Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 8 / Nhớ mãi cái đêm hôm ấy

Nhớ mãi cái đêm hôm ấy

- Bùi Kiến Quốc — published 08/12/2007 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:44

Nhớ mãi cái đêm hôm ấy


Bùi Kiến Quốc

 

Đêm nay, Hà Nội mưa và lạnh. Tôi khóc.

Đêm hôm ấy, tôi cũng khóc khi đọc bản thảo bài bút ký Cái đêm hôm ấy...đêm gì? mà Lộc vừa trao cho. Đêm ấy là một đêm thứ bảy. Lộc từ nhà sáng tác bên hồ Đại Lải về Hà Nội. Hai đứa lên phòng làm việc của ban văn trong toà soạn Văn Nghệ ngồi chuyện trò. Rồi Lộc, từ cái túi vải cũ kỹ tuỳ thân rút ra một tập giấy đưa cho tôi: “Ô ng đọc thử xem. Cái này tôi mới làm xong hôm qua trên Đại Lải” . Chỉ mỗi đêm thứ bảy trước đó, Lộc về, tôi đưa Lộc đọc bản thảo một bài bút ký viết về nông thôn của Kiều Vượng (cũng ở Thanh Hoá). Lộc đọc chăm chú, xong, không nói gì. Đêm, nằm bên tôi, Lộc ho nhiều, mất ngủ. Sáng hôm sau lên Đại Lải và bắt tay viết Cái đêm hôm ấy...đêm gì? Lộc được lên nhà sáng tác Đại Lải một tháng để viết, đó là cả một sự đặc biệt. Hội nhà văn đề nghị, rồi Bộ văn hoá giải quyết ý tất cả đều là những việc ngoài nguyên tắc. Vì Lộc chưa phải là hội viên Hội nhà văn. Tôi vẫn nhớ, ngay cả người đánh máy chữ trong văn phòng Bộ văn hoá cũng “à” lên khi biết cái người gầy gò nhỏ thó kia là Phùng Gia Lộc, tác giả của truyện ngắn Được vật báu. Vâng, đúng là vì viết cái truyện ngắn ấy mà Lộc phải ra Hà Nội, đến ở cùng với gia đình tôi ngay trong toà soạn báo Văn Nghệ. Lộc rất ý tứ, không muốn tiếp xúc nhiều, suốt ngày ngồi ở căn phòng chín mét vuông của gia đình tôi, im lặng nghĩ ngợi, lo lắng cho vợ và đàn con nhỏ đang sống ở quê nhà. Tuy vậy, tất cả anh chị em toà soạn, biên tập cũng như hành chính, đều thương yêu, quý mến Phùng Gia Lộc. Ngày Lộc về lại Thanh Hoá là một ngày vui chung của cả toà soạn. Người góp tiền, người góp gạo, người mang đến bộ quần áo trẻ con, người tặng cái chăn, cái màn... Lộc chỉ còn biết chắp hai tay cảm tạ, và khóc. Mãi cho tới sau này, tình cảm đó vẫn là nguyên vẹn. Gần đây nhất, mới vài ba tháng trước thôi, có người từ Thọ Xuân ra Hà Nội cho biết Lộc đang ốm, toà soạn quyết định trợ cấp ngay cho Lộc một số tiền, và anh chị em Văn Nghệ thì làm một cuộc quyên góp cấp tốc trong vòng nửa giờ: ai còn bao nhiêu tiền trong túi cũng sốt sắng ủng hộ; cả mấy bạn viết cộng tác viên ghé qua toà soạn, biết chuyện, cũng xin được góp phần. Mà chẳng riêng gì anh chị em làm báo Văn Nghệ. Lâu nay, các báo Tiền Phong, Tuổi Trẻ (thành phố Hồ Chí Minh), Sàigòn giải phóng... Vẫn thường xuyên thăm hỏi, trợ giúp Phùng Gia Lộc, chưa kể Hội văn học nghệ thuật Thanh Hoá là chỗ gần gũi Lộc hơn cả. Và còn bao nhiêu bạn đọc trong cả nước nữa chứ, họ đã gửi thư, gửi quà, gửi tiền cho Lộc. Mà chủ yếu chỉ là vì bài bút ký Cái đêm hôm ấy...đêm gì? Phùng Gia Lộc ơi, anh có biết bao điều không may mắn trong cuộc đời, nhưng để bù đắp lại, số phận đã mang tới cho anh cái hạnh phúc lớn nhất mà một người cầm bút có thể có được: được người đọc yêu mến, quý trọng.

Phùng Gia Lộc sinh ra và lớn lên ở một làng quê ven bờ sông Mã, gần quê hai ông vua nhà Lê (Lê Hoàn và Lê Lợi). Lộc làm giáo viên trường huyện, rồi làm cán bộ phòng văn hoá huyện. Năm ấy, Đỗ Bạch Mai đang học sau đại học, đi thực địa sưu tầm văn học dân gian ở Lam Kinh (Thọ Xuân) nơi có một truyền thuyết lịch sử về Lê Lợi. Tôi đi cùng Mai, và nhờ chuyến đi ấy mà quen biết Lộc. Ngay nhất kiến, Lộc coi chúng tôi như bạn bè thân thiết. Vừa may, Lộc đang dựng một vở cải lương ngắn (do chính anh sáng tác) cho đội văn nghệ xứ Lam Kinh. Suốt chuyến đi, Lộc không những đưa chúng tôi vào không khí folklore của vùng đất cổ kính ấy, mà còn cho chúng tôi thấy đời sống thực tế của người dân quê mình. Người ta không thể “bất ngờ” viết ra được Cái đêm hôm ấy...đêm gì? nếu không gắn bó, từng trải tất cả những buồn vui sướng khổ của người nông dân đích thực như Lộc.

Rồi đây, và có lẽ giờ đây, người ta quên đi những bài viết “nhất thời” như Cái đêm hôm ấy...đêm gì? (Tôi cầu mong người ta sẽ không bao giờ phải nhớ lại những cảnh huống như cái đêm hôm ấy ở quê Lộc, người ta sẽ quên cả trong văn chương cũng như trong cuộc đời). Nhưng tư cách của một người cầm bút như Phùng Gia Lộc thì sẽ mãi mãi không bao giờ có thể bị quên lãng. Trước khi in Cái đêm hôm ấy... đêm gì? , chúng tôi hỏi lại Phùng Gia Lộc một lần nữa: có nên ký bằng một bút danh nào đó không? Lộc bảo: “Ký bằng tên gì thì viết như thế họ cũng nhận ra tôi viết. Hơn nữa, nếu ký bút danh, tính chân thực của bài viết sẽ bị giảm đi”. Lộc nói đúng. Tôi làm theo, mà trong lòng thì lo và buồn. Và khâm phục. Quả nhiên, sau đó gia đình Lộc ở quê gặp bao nhiêu rắc rối. Trong khi đó, từ khắp nơi, thư bạn đọc gửi và cảm ơn anh, ủng hộ anh. Những người bạn đọc ấy, hôm nay, khi biết tin Lộc không còn nữa, họ sẽ khóc. Và, những người bạn đọc ấy không ít đâu, Lộc ơi!

Hà Nội, 28.2.1992

(Văn Nghệ, số 10, 7.3.1992)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us