Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 11 / Giới thiệu “Một giải pháp chính trị cho Việt Nam” do Bùi Tín dự thảo

Giới thiệu “Một giải pháp chính trị cho Việt Nam” do Bùi Tín dự thảo

- P.V. — published 05/11/2010 00:00, cập nhật lần cuối 11/12/2010 22:45

Giới thiệu

“Một giải pháp chính trị cho Việt Nam”

do Bùi Tín dự thảo

 

Vào tháng 7.92, ông Bùi Tín đã công bố tại Paris bản dự thảo: “Đi tới một giải pháp kiểu Việt Nam cho Việt Nam chúng ta” dài 12 trang in chữ nhỏ.

Theo lời chú thích của ông Bùi Tín, “ Người dự thảo (tức ông Bùi Tín) đã thu thập ý kiến từ gần 200 lá thư từ trong nước, của giới trí thức, nhà nghiên cứu, anh chị em thanh niên, một số văn nghệ sĩ, nhà báo, có cả ý kiến của cán bộ cao cấp trong bộ máy, của đảng viên, của cán bộ cao cấp trong quân đội (có cả cấp tướng)”. Người dự thảo cũng đã tham khảo “ những ý kiến của các ông Nguyễn Khắc Viện, Phan Đình Diệu, Hoàng Minh Chính, Lữ Phương, Nguyễn Kiên Giang... cũng như của các ông Nguyễn Đan Quế, Lê Mạnh Thát, Nguyễn Chí Thiện... Và của một số tổ chức dân chủ của người Việt Nam ở các nước Đông Âu”. Ông “cũng thu thập và trao đổi với nhiều anh chị em Việt kiều quan tâm đến hiện tình và vận mệnh đất nước, của một số người lãnh đạo các đảng phái và hội đoàn ở hải ngoại”. Nói gọn lại, ông Bùi Tín nhấn mạnh, đây là một tài liệu “ tổng hợp” chứ không phải “của một cá nhân” (tr. 12).

Bản dự thảo gồm 4 phần.

Trong phần I, tác giả tập trung “ bác bỏ những luận điệu trấn an kiểu tuyên truyền mị dân” sau đây của đảng cộng sản Việt Nam:

– “Đổi mới” đã giành được những thắng lợi quan trọng

– Cần phải giữ cho bằng được ổn định chính trị

– Việt Nam nên đi theo con đường của Trung Quốc

– Đổi mới về chính trị, thực hiện dân chủ đa nguyên là nguy hiểm chết người.

Về tầm quan trọng của dân chủ đa nguyên và với niềm tin tuyệt đối đa dạng, ông nhận định với tất cả đam mê: “Đó là cửa ải nhất thiết phải đi qua, là điều kiện tiên quyết, cần và đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng lớn trầm trọng về mọi mặt hiện nay” (tr. 4)

Dân chủ là điều kiện cần thiết” đó là điều khó có thể chối cãi. Nhưng nó có phải là “điều kiện đủ” hay không thì có lẽ cần bàn thêm vì dân chủ là một giá trị chứ không phải là một phép mầu!

Trong phần II, tác giả đề ra một số nhận định nền tảng cho một “giải pháp kiểu Việt Nam cho Việt Nam”.

Trước hết, ông chủ trương “cần dứt khoát loại bỏ (...) con đường bạo lực vũ trang nhằm thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam”, “ vì nó sẽ không giải quyết được gì, lại còn tạo nên cảnh huynh đệ tương tàn bi đát nhất” (tr. 5).

Theo ông, những nhà lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản Việt Nam hiện nay đã tỏ ra đuối lý và núng thế trước chủ trương đa nguyên, đa đảng. Nếu họ vẫn “một mực từ chối, bác bỏ (...), cấm bàn bạc về đa nguyên” là vì họ đang phải đương đầu với hai nỗi sợ, cơ sở tâm lý dẫn đến thái độ chính trị cố định nói trên rất khó thay đổi nếu không có cách giải toả.

– Theo ông Bùi Tín vì “cảm thấy món “nợ” đối với nhân dân và đất nước là quá lớn, không có cách gì trả một cách sòng phẳng được” (và ông kể ra một loạt những sai lầm), những người lãnh đạo chủ chốt của đảng cộng sản Việt Nam “sợ dân chủ và luật pháp”: “ họ run chân, chóng mặt, không dám bước qua chiếc cầu dân chủ đa nguyên đa đảng vì cho rằng (...) chiếc cầu không an toàn với riêng họ...” (tr. 6).

– “Mối sợ thứ hai ám ảnh một số người lãnh đạo chủ chốt của đảng cộng sản là: nếu thực hiện đa nguyên, đa đảng thì sẽ có rối loạn to, sẽ xảy ra tình hình vô chính phủ, hoặc xung đột chính trị, thậm chí cả nội chiến nữa”. Theo ông Bùi Tín, nỗi sợ đó “có cơ sở thực tế”. Do đó ông phê bình “những lối tuyên truyền hung hăng mà không có thực lực: quật đổ cộng sản, giải phóng đất nước, quang phục quê hương, thanh toán oán thù... của một số tổ chức hải ngoại”. Bộ máy tuyên truyền của đảng cộng sản Việt Nam đã dùng chúng cũng như nỗi sợ loạn lạc nói trên để hù doạ đồng bào trong nước.

“cái nút của tình hình là chuyển từ một chế độ độc đảng sang đa nguyên, đa đảng”, chủ trương hiện nay của đảng cộng sản Việt Nam là điểm tắc cần kiên quyết khai thông.

Muốn thế một mặt cần nghĩ đến những biện pháp “ nhằm giải toả hai nỗi sợ (trên đây) của những người lãnh đạo chủ chốt”, và mặt khác “cần tạo nên thế và lực đủ mạnh cho các lực lượng dân chủ để khắc phục sức ỳ ấy”.

Bản dự thảo đưa ra “ một số gợi ý” đến từ trong nước cũng như từ cộng đồng Việt kiều. Nổi bật nhất là đề nghị thành lập một tổ chức chính trị đối lập công khai ở trong nước bên cạnh đảng cộng sản Việt Nam đang cầm quyền.

Theo tác giả “nhiều người lãnh đạo các tổ chức chính trị và hội đoàn trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài cho rằng việc họ trở về nước tham gia cuộc đấu tranh chính trị chưa chắc là có lợi vào lúc này vì lẽ (cuộc) đấu tranh cho một nền dân chủ đa nguyên trước hết là cuộc đấu tranh trực tiếp của đồng bào, của các lực lượng dân chủ ở trong nước” và trong điều kiện hiện nay sự trở về của “ những người lãnh đạo và tham gia các hội đoàn ở nước ngoài (...) chưa thật là thích hợp” (...) do đó khó tránh khỏi những xu thế quá khích và cực đoan ở các bên, làm cho tình hình có thể rối ren và hỗn loạn”.

Về cuộc đấu tranh đòi dân chủ đa nguyên ở trong nước, bản dự thảo đề nghị hàng chục khẩu hiệu cụ thể.

Chương III bàn về việc “tranh thủ sự ủng hộ quốc tế: vai trò của Liên Hợp Quốc cho một giải pháp ở Việt Nam”, sự hỗ trợ của các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tây Âu, Úc, Đông Nam Á...

Chương IV của bản dự thảo đề nghị những biện pháp cụ thể chính sau đây:

1. Tổ chức một hội nghị hiệp thương ba bên với sự tham dự của đảng cộng sản đang cầm quyền, của các tổ chức dân chủ đối lập trong nước và của cộng đồng người Việt ở nước ngoài nhằm “thảo luận về giải pháp chính trị cho đất nước”. Ngay trước mắt, rõ ràng đây là điều rất khó thực hiện trước hết vì lẽ như tác giả đã nhiều lần nhấn mạnh, cho đến nay đảng cộng sản Việt Nam vẫn kiên quyết duy trì sự độc quyền chính trị của mình, tiếp theo là vì tổ chức chính trị đối lập thống nhất chưa hình thành trong nước và sau cùng là cộng đồng Việt kiều hiện nay vẫn còn phân hoá trầm trọng!

2. “Triệu tập một hội nghị quốc tế có sự tham dự của Tổng thư ký, đại diện các tổ chức của Liên Hợp quốc, của CEE, ASEAN, các nước châu Á và các nước khác”

3. Tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về Việt Nam. Trong phần chú thích, người dự thảo cho biết là “một số ý kiến chủ yếu trình bày trên đây đã được trao đổi với một số nhà nghiên cứu chính trị ở Hoa Kỳ, một số quan chức có trách nhiệm chuyên theo dõi tình hình châu Á, Đông Dương và Việt Nam cũng như một số nhà báo am hiểu tình hình, được họ rất quan tâm ghi nhận và tán thưởng. Một số nhà nghiên cứu và quan chức Pháp ở Paris cũng tìm hiểu những chính kiến trên đây với thiện cảm và hứng thú.”

Nhưng rõ ràng là chừng nào các nhà lãnh đạo chủ chốt của đảng cộng sản Việt Nam vẫn cứ khăng khăng duy trì độc quyền chính trị của mình với bất cứ giá nào thì mọi giải pháp nhằm dân chủ hoá và phát triển đất nước trong sự ổn định đều chỉ là những mơ ước hão huyền. Dĩ nhiên cũng có thể là “cùng tất biến”, mà tệ nhất là nạn “tức nước vỡ bờ”, điều mà những người có lòng và lương tri đều không mong cho đồng bào và đồng loại của mình.


P.V.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss