Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 12 / Cổ phần hoá, tư nhân hoá...

Cổ phần hoá, tư nhân hoá...

- Hải Vân — published 13/10/2010 00:00, cập nhật lần cuối 17/12/2010 22:55

Kinh tế

Cổ phần hoá, tư nhân hoá,
“hoá giá xí nghiệp”...


Hải Vân

 

Vừa qua – theo nguồn tin của tạp chí Far Eastern Economic Review ngày 3.9 –chính phủ Việt nam đã đình chỉ quyết định tư nhân hoá công ty Legamex là phương án thí điểm đầu tiên trong chương trình “cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước” mà bộ tài chính công bố chưa đầy ba tháng trước đó (Diễn Đàn tháng 7.1992). Lý do chính thức đưa ra là nhà nước Việt Nam cần có thời gian sửa đổi luật rồi mới có thể bán cổ phần cho người nước ngoài, điều mà luật đầu tư hiện nay chưa cho phép.

Đồng thời người ta còn được biết rằng bốn trên bảy doanh nghiệp nhà nước được bộ tài chính chọn làm thí điểm cổ phần hoá đã “rút tên” do vấp phải sự không đồng ý của công nhân viên và ban giám đốc xí nghiệp. Còn lại ba xí nghiệp: Xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc, Nhà máy diêm Thống nhất và Công ty may mặc, da giày Legamex mà phương án cổ phần hoá đã được tiến hành xa nhất (có sự cố vấn của Crédit Lyonnais Securities Asia, đã thực hiện phần kiểm toán). Có doanh số 40,5 tỷ đồng và xuất khẩu 20 triệu đôla hàng hoá trong năm 1991, xí nghiệp Legamex (6500 công nhân) dự kiến sẽ được cấu tạo lại thành ba xí nghiệp: hai công ty cổ phần có sự tham gia của vốn tư nhân là Legatex (may mặc) và Lega (da giày), và Legamex, công ty quốc doanh quản lý các cổ phần của nhà nước trong hai công ty trên. Tổng giám đốc Nguyễn Thị Sơn cho biết vốn của Legatex sẽ gồm 170 ngàn cổ phần trị giá 4,3 triệu đôla, trong đó 35% do công ty Hong Kong Chiap Hua Overseas Development mua, 10% bán cho công ty Đức Deutsche Investitions und Entwicklungs, 4% cho công nhân viên xí nghiệp, 41% còn lại do Legamex nắm giữ. Còn vốn của Lega sẽ gồm 592 ngàn đôla cổ phần bán cho công ty Hong Kong Bicar (45,7%), cho công nhân viên xí nghiệp (5%), số còn lại do Legamex nắm (49,3%).

Phương án của bà Nguyễn Thị Sơn, khi đưa ra, đã làm nổi lên một loạt những câu hỏi được nêu ra trên báo Tuổi Trẻ (6.8 và 27.8.1992).

Trước hết đó là việc xử lý nợ nần hiện tại của Legamex. Tuy phát triển nhanh và làm ăn có lãi, công ty của bà Nguyễn Thị Sơn hiện đang đương đầu với món nợ lớn lên đến 14 triệu đôla, vay của các ngân hàng trong nước và nhất là nước ngoài (gần 90%): tính trên tổng số tài sản hiện thời, tỷ lệ nợ gấp 13 lần. Và riêng năm 1992, khoản nợ mà Legamex phải trả lên tới 3,4 triệu đôla (FEER 20.8.1992). Phương án cổ phần hoá lại không thuyết phục được chủ nợ trở thành cổ đông cho nên Legamex, với sự bảo lãnh của Ngân hàng nhà nước, sẽ tiếp tục đóng “vai trò con nợ” đối với ngân hàng nước ngoài, đồng thời “làm chủ nợ” đối vơi Legatex và Lega: một xí nghiệp như Legatex khi hình thành sẽ lãnh một món nợ 10 triệu đôla, vượt hơn gấp đôi tổng số vốn của công ty; và hơn gấp bốn lần số vốn thu từ việc bán cổ phần (2,5 triệu đôla). Điều này cũng có nghĩa là nếu hai công ty cổ phần làm ăn lỗ lã hay phá sản, công ty quốc doanh và nhà nước phải gánh trách nhiệm trước các chủ nợ. Trong điều kiện đó, phương án cổ phần hoá không đạt được mục tiêu tối thiểu của nó là giải trừ nợ cho nhà nước. Trước mắt, nó chỉ là một phương án huy động vốn để đảo nợ: một phương án để cứu nguy cho một xí nghiệp đã mất khả năng thanh toán? Một cách chính đáng, dư luận không thể không xôn xao.

Một vấn đề khác gây không kém thắc mắc, đó là cách Legamex đánh giá tài sản của nhà nước. Như đất đai chẳng hạn: trong phương án cổ phần hoá, 15.000 m2 mặt bằng được đưa vào vốn Legatex với giá 1 ,5 triệu đôla. Trong khi tính theo giá biểu thuê đất của các công ty nước ngoài, mặt bằng đó có giá trị gấp hơn ba lần (5,4 triệu đôla). Vượt lên trường hợp Legamex, hiện nay nổi cộm lên là vấn đề định ra “giá bán” các xí nghiệp quốc doanh được cổ phần hoá. Làm sao xác định giá trị của một doanh nghiệp khi đằng sau là một chế độ kế toán yếu kém và không chuẩn với những gì quốc tế có thể chấp nhận, và khi nhiều thông tin cần thiết để đánh giá doanh nghiệp tiếp tục bị giữ kín? Những băn khoăn của dư luận xã hội cũng như giới đầu tư nước ngoài đủ hợp lý để cho thấy chương trình tư nhân hoá xí nghiệp dưới dạng công ty cổ phần, trong thực trạng hiện nay, khó có thể đưa ra thị trường những cổ phần thật sự có sức hấp dẫn người mua.

Trong một cuộc hội thảo về vấn đề này tổ chức đầu mùa hè này ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Đào Văn Thuỵ, luật sư tòa thượng thẩm Paris, cho rằng điều cần xây dựng đầu tiên là một “đạo luật về tư nhân hoá xí nghiệp quốc doanh” trong đó cổ phần hoá là một phương thức. Tránh né từ “tư nhân hoá”, vì những lý do tư tưởng hệ, làm cho nhiều vấn đề hiện nay không được đặt ra một cách rốt ráo (như vai trò quyết định của đảng ủy Đảng cộng sản trong các xí nghiệp). Một đạo luật tư nhân hoá trước tiên nhằm đáp ứng nhu cầu dân chủ: thảo luận rộng rãi tại quốc hội và trong dư luận về một sách lược lớn có liên quan đến đời sống của hàng triệu công nhân viên và quyền lợi của quốc gia. Đạo luật đó tạo điều kiện cho một sự trong suốt cần thiết trong việc chuyển nhượng tài sản quốc gia sang khu vực kinh tế tư nhân, hạn chế những sự lạm dụng và tránh những quyết định vội vàng có hại cho quyền lợi chung. Đồng thời đó cũng là điều kiện để có sự ổn định tâm lý cần thiết cho việc huy động vốn đầu tư của tư nhân trong cũng như ngoài nước.

Và trước khi quyết định chuyển nhượng sở hữu hay không, điều tiên quyết, theo luật sư Thuỵ, là cải tạo quy chế pháp lý của doanh nghiệp nhà nước, chuyển các xí nghiệp quốc doanh từ chế độ công pháp (tức là từ một cơ chế quản lý cơ bản không khác các cơ quan hành chính) sang chế độ tư pháp, lấy luật thương mại làm thông luật và qui tắc kế toán thương mại làm qui tắc quản lý. Chỉ trên cơ sở quản lý đó, nhà nước và xã hội mới có được những dữ kiện xác thực để xử lý bài toán tư nhân hoá xí nghiệp đúng với quyền lợi của quốc gia.

Đặt lại công khai qui chế doanh nghiệp nhà nước còn là cách để ngăn chặn hiện tượng “cổ phần hoá êm dịu” đang xảy ra ở những doanh nghiệp nhỏ, như ông Trần Tố Tự, chuyên viên kinh tế của Công ty tài chính Sài Gòn, đã báo động tại cuộc hội thảo nói trên. Không ít trường hợp giám đốc xí nghiệp nhỏ đã ấn định giá doanh nghiệp rất thấp và chia chác các cổ phần cho họ hàng thân thuộc của quan chức: sau chuyện “hoá giá nhà” người ta đang chứng kiến việc “hoá giá xí nghiệp”.

Hải Vân

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss