Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 11 / Sóng gió Biển Đông

Sóng gió Biển Đông

- Phong Quang — published 01/11/2010 00:00, cập nhật lần cuối 11/12/2010 21:56


Việt Nam - Trung quốc - ASEAN
Sóng gió Biển Đông



Phong Quang



Cuối tháng 8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt, xác nhận sẽ đi thăm Việt Nam vào cuối năm nay. Trước đó, hai đường bay thường xuyên đã được thiết lập, tuyến Bắc Kinh - Nam Ninh - Hà Nội, và tuyến Quảng Châu - Thành phố Chí Minh.

Đó là những biểu hiện cụ thể của sự bình thường hoá quan hệ Việt - Trung chính thức bắt đầu cách đây một năm.

Song không phải mọi việc diễn ra trơn tru như vậy. Ngược lại hai sự việc kể trên bị lấn át bởi một loạt hành động nghiêm trọng của Trung Quốc, làm nguội lạnh quan hệ với khối ASEAN và gây căng thẳng với Việt Nam. Tình hình này tác động thế nào tới nội bộ lãnh đạo đảng cầm quyền Việt Nam vốn lục đục trong vấn đề quan hệ với Trung Quốc, và rộng hơn, về toàn bộ chính sách ngoại giao?

Trước khi trả lời câu hỏi quan trọng này, xin nhắc lại một vài sự kiện:

* Đường bay được bình thường hoá. Đường xe lửa Bằng Tường - Đồng Đăng đã sửa xong, nhưng vẫn chưa chạy. Trên đường bộ, Hữu nghị quan đã mở, song vẫn vắng xe cộ đi lại, vì chính tại khu vực này, trong tháng 5 vừa qua, phía Trung Quốc đã lấn những cột mốc biên giới vào sâu 400 mét trong lãnh thổ Việt Nam, trên một diện tích 100 km vuông. Đầu tháng 7, đã xảy ra nổ súng (Reuter).

* Nghiêm trọng hơn, là những hành động liên quan tới các quần đảo Hoàng Sa (Paracels, Trung Quốc gọi là Tây Sa / Xisha), Trường Sa (Spratleys, Trung Quốc gọi là Nam Sa / Nansha) và thềm lục địa ở vùng Biển Đông. Theo thứ tự thời gian:

– Trái với những lời tuyên bố chính thức công khai của Bắc Kinh từ giữa năm 1990 là “gác lại vấn đề chủ quyền, cùng nhau phát triển tài nguyên ở biển Nam Hải (tức là Biển Đông)” (Tạp chí Kinh tế Viễn Đông FEER, 13.8.92), và trái với thoả thuận tháng 11.1991 với phía Việt Nam là giải quyết bất đồng về lãnh thổ và lãnh hải bằng con đường thương thảo, ngày 25.2.1992, Trung Quốc thông qua một đạo luật về chủ quyền lãnh hải (eaux territoriales) trên hầu hết Biển Đông và lãnh thổ trên tất cả các quần đảo và đảo nằm trong vùng biển này.

– Vài ngày sau (cuối tháng 2), quân đội Trung Quốc đổ bộ chiếm giữ đảo Đá Ba Đầu của Việt Nam ở Trường Sa. Đây là hòn đảo thứ 8 mà họ chiếm giữ kể từ năm 1988 (là năm xảy ra xung đột trên biển, làm 100 bộ đội Việt Nam tử trận).

– Tháng 4, Trung Quốc ký hợp đồng với Crestone Energy Corporation, cho phép công ty dầu mỏ Mỹ này khai thác một lô trên thềm lục địa phía tây Trường Sa, gần bờ biển Việt Nam. Giám đốc công ty này tuyên bố Trung Quốc hứa sẽ bảo vệ công việc thăm dò và khai thác bằng võ lực nếu cần.

– Ngày 4.7, quân đội Trung Quốc cắm mốc chủ quyền lên Đá Lạc, một hòn đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa.


concessions

1. Khu vực Việt Nam cho khai thác; 2. Khu vực Trung Quốc cho Crestone ; 
3. Đảo do các nước chiếm giữ


Không gian sinh tồn (Lebensraum)


Những việc làm kể trên, tuy tập trung mũi nhọn về phía Việt Nam, nhưng rõ ràng nhắm vào toàn bộ khu vực Đông Nam Á (cũng nên nhắc lại, ngoài Đài Loan và Việt Nam, có 3 nước thuộc khối ASEAN khẳng định chủ quyền của mình đối với vùng biển Trường Sa: Phi Luật Tân, Malaysia và Brunei). Chúng đi ngược hẳn những lời tuyên bố cởi mở và ngoại giao mềm dẻo từ mấy năm nay của Bắc Kinh đối với các nước ASEAN, khiến cho các nước Đông Nam Á lo ngại rằng trong thâm tâm, các nhà lãnh đạo ở cung điện Trung Nam Hải vẫn chưa hề từ bỏ giấc mộng bá chủ Nam Hải, nhất là vào lúc mà Mỹ tiếp tục giảm bớt sự hiện diện quân sự ở đây, trong khi nước Nga của Boris Eltsine dù muốn cũng không có thế và lực tiếp tục sự có mặt của Liên Xô. Sự lo ngại này càng có căn cứ khi người ta biết rằng những cơ quan tình báo Mỹ vừa nắm được một tài liệu nội bộ của Trung quốc, nói tới Hoàng Sa và Trường Sa như một “không gian sinh tồn” của Trung Quốc. Không gian sinh tồn (shengcun kengjian) là chữ Hán, dịch nguyên si khái niệm lebensraum (espace vital) của chủ nghĩa quốc xã Hitler (Xem bài Treacherous shoals, FEER, 13.8.92).

luoibo

Trung Quốc cho rằng gần như toàn bộ Biển Đông (hay Nam Hải như họ gọi) là của Trung Quốc

Dễ hiểu là hội nghị ngoại trưởng của 6 nước ASEAN họp cuối tháng 7 đã ra tuyên bố về Biển Đông, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giải quyết các vấn đề chủ quyền và pháp lý liên quan tới vùng này “bằng phương tiện hoà bình, không dùng vũ lực”. Việt Nam đã ra ngay tuyên bố hoàn toàn ủng hộ văn kiện này (cũng nên nhắc lại là Việt Nam cũng vừa ký vào Hiệp định Bali, khởi đầu quá trình gia nhập ASEAN), cũng như đại diện các nước phương Tây và Nhật Bản. Còn Trung Quốc thì lập lờ ủng hộ “một số trong những nguyên tắc nêu ra trong bản tuyên bố” và trước đó đã cảnh giới các cường quốc ngoài khu vực không được can thiệp vào vấn đề Biển Đông.

Cũng không có gì ngạc nhiên nếu như vấn đề này đã bao trùm không khí hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam họp cuối tháng 7. Như trên đã nói, ngay từ cuối tháng 2, Trung Quốc đã chiếm đảo Đá Ba Đầu. Nhưng phải đợi đến tháng 7, khi họ chiếm thêm Đá Lạc, bộ ngoại giao Việt Nam mới công bố và phản đối việc này. Theo những nguồn tin đáng tin cậy, sở dĩ có sự im lặng kéo dài gần 5 tháng này là vì trong Bộ chính trị có xu hướng muốn liên minh chặt chẽ với Trung Quốc, mà người đứng đầu là đại tướng Lê Đức Anh, chủ trương “ Trung Quốc cũng là nước xã hội chủ nghĩa, chuyện này nên giải quyết nội bộ với nhau”. Tướng Anh cũng là người, trong chuyến đi mật sang Bắc Kinh tháng 9.91, đề nghị Trung Quốc giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, làm minh chủ của trục Bắc Kinh - Bình Nhưỡng - Hà Nội. Như người ta biết, Bắc Kinh đã gạt phắt: chủ nghĩa xã hội, đối với ông Đặng và người của ông, chỉ còn là lớp sơn trên cái lá chắn nội trị để nắm chặt quyền bính, một thứ liên minh xã hội chủ nghĩa chỉ làm tăng cường sự cô lập mà Bắc Kinh ra sức giải toả từ sau sự kiện Thiên An Môn.

Trong cái hoạ, liệu có nảy ra quả phúc? Thái độ trịch thượng và những hành động ngang ngược của Bắc Kinh tất nhiên đã làm suy yếu một nấc lực lượng bảo thủ ở Bộ chính trị trong cuộc đấu tranh về đường lối đối ngoại: dựa vào Trung Quốc, hay đa dạng hoá quan hệ với các nước, đặc biệt là các nước phương Tây, ASEAN, và Đông Á?

Bài học quá khứ cho thấy mọi sự thoả hiệp tám lạng - nửa cân với những thủ thuật nước đôi chỉ dẫn tới hậu quả là mất cả chì lẫn chài. Quan trọng hơn nữa, quan hệ đối ngoại chỉ là nối dài của chính trị đối nội. Khó tưởng tượng rằng nền ngoại giao Việt Nam có thể triển khai, đóng góp phần quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp ở thềm lục địa Biển Đông, mở ra sự hợp tác giữa các nước ven biển, ngày nào nền chính trị quốc gia còn bế tắc.

  

P.Q.


 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss