Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 12 / Mở cửa kinh tế

Mở cửa kinh tế

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:42, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:42
Kinh tế đã có bộ mặt của kinh tế thị trường trong khi còn tồn tại một số đặc tính thời bao cấp. Có gì là lạc điệu? Có ảnh hưởng gì đến phát triển kinh tế?

 

Mở cửa kinh tế,
chậm đổi mới chính trị:
mâu thuẫn và hệ quả

 
Bùi Mộng Hùng

    

1986, đại hội VI Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định hướng đổi mới kinh tế. Cuối 1988 hội đồng bộ trưởng quyết định xóa bỏ hoạch định kinh tế theo chỉ tiêu định lượng và giao nộp sản phẩm, cho giá cả hàng hóa, dịch vụ ngoại tệ được tự do trên thị trường. Từ ấy như có một luồng gió mát thổi vào: thoát ra được tình trạng lạm phát phi mã, giá cả tương đối ổn định, xuất khẩu phát triển, tổng sản lượng trong nước (PIB) tăng...

Bức tường Bá Linh sụp đổ, Liên Xô cùng hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã. Chẳng những đã mất đi một nguồn viện trợ tương đương với 7% tổng sản lượng trong nước lại thêm tiêu tan hầu hết toàn bộ thị trường truyền thống Đông Âu: so với năm 1990, trong khu vực đồng rúp tổng số kim ngạch xuất khẩu năm 1991 chỉ bằng 7% (80 triệu rúp) và nhập khẩu 18% (226 triệu rúp) (1).

Thấy hiển hiện nguy cơ xáo trộn kinh tế và xã hội nếu phản ứng không hiệu quả và kịp thời. Ngay trong năm, xuất nhập khẩu chuyển hướng về phía khu vực đôla, xuất tăng trên 60%, chủ yếu nhờ dầu khí (sản xuất tăng 40%) và nhập khẩu tăng gần 60% trong năm 1991. Kết quả là xuất khẩu hàng hóa năm 1991 chỉ giảm 18%. Tổng sản lượng trong nước có chững lại so với mấy năm trước thật nhưng vẫn tăng được 4% (tính theo tiêu chuẩn Liên hợp quốc) (2). Lạm phát gia tăng (67% năm 91) nhưng vẫn còn nằm dưới mức hai số không, và đang chậm lại, theo báo cáo của Uỷ ban kế hoạch nhà nước ngày 2.7.92, tốc độ lạm phát trung bình hàng tháng trong năm 92 là 2, 1 % (3).

Nhờ đổi mới, kinh tế Việt Nam đã tránh được sự sụp đổ toàn diện khi bị cắt nguồn viện trợ Liên Xô đồng thời với sự gián đoạn hầu như toàn thể quan hệ thương mãi truyền thống với khối thị trường Đông Âu.

Được mở cửa, kinh tế đã và đang chuyển biến sôi động. Hiến pháp 1992 (4) là khung luật pháp cơ bản cho những chuyển đổi trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, thể chế, xã hội.

Kinh tế thị trường được văn bản luật pháp tối cao chính thức thừa nhận "Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường" nhưng "theo định hướng xã hội chủ nghĩa" (điều 15). Người "Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của luật pháp" (điều 57 ) nhưng "Kinh tế quốc doanh được củng cố và phát triển, nhất là trong những ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân" (điều 19). Về kinh tế, Hiến pháp mới thể chế hóa một thế đi hàng hai.

Đảng lãnh đạo được xác định lại trong điều 4 "Đảng cộng sản Việt nam , . . . , là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Vấn đề quan trọng nhất trong công cuộc đổi mới hệ thống chính trị – theo chính phát biểu của tổng bí thư Đỗ Mười tại hội nghị Ban chấp hành trung ương họp cho ý kiến về sửa đổi Hiến pháp (5) – vấn đề quan hệ nhập nhằng giữa đảng và nhà nước thì đâu vẫn còn đấy: Hiến pháp 1992 không phân định minh bạch chức năng và quyền hạn giữa đảng và nhà nước, không đặt nền tảng pháp lý để kiểm soát và kiềm chế khả năng lộng hành của bộ máy đảng và chính quyền địa phương. Chính khuyết điểm này trong thể chế đã làm cho nhà nước trung ương hầu như bất lực đối với các cấp dưới (tỉnh / thành phố, huyện / quận, xã / phường) và bất lực trước tệ nạn quan liêu, tham nhũng, buôn lậu.

Kinh tế đã có bộ mặt của kinh tế thị trường trong khi còn tồn tại một số đặc tính thời bao cấp. Có gì là lạc điệu? Có ảnh hưởng gì đến phát triển kinh tế?
   

1. Trong khúc quanh thay đổi khu vực thị trường ngặt nghèo từ 1990 đến nay, tình hình kinh tế chính trị được tương đối ổn định nhờ sản xuất dầu khí phát triển mạnh, nhờ có lúa gạo xuất khẩu. Thoạt mới nhìn vào, công nghiệp quốc doanh góp phần đáng kể trong sự ổn định này: 55% thu nhập ngân quỹ nhà nước là ở khu vực quốc doanh mà ra ( (1) tr. 31).

Xét chi tiết hơn, khi đem so sánh tổng số đóng góp của khu vực quốc doanh với số lãi đáng lẽ khu vực kinh tế này phải trả cho vốn cố định được nhà nước cung cấp thì số đóng góp còn thấp hơn số lãi lẽ ra phải trả (2): thật ra khu vực quốc doanh không làm ra lãi mà đang lỗ. Thực chất là trong mấy năm qua, vốn liếng khu vực quốc doanh được cung cấp miễn phí – vốn liếng chung của nhân dân – đang bị ăn thâm hao hụt để đem ra chống đỡ cho kinh tế và chính trị được ổn định.

 
2. Nguồn bao cấp cố hữu cho khu vực quốc doanh là viện trợ của Liên Xô đã bị cắt. Bao cấp biến dạng qua hình thức tín dụng và lãi suất. Theo Kinh tế và tài chính Việt Nam 1986 - 1990 (Tổng cục thống kê 1991) thì trong những năm 89, 90, 91 gần tới 90% tổng số dư tín dụng được đem cung cấp cho khu vực quốc doanh. Với một lãi suất thấp hơn lãi suất tiền gởi tiết kiệm. Trong năm 1991 khi gởi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng được lãi 3,5% một tháng thì các đơn vị quốc doanh đi vay chỉ phải trả 1,8 - 3,7% lãi, trong lúc đó người nông dân đi vay phải trả 4 - 6% ((1) và (6)). Cơ sở quốc doanh chỉ cần chạy vạy được ngân hàng cho vay là có thể thảnh thơi đem số vốn ấy cho người khác vay lại để ngồi chơi xơi nước ăn chênh lệch lãi suất. Thực chất là nhà nước đem tiền dành dụm của quốc dân ra bao cấp khu vực quốc doanh thông qua hệ thống ngân hàng của mình.

Về mặt xã hội, những thành phần cơ sở quốc doanh và những thành phần bộ máy đảng và chính quyền đã cấu kết với nhau để khai thác tối đa những đặc quyền đặc lợi béo bở mà họ vẫn có trong tay.

   
3. Mặc dù hệ thống ngân hàng mới được cải tổ theo hướng mong muốn của Quỹ tiền tệ quốc tế (FMI), luật về ngân hàng được ban hành vào tháng 5.1990 và ngân hàng thương mại được chính thức thành lập (Ngân hàng ngoại thương Việt nam VIETCOMBANK, ngân hàng công thương INCOMBANK...) Nhưng những cơ quan này cho tới nay không thực sự hoạt động như ngân hàng thương mại. Phần lớn tài sản của họ là nợ không trả nổi, của khu vực quốc doanh và những trợ cấp để bù vào khoản bắt buộc phải cho vay bao cấp với lãi suất thấp vẫn còn ở mức độ lời hứa. (1). Thiếu vốn lưu động, ngân hàng chỉ loanh quanh với việc chi trả lương bổng, ngân sách, không đủ sức đáp ứng các nhu cầu tín dụng, thanh toán, vốn liếng hoạt động ở mức tối thiểu. Vụ mùa vừa rồi trúng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, nông dân được mùa đáng lẽ âu ca phấn khởi, nhưng ngân hàng thiếu tiền ứng ra để thu mua, lúa gạo ứ đọng, nông dân hụt vốn làm mùa sau (7). Trong khi các đơn vị quốc doanh mua bán lòng vòng lại được hưởng chính sách cấp hàng hàng trăm tỉ.

Cơ chế thanh toán chậm chạp. Ngân Hàng Nhà Nước cho phép (25.l.92) hệ thống ngân hàng ngâm giữ 10 ngày không giải quyết séc chuyển khoản trước khi phải phạt đền theo lãi suất tiết kiệm 3%/tháng. Vũ Quang đã đặt câu hỏi: Phải chăng đây là hình thức chiếm dụng vốn để ngân hàng giải quyết việc thiếu khả năng điều động tiền mặt của mình? (6) Trong thời gian 10 ngày đó, cứ theo lãi suất đi vay 4% thì 100 triệu đẻ ra 1,3 triệu, thân chủ ngân hàng gởi một séc 100 triệu để chuyển khoản mất toi 1,3 triệu, vì tiền nằm nhàn rỗi không sinh lợi, hoặc phải móc túi trả số lãi nếu là vốn vay mượn.

Ngân hàng quốc tế liên doanh với Việt Nam cũng bó tay với tất cả kinh nghiệm nghiệp vụ của mình. INDOVINA BANK (IVB) - ngân hàng liên doanh đầu tiên ở Việt Nam giữa Ngân hàng Công thương Việt Nam và Ngân hàng PT. SUMMA (Inđônêxia) - đã lỗ trong năm 1991. Vì IVB phải hoạt động gần giống như một công ty tài chính, không phát huy được kinh nghiệm quốc tế của PT SUMMA (8 ). Mới đây, Ngân hàng nhà nước thay đổi luật chơi với các ngân hàng nước ngoài, trước mắt phải hoạt động theo một số qui định hạn chế (3).

Việc chính quyền sử dụng hệ thống ngân hàng làm công cụ bao cấp cho khu vực quốc doanh, vô hình trung, làm thui chột chức năng thúc đẩy phát triển kinh tế của ngân hàng.

Hoa Kỳ sớm muộn rồi cũng bỏ cấm vận. Không thể không đặt câu hỏi: nếu không sớm thay đổi, một hệ thống ngân hàng lệ thuộc vào chính sách đầu tư bao cấp của chính quyền có là sức cản trở đất nước phát triển khi vốn đầu tư ngoại quốc rót thêm vào hay chăng?

4. Nông nghiệp góp phần không nhỏ trong việc ổn định kinh tế, xã hội trong mấy năm vừa qua. Nông dân được tự do canh tác, Việt Nam trước đây phải nhập gạo, đã trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ ba trên thế giới.

Đời sống nông dân có khấm khá lên, người làm ruộng được hưởng khoảng 50% sản lượng mình làm ra, không còn như trước đây bị các khoản đóng góp lấy gần hết, người cày chỉ còn được 20%. Thu nhập tăng, với tỷ lệ gần 20% năm 1989, 6% năm 1991 (1). Nhưng nhìn vào con số tuyệt đối thì thu nhập bình quân đầu người thật thấp, khoảng 5 đôla/tháng (28.000 đồng) năm 1989. Lại thêm bấp bênh theo giá nông sản. 1991, lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long bị ứ đọng sau vụ được mùa, hồi tháng 6 giá một kí lúa ở miền Nam chỉ còn được 750-850 đồng, thấp hơn giá thành sản xuất. Dành dụm chẳng dược bao nhiêu, để dành gộp (épargne brute) chưa bù trừ hao mòn tài sản cố định chỉ là 5% (2). Thiếu vốn, 25% nông dân đồng bằng sông Cửu Long phải mắc nợ, đi vay với lãi suất 15 - 20% / tháng (1).

Trong khi đó năm 1991 chỉ có 5% tổng số tín dụng (1) được phân phối về nông thôn; từ 1975 tới nay gần như không có đầu tư cho giao thông, cầu cống đường xá xuống cấp: nông thôn thiếu điều kiện tối thiểu để phát triển, để xây dựng những cơ sở chế biến nho nhỏ, để mở mang thị trường địa phương, tạo công ăn việc làm cho số người không đất cày ngày càng đông ở đồng bằng sông Cửu Long (1).

Chính sách tập trung đầu tư vào công nghiệp quốc doanh và thành thị đang phó mặc cho nông thôn vật lộn với nghèo nàn lạc hậu. Bỏ rơi một bộ phận nhân dân quan trọng – 81% lao động của cả nước là nông dân (1), và 40% tổng sản phẩm quốc dân là từ nông thôn mà ra (2) – là nuôi dưỡng nguy cơ bùng nổ của những vấn đề xã hội, chính trị nan giải.

 
5. Trong mấy năm qua hình thức làm ăn gia đình (buôn bán, dịch vụ, xí nghiệp sản xuất nhỏ) mọc lên khắp nơi. Mỗi cơ sở chỉ có hai hay ba người làm, nhưng số lượng tăng đáng kể. Một số vốn nhỏ, món tiền dành dụm của thân nhân đi làm ở nước ngoài chẳng hạn, là đủ để mở ra được một doanh nghiệp. Mà hiệu năng tạo việc làm của loại xí nghiệp gia đình này lại rất cao, hơn hẳn công ty tư nhân: trong khi các công ty phải đầu tư từ 1,5 đến 3 triệu đồng (khoảng 200 đô-la để tạo việc làm cho một người, các xí nghiệp gia đình chỉ cần bỏ ra 0,5 đến 1 triệu đồng (70 đôla) (1).

Ở miền Bắc doanh nghiệp gia đình đang phát triển sôi động và đóng vai trò thu hút vốn liếng tư nhân từ nhiều nguồn. Hình thức kinh doanh này được khuyến khích từ trước 1989, một số sắc lệnh đã được ban hành nhằm tạo cơ chế giúp đỡ cho đời sống cán bộ nhà nước và gia đình của họ. Tại thành phố Hồ Chí Minh thân nhân ở nước ngoài trước kia thường gởi hàng hóa tiêu dùng giúp gia đình nay có chiều hướng gởi thiết bị sản xuất để gia đình kinh doanh.

Trong sản xuất công nghiệp, tốc độ phát triển của các xí nghiệp gia đình lên đến 20% năm 87, 31% năm 88, 34% năm 89. Gặp đợt xáo trộn kinh tế năm 90 tốc độ phát triển tụt xuống còn 10% năm 90, 11 % năm 91, nhưng khu vực này đã thực sự thay thế những hợp tác xã thiếu hiệu năng (1). Như vậy là ở Việt nam có một khu vực tư nhân thực sự – và vì thế có lẽ năng động hơn.

Khả năng phát triển số lượng xí nghiệp nhỏ kiểu gia đình trọng những năm tới là yếu tố quan trọng để tạo ra công ăn việc làm, quan trọng hơn khu vực công ty tư nhân (tương đối rất nhỏ). Năm 1990, tổng số vốn đầu tư cho công ty tư nhân là 15 triệu đô-la trong khi đó kinh doanh gia đình đầu tư gần 200 triệu (1).

Trong những năm tới đây loại cơ sở này phát triển như thế nào còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Hiện nay chính sách đầu tư của nhà nước có nhiều phân biệt đối xử với người công dân Việt Nam: tư bản nước ngoài đóng thuế lợi tức kinh doanh 15-25% thì người bản xứ phải đóng 30-50%, chưa kể ở một số ngành sản xuất người ngoại quốc được miễn thuế ba năm (2). Chính sách tín dụng phân biệt đối xử với kinh tế tư doanh: tín đụng đã ít oi lại dành ưu tiên 90% tổng số cho khu vực quốc doanh như đã nói ở đoạn trên, tư nhân có được vay ngân hàng cũng phải chịu lãi suất cao, mãi gần đây (28.7.92) mới có qui định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam giảm lãi suất tiền vay, tiền gửi và xóa bỏ sự khác biệt về lãi suất cho vay đối với các khu vực kinh tế quốc doanh và ngoài quốc doanh.

Các doanh nghiệp gia đình chỉ thoát khỏi tính chất cò con, phát huy được sức năng động, trở thành lò đào tạo nhũng nhà kinh doanh có tầm cỡ – mà đất nước đang thiếu vô cùng – khi nào có những tổ chức hữu hiệu liên kết nghiệp vụ cung cấp thông tin kịp thời, giúp nhau phương tiện tiếp cận thị trường. Một vấn đề nan giải khi chưa có tự do hiệp hội mà chỉ có các tổ chức do chính quyền trực tiếp hay gián tiếp lập ra.

Cũng như nông nghiệp, khu vực kinh tế gia đình đang thiếu những điều kiện tối thiểu để nảy nở, để góp phần hữu hiệu vào phát triển và vào việc giải quyết vấn đề thất nghiệp.

 
6. Thất nghiệp chính là vấn đề gay cấn hiện nay. Kinh tế mở cửa, thị trường man dại, hàng hóa lậu thuế từ Thái Lan, Trung Quốc ... tràn ngập, xí nghiệp trong nước bị bóp nghẹt, người lao động mất việc làm. Nguồn bao cấp từ Liên Xô bị cắt, 500.000 bộ đội giải ngũ, biên chế cán bộ công nhân viên giảm, trong năm qua 300.000 lao động trong khu vực nhà nước, giáo viên các trường bị thải hồi – gần 10% tổng sổ. Hiện nay còn 3,2 triệu người làm việc trong biên chế nhà nước, giảm 860.000 người (trên 20%) so với năm 1987 là năm biên chế cao nhất. Trong một nước trên 65 triệu dân, một khu vực quốc doanh nuốt gần hết vốn cho vay của cả hệ thống ngân hàng mà chỉ lo được công ăn việc làm cho trên ba triệu lao động với lương trung bình 75.000 đồng (8 đôla mỗi tháng mà vẫn lỗ lã quả là một khu vực phi kinh tế (1).

Theo lời bộ trưởng lao động Trần Đình Hoan vào tháng 8.1991, từ 30 đến 50%, có nơi 70%, biên chế xí nghiệp quốc doanh là thừa (9). Khu vực quốc doanh không có khả năng thu hút hàng triệu người đang thất nghiệp và mỗi năm trên một triệu người trẻ tới tuổi lao động tấn lên.

Thiếu một chính sách nông nghiệp và nông thôn, một chính sách kinh tế tư doanh đúng đắn và nhất quán tạo điều kiện cho xí nghiệp gia đình phát huy hết khả năng của nó là vô hình trung bỏ mất đi phương sách thích nghi nhất với điều kiện cụ thể của đất nước để kinh tế phát triển, để giải quyết vấn đề thất nghiệp đang day dứt và có nguy cơ bùng nổ, xáo trộn ổn định xã hội bấp bênh hiện nay với hậu quả chính trị, kinh tế khó lường trước được.

 
7. Nhưng phát triển trong ý nghĩa đích thực của nó không thể chỉ duy nhất là phát triển kinh tế. Văn hóa, giáo dục, sức khoẻ là những mặt không kém phần quan trọng và ảnh hưởng qua lại liên hoàn với phát triển kinh tế.

Chỉ nhìn qua tỷ số ngân sách dành cho giáo dục (trong năm 1991, quốc hội quyết định tăng lên cho đạt 12% ngân sách quốc gia nhưng thực tế chỉ được 9% và y tế 4% (10) ta hiểu phần nào tại sao trường học, nhà thương điêu tàn mà không sửa chữa nổi, tại sao người bệnh thiếu thuốc men, săn sóc, tại sao thiếu 40.000 giáo viên tiểu học, đời sống người dạy học khó khăn, bỏ học tiếp tục tăng trong cả nước, tỷ lệ bỏ học tới 14% cấp tiểu học, 32% trung học cấp 2 và 14% trung học cấp 3 (11).

Văn hóa suy đồi, tuổi trẻ thất học, chương trình giáo dục không đáp ứng yêu cầu hiện nay, sức khoẻ nhân dân suy nhược, thất nghiệp gia tăng mà 95% thuộc lứa tuổi 15-30 (9), nông thôn, nông nghiệp bị bỏ rơi, kinh tế tư doanh của công dân sống trên đất nước bị phân biệt đối xử so với tư bản ngoại quốc, vốn liếng dân tộc dồn vào để bảo vệ nhiều mảng kinh tế què quặt thiếu hiệu suất, để che chở cho những thế lực đặc quyền, đặc lợi …, quá nhiều yếu tố đang cản trở đất nước Việt Nam phát triển hài hòa.

 
8. Không thay đổi một số cấu trúc và vì thế duy trì những đặc lợi đặc quyền thời bao cấp, Hiến pháp 1992 đã hạn chế hiệu năng của đổi mới kinh tế. Những đòi hỏi thay đổi quan hệ giữa Đảng cộng sản và nhà nước, những yêu cầu về một nhà nước pháp quyền có kỷ cương do nhân dân, đảng viên phát biểu trong khi chuẩn bị Đại hội VII và thảo luận về Hiến pháp, ..., tất cả dường như nước đổ đầu vịt.

Không thể đánh giá thấp quyền lực những nhóm, những màng lưới bí ẩn dựa vào sự cấu kết giữa giới chính quyền và giới kinh tế quốc doanh, nắm độc quyền trong nhiều mảng đời sống kinh tế xã hội Việt Nam. Nhưng mâu thuẫn giữa một nền kinh tế đang thay da đổi thịt và cơ chế đã quá lỗi thời bắt đầu gay gắt.

Còn nhiều việc sẽ phải thay đổi. Với điều kiện là người công dân chăm chú theo dõi thời cuộc và gánh vác lấy vai trò tích cực của mình.

 
B.M.H

 
(1) Adam Fforde, VietNam: Economic commentary and analysis, (Việt Nam: phân tích và bình luận tình hình kinh tế) april 1992, ADUKI, London and Canberra, tr. 2 và 25.

(2) Vũ Quang, Kinh tế Việt Nam thời kỳ đổi mới, Diễn Đàn số 12 (tháng 10.92)

(3) Kinh tế 6 tháng đầu năm, Diễn Đàn số 11, 1992

(4) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, Nhà xuất bản Pháp 1ý - Nhà xuất bản Sự Thật Hà Nội 1992

(5) Tổng bí thư Đỗ Mười : "... cải cách một bước bộ máy nhà nước và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, là hai vấn đề quan trọng nhất trong đổi mới hệ thống chính trị ..." ... " Đảng có một số khuyết điểm như lẫn lộn chức năng của Đảng với chức năng của Nhà nước ..." , trong Cải cách một bước bộ máy nhà nước và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Nhân Dân 9.12.1991.

(6) Vũ Quang, Vấn đề tiền tệ và ngân hàng hiện nay, Thời Báo Kinh tế Sài Gòn 11.6 và 18.6.1992.

(7) Hoàng Ngọc Nguyên, Trước cơn nóng lạnh thu mua và giá lúa, Tuổi Trẻ 28.3.1992.

(8) Bích Vi, Với cơ chế như hiện nay INDOVINA BANK cũng rất khó khăn, Tuổi Trẻ Chủ Nhật 24.5.1992

(9) James Elliot, The future of socialism: Vietnam, the way ahead ? (Tương lai xã hội chủ nghĩa: Việt Nam, con đường trước mặt ?) Third World Quaterly, vol. 13, No 1, 1992.

(10) theo lời bộ trưởng y tế Phạm Song trong buổi nói chuyện ngày 24.5.92 với Việt kiều ở 16 đường Petit Musc, Paris.

(11) Con số của Hội nghị tổng kết năm học 91-92 tại Hà Nội ngày 6.8.92 đưa ra. Diễn Đàn, số 11, 10.1992.

   

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss