Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 10 / Việt Nam đã qua, sắp tới

Việt Nam đã qua, sắp tới

- Diễn Đàn — published 11/10/2010 00:00, cập nhật lần cuối 04/12/2010 18:51

Việt Nam... đã qua... sắp tới...

 

Cải tổ nội các

Ngày 29.5, theo đề nghị của Hội đồng bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước Việt Nam đã quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Đình Lập, phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội và Hội đồng Nhà nước làm bộ trưởng Tư pháp, thay ông Phan Hiền; đưa ông Hồ Tú, thứ trưởng Tài chính lên làm bộ trưởng Tài chính thay ông Hoàng Quy; bổ nhiệm ông Mai Kỳ, phó chủ nhiệm uỷ ban Kế hoạch Nhà nước làm bộ trưởng bộ Dân số và Kế hoạch hoá gia đình, mới được thành lập.

(AFP, Reuter 29.5.1992)

Tư hữu hoá

Việt Nam đã công bố ngày 16.6.92 một dự thảo kế hoạch “cổ phần hoá” một số xí nghiệp quốc doanh. Một tuần trước đó, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ định danh sách đầu tiên gồm 7 công ty sẽ được đưa ra tư hữu hoá trong bước thử nghiệm của kế hoạch nói trên. Năm trong số bảy công ty nói trên trực thuộc chính phủ trung ương: Nhà máy Xà bông miền nam (bộ công nghiệp nặng), Nhà máy Diêm Thống Nhất (bộ công nghiệp nhẹ), Xí nghiệp Chế biến thức ăn gia súc (bộ nông nghiệp), Xí nghiệp Chế biến gỗ Long Bình (bộ lâm nghiệp) và Công ty Vật tư tổng hợp Hải Hưng (bộ thương mại và du lịch). Ngoài ra, có hai công ty thuộc chính quyền địa phương là Xí nghiệp may mặc Legamex của thành phố Hồ Chí Minh, và Xí nghiệp sản xuất bao bì của Hà Nội. Dệt Thành Công, một xí nghiệp lớn của TPHCM, không có tên trên danh sách nói trên mặc dù đã được nói tới nhiều như một trong những xí nghiệp sẽ được tư hữu hoá trước tiên. Công nhân viên các xí nghiệp tư hữu hoá sẽ được ưu tiên mua cổ phần của xí nghiệp nơi mình đang làm việc, và người nước ngoài cũng được mua các cổ phần đó trong giới hạn 30%. Tuy nhiên, các nhà quan sát tỏ vẻ chưa tin lắm về hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài vào các xí nghiệp quốc doanh đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay. Diễn Đàn sẽ trở lại vấn đề này khi chúng tôi có thêm những thông tin đầy đủ hơn.

(AFP 11 và 16.6.1992).

Dầu khí

Dầu khí ngoài khơi Vũng Tàu vẫn đang là hoạt động kinh tế thu hút sự quan tâm lớn nhất của các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Bốn hợp đồng khai thác các lô gần Vũng Tàu vừa được ký kết giữa Vietsovpetro với các công ty Astra (Inđônêxia), C. Itoh (Nhật) hợp tác với Lasmo Oil (Anh), British Gas (Anh) và Mitsubishi (Nhật). Công ty Anh British Petrolium hợp tác với Statoil của Na Uy vừa ký một hợp đồng khai thác và chia sản phẩm với Petrovietnam để thăm dò và khai thác lô 5-2 gần khu Đại Hùng, cách Vũng Tàu 250 km về phía tây nam. Ba lô khác trong khu Đại Hùng đã được phân cho các công ty Shell (lô số 10), hai công ty Nhật Arabian Oil Co. và Teikoku Oil Co. (lô 5-3) và một công ty Nam Triều Tiên (lô 11-2). Một tổ hợp các công ty Total (Pháp), Marubeni (Nhật) và Norsk Hydro (Na Uy) sẽ ký kết trong tháng tới để cùng khai thác lô 11-1. Ngoài ra, năm tổ hợp gồm nhiều công ty dầu khí lớn của Pháp, Nhật, Nam Triều Tiên, Úc, Đức, Malaixia (Việt Nam và Malaixia vừa ký một hiệp định cùng thăm dò dầu mỏ ở ngoài khơi Vịnh Thái Lan)... sẽ tham gia đấu thầu nhiều lô khác trong khu Đại Hùng, trong một kế hoạch trị giá 1 tỷ đô la. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về vụ đấu thầu này có thể sẽ được hoãn tới cuối năm để chờ các công ty Mỹ. Đại Hùng nằm xa bờ biển gấp đôi và cũng sâu hơn gấp đôi khu Bạch Hổ (hiện đang được Vietsovpetro khai thác), được coi như có nhiều triển vọng có trữ lượng lớn. Do không đủ vốn và khả năng kỹ thuật, Vietsovpetro buộc phải nhờ đến các công ty Tây Âu. Điều này dĩ nhiên cũng phù hợp với yêu cầu đa dạng hoá các nguồn hợp tác của phía Việt Nam.

(AFP 8, 9, 10.6 và Courrier International 14.5, FEER 18.6.1992)

Pháp - Việt

Thủ tướng Pháp Pierre Bérégovoy và ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm đã ký kết tại Paris ngày 26.5 một thoả ước bảo vệ hỗ tương những đầu tư giữa hai nước. Đồng thời Paris cũng công bố quyết định tăng viện trợ cho Việt Nam từ 45 triệu FF năm 1990, 95 triệu năm 1991, lên 130 triệu FF cho năm 1992. Ông Nguyễn Mạnh Cầm cũng đã ký kết một nghị định thư tài chính với bộ trưởng kinh tế Pháp Michel Sapin, liên quan tới một tài khoản 43,2 triệu FF dành cho công trình viễn thông vi ba giữa Đà Nẵng và Thành phố HCM. Cùng với nghị định thư tài chính này, bộ ngoại giao Pháp cho biết sẽ dành 46 triệu FF trong công tác hợp tác văn hoá, khoa học kỹ thuật với Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Cầm đã tới Paris ngày chủ nhật 24.5, trong một chuyến đi thăm chính thức Pháp và nhiều nước châu Âu khác: Ba Lan (27-28.5), Hung (29-31.5), Bỉ (và CEE, 2-3.6), Anh (4-5.6), Hà Lan và Đức (9-10.6). Khoảng 10 người Việt Nam đã tuyệt thực trước toà đại sứ Việt Nam tại Paris ba ngày trước khi ông Cầm tới, để đòi “tự do, dân chủ và nhân quyền” tại Việt Nam.

(AFP 21, 26.5.1992 và tin riêng của DĐ)

Diễn đàn quốc tế về phát triển

Trái đất tương lai. Đó là tên của Diễn đàn quốc tế về phát triển được tổ chức lần đầu tiên tại Paris trong ba ngày 5, 6, 7 tháng 6 vừa qua, song song với Hội nghị quốc tế về môi sinh ở Rio de Janeiro. Diễn đàn do CCFD (uỷ ban công giáo chống nạn đói, vì phát triển) tổ chức, với sự bảo trợ của UNESCO và sự đỡ đầu của ông Boutros-Ghali, tổng thư ký Liên hợp quốc, qui tụ hơn 200 nhà hoạt động dân sự đại diện của nhiều tổ chức phi chính phủ trên khắp thế giới. Về phía Việt Nam, ban tổ chức đã mời giám mục Bùi Tuần, các ông Đào Thế Hùng (nhà xuất bản ngoại văn, Hà Nội), Trần Duy Thanh (giám đốc trung tâm y tế Thanh Bình, Đồng Tháp), Nguyễn Đình Đầu (thành phố Hồ Chí Minh)... Nhiều buổi thảo luận về các vấn đề như Châu Âu và Thế giới thứ ba, Phụ nữ và phát triển, Phát triển thế nào cho một trái đất tương lai...đã được tổ chức, cùng với những sinh hoạt văn nghệ, thể thao, hội chợ... CCFD có hoài bão sau Diễn đàn sẽ thành lập được một tổ chức Trái đất tương lai (Fondation Terre d'Avenir), với ngân quỹ 100 triệu quan Pháp dùng để tài trợ cho những chương trình giáo dục về phát triển.

Căng thẳng với Trung Quốc

Các quan chức Việt Nam sợ rằng việc Trung Quốc quyết định cho phép công ty Crestone Energy Co. của Mỹ thăm dò dầu khí ở quần đảo Hoàng Sa có nghĩa là Bắc Kinh xem quần đảo này là của họ, theo như lời tuyên bố của bộ Tư pháp Trung Quốc khi trả lời sự phản đối của Việt Nam. Tình hình biên giới Việt - Trung vẫn tiếp tục căng thẳng, dù Hà Nội và Bắc Kinh gần đây đã cố gắng cải thiện quan hệ giữa hai nước. Theo phía Việt Nam, từ mấy tháng qua quân đội Trung Quốc đã chiếm 8.400 ha đất của Việt Nam ở 15 điểm tranh chấp và dời “Hữu nghị quan” gần 400 m vào trong lãnh thổ Việt Nam.

(FEER 18.6.1992)

Mỹ - Việt

Trong một tuyên bố ngày 10.6, bộ ngoại giao Mỹ cho biết chính phủ Washington đã yêu cầu Hà Nội trả tự do cho các ông Đoàn Thanh Liêm (vừa bị kết án 12 năm tù vì tội “tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội”) và Đỗ Ngọc Long (vẫn bị giam, chưa xét xử). Cả hai bị bắt từ tháng 4.1990 vì đã làm việc chung với nhà kinh doanh Mỹ Michael Morrow (xem Diễn Đàn số 9), và đều là những người có trách nhiệm trong các hoạt động từ thiện giúp trẻ mồ côi do một nhà hoạt động hoà bình Mỹ, ông Richard Hughes khởi xướng, từ năm 1968 đến năm 1976.

Nga - Việt

Theo những nguồn tin ngoại giao Nga ở Hà Nội, cuộc thương lượng giữa hai bên Nga và Việt Nam về việc hoãn trả món nợ 10 tỷ roubles (khoảng 100 triệu đô la) do Việt Nam vay của Liên Xô cũ đã đạt những “tiến bộ khả quan”. Mạc Tư Khoa đã chấp nhận cho Việt Nam chỉ phải trả 1,1 tỷ roubles trước năm 1995 thay vì đòi 6 tỷ trong thời gian này. Cuộc thương lượng còn chưa ngã ngũ về các hình thức trả nợ (bằng ngoại tệ mạnh hay bằng hiện vật).

Trong tháng 6 này, một đoàn cao cấp Nga sẽ tới Hà Nội để thảo luận về một hiệp định thương mại mới giữa hai nước.

Ngoài ra, Mạc Tư Khoa và Hà Nội cũng đã ký một hiệp định sơ bộ về điều kiện lao động của 30.000 người Việt Nam hiện còn ở Nga. Những người được phép ở lại sẽ không còn được nhà nước Nga trả lương mà sẽ ăn lương của xí nghiệp nơi họ đang làm việc hoặc tìm được việc làm. Một hiệp định chính thức sẽ được ký kết vào khoảng tháng 10 tới về vấn đề này. Đầu tháng 6, một nhà ở của người Việt Nam ở Mạc Tư Khoa đã bị một nhóm 10 người Nga tấn công, làm cho một người bị chết và ba người khác bị thương nặng.

(AFP 27.5 và 10.6.1992)

Trả và bắt

Theo một tuyên bố của bộ ngoại giao Việt Nam ngày 4.6, toàn bộ những nhân viên, dân sự hay quân sự, của chính quyền Sài Gòn cũ còn bị giam giữ trong các trại “cải tạo” đã được trả tự do nhân ngày 30.4 năm nay. Người phát ngôn của bộ này, bà Hồ Thể Lan, cũng cho biết, theo một thoả thuận giữa Hà Nội và Washington, 41.808 người (“cải tạo” và gia đình của họ) đã tới định cư ở Mỹ từ tháng 10.1989 tới tháng 3 năm nay. Khoảng 90.000 tù nhân cũ và gia đình của họ có khả năng được hưởng những quy chế của thoả thuận nói trên.

Theo nhiều nguồn tin tây phương, Việt Nam hiện còn giam giữ khoảng 2.000 tù nhân chính trị. Hà Nội vẫn tiếp tục bắt bớ và tuyên án tù nặng nề đối với những người bị coi là “chống chủ nghĩa xã hội”. Sau các vụ xử bác sĩ Nguyễn Đan Quế (xem DĐ số 4), nhóm “Đại Việt duy dân” (DĐ số 7), Luật sư Đoàn Thanh Liêm và nhiều người, nhóm khác (DĐ số 9), “Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh” lại vừa xử từ 4 đến 20 năm tù giam một nhóm 5 người bị buộc tội là có “hoạt động lật đổ”. Người bị 20 năm là ông Nguyễn Ngọc Đại, bị buộc tội đã viết sách “kích động quần chúng chống lại đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam”. Ngoài ra, theo chỗ chúng tôi biết, ông Đoàn Viết Hoạt cũng sắp bị đem ra xử, và dĩ nhiên cũng là “xử” theo một kịch bản được viết trước.

(AFP 29.5, AFP và Reuter 4.6.1992)

Bảy triệu người thất nghiệp

Theo báo Quân đội nhân dân ngày 8.6, Việt Nam hiện nay có khoảng 7 triệu người thất nghiệp hoặc chỉ có việc làm không đều (chômeurs partiels). Phần đông những người này ở các thành thị, nhưng cũng có 1,5 triệu người không có việc làm ổn định ở nông thôn. Theo tờ báo, 51 triệu người Việt Nam hiện nay sống ở nông thôn, trong đó có 26 triệu thuộc tuổi từ 15 đến 59, tức 75% lao động cả nước. Nạn thất nghiệp và thiếu việc làm ở nông thôn, theo tờ báo, là vì nhiều gia đình nông dân nghèo không có đất hoặc không có tiền đầu tư vào sản xuất. Tình trạng thất học (9% nông dân mù chữ, 50% không học hết cấp một) cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự thiếu sáng kiến trong việc tạo ra công ăn việc làm.

(AFP 8.6.1992)

Đời Sống Hà Nội

Sự tăng nhanh dân số tạo ra những khó khăn trầm trọng cho Hà Nội. Theo báo Hà Nội Mới ngày thứ năm 4.6, dân số (nội thành?) Hà Nội hiện nay là khoảng một triệu người, hàng năm tăng 1,73%. Khoảng 100.000 người sống trong các nhà đổ nát, 30.000 người chỉ có 1,5 mét vuông nhà ở, và chỉ có 20% dân số Hà Nội có trên 6 mét vuông nhà mỗi đầu người. Trên 10.000 cặp vợ chồng trẻ, 80% không có nhà riêng. Hàng năm thành phố thiếu 30.000 mét vuông nhà ở. Thành phố cũng chỉ có phương tiện để xử lý 500 tấn trên tổng số 1.300 tấn rác mỗi ngày. Một vấn đề trầm trọng khác là nạn thiếu dinh dưỡng của 61% trẻ em từ 1 tới 3 tuổi. Theo tờ báo, 14% trẻ sơ sinh ở Hà Nội nặng dưới 2,5 kg lúc lọt lòng mẹ.

(AFP 4.6.1992)

Ông Trần Văn Giàu và chủ nghĩa Mác

Trong một hội nghị về công tác tư tưởng tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 5 vừa qua, sử gia Trần Văn Giàu đã làm cho mọi người tham dự kinh ngạc khi ông báo động là giới lãnh đạo đã xa rời thực tế. Sau khi nghe ba nhà trí thức đầu đàn đảng lập lại những quan điểm ước lệ của chủ nghĩa cộng sản, giáo sư Trần Văn Giàu đã giành lấy micro và tuyên bố rằng những giáo điều sáo mòn của họ chẳng còn ích lợi gì cho nhân dân Việt Nam.

(FEER 18.6.1992)

Tin Nhanh

* Theo AP ngày 2.6, Đạt Lai Lạt Ma đã lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho những tăng ni và phật tử bị giam giữ.

* Theo một bài báo Nhân Dân ngày 10.6, từ 25 đến 30% của 3.000 tỉ đồng (250 triệu đôla Mỹ) chi cho các công trình Nhà nước đã bị mất đi vì nạn tham nhũng hoặc vì quản lý sơ sót. Bài báo nói rõ, trách nhiệm những mất mát này phần lớn là đảng viên đảng cộng sản.

* Từ nay, các quan chức Việt Nam làm việc với các phái đoàn nước ngoài không được quyền nhận quà biếu. (Tuổi Trẻ 2.6)

* Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế (ISO) đã thông qua tiêu chuẩn mã hoá dấu tiếng Việt trong hệ thống viễn thông quốc tế. Chi tiết về chuẩn này sẽ được công bố tại Hà Nội nhân Tuần lễ tin học được tổ chức vào tháng 7 năm nay. ISO đã bắt đầu nghiên cứu việc mã hoá tiếng Nôm theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam.

* Một thoả thuận hợp doanh để mở rộng và khai thác sân bay Nội Bài đã được ký kết giữa Việt Nam, công ty Hồng Kông OCI (Olympic Champion Investment) và ba công ty Canada. Các công trình sẽ khởi đầu vào tháng 10 tới, với dự tính tới năm 1995 sân bay sẽ đón tiếp được 2,5 triệu khách / năm.

* Việt Nam đã mua được một máy bay Tây Âu đầu tiên, chiếc ATR 72 (66 chỗ ngồi) của các công ty Aérospatiale (Pháp) và Alenia (Ý). Một chiếc ATR 72 khác sẽ được giao vào tháng 12 tới. Bốn ngân hàng Pháp Crédit Lyonnais, BNP, BFCE, Indosuez đã dựng hồ sơ tài chính của thương vụ trị giá 20 triệu đô la này.

* Hợp đồng đầu tiên trong công trình đường dây 550 kV xuyên Việt đã về tay công ty Pháp Sedivers, cung cấp những vật dụng cách điện cho đường dây. Sedivers không chịu tiết lộ hợp đồng trị giá bao nhiêu, song theo nhiều nguồn tin từ phía Việt Nam, con số có thể lên tới 30 triệu đôla.

* Thu hoạch lúa xuân của Việt Nam năm nay đạt mức kỷ lục 8 triệu tấn thóc, tăng 33% so với năm 1991. Hơn một nửa sản lượng này là của đồng bằng sông Cửu Long, với 4,6 triệu tấn. (theo Quân đội nhân dân 11.6)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss