Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 9 / L.A bạo loạn

L.A bạo loạn

- Nguyễn Lộc — published 08/06/2010 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:50

Thư Cali


L.A bạo loạn



Ngày 20 tháng 5, 1992

Anh TS thân mến,

Vâng, đến hôm nay thì không khí của Thành phố Thiên thần ( Los Angeles) đã dịu lại. Cái nóng đến rát mặt, cháy lòng, và biến sản nghiệp, ước mơ của bao nhiêu người thành mây khói đã giảm xuống nhiều. Ít ra là ở ngoài mặt. Ngoái nhìn lại những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 ấy, khó có ai tránh được việc kiếm tìm một nguyên ủy, một lý giải, hay một bài học nào đó...

Chỉ tiếc rằng tôi không có đủ sức để làm theo ý một câu hát của Phạm Duy:

Xin đi lại từ đầu,
Chưa đi vội
về sau...

Vì từ đầu ở đây phải chăng là từ thời những đứa con khốn nạn của lục địa Đen bị ruồng bắt, bán buôn như một thứ súc vật chuyên chở qua đường biển sang lục địa châu Mỹ mà những người phương Tây đã ngộ nhận một cách hãnh tiến rằng họ đã “tìm ra”?

Hoặc từ đầu là năm 1968, khi mục sư Martin Luther King, vị lãnh tụ tuyệt đối tin vào đường lối đấu tranh bất bạo động của phong trào đòi dân quyền cho người Mỹ gốc châu Phi, bị bắn gục ở Memphis, Tennessee?

Hay từ đầu là ôn lại một chút kỷ niệm riêng của hai mươi năm trước mà tôi vẫn còn nhớ rõ, như hôm qua:

Tôi đến thăm làm quen một mục sư người Mỹ da đen ở Los Angeles, một thành viên của tổ chức đấu tranh cho dân quyền Southern Christian Leadership Conference của cố mục sư King. Ông chìa tay ra bắt, cười thật tươi, tự giới thiệu tên ông. Ngưng một tí, ông thêm: cái họ (family name) Tây Âu này là do chủ nô người Âu của ông cha tôi ban cho các cụ. Câu nói cho thấy niềm đau trăm năm vẫn còn mới nguyên, như vết roi chủ nô vẫn còn hằn rõ, không cần đến kỹ thuật thu hình video hiện đại nhắc nhở.

Thôi thì tạm đi trở lại với buổi xế chiều ngày thứ tư 29.4.1992. Ngày chánh án Stanley Weisberg công bố bồi thẩm đoàn đã đi đến phán quyết về vụ bốn viên cảnh sát Laurence Powell, Theodore Briseno, Timothy Wind và Trung sĩ Stacey Koon, của Foothill Division, thành phố Los Angeles đánh đập một người lái xe, sau khi họ chặn bắt anh ta (ngày 3.3.1991). Vụ đánh đập này tình cờ được một người thu hình không chuyên nghiệp ghi lại qua 81 giây trên băng video, cuộn băng tài tử được nhiều người xem nhất từ trước đến giờ.

Đến khoảng 3 giờ chiều, nhiều đài truyền hình trực tiếp phát đi cảnh người trưởng đoàn bồi thẩm tuyên đọc phán quyết. Lần lượt, các bị cáo đều được tha bổng cả 10 trong 11 tội mà họ bị cáo buộc. Chỉ có một tội của cảnh sát viên Laurence Powell là bồi thẩm đoàn không nhất trí được, và do đó chánh án tuyên bố huỷ bỏ việc xét xử tội ấy.

Đối với những người thật sự quan tâm theo dõi vụ án, nằm trong bối cảnh căng thẳng của những mâu thuẫn và xung đột chủng tộc ở Mỹ, phán quyết này chính là “cọng rơm làm gãy lưng con lạc đà”, là một tái khẳng định của những gì nhiều người ước đoán, trong căm giận: sẽ không có công lý cho một thanh niên da đen, nhất là khi các bị cáo lại là nhân viên công lực người da trắng.

Xin mượn lời của một độc giả báo Los Angeles Times: “ Là một thành viên của chủng loại người, tôi thấy nhục nhã với cái phán quyết vô tội trong vụ án (đánh đập Rodney) King. Bạn có nhiều cơ hội bị bỏ tù vì đánh đập con chó của bạn hơn là bạn đánh đập một con người. Đáng buồn thay.” ( Los Angeles Times 1.5.1992). Ác nỗi, Rodney King, nạn nhân trong vụ đánh đập man rợ này là con người, nhưng anh lại là một African American da đen. Phải nói là rất nhiều người bàng hoàng, không muốn tin cái quyết định của toà án là có thật. Phil Goehring, cảnh sát trưởng thành phố Fullerton, Orange County, nói: “Với tư cách một công dân, hơn là một cảnh sát viên chuyên nghiệp, tôi bị ‘sốc’ vì người ta đã không kết được một tội hình sự nào.”

Với người quen thuộc với thủ thuật toà án ở đây, họ cho rằng vụ án coi như đã quyết định xong rồi ngay từ hôm 26.11.1991, khi chánh án Weisberg công bố các phiên toà sẽ diễn ra ở Simi Valley, Ventura County. Bởi lẽ, đa số cư dân của Simi Valley là những người đã từ bỏ Los Angeles, tránh xa những “vấn đề” của thành phố này, trong đó có vấn đề thiếu an ninh, tệ nạn xã hội, v.v... Nói chung, họ không thiện cảm với, nếu không nói là sợ, đám dân nghèo của Los Angeles, và dân da đen nói riêng. Đưa các phiên xử về đây, các bị cáo sẽ có nhiều cơ hội được xét xử bởi một bồi thẩm đoàn có nhiều thiện cảm với họ hơn. Dưới mắt nhìn của bồi thẩm đoàn – với 10 trong 12 người là Mỹ da trắng – anh da đen Rodney King có nhiều vẻ là một bị cáo hơn bốn người da trắng làm nghề đại diện pháp luật kia. Có người, sau vụ phán quyết đã nói kháy: Xử ở Simi Valley, Rodney King không bị bỏ tù là may lắm rồi!

Sự kiện người Mỹ trung lưu sợ một anh Mỹ da đen cùng khổ không những là một thực tế, đôi khi nó còn là một ám ảnh được dùng như một vũ khí chính trị. Chắc anh còn nhớ, năm 1988, ứng cử viên Georges Bush đã dùng hình ảnh Willie Horton, tên tù sát nhân trong một dịp “đi phép” cuối tuần đã hiếp một phụ nữ ở Maryland, để buộc tội ứng cử viên đối lập Michael Dukakis là nhẹ tay với tội ác. Horton là người da đen, lúc ấy đang ngồi tù ở Massachusetts, nơi Dukakis làm Thống đốc. Nhiều nhà bình luận chính trị đồng ý là cái quảng cáo tranh cử ấy của phe Bush đã giáng đòn chí mạng vào phe Dukakis. Ấy là nhờ vào cái ẩn dụ mang tính kỳ thị nằm đàng sau.

Vì công lý pháp định và công lý xã hội đã quá chênh lệch, tầng lớp cùng khổ ở inner city của Los Angeles đã chọn cách của họ để bày tỏ thái độ. Và khi khói lửa đã bốc lên, nước đã vỡ bờ, những thành phần bất lương, cơ hội,... cũng nhào vô ăn có. Kể cả những vị, thừa cơn hỗn loạn, châm lửa vào cơ sở kinh doanh của mình để lãnh tiền bảo hiểm. Đã đến tình cảnh đó rồi thì còn lý lẽ, phải trái nào để mà bàn nữa đâu anh? Không ít người đã bị hành hung tàn nhẫn, chợ búa, cửa hàng, cơ sở phục vụ, y tế, v.v... cũng bị vạ lây. Số người mất việc lên đến mấy vạn, trong đó khoảng một vạn việc làm coi như sẽ mất vĩnh viễn.

Đến hết ngày chủ nhật 3.5, với sự có mặt của tổng số gần một vạn vệ binh quốc gia (national guards), hơn 3.000 bộ binh và thủy quân lục chiến (marines), và vài ngàn nhân viên an ninh địa phương, tiểu bang và liên bang, trật tự coi như được tái lập. Giới nghiêm được bãi bỏ từ tối thứ hai 4.5.

Kết quả thiệt hại của những ngày bạo loạn ấy vẫn còn đang được tổng kết. Người ta ghi nhận có 58 người chết. Non 3.000 người bị thương, từ nặng đến nhẹ. Có hơn 5.000 toà nhà, công trình lớn nhỏ bị thiệt hại hay tiêu huỷ hoàn toàn. Thiệt hại vật chất có thể lên đến hàng tỉ đôla. Bà con người Việt cũng đã chia một phần thiệt hại. Trong số người bị đám đông hành hung cũng có người Việt, nhưng hình như không ai bị thiệt mạng.

Anh TS thân,

Mặc dù rằng mấy ngày bạo động vừa qua là vụ xáo trộn đô thị lớn lao và thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ, nhưng hầu như những người có trách nhiệm ở Mỹ lại quan tâm nhiều hơn đến các nguồn gốc sâu xa dẫn tới tình trạng ghê gớm đã xảy ra, cũng như cố gắng tìm kiếm một lời giải quyết dài lâu cho vấn đề này.

Cho đến giờ, tâm trạng chung là bi quan. Vừa rồi, một cuộc thăm dò dư luận của báo Los Angeles Times cho thấy: hai phần ba dân chúng Los Angeles tin rằng bạo loạn rồi sẽ xẩy ra nữa.

Rõ ràng đây không còn là lúc để người này, phe nhóm này tìm cách đổ lỗi cho người khác hoặc phe nhóm khác. Trong bài phỏng vấn với ký giả Robert Sheer của tờ Los Angeles Times (15.5.1992), Mục sư Jesse Jackson nói: “Chúng ta phải làm gì thực và làm gấp”, vì theo ông, “vấn đề của 35 năm trước đã trở thành một tình thế của hôm nay. Một tình thế khác với một vấn đề vì nó nằm ở một mức độ cao hơn”. Một việc cần làm, theo ông, là phải bắt cho được những nhịp cầu ngang qua những cái vịnh ngăn cách con người và các nhóm cùng sống trong cộng đồng. Jesse Jackson đưa ra con số: Vùng Trung-Nam Los Angeles có 55% dân số là người da đen, 45% Hispanic. Trong số những người bị bắt trong các vụ bạo động, 51% là Hispanic, 37% là người da đen, và 12% là da trắng.

Tưởng cũng cần ghi ra đây thêm vài con số về tình trạng kinh tế của khu Nam Los Angeles, trung tâm điểm của các vụ bạo loạn vừa qua: Theo kết quả điều tra dân số năm 1990, mức độ nghèo khó là 30,3%, tức gần gấp ba lần mức độ toàn quốc gia (11%), so với con số 27% của năm 1965 lúc cuộc bạo loạn khu Watts xảy ra. Trong khi thu nhập trung bình của mỗi hộ ở Los Angeles là 30.925 đôla/năm, Nam Los Angeles chỉ đạt được 19.382 đôla. Và 10% số hộ sống lây lất ở mức 5.000 đôla (so với con số 4,7% trên toàn nước Mỹ).

Trên cái nền cũ kỹ của nạn kỳ thị chủng tộc, hai thập niên vừa qua Los Angeles đã thu nhận thêm một số lớn dân từ tứ phương tụ lại. Gần là các nước Mỹ La tinh, người dân trốn chạy ra khỏi nạn nghèo đói, áp bức, hoặc các vụ xung đột đẫm máu của El Salvador, Peru, Nicaragua, Columbia... xa hơn thì có Việt Nam, Đại Hàn, Philippines... rồi dân Đông Âu, Liên Xô cũ cho đến Nam Phi. Theo một thăm dò qua các học khu (school districts) của Los Angeles, số ngôn ngữ mẹ đẻ của các cháu bé lên đến hơn một trăm. Trong điều kiện kinh tế ngày càng khó khăn, từng đó người bâu vào chiếc bánh không đủ lớn tất càng làm sự căng thẳng tăng lên, sự cọ xát, va chạm giữa các nhóm sắc tộc càng có cơ sinh ra những tia lửa, trên cánh đồng khô cháy của thất học, tuyệt vọng, bệnh tật, và nguy hiểm hơn cả là nơi lớp thanh thiếu niên chưa một lần được đối xử như những con người có nhân phẩm.

Thêm vào đó, các nhóm nhập cư mới, do vị thế xã hội không đến nỗi thấp tận đất đen của họ nơi quê hương gốc, rất khó mà cảm thông, và có được cách ứng xử phù hợp với thành phần cùng khổ của người Mỹ gốc châu Phi, hoặc những người Hispanic cư trú lâu đời hoặc mới nhập cư vào Los Angeles. Vụ một thiếu phụ người gốc Triều Tiên bắn chết một cô bé gái người da đen ngay trong cửa hàng thực phẩm-bách hoá nhỏ của bà ta đã tạo ra căng thẳng giữa hai nhóm sắc tộc. Ra toà bà chủ tiệm buôn kia chỉ bị án treo, và đó cũng là một mồi lửa.

Khi đã đặt vấn đề lên mức độ ấy, những ngày bạo loạn vừa qua chỉ còn là cái phần nổi của băng sơn. Vẫn chưa đáng kể, vì nó chỉ là tín hiệu của một sức công phá khủng khiếp đang lao tới. Dù chậm nhưng nếu không có cách ngăn chặn hoặc chuyển hướng thì nhất định sẽ phải đến.

Phần chìm của băng sơn kia ít ra mang hai nét đặc thù của đại đô thị Mỹ: (1) nó là hình ảnh xung đột của hai nước Mỹ, một giàu có, thịnh vượng và một nước Mỹ thuộc “thế giới thứ ba”, nghèo nàn, tăm tối và lạc hậu, và (2) cái lò luyện đa chủng tộc (multi-racial), đa văn hoá (multi-cultural) đã không vận hành thông suốt, trong hoà hợp và giao lưu mà lại làm nổi bật ra, đào sâu thêm những dị biệt, bất đồng, ghen ghét.

Thực ra, hai vấn đề vừa nói lại như hai trẻ song sinh (hoặc đúng hơn, là hai con dị thú cộng sinh). Los Angeles , và nước Mỹ, đang kêu đòi những giải pháp toàn cục cho hai vấn đề này.

Hôm nay, hai con thú dữ ấy lại tạm nằm yên, một phần vì những đau đớn tự hoại của nó sau một cơn thịnh nộ điên cuồng, một phần vì sự kềm chế chung quanh. Câu hỏi còn lại là liệu chính quyền liên bang, tiểu bang, thành phố, và hết thảy Angelenos thuộc mọi nhóm sắc tộc có thật lòng thật dạ nỗ lực và hợp sức với nhau để trừ khử hai con dị thú kia trong thân xác và linh hồn của Los Angeles hay không.

Tập thể bà con người Mỹ gốc Việt chúng ta ở đây cũng có một vị thế và vai trò rất lớn trong nỗ lực chung ấy. Một nỗ lực đòi hỏi những kế hoạch giáo dục, vận động, ngoại giao thật thận trọng, ráo riết và kiên trì. Vì thực tình mà nói, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm hành xử trong một môi trường vừa phong phú, vừa phức tạp như ở đây.

Anh TS thân mến,

Chuyện mình bàn ở đây quá lớn, có một nguồn gốc phức tạp và lâu đời, chỉ dám lan man vài điều suy nghĩ riêng tư. Có điều tôi thực lòng mong sao nỗi lo một cuộc bạo loạn kế tiếp sẽ không bao giờ thành hiện thực. Từng cố gắng nhỏ và riêng phần hi vọng sẽ kết thành một sức đẩy lớn, làm đổi thay được tình thế.

Như sắp tới đây dân Los Angeles sẽ đi đầu phiếu về Dự luật tu chính F, để mong cải tổ cơ chế cảnh sát thành phố. Trong đó, quyền cắt cử và bãi miễn cảnh sát trưởng được nằm trong tay người dân – qua đại biểu của họ – nhiều hơn. Hoá ra, cuối cùng xã hội vẫn phải trở lại cái quá trình dân chủ trong hiện thực. Sau hơn hai trăm năm qua, quá trình ấy vẫn còn đang tiếp diễn.

Tình thân,


Nguyễn Lộc


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss