Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 8 / Thế Uyên minh xác

Thế Uyên minh xác

- Thế Uyên — published 08/12/2007 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:44


Thế Uyên minh xác

 

Trong tháng 12.1991 và kế tiếp, tại Seattle, vùng tây bắc Hoa Kỳ, một số người đã nhân danh 19 hội đoàn và sử dụng tuần báo Việt Nam Mới, ra tuyên cáo phổ biến công khai và rộng rãi, cùng đăng nhiều bài vở nhằm mục đích chụp mũ tôi là Cộng sản, dùng bịa đặt và xuyên tạc làm phương tiện để phỉ báng mạ lị cá nhân tôi. Tất cả những điều đó đã được diễn tả bằng giọng văn chuẩn bị dư luận, khích động quần chúng để có thể đưa đến bạo hành bạo lực sau này.

Bởi những điều trên, tôi xin minh xác cùng toàn thể đồng bào những điều trình bày dưới đây.

(...)

2. Họ bảo 3 con tôi được chế độ cộng sản Việt Nam ưu đãi cho học tại Saigon. Sự thực: cho tới khi tôi cùng gia đình rời Việt Nam, không một đứa con nào của tôi được học đại học sau khi tốt nghiệp lớp 12. Chỉ có một đứa đầu được học Trường trung học y tế Thành phố Hồ Chí Minh – trường này, như tên gọi đã minh định, không phải là Trường đại học y khoa Sài Gòn.

3. Họ bảo là tôi đi cải tạo một thời gian ngắn rồi ưu đãi cho về sớm. Sự thực:

a) Nếu tôi là Cộng sản, hay cộng sản cho tôi là cảm tình viên của họ, thì tôi đã được miễn đi cải tạo và được tưởng thưởng bằng khen, sử dụng ngay vào chức vụ mới trong chính quyền mới.

b) Thời gian cải tạo dài ngắn là tuỳ theo cấp bậc, chức vụ và quân binh chủng. Thời gian trung bình dành cho thiếu uý và trung uý là 2 tới 3 năm. Có thể bị gia tăng nếu thuộc ngành chiến tranh chính trị, tình báo hay an ninh, hoặc vi phạm kỷ luật trại hoặc có hành động chống đối lại chính quyền cộng sản. Tôi chỉ là một trung uý bộ binh, những năm chót biệt phái dạy học, thì thời gian cải tạo ba năm không có gì phải ngạc thiên. Thiếu uý trung uý có đi cải tạo ba năm thì đại uý mới đi năm năm, thì các cấp tá mới đi từ năm năm tới 10 năm hay lâu hơn.

c) Tôi không hề được đơn độc tha về. Được về cùng tôi trong thời gian 77-78 là hơn 20.000 sĩ quan cấp uý khác có khả năng chuyên môn trong ngành giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật khác.

4. Họ bảo rằng tôi được chế độ cộng sản ưu đãi cho dạy học lại. Sự thực: ngay ngày 01.05.1975, Uỷ ban quân quản đã ra lệnh trên đài phát thanh và báo chí là tất cả công chức bất kể thuộc nha sở trường nào phải trở lại trình diện tại nhiệm sở. Tại những nơi này, đại diện chính quyền mới ra lệnh lưu dụng toàn bộ. Bởi thế nên ngoại trừ những người đã di tản và những người thuộc diện phải đi cải tạo trên rừng hai tháng sau, tất cả công chức Việt Nam cộng hoà vẫn làm việc bình thường.

Riêng tại các trường, chỉ có thay hiệu trưởng bằng giám học, bằng những cán bộ ngoài Bắc vô, còn toàn bộ ban giảng huấn cũ vẫn dạy học bình thường, dĩ nhiên theo chương trình ngoài Bắc. Tình trạng giáo chức lúc đó rất thiếu hụt, nên Sở giáo dục sử dụng luôn những giáo chức cũ đi cải tạo về như tôi và nhiều giáo chức biệt phái khác cùng hoàn cảnh. Tôi xin nhấn mạnh: hầu hết sĩ quan gốc giáo chức đi cải tạo về đều được cho giảng dạy trở lại, không phải chỉ có một mình tôi. Và hiện nay ban giảng huấn các trường miền Nam vẫn đa số gồm các giáo chức của VNCH cũ.

Cũng cần ghi thêm là các sĩ quan cựu nhân viên y tế (y tá, bác sĩ và các chuyên viên y tế khác), các kỹ sư và cán sự kỹ thuật cùng tất cả chuyên viên khoa học kỹ thuật khác, sau khi được tha khỏi các trại cải tạo, đều được chính quyền CSVN tái sử dụng. Chỉ có một điểm là những người này, dù tài năng chuyên môn cao đến đâu, cũng không được trao những chức vụ chỉ huy. Chỉ có thành phần sĩ quan không được học nhiều, loại mà bà con vẫn gọi đùa là “bé không học lớn làm đại uý” là chính quyền CSVN không sử dụng lại mà thôi.

5. Họ bảo tôi sau khi được tha khỏi trại cải tạo đã được kết nạp vào “ Hội văn nghệ sĩ yêu nước”. Sự thực: ở Việt Nam không có một cái hội nào mang tên như vậy. Tại Saigon chỉ có Hội văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và suốt trong thời gian 9 năm còn ở lại Việt Nam, tôi không hề được hội này ngỏ ý cho kết nạp – và giả sử tôi có muốn xin vô, đơn cũng sẽ bị bác vì lý lịch xấu (sĩ quan nguỵ đi cải tạo về).

Tiện đây cũng minh xác luôn là suốt 30 năm viết văn, tôi chưa hề gia nhập bất cứ một hiệp hội, đoàn thể hay đảng phái nào, kể cả các hội Văn bút, trừ một hội sẽ kể chi tiết dưới đây. Kể từ khi tới Mỹ, hội đoàn duy nhất tôi gia nhập đóng niên liễm cẩn thận là Hội của bà Khúc Minh Thơ lo vận động chính quyền và quốc hội Mỹ chấp nhận chương trình H.O. (Humanitarian Operation).

Để cho mọi sự trong quá khứ được rõ ràng, tôi xác nhận là sau khi đi cải tạo về, tôi có gia nhập một hội mang tên là Hội Trí thức yêu nước TP Hồ Chí Minh, hội trưởng là một chuyên viên khoa học cao cấp tốt nghiệp Tây phương (tôi không nhớ tên và cũng chưa bao giờ được gặp ông này 1). Hội phó là Lý Chánh Trung, một bạn văn cũ từ trước 1975. Hội là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức ngoại vi không có quyền hành gì trong tổ chức xã hội của cộng sản. Tự Mặt trận này đã không có quyền, đương nhiên Hội Trí thức yêu nước còn vô quyền hơn nữa. Hội chỉ đóng hai vai trò chính:

a) Diễn đàn trung gian giữa trí thức hai miền. Trên thực tế, chỉ là diễn đàn cho các trí thức và cán bộ cao cấp ngoài Bắc vào diễn thuyết và tuyên truyền thôi. Trí thức miền Nam, dù có đi cải tạo hay không, chỉ ngồi nghe mà thôi. b) Tìm việc làm cho các trí thức chuyên viên chế độ cũ để lại.

Vì vai trò kiếm việc làm cho trí thức cũ này nên Hội đã thu nhận, như những hội viên dự khuyết, tất cả các sĩ quan đi cải tạo về có khả năng chuyên môn kỹ thuật, theo điều lệ qui định giản dị như sau: Sau khi đỗ tú tài đã theo học một trường Cao đẳng, Đại học nào đó từ ba năm trở lên. Bởi thế, không kể các sĩ quan có bằng kỹ sư hay cao hơn, các cử nhân luật, văn khoa cũng như tốt nghiệp Quốc gia Hành chánh đều được thu nhận. Những người có bằng cấp Đại học ngoại quốc cũng được kết nạp.

Trong thời kỳ từ 1983 trở về trước, việc có kiếm được việc làm ở Sài Gòn (và các thành phố khác) là cực kỳ quan trọng cho các chuyên viên chế độ cũ, nhất là thành phần đi cải tạo về. Theo chính sách của đảng CSVN thời kỳ đó, bất cứ ai không có công ăn việc làm, đều bị điều đi các vùng kinh tế mới miền cao nguyên và sình lầy miền Nam. Riêng các sĩ quan cải tạo còn bị áp lực nặng hơn nữa vì trước khi được tha, đã bị trại bắt buộc ký vào một giấy cam đoan và sau khi được tha về, sẽ “vận động vợ con và gia đình đi vùng kinh tế mới”. Ai không chịu ký, thì cứ việc ở lại trại cải tạo. Dĩ nhiên cải tạo nào cũng ký để được tha về đã. (Việc ký giấy cam đoan này chỉ bãi bỏ sau khi đảng CSVN đình chỉ chương trình kinh tế mới).

Khi về đoàn tụ với gia đình rồi, chính quyền và công an địa phương đã căn cứ vào tờ cam đoan trước đó, áp lực bắt phải “tình nguyện đi vùng kinh tế mới”. Áp lực này rất là ghê gớm vì cải tạo nào thời kỳ này được tha về đều bị quản chế tại địa phương, tuần nào cũng phải trình diện công an địa phương, vì chỉ được cấp giấy tạm trú có hai tháng (và được mua gạo trong hai tháng ấy). Hội Trí thức yêu nước Saigon có quyền can thiệp để gia hạn những hạn kỳ tạm trú hai tháng này cho các hội viên của mình. Riêng một sự kiện này thôi cũng chứng tỏ tại sao hầu hết các cải tạo có bằng đại học, chuyên môn kỹ thuật, sau khi được tha về, đều gia nhập hội. Và thường thường sau khi đã có việc làm ở Saigon, những người này ít lui tới Hội trí thức yêu nước vì họ phải gia nhập các hiệp hội chuyên môn của mình. Thí dụ nhà giáo thường gia nhập Công đoàn và hội giáo chức của mình (Hội trí thức yêu nước, khoảng 1985-87, cũng đã giải tán).

Cũng cần ghi thêm là chế độ CSVN càng về sau càng đổi mới, nhất là kể từ sau Đại hội 6. Bởi thế những sĩ quan cải tạo lâu năm được tha về sau năm trên, được đối xử tử tế hơn xưa nhiều. Thí dụ như được cho ngay hộ khẩu thường trú nơi gia đình đang ở dù có xin được việc làm hay chưa, không bị quản chế nữa, thủ tục trả quyền công dân dễ dàng, vì dĩ nhiên không còn mục cưỡng ép đi vùng kinh tế mới. Chế độ thực phẩm bán theo sổ hộ khẩu cũng đã huỷ bỏ, thay thế bằng thị trường tự do.

6. Họ bảo tôi là Cộng sản mới được cho xuất ngoại và xuất ngoại sớm, đến Hoa Kỳ. Sự thực:

a) Trước khi tôi bước chân lên máy bay đi Hoa Kỳ, đã có ít nhất 300 sĩ quan được ra đi theo diện đoàn tụ gia đình như tôi, người có cấp bậc cao nhất là đại tá. Đó chỉ là nội phía Hoa Kỳ, chưa kể những sĩ quan cải tạo đi theo diện này đến các nước Âu châu, Canada và Úc.

b) Em gái vợ tôi thương chị nên cho giấy tờ bảo lãnh từ năm 1979 và lúc nào cũng theo dõi sát hồ sơ, bổ túc liên tục mọi giấy tờ nên vợ tôi nạp được đơn sớm hơn nhiều người. Nạp đơn năm 1980, đến năm 83 mới được cấp xuất cảnh và mãi đến những ngày chót của 86 mới được ra đi. Thời gian chờ đợi dài 6 năm thì không thể nào nói là được ưu đãi được. Tôi đi là đi theo vợ, ở Việt Nam gọi là “bảo lãnh ăn theo”. Sau tôi, rất nhiều sĩ quan khác cũng đã xuất ngoại đến Hoa Kỳ, Canada, Úc, các nước Âu châu... theo diện đoàn tụ gia đình. Sự kiện này không ai không biết. Đâu phải đợi tới chương trình H.O. mới có sĩ quan cải tạo xuất ngoại. (...)

8. Họ bảo tôi là cộng sản vì tôi đã viết bài kêu gọi Phật giáo, Công giáo thôi đừng chống Cộng nữa, mà hãy gửi tiền giúp đỡ Cộng sản. Sự thực: Tôi không hề viết như thế trong bất cứ bài văn nào. Tôi chỉ nói căn cứ vào giáo lý của Phật giáo, phải từ bi hỉ xả phải tránh sát sinh. Cộng sản là người xấu thì phải cải hoá họ, dùng giáo lý làm cho họ trở thành người tốt. Điều tôi nói là căn bản nhất của Phật giáo. Tôi nói thật tôi thách thức bất cứ tăng ni nào, chứ đừng nói Phật tử vội, bảo là tôi nói sai giáo lý Phật giáo. Vị tăng ni nào ở hải ngoại mà hô hào sát cộng, đòi nợ máu với đảng CSVN, thì vị đó chỉ là tu giả vờ, coi việc tu hành như một job mà thôi, chứ không tu thật.

Tôi khẩn thiết yêu cầu phía Công giáo là thôi đừng theo đuổi một thánh chiến đẫm máu kiểu các Thập tự quân thời Trung cổ Âu châu nữa. Tôi cầu mong người Công giáo trở lại với tình yêu thương bao la của chúa Kitô, tha thứ cho những kẻ tội lỗi mở đường cho họ trở về với tình thương yêu giữa con người với nhau. Liệu một người Công giáo chân chính có thể kết án tôi là Cộng sản vì những lời lẽ như thế không?

9. Họ bảo tôi đã ca tụng chế độ cải tạo của CSVN trong bài “Phác thảo mùa hè” khi tôi viết rằng lập ra các trại cải tạo, đảng CSVN đã khá hơn Khmer đỏ của Cao Miên vì bên xứ này, CS Miên đã giết toàn bộ sĩ quan, hạ sĩ quan của chế độ cũ để lại đẫm máu đúng như cuốn phim The Killing Field đã diễn tả.

Điều tôi nói ra cốt diễn tả một sự thực: Cộng sản Việt Nam ít khát máu hơn CS Miên . Vậy thôi. Và điều đó cũng là đúng sự thực. Không ai cấm nổi, vào năm 1975, sau khi đã đưa được toàn bộ sĩ quan và viên chức cao cấp VNCH lên rừng núi xa xôi, đảng CSVN ra lệnh giết sạch toàn bộ số người này, như Staline đã làm với sĩ quan Ba Lan thời Đệ nhị thế chiến, hay như Khmer đỏ đã làm bên Miên. Tôi hỏi thật các bạn đồng đội cũ đã đi cải tạo điều này: Liệu năm 75, 76 nếu đảng CSVN quyết định giết hết chúng ta thì chúng ta có thoát chết nổi không? Có chính quyền nào, kể cả Mỹ, mang quân đổ bộ (và có đổ bộ thì chúng ta cũng đã chết rồi) cứu mạng cho chúng ta không?

Bây giờ nói đến chuyện trong trại. Cái khổ cái đói trong trại ra sao, thì đã quá nhiều người cải tạo đi trước đã viết thành hồi ký, từ “Đại học máu” của Hà Thúc Sinh, “Đáy địa ngục” của Tạ Tỵ, “Cùm đỏ” của Phạm Quốc Bảo. Chưa kể rất nhiều bài văn rải rác khác nữa, trong đó có cả những bài của tôi, thí dụ như “Con đường qua mùa đông”. Nhưng có một điều tôi nói thật: Nếu đảng CSVN muốn dùng cái đói để giết dần mòn các cải tạo mà không mang tiếng là khát máu, thì họ chỉ cần cấm gửi thực phẩm lên trại,cấm thân nhân thăm nuôi là đủ. Nếu chỉ có khẩu phần do trại phát ra mà thôi, tôi tin chắc chúng ta sẽ chết vì thiếu dinh dưỡng đến 50% quân số.

Chế độ CSVN đã phạm quá nhiều lỗi lầm, có quá nhiều cái xấu. Chúng ta cứ nói thật tả thật ra là quá đủ. Không việc gì phải bịa đặt, xuyên tạc thêm. Xin nhắc tất cả là có một sự thực như sau: Tuyên truyền hay nhất là... nói thật (...).

12. (...) Nói thật là cũng may cho dân tộc chúng ta là 19 ông chủ tịch hội đoàn Seattle và tập đoàn Việt Nam Mới của Vũ Văn Hoa, Hà Huyền Chi sẽ chẳng bao giờ nắm được quyền bính ở Hoa Kỳ, cũng không một hy vọng nào nắm được quyền bính ở Việt Nam sau này. Bởi vì những con người ấy mà nắm được quyền, chắc họ sẽ gây biển máu từ đây về khắp nước Việt Nam và mang lại cho dân tộc một chế độ độc tài sắt thép không thua kém gì chế độ của Staline và Mao Trạch Đông, hay xoàng ra cũng bằng chế độ Nazi của Hitler, phát xít của Mussolini, và Khmer đỏ của Cao Miên (...).

14. Họ bảo là tôi chống đối phủ nhận tất cả những hội đoàn đoàn thể hải ngoại.

Sự thực: Chưa bao giờ tôi viết ra một điều nào như thế.

Nhân dịp này, tôi xin xác định quan điểm riêng: Tôi chống những hội đoàn xấu, hay nói cho rõ hơn nữa, tôi chống những ông chủ tịch hội đoàn xấu chứ không chống các hội viên. Tôi chống những tướng tá nào trước đây đã tham nhũng lại còn bỏ quốc kỳ quân kỳ bỏ quân sĩ mà chạy về hậu phương và phóng ra hải ngoại, rồi vẫn tiếp tục cho rằng mình là anh hùng chống cộng, dùng hội đoàn và báo chí làm phương tiện để khống chế cộng đồng, nay chụp mũ người này là cộng sản, mai chụp mũ nhà văn kia là nằm vùng. Tôi không chống những anh em sĩ quan cấp nhỏ, những hạ sĩ quan, binh sĩ của VNCH, dù họ rời quê hương vào thời điểm nào.

Tôi chống những người trước kia còn VNCH đã không đi lính đến một ngày, hay chỉ làm lính cậu lính kiểng, nay ra hải ngoại lại mượn danh nghĩa chống cộng để làm những điều xấu, lường gạt lòng tin của đồng bào bằng những công trình quang phục phục quốc phù phiếm hay ảo tưởng.

Tôi xác nhận tôi đã và sẽ tiếp tục ủng hộ những hội đoàn tốt như Hội cứu nguy người vượt biển, Hội của bà Khúc Minh Thơ, những hội văn hoá giáo dục, lo soạn thảo bách khoa từ điển, lo dạy Việt ngữ và văn hoá Việt Nam cho thế hệ sau. Tôi ủng hộ những hội đoàn tôn giáo nào biết thương người trong cảnh khốn cùng, lo cho người tị nạn trong các trại tị nạn Á châu, săn sóc những trẻ mồ côi, những người đau ốm tàn tật thiếu ăn thiếu thuốc ở Việt Nam. Tôi ủng hộ việc đưa những người trí thức trẻ đã thành đạt ở hải ngoại lên lãnh đạo cộng đồng thay thế cho lớp già, bây giờ trở thành quá lỗi thời vì không còn khả năng theo kịp đà tiến hoá của thế giới. Tôi ủng hộ những nhà văn những người cầm bút trẻ có tinh thần xung phong và sáng tạo, dám lao vào những tư tưởng, cách viết và lập trường mới.

Tôi chỉ là một nhà văn không tiền bạc, không gia sản, không hội đoàn đoàn thể nào, tôi chỉ có một ngòi bút của một nhà văn dám nhận tư cách của một con người tự do. Và ở một vị trí và với một phương tiện khiêm tốn như thế, tôi sẽ cố gắng làm hết sức của mình để ủng hộ những ai, dù ở hải ngoại hay nội địa, dù già hay là trẻ, dám ngửng cao đầu phá những cái cũ nhìn về tương lai để xây dựng những cái mới tốt đẹp hơn, nhân đạo hơn cho tất cả.

THẾ UYÊN

Lacey ( Washington), tháng 1.1992

 

1 Chú thích của Diễn Đàn: giáo sư Lê Văn Thới, nguyên giám đốc nghiên cứu (CNRS Pháp), nguyên khoa trưởng đại học khoa học Sài Gòn.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss