Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 10 / Chân dung nhà văn, bộ mặt xã hội

Chân dung nhà văn, bộ mặt xã hội

- Kiến Văn — published 04/10/2010 00:00, cập nhật lần cuối 04/12/2010 21:48

Một cuốn sách mới bị thu hồi

 

Chân dung nhà văn, bộ mặt xã hội

Kiến Văn

 

Theo tin của Tạp chí kinh tế Viễn Đông (FEER), thi hành chỉ thị của Ban văn hoá tư tưởng trung ương, Bộ văn hoá thông tin và thể dục thể thao đã ra lệnh thu hồi tập thơ Chân dung nhà văn của Xuân Sách mà Nhà xuất bản Văn học vừa phát hành tháng 3.1992 vừa qua. Đây là một cuốn sách khổ bỏ túi, 10cm x 16cm, dày 114 trang, in tại Nhà in... Bộ nội vụ, số lượng 3000 cuốn.

Hai câu hỏi đặt ra: một là, tập thơ Xuân Sách có gì ghê gớm đến mức chính quyền phải dùng lại biện pháp cấm đoán trung cổ lỗ sĩ như vậy? hai là, phải chăng chính quyền còn tin tưởng ở hiệu quả của sự cấm đoán đó?

Câu hỏi thứ nhì đặt ra cho có lệ, vì thực tiễn của bộ máy hành chính từ nhiều năm nay cho phép tiên đoán ngay từ đầu là sự cấm đoán sẽ vô hiệu lực, thậm chí sẽ quảng cáo thêm cho tập thơ. Quả vậy, vẫn theo tạp chí FEER, khi lệnh thu hồi được thi hành, thì 600 bản đã bán ra thị trường rồi. Bản chúng tôi nhận được đầu tháng 6 ở Paris đã được đặt mua sau khi được tin có lệnh đó! Điều đó chứng tỏ là Bộ “văn hoá” đã làm tròn nhiệm vụ giới thiệu văn học Việt Nam trên thế giới, tuy có khuyết điểm là đã góp phần làm nhảy vọt giá chợ đen của cuốn sách cấm.

Trả lời câu hỏi thứ nhất cũng không đơn giản. Tất nhiên, có thể hiểu rằng 93 bài thơ chân dung (không kể bài tự hoạ) của Xuân Sách là những bức biếm hoạ “ác độc” (hay nói như Nguyễn Tuân là “hóm”), thể hiện một phần chân tướng của một loạt tác giả, trong đó không ít người làm quan, thậm chí quan to, như Tố Hữu, mà Phùng Quán (cháu gọi ông bằng cậu) mới rồi đã viết là làm quan tam công chí ít thì cũng (đã từng) làm quan trong Hội nhà văn. Song những bài thơ ấy (bài đầu tiên, hoạ Hồ Phương, sáng tác cách đây 30 năm) đã được truyền miệng, rồi chép tay, phổ biến rộng rãi bắt đầu trong làng văn, sau đó sang giới lãnh đạo, cán bộ, và trong công chúng ham chuộng văn chương. Chúng đã trở thành công khai, không bị cấm đoán (mà cấm cũng khó) như những câu ca dao, vè hiện đại trực tiếp phê phán chế độ: những năm trước đây, nhiều người đã bị công an bắt vì tội truyền bá những bài ca dao tân thời, nhưng chưa có ai (theo chúng tôi biết) bị khó dễ vì đọc thơ Xuân Sách, ngược lại (theo lời kể của tác giả), những nhà văn trẻ như Định Nguyễn, Trần Hoàng Bách “ thường đem những bài thơ đi phổ biến để được chiêu đãi bia hơi” (Tâm sự tác giả, phần đầu Chân dung nhà văn, trang 11).

Xét cho cùng, động cơ và khả năng cấm đoán của bộ máy văn hoá chỉ là chuyện tào lao, cùng lắm là đề tài phân tâm học. Có lẽ nên dành chỗ để bàn tới giá trị những bài thơ chân dung. Khởi đầu, như tác giả đã kể lại, đó chỉ là một trò chơi chữ (dùng tên tác phẩm, hoặc lấy thơ tác giả, để mô tả cá tính mỗi người), một lối đùa cợt nội bộ (trong làng văn với nhau), giải trí lành mạnh trong các đợt học tập nghị quyết, tình hình mới, nhiệm vụ mới. Nhưng rất nhanh, chúng “ không còn là chuyện đùa” nữa. Những bài thơ 4 câu, thỉnh thoảng 8 câu, cứ như “quỉ ám”, đã khắc hoạ thần tình “ cái mặt đời thường, cái mặt rất chúng sinh” của những nhà văn, nhà thơ, “ thì bộ mặt xã hội của thời đại họ đang sống đang viết cũng qua đó mà hiện lên”.

Đó chính là nhân tố chính đã tạo ra sự thành công của Chân dung nhà văn: người đọc (nhà văn, hay người mê văn chương) nhận ra xã hội mình đang sống (4 câu vịnh Vũ Trọng Phụng, thì hai câu đầu “Đã qua đi một thời giông tố, Qua một thời cơm thầy cơm cô” cũng chỉ để dẫn tới “Còn để lại những thằng Xuân tóc đỏ, Vẫn nghênh ngang cho đến tận bây giờ”), và chia sẻ nỗi niềm của tác giả: “ Đã đành khó ai vượt được thời đại mình đang sống, không dễ nói hết, nói công khai những điều suy nghĩ. Nhưng cũng thật đau lòng và xấu hổ khi những nhà văn bán rẻ lương tâm cong lưng quì gối trước quyền uy mê muội vì danh lợi. Có lẽ đó là động cơ thúc đẩy tôi viết nếu có nói quá cũng dễ hiểu, cái con “quỉ ám” nếu có thì cũng là sản phẩm của những cảm xúc ấy, nỗi đau chung ấy”.

Ai là ai?

Những bài thơ đăng trang trước là chân dung của:

(2) Nguyễn Đình Thi [tác giả các tiểu thuyết Xung kích, Vỡ Bờ, Mặt trận trên cao, và các vở kịch Giấc , con nai đen (bị đánh)]

(5) Nguyễn Công Hoan [tác giả Kép Tư Bền, Tranh tối tranh sáng, Đống rác cũ (bị đánh)]

(7) Huy Cận [tác giả Vũ trụ ca, Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa, Các vị La hán chùa Tây phương ]

(10) Chế Lan Viên [tác giả Điêu tàn, Vàng sao, Hoa ngày thường, chim báo bão, ánh sáng và phù sa]

(15) Hoài Thanh [tác giả Thi nhân Việt Nam (viết cùng Hoài Chân), năm 1935 chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật trong cuộc luận chiến nổi tiếng với Hải Triều

(25) Nguyên Ngọc [tác giả Đất nước đ ứng lên, Mạch nước ngầm, Đất Quảng, Rừng Xà-nu]

(43) Anh Đức [tác giả Hòn Đất, Đất, Đứa con của đất, Biển động, Giấc mơ của ông lão vườn chim. Chị Tư Hậu là nhân vật chính của Một truyện chép ở bệnh viện ]

(68) Phùng Quán [tác giả Vượt Côn đảo, và bài thơ nổi tiếng thời Nhân văn - Giai phẩm Lời mẹ dặn ]

(69) Tố Hữu [tác giả các tập thơ Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Việt Nam, máu và hoa. Các đoạn câu “ta đi tới”, “đỉnh cao muôn trượng”, “chân dép lốp bay vào vũ trụ”, “ta lại là ta”,”từ ấy tim tôi”... đều mượn từ những câu thơ nổi tiếng của Tố Hữu]

(72) Trần Bạch Đằng [tác giả Ván bài lật ngửa, ký nhiều biệt hiệu: Nguyễn Trương Thiên Lý, Nguyễn Hiểu Trường, Trần Quang]


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss