Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 11 / Những yêu sách của hoà thượng Huyền Quang

Những yêu sách của hoà thượng Huyền Quang

- Hải Vân — published 03/11/2010 00:00, cập nhật lần cuối 11/12/2010 22:17
 

Phật giáo và chính quyền

 

Những yêu sách của
hoà thượng Huyền Quang

 

Hải Vân

 

Sau mười một năm bị chính quyền quản chế rồi chỉ định cư trú ở chùa Hội Phước tại thị xã Quảng Ngãi, hoà thượng Thích Huyền Quang vừa qua đã lên tiếng đòi đảng cộng sản và nhà nước “tôn trọng tự do tôn giáo và quyền làm người” ở Việt Nam. Qua một lá thư dài 8 trang đánh máy gởi tổng bí thư Đỗ Mười và các cơ quan lãnh đạo nhà nước, ngày 25.6, hoà thượng Huyền Quang đưa ra yêu sách 9 điểm đòi hỏi nhà cầm quyền:

– trả lại cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất quyền được “sinh hoạt bình thường trong pháp luật nhà nước như trước năm 1975”.

– trả lời về cái chết năm 1978 của hoà thượng Thích Thiện Minh, phó viện trưởng Viện hoá đạo GHPGVNTN; về vụ Thiền viện Dược Sư năm 1976; về các chùa chiền bị dẹp bỏ sau năm 1975.

– trả tự do cho tất cả các tu sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà chính trị bị giam giữ lâu ngày không xét xử và xét xử bất công (trường hợp của các tu sĩ Phật giáo Thích Quảng Độ, Thích Đức Nhuận, Thích Tuệ Sĩ, Trí Siêu – Lê Mạnh Thát)

– trả lại tất cả các tự viện và cơ sở của GHPGVNTN “bị nhà nước và giáo hội do nhà nước dựng lên chiếm dụng phi pháp hơn mười một năm nay”

– GHPGVNTN muốn hợp tác với nhà nước để xây dựng đất nước “nhưng không thể làm việc trong sự điều khiển của một chế độ còn xem tôn giáo là kẻ thù, và nhúng tay kiểm soát, can thiệp nội bộ tôn giáo”.

Hoà thượng Huyền Quang nêu lên những yêu sách nói trên nhân danh tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất mà ông đã từng giữ trách nhiệm phó viện trưởng Viện hoá đạo. Là tổ chức quan trọng nhất của Phật giáo miền Nam, ra đời năm 1964 sau cuộc đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm, GHPGVNTN còn được gọi là Giáo hội Ấn Quang từ khi có sự phân liệt trong tổ chức năm 1966 và sự ly khai của Giáo hội Việt Nam quốc tự (Thích Tâm Châu).

Năm 1981, cùng với Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, là tổ chức của Phật giáo miền Bắc, GHPGVNTN và 7 giáo hội và hệ phái khác ở các tỉnh phía nam (Nguyên thuỷ, Khất sĩ, Cổ truyền, Thiên thai, Khơme, Hội Phật học Nam Việt, Ban liên lạc Phật giáo yêu nước) đã tiến tới thống nhất Phật giáo cả nước trong một tổ chức mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được chính quyền ủng hộ và thừa nhận là “tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam”. Trưởng ban vận động công cuộc thống nhất này, hoà thượng Thích Trí Thủ, viện trưởng Viện hoá đạo GHPGVNTN, trở thành chủ tịch Hội đồng trị sự của tổ chức giáo hội mới. Tuy nhiên, từ lúc đầu, cách tiến hành công cuộc thống nhất đã gây một sự tranh chấp chính trị gay gắt trong nội bộ cấp lãnh đạo Giáo hội Ấn Quang, và các hoà thượng Huyền Quang và Quảng Độ (tổng thư ký Viện hoá đạo) đã chống đối quyết định sát nhập GHPGVNTN vào tổ chức mới. Và để phản đối thái độ của chính quyền, hoà thượng Thích Đôn Hậu (chánh thư ký Viện tăng thống) cũng đã từ chối nhận trách nhiệm trong giáo hội thống nhất.

Khi đòi quyền hoạt động trở lại cho Giáo hội Ấn Quang, hoà thượng Huyền Quang đồng thời phủ định tổ chức giáo hội thống nhất, mà thành phần lãnh đạo (như các hoà thượng Trí Tịnh, Minh Châu, Thiện Siêu) hầu hết là giáo phẩm cao cấp của Giáo hội Ấn Quang. Song ông cho rằng đó chỉ là “giáo hội nhà nước”, một giáo hội “đã bỏ rơi quần chúng Phật tử” và do đó “không đủ tư cách để hưởng sự truyền thừa chánh thống của Phật giáo Việt Nam”.

Các yêu sách của hoà thượng Huyền Quang phải chăng sẽ đưa đến một sự tranh chấp trong nội bộ Phật giáo? hay các tăng ni có uy tín sẽ tìm ra một giải pháp hoà giải, không chấp nhặt vào những hình thức, để mọi người có chỗ đứng và vai trò trong cùng một giáo hội? Dù sao, đây là điều kiện để thúc đẩy những chuyển đổi xã hội đã biểu hiện gần đây nhằm đẩy lùi sự khống chế lâu nay của nhà nước trên các tổ chức tôn giáo, và khẳng định giáo hội Phật giáo như là một tổ chức trong xã hội công dân, độc lập với chính quyền trong bất cứ chế độ nào.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us