Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 11 / Việt Nam... đã qua... sắp tới...

Việt Nam... đã qua... sắp tới...

- Diễn Đàn — published 01/11/2010 03:15, cập nhật lần cuối 11/12/2010 23:05

Việt Nam... đã qua... sắp tới...


Giáo dục, thực tế và những chương trình to tát

Tại Hội nghị tổng kết năm học tổ chức tại Hà Nội ngày 6.8, tình trạng khó khăn của giáo dục được báo cáo chính thức của bộ trưởng Trần Hồng Quân đưa ra gồm:

– Thiếu 40 giáo viên tiểu học, chất lượng đội ngũ giáo viên tiểu học còn thấp.

– Đời sống giáo viên ngày càng khó khăn hơn, hiện tượng bỏ nghề vẫn tiếp diễn, một số tỉnh thành lại bị sức ép phải giảm biên chế 20%.

– Cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng.

– Giáo dục vùng núi, vùng biên giới xuống cấp nghiêm trọng, có xã không còn trường cấp 1, có huyện không còn trường cấp hai.

– Tình trạng bỏ học tiếp tục tăng trong cả nước, tỷ lệ bỏ học ở tiểu học là 14%, cấp 2 là 32%, cấp 3 là 14%.

Theo thống kê của ngành giáo dục đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 18.7, chỉ riêng ở tỉnh Kontum hiện có 37.000 người mù chữ trong đó 31.000 là đồng bào dân tộc. 30% số trẻ em đến tuổi đi học chưa được đến trường, tỉ lệ bỏ học lên đến 20%, 80% cơ sở trường lớp xuống cấp nghiêm trọng, 70% thầy cô giáo được đào tạo tại chỗ đã chuyển ngành hoặc bỏ nghề. Tỉnh thiếu 300 giáo viên tiểu học và mẫu giáo cho năm 1992-93.

Trong khi phó thủ tướng Nguyễn Khánh đã phải thừa nhận cũng trong hội nghị nói trên là hội đồng bộ trưởng “ chưa có biện pháp căn bản để giải quyết đời sống giáo viên”, bộ trưởng Trần Hồng Quân đã không ngần ngại đề nghị “cải cách tiền lương theo hướng lương giáo viên sẽ cao hơn lương của người cùng trình độ làm nghề khác”! Đây là một trong “tám chương trình hành động” được ông đưa ra “để ổn định và phát triển giáo dục”. Các chương trình khác gồm: “ cải cách mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục đào tạo”, “ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất”, “ đổi mới công tác tổ chức và quản lý giáo dục”, “ phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ”, v.v.. .

Hẳn cũng do bộ giáo dục và đào tạo soạn thảo để kịp công bố nhân “hội nghị tổng kết”, ngày 4.8 chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã ra chỉ thị cho các bộ, các ngành, địa phương phải “ thực hiện ngay một số chủ trương về giáo dục và đào tạo”: 1. Trong quý 3 năm 1992, hoàn thành phương án sắp xếp mạng lưới các trường đại học và cao đẳng..., tiêu chuẩn hoá giáo viên và cán bộ giảng dạy... Ở tất cả các cấp học, không đặt vấn đề giảm biên chế đồng loạt với giáo viên; 2. Xây dựng các chương trình phát triển các cơ sở dạy nghề của cả nhà nước, các tổ chức kinh tế, đoàn thể và tư nhân; 3. Lập kế hoạch xây dựng trường sở... khai thác nhiều nguồn vốn, kể cả viện trợ và vay nước ngoài; 4. Trong tháng 8.92, lập xong phương án trợ cấp cho giáo viên các cấp học từ đầu năm học 92-93; 5. Thực hiện thống nhất chủ trương miễn thu học phí ở bậc tiểu học trong cả nước, quy định học phí trung học theo từng vùng; 6. Sửa đổi chế độ học bổng ở bậc đại học trong hướng nâng giá trị từng học bổng và giảm số lượng học bổng; sau cùng là những chủ trương liên quan đến việc phân cấp quản lý ngân sách nhà nước về giáo dục - đào tạo ở trung ương và các địa phương.

Tiếp theo “hội nghị tổng kết”, một hội nghị các hiệu trưởng trường đại học và cao đẳng đã họp trong ba ngày cũng ở Hà Nội, đã công bố những “chủ trương lớn” của bộ giáo dục và đào tạo nhằm sắp xếp lại hệ thống các trường sở (Thành lập các viện đại học, trường đại học quốc gia đa ngành và “cao đẳng cộng đồng” (?)), sắp xếp lại cán bộ giảng dạy theo chức danh, tiêu chuẩn hoá cán bộ, v.v... Ngoài ra, một qui chế mới về công tác sinh viên sẽ được ban hành để “đảm bảo nền nếp, kỷ cương trong các trường đại học và cao đẳng”. Số lượng sinh viên được nhận học bổng sẽ giảm đáng kể trong khi giá trị của học bổng toàn phần sẽ tăng đáng kể.

* Những con số “ đáng kể” nói trên không được công bố. Cũng như, ngân sách nhà nước vẫn cứ nằm trong vòng kiểm soát bí mật của bộ máy (bao nhiêu cho giáo dục, bao nhiêu cho “ an ninh”?). Giáo viên và sinh viên học sinh vẫn tiếp tục được chăm sóc kỹ về mặt an ninh hơn là về đời sống, sự học, thay vì được thảo luận công khai, dân chủ về tương lai của ngành.

Năm này qua năm khác, những hội nghị về ngành giáo dục tiếp tục được triệu tập để đưa ra các “ chủ trương lớn”, những biện pháp phải “ được thực hiện ngay”, để rồi... Cho đến bao giờ ?

(Theo SGGP 7 và 8.8, Tuổi Trẻ 11 và 13.8)

Quốc hội mới

Theo tin của uỷ ban bầu cử, Quốc hội mới được bầu ra ngày 19.7 gồm 395 đại biểu (ít hơn khoá trước 101 người), trong đó có 103 đại biểu khoá trước (26,02%), 73 đại biểu nữ và 66 người thuộc các dân tộc thiểu số. 38 đại biểu là quân nhân và 10 người được kể trong diện “cán bộ chính trị” của đảng cộng sản. Trong số 601 người được đưa vào danh sách ứng cử viên sau những lần lọc, lựa của “Mặt trận tổ quốc”, có 538 đảng viên, 61 người được các tổ chức của đảng giới thiệu và 2 ứng cử viên độc lập. 38 người tự ứng cử khác đã bị loại trước (Xem Diễn Đàn số 10). Điều đó dĩ nhiên đã không ngăn cản các quan chức đảng cộng sản khoa trương “ đây là lần bầu cử tự do và dân chủ nhất được tổ chức ở Việt Nam từ trước đến nay”(sic). Trong số các đại biểu mới, có hai nhân vật Việt kiều ở Pháp về nước sau 1975 là các ông Trần Hà Anh, tiến sĩ vật lý làm việc tại nguyên tử lực cuộc Đà Lạt, đắc cử tại đơn vị Đà Lạt và ông Nguyễn Ngọc Trân, phó chủ nhiệm uỷ ban khoa học Nhà nước, tại An Giang. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà có mặt trong các kỳ Quốc hội trước lần này không ra ứng cử.

Quốc hội mới này sẽ họp kỳ đầu tiên ngày 19.9 tới, với nhiệm vụ cử những nhân vật đứng đầu nhà nước. Nếu ông Võ Văn Kiệt có nhiều triển vọng được cử lại trong chức vụ Thủ tướng (dù có nguồn tin nói tới ông Phan Văn Khải, hiện là phó Thủ tướng), việc lựa chọn Chủ tịch nước hình như chưa ngã ngũ giữa ông Lê Đức Anh (đại tướng, đứng số 3 trong bộ chính trị) và tổng bí thư Đỗ Mười.


Kinh tế 6 tháng đầu năm

Theo báo cáo của uỷ ban kế hoạch Nhà nước ngày 2.7, sáu tháng đầu năm 92 sản xuất nông nghiệp đã có những tiến bộ lớn, công nghiệp được hồi phục và lạm phát giảm rõ rệt so với năm trước. Sản lượng thóc lúa đông xuân là 8,8 triệu tấn (sản lượng lương thực quy thóc: 10 triệu tấn), tăng 2 triệu tấn so với 6 tháng đầu năm 91 và 1 triệu tấn so với cùng thời kỳ năm 1990. Giá trị sản lượng công nghiệp tăng 16,6% so với cùng thời kỳ, tiến bộ đáng kể nhất là ở các ngành công nghiệp lớn như dầu mỏ, sắt thép, điện, than, xi măng và phân bón. Theo phó thủ tướng Phan Văn Khải, chủ nhiệm uỷ ban kế hoạch nhà nước, trong một bài trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, tăng trưởng 16 phần trăm đây là “ thật sự vì trong đó không còn khoản bù lỗ”. Điều này không hẳn đúng vì cũng trong bài phỏng vấn ấy, ở một đoạn sau, ông thừa nhận có “ bao cấp đối với một số đơn vị quốc doanh qua lãi suất tín dụng”, tuy ông cho rằng chỉ có “một bộ phận rất nhỏ” được hưởng phần bao cấp đó, cho tới hết năm nay.

Bản báo cáo cũng cho biết còn nhiều khó khăn để đưa sản phẩm nông nghiệp và nhiều mặt hàng hoá khác tới thị trường. Ở các vùng núi vẫn thiếu lương thực và những thị trường truyền thống ngoài nước như các nước thuộc Liên Xô cũ vẫn chưa được mở lại.

Báo cáo đưa ra con số lạm phát hàng tháng là 2,1%, xấp xỉ bằng nửa con số hàng tháng của nửa đầu năm 91. Theo một bài báo Quân đội nhân dân ngày 7.7, lạm phát cả năm 91 là 67%, và năm 92 tỉ lệ này phải được giảm xuống còn khoảng 30 đến 40%. Về mặt tiền tệ, người ta ghi nhận nhà nước đã có những biện pháp can thiệp vào thị trường vàng và ngoại tệ, nhờ đó đồng bạc giữ được giá xấp xỉ 11.000 đồng một đô la từ nhiều tháng nay.

Về cán cân thương mại, bản báo cáo đưa ra con số kim ngạch xuất khẩu 990 triệu đô la, tăng 10,7% so với 6 tháng đầu năm 91, trong khi tổng giá trị nhập khẩu là 828 triệu đô la, giảm 20,7% so với cùng thời kỳ. Kết quả nói trên đạt được chủ yếu là nhờ một số mặt hàng chính: dầu thô (tăng 46%), gạo (123%), than đá (48%), cao su (41%), cà phê (30%).

(Theo AFP 2 và 7.7, Tuổi Trẻ chủ nhật 12.7 và Thời báo kinh tế Sài Gòn 9.7)

An ninh và Nhân sự

Hội nghị trung ương đảng cộng sản Việt Nam họp trong 10 ngày cuối tháng 6 vừa qua đã tập trung bàn về các vấn đề an ninh. Đối ngoại, tình hình căng thẳng với Trung Quốc về vụ Trường Sa (xem bài trong số này) là đề tài chính của các cuộc thảo luận. Tuy nhiên, theo AFP, một nguồn tin chính thức cho biết Hà Nội không tin là có một “âm mưu quốc tế chống Việt Nam”, mà nhấn mạnh hơn về đe dọa từ phía “ những phần tử phản động” người Việt ở nước ngoài, muốn sử dụng việc mở cửa của Việt Nam để làm “mất ổn định”. Thông cáo của kỳ họp nêu bật yêu cầu “tăng cường quốc phòng và an ninh, kiên quyết chống lại những hành động phá hoại (của những lực lượng chống chủ nghĩa xã hội), đề ra mục tiêu cho công tác đối ngoại là “ gìn giữ hoà bình, mở rộng các quan hệ hợp tác và hữu nghị và tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc”.

Kỳ họp cũng đã bàn về các vấn đề nhân sự cho các chức vụ lãnh đạo nhà nước sau cuộc tuyển cử quốc hội tháng 7. Hội nghị đã cử thêm hai uỷ viên ban bí thư: ông Nguyễn Đức Bình, uỷ viên bộ chính trị và trung tướng Lê Khả Phiêu, chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội. Cả hai đều có tiếng là những người bảo thủ.

Ở thành phố HCM, ông Trương Tấn Sang, 43 tuổi, uỷ viên ban chấp hành trung ương ĐCSVN, phó bí thư thường trực thành uỷ được cử làm phó chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố, chuẩn bị thay đương kim chủ tịch, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp bị bệnh kéo dài. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Đua được cử làm bí thư thành đoàn thay ông Lê Văn Nuôi, bị bệnh cứng đầu: được cử làm tổng biên tập báo Tuổi Trẻ vào tháng 5.91 thay bà Kim Hạnh, ông Nuôi đã không uốn nắn lại tờ báo theo ý muốn của thành uỷ.

(Theo AFP 29.6, 1.7 và FEER 16.7, Tuổi Trẻ)

Cát lầy

Cát lầy (Shifting sands, tiếng Pháp: Sables mouvants), là tựa lớn của bài báo trên Tạp chí Kinh tế Viễn đông (FEER) ngày 20.8, nói về việc Ngân hàng nhà nước Việt Nam vừa thay đổi những luật chơi với các ngân hàng nước ngoài đã được phép mở chi nhánh tại Việt Nam.

Theo báo Tuổi Trẻ ra ngày 18.7, ông Nguyễn Công Hải, vụ trưởng Ngân hàng nhà nước Việt Nam, đã xác nhận “ngân hàng nước ngoài trước mắt sẽ hoạt động ở Việt Nam theo một số qui định hạn chế”. Theo những qui định này, các ngân hàng nước ngoài hoạt động ở Việt Nam

– chỉ được phép huy động tiền đồng tối đa là 10% số vốn pháp định (15 triệu đô la), nghĩa là không quá 1,5 triệu đô la và chỉ được phép huy động ngoại tệ của người nước ngoài.

– chỉ được sử dụng 25% vốn pháp định để mua sắm tài sản cố định phục vụ kinh doanh và không được kinh doanh bất động sản.

– chỉ được phép gửi ra ngân hàng mẹ tối đa 30% vốn được cấp khi chưa sử dụng đến, nhưng phải có cam kết của ngân hàng mẹ sẽ chuyển vào Việt Nam khi cần thiết.

– phải gửi 40% vốn vào Ngân hàng nhà nước Việt Nam và phải mua công trái kho bạc.

Điều khoản sau cùng này tương đương với việc ép các ngân hàng nước ngoài cho nhà nước Việt Nam vay một số tiền 6 triệu đô la với lãi suất 2,7% mà ngân hàng Việt Nam dành cho tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ.

Ngoài ra, theo ông Hải, “chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ chịu sự quản lý của Ngân hàng nhà nước Việt Nam bằng các biện pháp quản lý như với ngân hàng trong nước” “ các ngân hàng trong nước sẽ được dành một thời gian để nâng cao năng lực đủ mạnh sau đó mọi ngân hàng sẽ cùng hoạt động trên cơ chế bình đẳng chung”.

Cũng theo FEER , trong số báo đã dẫn, các ngân hàng nước ngoài không được coi như những chủ đầu tư, và do đó không được hưởng chế độ thuế ưu đãi dành cho những nhà kinh doanh nước ngoài khác đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài những phản ứng miệng, chưa có ngân hàng nào tỏ vẻ muốn bỏ rơi việc mở chi nhánh đã được giấy phép.

Cho tới tháng 7 vừa qua, sáu ngân hàng nước ngoài đã được phép mở chi nhánh tại Việt Nam. Indosuez (Pháp) và Bangkok Bank (Thái Lan) đã mở cửa giữa tháng 7. Các ngân hàng khác, ANZ (Úc), Crédit Lyonnais, BFCE và BNP (Pháp) chưa định ngày khai trương. Ngân hàng Đài Loan Cathay Investment and Trust cũng đã được sự chấp thuận về nguyên tắc của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Ba ngân hàng khác đã có văn phòng đại diện tại Việt Nam, Ngân hàng quân sự Thái, Hồng Kông và Thượng Hải (Hồng Kông), Standard Chartered (Anh), cũng đã nộp đơn xin mở chi nhánh hoạt động. Ngoài ra, còn có hai ngân hàng liên doanh giữa Việt Nam và Inđônêxia (Indovina), giữa Việt Nam và Malaixia (VID Public Bank) đã hoạt động.


Chuẩn bị thay đổi các hợp tác xã?

Một hội thảo quốc tế về “Phong trào hợp tác xã Việt Nam” đã được tổ chức trong hai ngày 16-17.7.1992 tại Hà Nội. Hội thảo do hội đồng trung ương các hợp tác xã mua bán Việt Nam phối hợp cùng Liên minh hợp tác xã quốc tế ( ICA) tổ chức. ICA là một tổ chức phi chính phủ thành lập gần 100 năm nay (năm 1895), có chi nhánh ở 79 nước trên thế giới và qui tụ đến hơn 670 triệu thành viên ở cấp cơ sở. Báo Tuổi Trẻ ngày 21.7 đưa tin này, nhấn mạnh yêu cầu “có những hình thức hợp tác mới mang tính tự nguyện và dân chủ đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường”, thay cho những hợp tác xã kiểu cũ đang tan rã vì mang tính áp đặt. Để tạo điều kiện cho các hợp tác xã kiểu mới đó phát triển, tờ báo nói rõ “Cốt yếu nhất là sửa đổi luật đất đai, ban hành luật về hợp tác xã”. Số báo ra ngày 25.7 lại trở lại vấn đề này trong một bài phỏng vấn ông G.K. Sharma, giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của ICA.

* Sửa đổi luật đất đai và luật hợp tác xã trong chiều hướng dân chủ hoá đó hiển nhiên là bước quan trọng để tạo thay đổỉ trong nông nghiệp phía bắc (trong nam, hầu hết các hợp tác xã đã bị giải thể), và còn là một bước quyết định thúc đẩy thay đổi các quan hệ “ phong kiến đỏ” ở nông thôn, những quan hệ làm kìm hãm không ít việc đưa nông nghiệp vào nền kinh tế thị trường. Liệu chính phủ sẽ được cử ra trong tháng 9 này có đủ ý chí và quyền lực cần thiết để thực hiện cải tổ này ?.


Hai dân tộc bị đe doạ diệt vong

Theo một bài báo Nhân Dân ngày 18.8, hai dân tộc ít người nhất ở Việt Nam có thể bị diệt vong trong vài chục năm tới, nếu nhà nước không có những biện pháp giúp đỡ họ. Tờ báo cho biết, số sinh nở của các dân tộc Ro-mam và Brau ở cao nguyên Trung bộ chỉ bằng khoảng một phần ba số người chết đi. Dân tộc Ro-mam hiện còn 46 gia đình, với 212 người. Dân tộc Brau còn 182 người trong 37 gia đình. Cả hai dân tộc sống riêng lẻ, không chung đụng với người Kinh cũng như với các dân tộc miền núi khác, trong những điều kiện sống hết sức khó khăn, nghèo khổ.

(AFP 18.8)

Ma tuý...

Việt Nam, xứ sản xuất nha phiến, đã ký một thoả ước kiểm soát ma túy với Chương trình Liên hiệp quốc kiểm soát ma tuý (PNUCD) ngày 13.8.1992 tại Hà Nội. PNUCD sẽ hợp tác với chính phủ Việt Nam nghiên cứu những vấn đề liên quan đến ma tuý và đề ra những chiến lược, những kế hoạch hành động cụ thể trong hai năm 1992-1993, tiến tới một kế hoạch toàn bộ chống lại sản xuất, mua bán và tiêu thụ ma tuý ở Việt Nam. Thoả ước đã được ký kết giữa các ông Cư Hoà Vần, thứ trưởng phụ trách miền núi và vấn đề dân tộc ít người, và William F. Beachner, giám đốc khu vực của PNUCD. Nha phiến sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là ở các vùng núi phía bắc và tây bắc. Sản lượng không được biết rõ.

Theo báo chí Việt Nam, chỉ riêng tại Hà Nội có khoảng 10.000 người nghiện ma tuý, tiêu thụ tại 300 nhà hút hàng năm khoảng từ 100 đến 150 kg thuốc phiện. Tại thành phố HCM, có khoảng 200 nhà hút thuốc phiện.

(Reuter 3.8 và AFP 13.8)

... Sex...

Ngày 26.6, cảnh sát hình sự thành phố HCM đã kiểm tra và bắt giữ 13 người chủ chốt của một tổ chức “sex tour” có quy mô lớn, đóng tại một quán cà phê mang tên Ánh Dung ở đường Đinh Tiên Hoàng. Khi các đoàn khách nước ngoài có yêu cầu chơi gái, khách sạn nơi họ ở hoặc người hướng dẫn du lịch của đoàn sẽ điện thoại đến số máy quy ước và Ánh Dung điều động gái đến khách sạn để khách chọn. Ánh Dung có cả xe đưa các cô ra những khách sạn ở Vũng Tàu, và còn tổ chức đi lùng những cô gái trẻ dụ ép bán trinh cho khách nước ngoài. Điều tra ban đầu cho thấy có gần 100 gái mại dâm hoạt động trong tổ chức này. Đứng đầu tổ chức là một tú bà mang tên Nguyễn Thị Kim Sương, 48 tuổi, một người đã có 14 tiền án về mại dâm và môi giới mại dâm. Năm người con, một người em của Kim Sương nắm những đầu mối của tổ chức.

Cuối tháng 8, toà án TPHCM đã tuyên án 10 năm tù tú bà Nguyễn Thị Tốt, chủ quán cà phê Bambi, bị bắt hồi tháng giêng cũng vì tội tổ chức “sex tour”. Theo những ước tính từng được đưa ra trên báo chí, khoảng 60.000 gái điếm đang hoạt động tại thành phố

(Tuổi Trẻ 21.7, AFP 29.7 và 25.8)

Cờ bạc...

Theo tờ báo tiếng Anh Saigon News Reader ngày 25.8, chính phủ Hà Nội đã quyết định đóng cửa tất cả các casino và phòng chơi cờ bạc bằng máy, chỉ trừ một casino nhỏ dành cho khách nước ngoài ở Đồ Sơn tiếp tục được hoạt động.

Từ đầu năm nay, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Lạt, các máy chơi cờ bạc được mở tràn lan. Ngày 24.7, TPHCM cũng đã quyết định cấm sử dụng và kinh doanh các loại máy này.

(Tuổi Trẻ 28.7, AFP 25.8)

... Và cướp bóc

Ngày 31.7, một phiên toà sơ thẩm của Toà án nhân dân thành phố HCM đã xử án một băng cướp mang tên “Tốc độ”, từng gây kinh hoàng trên đường phố trong 43 vụ cướp từ tháng 7 đến tháng 10.1990. Toà đã tuyên án 18 phạm nhân bị tù giam từ 2 đến 13 năm và 5 phạm nhân bị tù treo. Một trong những tên trùm của băng cướp, Đỗ Hồng Lê, bị 9 năm tù và sẽ còn phải ra toà lần nữa về những tội trạng “giết người, cướp tài sản công dân, tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép”. Lê phạm những tội sau này trong thời gian được gia đình bảo lãnh “tại ngoại hầu tra”, gần một năm sau khi bị bắt với băng cướp “Tốc độ”.! Theo báo Tuổi Trẻ, khi vừa được tại ngoại, ông Đỗ Liệt Hùng, cha Lê, phó tổng giám đốc tổng công ty lương thực miền Nam, đã mua ngay cho con một chiếc môtô CB bạc 125 trị giá gần 5 cây vàng và một sợi dây chuyền một lượng vàng nhân dịp Tết. Ra khỏi trại giam, Lê đã mau chóng tập hợp một băng đảng mới, gồm 30 thanh niên toàn là con em các gia đình khá giả và cán bộ, thực hiện nhiều vụ cướp với môtô và súng AK trong hai tháng 1 và 2.92 trước khi bị bắt lần nữa.

(Tuổi Trẻ 1 và 6.8)

Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường

Cùng với việc đổ quân lên hai đảo ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã tràn ngập thị trường hàng hoá Việt Nam với những mặt hàng tiêu thụ như vải, đồ điện, bia, giày, v.v... Trong tháng 7, vài triệu bao đay Trung Quốc đã có mặt tại thị trường thành phố HCM, với giá bán khoảng 4.900 đồng / cái; rẻ hơn bao đay sản xuất trong nước gần 1000 đồng / cái. Đồ chơi TQ chiếm 90% ở chợ Kim Biên, bánh kẹo TQ chiếm 70% ở chợ Tôn Thất Đạm, nồi cơm điện TQ chiếm 60% ở cửa hàng Bách hoá tổng hợp và chợ Kim Biên, v.v...

Theo những người có trách nhiệm trong Ban chỉ đạo quản lý thị trường thành phố hay Chi cục Tiêu chuẩn đo lường - Chất lượng sản phẩm, phần lớn những mặt hàng đó là hàng hoá của các tỉnh phía Nam Trung Quốc, được sản xuất ở dạng qui mô công nghiệp nhỏ, chất lượng không hơn, thậm chí còn thua hàng sản xuất ở thành phố. Tuy nhiên, do nhập lậu, không phải chịu một thứ thuế nào, những mặt hàng đó vẫn lấn áp hàng trong nước trên thị trường.

Những tin trên đây chưa kể đến thị trường miền bắc, khi viết tin này chúng tôi không có số liệu...

(Tuổi Trẻ 25.7, 11.8 và SGGP 27.7)

Hai gia đình Việt Nam bị thảm sát ở Cam bốt

Một nhóm 30 người Khmer vũ trang đã vào làng Tuk Meas ở miền Đông Nam Campuchia và thảm sát dã man hai gia đình Việt Nam ở đây. Một em bé sơ sinh mới được 7 ngày đã bị giằng khỏi vòng tay bà mẹ và ném xuống đất trước khi bọn sát nhân giết cả hai người. Tại gia đình thứ hai, một người đàn ông 30 tuổi bị mổ bụng. Ba người cháu của ông ta, từ 9 tới 16 tuổi bị giết bằng súng, đứa cháu thứ tư, 7 tuổi đã bị bổ vỡ đầu. Sau gần một tháng điều tra, Cơ quan quyền lực lâm thời Liên hiệp quốc tại Cam-bốt (APRONUC) đã lên án Khmer đỏ là thủ phạm vụ thảm sát. Tuy nhiên, cũng có những tin đồn là quân chính phủ Phnom Pênh có thể đã gây ra vụ thảm sát này. Cuộc điều tra còn tiếp diễn. Theo nhiều nhà quan sát, khi quân Liên hiệp quốc đã hoàn thành nhiệm vụ, rút khỏi Cam-bốt trong vài tháng tới, có rất nhiều nguy cơ đe doạ người Việt Nam ở đây.

(AFP 23.7 và 20.8)

Việt Nam ký Hiệp định Bali

Trong cuộc họp lần thứ 25 của các ngoại trưởng các nước ASEAN tại Manila, thủ đô Philipin, khai mạc ngày 21.7, Việt Nam (do ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đại diện) và Lào sẽ ký kết với các nước ASEAN Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (gọi tắt là Hiệp ước Bali). Hiệp ước này đề ra 6 nguyên tắc cơ bản chung sống và hợp tác giữa các nước Đông Nam Á, do 5 nước sáng lập viên ASEAN ký kết tại Hội nghị cấp cao lần đầu tiên của ASEAN họp tại Bali (Inđônêxia) ngày 24.2.1992. Ký Hiệp ước Bali là một bước đầu trong quá trình hội nhập vào ASEAN. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao ASEAN cho rằng, từ đây tới lúc hai nước Đông Dương gia nhập tổ chức này còn một thời gian khá dài nữa.

Quan hệ giữa Việt Nam và các nước ASEAN hè vừa qua cũng được đánh dấu bằng những trùng hợp trong ý muốn giải quyết các tranh chấp ở biển Đông thông qua con đường thương lượng (xem bài trong số này). Đầu tháng 8, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi thăm không chính thức Mailaixia, Inđônêxia và Thái Lan.

(Tuổi Trẻ 21.7, AFP 21.7)

Nga - Việt: quan hệ mới

Một phái đoàn chính phủ Nga do phó thủ tướng Valeri Makharadze đã tới Việt Nam cuối tháng 7 để tham dự phiên họp đầu tiên của uỷ ban hỗn hợp Nga - Việt. Phiên họp được ông Makharadze đánh giá là “ căng thẳng nhưng bổ ích” vì một khung cảnh pháp lý mới đã đạt được cho quan hệ giữa hai nước. Một hiệp định hợp tác khoa học và kỹ thuật, một về ngân hàng và một trong lĩnh vực lao động và xã hội đã được ký kết. Hiệp định này có ba văn kiện phụ lục kèm theo, trong đó theo ông Makharadze “một số giải pháp nhằm giải quyết tình hình bế tắc trong thanh toán giữa hai nước” đã được vạch ra. Theo một nhà ngoại giao Nga, “bế tắc” nói trên liên quan tới việc hai bên không đồng ý về tỷ suất hối đoái áp dụng cho món tiền 10 tỉ rúp mà Việt Nam nợ của Liên Xô cũ. Ngoài ra, phần của Nga là bao nhiêu trong món nợ ấy cũng chưa được xác định. Theo dự tính, hai bên cũng sẽ ký kết một hiệp định về hàng hải và đánh cá.

Vấn đề khác hai bên chưa thoả thuận liên quan tới vai trò của Nga ở căn cứ hải quân Cam Ranh. Phía Nga tỏ ý muốn tiếp tục được sử dụng căn cứ nhưng Việt Nam không mặn mà với ý này lắm.

(AFP 22.7, 1.8 và Thời báo Kinh tế Sài gòn 6.8)

Pháp – Việt: nhiều hiệp định hợp tác

Bộ trưởng Thiết bị - Vận tải và Nhà ở Pháp, ông Jean-Louis Bianco và thứ trưởng phụ trách Pháp ngôn (Francophonie) Catherine Tasca, trong chuyến đi thăm chính thức Việt Nam cuối tháng 8 đã ký kết nhiều Hiệp định hợp tác với chính phủ Việt Nam.

Hai hiệp định ký với bộ trưởng vận tải và bưu điện Bùi Danh Lưu và bộ trưởng xây dựng Ngô Xuân Lộc bao gồm vài chục dự án hợp tác cụ thể về việc tân trang các sân bay, quy hoạch các cảng, xây dựng cầu đường, khách sạn, sản xuất vật liệu xây dựng, cũng như việc soạn thảo các chính sách đô thị.

Trong các dự án đó: Xây một cầu mới qua sông Gianh, mở rộng đường số 5 nối Hà Nội với Hải Phòng, tân trang các cầu trên quốc lộ số 1... Ông Bianco ước tính vốn đầu tư cho các dự án hợp tác vào khoảng “ vài tỉ quan Pháp” (plusieurs milliards de francs). Tuy nhiên, một số dự án ưu tiên, với giá trị khoảng 250 triệu quan, có thể được bắt đầu thi hành ngay trong năm nay hoặc đầu năm tới.

Về phần mình, bà Tasca cho biết chính phủ Pháp đã quyết định tăng phương tiện tài chính cho các chương trình hợp tác văn hoá từ 23 triệu FF năm 1988 lên 50 triệu cho năm nay. Một thoả ước hợp tác giữa hai đài truyền hình A2 và FR3 với đài truyền hình Việt Nam đã được ký kết. Ngoài ra, 3 trường trung học song ngữ thí điểm sẽ được mở ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn.

(AFP 23 và 24.8)

Đức - Việt

Tổ chức hỗ trợ đoàn kết quốc tế Đức, gọi tắt là SODI đã quyết định tài trợ 700.000 đô la cho nhiều dự án nhân đạo ở Việt Nam: cải thiện bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), Quỳnh Lưu (Nghệ An); xây dựng hệ thống thuỷ lợi Trung Hưng (Hà Tây) và hệ thống nước sạch ở Vinh (Nghệ An), v.v...

Ngoài ra, hai cơ quan Đức DAAZ và GTZ (Trao đổi hàn lâm và Hợp tác kỹ thuật) cũng đã phối hợp tài trợ cho đại học Bách khoa TPHCM các thiết bị máy tính điện tử trị giá 70.000 Đức Mã để trang bị một phòng tính toán cơ học. DAAZ còn cử giáo sư Nguyễn Lương Dũng (đại học Hamburg) sang giúp đại học Bách Khoa trong hai năm.


ONG

Hội nghị các tổ chức phi chính phủ (ONG, organisations non gouvernementales) hoạt động ở Việt Nam, Cam-bốt và Lào vừa họp lần thứ ba tại New York trong tháng 6 vừa qua (12-16/6/92) qui tụ đại diện các chính phủ Hoa Kỳ, Việt Nam, Cam-bốt, Lào, các tổ chức Cao uỷ tị nạn (HCR), Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (PNUDP) và khoảng gần 100 ONG cùng nhiều trường đại học Mỹ. Đặc biệt trong kỳ họp này có hội đoàn ở Pháp tham dự. Bà Marie Huhtala đại diện Bộ ngoại giao Mỹ đã nêu những điểm thay đổi chính sách của chính quyền Hoa Kỳ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhân đạo tại ba nước Đông Dương, riêng đối với Việt Nam từ cuối tháng 4/1992, Mỹ bắt đầu cấp giấy phép xuất cảng hàng hoá có tác dụng trong lĩnh vực nhân đạo như thuốc men, dụng cụ y khoa, hạt giống, thuốc trừ sâu, máy nông nghiệp, máy phát điện, v.v...


Tin ngắn

* Ngày 11.7, uỷ ban nhân dân TPHCM đã quyết định “ giải toả di chuyển toàn bộ tài sản và các hộ dân cư” trên một khu vực 300 hecta ở Lâm viên Thủ Đức và 5 ha ở cầu Rạch Chiếc để xây dựng sân golf theo hợp đồng đầu tư với công ty Đài Loan FIIC. Trong hợp đồng này, FIIC phải bỏ ra 2,3 triệu đô la dành riêng cho việc đền bù giải toả. Nhiều nhân vật ở Sài Gòn như nhà lâm học Thái Văn Trừng đã lên tiếng chống lại việc xây sân golf (phá rừng, hao nước).

* Sáu tháng đầu năm 1992 có 52 thanh niên TPHCM được cấp hộ chiếu du học tự túc có bảo lãnh, năm 1991 có 110 người. Ngày 23.7, hội đồng bộ trưởng đã ra một chỉ thị mở rộng việc du học. Ngoài diện học bổng của các chính phủ, bảo lãnh của thân nhân, từ nay các ngành, địa phương, tổ chức kinh tế... có thể cử người đi du học theo các kế hoạch hợp tác với nước ngoài.

* Chính phủ Luân Đôn đã quyết định mở tổng lãnh sự quán ở TPHCM tại cơ sở cũ của đại sứ quán Anh. Thái Lan và Trung Quốc cũng sắp mở tổng lãnh sự tại thành phố, tiếp theo 11 nước khác.

* Vua Bỉ Baudoin đã nhờ bác sĩ Pháp Alain Carpentier, người giải phẫu tim cho nhà vua, chuyển tặng 100.000 quan Pháp cho Viện tim TPHCM mà bác sĩ Carpentier đã tham gia thành lập.

* Mạng lưới điện thành phố Qui Nhơn sẽ được nâng cấp với sự tài trợ thiết bị của Thuỵ Điển (9 triệu Cua-ron) và kinh phí xây lắp do bộ Năng lượng VN đầu tư (8 tỷ đồng).

* Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã sẵn sàng, khi được đèn xanh (Mỹ bỏ cấm vận), cho Việt Nam vay, bước đầu từ 150 tới 200 triệu đô la phục vụ một số đề án mà ADB đã chuẩn bị, như xây dựng thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long (80 triệu đô la), xây lại quốc lộ Sài Gòn - Nha Trang (80 triệu), v.v...

* Việt Nam đã tham dự Thế vận hội 92 tại Barcelona với 7 vận động viên, 5 nữ (2 bơi lội, 1 chạy bộ, 1 chạy rào, 1 maratông) và 2 nam (bắn súng, chạy maratông). Người duy nhất đạt mục tiêu đề ra cho các vận động viên (hoà hợp và tự thắng mình) là Nguyễn Kiều Oanh với một kỷ lục quốc gia mới về môn bơi 100 mét bướm, với thành tích 1'05"19.

* Uỷ ban Mỹ hợp tác khoa học với Việt Nam và uỷ ban khoa học nhà nước VN đã ký thoả ước hợp tác năm năm lần thứ hai (1992 - 1996), gồm 46 chương trình. Năm 1991, 78 nhà khoa học Việt Nam đã đi thăm và tới làm việc tại Mỹ (từ 2 tuần đến 2 năm) và 40 nhà khoa học Mỹ đã sang Việt Nam.

* Chính phủ Canberra (Úc) đã quyết định một khoản viện trợ 2,4 triệu đô la giúp Việt Nam trong chương trình chống bệnh sốt rét. Hàng năm vẫn có từ 1 tới 3 triệu người mắc bệnh sốt rét ở Việt Nam, với tỉ lệ một phần ngàn người chết.

* Trung tâm đào tạo quản lý Pháp - Việt sẽ khai giảng vào tháng 9 tại Hà Nội với 40 học viên được tuyển từ 109 thí sinh ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Công tác giảng huấn do Phòng thương mại Paris và một số giáo sư Việt Nam phụ trách. Hà Nội cũng đã được chọn làm nơi đón tiếp Viện Tin học tiếng Pháp của Hiệp hội các nước sử dụng tiếng Pháp. Đây là cơ sở đại học quốc tế đầu tiên đặt tại Việt Nam. Nước chủ nhà sẽ cung cấp trường ốc, hai nước tài trợ chính là Pháp và Canada. Theo dự kiến, Viện sẽ bắt đầu tiếp học viên từ năm học 1993 - 1994.

* Ngày 28.7, Ngân hàng Nhà nước VN đã quyết định giảm lãi suất tiền vay và tiền gửi tại các ngân hàng trong nước kể từ 1.8.1992. Quyết định này hoàn toàn xoá bỏ sự khác biệt về lãi suất cho vay đối với các khu vực kinh tế quốc doanh và ngoài quốc doanh.

* Một chuyến du lịch xuyên Việt bằng xe môtô Harley sẽ được tổ chức từ ngày 29.9 tới 10.10.1992. Theo Tổng công ty du lịch Việt Nam, tham dự chuyến viễn du sẽ có hơn 20 khách Pháp, Mỹ và Nga. Một số minh tinh Pháp như Béatrice Dalle, Leo, Pierre Richard, v.v... đã ghi tên tham dự. Người tham dự phải đóng 6.000 đôla, 3.500 đôla hay 800 đôla tuỳ theo là du khách nước ngoài, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam hay là người Việt Nam!

* Học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế năm nay đã đạt kết quả tốt trong các môn toán (một giải nhất, hai nhì và ba giải ba) và tin học (một huy chương vàng, một bạc và hai đồng). Ngược lại, trong môn Vật Lý đội tuyển Việt Nam không đoạt được giải nào.

* Đèn đường, dây điện bị mất cắp ở TPHCM trong 7 tháng vừa qua trị giá suýt soát kinh phí đầu tư cho năm 1992 để xây dựng mới 15 công trình chiếu sáng, bằng 310 triệu đồng! Kinh phí chung của sở điện lực thành phố cho các công trình sửa chữa lớn và cải tạo lưới điện trong năm 1992 là 30 tỉ đồng.


Dọn nhà

Một vị dân biểu mới có nhà ở gần một khu điếm do một viên trung uý làm đầu nậu. Cử tri có người hỏi sau khi đắc cử ông sẽ làm gì để giúp dân dẹp tệ nạn này.Vấn đề khá tế nhị, vì viên trung uý với ông vốn là chỗ thâm giao. Sau nhiều đêm suy nghĩ, đọc sách cổ kim, ông chợt nhớ tới bài học của thầy Mạnh Tử xưa. Ngay sau khi đắc cử, ông dân biểu đã dọn nhà! (Theo FEER, 20.8)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss