Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 12 / Dân chủ và Phát triển

Dân chủ và Phát triển

- Nguyễn Trọng Nghĩa — published 11/10/2010 05:00, cập nhật lần cuối 17/12/2010 23:37


Diễn đàn

Dân chủ và Phát triển


Nguyễn Trọng Nghĩa

Bất bình 1 tắc minh (Hàn Dũ)

 

Có anh bạn trong nước sang vui miệng nói với tôi vào cái lúc mà người ta vẫn gọi là “trà dư tửu hậu” (thật ra không có trà): “ Báo Diễn Đàn của các anh nói đến phát triển thì được, chứ nói nhiều đến dân chủ thì có vấn đề đấy! ”.

Tôi biết anh nói thế vì là chỗ thân tình chứ không phải vì muốn gióng lên thêm một tiếng chuông răn đe: tâm sự của anh thì cũng như chúng tôi thôi.

Điều anh nói thật ra chúng tôi cũng đã biết từ mấy năm nay rồi: từ cái hồi còn làm tờ Đoàn Kết kia!

Đúng thế! Chính vì thiết tha với việc dân chủ hoá đất nước nên Diễn Đàn đã nghiễm nhiên bị các nhà cầm quyền trong nước xem là một tờ báo đối lập. Mà như thế là nặng tội lắm! Trong một hệ thống chính trị không chấp nhận ngay cả ý niệm đối trọng (contrepoids), thì đối lập đồng nghĩa với đối nghịch (nếu không nói là phản nghịch). Theo ngôn ngữ của cố chủ tịch Mao Trạch Đông, đối lập không thuộc phạm trù “mâu thuẫn giữa nhân dân” mà thuộc phạm trù “mâu thuẫn chống lại nhân dân”, tức là đã vượt qua khỏi đường ranh giữa “bạn” và “thù”, giữa “ta” và “địch”!

Điều oái oăm là hầu hết những người làm báo Diễn Đàn đều không muốn đóng vai trò đối lập theo nghĩa chính trị của nó: tham gia vào cuộc đấu tranh giành quyền bính. Lý do đơn giản của sự chọn lựa đó là do sự run rủi của cuộc đời, chúng tôi đang và chắc sẽ còn sống lâu dài hoặc vĩnh viễn ở quê người.

Hơn nữa – và đây mới thật là điều quan trọng – chúng tôi chân thành nghĩ rằng tương lai Việt Nam chủ yếu tuỳ thuộc đồng bào trong nước, cả về nhân sự cũng như đường lối.

Nói như vậy không phải để thanh minh hay để tự biện hộ (là điều thậm vô ích) mà là để sòng phẳng với chính mình, với bạn đọc, với thiên hạ... Thế thôi!

Nếu vì bàn bạc quá nhiều về dân chủ mà Diễn Đàn bị xem là “đối lập” hay “đối nghịch”, thì cũng đành lòng vậy. Xét cho cùng, cũng không có chi là oan ức.

Đã mang lấy nghiệp vào thân ,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
[Kiều]

Cái “nghiệp” mà chúng tôi có người đã mang từ hai, ba mươi năm nay, là dù xa xứ và dù “lực bất tòng tâm”, chúng tôi vẫn không ngừng thao thức, trăn trở về những vấn đề của đất nước và vẫn muốn đóng góp một chút gì đó cho quê hương, dường như là của chung mọi người chứ không phải của riêng ai.

Về dân chủ, tưởng cũng cần phải nói thêm một đôi lời.

Không ai trong chúng tôi đủ ấu trĩ, ngây thơ để nghĩ rằng dân chủ là phương thuốc mầu nhiệm sẽ chữa lành trong một tháng một năm những căn bệnh trầm kha của Việt Nam là nghèo đói, thất nghiệp, dốt nát, độc đoán, tham nhũng, tham quyền cố vị... Trái lại, chúng tôi cho rằng dân chủ hoá là một quá trình phức tạp, năng động và liên tục: nó gắn liền với thực tế kinh tế, xã hội, văn hoá, tâm lý... của mỗi nước. Do đó cần tiến từng bước một, vững chắc và có ý thức. Chắc chắn là chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn, sẽ vấp ngã do thiếu truyền thống kinh nghiệm về dân chủ: từ những khó khăn, vấp ngã đó chúng ta sẽ rút ra những bài học và tiếp tục đi tới.

Nhưng rõ ràng là không thể nào dân chủ hoá đất nước nếu chúng ta không thấm nhuần – thậm chí từ chối ngay từ đầu – những giá trị cơ bản mà khái niệm dân chủ chứa đựng: tự do, bình đẳng và công bằng. Những giá trị đó không những phải được thực hiện trong đời sống chính trị thông qua những định chế, cơ chế mà ngay trong cách ứng xử thường nhật của mỗi người.

Với một quan niệm như vậy, dân chủ hoàn toàn không mâu thuẫn với phát triển, nhất là nếu ta không giản lược phát triển vào kích thước kinh tế của nó, trái lại còn chú trọng đúng mức đến các kích thước xã hội, văn hoá và cả chính trị nữa.

Trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ (16.7.1992), nhà lý luận Trần Bạch Đằng cho rằng Quốc hội – vừa được bầu trong những điều kiện phải nói là không được dân chủ cho lắm – cần “tạo ra những tiền đề dân chủ lành mạnh và phát triển cao hơn”.

Khi nói như thế, phải chăng ông Trần Bạch Đằng cho rằng hiện nay chưa có “những tiền đề dân chủ lành mạnh”? Nếu đúng thế, thì đây là một lời phê phán khá nặng nề.

Một câu hỏi khác, quan trọng hơn, cần được đặt ra: những “tiền đề dân chủ lành mạnh” đó là gì? Các nhà lý luận về dân chủ đã trả lời từ mấy thế kỷ nay rồi như đã trình bày trên đây: tự do, bình đẳng, công bằng.

Làm sao có thể có dân chủ nếu người dân chưa được tự do tư tưởng, ngôn luận, lập hội... và nhất là chưa có quyền chọn lựa giữa hai hay nhiều ứng cử viên có chương trình và chính sách khác nhau. Làm sao có thể có dân chủ nếu chưa có sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các công dân? Không thể chối cãi được rằng, do tham gia vào “đảng lãnh đạo”, các đảng viên của Đảng cộng sản đương nhiên có vai trò chính trị cao hơn những công dân thường rất nhiều. Đó là chưa nói đến các người mà người ta vẫn gọi là “phó thường dân”.

Còn công bằng thì lại càng diệu vợi!

Có một anh bạn sau nhiều năm tháng suy nghĩ nát óc về vấn đề dân chủ ở Việt Nan, một hôm chợt nói với tôi: “Hay là trong giai đoạn đầu, ta nên đề nghị dân chủ hoá Đảng cộng sản trước đã. Nền dân chủ ở Athènes thời cổ đại đã chẳng được xây dựng trên nền tảng của chế độ nô lệ đó sao?”

Câu nói có vẻ mỉa mai chua chát đó dường như chứa đựng một chút chi tuyệt vọng.

Riêng tôi, tôi vẫn tin rằng từ khoảng mươi năm nay ở Việt Nam dân chủ vẫn mỗi ngày nhích lên từng chút. Về tự do chẳng hạn, đồng bào trong nước đã được tự do đi lại từ khoảng năm, sáu năm nay, sau đó, lần hồi được tự do làm ăn, buôn bán; và bây giờ thì người dân đã có thể nói chuyện với nhau về thời cuộc mà không sợ hãi ngó trước ngó sau...

Cần ghi nhận những tiến bộ quý báu đó để mà hy vọng và để có được “can đảm cho mỗi ngày”.


Nguyễn Trọng Nghĩa

 

1 Xin hiểu bất bình theo nghĩa ngày nay, bất bình thì phải kêu lên.

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss