Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 12 / Suy nghĩ về dân chủ sau 15 ngày làm “quan toà”

Suy nghĩ về dân chủ sau 15 ngày làm “quan toà”

- Nguyễn Lộc — published 15/10/2010 00:00, cập nhật lần cuối 17/12/2010 23:21

Thư Cali

Suy nghĩ về dân chủ
sau 15 ngày làm “quan toà”


Nguyễn Lộc

 

Anh TS thân mến,

Vấn đề dân chủ được bàn trong mấy số Diễn Đàn liền, và chắc vấn đề gai góc mà cũng bức xúc này sẽ còn được bàn đến nhiều nữa. Thư này tôi cũng xin đóng góp vài suy nghĩ. Tuy nhiên, chỉ là những suy nghĩ về khía cạnh dân chủ trong cuộc sống hàng ngày ở Mỹ.

Như tôi đã viết cho anh, khi bị mời đi làm bồi thẩm (juror) cho toà án tiểu bang, tôi chán kinh khủng. Đến khi ngồi vào một trong 14 cái ghế dành cho bồi thẩm đoàn (12 thành viên chính thức, 2 dự khuyết) cảm tưởng chung vẫn là nhàm chán. Chả trách khối người vẫn tìm cách lẩn tránh cái nhiệm vụ công dân này. Rồi, sơ sơ tôi cũng mất gần 15 ngày làm việc với một vụ kiện cáo, theo ý tôi, chẳng ra trò trống gì cả. Nói ra lại sợ thiên hạ hiểu lầm là tôi ăn phải đũa của ông Dan Quayle nên bắt chước ông ta phàn nàn về giới luật sư Mỹ, nhưng phải nhận rằng cái trò kiện cáo ở xứ này quả là đến mức việc gì cũng kiện được (Everybody is sueing everybody else). Rõ chán mớ đời. Tốn kém bao nhiêu là tiền bạc, công sức thì giờ của thiên hạ...

Trong 12 bồi thẩm có 4 người phụ nữ, một anh gốc Á đông (là tôi), một anh gốc Mỹ La Linh. Tất cả đều là dân làm thuê ăn lương, chỉ trừ một bà nội trợ, gia đình khá giả. 11 người kia làm đến 11 nghề khác nhau. Từ đầu bếp, dạy trung học, cho đến luật sư, quản lý nhân viên, chuyên viên bảo hiểm, kỹ sư, bán hàng. Tức là, cũng tàm tạm gọi là đa dạng. Bên ngoài các phiên toà, khi nhóm người này quay quần lại, vẫn là những câu chuyện quen thuộc: kinh tế khó khăn, mất job, lay off, chuyện gia đình, con cái, chuyện hỏng xe, và dĩ nhiên là có chuyện chó, mèo, đề tài không thể thiếu ... Tức là mọi thứ lẩm cẩm của đời thường, và cũng rất Mỹ.

Thế rồi, khi đến phiên 12 bồi thẩm ngồi lại với nhau để đi đến những quyết định chung (đa số 8 trên 12 là đủ để thông qua) về các câu hỏi do toà đặt ra, tôi đã nhìn thấy một điều mà tôi ít khi lưu tâm, hoặc vẫn coi như điều hiển nhiên của cuộc sống: tinh thần trách nhiệm công dân của những người Mỹ mà tôi đã tiếp xúc trong gần một tháng qua. Những ngày trước đó của vụ án là những ngày thật dài, vô vị, hầu như mọi người đều đã phải phấn đấu khá gay go với cái nhàm chán, buồn ngủ, vô lý, và lắm lúc vô duyên, của một mớ hỗn độn những luận cứ, bằng chứng, con số, biểu đồ, thống kê tuôn ra xối xả từ các nhân chứng chuyên gia (expert witness). Các vị này làm chứng “nhà nghề”, có ăn lương, và có lẽ là lương cao. Tôi cứ chủ quan mà nghĩ rằng đến một lúc, tức là sau một hai ngày ngồi nghe, chắc ai cũng quay ra lơ là, chán ngán. Thiên hạ sẽ gác ngoài tai các lời vàng ngọc của quý vị luật sư và quan toà. Tôi, kẻ công dân nhập cư, lòng dạ không thật sự gắn bó lắm với cái xứ sở này, đã hý hoáy vẽ được dăm bảy chân dung hí hoạ của quan toà, luật sư, nhân chứng trong mấy ngày ấy. Thừa giấy nên vẽ vời vậy thôi.

Thế nhưng, khi cần thiết phải nhớ lại những chi tiết, sự kiện, con số, ... mọi người ai ai cũng có thể quay lại với những ghi chú của mình để kiểm tra hay trích dẫn rành mạch, đàng hoàng. Mọi người lập luận, bàn thảo rất nghiêm chỉnh, ai cũng cố gắng vận dụng công tâm để đi đến quyết định cho từng câu trả lời của mình... Quyền lợi và trách nhiệm của hai bên nguyên cáo và bị cáo được cân nhắc thật thận trọng. Và tất cả xẩy ra thật tự nhiên... Như là một thói quen, một nếp nghĩ bình thường.

Anh TS thân,

Tôi không nói về hệ thống công lý pháp đình (Tribunal Justice) của Mỹ. Một vấn đề rất quan trọng mà cũng gợi mở nhiều tranh luận, vượt quá khuôn khổ một bức thư nhỏ. Tôi chỉ muốn nói lên, với chút ca ngợi, thói quen hành xử của một nhóm dân của một xã hội dân chủ lâu năm, có nề nếp. Tôi đã được chứng kiến và, nhờ đó, sáng mắt hơn về cái phần tôi cho là rất tốt đẹp ở những người Mỹ bình thường. Khi mà nếp sống và nghĩ đã được rèn nắn, phát triển theo hướng dân chủ. Khi tinh thần trách nhiệm công cộng của một thành viên trong một xã hội dân sự đã trở thành những thói quen hàng ngày... Và con đường để đi qua đã đủ dài, đến mấy trăm năm...

Như vậy thì tại sao càng ngày người ta lại càng than van về sự thờ ơ tách rời (detached) của người dân Mỹ, đối với các sinh hoạt chính trị đặc trưng của nền dân chủ nước này: các vụ bầu cử, kể cả bầu tổng thống? Không ít người đã phải cảnh giác rằng chính sự thờ ơ kia sẽ làm thoái hoá, và có cơ đưa đến sự mục rã của một trong những nền dân chủ lâu đời và ổn định của thế giới. Theo dõi thời sự, tôi không cho đây là một sự la hoảng vô căn cứ.

Người dân Mỹ, nói một cách rộng rãi, đã tích luỹ được một số phẩm chất dân chủ nhất định. Do đó, có thể nói điều kiện dân trí, ít ra là ở mức cơ bản, đã đủ. Cơ chế chính trị xã hội cũng đã có (nếu không nói là được khối người coi như mẫu mực). Thế mà nguyên thủ của quốc gia ấy, cụ thể là ông Bush, chỉ được bầu bởi 53,4% số phiếu của 50,1% dân chúng đủ điều kiện đi bầu?

Đây là một vấn đề vào loại lớn của Mỹ. Câu trả lời chắc cũng sẽ phải phức tạp ghê lắm. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào hiện tượng, có một điều khá hiển nhiên: Trên hết mọi thứ, một nền dân chủ trong hiện thực, bất kể trình độ và tầm cỡ, là một sinh hoạt xã hội mang tính tổng thể được biểu hiện qua sự hợp tác của quần chúng đông đảo và Nhà nước, thông qua cái sườn của các sinh hoạt của xã hội ấy. Khi sự hợp tác kia bị phá vỡ, cắt đứt, hoặc trở nên lỏng lẻo, tạm bợ, nền dân chủ bắt đầu sinh ra khập khiễng. Phẩm chất của nền dân chủ xuống cấp.

Vừa rồi, trên tờ Los Angeles Times (9.10.92), ký giả Richard Reeves, trong bài The Lie, Big and Small: 20th Century America có đưa ra một ý như sau: Nếu quả thật tình hình đã tệ đến mức nước Mỹ đang tự huỷ diệt, về mặt kinh tế, chính trị hay tâm linh, thì lời ghi trên mộ chí của nước Mỹ sẽ là: “Họ đã nói dối”. Có lẽ cách nói có phần thái quá này phát xuất từ nỗi lòng của một người quá thiết tha với xã hội của mình đang sống. Song, luận cứ của tác giả lại được dựa trên một loạt những vụ dối trá khá quen thuộc. Đặc biệt, theo tác giả, những sự dối trá này được biện minh bằng cái chiêu bài “an ninh quốc gia”. Dưới chiêu bài ấy, người ta đã nói ngoa về cộng sản, về số người chết trong cuộc chiến ở Việt Nam, về vụ mua bán vũ khí với Iran và Iraq.

Từ chỗ nói dối và bị nói dối đến thành quen thuộc, người Mỹ đã trở nên chai lỳ với sự dối trá. Trên diễn đàn, nói trước bao triệu người, một chính khách có thể dựng đứng sự kiện, bóp méo hoặc thổi phồng sự thật, bất kể điều gian trá kia sẽ bị lật tẩy dễ dàng và nhanh chóng. Kẻ nói dối cứ thản nhiên, miễn sao họ cài đặt được những thông điệp mà họ muốn vào bộ nhớ của người nghe.

Điều nguy hiểm cho nền dân chủ là ở chỗ người ta không còn thấy cần phải che đậy việc nói dối của mình nữa. Sự bận tâm, nếu có, chỉ là ở mức tính toán lợi hại sao cho phần lợi lấn hơn. Thế thôi. Nếu số người bị lừa phỉnh đông hơn số người biết sự thật, như vậy là lời. Nhất là khi những kẻ biết sự thật sẽ chọn thái độ lơ là, đứng ngoài – tức là sẽ không đi đầu phiếu – thì lại càng không có lý do gì để bận tâm về họ.

Từ suy luận này, ta thấy việc làm cho một thành phần dân số nào đó chán ngán, khinh thị, hoặc cảm thấy bất lực trong sinh hoạt chính trị (dân chủ?), từ đó lảng tránh chính trị, cũng là một ý đồ của những kẻ khuynh loát chính trị. Những kẻ thực sự đang lật đổ nền dân chủ đích thực.

Xin kể một chi tiết nhỏ. Trong cuộc tranh cãi giữa hai nhóm ứng cử viên của hai đảng chính trị lớn ở Mỹ, hệ thống lưỡng đảng, một mẫu mực khác về dân chủ mà lắm người thèm thuồng, bà Hillary Clinton, vợ ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, đã bị phe Cộng hoà cáo buộc rất nhiều tội, do lập trường gọi là Feminist của bà ta (thí dụ như lời loan truyền bà Hillary ủng hộ việc con cái đương nhiên có quyền kiện cha mẹ). Phe Cộng hoà rêu rao rằng họ dựa vào những bài viết của bà Clinton, một luật gia. Dù rằng không có mấy người, trong quảng đại quần chúng, thật sự có dịp được đọc các bài viết của bà ta, nhưng khốn thay cho họ, những lời tố giác đã được “nháy” lên trên hàng bao nhiêu triệu màn hình tivi ngay trong phòng khách của gia đình họ. Như vậy là đủ để Hillary Clinton trở thành một ông ba bị đe doạ nền móng gia đình của xã hội Mỹ tràn trề đạo đức. Nền đạo đức mà cả bốn ông Bush, Quayle, Clinton và Gore đều thề sống thề chết là các ông ấy tôn vinh và sẵn sàng bảo vệ... Trong một sinh hoạt chính trị mà sự lừa dối là phương sách, người ta lại phải cố bám lấy những chiêu bài giống như có mùi đạo lý.

Nếu có dịp giở lại số Newsweek 20.7.1992, anh sẽ thấy một bài viết về con người của Hillary Clinton, tựa đề là Hillary Then and Now. Ngay trong bài này tác giả Eleanor Clift nhắc tới một bài của tạp chí “bảo thủ” American Spectator nói rằng Hillary tán thành quyền trẻ con kiện cha mẹ... Sau đó, bài báo không hề có một chữ trích dẫn hay minh xác về quan điểm thật của Hillary.

Dĩ nhiên, Hoa Kỳ vẫn là một nước cực kỳ dân chủ, nên việc một chính khách nói dối, hay nói sai, dù chính khách đó có là đương kim tổng thống đi nữa, rồi sẽ có người phanh phui sự thật. Trong vụ bà Clinton vừa nói, cũng có những nhà luật học và luật gia, gồm cả vài vị thật bảo thủ, đã lên tiếng phản bác những lời buộc tội oan bà Clinton. Bằng những bài nghiên cứu nghiêm chỉnh, trích dẫn đầy đủ, đàng hoàng – nghĩa là sẽ cần hơn vài chục giây đồng hồ để đọc – các nhà học giả khả kính này đã hùng hồn minh oan cho luật gia Hillary Clinton. Và nhờ đó cũng có dăm ba trăm, hoặc may mắn hơn, có đến vài vạn người có cơ hội được phô bày trước sự thật ấy. Có điều, bao nhiêu người trong thành phố này đã bỏ cuộc đối với trò chơi dân chủ, vì họ đã quá tởm sự lừa bịp, hoặc sự vô nghĩa của thái độ tham dự. Tức là, họ đã bỏ chạy trước những kẻ lật đổ nền dân chủ.

Anh TS thân mến,

Trông người là phải ngẫm đến ta thôi. Cái anh Việt Nam nhà nghèo, “kém mở mang” trong tôi đã không tránh được cái lối mòn tư duy ấy.

Tôi tự hỏi, như vậy thì cái mớ bòng bong của hàng triệu thứ vấn đề ở Việt Nam – nơi mà, không như Hoa Kỳ, dân trí còn thấp kém, truyền thống dân chủ chưa có, cơ chế của một xã hội dân chủ chưa thật sự hình thành, các chiêu bài để tước bỏ dân chủ thì lại có thừa, và bệnh nói dối đến mức kinh niên –, ta sẽ đặt vấn đề dân chủ ra sao? Nếu phải bắt đầu tìm một số bước cụ thể để đẩy bánh xe dân chủ đi ra khỏi vũng lầy, người dân Việt Nam – hoặc những người đứng gần cái bánh xe ngập lún ấy nhất – sẽ đặt tay vào đâu? Lãnh đạo, cơ chế, pháp luật, định chế, con người, ... ta sẽ phải bắt đầu chỗ nào và ra sao?

Liệu vấn đề phục hồi, hoặc tạo ra, sự quan tâm, sự tham dự của người dân sẽ phải đặt và giải quyết như thế nào? Vấn đề nào là vấn đề thiết thân nhất của họ, để họ tin được rằng sự tham dự của họ là cần thiết, và thật sự có tác dụng? Đã đành sự tham dự của đám đông không thôi, tự nó không hẳn là dân chủ. Nhưng tôi chưa thấy một nền dân chủ nào là không có sự tham dự của người dân. Có thể lúc ban sơ cơ chế sẽ rất thô sơ, nhưng sự tham dự của người dân là có thật.

Do đó, nhớ lại thế hệ cha, chú mình, tôi tự hỏi: lời kêu gọi, hô hào “đi cướp kho thóc” của thập niên 90 là gì?

Thân mến,

Nguyễn Lộc 

(Hoa Kỳ... 9.92)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss