Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 10 / Môi sinh và Phát triển

Môi sinh và Phát triển

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:41, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:41
... theo quan điểm sinh thái học, phát triển kinh tế như hiện nay là "tự sát" và khuyến cáo thế giới theo một đường lối "phát triển vững bền" (sustainable development). Ðặt vấn đề phương hướng phát triển tức là đặt vấn đề trách nhiệm của phương thức phát triển Tây phương và giới hạn của nó.

   

Nhìn từ thế giới thứ ba

 

Môi sinh và phát triển

 

Bùi Mộng Hùng

 
Ðúng hai thập kỷ đã trôi qua từ ngày Hội nghị quốc tế về môi sinh của nhân loại họp ở Stockholm năm 1972. Nhìn lại, môi trường trái đất nầy càng thêm hư hoại, hàng năm sáu triệu hecta đất hóa thành sa mạc, rừng nhiệt đới đã gần như bị hủy diệt ở nhiều nơi, tỉnh thành bị ô nhiễm nặng nề, dân số tăng cao, nghèo đói lan rộng ở châu Phi, châu Mỹ la tinh, khan hiếm nước ngọt là vấn đề nguy cấp cho nhiều vùng rộng lớn, lượng thán khí thải ra do đốt dầu khí, than đá cùng với vài khí khác tăng trong khí quyển đến mức vượt quá sức điều hoà của thiên nhiên, làm cho nhiệt độ địa cầu tăng dần. Nguy cơ vùng băng ở hai cực địa cầu tan làm nước biển dâng lên,…đe dọa 60% dân số địa cầu hiện đang sống gần ven biển. Trước tiên là các hải đảo, các vùng ven Thái bình dương, Ấn độ dương.

Nước biển dâng lên ít tấc thì phần lớn đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm dưới mặt nước, có lúa ma may ra mới mọc nổi… Ðây chẳng phải là tình trạng tưởng tượng tả trong một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nào đó. Các nước Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan đã chung nhau tài trợ công trình nghiên cứu để tìm hiểu khí hậu trở nóng thì ảnh hưởng ra sao: kinh tế toàn vùng sẽ thiệt hại nặng vì xói mòn đất đai gia tăng, bão xoáy nhiệt đới xảy ra thường xuyên, nước biển dâng lên, nông nghiệp thất bát (1).

Tuyệt đại đa số các nhà khoa học – trừ một vài người như Haroun Tazieff – đều nhất trí công nhận các biến đổi môi trường địa cầu do con người gây ra là đích thật. Vấn đề còn thảo luận là những điểm chưa tường về vai trò của vài hệ lớn như biển, như mây trong cơ chế điều hoà khí hậu, ảnh hưởng đến độ chính xác trong các mô hình dự phóng… Lời cảnh cáo của các nhà khoa học ngày càng thêm khẩn thiết. Rõ ngay là phung phí bừa bãi theo cung cách hiện nay đã làm cho thiên nhiên kiệt quệ, không kịp tự phục hồi. Sức chịu đựng của quả địa cầu không phải là vô giới hạn như nhiều người vẫn tưởng.

Vào thời điểm hội nghị thượng đỉnh về địa cầu họp ở Rio de Janeiro (Brazil) từ 3 đến 14.6.92 nầy, không ít người ở khắp nơi trên thế giới đồng tình với nhà triết gia Ðức Hans Jonas lên tiếng báo động rằng con người đang miệt mài trong một "lối chơi nguy hại" và "cuộc truy hoan phù phiếm, vui nhộn trong vài thế kỷ công nghiệp có lẽ rồi đây phải trả giá bằng một thế giới địa cầu dị dạng hàng thiên niên kỷ" (2). Trong tình hình hiện nay, khi các chuyên gia còn chưa hoàn toàn nhất trí được với nhau về hậu quả sẽ khủng khiếp đến đâu, Hans Jonas nghĩ rằng thái độ khôn ngoan nhất là nên xử sự như để đối phó với tình huống xấu nhất. Ðánh cuộc thật đó, nhưng mà là nắm dao đằng chuôi. Và cũng là thái độ có trách nhiệm đối với địa cầu, với nhân loại hiện nay và mai sau. Nhất là không ít chuyên gia cho rằng ảnh hưởng những biến đổi về khí hậu, môi sinh tác động âm ỉ trong hàng thập kỷ, hay còn lâu hơn nữa, rồi mới hiển hiện ra; tổn hại có thể đã trầm trọng hơn là ta tưởng. Ðã khẩn cấp rồi. Cứ nhởn nhơ, trù trừ, e ngại tốn kém mà không có biện pháp tích cực phòng chống, rủi mà tai họa xảy đến thật thì khi đó cả nhân loại lâm vào khốn quẫn không lối thoát.

Lập luận nầy tiềm tàng trong quyết định – chung của các nước phát triển lẫn các nước thuộc thế giới thứ ba – bắt tay vào hành động tích cực. Liên hợp quốc thành lập Ủy ban quốc tế về môi trường và phát triển để nghiên cức phương thức. Báo cáo do chủ tịch ủy ban đứng tên (3) nhận định rằng theo quan điểm sinh thái học, phát triển kinh tế như hiện nay là "tự sát" và khuyến cáo thế giới theo một đường lối "phát triển vững bền" (sustainable development).

Ðặt vấn đề phương hướng phát triển tức là đặt vấn đề trách nhiệm của phương thức phát triển Tây phương và giới hạn của nó.

Môi sinh địa cầu bị ô nhiễm, quyển sinh học bị hủy hoại, hễ là sinh vật, là con người thì đều phải gánh nặng hậu quả. Nhưng mà là quít làm cam chịu. Hiện nay, các nước phát triển chỉ gồm 15% dân số địa cầu nhưng tiêu thụ hết ba phần tư tổng số năng lượng. Trung bình một người dân Hoa kỳ sử dụng mỗi năm năng lượng tương đương với 11.000 kí lô than trong khi người dân Ấn độ chỉ dùng 250 kí. Hầu hết 22 tỉ tấn thán khí/năm tuôn lên bầu trời là từ các nước công nghiệp. Hàng năm một diện tích rừng nhiệt đới lớn bằng rưỡi nước Bồ đào nha (10 đến 15 triệu hecta) bị phá trụi. Ðã hủy diệt gần hết rừng ở Tây Phi châu, ở Nam Á châu. Phần lớn để cung đốn các nước phát triển. Nhật bảo tồn rất tốt rừng trên đất mình. Ðược vậy là nhờ mỗi năm 12 triệu tấn gỗ nhiệt đới chặt từ rừng Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Phi Luật Tân, Việt Nam…ùn ùn đổ về cho công nghiệp xây cất, công nghiệp giấy nước Nhật.

Phá rừng, hoại đất cũng là hậu quả của chính sách phát triển với những "chương trình điều chỉnh cấu trúc" do Ngân hàng thế giới (BM) và Quỹ tiền tệ quốc tế (FMI) đề xướng. Các nước thế giới thứ ba buộc phải làm theo để có thể đều đặn hàng tháng trả 12 tỉ đô la thanh toán tiền lời của một món nợ khổng lồ. Chỉ tiêu đánh giá phát triển (tăng trưởng, lạm phát, cán cân chi trả) không đếm xỉa đến con người, đến xã hội, đến môi sinh, và mục tiêu duy nhất là tăng khả năng xuất khẩu, thu ngoại tệ nặng. Trên thực tế kiểu "phát triển lấy xuất khẩu làm động cơ" này hy sinh tất cả những gì không trực tiếp đem ngoại tệ về – như sản xuất nông nghiệp truyền thống, sức khỏe nhân dân, vận chuyển công cộng, bảo vệ môi trường, v.v… – để dốc toàn lực làm ra sản vật bán lấy ngoại tệ mạnh. Nước kém phát triển không có cách nào khác hơn là khai thác tối đa tài nguyên thiên nhiên của mình, khai thác rừng, đất, không tính đến ngày mai. Sênêgal chẳng hạn, dẹp nông nghiệp truyền thống, lấy hết đất màu mỡ trồng đậu phụng đại trà, đi vay để trang bị cho mình khả năng tinh chế 1 triệu tấn đậu phụng/năm. Phần lớn nông dân bị dồn đuổi ra khai hoang, khẩn rừng ở những nơi đất xấu, độ dốc cao. Chỉ ít lâu sau đó bị sói mòn, có làm mà không có ăn. Còn những vùng đất tốt đem trồng đậu phụng theo kế hoạch công nghiệp, đến ngày nay cũng đã kiệt quệ vì canh tác đại trà suốt những năm qua. Năng suất tuột xuống, không sao sản xuất ra nổi số lượng đậu phụng tương ứng công suất nhà máy. Cả một mảng lớn kinh tế quốc dân đi vào bế tắc. Nợ thì đâu vẫn còn đó (4).

Suy cho cùng, tệ hại trên đều xuất phát từ quan niệm về quan hệ giữa con người với thiên nhiên, giữa người với người, và hiện tại với tương lai. Cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội đều nhất trí trên quan niệm con người chế ngự thiên nhiên; đã là chủ nhân ông thì mặc tình vơ vét. Chiếm đoạt càng nhiều càng hưởng lợi lớn. Gặp phải những chương trình vĩ đại một cách máy móc như ở Liên Xô thì biển Aral phải cạn thành sa mạc, thì là thảm họa Tchernobyl ảnh hưởng ngặt nghèo đến sức khoẻ, đời sống hàng vạn sinh linh. Phung phí cứ như tài nguyên địa cầu là vô tận, thải bỏ cặn bã bừa bãi cứ như là khả năng thiên nhiên tiêu hóa không cùng. Khốn thay, trái đất có hạn. Thiên nhiên không đủ tài nguyên cho toàn thể nhân loại phát triển lâu bền nếu cứ tiếp tục phương hướng hiện nay. Theo đà nầy thì nhìn riêng về mặt tiêu thụ năng lượng, phải nhân lên gấp năm mới đưa các nước đang phát triển theo kịp nước công nghiệp. Chỉ trong khoảng khắc một đời người, dầu khí nguồn năng lượng chính hiện nay, sẽ cạn tiệt. Và đồng thời địa cầu cũng bị hủy hoại không phương cứu chữa. Quá tải cho trái đất, quá sức các nước chậm tiến, và cầm chắc là đời con sẽ phải khát nước đền bù cho đời cha ăn mặn hôm nay.

Khốn một nỗi, tiền đề của phát triển tư bản chủ nghĩa là lợi nhuận trước mắt cho bản thân mình. Tương lai đời sau, số phận kẻ khác, hãy cứ gạt qua một bên. " Nếu nước Anh đã phải bóc lột một nửa trái đất mới được thành Anh quốc ngày nay, phải là bao nhiêu địa cầu mới đủ cho nhu cầu của Ấn Ðộ? ", câu hỏi của thánh Ghandi hồi năm 1908 còn giữ nguyên ý nghĩa. Có điều là hôm nay đặt ra cho chín phần mười loài người đang sống trong nghèo khổ, trong chậm tiến. Ðặt ra cho cả nhân loại.

Chỉ có giải pháp thích đáng khi nào quan niệm sống hiện hành thay đổi, khi nào con người ý thức được mối liên đới giữa người và người, giữa thế hệ hiện tại với các thế hệ đi sau, giữa con người với thiên nhiên, với mọi sinh vật… Không hiếm người hiện nay ý niệm sâu sắc rằng hình thức phát triển phải thay đổi từ căn bản mới thực sự bền vững được.

Nhưng mặt khác có những kẻ, mà trọng lượng lại lớn vô cùng vì quyền quyết định nắm ở trong tay, chỉ muốn giữ lâu được chừng nào hay chừng nấy hệ kinh tế và công nghiệp như hiện nay; khi nào cần thì vá víu thêm vào một vài biện pháp sinh thái. Chẳng hạn như kinh tế gia Lawrence Summers, người trách nhiệm bản báo cáo thường niên của Ngân hàng thế giới về "Phát triển và môi trường" , đã khẳng định, trong một tài liệu lưu hành nội bộ tháng 12.1991 "Các nước chậm tiến Phi châu còn ở dưới mức ô nhiễm rất xa. Không khí trong lành quá lắm như vậy thật vô tích sự đối với những thành phố như Los Angeles hay Mexico" và ông ta tự hỏi đã nên chăng "khuyến khích các công nghiệp ô nhiễm môi trường di trú đến các nước kém phát triển một cách ồ ạt hơn" (5).

Chính phủ các nước tiên tiến không thô bạo như ông Summers. Chính quyền tổng thống Bush tuyên bố rầm rộ tăng ngân sách cho Chương trình nghiên cứu biến đổi khí hậu địa cầu của Hoa Kỳ (Global Change Research Program) năm 1992 từ 133,9 triệu lên 1,111 tỷ đô la. Nhưng mặt khác cương quyết không chịu ban bố chính sách giảm lượng thán khí thải vào không gian. Bộ trưởng năng lượng James Watkins chấp nhận rằng chính chuyên gia các phòng thực nghiệm Sở năng lượng (Department of energy) của Mỹ dự báo nhiệt độ địa cầu sẽ nóng lên nếu sản lượng thán khí cứ tiếp tục tăng với nhiệt độ hiện nay, nhưng khăng khăng một mực: "Chúng tôi phải phá hoại cơ sở công nghiệp và nền kinh tế của chúng tôi để cho thế giới sống còn hay sao ?" (6). Ta không lấy làm lạ khi thấy Hoa Kỳ – kẻ làm cho thán khí ô nhiễm khí quyển nhiều hơn ai hết – đánh lạc hướng dư luận bằng cách đổ cho các nước chưa phát triển trách nhiệm ô nhiễm khí trời do phá rừng, do khí mêtan ở ruộng lúa bay lên. Hỏa mù mà các nước công nghiệp tung ra không ngoài ý định ngăn chận các nước chậm tiến đi theo lối phát triển hiện hành, bằng cách nầy hay cách khác, khi thì thô bạo, khi thì ngọt ngào hứa hẹn giúp đỡ kỹ thuật "sạch" mặc dù phần lớn các kỹ thuật tương lai nầy còn trong thời kỳ thử nghiệm…

Nói thế không phải là cho rằng các nước chưa phát triển không đang hủy hoại và làm ô nhiễm môi trường của mình. Nhưng rõ ràng là các nước nà không thải ra quá nhiều thán khí hay tiêu thụ năng lượng không chừng mực như tại các nước công nghiệp. Nhưng vấn đề môi sinh của các nước đang phát triển bắt nguồn chủ yếu từ tình trạng nghèo nàn, lạc hậu; không phương tiện để thử nước uống cho tinh khiết, thiếu năng lượng nên phải phá rừng lấy chất đốt nấu ăn, trồng trọt theo phương thức làm rẫy đến kiệt quệ đất đai. Lối thoát không ngoài phát triển…

Taị Hội nghị thượng đỉnh ở Rio, dưới lớp đồng tâm ngoài mặt là những quyền lợi, những yêu cầu trái ngược nhau.

Các nước công nghiệp lên diễn đàn để hứa hẹn, để kể lể công lao của mình trong công cuộc chống ô nhiễm. Ðức khẳng định rằng từ nay cho đến năm 2005 mình sẽ giảm 30% thán khí. Nhật khoe là năm 1989 có lời hứa cho 300 tỷ mà thực ra trong năm qua đã đóng góp đến 400 tỷ Yên, và không quên nhắc khéo rằng mình đi đầu trong công nghệ " sạch " (khách hàng tương lai, hẹn ngày tái ngộ, sayonara ! ). Hoa Kỳ tự hào nhận định: " Chính sách môi trường của Hoa Kỳ là một thành công lớn suốt hai thập kỷ nay ". Tổng thổng Bush hứa đóng góp 150 triệu đôla để trồng rừng khắp nơi trên thế giới. Ðại diện các nước công nghiệp lưu tâm đến môi trường các nước Ðông Âu, các nước chậm tiến hơn cả các đương sự. Nhưng không quên xác định, như lời đại diện Hoa Kỳ : " Chúng tôi tin chắc rằng mỗi nước phải tự tài trợ lấy phần lớn các cố gắng làm lợi cho môi trường của mình ".

Môi sinh Việt Nam,
vài dữ kiện:


Rừng:

– 1943 : 14 triệu ha, tỷ lệ che phủ 43%,

– 1975 sau 30 năm chiến tranh còn 9,5 triệu ha, tỷ lệ che phủ 29%,

– 1983: còn 7,8 triệu ha, mỗi năm bình quân phá 200 ngàn ha rừng trong khi chỉ trồng lại được 20 ngàn ha.

– 1991: cả nước chỉ còn 6,4 triệu ha rừng, tỷ lệ che phủ 20% (33% là tỷ lệ an toàn, rừng Việt Nam không còn đủ sức bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai).

– 19.3.1992 thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh đình chỉ mọi hoạt động xuất khẩu gỗ, khai thác gỗ và chỉ thị đóng cửa rừng ở những khu vực cần thiết. [D.Ð số 8, (5.92)]


Không khí thành phố Hồ Chí Minh :

Ô nhiễm bụi : nồng độ bụi vượt quá 4 lần giới hạn cho phép (0,5 mg/m3) ở các khu vực sân bay, Thanh Ða, cư xá Bắc Hải, 60 lần ở các giao lộ quận 6, quận 11.

Mức ô nhiễm bụi của thành phố cao hơn hẳn La Habana, Tokyo, Nữu Ước. Bụi từ các công trình xây dựng, đường đất, xe tải, xe buýt, chạy bằng dầu đi-ê-den, đặc biệt trong bụi này có thể có chất gây ung thư do nhiên liệu không cháy hết.

Ô nhiễm khí SO2 : vượt giới hạn cho phép (0,5 mg/m3) từ 1,2 đến 6 lần. Mỗi năm thành phố thải vào không khí 40,2 ngàn tấn SO2, trong đó nhà máy nhiệt điện chiếm 62%, các nhà máy dùng nhiên liệu đốt 30%.

Ô nhiễm do bụi chì trong không khí: vượt qua giới hạn cho phép từ 1,3 đến 9 lần ở các bến xe Văn Thánh, bến xe Tây Ninh, ngã tư Hàng Xanh, bến xe miền Tây, vượt qua nhiều thành phố lớn trong khu vực. Ô nhiễm chì chủ yếu do khí thải giao thông có mang bụi chì, do bụi chì ở các xí nghiệp pin ắcquy, chế bản in, gốm sứ…(SGGP 7.2.91)

Các nước đang phát triển, cùng chia xẻ nhiều điểm tương đồng, có thể thỏa thuận với nhau trên một chiến lược chung trong vấn đề môi sinh. Nhưng ba nước Trung Quốc, Ấn Ðộ, Brazil – là những nơi phải chịu ảnh hưởng lớn nếu có thay đổi khí hậu – đến hội nghị Rio mà không thống nhất quan điểm với nhau nổi.

Trong tình hình đó, chỉ có thể chờ đợi nơi hội nghị những kết quả mong manh. Hai công ước, sau mấy năm chuẩn bị trắc trở, được đem trình để ký kết. Công ước về khí quyển và hiện tượng khí hậu nóng lên dần được thông qua sau khi đã thỏa mãn yêu cầu của Hoa Kỳ : bãi bỏ khoản cam kết không để nồng độ các khí làm tăng nhiệt độ địa cầu lên quá ngưỡng qui định. Còn công ước bảo vệ sự phồn tạp của sinh vật, nhằm bảo vệ trên một triệu rưỡi giống động vật và thực vật, bị Hoa Kỳ cương quyết chống đối, viện lý rằng văn kiện nầy có nhiều sơ sót trong việc bảo vệ những kỹ xảo của công nghiệp kỹ thuật sinh học Hoa Kỳ. Quên hỏi xem người thổ dân châu Mỹ có xin đền bù gì không cho các kiến thức cổ truyền của cha ông họ về những cây cao su, ký nin, sô-cô-la, khoai tây, cà chua, thuốc lá, ngô… mà họ đã truyền lại cho toàn thể nhân loại hưởng lợi ngày nay. Phần gay go là tài trợ cho chương trình hành động của Liên hợp quốc trong thập kỷ tới và thế kỷ 21 (Chương trình nghị sự 21). Khi đề nghị các nước công nghiệp dành 0,7% tổng sản lượng quốc dân của họ tài trợ cho các kế hoạch trong sạch hóa môi trường " đặc biệt tại các nước đang phát triển " bị bác rồi thì chỉ còn vài nước như Pháp, Ðức cam kết sẽ giữ chỉ tiêu đó. Hội nghị xin các nước ấy cố đạt mục tiêu " càng sớm càng tốt ". Ðối với những nước như Hoa Kỳ không muốn cam kết, hội nghị yêu cầu hãy " cố gắng tối đa ". Còn những nước đang chuyển qua kinh tế thị trường như các nước Ðông Âu, hội nghị kêu gọi họ " tự giác gánh vác trách nhiệm " chừng nào " đủ sức ".

Tuy nhiên, khi hoa đăng đã tắt, khi tiếng kèn tiếng trống trong cuộc họp mặt thượng đỉnh giữa một trăm mười bảy nguyên thủ quốc gia, chính phủ đã lắng im, còn đọng lại ít nhất là một số điểm đáng lưu ý :

1. Ðã nẩy nở ý thức một mối tình đoàn kết giữa người và người, vì lý do cùng chia xẻ với nhau trách nhiệm chung sống trong một môi trường có nguy cơ bị hủy diệt vì sinh hoạt của nhân loại. Thêm một nhân tố thôi thúc xúc tiến một hình thức phát triển bền vững hơn, hài hoà hơn, công bằng hơn cái mô hình hiện hành, một kẻ phè phỡn thì mười người phải cam chịu thiếu thốn mà hậu quả là thiên nhiên bị hủy hoại.

2. Hội nghị Rio đã khẳng định ý niệm trách nhiệm chung của loài người đối với địa cầu, khẳng định môt chiến lược môi sinh toàn cầu và vai trò quyết định của các nước chậm tiến trong chiến lược nầy.

Chiến lược môi sinh phải được sát nhập trong chiến lược phát triển, từ vĩ mô đến vi mô, từ toàn cầu cho đến mỗi vùng thiên nhiên, mỗi địa phương, mỗi khu rừng, mỗi con sông, dòng suối… Cho tới nay mọi việc thực hiện tốt đẹp trong lĩnh vực môi sinh đều phát khởi từ xã hội công dân. Chính từ những cá nhân, những tổ chức phi chính phủ, ngoài luồng các ý thức hệ tôn giáo chính trị cố hữu, đã thức tỉnh dư luận, buộc chính trị phải đi theo.

Vô hình trung lại trở về một vấn đề đã biết rồi, khổ lắm, nói mãi : dân chủ, với thể chế, cấu trúc, sinh hoạt của một nền dân chủ thực sự. Ðó là điều kiện căn bản để xây dựng chiến lược cho đúng đắn, chọn lựa kỹ thuật cho thích ứng, kiểm soát tiến trình và thực hiện cho có hiệu năng.

 
B.M.H. (6.1992)

 
(1) – Mohamed Labri Bourguerra, (Rio) Au service des peuples ou d’un impérialisme écologique ? (Hội nghị Rio) để phục vụ mọi dân tộc hay cho một chủ nghĩa đế quốc trong sinh thái ? Le Monde diplomatique, 5.1992.

– New Scientist 29.2.1992

(2) Hans Jonas Le principe responsabilité (Nguyên tắc trách nhiệm), Le Cerf 1992

(3) Gro Harlen Brundtland Our Common Future (Tương lai của chúng ta), Liên hợp quốc 1987

(4) Jim MacNeil Les strategies de développement économique (Các chiến lược phát triển kinh tế), Pour la Science số 145, 11.1989, tr. 116 – 125.

Susan George La dette se paie en nature ! (Món nợ phải thanh toán bằng thiên nhiên !), Le Monde diplomatique (supplement), 6.1992.

(5) Eric Fottorino L’écologie pour le développement (Sinh thái học phục vụ phát triển), Le Monde 19.5.1992.

(6) G. Christopher Anderson " More research needed " ( Cần nghiên cứu thêm "), Nature 343 tr. 684, 1990.


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss