Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 9 / Phương Đông đi về đâu?

Phương Đông đi về đâu?

- Nguyễn Quang — published 08/06/2010 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:50

Phương Đông đi về đâu?


Nguyễn Quang



Hai năm rưỡi sau ngày bức tường Berlin sụp đổ, câu nói của Gramsci 1 khốn thay vẫn giữ nguyên vẹn tính chất thế sự: “ Cái cũ đang hấp hối, cái mới đẻ chưa ra; trong buổi giao thời ấy, đột hiện đủ thứ triệu chứng bệnh hoạn”. Trước khi rời chính quyền (nói cho đúng: chính quyền rời ông), ông Mikhail Gorbatchev cũng nói na ná như vậy: “Những cơ chế chính trị - kinh tế mới chưa khởi động thì các cơ chế cũ đã ngừng vận hành”. Quả thực, khối các nước “xã hội chủ nghĩa” cũ đang phải đương đầu với ba thách thức lớn: kinh tế, chính trị, dân tộc.

 

Tan tàn tán

Về mặt kinh tế, Liên Xô (cũ) giống như một võ sĩ quyền Anh hạng nặng đang bị K. O. đứng. Sau sáu tháng thuốc thang theo đơn của thầy lang Eltsine, không chừng võ sĩ sẽ lăn kềnh đo ván: lạm phát xấp xỉ 30% mỗi tháng, và còn tăng nữa “giá như máy in tiền giấy có thể quay nhanh hơn”; nạn thất nghiệp còn ở mức thấp – 2 triệu trên dân số 150 triệu chỉ vì “những người thất nghiệp chưa có thói quen đăng kí”; 39 triệu người Nga – hơn một phần tư dân số – ăn lương dưới “mức nghèo khó” chính thức; sản xuất năm 1991 giảm 20%, và từ đầu năm 1992 đến nay, sụt tiếp 15%; đồng rúp trước đây, theo hối suất chính thức, ngang giá với đồng đôla, nay thì một Mỹ kim ăn 140 rúp 2: cạn ngoại tệ, Nhà nước bán tháo bán đổ vật tư quân sự (xe tăng, máy bay, tàu ngầm...), cơ nghiệp khoa học (cho thuê tên lửa, bán bằng sáng chế, bán đấu giá những buồng du hành không gian – capsules spatiales...), bán luôn cả những nhà khoa học (chất xám chảy sang Tây phương, có lẽ rồi sẽ sang cả Trung Đông...). Nghiêm trọng hơn nữa: theo đúng mô hình của Quỹ tiền tệ quốc tế (FMI), muốn chặn đứng lạm phát ắt phải hạn chế phát hành tiền tệ và ổn định ngân sách, với hệ quả là kinh tế suy thoái (récession); tổ chức lại nền kinh tế có nghĩa là dẹp bỏ những xí nghiệp lỗ lã, phân bố lại lao động, và trong hạn phải chấp nhận là 25% lao động sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp (trong khi ngân quĩ quốc gia không có khả năng tài trợ bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp xã hội).

Tình hình các nước “chư hầu” cũ tuy không thê thảm như vậy, song cũng chẳng sáng sủa hơn mấy. Dù một vài nước (Hung và Tiệp Khắc) còn xoay xở được, nhờ những đặc thù lịch sử văn hoá, nói chung năm nước Trung và Đông Âu (gọi tắt là PECO 5 theo thuật ngữ của tổ chức OCDE) vẫn không thoát ra khỏi cái “vòng” kim cô bốn cạnh của kinh tế thị trường (tức là bốn chỉ số then chốt: tăng trưởng, thất nghiệp, lạm phát và cán cân chi trả – xem bảng dưới đây). Nói ác miệng như Bronislaw Geremek, “Phương Đông muốn đi sang phương Tây, song còn ở phương Nam”, nghĩa là đi tìm sự phồn vinh của Tây phương, trước mắt Đông Âu chỉ gặp sự chậm tiến của phương Nam. Phương Nam, với tất cả sự yếu kém về trình độ dân chủ của nó: Eltsine, Walesa, thậm chí Vaclav Havel, đều tấp tểnh muốn chuyên quyền; Iliescu, Milosevic thì chơi trò mị dân, dân tuý; các quốc hội dân cử thì triền miên tranh cãi trong khi các đội dân vệ tranh đua cát cứ xưng hùng; quần chúng thì đồng bóng, hôm trước dồn 87% phiếu bầu cho một ông trời con (Gamsakhourdia ở Georgie) hôm sau cầm súng chống lại... Sự hỗn loạn ấy, có thể mô tả chính xác bằng hình ảnh của Adam Michnik: “ một bọn cướp xông vào tấn công một nhà thương điên” 3. Nền dân chủ Đông Âu là một nền dân chủ cà lăm cà nhắc như vậy, người ta có thể hoài nghi về sự trường tồn của nó. Không phải vì Đông Âu có thể quay trở lại chế độ toàn trị (totalitarisme), nhưng không thể loại trừ khả năng biến chất thành chuyên chế (dérives autoritaires), với những nguy cơ đua đòi dân tuý (populiste) và quốc gia chủ nghĩa...

Chủ nghĩa quốc gia chính là sự thách đố thứ ba mà các nước Đông Âu phải đương đầu. Dưới chế độ toàn trị trước đây ngôn từ quốc gia chủ nghĩa có ý nghĩa phản kháng vì nó khẳng định sự kế thừa di sản lịch sử và văn hoá bị hệ tư tưởng thống trị phủ nhận (với những kinh kệ theo kiểu: đi lên hội cộng sản, thế giới đại đồng, sẽ không còn giai cấp, không còn quốc gia...), và lớp dầu thánh đã mang lại cho diễn từ quốc gia chủ nghĩa một nhãn hiệu trình toà sáng giá (trường hợp phong trào Pamiat ở Nga, và ngay cả Soljetnitsine). Nhưng khi “cái máy làm đông lạnh Lịch sử” là chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực ngừng chạy rồi, thì quả lắc lịch sử chạy ngay sang phía bên kia, thậm chí chạy tít tới tận thái cực, với sự phân liệt của vùng Caucase và vùng Balkans, đẩy lùi lịch sử trở về thế kỷ 19. Để mô tả quang cảnh “Châu Âu bộ tộc” này, Adam Michnik dùng một hình ảnh rất đạt: “ Một thứ homo balkanicus (người Bancăng) đã được ghép vào loại homo sovieticus (người Xô viết) truyền thống để trở thành mẫu người phổ biến của Đông Âu” 3.

 

Ván bài dân chủ

Đứng trước bức toàn cảnh đen tối ấy, có người đặt lại vấn đề dân chủ hoá. Trước tiên phải kể đến những người chống dân chủ, nghĩa là, ngoài những phần tử “bảo thủ” chủ trương tái lập trật tự cũ (số này không là bao), còn có những người chủ trương “cải cách” theo “mô hình Trung Quốc” 4 [cải tổ kinh tế mà không cải tổ chính trị]. Kế đến là một số người tiếp tục khẳng định lý tưởng dân chủ nhưng lại đòi thiết lập một chính quyền mạnh: chẳng hạn như thị trưởng Moscou, Gavril Popov. Ông này đòi ở trên thượng đỉnh của Nhà nước phải có “một tầng lớp nhỏ của giới trí thức được để yên để làm việc, nghĩa là trong giai đoạn chuyển tiếp, không phải thường kỳ ra tranh cử, do đó không phải chịu sự thưởng phạt thông qua lá phiếu của cử tri” 5. Cần nói thêm là vấn đề tranh cãi ở đây không phải là định hướng kinh tế (mọi người đều đồng ý chuyển sang kinh tế thị trường), mà là sự chọn lựa những phương tiện chính trị (chuyển tiếp dân chủ) để thực hiện mục tiêu ấy. Sự phê chuẩn cuối cùng vẫn căn cứ vào kết quả kinh tế nhưng đối tượng tranh chấp rõ ràng là chính trị: mặc nhiên hay hiển ngôn, những người dân chủ bị buộc phải chứng minh rằng dân chủ không đồng nghĩa với vô hiệu vô chính phủ. Và họ phải chứng minh điều đó trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn: theo ý kiến chung, chí ít cũng phải mười năm mới có thể lành mạnh hoá một nền kinh tế và một xã hội đã bị hủ hoá sâu sắc; thế mà, vẫn theo ý kiến chung, việc thành bại sẽ an bài trong vòng hai năm trước mắt. Nói vậy rồi (và điều này đặt ra cho mọi lựa chọn chính trị), thử hỏi chế độ dân chủ liệu có khả năng thành công trong quá trình đối phó với ba sự thách đố: dân tộc, kinh tế, chính trị?

1. Thoạt nhìn có vẻ nghịch lý, nhưng có thể nói: dân tộc là vấn đề phụ. Phụ đây không phải là nó không quan trọng bằng hai vấn đề kia, nhưng vì phải có thời gian dài nó mới có thể được giải quyết. Quá khứ cho thấy rõ: sự trấn áp theo kiểu Staline chỉ có thể làm đông lạnh vấn đề chứ không giải quyết dù chỉ một chút xíu. Diễn biến ở Nam Tư cho phép đặt câu hỏi: liệu có một giải pháp chính trị cho vấn đề dân tộc hay không? trừ phi phải trở lại nền tảng của nó, tức là đạo lý chính trị. Theo Paul Thibaud, chỉ có thể chữa trị “chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa địa phương và xu hướng loại trừ của chúng” bằng cách trở lại “quá trình tạo dựng” nghĩa là các thành phần của cộng đồng cùng nhau bàn thảo xem vì sao cần phải sống chung. Nói khác đi, đó là một vấn đề chính trị hiểu theo nghĩa từ nguyên: việc nước. Và đứng về mặt này, dân chủ xem ra là chính thể thích hợp hơn mọi chế độ độc đoán để giải quyết câu hỏi cơ bản ấy.

2 Vấn đề kinh tế đặt ra với những dữ liệu phức tạp, chồng chéo. Mốt thời thượng hiện nay là ai cũng chấp nhận luật chơi kinh tế thị trường, nên xin tạm gác những vấn đề “vô duyên” như công bằng, đạo lý... để đề cập vấn đề “nghiêm chỉnh”: phân phối và sản xuất. Chúng tôi cho rằng phân phối chủ yếu là một vấn đề kỹ thuật (nghĩa là, tới một mức phát triển nào đó, bất luận chính thể nào chấp nhận kinh tế thị trường cũng có thể xử lý vấn đề phân phối), ngược lại sản xuất có khía cạnh xã hội học. Theo ước tính xem ra có căn cứ của OCDE thì nếu ta xét trường hợp nước Cộng hoà dân chủ Đức – tức là nước xã hội chủ nghĩa thành công nhất về mặt kinh tế – năng suất của một người lao động ở Đông Đức chỉ bằng 1/4 năng suất Tây Đức, và cứ theo đà phát triển bình thường, muốn bằng 1/2 năng suất Tây Đức phải đợi tới năm 2015. Sự thật là mấy chục năm bao cấp đã làm tiêu tan khái niệm “đạo lý lao động”. Hợp đồng xã hội giữa Nhà nước và người lao động mặc nhiên được tóm tắt vào mấy chữ: lương ít làm kém, làm kém lương ít. Huỵch toẹt hơn, người ta nói (câu này ở trên cửa miệng mọi người, ở Mạc tư khoa cũng như ở Hà Nội): Nhà nước giả bộ trả lương và chúng tôi giả bộ làm việc. Khi ông Gorbatchev (và nay ông Eltsine) tìm cách cải tổ phá vỡ cái vòng lẩn quẩn đó bằng cách gắn liền lương bổng với sản lượng và lợi nhuận, thì đa số những người lao động không ủng hộ. Những người chủ trương kinh tế thị trường hy vọng làm được những điều mà các biện pháp nửa vời của perestroika đã thất bại, nhờ những kích thích tố vật chất và tâm lý (lương, bổng, chia lời, san sẻ trách nhiệm...). Hy vọng đó hợp lý – bất luận đường lối chính trị ra sao, miễn là chấp nhận luật chơi thị trường. Ở cấp độ này, chế độ dân chủ không có lý do gì làm dở hơn những chế độ chuyên chính. Ở một cấp cao hơn, nghĩa là trong những lãnh vực đòi hỏi tính sáng tạo, thì chế độ dân chủ nhất định sẽ làm tốt hơn, như chúng tôi đã viết trên cột báo Diễn Đàn 4.

3. Còn vấn đề chính trị (tách rời chính trị và kinh tế có phần nào võ đoán)? Những người thù nghịch với ông Gorbatchev có lý khi họ nói rằng glasnost (trong suốt, công khai) và perestroika (tái tạo) chính là cặp bài trùng đã phá tan chính thể xô-viết. Nhìn thẳng sự thật, cá nhân tự lập, tự do tư tưởng, tự do phát biểu, tự do hành động... người Liên Xô một khi đã nếm mùi tự do rồi sẽ không dễ gì khoanh tay trước một chính quyền muốn trở lại quá khứ. Trong ý nghĩa này, vấn đề Dân chủ hay Độc tài? ngày nay không còn đặt ra ở các nước Đông Âu nữa. Nguy cơ duy nhất, như đã nói, là trong trường hợp kinh tế thất bại, nhân dân quá cực khổ, có thể vì tuyệt vọng và thiếu trưởng thành chính trị sẽ hiến thân cho một nhà tiên tri mị dân thường xuất hiện trong một tình thế khủng hoảng. Song liều thuốc duy nhất hiệu nghiệm cho một xã hội chưa trưởng thành chính trị là thêm dân chủ, chứ không phải thêm chuyên quyền.

Cho nên, câu hỏi thực sự đáng bàn là: có nên phát động perestroika (như Gorbatchev đã làm) để rồi hệ thống xô-viết phải sụp đổ hay không? “Gorbatchev đã làm nên Lịch sử. Song, cũng như mọi nhà cách mạng, ông ta đâu biết mình đang làm ra cái Lịch sử nào” (J.-C. Casanova). Khởi đầu, Mikhail Gorbatchev là một cán bộ của bộ máy (một apparatchik) muốn cải tổ, đi tìm một con đường trung dung, kết hợp thị trường và kế hoạch hoá. Nhưng bản chất một chế độ toàn trị là nó triệt tiêu mọi giải pháp trung dung, cho nên muốn cải tổ, Gorbatchev chỉ còn cách phá nó đi, kinh qua một kịch bản mà ngày nay nhìn lại, phải thấy là nó đã diễn ra suôn sẻ một cách đáng ngạc nhiên. Thể loại kích bản ấy cho phép ta tiên liệu – song không ai dám định trước ngày tháng – số phận nào sẽ dành cho “con đường Trung Quốc”. (còn nữa)

 

(N.G. biên dịch *)

 

Giờ chót: Khi chúng tôi viết bài này (18.5), có tin đàn áp ở Thái Lan. Sự kiện này càng xác định rằng từ Thiên An Môn tới Băng Cốc, cho dù Ngân hàng thế giới và FMI chấm điểm thế nào chăng nữa, công cuộc dân chủ hoá không thể tách rời phát triển kinh tế và xã hội 6.

 

* Nguyễn Quang, biên tập viên Diễn Đàn, chuyên viết tiếng Pháp. Theo yêu cầu của những bạn đọc ở trong nước, cũng như ở Đông Âu và Bắc Mỹ, và với sự đồng ý của tác giả, chúng tôi đăng bản dịch Việt ngữ. Tiếng Pháp nhuần nhuyễn của nguyên tác làm cho người dịch đau đầu. Và đau lòng vì phải lược bỏ những ý nhị ngôn ngoại của văn bản. Âu đó cũng là cái giá phải trả để ý kiến của tác giả đi tới số đông bạn đọc.

 

1 Xem Didactique et démocratie, Đoàn Kết số 430.

2 Cũng nên nói thêm, điều này có lợi cho những nước con nợ của Liên Xô, như Việt Nam.

3 Hội thảo L'Europe et les tribus (tháng 3.1992 ở Palais de Chaillot, Paris) và Où va l'Est? (tháng 4.1992 ở trường Sorbonne). A. Michnik đã dùng hình ảnh này để mô tả tình trạng chiến tranh 1981 ở Balan. Bọn cướp là chính quyền cộng sản Ba Lan, nhà thương điên là công đoàn Solidarnosc (mà Michnik là một người lãnh đạo). Trong cuộc đối thoại với đại tướng W. Jaruzelski (phần cuối cuốn hồi ký Les chaînes et le refuge, J.-C. Lattès, 1992), ông nhắc lại Solidarnosc gồm ba luồng văn hoá tư tưởng: xu hướng công giáo quốc gia, xu hướng công đoàn dân tuý, xu hướng trí thức dân chủ.

4 Sớm muộn cũng cần phân tích và tổng kết con đường Trung quốc. Tạm thời, xin đọc Nguyễn Ngọc Giao, Dân chủ là điều kiện của phát triển (Diễn Đàn số 8, tháng 5.1992), và N.Q., La démocratie, pourquoi faire? ( Dien Dan Forum, số 3, tháng 5.1992)

5 G. Popov, Que faire? Un projet pour la Russie, Belfond 1992.

6 Theo một cuộc thăm dò dư luận, năm 1987, chỉ có 5% số người được hỏi đặt hy vọng vào “kết quả tốt” của perestroika.

 

4 chỉ số kinh tế của 5 nước Trung và Đông Âu

 

SẢN XUẤT
suy sụp
(1)

THẤT NGHIỆP
còn hạn chế
(2)

LẠM PHÁT
bùng nổ
(3)

MẤT CÂN BẰNG
chi trả
(4)

Bungari

-23

11,5

714

-1

Tiệp Khắc

-16

7

57

0,2

Rumani

-14

3

228

-1,2

Ba Lan

-9

12

61

-21

Hungari

-8

8

36

+0,5

 

[1] Biến thiên tổng sản lượng quốc dân năm 1991, tính bằng %.

[2] Tỉ lệ thất nghiệp biến đổi từ 1989 đến 1991 (tính % dân số lao động)

[3] Cán cân chi trả tính bằng tỷ đôla

[4] Tỉ lệ tăng giá hàng hoá tiêu thụ trong năm 1991, tính bằng %

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss