Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 8 / Tiếp tục cuộc đối thoại

Tiếp tục cuộc đối thoại

- Dương Thu Hương & Thuỵ Khuê & Lê Thứ & Trần Đạo — published 08/12/2007 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:44


Tiếp tục cuộc đối thoại



Bản TỰ BẠCH của Dương Thu Hương và trả lời của Thuỵ Khuê đăng trên Diễn Đàn số 6 tiếp tục gây ra tranh luận sôi nổi trong báo chí Việt ngữ hải ngoại. Chất lượng và trình độ các bài viết cũng muôn màu muôn vẻ. Có những bài vốn quẩn quanh trong những xác tín vang bóng một thời, không đóng góp gì vào cuộc đối thoại, song cũng giúp bạn đọc hiểu thêm tâm tư và tầm cỡ tác giả. Một số tác giả kiên trì tinh thần đối thoại, song không khỏi hụt hẫng trước quan điểm nhất quán của Dương Thu Hương, ngỡ ngàng vì văn phong “bốc lửa” của tác giả Tiểu Thuyết Vô Đề nên/và hơi quá lấn cấn với những ngộ nhận trong bản TỰ BẠCH.

Sự lấn cấn này chắc sẽ trôi qua với LÁ THƯ NGỎ GỬI BÀ THUỴ KHUÊ của Dương Thu Hương (xem trang bên) và lời đáp ngắn gọn dưới đây mà Thuỵ Khuê đã gửi tới toà soạn trước ngày số báo này lên khuôn:

“Chị Dương Thu Hương,

Đọc xong thư chị, tôi muốn cùng chị lập lại một lần nữa, câu mà chị đã viết trong thư: “Dầu cho tình huống nào thì cuối cùng con người cũng có thể hiểu được con người, nếu lòng họ rộng mở”. Tôi trân trọng những dòng chị vừa viết và trân trọng tấm lòng rộng mở của chị. Như chị, tôi cầu mong chúng ta còn nhiều dịp đổi trao, đối thoại với nhau, để cùng mở rộng tầm nhìn. Nguyện ước ấy, không chỉ ở riêng chị và tôi mà còn là nguyện ước chung của những người – như chúng ta – tha thiết với tương lai dân tộc.

Paris , 23.4.1992

Thuỵ Khuê

Hiểu lầm cơ bản đã giải toả, cuộc đối thoại có thể đi vào thực chất. Trong tinh thần ấy, chúng tôi đăng trong số này bài viết của Lê Thứ (California) và Trần Đạo (Paris).

Thư ngỏ gửi bà Thuỵ Khuê

 

Sài Gòn, ngày 16.4.1992

Thưa bà,

Tôi đã được đọc bài trả lời của bà cho Tự bạch cũng trên báo Diễn Đàn [số 6, tháng 3.92, chú thích của DĐ]. Những khác biệt về quan niệm, về ngôn từ, về phương pháp suy tưởng... giữa bà với tôi, tôi thiết nghĩ cũng là đương nhiên vì chúng ta có hai quá khứ khác nhau, hai môi trường sống khác nhau và hai sự nghiệm sinh khác nhau. Dù ít hay nhiều, chúng ta cũng đã từng bị khống chế bởi những hệ ý thức trái chiều và sự chi phối của dĩ vãng bao giờ cũng ghê gớm hơn người ta vẫn tưởng. Quá trình đi đến sự hoà hợp là quá trình soi rọi lại mình, sàng lọc, tẩy rửa và vun xới. Nó phải được thực hiện nghiêm cẩn với mọi cá nhân trên cơ sở thành thực và thiện chí. Nếu bà ưng thuận, chúng ta sẽ còn rất nhiều cơ hội để bàn luận việc này (với điều kiện Thần hộ mạng của bà và của tôi cùng phò trợ). Trong thư này, tôi chỉ đề cập đến một vấn đề, ấy là sự ngộ nhận của tôi với bà... Qua những người bạn tin cẩn của tôi ở Paris cũng như qua nhà văn Nhật Tiến, tôi biết bà là người chủ trương hoà hợp dân tộc và hiện đang ủng hộ đắc lực nhóm Hợp Lưu của hoạ sĩ Khánh Trường và nhà văn Nhật Tiến. Bà là người xót xa với thân phận dân tộc và tha thiết với đồng bào. Như vậy, tôi hiểu lầm bà một cách trầm trọng khi tôi đọc câu “ Dương Thu Hương là viên ngọc trong đám sình lầy... ”. Tôi đã nghĩ rằng đám sình lầy ấy bà ám chỉ đám đông dân đen, những người lầm than, tủi nhục, chìm đắm trong bóng tối của đau khổ và u mê. Bởi lẽ tôi là nhà văn của dân đen và tôi chiến đấu vì họ, nên tôi khó có thể hình dung ra cách ví von so sánh của bà. Cũng bởi lẽ nữa là trong tâm hồn thương tổn của tôi, đã có những vết thương nhức nhối. Trong hai lần tôi đi ra nước ngoài (đi Nga – 84 và 87 – mỗi lần hai tuần) tôi đã gặp tới 5 trường hợp người Việt chối bỏ gốc rễ của mình. Đó là những kẻ mới được phong lưu, hôm trước hôm sau đã trà trộn vào người Nga, tự giới thiệu là người Nhật người Tàu và lảng tránh đồng bào của họ như tránh hủi. Tại Hà Nội trong đám Việt kiều về thăm quê, tôi cũng gặp vài người có thái độ tương tự. Có lẽ do những kỷ niệm không mấy êm dịu đó, trái tim tôi bị thương tổn và chứa đầy thuốc nổ. Thật rất đáng tiếc, những nỗi uất ức ấy đã trút vào bà, một người đầy thiện chí với tôi. Tôi vẫn nghĩ rằng, dù bà có ưu ái tôi bao nhiêu lần hơn nữa, mà bà khinh bỉ dân tộc nhục mạ đồng bào thì xin bà tha thứ, tôi không bao giờ cho phép tôi mở lòng đón nhận những quà tặng đó. Tôi chỉ có một phe nhóm, một đảng phái, một triết thuyết thôi, ấy là lợi ích dân tộc. Với tôi, lợi ích dân tộc là tối thượng. Ai tôn trọng lợi ích đó, người ấy là bạn của tôi. Ai tha thiết với tương lai dân tộc, người ấy thuộc một phe nhóm, một đảng phái, một triết thuyết với tôi. Đó là vấn đề cốt tử, vấn đề cốt lõi. Còn lại, đó sẽ là phận sự của thời gian và của sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Vậy thì, xin bà hãy nhận lấy lời xin lỗi chân thành của tôi. Tôi đã xử sự với bà thật bất công và phi lý. Có lẽ, sự lầm lẫn ấy trước hết là do không chỉ trái tim mà cả cái đầu tôi cũng luôn luôn bốc lửa. Sau nữa, là do phương pháp suy tưởng của chúng ta không giống nhau. Tuy nhiên, dầu cho tình huống nào thì cuối cùng con người cũng có thể hiểu được con người nếu lòng họ rộng mở. Điều lầm lẫn xui xẻo này chẳng ai muốn có nhưng cũng là một dịp để chúng ta hiểu nhau hơn, nhất là bà có cơ hội biết những khuyết tật và nhược điểm đầy rẫy trong tôi. Phần tôi, tôi rất sung sướng nếu bà sẵn lòng tha thứ cho tôi và quên đi những phiền muộn cũ.

Xin gửi tới bà lời chúc sức khoẻ và hạnh phúc.

Dương Thu Hương

Một nét người

 

Có những lúc, một lời nói, một cử chỉ hơn hẳn cả tràng lý luận. Vì lời nói có chất thơ, vì cử chỉ đậm nhân cách.

Trong đời mình, Dương Thu Hương đã nhiều lần bị lừa, bị lạm dụng. Có người cho chị là khờ. Trong ba cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của chị, đều có chuyện lừa gạt, lạm dụng: tình yêu, tình cốt nhục, lòng yêu nước. Mỗi lần thua thiệt, Dương Thu Hương rút bài học cho mình, vì người khác. Cái khả năng ấy, có lẽ chỉ có được vì chị giữ trọn vẹn trái tim đã từng thôi thúc chị lao vào những trận địa nguy hiểm nhất nơi chiến trường, và khả năng suy nghĩ độc lập. Chị đã dám bước vào những cấm địa của cuộc sống, của tư duy. Với lá thư ngỏ gửi Thuỵ Khuê, chị bước vào một cấm địa mới, một cấm địa trong làng văn. Có lẽ chị là nhà văn Việt Nam đầu tiên có đủ bản lĩnh để khẳng khái, công khai xin lỗi một người khác, vì chị đã hiểu lầm người ấy trong một vụ việc không do chị gây ra. Chị không hề dựa vào hoàn cảnh éo le đã khiến Tiểu thuyết vô đề xuất bản ngoài ý muốn của chị và một người chị không quen viết lời tựa cho tiểu thuyết ấy, để biện minh cho mình. Chị không tự ái vặt, không biết khôn vặt. Ta hiểu nhầm thì, trước tiên, ta xin lỗi. Thế thôi. Phải là người ăn ở có tình mới xử sự như vậy. Tình người là gốc của mọi cái đẹp trên đời. Điều đó đúng với mọi văn hoá. Nhưng có lẽ chỉ có người Việt mới có lối nói: ăn ở với nhau cho có tình.

Trần Đạo

 

  

Nhân đọc bài TỰ BẠCH của
Dương Thu Hương

 

Phần chính yếu của bản Tự bạch không nhằm trả lời hay đối chất với Thuỵ Khuê. Dương Thu Hương rõ ràng nhắm tới một số bài bác, công kích gay gắt, hằn học và ác ý hơn. Ý kiến vào loại cho Dương Thu Hương chỉ là một thứ “cò mồi”, lãnh lương để chống chế độ hoặc khác hơn, quyển sách của bà là lời “sám hối” của “một kẻ đã từng là đảng viên cộng sản”. Loại ý kiến không mảy may chuyên chở một thiện cảm nào. Vốn quan tâm đến sự đối thoại nghiêm chỉnh và xây dựng giữa các thành viên trong cộng đồng dân tộc, tôi xin được nói lên đây vài suy nghĩ riêng.

Tại Mỹ, tôi từng được đọc những dòng giới thiệu tác giả và tác phẩm trong nước – không riêng trường hợp Dương Thu Hương – thật chừng mực, có những trân trọng vừa phải, có những phê phán nghiêm chỉnh. Con đường mở lại nhịp cầu thông tin và thông cảm giữa người trong nước và người ngoài nước đã có những bắt đầu tích cực. Rất đáng trân trọng và vun vén. Đồng thời, tôi cũng được đọc không ít những triển khai, phỏng đoán, suy diễn, truy tìm những ẩn dụ về “ý đồ” chống lại Đảng cộng sản Việt Nam, chống lại chế độ, vất bỏ Marx, đánh đổ huyền thoại Hồ Chí Minh... hoặc những “phản tỉnh”, những ngụ ý “từ bỏ hàng ngũ những người cộng sản để chạy sang hàng ngũ những người quốc gia”, hoặc phủ nhận một giai đoạn lịch sử, phủ nhận – một hoặc cả hai – cuộc kháng chiến vv... Có một lằn ranh, dù mờ nhạt, tinh tế, giữa việc tìm hiểu rất bình thường về một tác giả, một tác phẩm và một thứ hậu ý nào đó. Ở đây tôi chỉ xin nói tới những hậu ý như thế. Mong rằng, xin hãy cứ để cho chính bản thân người trong cuộc làm rõ ra cái chủ tâm của họ. Ngay thẳng, rạch ròi bằng chính bản lĩnh và sự dũng cảm của họ. Hãy để họ trách nhiệm lấy tư duy và hành động của mình. Nếu bất kỳ vì một lý do nào, những điều đó chưa hoặc không xảy ra, sự kiện cũng cần được hiểu và tôn trọng. Như biết chấp nhận vị trí đấu tranh của người khác. Bằng ngược lại, có cố lôi kéo, tô vẽ cho lắm – dù không ác ý – cũng chỉ là o ép, khiên cưỡng. Tệ hơn nữa, là gắn lời, gắn ý vào miệng người khác mà thôi.

Công tâm mà nói, thái độ cố lôi tuột người khác về cái phía mình chọn, mình muốn, đòi hỏi họ phải bước qua một định mức nào đó thì “ta” mới chấp nhận được, đôi khi còn là phản ảnh của một số bệnh chứng rơi rớt của cuộc đương đầu quốc - cộng cũ. Tồn tại của những bức tường ngăn cách ta chưa leo qua, hoặc triệt hạ được.

Thứ nhất đó là cái vướng mắc, ẩn ức rất lớn về nỗi được - thua sau cuộc chiến. Thứ khao khát cùng cực đã khiến Tổng thống George Bush, trong bài diễn văn State of the Union, đầu năm 1992, dựng dậy các xác chết trong cuộc chiến Việt Nam, để tung hô họ – đa số vốn là những con chốt thí đáng tội nghiệp 1– thành những người chiến thắng. Một hành vi “ đào mộ chí để thay đổi trang phục hay tô son trát phấn cho các tử thi”, theo cách nói của nhà văn Dương Thu Hương? Lạy trời, ít ra ông Bush tin được chính điều ông ấy nói!

Có thật chăng một sự được - thua, nếu nhìn từ chỗ đứng của người dân lành Việt Nam? Những người trong và sau cuộc chiến vẫn chưa phút giây nhìn thấy sự vẻ vang. Chưa phải lúc sao để nhìn ra cái đau chung của dân tộc, để thấy cái thua, nếu có, là cái thua chung? Để “kêu lên tiếng kêu đau đớn”, “nói lời sám hối chung của một nòi giống, một cộng đồng”.

Kế đến, là một thứ ý niệm thật thô thiển cho rằng chân lý là thuộc về “phe” mình, hay ít ra, giờ đã về phe mình. Tôi nói thô thiển vì nếu muốn đặt lại vấn đề, trong đúng tầm cỡ và vị trí của nó, người ta còn cần phải duyệt xét lại rất nhiều điều. Lịch sử còn đó cùng với muôn ngàn sự vụ còn ngổn ngang trong cuộc sống hiện nay, kêu đòi giải pháp. Và tôi e rằng, chính thái độ của một số người, tự cho mình là nắm lẽ phải, đã khiến cho những người như Dương Thu Hương phải phản ứng lại, phải thẳng thắn phủ định một sự cả tin không có căn cứ. Khi đã phản bác, Dương Thu Hương sẽ phải viện dẫn, tất nhiên là có lựa chọn, một số sự kiện chung quanh cuộc chiến, những trọng tội chiến tranh còn sờ sờ ra đó như bà đã làm. Có người sẽ cho đây là một sự kích bác, trả đũa, có tính cách phe phái không chừng. Sẽ có thể có những phản bác đáp lại, vân vân và vân vân.

Nếu có những sự vụ như vậy xảy ra, tôi mong ước sao những người tham dự tranh luận sẽ có cùng chung mục đích tìm cho ra sự thật, để hiểu nhau hơn. Chứ không đẩy cho xa thêm nữa những ốc đảo biệt lập trong dân tộc. Không làm nên những co cụm mới. Trong cuộc đấu tranh mưu cầu tiến tới một nước Việt Nam thịnh vượng và tiến bộ hiện nay, việc giải toả được trong nhận thức của người bên ngoài, là chúng ta, một khoảng cách khá lớn, giữa hiểu biết chân xác về thực tế đấu tranh cực kỳ phức tạp của những người trong nước và cái “ý chí”, hoặc “kế sách” của những người ngoài nước, là một yêu cầu bức thiết. Để bắt đầu, đó là việc cả hai phía, nhận ra nhau, trân trọng và phát huy cái chung của nhau. Đó là một việc còn rất khó. Mưu tìm sự chiến thắng, hay khuất phục nhau, về mặt tư tưởng hoặc lý luận trong lúc này, có lẽ là chỉ đuổi bắt ảo ảnh, phung phí thời gian và năng lực của nhau.

Thái độ “chỉ có ta là đúng” mặc nhiên đã gạt bỏ tính đa nguyên. Giờ đây, nếu mỗi người, ở vị trí, hoàn cảnh, tư duy riêng của mình, cố gắng đóng góp cái phần nhỏ nhoi nhất để mưu tìm một lối đi ra cho đất nước, đã là quý lắm rồi. Nếu vì lý do gì đó, những người có cùng một hướng ước vọng chưa thể đi đến sự đồng cảm, hoặc trân trọng nhau chân tình, cũng xin đừng là huỷ thể của nhau.

Niềm tin – hay ngộ nhận – “chỉ có mình là đúng” còn cản trở việc kiểm điểm lại cả một quá trình thật dài, thật phức tạp, một quá trình mà hầu hết chúng ta đã phải đi qua. Chẳng hạn, sự phê phán nghiêm túc các vấn đề của chế độ miền Bắc trước đây, và cái gọi là chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ sau 1975, không hề, và không thể, mặc nhiên đồng nghĩa với vinh danh những chế độ đối nghịch của nó ở miền Nam. Lôgic, khổ thay, không thô sơ như vậy. Mong sao, sự kiện những người sinh ra và lớn lên trong chế độ miền Bắc, như Dương Thu Hương, có đủ dũng cảm và chân thật để tìm kiếm lại chính mình trong nỗi đau chung của dân tộc, sẽ là một khích lệ cho những người sinh ra và lớn lên trong chế độ ở miền Nam – tôi là một – trở lại tìm hiểu và suy nghiệm về chính nỗi trầm luân của dân tộc, nhìn thêm từ một góc cạnh khác để thấy lại chỗ đứng tương xứng của chính mình. Trong quá trình ấy, chúng ta sẽ có dịp trao đổi thêm với những người như Dương Thu Hương một cách ngay thẳng hơn, rốt ráo hơn, hiểu biết hơn và thân tình hơn.

Tạp chí Diễn Đàn, trong phần giới thiệu bản Tự bạch của Dương Thu Hương, lạc quan cho rằng, những điểm chưa hiểu nhau “rồi sẽ được giải toả”, thông qua đối thoại giữa những người “chịu đi giữa hai làn đạn”. Tôi đồng tình với suy nghĩ này.

Từ khi Dương Thu Hương trở thành một cái tên quen biết ở hải ngoại, rất nhiều người, nhiều nhóm đã viết về bà; suy nghĩ cũng như cảm tình dành cho Dương Thu Hương nhà văn – và Dương Thu Hương công dân – do đó rất đa dạng. Giá Dương Thu Hương được cơ hội nhìn bao quát, đầy đủ các bài viết, ý kiến ấy và trong một trạng huống thể chất và tâm lý khác – rất có thể bà sẽ không có một số phản ứng như đã viết trong bản Tự bạch. Hoặc ít ra, sẽ có một sự tách biệt, ở một mức độ nào đó, các điều bà Thuỵ Khuê viết, trong bài tựa sách Tiểu thuyết vô đề ra khỏi một số lập luận cực đoan, vừa công kích chế độ, vừa hằn học với Dương Thu Hương, một cựu “đảng viên”, một người vẫn không chịu “dứt khoát chạy lại” với những người chống cộng! Thuỵ Khuê viết: “Chỉ một tấm lòng đối với đất nước của người viết và sự dũng cảm gói ghém trong những dòng chữ đắt giá này, đủ là tặng phẩm quý báu, đáng cho độc giả giữ gìn, bảo tồn và trân trọng”. Chỉ điểm đó không thôi cũng đủ khiến tôi tin rằng vướng mắc lần này, nếu có, cũng dễ được giải toả.

Và, nếu có một người nào đó trên đời này sẵn sàng để cởi mở những thứ vướng mắc này, kẻ đó phải là Dương Thu Hương. Tôi không tán dương suông – một hành động Dương Thu Hương sẽ không ưa – tôi chỉ cố gắng hiểu và tin điều bà viết sau đây: “người Việt nào có một lương tri mạnh mẽ và khoan dung, người Việt nào tôn trọng lẽ công bằng, can đảm vượt qua những định kiến của quá vãng, tha thiết với lợi ích chung của dân tộc, những người ấy sẽ hiểu (Dương Thu Hương)”. Một người còn tin vào những điều hợp lý như thế, tất nhiên sẽ chọn cách hành xử tương xứng .

Lê Thứ

(3.1992)

 

Diễn Đàn cảm ơn tác giả đã cho phép đăng lại bài này. Đây là phần lớn của một bài viết mang cùng đầu đề mà toàn văn đã được đăng trên số 4 tạp chí Hợp lưu (Hoa Kỳ).

1 When No One Wanted to Fight, David H. Hackworth, Newsweek, Feb. 24, 1992. Tác giả mô tả lại bối cảnh chính trị quân sự của những năm cuối 60, đầu 70, trên cả hai mặt trận Việt Nam và Hoa Kỳ, để nói rằng, ngay ở vị trí một người chỉ huy quân sự lúc đó, ông hiểu và đồng tình với những người Mỹ khước từ tham chiến ở Việt Nam.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss