Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 11 / dân tộc và dân chủ

dân tộc và dân chủ

- Đặng Tiến — published 02/11/2010 00:00, cập nhật lần cuối 11/12/2010 22:02

dân tộc và dân chủ

Đặng Tiến

Thử đặt vấn đề: trong hoàn cảnh nào tinh thần dân tộc thúc đẩy vận trình dân chủ, và ngược lại, đến chừng mực nào thì cũng tinh thần dân tộc ấy làm trở ngại bước tiến của dân chủ?

Chưa đợi chờ những giải đáp, dĩ nhiên là phức tạp, chỉ mới nêu vấn đề lên thôi, là đã xốn xang, cấn cái, vì là đã mặc nhiên ẩn dụ mặt tiêu cực của tinh thần dân tộc vốn là địa hạt cấm kỵ, thiêng liêng của dư luận, bên này hay bên kia, từ những kẻ tự hào đã giành lại được quyền làm chủ đất nước, đến những kẻ tự xưng là mất nước. Nhưng vì tương lai xứ sở, đến một lúc nào đó đành phải nói thẳng một số chuyện với nhau mà thôi.

Bây giờ là lúc phải đặt vấn đề như vậy, trước một thế giới đang thay đổi rất nhanh – và khái niệm dân tộc do đó cũng biến chất – trước sự đổ vỡ của chế độ cộng sản tại Đông Âu, trước sự suy thoái không cưỡng lại được của Việt Nam – một chính quyền đang lẩy bẩy tìm đường tự cứu. Cuộc tranh chấp đẫm máu giữa các dân tộc vùng Balkans, chủ yếu là Nam Tư cũ, là một đám cháy lớn có sức soi đường và cảnh giác nhiều dân tộc khác.

Về mặt tâm cảm, tinh thần dân tộc là một trái tim ăm ắp, sôi nổi, thiết tha, có lúc cao cả, bao la, có khi dịu dàng, sâu lắng; nó là lẽ sống của nhiều người, có thể là nhiều thế hệ Việt Nam. Thế nhưng về mặt chính trị, nó lại là cái hộp rỗng, ai muốn bỏ gì vào đó cũng được. Hitler đã dùng tình tự dân tộc để xây dựng nên chế độ tàn bạo nhất trong lịch sử loài người; tại Pháp năm 1940, hai ông De Gaulle và Pétain đều nhân danh dân tộc để chọn hai con đường hoàn toàn đối nghịch. Tại Việt Nam, cả hai ông Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm đều tự nhận – và công nhận lẫn nhau – là người yêu nước, và đã đưa đất nước vào hai khối liên minh quân sự thù nghịch mà hậu quả thì chúng ta đều biết. Vậy con người thiết tha với quyền lợi thực sự và dài hạn của đất nước phải đề phòng tác dụng chính trị của hai chữ dân tộc.

Tại Việt Nam, tinh thần dân tộc đã giúp toàn dân bảo vệ được biên giới: không có tinh thần dân tộc thì không còn nước Việt Nam, và không còn chúng ta để nói chuyện với nhau. Suốt thế kỷ vừa qua, dân tộc ta phải trường kỳ tranh đấu cho quyền dân tộc tự quyết, chống lại thực dân, một chế độ phi dân chủ từ bản chất. Độc lập quốc gia là cơ bản của dân chủ; các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám có thể không có khái niệm gì về dân chủ, nhưng cuộc chiến đấu của họ, dù cho thất bại, vẫn mở những nẻo đường cho dân chủ. Khi Nguyễn Thái Học và các đồng chí trên đoạn đầu đài, hô “Việt Nam muôn năm” là đã thét lên những tiếng thống thiết gào gọi dân chủ – quyền người dân làm chủ đất nước của mình.

Đất nước chúng ta, từ cuộc cách mạng tháng tám 1945 đến Hiệp định Genève thiết lập chế độ cộng hoà tại miền Nam, đến cuộc thống nhất 1975, đã có những cơ hội thực hiện dân chủ, mà chúng ta đã bỏ lỡ. Lên án những người lãnh đạo thì cũng dễ thôi, và nhàm; có lẽ cần phân tích lại những khó khăn khách quan vào những thời điểm đó, mà dân tộc ta chưa đủ ý chí dân chủ để vượt qua. Hiện nay, vào cuối thế kỷ XX, chúng ta đang có sự đồng thuận và những điều kiện thuận lợi cho dân chủ, trước sự đổ vỡ của chế độ cộng sản, chúng ta có biết vận dụng tinh thần dân tộc, vốn rất mạnh ở người Việt Nam để tiến hành dân chủ hay không, như tại Hung Gia Lợi từ 1956, đến Ba Lan, Tiệp Khắc... gần đây? Thậm chí tinh thần dân tộc đã phá vỡ cả một cơ chế nhà nước thuộc loại vững mạnh nhất trong lịch sử nhân loại là Liên bang Xôviết – vì tính chất xôviết phi dân chủ vừa hạn chế tính dân tộc và quyền làm người và kìm hãm kinh tế. Cần phân biệt khuynh hướng dân tộc dân chủ của Boris Eltsine khi ông loại trừ chế độ và chính đảng cộng sản ra khỏi nước Nga và tinh thần Đại Nga của Staline từ 1935 về sau, một chính sách sắt máu mà Krushev đã tố giác trong báo cáo 1956.

Krushev có nhắc lại lời Staline về vụ xung đột với Nam Tư khoảng 1950: “Tôi chỉ cần giơ lên ngón tay út là sẽ không còn Titô (...)”, “nhưng Titô vẫn không đổ, vì sau lưng Titô có cả một dân tộc được tôi luyện trong trường chiến đấu cho tự do và độc lập...” – lời bàn của Krushev. Tinh thần dân tộc làm cái khung cho dân chủ, lịch sử nhân loại đã nhiều lần chứng minh điều đó. Dân chủ là một giá trị chung cho nhân loại, nhưng phát triển trong những điều kiện quốc gia, dân tộc nhất định. Tại Việt Nam hiện nay, những đòi hỏi dân chủ quyết liệt nhất như của Dương Thu Hương chẳng hạn đều dựa vào tình cảm và quyền lợi của dân tộc. Nhưng có khi tinh thần dân tộc, ngược lại làm trở ngại việc tiến hành dân chủ, vì rất nhiều lý do.

Chuyện xưa kể lại rằng có người nước Sở mất cây cung, ngỏ lời than vãn; và được an ủi: “ của người nước Sở mất đi thì người nước Sở được lại, có sao đâu”. Khổng Tử biết chuyện, nhận xét: của người này mất đi thì người kia được lại. Cần gì phải nói là người nước Sở.

Người nước Sở thời ấy không hẳn là một dân tộc, nhưng nhắc tới chữ dân tộc ngày nay. Sau này Voltaire, vốn thán phục tư tưởng Trung Hoa, có lần nói đại khái “muốn cho tổ quốc mình vinh quang là cầu mong tai hoạ cho các lân bang”. Qua chuyện ngụ ngôn về cây cung của người nước Sở, Khổng Tử đã có cái nhìn xa, đối lập tinh thần quốc gia hẹp hòi với tinh thần nhân loại rộng mở, làm nền cho ánh sáng dân chủ về sau. Dân chủ dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa con người, giữa những giai tầng xã hội, giữa những quốc gia. Nguyên tắc bình đẳng, bình quyền ấy tổ chức, ổn định trật tự xã hội, quốc gia và quốc tế là giá trị chung cho nhân loại, không phân biệt chủng tộc và quốc gia. Nó hàm ý rằng mọi con người, qua mọi chủng tộc và xã hội, đều có những cá tính giống nhau, tốt và xấu; dân chủ là một tham vọng chung tạo một xã hội hoà đồng có khả năng giới hạn cái xấu chung, như ích kỷ và cuồng tín, để phát huy cái tốt chung như tinh thần bình đẳng và bác ái. Dân chủ là một nguyên tắc đại đồng (universel) đối lập với dân tộc là một nguyên tắc tiểu dị. Dù rằng cái tiểu dị đó, trên kinh tuyến này hay dưới vĩ tuyến kia, có mang những màu sắc hấp dẫn và những âm hao quyến rũ.

Dân chủ là hoà đồng, đối lập với dân tộc là kỳ thị. Chủ nghĩa dân tộc và chủng tộc đã có lần đưa nhân loại đến một chế độ tàn bạo và quái đản như chế độ quốc xã của Hitler; bệnh điên loạn của Hitler một mình nó không đủ để giải thích những tàn bạo của cả một chế độ được đông đảo quần chúng sùng bái, khi mà bộ mặt tàn ác của nó đã lộ liễu từ 1934-1935. Về Staline cũng vậy thôi: Krushev đã giải thích bằng não trạng bệnh hoạn của Staline, kẻ khác quy tội vào cơ chế cộng sản; nhưng làm sao một dân tộc lớn lao và hiếu hoà như Nga-la-tư lại chịu đựng một chế độ như thế nếu không bị giới hạn trong những điều kiện tâm lý và lịch sử nhất định? Còn chúng ta thì sao? Một dân tộc tự xưng con Rồng cháu Tiên, có bốn nghìn năm văn hiến, sao lại cúi rạp mình hát từ Hồ Chí Minh muôn năm đến Ngô Tổng thống muôn năm? Quy tội cho hai chữ “cộng sản” hay “độc tài” thôi, có phải là dễ dãi quá không?

Một tâm hồn nghệ sĩ phóng khoáng như Trịnh Công Sơn mà cũng dặn đi dặn lại thế hệ mai sau “chớ quên màu da, chớ quên màu da”, một kẻ giang hồ bốn biển năm châu như Phạm Duy mà lúc xế chiều còn hát lời “ chim Hồng chim Lạc”; một tâm hồn tiến bộ, quyết liệt như Dương Thu Hương mà chỉ biết “quyền lợi dân tộc là tối thượng”; một kẻ tân thời như cô bé Trân Sa, hải ngoại chi tài hoa, mới đây khi khai sinh một tờ báo tiến bộ, cũng đã đèo bòng một cái tên rất đa mang là Trăm C on; thì chúng ta nên lo. Dù rằng lời nọ câu kia cần được đặt lại trong những bối cảnh đặc biệt, dù rằng cả bốn tác giả đều là những chiến sĩ kiên trì của tự do dân chủ, chúng ta cần đề phòng: ám ảnh dân tộc liệu có giới hạn tầm suy nghĩ và lý luận hay không? Một lý luận đúng, ngày nay, có cần tự giới hạn trong khung dân tộc hay không?

Tại Việt Nam, cũng như các nơi khác, ý thức dân tộc xuất hiện muộn màng. Dân tộc có trước quốc gia, nhưng ý thức dân tộc nảy sinh ra từ khung cảnh quốc gia rồi về sau và ngược lại, bồi dưỡng, bảo vệ và phát huy ý thức quốc gia. Lý Thường Kiệt nói đến “ Nam quốc sơn hà” mà không nhắc gì đến dân tộc; khi vua Lý nói “ yêu dân như yêu con” là nghĩ đến dân chúng do mình cai trị chứ không phải dân tộc. Trần Hưng Đạo là người sử dụng chiến tranh nhân dân có ý thức, có lý thuyết rạch ròi, biết dùng nhân dân làm kế “thanh dã” (vườn không nhà trống), vẫn không dùng chữ dân tộc. Nguyễn Trãi, trong tác phẩm, dùng đến 155 lần chữ dân vẫn trong nghĩa nhân dân, dù rằng ông đã có ý thức dân tộc qua những từ “văn hiến”, “phong tục” trong Bình Ngô đại cáo. Có lẽ chúng ta sớm có hai khái niệm dân (dân chúng) và tộc (theo nghĩa Lạc Hồng, Giao chỉ) còn khái niệm dân tộc mới được tiếp thu và phát huy tác dụng sau này thôi (Có lẽ nên phân biệt ý thức dân tộc – conscience nationale – sớm hơn, với ý thức về dân tộc – conscience de la nation – chính xác hơn).

Chúng ta là con Rồng cháu Tiên: đẹp, và hùng tráng. Rồng Tiên còn có quyền thiên biến vạn hoá, chỉ tiếc rằng là hữu danh vô thực. Có tiếng mà không có miếng là số kiếp Việt Nam. Nhận mình là con Rồng cháu Tiên là kỳ thị chủng tộc; niềm tự hào bề ngoài và ồn ào ấy có lẽ là mặc cảm tự ti của một dân tộc nhược tiểu, một phản ứng đối kháng với những chủng tộc mạnh hơn từ phương Bắc rồi phương Tây luôn luôn tìm cách xâm lấn; trong lịch sử, tính cách kỳ thị đó có vai trò tích cực trong công việc bảo vệ đất nước và bản sắc dân tộc, nhưng trong bối cảnh quốc tế mới hiện nay, những thái độ kỳ thị, tự tôn hay tự ti, đều mang tính chất phản tiến hoá, phi dân chủ.

Tình tự dân tộc, bắt nguồn từ những xã hội nông nghiệp, dựa vào truyền thống, hướng về quá khứ; tư tưởng dân chủ, phát sinh từ những xã hội công nghiệp, dựa vào phát triển khoa học, hướng về tương lai. Tình tự dân tộc, từ bản chất của nó, phải bảo thủ: bảo thủ để tồn tại. Tư tưởng dân chủ phải cấp tiến, nó không có khuôn mẫu, nó phải có khả năng mỗi ngày một biến đổi, mỗi ngày một cải biến; dân chủ thường xuyên tự huỷ để tiến bộ, tiến bộ để tồn tại, trong khi đó, tình tự dân tộc, muốn tiến bộ, phải làm “cách mạng”, phải dùng bạo lực, từ đó dễ kết hợp với những tư trào độc tài, toàn trị, quân phiệt, phong kiến. Khuynh hướng phong kiến, độc tài trong con người Ngô Đình Diệm thoải mái trong khăn đen áo dài, nghi thức lễ bái, cá bống kho tiêu; nó lấn át ý muốn dân chủ không phải là không có trong ông. Ông Hồ Chí Minh thì lanh quanh trong mấy chữ trung với hiếu, bác với cháu. Xưng bác với nhân dân là phi dân chủ.

Chế độ dân chủ không lưu luyến gì đến quá khứ không mấy hấp dẫn của mình: hôm qua bao giờ cũng thua kém hôm nay và ngày mai; thậm chí mỗi hôm qua còn là một nhầm lẫn đối với hôm nay và ngày mai. Không vướng mắc với dĩ vãng, con người dân chủ không sùng bái anh hùng hôm qua cũng như không tôn thờ thần tượng hôm nay. Trong thế chiến, Churchill và De Gaulle là những lãnh tụ anh hùng; sau chiến thắng, hai dân tộc dân chủ Anh, Pháp đã từ khước hai vị anh hùng; trong khi những dân tộc không dân chủ tiếp tục sùng bái Staline, Mao Trạch Đông hay Tưởng Giới Thạch, chưa kể đến những vĩ nhân chiếu dưới. Chủ nghĩa dân tộc đắm mình trong lịch sử, hô hấp những chiến bại để tồn tại, nhấm nháp những chiến công để trưởng thành, cần kẻ phản bội để tự khẳng định, cần anh hùng để ô hợp, trong gian nguy thì chờ đợi cứu tinh, kẻ có “mệnh trời”. Một chính khách, nắm rõ tâm lý đó, đã đổi bí danh Nguyễn Ái Quốc quen thuộc thành một bí danh Hồ Chí Minh xa lạ, và được sùng bái ngay. Năm 1954 hàng vạn người tung hô Ngô Đình Diệm mà không cần biết chương trình chính trị. Những lý luận chính trị khúc chiết nhất chưa chắc đã ăn khách hơn vài ba vần vè sấm ký. Học giả Paul Mus cho rằng năm 1945 Hồ Chí Minh được lòng người, phần nào nhờ khuôn mặt dài – và nhọn như ngọn lửa cách mệnh, mệnh hoả – đối lập với khuôn mặt tròn bầu bĩnh của Bảo Đại, mệnh thuỷ. Nghe như giễu, tuy biết rằng Paul Mus không biết giễu.

Tình cảm dân tộc phát sinh từ nông nghiệp và nông thôn, từ mạch đất vươn cao lên đỉnh trời, sau những luỹ tre. Tinh thần dân chủ phát sinh từ công nghiệp và đô thị, đi dọc ngang từ Tây sang Đông vượt qua thành luỹ và biên giới như ngọn gió san bằng những bất công, và truyền đi một thông điệp duy nhất cho toàn thể loài người bình đẳng. Dân tộc là địa hạt của tình cảm, của tâm linh và gần với tôn giáo, thường kết hợp với tôn giáo và có khi thay thế tôn giáo. Người ta tuẫn quốc cũng như tuẫn đạo trước “điện xã tắc” của triều đình phong kiến hay bàn thờ tổ quốc nghi ngút khói hương. Dân chủ là địa hạt của lý luận của lẽ phải, gần với khoa học và tiến bộ. Những kẻ hy sinh cho dân chủ ít hy vọng trở thành “liệt sĩ” được “tổ quốc ghi ơn”, vì lịch sử dân chủ vốn kém trí nhớ. Tinh thần dân tộc dựa trên huyền thoại và huyết thống tạo ra tình đoàn kết, giữa “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, nhưng cũng có thể đưa đến quá khích; dân chủ là sự liên đới huynh đệ không cần huyết thống và truyền thống, bắt đầu bằng quốc gia để vượt biên giới quốc gia như lời hát chàng Trịnh Công Sơn “ yêu quê hương nên yêu người yếu kém”, trong tình bốn biển anh em. Con người dân tộc kỳ thị với kẻ không cùng chủng tộc đã đành, mà trong một chủng tộc cũng kỳ thị: đối với “người dưng” thì phải... dửng dưng; có chút tình cảm nào đó là khả nghi, là không chính đáng. Người xa đến lập nghiệp trong làng thì gọi là “dân ngụ cư” phải sống bên lề thôn xã. Đi xa gặp người cùng làng, cùng tỉnh thì tay bắt mặt mừng lập hội đồng hương. Cùng lắm mới phải dời quê “tha phương cầu thực” và trả lời theo giọng Bùi Giáng: “Hỏi rằng người ở quê đâu – Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà”; đi đâu cũng mang theo “cái gốc” như lời Võ Phiến, mà mong mỏi “ta về ta tắm ao ta”. Ngược lại con người dân chủ di động, lúc nào cũng sẵn sàng thay đổi nghiệp vụ và nơi cư trú, theo một xã hội công nghiệp thay đổi rất nhanh; muốn thích nghi được với hoàn cảnh lúc nào cũng đổi mới, con người dân chủ phải học tập những kiến thức mới, những tập quán mới, và khi cần, thì tự quên mình đi, quên cái gốc mà không sợ mất gốc, để sống như kẻ khác, với kẻ khác. Người dân chủ vì nhu cầu và nghiệp vụ của bản thân và con cháu, cần sống trong một khung cảnh văn hoá có quy mô lớn và hiệu lực, nghĩa là một quốc gia, chứ không thể là thôn xã, phường khóm, và do đó cần có dân tộc như một cộng đồng ngôn ngữ, mà không cần chủng tộc, huyết thống. Do đó, chủ nghĩa dân tộc, nếu khư khư ôm lấy nội dung của mình sẽ cưỡng lại đà tiến hoá nói chung, mà chế độ dân chủ là phản ánh.

Một tình cảm thiên về kỷ niệm, dân tộc là một rung động của văn chương, nghệ thuật; một niềm tin dựa vào lý luận, dân chủ là nhân quả của khoa học kỹ thuật. Con người bình đẳng với nhau, đại đồng với nhau, nguyên tắc ấy của dân chủ, phải chăng là hệ luận của định đề khoa học, rằng A phải bằng A? Bài thơ dân tộc hay, người ta khen hay; bài thơ ca ngợi dân chủ mà hay, thì gọi nó là thơ tuyên truyền. Đông đảo quần chúng ham thích một tác phẩm văn nghệ, thì miệt thị là thị hiếu, bình dân; ít người thích thì tôn vinh làm thiểu số ưu tú. Khoa học kỹ thuật bình đẳng hơn, dân chủ hơn. Mặt trời đúng hẹn hay sai hẹn với mọi người. Là người làm văn chương, tôi nói lên điều đó để mình tự răn mình; một bài văn viết công phu, may ra hay, được vài người ham thích, nhưng có thể đi ngược lại đà tiến hoá của xã hội và tương lai của dân tộc. Chưa kể những bài viết vừa thối hoăng vừa phản tiến hoá.

Dân tộc? Dân tộc Việt Nam là gì? Là một khối nông dân chiếm đất, giữ đất và lấn đất. Dù anh có thêu rồng vẽ tiên thêm bốn nghìn năm để tôn vinh, thì tôi vẫn tóm tắt lịch sử dân tộc vào mấy chữ: chiếm, giữ và lấn đất. Ba nhiệm vụ ấy, ngày nay không còn thiết yếu. Anh không còn mong chiếm lấn. Giữ đất cũng không còn là một ưu tiên. Hai chữ dân tộc sẽ phai dần nội dung lịch sử của nó. Nhiệm vụ của anh là làm sao tham dự vào cộng đồng kinh tế thế giới, vừa cởi mở vừa khe khắt và con đường an toàn nhất là dân chủ.

Dân tộc và dân chủ là hai hệ thống giá trị khác nhau nhưng không loại trừ nhau; ngược lại nó hỗ trợ cho nhau: dân chủ là phương tiện phát triển kinh tế và văn hoá trong tinh thần hoà hợp dân tộc. Và trong hiện tình đất nước, tinh thần dân tộc là một động cơ thực hiện dân chủ, là đối tượng của dân chủ. Lý tưởng dân chủ, tự nó, không đủ khả năng vận động quần chúng – vì quần chúng chưa biết dân chủ là gì, không thể tranh đấu cho một chế độ chính trị chỉ mới manh nha trong tưởng tượng; do đó mà những tư tưởng tiến bộ như Phan Đình Diệu, Dương Thu Hương, trong đấu tranh cho dân chủ, đều nhấn mạnh vào mục tiêu dân tộc.

Một mặt khác, người cộng sản đã lạm dụng tinh thần dân tộc để áp đặt chế độ cộng sản lên đất nước và hiện đang tiếp tục lạm dụng hai chữ dân tộc để duy trì chính sách toàn trị độc tài thoái hoá đó. Trước cảnh đổ nát của những chế độ cộng sản quan thầy và quan anh, họ biện minh rằng Cộng sản Việt Nam có cội rễ trong lịch sử máu lửa của dân tộc và họ đang đi tìm một xã hội chủ nghĩa phù hợp với Việt Nam. Dĩ nhiên đây chỉ là lối nguỵ biện để bảo vệ quyền bính và quyền lợi của một khối hương đảng về già, nhưng trong quần chúng vẫn có người nghe vì tâm khảm họ vẫn còn gìn giữ hình ảnh người cộng sản gắn liền với cuộc kháng chiến gian lao của dân tộc giành lại độc lập và thống nhất. Trong giới hạn đó, tinh thần dân tộc biến thành tình cảm tiêu cực, cản trở bước đi của dân chủ. Đó là điều chính yếu chúng tôi muốn nói lên trong bài này, những lý sự vòng vo khác chỉ là hương hoa đưa đẩy.

Vấn đề là làm sao thuyết phục được người cộng sản rằng tự do dân chủ là con đường phù hợp nhất với hiện tình và tương lai dân tộc; sau đó là làm sao hợp tác được với họ, vì trên thực tế chưa thể loại trừ được họ, và trên nguyên tắc, dân chủ là hợp tác chứ không loại trừ. Cuối cùng việc làm dài hạn và khó khăn hơn cả, là tạo được tinh thần dân chủ trong quảng đại quần chúng. Làm sao để mọi người hiểu rằng: dân chủ là miếng cơm đang ăn, cái áo đang mặc, ngôi trường đang xây, xí nghiệp vừa mới mở cửa mỗi ngày một cải thiện. Đi đâu không cần xin giấy; đêm đêm không sợ nghe gõ cửa. Dân chủ là đầu phiếu nhưng không phải chỉ có đầu phiếu, mà là những cố gắng hằng ngày để đời sống khấm khá hơn, thoải mái hơn. Trong tinh thần đó, dân chủ phục vụ dân tộc. Cần sống cho dân chủ, nhưng lỡ chết vì dân chủ thì cũng là cách phục vụ cho dân tộc và nhân loại.

Trong khi chờ đợi, những kẻ có lời ăn tiếng nói nơi công cộng, nên tập sống với nhau cho dân chủ, nói với nhau những lời những ý dân chủ, cho ra con người thế kỷ 21. Người gì cũng được, không cần phải là “người mình”. Người mình... nghe lạc loài xa vắng.

 

* Bản thảo bài này cũng đã gửi đăng trên tạp chí Hợp Lưu. Bản đăng trên Diễn Đàn đã được tác giả đọc lại và sửa cuối tháng 8.92.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss