Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 9 / Đọc "Nghĩ trong mùa xuân"

Đọc "Nghĩ trong mùa xuân"

- Đặng Tiến — published 08/06/2010 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:50

đọc sách


Nghĩ trong mùa xuân(*)
của Thế Uyên


Đặng Tiến



Nghĩ trong mùa xuân là tác phẩm của Thế Uyên vừa xuất bản tại Hoa Kỳ, gồm mười hai tiểu luận, bút ký liên quan đến tình hình Việt Nam và đời sống người Việt nước ngoài, qua nhận định của một người Việt ở Mỹ.

Thế Uyên là nhà văn nổi tiếng tại miền Nam trước đây; trước 1975 anh đã có trên hai mươi tác phẩm, chủ yếu là truyện ngắn, bút ký. Đặc biệt anh đứng ra chủ trương nhóm văn hoá Thái Độ (khoảng 1965), ra báo và in sách, trong tham vọng tìm cho miền Nam một thể chế chính trị lành mạnh, không theo cộng sản và cũng không theo Mỹ. Là sĩ quan trừ bị cấp uý, anh bị bắt đi học tập trong ba năm, rồi về sống vất vưởng tại Sài Gòn. Rời Việt Nam năm 1987 trong diện đoàn tụ gia đình, anh định cư tại Hoa Kỳ, tiếp tục đi học mặc dù tuổi đã quá năm mươi, và tiếp tục viết sách, viết báo, đã xuất bản ba tác phẩm, chưa kể những tác phẩm in lại.

Từ ba mươi năm nay, trừ giai đoạn không được viết, Thế Uyên luôn luôn là ngòi bút tiên phong trong những vấn đề chính trị, xã hội. Ngòi bút lúc nào cũng nhạy bén, sắc sảo, dũng cảm, luôn luôn cưỡng lại thời đại. Thế Uyên được cảm tình của nhiều người đọc, thường là thiểu số trí thức, và anh cũng bị nhiều người căm ghét, từ thời Thiệu đến thời cộng sản. Ra đến nước ngoài, anh vẫn giữ vững tiết tháo, và mới đây bị nhiều hội đoàn di tản chụp mũ, mạ lỵ và hăm doạ, như Diễn Đàn đã đăng số trước.

Thế Uyên đã hướng những ý Nghĩ trong mùa xuân về nhiều đề tài khác nhau:

Về chính trị, anh mong mỏi có sự thay đổi nhanh chóng và toàn diện ở chế độ Việt Nam hiện tại. Sự thay đổi ấy sẽ xảy ra trong nước và do người trong nước thực hiện. Vai trò của người Việt nước ngoài rất từ tốn, và dừng lại ở mặt khoa học kỹ thuật “về điểm này thì cộng đồng hải ngoại có vốn rất khá nhưng vốn này lại bao gồm đa số những người trẻ đi sau hoặc thuộc thế hệ di dân đời thứ hai. Sẽ có những thanh niên đầy lý tưởng từ khắp các nơi trên thế giới trở về.. . Nhưng rồi họ sẽ ra đi. Bởi vì một con người lớn lên ở nơi nào thì nơi đó mới là quê hương đích thực để mà tha thiết tưởng nhớ” (tr. 15-16). Ngoài ra, người Việt nước ngoài không nên nuôi một ảo tưởng nào về vai trò chính trị của mình, vì “ chính trường chính là nội địa Việt Nam. Thắng được hay thua thêm một lần nữa cũng tại phần đất này mà thôi. Đâu có thể ngồi ở hải ngoại mà mơ màng một ngày đẹp trời, nhân dân nội địa vùng lên được, thay đổi chế độ, mình chỉ có việc đáp phi cơ tiện nghi, quần áo đẹp, tiền đầy túi bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất để làm Tỉnh Trưởng, Bộ Trưởng, Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ được” (tr. 11). Chưa kể “ đã là công dân Mỹ rồi, chúng ta đâu còn quyền hoạt động đấu tranh gì về chính trị nữa trong khuôn khổ mộ t chế độ đa nguyên mà chúng ta mong ước sẽ có ở Việt Nam” (tr. 12). Nhưng trở ngại trầm trọng nhất là: “Hơn mười sáu năm trôi qua rồi mà nếu chúng ta không thực hiện được bình đẳng với nhau, không tôn trọng tự do của nhau, không giải quyết được mọi bất đồng theo tinh thần và thể chế dân chủ, thì thử hỏi chúng ta sẽ mang lại cái gì cho bà con đồng bào mình bên kia biển Thái Bình Dương” (tr. 177).

Mới sang Mỹ được vài ba năm, Thế Uyên đã có những nhận xét tinh tế về thái độ một số người cao tuổi ở đây. Lẽ ra tuổi tác và tư thế của họ phải tạo ra sự chừng mực và hoà nhã, thì ngược lại một số người trở thành quá khích và thô bạo – trái với truyền thống Việt Nam, các bô lão thường là lực lượng hoà giải trong hương thôn. Thế Uyên giải thích: “Óc đa số đã khép kín với mọi biến chuyển bên ngoài, từ chối tiếp thu kiến thức mới, thậm chí đến cả sinh ngữ Anh Pháp Đức cũng không học nổi (...) Dĩ nhiên có những người già hiện nay và sắp già trong mười năm tới rất ghét cộng sản và có huyết hải thâm cừu với chế độ này. Thành phần này thà làm một người di tản buồn, người tị nạn sầu bi, chết già nơi quê người còn hơn là đội trời chung với cộng sản...” (tr. 17). “ Các ông bố già mất dần vị trí gia trưởng, quyền uy vẫn có từ hồi ở bên nhà. Nhìn ra ngoài xã hội da trắng nơi mình mới định cư, thì thân phận mình càng lại không khá gì hơn. Từ hoàn cảnh đó, nếu có những người già có nhiều mặc cảm thì cũng là điều dễ hiểu. Và khi đã có mặc cảm như thế thì phản ứng đương nhiên là tìm cách bù trừ. Và khi phản ứng bù trừ, thường thường con người dễ cực đoan, độc tôn và độc đoán” (tr. 169). Những cụ này đứng ra lãnh đạo những hội đoàn “tự cho mình là trưởng lão khôn ngoan... những đồng bào khác chỉ có việc thi hành theo kỷ luật quân đội. Ai không đồng ý, không nghe theo thì sử dụng ngay tới bạo lực trong ngôn ngữ, hay đôi khi tệ hơn, bạo lực trong thực tế” (tr. 171).

Hào khí của quý vị trưởng lão kia đã chuyển lửa sang hùng tính của giới tăng sĩ Phật giáo. “ Kể từ khi tới Hoa Kỳ, tôi cũng có thấy cảnh các tăng sĩ áo vàng xách thiền trượng đi cả bầy, liên kết với năm môn phái khác, kéo tới Qu ang Minh Đỉnh để tiêu diệt Minh giáo lúc đó bị chụp cho cái mũ ma giáo. Các tăng sĩ Thiếu Lâm ấy trước khi động thủ, bao giờ cũng than: “Thiện tai! Thiện tai! Bần tăng hôm nay phải khai sát giới”. Nhưng đó là chuyện xảy ra trong phim chưởng (...) Dĩ nhiên các vị tăng ni kiêm tướng lãnh cùng các tăng binh của họ chẳng buồn hô thiện tai! thiện tai! hết ráo trước khi khai sát giới. Những tài liệu tôi được đọc về hiện tượng tăng binh này không thấy nói tới chuyện sau khi khai sát giới thì các vị tăng binh có khai sắc giới không. Nhưng tôi phỏng đoán là có” (tr 75-76). Và Thế Uyên, vừa thế tục vừa uyên thâm, viện dẫn kinh sử để chứng minh chuyện khai luôn cả sắc giới đã xảy ra với tăng sĩ... Nhật Bản. Thật là quá quắt!

Thế Uyên cho ta biết không khí trong một giới nào đó tại Hoa Kỳ: “Gần đây có một người viết đã hô hào “Không có một đạo lý nào cao hơn chống Cộng” (...) để tha hồ bạo lực ngôn ngữ, bạo lực bạo hành, những người theo chủ trương này đã vượt ra ngoài vòng luật pháp của Việt Nam cộng hoà xưa kia đã dành, mà còn vi phạm luật pháp của quốc gia đang cư ngụ nữa” (tr. 176).

Bạo lực nuôi ảo tưởng của người này bằng quyền lợi thiết thực của người kia. Khi “Uỷ ban chống kinh tài cộng sản đốt nhà, đốt xe phá hoại một loạt năm cửa hàng chuyển tiền, gửi quà của người Việt từ tiểu bang California (...) thì (người Hoa) cứ việc kinh doanh thoải mái tiếp tục, và lần này độc quyền, một mình một chợ” (tr. 224). Đây là đoạn kết của bài Thế lục kinh tế của người Hoa, trong đó, tác giả kể lại khá chính xác lịch sử của người Hoa định cư tại Việt Nam từ thời Trịnh Nguyễn đến nay, đặc biệt là những thăng trầm sau 1975. Một tư liệu quý.

Thế Uyên mang trong tâm tư khuynh hướng hoà hợp, hoà đồng. Suốt đời anh phải chịu đựng một cuộc chiến dai dẳng và tàn khốc với những hậu quả dài hạn; cuối đời anh lại phải lưu vong. Từ đó cái nhìn của anh về lịch sử nói chung là hiếu hoà và chủ hoà. Theo Thế Uyên: “Không ai chối cãi sự cần thiết của chín năm chống Pháp giành độc lập, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đã vô cùng lầm lẫn khi phát động cuộc chiến chống miền Nam và Mỹ” (tr. 228). Đối với các sĩ phu chủ trương chống Pháp thời Tự Đức, anh gọi họ là bảo thủ diều hâu, chỉ biết hô hào có đánh, đánh và đánh. Càng đánh càng thua vẫn cứ hô hào đánh, và hô hào bất hợp tác với Pháp như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, “ được hỗ trợ bằng những tay kiếm sĩ có những lưỡi kiếm sắc nổi danh như Nguyễn Tnmg Trực, Trương Định (...) Thậm chí đến khi mất cả nước luôn, cũng còn các cụ Phan Đình Phùng, Đề Thám hô hào đánh tiếp” (tr.203). Theo Thế Uyên, hai chế độ Tây Sơn và Gia Long đều tàn ác, tàn nhẫn như nhau; Nguyễn Ánh thắng cuộc vì được lòng dân Nam Việt, “yếu tố trợ giúp của người Pháp không quan trọng” (tr. 131). Theo anh, “người Việt không quá kỳ thị chủng tộc và không hiếu sát, nhưng với các quí vị nông dân thì lại khác” (!) (tr. 153).

Những quan điểm cực đoan này có lẽ là phản ứng đối với những lập luận quá khích của những sử gia Hà Nội hoàn toàn dựa trên quan điểm chính trị, không cần tôn trọng luận lý và tư liệu mà Thế Uyên đã phải chịu đựng mười hai năm. Nói chung, Thế Uyên chủ hoà giữa nhiều hình thái bạo lực – bóp méo lịch sử là một bạo lực trí thức – vì chủ hoà mà có lúc anh mất sự ôn hoà.

Tâm hồn hoà đồng đưa Thế Uyên đến gần những người khác anh, từ những người Việt gốc Hoa đến người Công giáo, thậm chí những người Cộng sản đã chửi bới và đày đoạ anh. Bài Nguyễn Văn Trung và những người Công giáo bạn tôi nói lên tinh thần hoà hợp đó. “ Tại nơi tôi chưa bao giờ tôi nhìn những người Công giáo như những người xa lạ...” (tr. 134). Chúng ta không ngạc nhiên khi anh kể: “Sau này một lần Lý Chánh Tnmg có nói với tôi: toa là là nhà văn Bắc duy nhất mà moa đọc được, và tôi chơi thân dễ dàng với rất nhiều bạn bè gốc miệt vườn” (tr. 90). Theo hiểu biết giới hạn của tôi, thì Thế Uyên là nhà văn Bắc nếu không duy nhất thì cũng hiếm hoi đã viết những trang đằm thắm nhất về Trịnh Công Sơn và những người bạn tranh đấu miền Trung khoảng 1964 đăng trên Bách Khoa (1970) tuy rằng anh không tán thành. Miếng ngon nhớ lâu, cơ cầu nhớ dai. Với Lữ Phương, nhà phê bình đã từng lên án anh chuyên “viết chuyện dâm ô câu khách”, người khác phe, khác phía, Thế Uyên đã tán dương: “ Những năm gian khổ ngoài rừng núi và chức tước không làm thay đổi con người Lữ Phương. Anh vẫn là một trí thức ngay thẳng và bản chất nồng nhiệt (...), người trí thức đầu tiên dám công khai trên báo chí chê chính sách của Đảng là sai lầm và Đảng đã mất lòng dân rồi” (tr. 119). Về Nguyễn Văn Trung, anh cũng ghi lại thật nhiều kỷ niệm thiết tha, “Nguyễn Văn Trung, con người trí thức Công giáo đầy lòng yêu thương dân tộc và quê hương ấy” (tr. 133). Với những bạn bè thân thiết, những lời xưng tụng chưa cảm động bằng những nhận xét chính xác: “ Về già anh nóng nảy hơn xưa” (tr. 124). Thật đúng; và người chịu đựng những cơn nóng nảy ấy và những hậu quả dài hạn của nó là chị Nguyễn Văn Trung – tiếc rằng Thế Uyên không một lần nhắc đến. Thế Uyên đi gần người Công giáo, lại thường lai vãng chùa chiền với tư cách phật tử dù không thuần thành, vì trong người anh có tinh thần hướng thượng. Tuy rằng anh rất trần tục, ham nói chuyện tình dục và thế sự, thích tranh cãi sân si; tuy rằng trong tư tưởng Thế Uyên không bày tỏ một băn khoăn siêu hình nào; nhưng anh vẫn hướng về một lý tưởng siêu luân ( méta-morale) để hoà giải những quyền lợi và dục vọng đã hoà nhịp với chiến tranh để chia rẽ và tàn phá con người. Anh nhiều lần bày tỏ niềm tin ở vai trò các tôn giáo tại Việt Nam, bây giờ và mai sau, trong việc hoá giải thù hận và dựng lại tình thương, giúp con người dù không thoát tục được, thì cũng đi vào trần thế với một ít từ bi, bác ái.

Về mặt biên khảo văn học, bài Nghĩ về văn chương phản kháng là một đóng góp lớn, căn bản, một tiểu luận xuất sắc vận dụng được nhiều tinh anh của Thế Uyên nhà văn, nhà báo, nhà giáo, người trí thức ba mươi năm thao thức với những vấn đề văn học và chính trị. Hoàn toàn làm chủ đề tài, nên Thế Uyên viết rất ung dung: từ hiện tình văn chương nội địa đến những phản ứng tại hải ngoại, đặc biệt từ những người “phản phản kháng” trực tiếp và gián tiếp, những phản ứng ngoài da và gan ruột, Thế Uyên đã đi đến một tổng hợp hàm súc như sau: “Chính vì nền văn chương phản kháng hiện đại, kiểu mới, phải nằm trong một chế độ độc tài, chuyên chính nên thứ văn chương này cũng mang những đặc tính như giới hạn, gián tiếp và trường kỳ (tr. 152). Ta tìm thấy ở đây khoa sư phạm của nhà giáo. Câu văn cô đúc là đầu đề lý tưởng của một bài luận văn ở lớp tú tài hay dự bị đại học. Hàm súc nhất là chữ “ giới hạn”, giới hạn trong một chế độ độc tài, và trong lòng chế độ đó, nó còn giới hạn trong hoàn cảnh, không gian, thời gian và ngay trong cả đề tài và ngôn ngữ. Thế Uyên thêm: “Có thể nói rằng trong các chế độ cộng sản, chỉ cần không ca tụng cái mà Đảng và chế độ ca tụng cũng là một thứ phản kháng rồi” (tr. 153). Muốn là nhà văn, thì anh phải có tác phẩm trước đã: “Chính tác phẩm của tôi làm cho tôi thành nhà văn, chứ không phải những tấn phong và xưng tụng (...) Muốn viết thì đương nhiên phải còn sống mới viết được, phải được ở ngoài nhà tù, trại cải tạo, mới viết được (...) không cho nói mười, thì tôi nói năm, không cho nói năm, thì tôi nói ba, nói ba không cho thì tôi không nói thẳng nữa mà nói bóng ngụ ngôn, châm biếm... Bởi vì nói kiểu nào viết kiểu nào chăng nữa cũng còn tốt hơn là im lặng” (tr. 155) dù rằng sự im lặng, ở một nhà văn đã nổi tiếng, đôi khi cũng có nội dung. Gần đây, trong một buổi nói chuyện về thơ, nhà thơ Phan Khắc Khoan, một trong những người đi tiên phong trong phong trào Thơ mới, được mời phát biểu. Ông trả lời: từ bốn mươi năm nay tôi im lặng, bây giờ tôi xin được quyền tiếp tục im lặng. Nhưng đây là biệt lệ vì nói như Nguyễn Ngọc Lan: đã làm người thì không thể làm thinh. “ Khi viết về văn chương phản kháng, chúng ta không nên đặt vấn đề nhà văn này có thẻ đảng, nhà văn kia là đại tá, nhà văn nọ là công chức của chế độ đỏ. Vấn đề là xét thái độ nội dung và giá trị văn chương của những bài văn đó mà thôi (...). Phản kháng hay không phản kháng... gì gì thì cũng phải hay trước đã, phải đạt tới một giá trị tối thiểu” (tr. 159-160). Trường hợp Nguyễn Chí Thiện “ném tập thơ duy nhất vào Toà đại sứ Anh” (tr. 154) thì chỉ đạt được “ mục tiêu tố cáo”, một hành động chính trị, hơn nữa “nghệ thuật không cao (thì) mặc dù báo chí hải ngoại ca tụng liên miên cũng không làm Nguyễn Chí Thiện trở thành một đại thi hào của Việt Nam được” (tr. 160). Lập luận chính đáng, nhưng nhất định là làm phật lòng nhiều người, nhất là những người tôn vinh Nguyễn Chí Thiện, không phải vì tác giả mà để giải toả cho mình một số ẩn ức nào đó.

Trước khi là nhà văn, Thế Uyên là nhà giáo tìm cách thuyết giáo và thuyết phục. Lối viết của anh không mô phạm nhưng rất sư phạm, ít nhất ở hai điểm: lúc nào cũng lý luận phân minh và rạch ròi bao biện, như làm bài mẫu cho học trò; và để cho học trò khỏi chán, anh thường đổi đề tài, thường đổi giọng văn. Kết quả là đọc Thế Uyên rất thoải mái dù phải thường xuyên va chạm vào những vấn đề gay gắt, nhờ lối bình giải trong sáng, bình dị và duy lý.

Nghĩ trong mùa xuân gồm có những đoản văn đa dạng; từ những vấn đề tình dục đến văn chương, từ kinh tế đến tôn giáo, chính trị đến ngôn ngữ, từ những kỷ niệm đằm thắm, với gia đình, bạn bè đến những biện luận nghiêm túc về thế sự, Thế Uyên hướng người đọc về tương lai dân tộc trong viễn tượng hoà giải và hoà hợp, tự do và dân chủ, hiện đại và phồn vinh trong tình người, công lý. Vậy sao có người chống Thế Uyên? Trước hết, theo thường tình, không phải ai ai cũng đồng quan điểm về công lý; tiếp theo, người Việt chúng ta còn nuôi quá nhiều thù hận, tị hiềm, ảo giác và hi vọng riêng tư; cuối cùng vì lối viết của Thế Uyên rạch ròi, rốt ráo, phá vỡ những huyền thoại, những ảo tưởng ở những người sống bằng những thứ đó. Thế Uyên sức yếu thế cô, mà lại nói có lý có tình nên đẩy những kẻ có bạo lực, và chỉ có bạo lực thôi, phải sử dụng vũ khí của họ. Truyện Tàu đầy rẫy những Nễ Hành, Dương Bưu chết chỉ vì sức yếu mà muốn có lý. Thế Uyên cứ đòi đối thoại với những người không có thoại nào hết để mà đối thì họ đối... chọi. Họ sống bằng những ẩn ức và không thoát ly ra nổi: nay Thế Uyên nói đúng phóc vào tim phổi họ, họ thù oán thì cũng dễ hiểu, và điều này không hề làm anh chùn chân. Ngược lại dường như kích thích anh thêm. Cuối sách, anh khẳng định Chỗ đứng và trách nhiệm nhà văn trong xã hội bằng ba điểm:

– “Trách nhiệm đầu tiên của nhà văn là viết văn ra văn chương trước đã. Và viết càng hay càng tốt.

– Trách nhiệm thứ hai của nhà văn là phải ngay thẳng, ngay thẳng với bản thân mình, với độc giả cũng như cuộc đời.

– Trách nhiệm thứ ba, đối với xã hội anh đang sống bên trong, thì tuỳ theo thái độ văn học và lập trường chính trị. Nếu anh chọn thái độ dấn thân thì anh hãy cố gắng dùng văn chương mình để làm đẹp con người, làm đẹp cái xã hội anh đang sống bên trong. Nếu vì đi con đường này anh phải đả phá cái cũ, cái lỗi thời, cái xấu và bị các thế lực này phang lại tối tăm mặt mũi thì cũng đành phải chấp nhận thôi” (tr. 270).

Cái thời chúng tôi còn trẻ, cái thời đã quá xa xôi, trên báo Bách Khoa (Sài Gòn) số 327 ngày 15.8.1970, Thế Uyên có viết một bài về Trịnh Công Sơn, cuộc hành trình làm người Việt Nam và trong kết luận, anh mơ ước: “ Lần cuối cùng gặp nhau trước khi Trịnh Công Sơn (từ Sài Gòn) trở về Huế, trong gác xép mưa dột đầy một góc, ngồi trên chiếc chiếu rách, anh có hỏi tôi: khi đất nước thanh bình, tôi sẽ làm gì. Tôi không thể trả lời câu hỏi ấy, nhưng tôi biết khi thanh bình tôi sẽ làm gì. Tôi sẽ ra Huế, kiếm Trịnh Công Sơn và sẽ rủ anh làm như trong một bản nhạc anh đã đặt tên Tôi sẽ đi thăm : ...Đi chung cuộc mừng và quên chuyện non nước mình” .

Giờ đây, tại Pháp tôi viết những dòng này về Thế Uyên, bên bờ sông Loiret mà Sơn lúc say gọi là sông An Cựu, thì Trịnh Công Sơn trong chuyến ngao du có lẽ đang ngồi tại một café terrasse nào đó ở Canada, còn Thế Uyên thì gươm đàn nửa gánh tại Hoa Kỳ. Mộng đời dở dở dang dang. Mười bảy năm sau, “ khi đất nước tôi thanh bình”, “cái ngày đi chung cuộc mừng” vẫn còn xa lăng lắc. Trong chúng tôi, Thế Uyên là người gian truân nhất – có lẽ vì anh dũng cảm nhất, về già vẫn còn mải “ chọn lối đoạn trường mà đi”. Người khác ở tuổi anh, khi đã ra lập nghiệp nước ngoài, có thể an thân thủ phận, khuây khoả với dăm ba bài báo, vài trăm trang sách, để nuôi dưỡng chút tài hoa và danh vị mà cuộc đời còn lưu lại. Nhưng anh thì không, anh vẫn hăm hở lao mình vào những cuộc chiến đấu mới, hoàn toàn vì lý tưởng, dù bị cô đơn, và cô lập. Bạn bè có người cho anh là một thứ Don Quichotte thời đại nào cũng đi tìm những cối xay gió. Với nhiều người khác, Thế Uyên là một hiệp sĩ, một Thái Sử Từ của tự do và công lý. Tôi ước ao anh vẫn giữ được bình an, và đủ thư thái để tiếp tục làm một nghệ sĩ mê say vẻ đẹp trong cuộc đời, trong tình người và ngôn ngữ.


Đặng Tiến

Pâques 1992




(*) Nghĩ trong mùa xuân , 1992, nhà xuất bản Xuân Thu, PO Box 97, Los Alamitos, CA 90702, USA, 12 US$. Có thể mua thêm truyện ngắn, đoản văn: Saigon sau 12 năm (10 US$), Con đường qua mùa đông (11 US$).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss