Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 11 / Ai là ai

Ai là ai

- Kiến Văn — published 03/11/2010 00:00, cập nhật lần cuối 11/12/2010 22:22

Chân dung và bộ mặt
Ai là ai?


Kiến Văn

 

Kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu 10 trong số 100 chân dung nhà văn của Xuân Sách. Kỳ này, xin giới thiệu tiếp 15 chân dung khác trước khi bổ sung tin tức về “ vụ án Chân dung nhà văn:

(8) Xuân Diệu, tác giả Phấn thông vàng, Một khối hồng, Ngói mới, Riêng chung.

(23) Nguyễn Bính, tác giả Lỡ bước sang ngang, Nước giếng thơi, chủ trương tờ báo Trăm hoa trong thời kỳ Nhân văn - Giai phẩm.

(27) Quang Dũng, tác giả Tây tiến (bài thơ nổi tiếng thời Kháng chiến, nhiều năm bị phán là lãng mạn tiểu tư sản), Xiếc khỉ (một bài văn thời kỳ Nhân văn - Giai phẩm), Nhà đồi, Mây đầu ô.

(28) Mai Ngữ, tác giả Chuyện như đùa một thời được chú ý vì đề tài đổi mới, sau đó “quay thò lò”.

(29) Nguyễn Khải, tác giả Cha và con và..., Mùa lạc, Chiến sĩ, Họ sống và chiến đấu, Tháng ba ở Tây nguyên, Xung đột, Cách mạng.

(31) Chính Hữu, tác giả Đầu súng trăng treo, Đồng chí.

(33) Chu Văn, tác giả Con trâu bạc, Bão biển, Đất mặn.

(35) Nam Cao, tác giả Đôi mắt, Sống mòn, Chí Phèo.

(37) Lưu Trọng Lư, tác giả Tiếng thu.

(40) Anh Thơ, tác giả Bức tranh quê, Từ bến sông Thương.

(41) Xuân Thiều, tác giả Đôi vai, Thôn ven đường.

(48) Nguyễn Quang Sáng, tác giả Chiếc lược ngà, Mùa gió chướng, ông Năm Hạng, Cái áo thằng hình rơm.

(51) Nguyễn Thị Ngọc Tú, tác giả Đất làng, Hạt mùa sau.

(59) Thế Lữ, tác giả Tiếng sáo Thiên thai , Nhớ rừng.

(70) Dương Thu Hương, tác giả Những bông bần ly, Chuyện tình kể trước rạng đông, Bên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường , Vĩ nhân tỉnh lẻ, Hành trình thời thơ ấu, Chân dung người hàng xóm.

Như đã nói trong số trước, Chân dung nhà văn do Nhà xuất bản Văn học phát hành tháng 3.1992, đến tháng 5.1992 thì Bộ văn hoá thông tin ra lệnh cấm và công an đã tới trụ sở của Nhà xuất bản Văn học ở thành phố Hồ Chí Minh để tịch thu những bản chưa phát hành. Theo tin của báo FEER (Tạp chí kinh tế Viễn Đông) thì lúc đó đã bán được 600 bản.

Một vài tờ báo Việt ngữ ở nước ngoài đã đưa tin tác giả Xuân Sách và các nhà văn Lữ Huy Nguyên (giám đốc nhà xuất bản) và Hoàng Lại Giang (phụ trách chi nhánh nhà xuất bản ở thành phố) sẽ bị truy tố trước toà. Theo sự phối kiểm của chúng tôi, thì đó mới chỉ là ước muốn của một số nhà văn đã cảm thấy bị chiếu yêu. Những nguồn tin đáng tin cậy cho biết khoảng 40 nhà văn đã ký vào một bản kiến nghị đòi truy tố ba nhà văn nói trên. Trong số 40 người này, có những người đã có chân dung trong tập thơ của Xuân Sách, nhưng có cả những người không được vinh dự đó. Ngoài việc soạn kiến nghị và vận động chữ ký, đã có cả một buổi họp ở Hà Nội nhằm mục đích thúc giục “Đảng và Nhà nước” phải có “biện pháp” với lập luận như sau: bao nhiêu năm chúng tôi một lòng theo Đảng mà nỡ nào Đảng để cho chúng tôi bị bêu rếu trên giấy trắng mực đen như vậy.

Kết quả của cuộc kể khổ thống thiết này là ngoài quyết định tịch thu cuốn Chân dung nhà văn (trên thực tế, quyết định này đã quảng cáo cho tập thơ), trong dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Hội nhà văn Việt Nam, tổng thư ký Vũ Tú Nam đã phê phán “một số” tác phẩm có tính cách đả kích cá nhân, gây ra sự “mất đoàn kết” trong giới văn nghệ sĩ. Và trong dịp này, ông Đỗ Mười, tổng bí thư Đảng cộng sản cũng nói vài câu nhằm “uý lạo” 40 nhân vật nói trên.

Dường như nhà cầm quyền không muốn đi xa hơn nữa trong sự lố bịch. Có nhiều lý do có thể giải thích quyết định này. Trước hết, bài học Dương Thu Hương với phản ứng của dư luận quốc tế còn nóng bỏng. Sau nữa, sự sốt sắng của 40 nhà văn kia không thể được coi là tiêu biểu cho thái độ chung của giới văn nghệ sĩ, đầu tiên là của những nhà văn nhà thơ được coi là cự phách, mà cũng là đối tượng của ngòi bút sắc sảo của Xuân Sách.

Được biết là nhà thơ Tố Hữu (Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt. Máu ở chiến trường, hoa ở đây. Xem Diễn Đàn số trước) đã từ chối, không ký vào bản kiến nghị đòi bỏ tù Xuân Sách. Huy Cận (Tôi hát chiến tranh như trẩy hội. Đừng nên xấu hổ khi nói dối) cũng cả cười mà rằng: " Xuân Sách nó tả đúng quá phản đối gì nữa”.

Đó là người sống. Những người đã khuất, như Chế Lan Viên, Hoài Thanh (xem chân dung đăng ở số trước) hay Xuân Diệu (số này) phản ứng như thế nào, xin nhường lời cho Xuân Sách:

“Tôi vốn yêu thích và kính phục tài thơ Chế Lan Viên, nhưng bài thơ tôi viết về ông lại nói khía cạnh khác. Mỗi lần gặp lại tôi, ông lại tỏ ra rất thân thiện. Điều đó làm cho tôi bối rói, phải chăng ông đã hiểu điều gì đó về ông về tôi. Lúc ông Hoài Thanh già yếu phải vào bệnh viện tôi đến thăm ông. Ông không giận tôi nữa, còn cho tôi là người có tình và ông thấy những gì tôi viết về ông có phần đúng, ông đề nghị chữa một chữ trong bài thơ (...).

Một lần tôi gặp Xuân Diệu trong quán bia hơi, tôi nâng cốc bia đen chúc mừng ông vừa được bầu làm viện sĩ của Viện Hàn lâm nghệ thuật nước CHDC Đức, ông chạm cốc: “ Chúc mừng họ Ngô nhà ta, những bài thơ của cậu đi vào cõi bất tử”. (Xuân Diệu và Xuân Sách cùng họ Ngô, chú thích của người viết)” (Tâm sự tác giả, lời tựa của Chân dung nhà văn, Nhà xuất bản Văn học, 3.1992).

Trở lại những người còn “sống và chiến đấu”, Nguyễn Khải là người ủng hộ Xuân Sách nhiệt tình nhất trong ba mươi năm qua, từ ngày ông hạ bút viết bài thơ chân dung đầu tiên. Mặc dầu chân dung Nguyễn Khải, nhất là câu kết, thật là “ác”: “Muốn làm cách mạng nhưng lại dát!”. “Ác”, vì đúng quá! Song giá trị của bài thơ chân dung này (số 29) vượt xa chủ đề trực tiếp của nó. Điển hình là câu đầu: “ Cha và con và... họ hàng và... ”. Ai đọc Nguyễn Khải thì biết cuốn tiểu thuyết nói về Công giáo miền Bắc Cha và con và...(Au nom du Père, du Fils et du...). Xuân Sách đã xuất thần thay thánh thần (Saint Esprit) bằng họ hàng, và đổi nghĩa chữ : từ liên từ trở thành động từ và vào miệng, biến chân dung nhà văn thành bức tranh xã hội, vạch ra bộ mặt tha hoá của cả một chế độ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss