Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 12 / Ba cánh chim trên bầu trời cách mạng

Ba cánh chim trên bầu trời cách mạng

- Cao Huy Thuần — published 10/10/2010 00:00, cập nhật lần cuối 17/12/2010 22:47


Ba cánh chim trên bầu trời cách mạng


Cao Huy Thuần



Tên của họ bắt đầu bằng chữ L: Karl Liebknecht, Vladimir Lénine, Rosa Luxemburg. Lịch sử cách mạng gọi họ là Les Trois L. Phát âm theo tiếng Pháp, 3L đọc tựa như trois ailes (ba cánh chim). Vì vậy tôi mạn phép thi vị hoá và gọi họ là ba cánh chim – ba cánh chim đại bàng trên bầu trời cách mạng vô sản.

Trong lúc bạn bè đang bàn về vấn đề dân chủ, tôi quay ra nói chuyện cách mạng, e không khỏi bị cười là lầm thế kỷ. Nhưng biết làm sao bây giờ, lớn lên với cách mạng 1945, tôi chưa bao giờ thấy mình nhạt tình với cách mạng mà cũng chưa bao giờ phân biệt cách mạng với dân chủ. Có cách mạng nào lại không có nhân tố dân chủ! Và nếu không nhắm đến dân chủ thì cách mạng để làm gì? Để làm gì nếu không phải để cho con người tự chủ hơn, hạnh phúc hơn?

Tôi đọc cách mạng như vậy. Tôi đọc dân chủ như vậy. Đọc trong sách vở. Đọc trong cuộc đời. Đọc trong kinh nghiệm. Đọc ngay cả trong một tờ truyền đơn cách mạng tung ra năm 1933 kêu gọi kỷ niệm ba chữ L mà xin đăng sau đây.

Với tâm hồn đó, tôi có vài hàng ngắn ngủi tưởng niệm ba vị.

*

 
co-lanh-dao
dua-tai-lieu
Những chiếc đũa có giấu tài liệu (cùng tỷ lệ, hình
dưới). tài liệu phóng to (hình trên)

Karl Liebknecht là một chiến sĩ, một thủ lãnh, là con cưng của đảng xã hội dân chủ Đức, tiền thân của đảng cộng sản. Suốt đời tận tuỵ tranh đấu bên cạnh những người bị áp bức, ông là luật sư nổi tiếng về tài hùng biện, là dân biểu gây sóng gió ở nghị trường, là anh cả của phong trào thanh niên cách mạng mà ông đào luyện, và trên hết là người dám một mình đương đầu với khuynh hướng hiếu chiến đang dâng lên như cuồng phong trong nước Đức và trong chính đảng của ông. Ngày 2.12.1914, khi Liebknecht đứng lên biểu quyết chống lại ngân sách chiến tranh ở nghị viện, ông cô đơn như một cây đại thụ đứng sững giữa nước lũ mênh mông. Một mình ông chống lại chiến tranh, chống thế giới đế quốc, chống tài phiệt và quân phiệt, chống sự thoái trào của Đệ nhị quốc tế, chống sự phản bội lý tưởng xã hội của đảng ông, chống lại chính nước ông đang xâm chiếm nước Bỉ: tên tuổi Liebknecht sáng ngời như ngôi sao dẫn đường cho chủ nghĩa xã hội, quốc tế và cách mạng, trên khắp thế giới. Lénine không ngớt lời ca ngợi ông: “Kẻ thù, chính là kẻ thù ở trong mỗi nước chúng ta”, câu nói nổi tiếng đó của ông là đầu đề của tờ truyền đơn tung ra vào tháng 5.1915, giữa chiến tranh nóng bỏng. Tên của Liebknecht nằm trên môi của binh lính bị gởi ra trận địa, không biết vì sao mình phải cầm súng giết nhau 1. Nhiều lần bị tù vì chống chiến tranh đế quốc, ông đã mắng vào mặt quan toà xử ông năm 1916: “ Lòng yêu nước của các ông không phải là lòng yêu nước của tôi. Không một viên tướng nào hãnh diện với quân phục của ông ta bằng tôi hãnh diện với bộ áo tù nhân của tôi. Tôi tới đây để buộc tội, không phải để bào chữ a!”.

Chống chiến tranh, chống chủ nghĩa yêu nước quá khích, chống khuynh hướng cải lương của đảng xã hội dân chủ, ông thành lập vào đầu năm 1916 nhóm “ Quốc tế” sau mang tên là nhóm Spartacus, mầm mống đầu tiên của đảng cộng sản Đức ly khai với đảng xã hội. Ra khỏi tù ngày 23.10.1918 khi Đức thất trận, dân chúng Bá Linh đón chào ông nồng nhiệt. Ngày 9.11.1918, trong lúc nền Cộng hoà Đức được tuyên bố thành lập từ trên bao lơn của nghị viện, thì từ trên bao lơn của lâu đài hoàng gia, cũng ở thủ đô, Liebknecht tuyên bố thành lập nền “ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa”. Ông muốn truyền hơi thở cách mạng của ông vào các uỷ ban thợ thuyền và binh sĩ tự động nổi dậy chống đế chế, hơi thở cách mạng mà đa số trong đảng xã hội của ông, bây giờ lên nắm chính quyền, muốn dập tắt. Tờ báo Rote Fahne (Cờ đỏ) của nhóm Spactacus ra đời, do ông và Rosa Luxemburg chủ biên.

Sự chống đối giữa nhóm Spartacus và chính phủ liên hiệp diễn ra trong bạo động, đưa tới “tuần lễ đẫm máu” ngày 5.1.1919. Phe chính phủ đặc biệt lên án Liebknecht và Rosa Luxemburg, dồn tất cả thù ghét, căm phẫn lên đầu hai người lãnh tụ. Khi biết bạo động thất bại, các đồng chí khuyên hai người trốn ra khỏi Bá Linh để ẩn nấp tại một nơi an toàn. Họ từ chối, xem như vậy là phản bội lại quần chúng đã theo họ. Chiều 15, hai thủ lãnh bị bắt.

Là chiến sĩ cách mạng, Liebknecht vạch ra châm ngôn đạo đức sau đây cho cuộc đời hoạt động của mình: “Ta chỉ đạt đến điều có thể khi cố gắng đạt cho được điều không có thể”. Nhưng Liebknecht còn là người trí thức. Ông là tiến sĩ luật và khoa học chính trị, là luật sư, là lý thuyết gia. Ông có một cái nhìn rất trang trọng về người trí thức: “ Trí thức. Để tổ chức, để làm khoa học, để tuyên truyền, trí thức là cần thiết; không có trí thức tức là không có báo chí, không có văn chương... Đừng làm sợ hãi những lực lượng còn mới, còn tươi vì lòng nghi ngờ đố kỵ, nhỏ nhen và hẹp hòi, trái lại hãy kéo về phía chúng ta và ràng buộc với chúng ta những đầu óc cao quý nhất, bằng hành động tự do, dũng cảm, nồng nhiệt, bằng cái đà tiến lên của phong trào, bằng những quyết định rõ ràng, bằng sự tin tưởng đanh thép vào cuộc chiến đấu, bằng sự hy sinh bao la, tóm lại bằng tấm lòng say mê lý tưởng, bằng sự trung thành tuyệt đối vào những nguyên tắc và những giá trị của thành quả – đó là điều chúng ta phải làm” 2.

Nhưng trí thức là ai? Đó là người chỉ biết phục vụ quần chúng. “ Từ quần chúng mà đi”, “quần chúng chứ không phải các ông sếp”... “Sự “chuyên chính” của quốc tế chỉ có thể quan niệm được khi nào đó không phải là chuyên chính, khi nào đó không phải là một ý muốn được áp đặt, mà là một phương pháp hành động, phương pháp thích hợp nhất để thực hiện một ý muốn... Quần chúng quá nhiều lúc bị xem như là những phương tiện của hành động, chứ không phải là người nảy sinh ra ý muốn, như là những phương tiện của hành động do quốc tế muốn và quyết định, chứ không phải là những tác nhân của một ý muốn và một quyết định ri êng biệt” 3.

Quan niệm đó hẳn là xa với quan niệm của Lénine. Nhưng tại đại hội Zimmerwald tháng 5.1915, Lénine biểu dương Liebknecht như là lãnh tụ của Đức giống như chính mình là lãnh tụ ở Nga. Tác phẩm lý thuyết duy nhất mà Liebknecht để lại 4 phản ánh một đạo đức nhân bản mà chiến tranh 1914-18 muốn dập vùi.

Về sau này, ngôi sao Rosa Luxemburg làm mờ nhạt đi phần nào ngôi sao Liebknecht. Chiến sĩ hàng đầu, lý thuyết gia xuất chúng, tinh hoa của cách mạng, Rosa Luxemburg được Lénine xưng tụng là “người đại biểu chân chính nhất của chủ nghĩa mácxít”.

Mà có phải hai người lúc nào cũng đồng ý với nhau đâu! Trên nhiều vấn đề, hai người đụng độ nhau gay gắt, nhất là vấn đề tổ chức và sinh hoạt của đảng. Đồng ý với Lénine, Rosa Luxemburg chủ trương rằng đảng cách mạng phải là đảng tiền phong của giai cấp công nhân, phải theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhưng bà phản đối tính cách tập trung thái quá của Lénine. Bà xem quyền hành cực kỳ to lớn tập trung trong tay của uỷ ban trung ương như là mối hiểm nguy đe doạ sự lớn mạnh của cuộc chiến đấu. Theo bà, kinh nghiệm cho thấy rằng mỗi một hình thức chiến đấu mới không phải là do “ lãnh đạo” sáng chế ra mà là nảy sinh từ sáng kiến sáng tạo của quần chúng. Bất kỳ lãnh đạo nào của bất kỳ tổ chức nào cũng đều có khuynh hướng tự nhiên là bảo thủ: sau khi đã vạch ra một phương pháp chiến đấu mới, cặn kẽ đến tận từng chi tiết, từng hậu quả, lãnh đạo trở thành một chướng ngại cho những sáng kiến mới, có tầm cỡ lớn. Rất nghiêm khắc, bà nhận xét nơi Lénine, và sau này nơi các nguồn bônsơvích, một lối lập luận cứng nhắc, những ý tưởng chính trị kinh điển, khuynh hướng coi thường phong trào sống động của quần chúng, và khuynh hướng áp đặt lên quần chúng đường lối chiến thuật đã lập sẵn từ trước. Điều đó, theo bà, đi ngược lại với chiều hướng biện chứng của sự phát triển chính trị:

“Tôi nghĩ rằng sự tập trung thái quá mà Lénine chủ trương thấm đượm tinh thần cằn cỗi của người gác đêm, chứ không phải tinh thần tích cực và sáng tạo. Tất cả quan tâm của ông nhằm kiểm soát hành động của đảng chứ không phải làm nó sinh động, nhằm rút hẹp phong trào lại thay vì làm nó phát triển, nhằm chế ngự phong trào chứ không phải thống nhất 5.

Để đảng có thể duy trì sinh hoạt sống động, Rosa Luxemburg chủ trương phát huy quyền tự do phê bình chỉ trích – dĩ nhiên trong khuôn khổ những nguyên tắc mácxít và quyền kiểm soát tích cực của hạ tầng cơ sở đối với các cấp trong đảng. Tự do phê bình không giới hạn, bà nhấn mạnh, bởi vì đó là phương thuốc chống lại bệnh già nua, là chất sống của phong trào cách mạng. Lãnh đạo đảng có bổn phận thực hiện ý muốn của đa số, tác động trên việc hình thành ý muốn đó bằng một sự hiểu biết cao hơn, nhưng không được áp đặt một cách chuyên quyền ý muốn của riêng mình trên tổ chức.

Trả lời những chỉ trích của Rosa Luxemburg, Lénine giải thích, trong một bài viết gởi cho báo Neue Zeit (Thời mới), rằng ông không chủ trương một sự tập trung quá khích; ông cho rằng R. Luxemburg đã không nhìn thấy thực tế diễn ra qua các đại hội của đảng cộng sản Nga, không nhìn thấy những tranh chấp thực sự xảy ra trong nội bộ đảng. Ông bác bỏ quan niệm của R. Luxemburg xem “ tổ chức như là một quá trình”. Nhưng Lénine đã phải thừa nhận rằng hình thức tổ chức phải tiến triển cùng với toàn thể phong trào. Vì vậy, trong khoảng cách mạng 1905, lúc đảng phải được tự do tổ chức, ông đã làm nhẹ nhàng bớt sự tập trung thái quá. Dưới sức ép của đảng viên mà số lượng càng ngày càng đông, ông cũng chấp nhận cả việc thống nhất lại đảng, mặc dầu đa số lúc đó chuyển vào tay những người có ý kiến khác ông, có những quyết định khác ông khi biểu quyết, và ông phải chấp nhận dù là trên những vấn đề quan trọng.

Lénine là người rất tự tin mình. Ông tin ông không rơi vào mối hiểm nguy mà Rosa Luxemburg đã cảnh cáo. Ông giải thích rằng trong cuốn sách “ Một bước tới, hai bước lùi”, ông đã cố tình quan niệm sự tập trung một cách rắn chắc bởi vì đó là để phản ứng lại sự vô tổ chức, vô trật tự ngự trị trong đảng cách mạng Nga hồi đó. Năm 1920, khi Đệ tam quốc tế chấp nhận những luận đề về tổ chức đảng, Lénine đặc biệt nhấn mạnh rằng những luận đề đó mang quá nhiều tính chất Nga, không phù hợp với hoàn cảnh các nước Tây Âu. Nội chiến và ngoại xâm buộc đảng Nga phải áp dụng những hình thức tổ chức có tính chất nhà binh. Nhưng mặc dầu như thế chăng nữa, trong những năm mà Lénine cầm quyền, những quyết định chính trị quan trọng không phải do từ trên áp đặt xuống dưới mà là kết quả của những cuộc bàn cãi sôi động, gay gắt. “ Một bước tới, hai bước lùi” của thời 1903 quả là đã gây ảnh hưởng sâu đậm trên dòng bônsơvích; nhưng quan niệm thái quá đó dần dần được cải tổ, sửa đổi tuỳ theo nhiệm vụ và điều kiện của cuộc tranh đấu. Trong lĩnh vực then chốt này, thực tế vẫn tỏ ra xanh tươi, phong phú, lực lưỡng hơn là lý thuyết.

Đâu có phải Rosa Luxemburg không biết những khó khăn của hoàn cảnh nước Nga hồi 1917! Bà viết:

“ Tất cả những gì diễn ra ở Nga đều có thể giải thích được: đó là một chuỗi nguyên nhân và hậu quả ràng buộc với nhau không thể tránh khỏi, trong đó khởi đầu và điểm kết thúc là: vô sản Đức chưa làm được nhiệm vụ quốc tế, và đế quốc Đức chiếm đóng nước Nga. Trong những điều kiện như vậy, đòi hỏi Lénine và các đồng chí của ông phải làm hơn thế nữa, phải tạo ra bằng phép mầu một nền dân chủ tốt đẹp nhất, một nền chuyên chính vô sản kiểu mẫu và một xã hội xã hội chủ nghĩa phồn thịnh, có khác gì đòi hỏi họ một chuyện siêu phàm. Bằng thái độ cách mạng gương mẫu và bằng sự trung thành không gì lay chuyển được đối với chủ nghĩa xã hội quốc tế họ thật sự đã làm những gì có thể làm được trong những điều kiện khó khăn một cách kinh hãi như vậy” 6.

Nhưng không phải vì khó khăn mà triệt tiêu dân chủ. Rosa Luxemburg rất coi trọng chuyện này, đặc biệt coi trọng. Bà nói rõ:

“Hiển nhiê n chúng ta chưa bao gìờ mê tín dân chủ hình thức. Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa mácxít cũng vậy, chúng ta cũng chưa mê tín bao giờ. Nói rằng chúng ta chưa bao giờ mê tín dân chủ hình thức, điều đó chỉ có nghĩa như thế này: chúng ta luôn luôn phân biệt nội dung xã hội với hình thức chính trị trong dân chủ tư sản, chúng ta luôn luôn vạch rõ cho thấy cái nhân chua chát của bất bình đẳng và áp bức xã hội ẩn nấp dưới lớp vỏ êm đềm của những hình thức bình đẳng và tự do, nhưng không phải vạch rõ như vậy để vứt bỏ cái lớp vỏ đó, mà là để khuyến khích giai cấp công nhân đừng tự bằng lòng với nó, trái lại, phải chiếm cho được quyền chính trị để cái lớp vỏ đó bọc cho được một nội dung xã hội mới. Nhiệm vụ lịch sử của vô sản lúc lên nắm quyền là xây dựng lên một nền dân chủ xã hội để thay thế dân chủ tư sản, chứ không phải là đạp đổ mọi dân chủ” 7.

Đối với Rosa Luxemburg, dân chủ phải được nới rộng chứ không thể bị giới hạn. Dân chủ không phải chỉ giới hạn vào việc đầu phiếu, mà còn là hành động trực tiếp của quần chúng, là “đời sống chính trị sinh động, quả cảm, không bị xiềng xích, của quần chúng càng đông càng tốt”. Tinh hoa của chủ nghĩa xã hội là ở đấy, là ở chỗ phát triển mạnh mẽ hành động của quần chúng, hành động trong tự do, trong hứng khởi vì lý tưởng, chứ không phải bị cưỡng bức, và hành động tự phát, có ý thức, chứ không phải máy móc, hình thức.

“Cái gì tiêu cực, như phá hoại, thì có thể ra lệnh bằng chỉ thị ; còn cái gì tích cực, như xây dựng, chắc chắn không. Đó là miếng đất trống. Vô vàn vấn đề. Chỉ có sự sống đâm chồi nẩy lộc không bị hạn chế gì cả mới có thể tìm ra muôn ngàn hình thức mới, có thể tự chế biến, tiếp nhận một sức mạnh sáng tạo, sửa chữa những bước đi sai lầm. Nếu đời sống chí nh trị nơi những quốc gia mà tự do bị hạn chế trở thành tồi tệ như vậy, nghèo nàn như vậy, thiếu sinh khí như vậy, đó chính là bởi vì, bằng cách gạt bỏ dân chủ, nó đã khoá chặt không cho tri thức được tiếp nhận mọi cống hiến của phong phú và tiến bộ” 8.

Bà viết thêm:

“ Tự do mà ch ỉ dành cho những người ủng hộ chính phủ, dành cho đảng viên mà thôi – dù họ đông đảo bao nhiêu đi nữa – thì đó không phải là tự do. Tự do, đó luôn luôn là tự do của người suy nghĩ một cách khác. Nói như vậy không phải là vì say đắm gì vào lẽ “ công bằng”, mà bởi vì tất cả những gì bổ ích nhất, tốt lành nhất, tinh khiết nhất trong tự do chính trị đều bắt nguồn từ đó mà ra, và tự do sẽ mất hết hiệu quả khi “tự do” trở thành một ân huệ” 9.

Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, tôi không thể trích dẫn thêm những ý nghĩ như thế này của Rosa Luxemburg mà bà đã viết ra qua kinh nghiệm cách mạng xương máu của bà. Rosa Luxemburg là người cách mạng không bị ràng buộc bởi kinh điển, bởi vì bà biết nắm bắt mọi vấn đề qua sự tiếp diễn và biến đổi không ngừng. Bà không bao giờ hạ mình chấp nhận một sự kiện, một phán đoán, một nguyên tắc chiến thuật chỉ vì những điều đó được xem là đúng hôm qua.

Sinh năm 1870 ở Ba Lan, Rosa Luxemburg là một trong những người khai sinh ra đảng xã hội quốc tế Ba Lan năm 1893. Nhập quốc tịch Đức, bà trở thành một trong những lãnh tụ của cánh tả trong đảng xã hội Đức. Tham gia công xã Varsovie, viết sách, viết báo, dũng cảm với Liebknecht trong thái độ chống chiến tranh, cô đơn với ông trong một đảng cách mạng đã trở thành đảng chính trị ôn hoà, ở tù trong gần suốt chiến tranh, khai sinh nhóm Spartacus, cuộc đời của bà là cả một sự hiến thân cho lý tưởng. Bà sống, lúc nào cũng nóng bỏng như “ cây nến cháy sáng ở hai đầu”. Ngày 31.12.1918, đảng cộng sản Đức ra đời. Tổng đình công nổ ra ở Bá Linh. Tuần lễ đẫm máu. Ngày 15.1.1919, Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht bị bắt. Karl nhận hai báng súng vào đầu. Nửa sống nửa chết, ông bị kéo lên xe, vất xuống xe, rồi bị giết. Rosa bị bửa sọ bằng hai báng súng. Rồi bị giết bằng một phát súng vào đầu. Xác bà bị vất xuống sông.

Con người cách mạng như thế mà đã tự viết về mình như thế này: “Phải có một người nào đó tin tôi nói điều này : vì lạc lối mà tôi quay cuồng trong cơn lốc của lịch sử thế giới; tôi sinh ra vốn là để ngắm nhìn mấy con ngỗng”.

Trong một lá thư viết cho bạn, Rosa Luxemburg tâm sự: “ Trên mồ của tôi, chỉ ghi hai âm: tsvi-tsvi. Đó là tiếng gọi bầy của mấy chú chim chích mà tôi bắt chước giống đến nỗi chúng bay đến quanh tôi. Và chị biết không, từ mấy hôm nay, trong tiếng gọi tsvi-tsvi vốn thường ngày trong trẻo và nhọn hoắt như chiếc kim sáng loé, vẳng ra một âm hơi lưng chừng lạ đi một chút, một giọng hát bé bỏng tự nhiên, phát ra từ lồng ngực. Và chị biết như vậy có nghĩa gì không? Đó là tiếng gọi thầm lắng đầu tiên của mùa xuân. Mặc tuyết lạnh, mặc giá băng, mặc cô đơn, mấy chú chim chích và tôi tin ở mùa xuân đang đến. Và nếu tôi chết vì chờ đợi trước khi mùa xuân đến, xin chị nhớ cho rằng trên nấm mồ của tôi đừng viết chữ nào ngoài hai chữ: tsvi-tsvi” 10.

Sống như lửa cháy, và chết như chim hót mùa xuân. Đẹp như mấy câu sau đây viết trong tờ báo Cờ đỏ số tháng 12.1918:

“Nhiệt huyết cách mạng cứng rắn nhất và lòng nhân từ độ lượng nhất, đó là điều tạo ra chủ nghĩa xã hội duy nhất chân chính. Một thế giới phải bị lật đổ, nhưng bất kỳ giọt nước mắt nào chảy ra thêm trong khi đáng lẽ đã được lau khô, là một bản cáo trạng; và người nào, hấp tấp bước tới một nhiệm vụ quan trọng, dẫm lên một con sâu vì một cử chỉ thiếu chú ý hung bạo, người đó phạm một tội ác”.

Tưởng niệm ba nhà cách mạng, tôi không quên nghĩ đến các người tù cách mạng Việt Nam bị đày lên Sơn La. Đối với thế hệ chúng tôi, Sơn La là bài hát mà thiếu nhi chúng tôi hồi 1945 hát với tất cả lòng yêu nước thần bí và lòng cảm phục cách mạng: “Sơn La... âm u... núi khuất trong sương mù...”. Bởi vậy, khi nhìn thấy đôi đũa của các tù nhân bị giải lên Sơn La, chỉ một đôi đũa thôi, với mẩu giấy truyền đơn nhét trong đó trước mắt tôi đủ hiện ra cả lịch sử cách mạng Việt Nam, thần bí như núi rừng Việt Bắc, thần bí như những rung động yêu nước trẻ thơ buổi bình minh của Văn Cao, Đỗ Nhuận.

Giá như mỗi khi và bát cơm vào miệng, hình ảnh đôi đũa Sơn La chập chờn trước mắt những người cai ngục trên khắp thế giới, những người nghĩ rằng mình có quyền giam cả mùa xuân đang đến, giam cả giọng hát chim chích véo von: tsvi-tsvi...

Cao Huy Thuần

Giáo sư Đại học Lille


1 Tiểu thuyết Le Feu của Henri Barbusse.

2 Gesammelte Reden und Schriften, t.IX, trang 497.

3 cùng tác phẩm, t.VIII, tr. 303-304.

4 Studien Über die Bewegungsgesetze der Gesellschaftlichen Entwicklung (Etudes sur les lois dynamiques du développement social), Munich, Kurt Wolff Verlag, 1922.

5 trong Marxisme contre dictature, Ed. Spartacus, Paris 1946, tr. 25.

6 La Révolution russe, Ed. Maspéro, tr. 69.

7 cùng tác phẩm, tr. 68.

8 cùng tác phẩm, tr. 64.

9 cùng tác phẩm, tr. 62

10 Thư vìết cho Mathilde Jakob, thư ký của bà.

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss