Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 9 / Suy tư Đông Âu

Suy tư Đông Âu

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:41, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:41
Tạo dựng một xã hội có chỗ đứng cho mọi từng lớp nhân dân thì hiển nhiên dân chủ là điều kiện tất yếu để cùng nhau giải quyết ôn hoà mọi tranh chấp, mọi mâu thuẫn. Không nên ngộ nhận, như có lúc dân Đông Âu ảo tưởng rằng tự do dân chủ đồng nghĩa với phồn vinh, để rồi thất vọng. Cần nhận định rõ rằng dân chủ tự nó không đem lại giàu có sung túc. Dân chủ chỉ đặt những quy ước minh bạch được đa số tán đồng để tạo ra một không gian tự do.
   

SUY TƯ TỪ TÌNH HÌNH ĐÔNG ÂU

 
Bùi Mộng Hùng


Comment se pourrait-it qu’ une partie connût le tout ? (1)

 
Bức tường Berlin sụp đổ. Một luồng hy vọng tràn ngập Đông Âu. Ba năm sau, hồ hởi đã đi qua. Còn lại thực tại, di sản của chế độ xã hội chủ nghĩa toàn trị kiểu Stalin: kinh tế lạc hậu, xã hội điêu tàn, tư duy trì trệ, lớp người có tri thức có khả năng hoạt động hữu hiệu trong một nền kinh tế thị trường, trong một môi trường chính trị đầy biến động thưa thớt như lá mùa thu... Ngổn ngang những vấn đề, và toàn là vấn đề cấp bách.

 
1. Xây dựng lại kinh tế thật vô vàn gian nan. Không một nước nào không bị lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng. Từ 1988 tới nay ở các nước Đông Âu không kể Liên Xô cũ, (Bulgari, Hungari, Ba-lan, Rumani, Tiệp khắc, Nam tư) sản xuất sút mất 25%. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế bao gồm 24 nước OCDE trong bản báo cáo tháng 12.1991 nhận định về trạng huống Đông Âu cho rằng: " Chưa thấy dấu hiệu rõ rệt của một chuyển hướng " (2).

Vấn đề chính là cải tổ cấu trúc kinh tế, thay đổi thể chế để tạo điều kiện cho đầu tư có hiệu suất. Trở ngại còn rất nhiều, vì thiếu vốn, vì gánh nặng khu vực quốc doanh gây sức ỳ trong công cuộc đổi mới. Tuy nhiên dứt khoát thay đổi thể chế, cấu trúc kinh tế, xã hội là điều kiện tiên quyết cho phát triển. Những nước biết sớm lo cải tổ như Hung, Tiệp đã chớm thấy hy vọng thoát ra giai đoạn suy thoái trong năm 1992 hay 1993 (2). Đối với các nước đó con đường tiến tới gần sự phồn vinh các nước Tây Âu đã bắt đầu khai thông.

Gặp thời buổi khan hiếm vốn đầu tư như hiện nay, mục tiêu chính có khi bị lãng quên. Norman Walter, người trách nhiệm bộ phận nghiên cứu của Deutsche Bank đã phải nhắc nhở rằng khủng hoảng kinh tế Đông Âu sẽ còn kéo dài nếu các nước Tây phương " cứ tiếp tục chú tâm vào thông lượng tài chính, vào kinh tế vĩ mô hơn là lưu tâm đến kinh tế vi mô, đến việc cải tổ cấu trúc và thể chế trong các nước đó ". Thiết nghĩ ý kiến này không chỉ có giá trị cho riêng Đông Âu.

Đã bước vào kinh tế thị trường, chậm thay đổi kịp thời thể chế, cấu trúc kinh tế ngày nào thì thiệt hại cho người lao động ngày nấy. Chẳng hạn như chưa cải tổ hệ thống ngân hàng, tín dụng, hệ thống phân phối, thị trường bán sỉ nông sản, thì người nông dân phải trả giá rất đắt ngay. Miền Nam mới điêu đứng vì thiên tai bão lụt năm 1991 đó, năm nay trúng mùa hết cây mía "lên tiếng" không ai chịu tiêu thụ, lại đến lượt hạt lúa đông xuân, đến cây đậu phộng "báo động", người nông dân được mùa mà bị thua lỗ nặng, "cụt vốn" ngay vào lúc phải chuẩn bị làm mùa tới (3).

Theo báo cáo trạng huống của uỷ ban kinh tế Cộng động kinh tế Âu châu và Liên hợp quốc CEE-ONU đề ngày 2.4.92 trở ngại lớn cho công cuộc chuyển đổi cấu trúc kinh tế là thói quản lý nhập nhằng của các xí nghiệp quốc doanh (2). Thời bao cấp thì lo che đậy chỗ yếu kém của mình, đến thời mở cửa lại khuếch đại khó khăn để trốn thuế. Thêm tình trạng tài chính mập mờ, vay nợ lẫn nhau, nợ nần chồng chất (4). Việt nam ta về mặt này có kém gì Đông Âu. Tổng số tiền các công ty nợ lẫn nhau không thanh toán nổi trong cả nước lên tới 10.000 tỷ đồng, tương đương với 1 tỷ đô-la, và năm 1991 trong chín tháng đầu năm thuế thất thu lên đến 600 tỷ đồng (tổng số thuế dự thu cả năm cho ngân sách là 2.930 tỷ). Tại sao tình trạng này cứ kéo dài ? Đó là một câu hỏi không tránh né được nếu muốn giải quyết vấn đề đến gốc rễ.

 
2. Xã hội xáo trộn trầm trọng. Năm 1989, thất nghiệp còn chưa đáng kể, nay tỷ số thất nghiệp tại Đông Âu cũng tương tự như ở Việt Nam, tuỳ nơi, từ 6 đến 12% quần chúng lao động, riêng ở Nam Tư tới 20%. Và trước mắt " thất nghiệp sẽ cứ tiếp tục tiến triển dù là sản xuất có bắt đầu tăng lại " (báo cáo CEE-ONU) (2). Vào thị trường lao động, nền giáo dục dưới chế độ cộng sản để lộ tất cả những yếu kém về chất lẫn về lượng. Đào tạo, phổ biến kiến thức cần thiết cho hệ kinh tế thị trường, cho xã hội mới trở thành vấn đề cấp bách. Yêu cầu phổ cập trí thức hiện đại rộng rãi để tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội nói chung và cho cá nhân mỗi công dân nói riêng thích nghi với một tình hình kinh tế, xã hội dao động biến chuyển vấp phải vấn đề tài chính eo hẹp của một nền kinh tế què quặt. Nhà nước không thể tránh né trách nhiệm của mình trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa sự kiện tiền bạc là tiêu chuẩn lựa chọn người được học trong kinh tế thị trường với sự bất bình đẳng căn bản khi để cho tiền bạc và thế lực thành tiêu chuẩn chọn lọc duy nhất, không có lối cho người dân thường đi đến tri thức. Cam nhận một nền giáo dục bất bình đẳng là tạo một hố ngăn cách trong xã hội tương lai, một trở ngại cho phát triển của dân tộc.

Một bất bình đẳng khác tiềm tàng trong một số hình thức tích luỹ của cải. Tiệp bán đấu giá tư hữu hoá một số xí nghiệp, nhưng ai là người mua ? "...người có sức mua nếu không là apparatchick (quan chức trong chế độ cộng sản cũ) không là người của ma-phi-a địa phương thì là ngoại quốc " (5). Một báo cáo do 4 tổ chức quốc tế - Quỹ tiền tệ quốc tế FMI, OCDE, Ngân hàng thế giới và Ngân hàng Âu châu cho tái thiết và phát triển (BERD) - thực hiện vào cuối năm 1990 nhấn mạnh rằng ở Liên xô " tài sản có thể tập trung trong tay một số người nắm tiền hay có thế lực chính trị " và Grygory Iavlinski, cố vấn của Boris Eltsine đã từng tuyên bố " có phải tư hữu hoá đâu, đúng ra là bán đổ bán tháo tài sản nhà nước " (6). Từ ngữ dân gian ta nhiều hình ảnh hơn, nôm na gọi sự kiện ấy là " vặt lông nhà nước mà ăn ". Vặt hết vật tư, thiết bị đến vặt cơ sở nhà đất. Vừa rồi ở thành phố Hồ Chí Minh xảy ra những vụ tham nhũng lạm dụng phép được bán nhà đất cho cán bộ, định giá bán biệt thự thấp hơn giá trị thật từ 2 đến 3 lần, có những trường hợp kiếm lời hơn 1 tỷ 300 triệu đồng trong vài ngày (7).

Làm giàu " trên đầu cổ nhân dân " còn có thể có tác dụng, nếu từ đó nảy sinh ra một lớp nhà kinh doanh hình thành một nhóm rõ nét trong xã hội có lý tưởng tích cực hướng về tương lai tin tưởng vào nhiệm vụ của mình. Vấn đề cần phải đặt ra là một nhóm như thế có thể thoát thai được hay chăng từ những người lạm dụng thế lực chính trị, những con buôn phe phẩy, những kẻ buôn lậu, vốn tất cả mánh khoé chỉ là ăn bám trên kinh tế quốc doanh, không hề nghĩ đến đầu tư sản xuất lâu dài ? Có thể kinh doanh nghiêm túc được chăng khi mà nhà nước chỉ có danh mà không có thực, không tạo nên nổi một thị trường thật sự, có thể chế, mà để cho xã hội, kinh tế hỗn loạn vì bọn tham nhũng tha hồ hối mại quyền thế, ăn cắp của công, gian lận thuế má làm lũng đoạn kinh tế quốc dân một cách vô tội vạ ?

 
3. Chính quyền cộng sản sụp đổ đột ngột để lại một khoảng trống chính trị lớn. Sau những năm dài sống dưới chế độ độc tài độc đảng, chính trường thiếu hẳn một lớp nhà chính trị có kinh nghiệm có bản lĩnh. Ở Hung, các đảng phái chẳng thiếu nhân vật để ra làm bộ trưởng, nhưng tìm không ra cán bộ cấp trung gian có kinh nghiệm, không còn cách gì hơn là họ chiêu dụ cán bộ cộng sản vào ban tham mưu của mình. Những mặt trận đối lập trước kia, liên kết với nhau trên cơ sở chống đối, lúc được chính quyền không còn nhất trí để hình thành một tổ chức chính trị có bề thế, vỡ vụn ra thành chính đảng nho nhỏ không tập hợp nổi đông đảo quần chúng, có nơi như ở Rumani, chính đảng và chính khách lưu vong trở về nước nhưng cũng chẳng đem nổi một luồng máu mới cho sinh hoạt chính trị (8) . Ngay ở Ba-lan, thời mà B. Geremek tiếc nuối, cái thời " 99% dân chúng ủng hộ công đoàn Đoàn Kết " đã qua, ngày nay nội bộ công đoàn không giữ nổi đoàn kết và đã chia năm xẻ bảy. Trong quốc hội hiện có tới 29 chính đảng. Chính phủ Olszewski thành lập được nhờ liên minh giữa bảy đảng bảo thủ - chỉ là một chính phủ thiểu số bấp bênh, thiếu hậu thuẫn để mà thực hiện những cải cách kinh tế cấp bách và cần thiết.

Đời sống ngày thêm chật vật mà chính trường chẳng khác trò múa rối; người dân không thấy tác động thực tiễn ngăn nạn thất nghiệp, chặn sự giảm sút mức sống của họ. Lòng tin tưởng vào các chính trị gia mất dần. Ở Ba-lan, thăm dò dân ý vừa rồi cho thấy đến 56 % ý kiến tin là chính phủ liên minh Olszewski không hoạt động nổi. Ở Hung mới cách đây 2 năm đảng Diễn đàn dân chủ (MDF) được đa số đưa lên nắm chính quyền; ngày nay nếu có bỏ thăm thì họ chỉ còn được 15 % tín nhiệm; có nơi như ở Komarom một khu vực thuộc miền bắc Hung, cử tri ngao ngán đến nỗi đầu phiếu sáu lần mà vẫn không bầu nổi đại biểu quốc hội vì không bao giờ đạt nổi tỉ số tối thiểu 25 % cử tri tham gia (9) .

Một Nhà nước có chương trình hành động được đa số nhân dân ủng hộ và vì vậy ổn định được chính trị là điều kiện cốt yếu trong cuộc thực hiện những chuyển đổi cần thiết.

Nhưng không nên lẫn lộn sự ổn định tích cực đó với sự tồn tại của một chính quyền kiểu như chế độ cộng sản Ba-lan mà hồi tháng hai 1989 khi còn chưa ai tin được là nó sẽ mau chóng sụp đổ, Adam Michnik đã tiên đoán rằng: " Cấu trúc chính quyền đã ruỗng nát, rỗng từ trong rỗng ra do sự thiếu khả năng, sự bất lực của nó; nó sẽ sụp đổ một ngày nào đó thôi "(10) . Khi một chế độ độc đảng khư khư ôm lấy thể chế nhập nhằng giữa đảng và nhà nước để cho những bè phái có tổ chức có quyền dựa vào mà hối mại quyền thế làm cho chính sách chống tham nhũng và buôn lậu của nhà nước hầu như bất lực, khi mà nạn tham nhũng cứ tiếp tục ngang nhiên hoành hành, mặc dù đã làm thất thoát tài sản của nhân dân trên 25 ngàn tỷ đồng gồm có 1.947 triệu đô-la, xấp xỉ tổng số thu ngoại tệ của cả nước trong năm 1991 – khi mà giá trị hàng hoá buôn lậu trong năm 1991 lên tới 240 triệu đô-la và khi tại hội nghị tổng kết công tác quản lý thị trường vừa qua, phó ban chỉ đạo quản lý trung ương Lê Minh Đào cho biết các cơ quan đơn vị nhà nước, của Bộ thương mại và du lịch cùng nhiều đơn vị " chưa tiện nói tên " tiếp tục buôn lậu ở mức độ nghiêm trọng chiếm tới 80 % tổng số buôn lậu hiện nay (11) , thì tình trạng được mệnh danh là ổn định chính trị chỉ có tác dụng tạo điều kiện cho những kẻ tham nhũng bám vào quyền chức để cản trở mọi công cuộc đổi mới cần thiết. Vì thế làm trở ngại sự hình thành một lớp nhà chính trị có năng lực lèo lái vận mệnh dân tộc, làm cản trở sự thiết lập một thị trường đích thực cùng sự thoát thai của một lớp nhà kinh doanh chân chính.

 
4. Tình hình bấp bênh, trật tự đổ vỡ. " Những gì vững chắc đều tan biến mất, những gì thiêng liêng đều bị uế tạp "(12) .

Tương lai không biết ra sao, việc làm kiếm cơm có thể mất một sớm một chiều, không còn một số cơ chế tương trợ của xã hội để mà nương dựa, mất đi hằng loạt điểm mốc để định hướng. Lòng người hoang mang.

Trong bối cảnh thiếu nề nếp sinh hoạt dân chủ, thiếu thảo luận những vấn đề căn bản thiết thân đến đời sống, nhiều loại phản ứng xuất hiện.

Con người co cụm bấu víu vào những tập thể gần gũi, quy khó khăn hiện tại của mình vào lỗi kẻ khác, óc địa phương, tinh thần loại trừ người lạ nẩy nở. Chính trị cũng cuốn theo xu hướng này đi đến chiến tranh tai hại như ở Nam Tư, ở Azerbaidjan. Nhưng ở những nơi đó còn có thể phần nào lý giải được vì tinh thần dân tộc – vốn là chính đáng C bị đàn áp đè nén trong nhiều năm. Điều khó hiểu hơn là địa phương chủ nghĩa cũng nặng nề ở Việt Nam; và trong hàng ngũ những người tham gia cách mạng lại có chiều nặng hơn trong dân thường. Kỳ thị, phân chia Nam, Bắc – một cán bộ miền Bắc chẳng hạn được chỉ định làm phó giám đốc tại một cơ sở trong Nam thường bị địa phương gây khó dễ đên không thể làm việc nổi – và kỳ thị giữa những vùng sát bên nhau chung sống trong nhiều năm – gặp việc chia tỉnh vừa qua gây nên những cuộc tranh chấp gay gắt, có những nơi thà bỏ dở công trình đang xây dựng hơn là thoả thuận với nhau trong việc phân chia ngân quỹ.

Quay trở về với địa phương chủ nghĩa hẹp hòi, trong khi xu hướng tất yếu là mở rộng giao lưu hàng hoá, con người và tư tưởng, là một dấu hiệu khủng hoảng văn hoá: con người hoang mang không còn biết đâu là hướng đi, bám lấy những tập tục cổ lổ của mình. Tiểu thuyết " Mảnh đất lắm người nhiều ma " của Nguyễn Khắc Trường đã mô tả sinh động những khía cạnh của hiện tượng này và ảnh hưởng tai hại của nó cho con người, cho xã hội tại một làng trung du Bắc bộ.

Chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực có thói đánh lạc hướng dư luận hầu tránh né đề cập thẳng thắn và dân chủ những vấn đề hóc búa thực tại – Việt Nam thì đổ lên đầu tư bản chủ nghĩa mưu toan diễn biến hoà bình – thói này vẫn tiếp tục ở Đông Âu. Chính khách Đông Âu đang theo lối cũ mặc dù trước kia thề sống thề chết " làm khác bọn cộng sản ", họ xách động phong trào vơ đũa cả nắm đổ khó khăn hiện nay lên đầu tất cả những ai có liên hệ đến đảng cộng sản, vi phạm nguyên tắc tự do tư tưởng căn bản của tinh thần dân chủ. Ví dụ điển hình là điều 260 luật "thanh lọc" (lustrace) ở Tiệp, quy định phạt tù những ai phổ biến ý thức hệ cộng sản. Hồi tháng 10.1991 luật ấy đã cấm không cho bất cứ ai có dính líu đến chính quyền cộng sản cũ lĩnh một chức vị công cộng nào trong một thời gian 5 năm, mặc dù vấn đề luật có hợp hiến hay không chưa được giải quyết, đến tháng 12 lại bước thêm một bước với điều 260 nói trên. Luật ấy được thông qua do áp lực của Đảng công dân dân chủ (ODS) mà chủ tịch là bộ trưởng tài chính Vaclav Klaus. Với mục tiêu loại những người cộng sản như Lis, Sabata, Samalik ..., có uy tín vì đã vào tù ra khám nhiều phen khi lãnh đạo phong trào phản kháng chế độ Husak; loại phái tả và cánh tả của khối giữa ở Tiệp và nhất là loại Phong trào cho một xứ Slôvắc dân chủ (HZDS) do Vladimir Mecỉa lãnh đạo có khả năng được 30% cử tri tính nhiệm, trong khi dự đoán ODS chỉ được khoảng 20% (13).

Lợi dụng lòng khao khát được trấn an của quần chúng, người hùng ở nhiều nơi lập lờ đánh lộn một nhà nước dân chủ, mạnh vì được sự ủng hộ của đa số nhân dân với độc tài cá nhân, tìm cách thiết lập một chế độ tổng thống chất chứa mầm mống độc tài để tạo một giang sơn cho bản thân mình.

Tuy chế độ toàn trị xã hội chủ nghĩa hiện thực đã một đi là không trở về nhưng nguy cơ chuyên chế, độc tài, cá nhân hay/và quân phiệt, dân chúng lầm than vẫn lẩn quất đâu đây.

 
5. Cho tới nay, số lớn những giải pháp đem ra thực hiện, hoặc đã thất bại, hoặc đang đánh mất lòng tin của dân chúng. Một phần nào, lý do tiềm tàng trong lối đề cập vấn đề.

Đặt vấn đề kinh tế là đúng. Đặt vấn đề chính trị là hoàn toàn hợp lý. Nhưng cái sai là khi phải giải quyết một cuộc khủng hoảng toàn diện văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị ... lại đặt vấn đề phiến diện, thiên lệch. Thiên về thay đổi chính trị mà giữ nguyên bộ máy đảng, để nó mặc sức cản trở mọi thay đổi căn bản cấu trúc kinh tế đã đưa ông Gorbatchev đến thất bại. Đổi mới kinh tế nhưng khư khư bảo thủ về chính trị đã đưa đến cuộc đổ máu Thiên An Môn ở Trung quốc và như đã trình bày ở đoạn trên phương thức này chất chứa mầm mống làm cho nền kinh tế què quặt, bất công xã hội nặng nề chẳng khác thời tư bản thế kỷ thứ 19, và vì đó chế độ chỉ có thể là chuyên chế, trấn áp.

Sống với thực tế đổi mới cả kinh tế lẫn chính trị, dân chúng Đông Âu cũng chán nản, đâm ra lạnh nhạt không còn muốn tham gia ngay cả những hình thức chính trị cơ bản nhất như đi bầu đại biểu.

Xét cho cùng, họ có lý: vừa tránh khỏi ông mồ lại gặp phải ông mả. Xã hội chủ nghĩa hiện thực đem chính trị thống trị mọi mặt đời sống, đè bẹp con người. Những con người ấy vừa thoát ra khỏi độc tài toàn trị lại rơi phải thống trị kinh tế của chủ nghĩa tư bản, ngấm ngầm hơn nhưng chẳng kém vô nhân, chỉ biết nhìn qua lăng kính lợi nhuận. Một lần nữa, người dân lại thấy mình bị lường gạt.

Hướng đi của xã hội, dù không nói rõ ra, vẫn tiềm tàng, đè nặng trên nhiều mặt đời sống hàng ngày. Vì thế mà người dân đen nhận thức rất rõ ràng. Khi hướng đi phù hợp với nguyện vọng của họ (như hổi 1945 ở nước ta, như những năm 80 ở Ba-lan) thì muôn người như một không nề hy sinh, thì giờ, tài sản và cả đến tính mạng. Khi hướng đi không đúng với ước mong thì phản ứng của người dân thấp cổ bé miệng là ỳ ra, phản kháng một cách thụ động. Trong khi công cuộc xây dựng xã hội mới đang cần sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân thì một số lớn người dân Đông Âu đâm ra thất vọng, chán nản không thèm đi đầu phiếu như ở Hung, ở Ba-lan hiện nay. Vì trên thực tế họ đã bị loại ra khỏi quyền quyết định những điều thiết thân nhất với họ.

Giá trị căn bản, hướng đi của một xã hội là những lựa chọn chính trị thuộc về lĩnh vực văn hoá. Đổi mới cả kinh tế lẫn chính trị mà coi nhẹ các mặt văn hoá, xã hội – lặp lờ không đặt rõ vấn đề thắt lưng buộc bụng để làm những gì và để cho những ai – không dễ gì lừa gạt mãi được đa số dân chúng phải cơ cực dài dài mà chẳng biết có được hưởng kết quả của những hy sinh nặng nề mà mình đang gánh chịu hay chăng.

6. Muốn được mọi từng lớp nhân dân cùng tham gia xây dựng xã hội tương lai thì xã hội đó phải là một xã hội nhân bản, không một tầng lớp nào bị lấn áp loại trừ một cách có hệ thống, trong đó mỗi con người cá nhân được tôn trọng và được hưởng trọn vẹn quyền của một công dân. Xã hội dành không gian cho tình người, cho con người được tự chủ trong tương quan, trong hành động của mình, không bị hoàn toàn chi phối trên mọi mặt đời sống bởi những hệ thống vô nhân thống trị toàn diện xã hội – bất luận đó là một hệ thống chính trị, kinh tế, tôn giáo hay chi khác. Trong hướng đó thì mục tiêu kế hoạch, kinh tế hoặc chính trị, luôn luôn phải giữ vị trí đích thực của chúng, nghĩa là những phương tiện hướng về mục đích tạo điều kiện tinh thần và vật chất cho con người cá nhân sinh sống và phát triển toàn diện, hài hoà. Chấp nhận cho phương tiện hay một mặt trong đời sống của con người khuynh loát mọi mặt khác đến tự biến thành mục đích tối hậu là nuôi dưỡng mầm mống toàn trị.

Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận tầm quan trọng của kinh tế – phải trả lại cho kinh tế những gì thuộc lĩnh vực kinh tế, cũng như trả cho chính trị, những gì thuộc về chính trị – nhưng cũng không vì đó mà để kinh tế thống trị mọi mặt đời sống. Văn hoá thẩm định giá trị, hướng đi của xã hội; không thể để kinh tế biến văn hoá thành phương tiện phục vụ cho chính nó.

Tạo dựng một xã hội có chỗ đứng cho mọi từng lớp nhân dân thì hiển nhiên dân chủ là điều kiện tất yếu để cùng nhau giải quyết ôn hoà mọi tranh chấp, mọi mâu thuẫn. Không nên ngộ nhận, như có lúc dân Đông Âu ảo tưởng rằng tự do dân chủ đồng nghĩa với phồn vinh, để rồi thất vọng.

Cần nhận định rõ rằng dân chủ tự nó không đem lại giàu có sung túc. Dân chủ chỉ đặt những quy ước minh bạch được đa số tán đồng để tạo ra một không gian tự do. Trong khoảng không gian đó con người được sinh hoạt tự do, tạo dựng một cuộc sống theo ý mình mà không phạm đến tự do của kẻ khác. Đó là con đường ít đổ vỡ nhất, ít đau khổ nhất để mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào công cuộc đưa xã hội, đưa dân tộc hài hoà tiến lên từ những mảnh vụn đổ nát do xã hội chủ nghĩa hiện thực để lại.

 
B.M.H (tháng 5.1992)

   


  1. Sao mà một bộ phận lại có thể thấu hiểu nổi cả tổng thể ? Blaise Pascal, Pensée II 72.

  2. Françoise Lazare, L’Europe de l’Est en attente de croissance (Đông Âu trong đợi chờ phát triển), Le Monde 14.4.1992.

  3. Thanh Tuyền, S.O.S. Nông sản tràn đồng chẳng ai mua, Tuổi Trẻ 19.3.1992

  4. Erik Izraelewicz, Prague et la transition de velours (Praha và cuộc chuyển tiếp nhung), Le Monde 1.10.1991

  5. E. I., Vente aux enchères à l’Eden ... (Bán đấu giá ở Eden...), Le Monde 1.10.1991

  6. Françoise Lazare, Affairisme à la soviétique (Phe phẩy kiểu Liên xô), Le Monde 29.5.1991.

  7. Xem Hoá giá nhà, Diễn Đàn số này; và Kết quả bước đầu sửa sai việc bán hoá giá nhà ở thành phố Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ 11.4.1992.

  8. Paczkowski Andrej, Des partis, mais quels partis ? (Bàn về chính đảng, mà chính đảng nào ?), Europe de l’Est: la transition, Problèmes politiques et sociaux số 636, 6.7.1990 ;
    Sylvie Kauffmann, La tentation populiste (Sự cám dỗ của chủ nghĩa dân tuý), Le Monde 12.9.1990.

  9. Mauvaise passe pour la Pologne (Giai đoạn khó khăn cho Ba-lan), Le Monde 24.4.1992.
    Yves-Michel Riols, La Hongrie désenchantée (Hungari vỡ mộng), Le Monde 10.4.1992.

  10. Mink Georges, Dynamique des systèmes post communistes (Động thái của các hệ thống hậu cộng sản), Problèmes politiques et sociaux số 636, 6.7.1990.

  11. Tâm Chánh, Một số cơ quan đơn vị Nhà nước lại đi buôn lậu, Tuổi Trẻ 3.3.1992

  12. Tác dụng phân rã của quá trình hiện đại hoá kiểu tư bản chủ nghĩa theo Marx và Engels trong " Tuyên ngôn đảng cộng sản ".

  13. Catherine Monroy, Difficile " lustration " en Tchécoslovaquie (Cuộc " thanh lọc" khó khăn ở Tiệp Khắc), Le Monde 25.2.1991.

 

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss