Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 9 / Việt Nam... đã qua... sắp tới...

Việt Nam... đã qua... sắp tới...

- Diễn Đàn — published 08/06/2010 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:50

Việt Nam... đã qua... sắp tới...

Luật sư Đoàn Thanh Liêm bị kết án 12 năm tù

Theo bản tin của AFP (20.5.92) trích dẫn báo Sài Gòn giải phóng (15.5.1992), thì ngày 14.5.1992, Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kết án ông Đoàn Thanh Liêm 12 năm tù và ông Nguyễn Trí 8 năm tù vì tội “tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội”.

Qua những đoạn trích dịch báo Sài Gòn Giải phóng, được biết ông Đoàn Thanh Liêm là một luật sư, 58 tuổi, bị bắt từ tháng 4.1990 cùng với một nhà kinh doanh Mỹ mà ông làm cố vấn là Michael Morrow bị coi là “làm gián điệp”. Ông Morrow được trả tự do sau 3 tuần thẩm tra rồi bị trục xuất. Ông Đoàn Thanh Liêm bị giam giữ hai năm và nay bị xử hai tội:

– “dùng văn phòng tư vấn cho một công ty nước ngoài làm bình phong để liên lạc với những lực lượng Việt kiều phản động, nhận và tàng trữ sách báo phả n  động”.

– “soạn những tài liệu tuyên truyền tâm lý chiến có tư tưởng chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, đòi Đảng (cộng sản) từ bỏ độc quyền chính trị, đòi quốc hội tự giải tán, và tuyên truyền đa nguyên chính trị”.

Ông Nguyễn Trí bị kết án vì tội “ tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa”. Báo Sài Gòn Giải phóng không đưa thêm chi tiết nào khác về ông Trí, còn theo một vài nguồn tin Việt Nam ở nước ngoài, ông là một nhà thơ.

Mặt khác, liên tiếp trong hai ngày 5 và 6.5.1992, báo Sài Gòn Giải phóng đăng loạt bài nhan đề “Đập tan cuồng vọng đen tối của các thế lực phản động ngay từ trong trứng nước”, cho biết “trong thời gian sắp tới”, sẽ đưa ra xử công khai “hai vụ án phản động”:

– Nhóm “Liên minh Hùng gia Đại Việt” gồm một số sĩ quan cấp uý cũ của quân đội Sài Gòn, trong đó có Trịnh Văn Thương (trung uý) và Nguyễn Thanh Vân (vượt biển năm 1984) bị bắt tháng 6.1991 vì “ tổ chức một số người đi “đấu tranh” đòi giải quyết ruộng đất”“ chuyển dần thành hình thức biểu tình (...) đòi dân sinh , dân chủ, rồi đa nguyên đa đảng”. Nhóm này cũng bị lên án rải truyền đơn và viết khẩu hiệu trên những tờ giấy bạc.

– Nhóm “Diễn Đàn Tự do”, trong đó có ông Đoàn Viết Hoạt, nguyên trợ lý Viện trưởng Viện đại học Vạn Hạnh. Nhóm này bị bắt tháng 11.1990 và bị truy tố vì “ hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Đọc kỹ bài báo thì thấy hoạt động do chủ yếu là ra tờ báo Diễn đàn tự do, kêu gọi “ toàn dân đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam”.

Bình luận

Cách đây nửa năm, khi bác sĩ Nguyễn Đan Quế bị Toà án Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án nặng, những nguồn tin từ Sài Gòn cho biết đây là do sự “làm quá” của những lực lượng bảo thủ trong Thành uỷ, đi ngược với chủ trương hoà dịu của Trung ương, và vụ này sẽ được đưa ra xử lại. Sáu tháng đã trôi qua, không có gì xảy ra, lại thêm vụ án luật sư Đoàn Thanh Liêm. Nguồn tin kể trên là tin vịt? Hay chính quyền trung ương quá bất lực?

Bất luận thế nào, án tù 12 năm và những tội trạng nêu ra để kết án luật sư Đoàn Thanh Liêm, nửa năm sau vụ án bác sĩ Nguyễn Đan Quế, chứng tỏ chính quyền Việt Nam tiếp tục vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tư tưởng. Nó triệt tiêu mọi lời tuyên bố về cởi mở, về từng bước cải tổ chính trị trên cơ sở cải tổ kinh tế, vân vân và vân vân.

Nhân đây, cũng cần nêu ra vài nhận xét và thông tin liên quan:

1) Vụ Michael Morrow: Khi bắt ông Morrow, chính quyền đưa tin Morrow là đầu mối của một màng lưới gián điệp mà những người như luật sư Liêm hay ông Đỗ Ngọc Long (vẫn bị giam, chưa xét xử) bị tố là đồng loã. Ngày nay, hồ sơ vụ án không hề đá động gì tới việc gián điệp nữa. Tháng tư năm 1991, mấy ngày sau khi bắt nhà văn Dương Thu Hương, ông Đào Duy Tùng, uỷ viên Bộ chính trị, cũng thông báo với Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tác giả Những thiên đường dính líu vào một “vụ gián điệp nghiêm trọng”. Bệnh đâu cũng có địch, đâu cũng có gián điệp tiếp tục hoành hành ở mọi cấp. Cần nói thêm là trong thời kỳ Mỹ tiến hành chiến tranh ở Việt Nam, Michael Morrow là một nhà báo độc lập và đã sáng lập ra một hãng thông tấn nhỏ. Năm 1969, chính thông tấn này đã phanh phui vụ tàn sát Mỹ Lai (Sơn Mỹ).

2) Cùng bị bắt với Michael Morrow, Đoàn Thanh Liêm là các ông Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng (Câu lạc bộ những người kháng chiến ), và những đảng viên cán bộ mặt trận như Hồ Hiếu, Đỗ Trung Hiếu. Tội trạng của Morrow – và có lẽ đây mới là tội thực của ông, trong con mắt của phe bảo thủ – còn là đã giới thiệu cho một phóng viên tạp chí FEER (Tạp chí Kinh tế Viễn Đông) đến phỏng vấn ông Tạ Bá Tòng (tháng 3.1990). Các ông Tạ Bá Tòng, Hồ Hiếu, Đỗ Trung Hiếu đã được trả tự do. Ông Nguyễn Hộ, theo tin của chúng tôi, vẫn còn bị quản thúc.

Xuống lương tối thiểu

Theo tuần báo Vietnam Investment Review, Reuter đưa lại trong bản tin ngày 31.3, chính phủ Việt Nam sẽ hạ mức lương tối thiểu bó buộc cho các xí nghiệp nước ngoài, từ 50 đôla hiện nay xuống khoảng 30 đôla. Nhiều xí nghiệp nước ngoài yêu cầu điều này vì theo họ mức lương tối thiểu ở các nước lân cận thấp hơn 50 đô la nhiều. Thực tế, theo một điều tra của chính phủ, cho tới nay cũng chỉ có 25% trên tổng số 15.000 lao động Việt Nam làm việc cho các xí nghiệp ngoại quốc lãnh lương từ 50 đôla trở lên, 60% lãnh từ 31 tới 49 đôla còn 15 % khác được trả dưới 30 đôla. Người lao động ở các xí nghiệp Việt Nam có lương tối thiểu không quá 5 đôla/tháng.

Giảm cấm vận

Tiếp theo việc mở đường điện thoại trực tiếp Mỹ-Việt, chính phủ Hoa Kỳ đã giảm cấm vận đối với Việt Nam trong các mặt hàng “nhu yếu” như thuốc men, dụng cụ y tế, phân bón, giống cây lương thực, quần áo, đồ đùng trong nhà và trong ngành giáo dục. Mặt khác, các tổ chức không chính phủ được quyền thực hiện những dự án giúp đỡ Việt Nam. Những biện pháp giảm cấm vận này được đưa ra cuối tháng 4.92, tiếp theo “những đáp ứng tích cực của phía Việt Nam trong vấn đề MIA/POW”

(AFP 30.4)

Cưỡng bức hồi hương (tiếp theo)

Việt Nam và Anh đã ký kết ở Hà Nội ngày 12.5.1992 một thoả thuận về việc đưa trở về nước những thuyền nhân Việt Nam không được thừa nhận là “tị nạn chính trị” hiện ở trong các trại tị nạn ở Hồng Kông. Theo một người phát ngôn của bộ ngoại giao Anh, chiến dịch hồi hương cưỡng bức này sẽ bắt đầu trong vài tuần tới. Ngày 14.5, 6.000 thuyền nhân Việt Nam ở Hồng Kông đã biểu tình và ngày 18.5, 50 người đã bắt đầu một cuộc tuyệt thực phản đối thoả thuận nói trên. Trên tổng số khoảng 56.000 người trong các trại này, mới có 3.600 người được công nhân là “tị nạn chính trị”, 20.000 người khác đã bị bác đơn xin tị nạn. Còn khoảng hơn 30.000 hồ sơ sẽ được chính quyền địa phương xem xét trong 18 tháng tới.

(AFP 13, 14.5, Reuter 18.5)

Lý Quang Diệu và “con rồng” Việt Nam

Phát biểu với phóng viên Reuter tại thành phố Hồ Chí Minh, nguyên thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu tỏ ý tin rằng Việt Nam có thể trở thành một con rồng châu Á, cho dù vẫn giữ thể chế cộng sản. Nhưng theo ông, Malaixia và Thái Lan sẽ thực hiện được điều đó trước, còn Việt Nam phải ít nhất là mười năm nữa. Ông cũng cho rằng mô hình Đài Loan chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp sang cơ khí nhỏ rồi công nghiệp hoá – thích hợp với Việt Nam hơn là mô hình Singapore, chủ yếu phát triển nhờ dịch vụ.

Trong chuyến đi thăm và làm việc tại Việt Nam cuối tháng 4 vừa qua, ông Lý Quang Diệu đã gặp tổng bí thư Đỗ Mười, thủ tướng Võ Văn Kiệt và các ông Phạm Văn Đồng và Nguyễn Văn Linh, cố vấn của ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam.

(Tuổi Trẻ 28.4)

Đà Nẵng tiếp du lịch đường biển

Trong tháng 4 vừa qua, khách sạn nổi Europa (của hãng Hapag-Lloyd) chở 550 du khách châu Âu (và một đoàn thủy thủ gần 400 người) đã cập bến cảng Tiên Sa - Đà Nẵng. Đây là chuyến tàu du lịch thứ năm vào cảng Tiên Sa từ đầu năm đến nay, đưa số khách du lịch đến Đà Nẵng bằng đường biển lên trên 2.000 người.

Trong những tháng tới, hãng Hapag-Lloyd đã ký hợp đồng đưa 3 chuyến tàu khác đến cảng Tiên Sa, từ đó khách du lịch đi thăm viếng Hà Nội và Sài Gòn trước khi trở lại Đà Nẵng để xuống tàu. Cho tới nay, mỗi năm Đà Nẵng tiếp khoảng 30.000 du khách ngoại quốc, chủ yếu bằng đường bộ và đường bay nội địa.

(Thời báo Kinh tế Sài Gòn 7.5)

Peugeot trở lại Việt Nam

Hãng Peugeot đang chuẩn bị một nhà máy lắp ráp xe hơi tại Việt Nam. Ông Marc Seguin, giám đốc Peugeot Việt Nam hy vọng đề án sẽ thành hình trong năm 1992 và cho biết nhà máy sẽ sản xuất kiểu xe Peugeot 405 và các xe vận tải nhẹ, với dự kiến sản lượng 2.000 xe/năm trong những năm đầu.

Hiện nay, Peugeot chiếm khoảng 1/5 thị trường xe hơi Việt Nam và chỉ mới xây dựng những cơ sở sửa chữa và nhập phụ tùng xe.

(TBKTSG 30.4)

Mekong Star

Mekong Star là nhãn hiệu xe ôm CKD2 do hai công ty Saf Young International (Nam Triều Tiên) và Saeil Machinery (Nhật Bản), liên doanh với những nhà máy của bộ công nghiệp Việt Nam, đã bắt dầu lắp ráp từ tháng 5.92 tại thành phố HCM. Ngoài nhà máy này, liên doanh Mekong Corporation (vốn đầu tư 10 triệu đôla) đang thiết lập một cơ sở sản xuất thứ hai tại Hà Nội.

Cũng tại Hà Nội, tập đoàn Daewoo cũng vừa bắt tay xây dựng một nhà máy lắp ráp xe, liên doanh với một xí nghiệp của bộ quốc phòng (vốn đầu tư 6 triệu đôla). Nhà máy này sẽ bắt đầu sản xuất từ đầu năm 93, với công suất 400 xe buýt, xe tải mỗi năm (sau đó sẽ tiến tới lắp ráp xe du lịch).

Ngoài ra, công ty Đài Loan Ching Feng Investment vừa được giấy phép thành lập một xí nghiệp lắp ráp và sản xuất xe gắn máy (vốn đầu tư 55 triệu đôla) với hai phân xưởng tại Hà Nội và Đồng Nai. Công suất dự kiến 250.000 xe/năm, và từ năm thứ 5 trở đi sẽ sản xuất tại chỗ một số lượng phụ tùng bằng 25% giá trị xe thành phẩm.

(Sài Gòn giải phóng 4.5, Tuổi Trẻ 5.5)

Malaixia - Việt Nam

Thủ tướng Mahathir Mohamad dẫn đầu một đoàn đại biểu chính phủ Malaixia gồm bốn bộ trưởng (ngoại giao, năng lượng-bưu điện-viễn thông, nông nghiệp, thương mại và công nghiệp), năm thống đốc địa phương, đã đến thăm Việt Nam một tuần lễ từ ngày 19 đến 24.4. Cùng đi với đoàn, còn có khoảng 100 nhà kinh doanh Malaixia, và một đoàn 36 nghệ sĩ múa. Malaixia là nước ủng hộ Việt Nam nhiệt thành nhất trong các nước ASEAN và là bạn hàng trao đổi khoảng 100 triệu đôla/năm với Việt Nam. Trong chuyến đi, công ty Renong Bhd. Co, một công ty lớn bậc nhất Malaixia, đã ký một hợp đồng thiết kế công nghiệp trị giá 65 triệu đôla với thành phố HCM và mở một văn phòng đại diện ở Hà Nội.

Trung Quốc - Việt Nam

Bộ ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố ngày thứ hai 18.5.1992 để phản đối việc Công ty Quốc doanh Dầu ngoài khơi Trung Quốc đã ký kết với công ty Mỹ Crestone Energy Corp. một hợp đồng tìm kiếm dầu trên vùng Tu Chính, cách Vũng Tàu 280 dặm và cách quần đảo Trường Sa 140 dặm về phía nam, nằm trên thềm lục địa Việt Nam. Bản tuyên bố cho rằng hợp đồng vi phạm chủ quyền của Việt Nam và đe doạ sự ổn định trong vùng. Bản tuyên bố cũng nhắc lại rằng trong cuộc gặp của hai tổng bí thư Đỗ Mười và Giang Trạch Dân tháng 11.1991, hai bên đã thoả thuận sẽ giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng thương lượng và trong khi chờ đợi sẽ không làm gì để tình hình thêm phức tạp. Tuy nhiên, ngày 20.5, Trung Quốc lại phản bác tuyên bố đó và xác nhận chủ quyền của họ trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trong thời gian đó, ông Nguyễn Văn Linh, cựu tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam và cố vấn của ban chấp hành trung ương đảng đã đi thăm Trung Quốc trong một chuyến đi dài 17 ngày, kết thúc ngày 19.5. Trong chuyến đi này, ông đã gặp Giang Trạch Dân cũng như thủ tướng Lý Bằng.

Chợ chiều

Theo một bài báo Nhân Dân ngày 13.5, những năm gần đây số người mới vào đảng cộng sản Việt Nam xuống kinh khủng, số thanh niên muốn vào đảng càng ít hơn nữa. Từ 1980 đến 1991, ở Thái Bình số đảng viên bị trục xuất ra khỏi đảng nhiều gấp 4,5 lần số đảng viên mới vào. Tuổi trung bình của đảng viên ở tỉnh này là 47 tuổi, 10,2% trên 60 tuổi và 32,7% đảng viên đã về hưu. Trong số thanh niên công nhân ở tỉnh, chỉ có 15% tỏ ý muốn vào đảng. Những con số điển hình nói trên được đưa ra trong một hội nghị về tình hình các đảng bộ ở đồng bằng Bắc bộ, do ban tổ chức trung ương chủ trì.

Trước đó, báo Nhân Dân đã có lần đưa số đoàn viên cộng sản từ 4,7 triệu cách đây năm năm đã xuống chỉ còn 2 triệu hiện nay.

(AFP 13.5)

Tin ngắn

* Sau khi 4 nhà băng Pháp và 2 nhà băng nước ngoài khác đã được phép hoạt động ở Việt Nam, tới lượt bốn ngân hàng Nhật Fuji Bank, Mitsui Taiyo Kobe and Kobe Bank, Tokai Bank, và Bank of Tokyo đã xin mở văn phòng đại diện ở Việt Nam. (MOCI, 20.4.1992)

* Từ tháng 5, một đường bay mới đã nối liền thành phố HCM với tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc), hoạt động mỗi tuần hai chuyến (thứ năm và thứ bảy).

* Đường bay trực tiếp Paris - Hà Nội của hãng Air France đã chính thức khai mạc ngày thứ bảy 2.5. Đây là đường bay thường xuyên đầu tiên từ một thủ đô Tây Âu tới Hà Nội. Việt Nam đang thương lượng với hãng máy bay Mỹ Delta Airlines để mở đường bay giữa hai nước.

* Việt Nam sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với Vương quốc Hồi giáo Oman và với Nhà nước các Thủ lĩnh Arập Thống nhất (Etat des Emirats Arabes Unis – EAU). Quyết định này đã được công bố trong chuyến đi thăm Koweit, Oman và EAU của thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Dy Niên cuối tháng 4.92.

* Cầu chữ Y, xuống cấp nặng nề sau 70 năm hoạt động, hiện đang được công ty Pháp Freyssinet phục chế theo một phương pháp hiện dại “ dopage à la précontrainte additionnelle” cho phép vẫn mở cầu cho giao thông trong khi làm việc. Công trình trị giá 12,8 triệu FF này hoàn toàn do phía Việt Nam trả tiền.

* Ngân hàng Việt Nam đã đưa ra lưu thông giấy bạc 10.000 đồng từ ngày 5.5.1992. Theo ông Đỗ Quế Lương, Phó Thống đốc ngân hàng, đây chỉ là một biện pháp kỹ thuật nhằm giải quyết khó khăn của những doanh vụ lớn bằng tiền mặt mà phải dùng các giấy bạc có giá trị thấp. Theo ông Lương, giá cả sẽ không bị ảnh hưởng của việc lưu thông giấy bạc mới này, vì khối lượng tiền tệ trong xã hội không thay đổi.

* Nam Triều Tiên và Việt Nam đã thoả thuận mở văn phòng liên lạc ở hai thủ đô, coi như một bước chuẩn bị cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước.

* Hoàng tử Norodom Chakrapong, con trai hoàng thân Sihanouk, phó thủ tướng Campuchia, đã đến thăm chính thức Việt Nam trong 5 ngày, từ 11 đến 16.5.

* Công ty Canada Liquigaz/SNC Lavalin đã ký một hợp đồng trị giá 256 triệu đôla để thu hứng khí tự nhiên toát ra trong việc khai thác các mỏ dầu ở ngoài khơi biển Vũng Tàu.

Tin ngắn văn hoá – văn nghệ

– Báo Văn Nghệ đã công bố kết quả cuộc thi truyện ngắn. Khoảng 10 tác giả được giải thưởng. Truyện ngắn Vũ điệu của cái bô của Nguyễn Quang Thân (đăng trên Diễn Đàn số 5) được tặng một giải nhì. Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu một số tác phẩm xuất sắc được giải.

– Sau khi được tin Phùng Gia Lộc, tác giả bài bút ký Cái đêm hôm ấy... đêm gì...?, từ trần (xem số trước), anh chị em ban biên tập, quản lý và kỹ thuật báo Diễn Đàn đã đóng góp 2 000 FF gửi về giúp gia đình nhà văn quá cố.

– Nhà văn Dương Thu Hương vừa được tặng giải thưởng Hellman-Hammett 1992 (trị giá 10.000 US$). Giải này hàng năm được trao tặng cho khoảng 20 nhà văn nạn nhân của sự đàn áp chính trị hoặc chủng tộc. Hellman là một nữ văn sĩ tiến bộ, tác giả nhiều vở kịch nổi tiếng. Bạn của bà, nhà văn Hammett, tác giả tiểu thuyết trinh thám, đã từng là nạn nhân của chủ nghĩa MacCarthy. Tiểu thuyết vô đề của Dương Thu Hương cũng vừa được xuất bản bằng tiếng Pháp (Roman sans titre, Ed. Des Femmes, bản dịch Phan Huy Đường)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss