Trí thức, kẻ bất lực của muôn đời
Trí thức, kẻ bất lực của muôn đời
Đơn Hành
Mao Trạch Đông có một câu rất khó ngửi về trí thức. Vậy mà không ít trí thức trên đời, không phải hạng soàng, ngửi được. Không có gì đáng ngạc nhiên. Ông có lý, trí thức thường là kẻ bất lực. Khổng Minh nhường thiên thời cho Tào Tháo, địa lợi cho Tôn Quyền, chỉ dựa vào nhân hoà mà dựng nhà Thục Hán, thật là người trí thức phi thường. Nhưng cũng phải thở dài, gục xuống Kỳ Sơn. Thật là kẻ bất lực trước thời thế. Nguyễn Trãi chủ trương đánh vào lòng người hơn đánh thành, giúp Lê Lợi đánh bạt quân Minh, tuyệt vời không kém gì Khổng Minh. Rồi cũng bị loại: thế giới phong kiến không có đất sống cho loại người như vậy, loại người biến mệnh trời thành lòng dân. Tại sao kỳ lạ thế?
Những từ “trí thức”, “giới trí thức” (intelligentsia), trong nghĩa hiện nay của chúng, ít nhất trong văn hoá Pháp, không có từ muôn đời. Nó manh nha ở Pháp từ thế kỷ 17, hình thành trong thế kỷ 18, trở thành khái niệm trong thế kỷ 19, thịnh vượng trong thế kỷ 20, suy tàn (?) cuối thế kỷ 20. Không ở đâu người trí thức có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội như ở Pháp. Thí dụ, Hiến pháp đầu tiên của Pháp, thậm chí Hiến pháp của Mỹ, không thể có được nếu không có trào lưu văn học và tư tưởng của Pháp trong thế kỷ 18. Hiến pháp là một vấn đề văn hoá trước khi trở thành vấn đề chính trị hay luật pháp. Vậy cũng nên tìm hiểu quá trình hình thành khái niệm trí thức ở Pháp.
Khi nói tới trí thức người ta dễ liên tưởng tới sự hiểu biết, tới khả năng tìm sự thật, tới khoa học. Người ta thường cho rằng tư tưởng hiện đại, tư tưởng khoa học, bắt đầu với Descartes. Tới mức từ “cartésien” đồng nghĩa với có lý như 2 + 2 = 4. Xem kỹ lại, cái hệ lý luận ấy bắt đầu bằng một nghi vấn và một sự khẳng định: cho rằng ta chấp nhận ta nghi hoặc tất cả, ta không thể nghi ngờ được là ta đang nghi hoặc, vậy, ta đã nghi hoặc thì ta có thật. Dĩ nhiên luận điểm ấy không đủ để chứng minh ta có thật hay không có thật, nhiều trường phái khác, cùng thời và sau này, đã chứng minh ngược lại. Điều quý ở đây không ở sự chứng minh, nó ở hai ý khác. Một mặt, nó ở lối suy luận có phương pháp, giúp con người tránh thành kiến, tránh mâu thuẫn (trong nghĩa thông thường). Mặt khác, nó ở sự khẳng định triết học: thật hay không thật, một khi ta đã chấp nhận làm người, thì nguồn gốc mọi “sự thật”, mọi giá trị đều từ ta. Câu “je pense, donc je suis” đẹp ở tính chất thơ của nó, và do đó cứ khắc mãi vào lòng người. Sartre đã biến nó thành “je pense, donc je ne suis pas” và, vì như thế nhân bản hơn, đã chinh phục được nhiều người. Trong thời Descartes, từ “trí thức” chưa xuất hiện. Nhưng những trí giả không ai không quý trọng ông.
Trong thế kỷ 18, Voltaire, một nhà văn ngộ nghĩnh, đưa đầu ra đối địch với triều đình để bảo vệ Callas. Với tư cách gì ông can thiệp vào vụ này? Chính trường và luật lệ nào phải lĩnh vực chuyên môn của ông?
Trong thế kỷ 19, Emile Zola lại đưa đầu ra can thiệp vào vụ án Dreyfus, viết bài văn nổi tiếng “J'accuse”. Với tư cách nào? Với tư cách một nhà văn đứng lên bảo vệ sự thật và lẽ phải. Nhiều người trí thức cũng hưởng ứng. Từ “trí thức”, trong nghĩa ngày nay của nó, có từ đó.
Trong thế kỷ 20, nhiều nhà bác học, nhà khoa học, nhà văn, đã đưa đầu ra đấu tranh cho đủ mọi chuyện không liên quan tới chuyên môn của mình. Quần chúng thường xem họ là người trí thức và quý mến họ, không phải vì họ có một tri thức đặc biệt về vấn đề được nêu ra để tranh luận, mà vì quần chúng tin rằng, do tri thức của họ, họ là những người tôn trọng, quý trọng sự thật. Như thế, trí thức là người lăn xả vào một lãnh vực thường không thuộc chuyên môn của mình để bảo vệ một sự thật nào đó.
Tìm sự thật, tôn trọng sự thật. Sự thật nào? Có thể có sự thật không? Ở đây có sự nhập nhằng. Sự thật về sự vật, sự kiện, nếu có thể có, cũng khác xa sự thật của con người. Điều đó ai cũng cảm nhận dễ dàng. Không ai tin rằng dùng một công thức toán có thể chứng minh một tín ngưỡng, một giá trị đạo đức, kể cả giá trị ấy là “tôn trọng sự thật”! Như thế làm sao có thể tin được một người trong một vấn đề không thuộc lãnh vực chuyên môn của họ? Có lẽ vì sự nhập nhằng kia có cơ sở. Quan điểm của Descartes (tuy ông đã rút ra kết luận ngược lại) có thể hiểu: trên đời này không có một sự thật nào độc lập với người quan sát, tìm kiếm nó, nhưng người ta có thể dựa vào phương pháp suy luận để tránh thành kiến, chủ quan. Quan điểm ấy vẫn còn phù hợp vơi khoa học ngày nay. Như thế , người ta có thể quý mến người trí thức ở tính chất tự do (libre penseur) của người đi tìm sự thật, và trên cơ sở đó tin cậy phần nào ở khả năng suy luận không thành kiến của họ: ngay trong lúc quan sát thiên nhiên vẫn phải đặt câu hỏi đối với chính mình! Đó là đối với sự thật về sự vật, sự kiện. Vấn đề sự thật của con người rắc rối hơn.
Không những nó không thể độc lập với người quan sát, nó còn không thể có được nếu không có sự hiện diện và sự ưng thuận của người khác. Robinson, một mình trên đảo hoang, không thể có một sự thật hay một giá trị nhân bản nào. Chỉ khi Vendredi xuất hiện, vấn đề sự thật, vấn đề giá trị mới có thể đặt ra. Khi người trí thức lao mình bảo vệ một sự thật về một vấn đề nào đó, họ làm một lúc hai chuyện. 1/ Vận dụng phương pháp suy luận khoa học mình vốn có để xem xét một cách đầy đủ và khách quan nhất những sự vật, sự kiện, những quá trình diễn biến của chúng. 2/ Kêu gọi sự ưng thuận của người khác để cùng nhau tái tạo hay sáng tạo một sự thật (hay nói đúng hơn, một giá trị) của con người trong một thời đại, ít nhất là giá trị “tôn trọng sự thật” về sự vật, sự kiện.
Người trí thức là người muốn tin tưởng ở tự do của con người (mặc dù hạn chế của nó), muốn đưa vào con người, để cùng với nó tái tạo hay sáng tạo những giá trị nhân bản của thời đại mình, để bảo vệ, để xây dựng một thế giới tinh thần, một tương lai vượt những quy luật vật chất của cuộc sống. Tính cách trí thức không tuỳ thuộc mức tri thức của bất kể lãnh vực chuyên môn nào. Nó nở ra như một ảo vọng trong một thực tế nghiệt ngã, nó khẳng định: nhân cách là cần thiết cho cuộc sống, nó tin tưởng: nhân cách là có thể, ngay hôm nay, ngay bây giờ. Ở khía cạnh ấy, có thể coi người trí thức như một nhà thơ có học, một nhà thơ nghiệp dư, chưa biết gieo vần, cấy vận. Người trí thức chỉ có thể hình thành và tồn tại trên cơ sở tự do của người khác. Do đó, xưa nay, nó thường là kẻ bất lực. Vì con người chưa quen sống (và đối với 3/4 nhân loại hôm nay, trong đó có Việt Nam, chưa đủ khả năng sống một cách đàng hoàng, bình đẳng) với tự do của người khác. Ta chỉ coi những tình cảm biết mấy quan trọng, biết mấy nhỏ nhoi trong cuộc sống hàng ngày của ta cũng rõ. Ta có thể yêu mãi mãi một người đã chấp nhận mãi mãi là của ta hay không? Ta dám yêu mãi mãi một người mà ta biết, sáng mai, có thể yêu người khác? Thực tế, dù muốn dù không, như mọi người, cả hai chuyện ấy ta đều làm được. Ngược lại, trong nhiều lãnh vực, đặc biệt những lãnh vực lịch sử, chính trị, văn hoá, tư tưởng, lắm lúc ta rất e dè. Vì ta sợ hãi với chính mình? hay nói cách khác, ta chưa dám tin người khác? Trong thế giới hôm nay, làm sao tin được? Nhưng nếu ta không dám tin, không dám yêu tự do của người khác, thế giới hôm nay còn gì đáng sống? ăn, ngủ, đụ, ỉa và hư vô.... Đã sống phải thèm tứ khoái, và vì những điều ấy không thể thực hiện được một cách nhân đạo trong sự cô lập, trong luật rừng, phải từ chối hư vô, phải yêu đời, tức là phải quý tự do của người khác, và phải trả cái giá phải trả: hôm nay. Dù là một hôm nay bất lực? Người trí thức là người phải và dám đánh cuộc vào tự do của người khác. Vì thế, các chế độ độc tài vừa muốn khai thác tri thức của nó, vừa muốn bóp chết trí tuệ, nhân cách tự do của nó. Đó là điều không thể thực hiện được một cách triệt để, vì hai khía cạnh đó trong con người, như Descartes đã linh cảm, không hoàn toàn độc lập với nhau.
Đ.H.
Các thao tác trên Tài liệu