Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 12 / Đọc "Bến không chồng"

Đọc "Bến không chồng"

- Hoài Văn — published 12/10/2010 00:00, cập nhật lần cuối 17/12/2010 23:03

Đọc sách

Bến không chồng

 

(tiểu thuyết của Dương Hướng, giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 1991, NXB Hội nhà văn, Hà Nội 1991)


Hoài Văn

 

Được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 1991 cùng với  Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khánh Trường và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, tiểu thuyết Bến không chồng của Dương Hướng là một tác phẩm hấp dẫn có nội dung phong phú, cốt truyện được xây dựng trên những sự kiện xảy ra ở nông thôn miền Bắc vào những năm Cải cách ruộng đất và những năm chiến tranh chống Mỹ, hai thời điểm lịch sử mà trong văn học Việt Nam chưa có mấy tác phẩm đi  sâu vào khai thác.

Cũng như Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng là một cuốn tiểu thuyết giàu tình tiết và chứa đựng một lượng thông tin quý báu, nói lên phần nào thực tế cuộc sống ở nông thôn miền Bắc trải qua hai cuộc Kháng chiến.

Đây là một truyện dài dễ đọc nhờ ở bố cục sáng sủa, các chương đoạn được sắp xếp một cách khéo léo, không gượng ép, ngôn ngữ mộc mạc, dí dỏm, mặc dầu đôi chỗ còn gượng   gạo, chưa hẳn là cái ngôn ngữ chân phương đích thực của những người sinh sống ở nông thôn.

Truyện diễn ra ở một làng ven biển, mà người ta có thể đoán được là thuộc tỉnh Thái Bình. Nguyễn Vạn, nhân vật chính của truyện là một chiến sĩ Điện Biên, ngày hoà bình trở về sống ở làng. Là một đảng viên, một người vốn ngay thẳng, ít nhiều có “phẩm chất cách mạng” tuy rằng khá giáo điều, Nguyễn Vạn bỗng nhiên trở thành người trọng tài nghiêm khắc trong cuộc tranh chấp giữa hai họ trong làng mình, họ  Nguyễn và họ Vũ, hai họ có mối thâm thù nhau từ lâu đời. Anh tỏ ra là một người can đảm và kiên quyết khi phải đối phó chống lại những thành kiến của người khác, nhưng bản thân anh thì lại không từ bỏ được những định kiến của chính mình. Bệnh giáo điều và sơ lược đã dẫn anh đến hành động sai lầm đầu tiên, đó là vụ bắt giam ba bố con ông Xung, người cùng họ với mình, về tội “phản động, phá hoại tài sản của nhà nước”, v.v... Nguyễn Vạn luôn luôn dựa vào những điều mà anh vẫn tin tưởng cho rằng đấy là “đạo lý cách mạng” để ứng xử, đối phó trong mọi tình huống. Nhưng anh đã bất lực trước cái thực tế ở quê mình, một thực tế không đơn giản như anh tưởng. Anh sẽ chuốc lấy mọi sự vất vả để cuối cùng sẽ thất bại. Cái chết của anh không biết có làm cho dân làng Đông thức tỉnh không?

Nỗi bất hạnh của Nguyễn Vạn thật ra cũng là số phận chung của dân làng Đông, từ cuộc tình duyên trắc trở của đôi lứa Hạnh và Nghĩa, đến cảnh goá bụa ở vậy của chị Nhân, thân phận cô đơn của Dậu, Thắm, Cúc, v.v..., những cô gái “không chồng”.

Nguyên nhân của sự bất hạnh này vì đâu? Vì chiến tranh, vì nghèo đói, dốt nát, hay vì cả những định kiến cứng nhắc trong đầu óc mỗi con người?

Qua cuộc đời của những người làng Đông, tác phẩm của Dương Hướng đã nói lên được khá nhiều vấn đề phức tạp còn tồn tại ở nông thôn, đặc biệt ở nông thôn miền Bắc: tâm lý tộc họ, gia trưởng, thành kiến đối với việc phụ nữ không có con để “nối dõi tông đường”, v.v... Một cách chung hơn, nó nói lên một tình trạng xã hội lạc hậu nghiêm trọng.

Câu chuyện Thuỷ vì yêu, hay thương hại Nghĩa, hay vì chính bản thân cô cũng bị cái tâm lý kia ảnh hưởng, mà phải đi làm tình với một kẻ qua đường để hòng có được mụn con cho chồng mình, quả là một chuyện khó có thể chấp nhận được trong một xã hội tiến bộ, bình thường. Không có một đạo lý nào bắt buộc cô phải tự hành hạ mình vì hạnh phúc của người khác đến mức như vậy.

Có một cái gì không ổn trong hành động của Thuỷ cũng như trong cách hành sự của nhiều nhân vật khác trong truyện, bắt đầu từ “chú” Vạn, rồi chị Nhân, rồi Nghĩa, rồi Hạnh... Tất cả những nhân vật này đều là nạn nhân của những định kiến lỗi thời: Vạn trong quan hệ với chị Nhân và sau này với Hạnh, Hạnh phải bỏ làng ra đi vì có thai với “chú” Vạn, Nghĩa trước việc Thuỷ không có con, v.v...

Trong Bến không chồng cũng như trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, người ta còn gặp lại những biểu hiện của một thứ tâm lý mê tín dị đoan, tàn tích mà những thời xa xưa còn để lại, như cái gò ông Đỗng, cái hồ Mắt Tiên, với những chuyện quỷ nhập, ma ám. Chính “con ma mặt đỏ” đã nhập vào Hạnh để, trong cơn mê loạn, cô đã hiến thân cho “chú” Vạn, một kết thúc có phần nào gượng ép.

Nhưng đây là tiểu thuyết và nhà văn hoàn toàn có quyền hư cấu, thậm chí sử dụng những tình tiết đôi khi siêu thực, cốt sao gây được sự hấp dẫn và không làm tổn hại đến cái lô-gích chung của cốt truyện.

Mặc dầu không thiên về phân tích, song tiểu thuyết Bến không chồng cũng khơi lên được một số vấn đề mà người đọc phải tự tìm lấy lời giải đáp. Nó xứng đáng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của một giai đoạn văn học trong đó có nhiều tác giả đang dũng cảm đi sâu vào những vấn đề còn tồn tại trong xã hội Việt Nam trải qua gần nửa thế kỷ từ sau Cách mạng tháng Tám và sẽ còn ngăn cản bước đi lên của nó.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss