Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 9 / Văn hoá và phát triển theo Lê Thành Khôi

Văn hoá và phát triển theo Lê Thành Khôi

- Nguyễn Trọng Nghĩa — published 08/06/2010 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:50


Văn hoá và phát triển
theo Lê Thành Khôi



Nguyễn Trọng Nghĩa



Cho đến những năm gần đây, khi bàn về phát triển, người ta chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh kinh tế và thường quên đi các kích thước xã hội, văn hoá chính trị. Mục đích của Văn hoá, tính sáng tạo và phát triển, vì thế, là đề nghị một sơ đồ về phát triển có khả năng thoả mãn những nhu cầu cơ bản của con người nhờ quan tâm đúng mức đến cả bốn kích thước nói trên.

Giả thiết nền tảng của tác giả là văn hoá, nếu được diễn dịch với tinh thần phê phán và năng động, cũng là một lực lượng sản xuất.

Muốn thế, văn hoá cần được quan niệm như là toàn thể những gì mà một dân tộc sáng tạo ra để sống với thiên nhiên và với những dân tộc khác; nó bao gồm cả ký ức tập thể làm cho một dân tộc trở thành chính mình.

Xem con người ta là “tài nguyên chính yếu”, tác giả biện hộ cho “tính sáng tạo nội sinh” (créativité endogène) được định nghĩa như là khả năng tư duy độc lập nhằm tự tìm ra những giải pháp thích đáng cho những vấn đề của chính mình. Về mặt trí thức đó là sự từ chối mọi mô hình có sẵn.

Thấm nhuần những giá trị của quá khứ nhưng vẫn sẵn sàng tiếp thu những đóng góp đến từ bên ngoài – với óc phê phán trong cả hai trường hợp –, tính sáng tạo nói trên cần được kết hợp với niềm tin ở khả năng của nhân dân cũng như với ý thức về sự cần thiết phải hành động vì nhân dân và cùng với nhân dân.

Trong một thời gian khá dài, nhiều người cứ tưởng là chỉ cần phát triển các lực lượng sản xuất, rồi thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết tiếp theo. Nhưng thực tế đã chứng minh là sự sao chép đúng theo nguyên bản những mô hình xây dựng theo quan niệm nói trên, dù là tư bản hay cộng sản, đều đưa đến thất bại. Chính trong bối cảnh đó đã xuất hiện khuynh hướng xem những giá trị văn hoá như là chìa khoá của phát triển.

Tác giả đã dành cả chương I để giới thiệu và phê bình ba khái niệm: tính đích thực (authenticité), tính nội sinh (endogénéité) và bản sắc văn hoá (identité culturelle).

Theo tác giả, nhược điểm lớn nhất của các quan niệm về tính đích thực (như của Senghor hay Mobutu) là đều xem văn hoá là cái gì tuyệt đối, bất biến và không chú trọng đúng mức đến những mâu thuẫn kinh tế, xã hội, văn hoá. Dẫu thế, cần thừa nhận rằng sự khẳng định nhân cách và văn hoá của chính dân tộc mình trước sự thống trị hay khuynh loát của ngoại bang là một nhu cầu chính đáng.

Về tính nội sinh, đây là khái niệm thường gặp trong các văn kiện, sách báo của UNESCO. Khi nói đến tính nội sinh người ta thường chỉ chú trọng đến nguồn gốc của hành động và không quan tâm đúng mức đến nội dung và cứu cánh của nó.

Thông qua kinh nghiệm của Ấn Độ và Trung Quốc, tác giả đi đến nhận định là một sự phát triển nội sinh chưa hẳn đã đem lại công bằng và bình đẳng cũng như chưa hẳn đã phục vụ quyền lợi của quảng đại quần chúng.

Từ ít lâu nay bản sắc văn hoá đã trở thành một khái niệm thời thượng.

Theo một số nhà nghiên cứu, nếu Nhật Bản đã thành công trong chính sách vừa mở cửa vừa kháng cự lại được với phương Tây chính là nhờ họ có một bản sắc văn hoá mạnh mẽ. Vấn đề đặt ra là tại sao Trung Quốc, Việt Nam mà bản sắc văn hoá cũng chẳng thua chi Nhật Bản lại mất độc lập hoặc thất bại trong nỗ lực phát triển.

So sánh Trung Quốc với Nhật Bản, tác giả cho rằng giữa hai nước này ít nhất có hai điểm khác nhau chính yếu.

Trước hết giai cấp lãnh đạo ở Nhật không phải là giới quan lại như ở Trung Quốc mà là những người võ sĩ đạo. Vì Khổng giáo gắn chặt với sự hình thành và tồn tại của giai cấp quan lại nên họ xem nó như là một hệ thống giáo điều bất biến, thiêng liêng và có giá trị đến muôn đời. Trái lại đối với những người võ sĩ đạo, Khổng giáo chỉ là một phương tiện cai trị. Mặt khác, vốn chú trọng đến hiệu quả của hành động hơn giới quan lại, những người võ sĩ đạo ý thức được khá nhanh và khá sâu sắc sự ưu việt về quân sự và kỹ thuật của Tây phương.

Sau nữa, Nhật Bản lại có một truyền thống vay mượn văn hoá của nước ngoài khá lâu đời: từ thế kỷ thứ VI, họ đã tiếp thu của Trung Quốc Phật giáo, Khổng giáo, chữ viết và một số định chế chính trị. Do đó, ngay từ thế kỷ XVIII, nhiều võ sĩ đạo đã bắt đầu học tập phương Tây.

Khi sự đe doạ của những chiến thuyền của Perry (1853) bắt buộc phải chọn lựa hướng đi, bộ phận năng động nhất của giai cấp thống trị Nhật đã kịp thời đưa ra chủ trương “Kết hợp tinh thần Nhật với kỹ thuật của Tây phương”.

Về mặt lý luận khái niệm bản sắc văn hoá cũng đặt ra khá nhiều vấn đề.

Thật vậy, làm sao có thể nói đến bản sắc văn hoá của một nước như Việt Nam chẳng hạn, với 54 dân tộc có tiếng nói khác nhau và có ý thức lịch sử phát triển không đồng đều? Ngay cả đối với một dân tộc đã phân hoá thành giai cấp, việc sử dụng khái niệm này cũng không dễ dàng gì. Tuy thế, tác giả vẫn nghĩ là nên dùng nó trước hết như là “khái niệm khám phá” (notion heuristique) để nghiên cứu so sánh các nền văn hoá và, tiếp theo, như là khái niệm chính trị, nhằm kích thích tình cảm thống nhất và nỗ lực phát triển.

Trong chương II, tác giả tập trung phân tích nội dung của phát triển, những thành phần của văn hoá và những tác nhân (agents) của phát triển.

Theo ông, phát triển là một quá trình phức tạp và mâu thuẫn vì bao gồm nhiều kích thước (kinh tế, xã hội, văn hoá, chính trị) phát triển không theo cùng một nhịp, lại thêm tác động qua lại lẫn nhau, khi thì bổ sung khi thì đối nghịch.

Do ảnh hưởng của những yếu tố bên trong và bên ngoài, phát triển còn là một quá trình luôn luôn biến đổi.

Trong số những thành phần của văn hoá tác động nhiều nhất đến phát triển phải kể đến ngôn ngữ, hệ tư tưởng, tôn giáo, khoa học và kỹ thuật.

Theo tác giả, một nước không thể phát triển một cách trọn vẹn thông qua việc dùng một ngoại ngữ và trong nhiều thập kỷ, dự phóng xã hội chủ nghĩa đã sai lầm khi xem hệ tư tưởng – bao gồm cả tín ngưỡng, tôn giáo – như là một biến số phụ thuộc vào phương thức sản xuất, hoặc khi coi thường sự kiện dân tộc (fait national) mà lịch sử đã chứng minh là sẽ còn tồn tại lâu dài.

Nhiều người cho rằng các nước thuộc Thế giới thứ ba, nếu muốn đuổi kịp phương Tây, cần phải nắm lấy khoa học kỹ thuật như người Nhật đã làm từ thời Minh Trị.

Vấn đề đặt ra là phần lớn các nước này không có được những điều kiện của Nhật vào giữa thế kỷ XIX: một dân chúng tương đối có học, một nền văn hoá đủ mạnh để có thể chủ động vay mượn từ bên ngoài mà không bị thống trị và nhất là sự độc lập cho phép chọn lựa những gì hay, đẹp nhất của nhiều nước trên thế giới vào một thời đại mà khoa học và kỹ thuật còn chưa quá phức tạp như ngày nay.

Sau khi phê bình những lý thuyết về kỹ thuật “ít tốn kém”, kỹ thuật “mềm” (douce), kỹ thuật “thích hợp” (approprié), kỹ thuật “thay thế” (alternative) và nhất là kỹ thuật “trung gian” (intermédiaire) của E. F. Schumacher, ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thông tin, vừa là toàn thể những tri thức vừa là ngành công nghiệp phát xuất từ điện tử và tin học.

Những tác nhân của phát triển bao gồm dân tộc (peuples, ethnies), cá nhân, tổ chức (công ty, nhà nước, giáo hội), giai cấp và giai tầng xã hội (catégories sociales).

Theo tác giả, trong những nước thuộc Thế giới thứ ba, nhân cách của những nhà lãnh đạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì lẽ ở đây nhà nước hiện đại mới được thành lập nên tổ chức hành chính và chính trị không theo những quy tắc và thủ tục khách quan, trái lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của quan hệ họ hàng, dân tộc hay tôn giáo, của tình bằng hữu... Cuộc đời chính trị của các nhà lãnh đạo thường rất dài (cầm quyền cho đến chết) nên ảnh hưởng của họ khi thì tiêu cực khi thì tích cực như trường hợp của Mao Trạch Đông.

Chia sẻ quan niệm của N. Poulantzas, ông cho rằng, trong Thế giới thứ ba, giới “viên chức” (bureaucratie) đóng vai trò của giai cấp thống trị. Poulantzas gọi họ là “tư sản nhà nước” (bourgeoisie d'Etat) bao gồm những công chức cao cấp trong guồng máy hành chính, quân sự cũng như trong những xí nghiệp quốc doanh. Trái với giai cấp tư sản Tây phương, họ không chiếm hữu những phương tiện sản xuất mà chỉ kiểm soát chúng. Cũng cần nói thêm rằng họ ít năng động và ít có khả năng kinh doanh hơn những người tư sản chính cống.

Nhận định này cũng khá đúng với tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam: từ ba bốn năm nay giai cấp tư sản nhà nước (hầu hết nếu không nói tất cả đều là đảng viên) phát triển và làm giàu nhanh chóng bằng cách chiếm đoạt tài sản công cộng hoặc sử dụng chúng nhằm phục vụ tư lợi. Liên minh mật thiết với những người tư sản nằm ngoài chính quyền (thường là người Hoa), hợp tác với tư bản ngoại quốc, họ có thể trở thành bộ phận quan trọng của giai cấp tư sản đúng nghĩa trong tương lai như ta thấy hiện nay ở Đông Âu.

Định nghĩa trí thức như là “những người sản xuất ra tư tưởng” (producteur d'idéologie), tác giả cho rằng trong những nước cộng sản không có trí thức mà chỉ có lao động trí thức: với tư cách là nhà văn, nghệ sĩ, giáo sư, nhà nghiên cứu, kỹ sư, kỹ thuật gia, họ chịu sự lãnh đạo của đảng về mặt tư tưởng.

Nói như Gramsci, ta có thể xem họ là những “nhà trí thức hữu cơ” (intellectuels organiques) mà bộ phận được ưu đãi nhất và có thế lực nhất cũng là thành viên của giai cấp tư sản nhà nước như đã trình bày trên đây.

Trong chương III, tác giả nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển chính trị.

Theo ông, mặc dù là “điều kiện cần thiết cho việc phục hồi nhân phẩm của dân tộc cũng như cá nhân” giải phóng dân tộc chưa chắc đã đem lại tự do, dân chủ: kinh nghiệm cho thấy là ở hầu hết các nước vừa giành được độc lập, những nhà giải phóng hôm qua đều biến thành những “nhà” áp bức hôm nay!

Tác giả giới thiệu với rất nhiều cảm tình vai trò của Gandhi và Hồ Chí Minh trong công cuộc giải phóng Ấn Độ và Việt Nam.

Chỉ trong 5, 6 trang đầy hứng khởi, ông đã nêu bật lên được những bài học cao quý của Gandhi. Ở nhân vật phi thường này, nguyên tắc bất bạo động luôn luôn đi đôi với lẽ phải, sức mạnh tinh thần, sự sáng suốt về chính trị và tình yêu công bằng: nó đòi hỏi cứu cánh phải có cái giá trị của phương tiện vì Gandhi không tách rời phương tiện ra khỏi cứu cánh.

Qua Gandhi, ta có thể nghĩ rằng sự thất bại của chủ nghĩa xã hội trước hết có tính chất tinh thần, đạo lý: nó bắt nguồn từ chủ trương dùng bất cứ phương tiện nào, kể cả sự dối trá và bạo lực miễn là đạt được thắng lợi tức là giành lấy và duy trì quyền lực.

Qua Gandhi, ta cũng thấy được rằng “ một lãnh tụ chỉ được mọi người tôn trọng nếu tự mình nêu được gương trong sạch, chân thành và hy sinh” (tr. 93).

Theo tác giả, tư tưởng Hồ Chí Minh có thể tóm gọn trong câu “trung với nước, hiếu với dân”. Cũng như Gandhi, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rất nhiều đến đạo đức, đến những giá trị truyền thống, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo như nhân, nghĩa, trí, dũng, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, được diễn dịch theo nhu cầu đấu tranh cách mạng.

“Nếu những phẩm chất đạo đức nói trên đã có tác dụng kỳ diệu trong đấu tranh giải phóng, chúng không đủ để xây dựng Nhà nước của hôm nay. Điều này đòi hỏi những tri thức khoa học kỹ thuật mà văn hoá truyền thống không cung cấp được” (tr. 99).

Trong chương IV, tác giả dành nhiều trang để giới thiệu quan điểm của Morishima về vai trò của Khổng giáo trong sự phồn vinh của Nhật cũng như quan niệm của L. Vandermersh về ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa đối với sự phát triển của “thế giới hán hoá” (monde sinisé) ngoại trừ Việt Nam (Trung Quốc, Nhật, Triều Tiên, Đài Loan, Xinh ga po).

Theo ông, Morishima và Vandermersh đã hoàn toàn quên việc phân tích xã hội học về Khổng giáo. Hơn nữa “mọi học thuyết đều chứa đựng những giá trị có thể được diễn dịch theo hướng này hay hướng khác, tùy theo môi trường, thời đại và nhất là theo giai cấp cầm quyền”, bởi vì chính giai cấp này áp đặt những quan niệm và định hướng đời sống chính trị” (tr. 160)

Lẹt đẹt về kinh tế, rệu rã về chính trị xã hội, nghèo nàn về văn hoá, Việt Nam hiện nay rõ ràng là “bệnh nhân” của “thế giới hán hoá”. Sở dĩ có tình trạng đáng buồn này, theo tác giả, không phải vì Việt Nam là một trường hợp ngoại lệ (atypique) như Vandermersch đã nhận định mà chính vì Việt Nam còn thiếu một đội ngũ lãnh đạo năng động và có khả năng xây dựng trong thời bình (dĩ nhiên đây là điều kiện cần thiết nhưng chưa đủ).

Dù có mục đích và cơ chế khác nhau, chủ nghĩa tư bản cũng như chủ nghĩa xã hội đều theo cùng một mô hình công nghiệp hoá và đô thị hoá, dựa trên sự tổ chức theo thứ bậc, trên sự phân biệt lao động chân tay và trí thức, trên sự tích luỹ ban đầu chủ yếu bằng cách giảm tiêu dùng của quần chúng. Cả hai đều xem con người là “ông chủ”, là “kẻ chiếm hữu thiên nhiên” (maître et possesseur de la nature). Quan niệm này đưa đến việc khai phá bừa bãi thiên nhiên và việc tàn phá môi trường.

Từ nhận định cơ bản đó, tác giả đề nghị một sơ đồ phát triển khác xây dựng trên một triết lý khác, chủ trương làm dịu bớt những ham muốn và tạo ra sự thăng bằng giữa con người và thiên nhiên. Triết lý này lấy cảm hứng từ những tư tưởng đông phương (Ấn Độ giáo, Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo) đều gặp nhau ở chỗ xem hạnh phúc và tự do rốt cuộc ở trong mỗi con người nếu biết phá chấp, biết kiềm chế những lo âu và những xung động (impulsions). Con người tự tạo nên mình không phải chỉ bằng lao động như Marx đã nhận định mà nhất là nhờ sự hiểu mình (connaissance de soi).

Nếu ta không lầm thì dường như tác giả muốn bổ sung cách đặt vấn đề thuần kinh tế của Marx bởi đạo lý (sagesse) đông phương nhằm giải phóng con người ra khỏi không những sự áp bức, bóc lột giai cấp mà cả sự chế ngự của kỹ thuật, sản xuất, nhà nước.

Khởi đi từ mục đích thoả mãn những nhu cầu và những quyền cơ bản của con người (ăn uống, sức khoẻ, nhà ở, giáo dục, thông tin, tư tưởng...) sơ đồ do tác giả đề nghị chú trọng trước hết đến tiêu dùng (consommation) như là điều kiện để phát triển khả năng lao động, và, trên cơ sở đó, mới xét đến những vấn đề sản xuất, đầu tư và đào tạo: nó chỉ có thể được thực hiện trong một bối cảnh dân chủ, dựa trên sự tự trị (autonomie) của những cộng đồng cơ sở (communauté de base).

Tác giả dành nhiều trang để triển khai nội dung của mỗi nhu cầu cơ bản.

Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm về giáo dục, những ý kiến của ông về vấn đề nghiêm trọng hàng đầu ngày nay của Việt Nam hiện nay có sức nặng đặc biệt.

Theo ông, giáo dục trước hết phải có tính chất dân tộc và vì thế không thể tách rời khỏi tiêu chuẩn dân chủ.

Tiếp theo, cần phải gắn liền giáo dục với phát triển. Điều đó có nghĩa là phải dạy cho học sinh, sinh viên nắm vững tinh thần, phương pháp khoa học chứ không phải chỉ nhồi vào đầu chúng càng nhiều tri thức càng hay; ngoài ra còn phải kết hợp việc học và lao động sản xuất, phải hoà nhập vào môi trường.

Sau hết giáo dục cần đem lại cho giới trẻ những công cụ tri thức để phân tích và phê phán xã hội chứ không phải những giáo điều khô cứng, lỗi thời chẳng còn ai tin nữa kể cả người dạy. Chỉ có thế giáo dục mới có thể góp phần xây dựng dân chủ và giải phóng con người.

Đi từ tiêu dùng sang sản xuất và đầu tư, ông nói rõ là sơ đồ của ông khác mô hình cổ điển, tư bản cũng như xã hội chủ nghĩa, ở 3 điểm:

1 . Sự phát triển được thực hiện thông qua việc tăng tiêu dùng chứ không phải giảm đi.

2. Yếu tố con người quan trọng hơn vốn.

3. Văn hoá dân tộc, nếu được diễn dịch lại theo chiều hướng phát triển, có thể đóng vai trò sức đẩy (rôle d'impulsion).

Điều quan trọng hơn cả là sơ đồ này nhằm thoả mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của dân chúng hiện nay chứ không phải nhằm xây dựng hạnh phúc hão huyền của những thế hệ tương lai.

Như tác giả tự nhận, có thể đây chỉ là một “không tưởng” (utopie), nhưng lắm khi chúng ta cần có nó để hướng dẫn hành động và chuẩn bị tương lai.

Đọc xong quyển sách ta có cảm tưởng là tác giả đã hoàn thành nó cách đây ít nhất hai, ba năm, đúng vào lúc lịch sử thế giới phát triển cực kỳ nhanh. Vì thế, ông đã không có thể chiêm nghiệm một cách rốt ráo hơn về sự phá sản toàn diện của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở khắp nơi trên thế giới cũng như những vấn đề hậu - cộng sản, rõ ràng là vô cùng phức tạp, khó khăn, và rồi từ đó rút ra những bài học cập nhật hơn cho phát triển.

Theo ông điều kiện cơ bản để thực hiện sơ đồ do ông đề nghị là phải có một chính quyền xã hội chủ nghĩa, tức là một chính quyền nhằm thoả mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của dân chúng hiện nay chứ không phải xây dựng một hạnh phúc hão huyền cho các thế hệ tương lai. Như thế là ông mới chỉ nói tới mục đích của xã hội chủ nghĩa chứ chưa đề cập nội dung của nó.

Tuy nhiên, dựa trên những ý kiến về nhiều vấn đề được trình bày trong quyển sách, ta có thể nghĩ là tác giả hướng đến một chủ nghĩa xã hội dân chủ (socialisme démocratique) vừa chấp nhận kinh tế thị trường được điều chỉnh bởi kế hoạch và những chính sách nhằm thực hiện công bằng xã hội vừa bảo đảm khả năng luân phiên cầm quyền giữa những lực lượng chính trị.

“Biến đổi xã hội bao hàm sự hiểu biết về nó, đặc biệt về những mâu thuẫn của nó”. Nhận định đó của tác giả bao hàm việc thừa nhận một thực tế có lẽ sẽ còn tồn tại đến muôn đời là mọi xã hội – cũng như mọi tổ chức, cộng đồng – đều chứa bên trong những mâu thuẫn, những đối kháng, bắt nguồn từ sự khác biệt về quyền lợi hay quan niệm.

Một xã hội “lý tưởng” vì vậy không thể là một xã hội không có mâu thuẫn – điều không thể có được – mà là một xã hội biết giải quyết tốt nhất những mâu thuẫn của nó bằng luật pháp, đối thoại hay thương thuyết chứ không phải bằng bạo lực trấn áp.

Với sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội toàn trị, nhiều người đã vội vã cho rằng chủ nghĩa tư bản là chân trời không vượt được của thời đại chúng ta. Nhưng chừng nào trên thế giới còn bất công, còn nghèo đói, còn áp bức... thì khát vọng về chủ nghĩa xã hội vẫn còn, ít ra như là “ một tiếng kêu đau thương và, đôi khi phẫn nộ, từ miệng những người cảm nhận mãnh liệt nhất nỗi bất bình tập thể của chúng ta”. (E. Durkheim)

“Văn hoá, tính sáng tạo và phát triển” không phải là một tiếng kêu thống thiết như thế mà là một tiếng nói từ tốn, nhưng chứa đựng một sự xúc động nén lại: đó là tiếng nói của một nhà khoa học nghiêm túc và đồng thời cũng là một nhà trí thức, tự do và công chính.


N.T.N.



* Lê Thành Khôi; Culture, créativité et développement, Paris, L'Harmattan, 1992, 224 tr.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss