ấy thằng hách xằng để giữ cái lớn hơn, cái lâu dài. Bấy giờ không thế thì còn gì còn Đảng! Mà không có chân Đảng viên thì cái họ nhà này chúng nó cho ăn bùn! Chân trắng thì làm gì chen được cái chức chủ nhiệm hợp tác, sáu bảy năm trời? Mấy đứa trong họ nhà này vào được Đảng là nhờ ai? [...] Rồi gạch ngói nhà chú Quỳ này, nhà bá Sang kia, không ở đấy mà ra thì ở đâu? Cũng mang tiếng mua, nhưng người khác trả mười, thì mình trả một [...] Tôi vừa mất chân Đảng uỷ , nghỉ chủ nhiệm, thế là đã đủ chuyện rắc rối rồi. Phe cánh nhà Trịnh Bá đang lăm le chiếm hết quyền hành cái xã này. Nó dám nói chi họ Vũ Đình quanh năm lục đục thì còn lãnh đạo ai!” (tr. 27, 28) .

“Hôn nhân, điền thổ, vạn cổ chi thù”.

Hai họ Trịnh Bá và Vũ Đình thù nhau từ mấy đời nay cũng là vì hai thứ đó cộng thêm với tham vọng về quyền lực. Thù đến độ sau khi cụ cố Vũ Đình Đại chết, Trịnh Bá Hàm, người anh cả mà Thủ vẫn nể sợ, đã tổ chức đào mồ để lật sấp cụ cố xuống và lấy ván hòm bằng gỗ đổi đóng một bộ xa lông cho thật “mốt” rồi bán cho chính anh em họ hàng nhà Vũ Đình.

Đoạn sau đây của bài “yểm” do Trịnh Bá Hàm đọc trước khi đào mộ đã nói lên mức độ tàn bạo của mối cựu thù. Ông ta nguyền cho họ Vũ Đình phải chịu:

“Ba đời tuyệt tự
Hữu
nữ vô nam
Hữu sinh vô dưỡng
Gái thì đẻ ngược
Giai chết không mồ
Đứa ngả xứ Đoài
Đứa vùi xứ Đông
Đứa sống chạy rông
Quanh năm khốn khó...”

Nhưng vụ đào mộ đã bị phe Vũ Đình phát hiện kịp thời; ông Hàm và những người tòng phạm bị bắt đưa lên xã, mở đầu cho một cuộc đấu đá giữa hai họ với nhiều pha gay cấn và nhiều thủ đoạn mưu kế quỷ khóc thần sầu. Nạn nhân đầu tiên của cuộc đấu đá đó – được định hướng bởi lòng căm thù và lòng tham quyền lợi chứ không phải một giá trị cao đẹp nào khác – là bà Sơn, vợ ông Hàm và tình nhân xưa của ông Phúc, một người đàn bà bất hạnh đáng thương.

Trong những trang cuối của cuốn truyện, quan hệ giữa hai họ Trịnh Bá, Vũ Đình dường như chuyển sang một giai đoạn hoàn toàn mới: trước phản ứng của những người còn giữ được lương tri mà tiêu biểu là Tùng và trung tá Chính, hai phe Thủ, Phúc đã liên minh lại để chống trả ngay cả bằng bạo lực, trấn áp nhằm bảo vệ quyền, lợi của họ.

Nhưng Mảnh đất lắm người nhiều ma không phải chỉ có thế. Nguyễn Khắc Trường còn vẽ ra được một bức tranh sinh động về một làng trung du Bắc bộ hiện nay với những cảnh ma chay, lên đồng, giành đất, chửi bới có vần có điệu... với những tệ đoan xã hội như nạn cường hào mới, tham ô, cho vay nặng lãi... Nếu không có một số từ hay một số thành ngữ mới như Đảng, hợp tác xã, bí thư, chủ nhiệm, phó thường dân, v.v..., nếu không có các ngôn ngữ chính trị đầy biện chứng, người đọc nhiều lúc cứ tưởng là đang ở trong thế giới của Ngô Tất Tố hay Vũ Trọng Phụng.

Những ai có theo dõi đời sống văn học Việt Nam từ vài năm nay đều kinh ngạc về sự bùng nổ tính dục được phản ảnh trong nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, sau một thời gian dài bị ẩn ức. Trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nguyễn Khắc Trường cũng đã dành nhiều trang để miêu tả – phải nói là với sự khoái trá, hồ hởi – sinh hoạt quan trọng này, đặc biệt ở nông thôn Việt Nam vốn thiếu trò giải trí. Thôi thì đủ cảnh yêu đương, làm tình: khi thì miễn cưỡng kiểu “ mặc người mưa Sở mây Tần...” (ông Hàm - bà Son), khi thì hào hển “ tiến công” với hết lòng phục vụ để đoạt lấy những ngày mai ca hát (ông Hàm - chị Bé), khi thì ỡm ờ “thừa thắng xông lên” như Xuân tóc đỏ (ông Quản Ngư - bà Đồ Ngọt), khi thì hừng hực sức sống của tuổi thanh xuân (Tùng - Đào, Tùng - Minh) v.v...

Phải công nhận là Nguyễn Khắc Trường có một quan niệm phóng khoáng và nhân đạo về tình dục, đặc biệt trong những trang ông viết về Lạc, vợ trước của trung tá Chính. Vì chồng đi chiến đấu xa sau một tuần hương lửa đang nồng, Lạc ở nhà đã lần lượt “bắn tỉa, diệt gọn” hầu hết các ông trong ban quản trị hợp tác xã tuy trong lòng cô vẫn yêu chồng. Theo cô “ đời người được mấy cái xuân mà hết năm này sang năm khác cứ vò võ một mình”. Ta hãy nghe cô vừa khóc vừa than với một chị bạn thân: “ Nhưng chả nhẽ đêm nào em cũng đổ thóc vào xay! Đổ gạo vào giã!” Tuy là mộc mạc thật đấy nhưng gợi hình, lời than đó bi thảm không thua chi cái buồn dằng dặc của nàng chinh phụ. Dù có đồng tình hay không với Lạc, ta cũng phải chịu rằng đó là thái độ và hành động của một “phụ nữ đòi quyền sống” trọn vẹn thân xác của mình.

Giải phóng dần dà xã hội ra khỏi sự ẩn ức kéo dài từ hàng nghìn năm nay do sự thống trị của đạo lý Khổng Mạnh rồi “cách mạng”, tôn trọng kích thước tình dục của con người, có lẽ cần được xem như là một dấu hiệu lành mạnh: đó là sự phản kháng lại mọi quan niệm đạo đức giả!

Được bọc trong lớp đường tạo nên bởi sự bỡn cợt có phần nhân hậu và mực thước của Nguyễn Khắc Trường, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” là một liều thuốc đắng có sức công phạt mạnh vì đã gợi ra nhiều vấn đề chính trị xã hội nóng bỏng hiện nay không phải chỉ riêng của một làng trung du Bắc bộ!

N.T.N.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss