Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 12 / Tin Việt Nam

Tin Việt Nam

- Diễn Đàn — published 16/10/2010 00:00, cập nhật lần cuối 18/12/2010 11:08


Tin Việt Nam


Chủ tịch nước: Lê Đức Anh

Ngày 23.9.1992, trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá mới, bắt đầu từ ngày 19.9 và sẽ kéo dài ba tuần lễ, đại tướng Lê Đức Anh, 72 tuổi, đã được cử vào chức vụ Chủ tịch nước. Là ứng cử viên duy nhất, ông đã được 100% số phiếu của 392 đại biểu quốc hội có mặt (trên tổng số 395 người). Đứng thứ hai trong bộ chính trị đảng cộng sản, nguyên là tổng tư lệnh quân đội Việt Nam ở Cam-bốt, ông được cử vào bộ chính trị từ năm 1982 và được phong hàm đại tướng từ năm 1984, bộ trưởng quốc phòng năm 1987. Hiện nay, ông không còn là bộ trưởng quốc phòng nhưng vẫn phụ trách các vấn đề an ninh, quốc phòng và ngoại giao trong bộ chính trị. Bà Nguyễn Thị Bình đã được cử làm phó chủ tịch nước. Cũng trong phiên họp ngày 23.9, ông Nông Đức Mạnh, người dân tộc Tày, 52 tuổi, uỷ viên trẻ nhất trong bộ chính trị đảng cộng sản, đã được cử làm chủ tịch quốc hội. Sinh năm 1940 tại Bắc Thái, ông đã tốt nghiệp Viện kỹ thuật rừng ở Leningrad, được cử vào trung ương đảng năm 1986 (uỷ viên dự khuyết), và vào bộ chính trị năm 1991, phụ trách về các vấn đề dân tộc. Về phần mình, ông Võ Văn Kiệt, 69 tuổi, đã được cử lại làm thủ tướng. Khi tờ báo này lên khuôn, thành phần chính phủ mới chưa được công bố.

(AFP 23.9)

Nguyễn Cơ Thạch

Giới lãnh đạo Việt Nam vẫn còn bối rối về cách đối xử với ông Nguyễn Cơ Thạch, cựu bộ trưởng ngoại giao và cũng là cựu uỷ viên bộ chính trị đã bị mất chức cách đây hơn một năm. Gần đây đảng đã ra lệnh cho ông Thạch từ chối lời mời đến nghiên cứu ở một số cơ quan hàn lâm của Mỹ, Úc và Thuỵ Điển. Cùng lúc, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mời ông Thạch làm cố vấn kinh tế cho chính phủ và làm giáo sư ở hai viện kinh tế ở Hà Nội.

(FEER 24.9)

Đảng cộng sản tăng cường kiểm soát các công ty quốc doanh

Đó là thông tin người ta có thể đọc qua một bài báo Nhân dân ngày 18.9 về một buổi họp giữa ông Lê Phước Thọ, uỷ viên bộ chính trị, với những quan chức của 6 bộ liên quan tới kinh tế và của hai thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh. Trong mục tiêu xếp đặt lại và làm trẻ hoá cơ cấu đảng trong các xí nghiệp, một chương trình cho phép các đảng uỷ giám sát và tham gia quản lý xí nghiệp cùng với ban giám đốc sẽ được thực hiện. Khoảng 100 xí nghiệp lớn ở hai thành phố, trong các khu vực công nghiệp, thương mại và tài chính, sẽ được chọn làm thí điểm.

(AFP 18.9)

* Sau nhiều thất bại của mô hình đảng uỷ can thiệp vào công việc quản lý, đảng cộng sản đã buộc lòng phải buông lỏng sức ép chính trị của đảng đối với các ban giám đốc xí nghiệp. Ngày nay, khi vai trò tự chủ về các quyết định kinh tế của các ban giám đốc được thừa nhận cho phép nhiều xí nghiệp làm ăn được hơn trước, khi một số xí nghiệp đang được chuẩn bị tư hữu hoá, các đảng uỷ lại muốn nhảy vào. Quản lý hay chia chác?


Đường sắt

Liên hiệp các Xí nghiệp Đường sắt Việt Nam dự trù tăng khối lượng vận chuyển bằng đường sắt từ nay tới năm 1995 lên 15-16 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hoá. Để đạt mục tiêu trên, Liên hiệp tính cần mua 31 đầu máy diesel từ 1400 tới 1600 mã lực, 8 tới 10 chiếc ô tô ray, sửa chữa 150 tàu chở khách và 780 toa tàu chở hàng. Trước mắt, 730 cây số đường sắt, 1.700 km tà vẹt và 15.000 mét cầu phải được sửa chữa. Việt Nam mong đợi có các chủ đầu tư nước ngoài liên doanh với ngành đường sắt trong nước để thực hiện các mục tiêu nói trên.

(Le MOCI, 24-31.8.1992)

Mang tiền khỏi khai báo

Theo một quyết định của ngân hàng nhà nước Việt Nam, kể từ ngày 15.9 khách ra, vào Việt Nam với chiếu khán xuất - nhập có thể mang trên người ngoại tệ mạnh không cần khai báo với hải quan nếu số tiền trị giá dưới 3.000 đô la.

(AFP 18.9)

Tăng xuất khẩu

Theo Thông tấn xã Việt Nam, tới giữa tháng tám năm nay Việt Nam đã xuất khẩu 970.000 tấn gạo, một con số kỷ lục cho khoảng thời gian 7 tháng này, kể từ 13 năm nay. Riêng đồng bằng sông Cửu Long đã xuất 340.000 tấn trong hai tháng 7 và 8. Mục tiêu xuất khẩu từ 1,5 tới 2 triệu tấn gạo trong năm nay có thể đạt được vì hai vụ hè thu và đông xuân đều được mùa.

Vụ mía đông xuân 91-92 ở miền nam cũng đạt sản lượng kỷ lục, với con số 5,4 triệu tấn, tăng 61% so với năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà máy đường chỉ mới tiêu thụ 840.000 tấn. Đường Việt Nam hiện nay bị cạnh tranh mạnh bởi đường Thái Lan, Trung Quốc và Philippin nhập lậu vào thị trường.

Theo báo Nhân Dân ngày 18.9, sản lượng than xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm, đạt gần một triệu tấn, cũng tăng 50% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này còn khá xa so với mục tiêu xuất khẩu 2 triệu tấn trong cả năm. Khách hàng chính mua than của Việt Nam gồm Nam Triều Tiên, Nhật và Pháp.

(AFP 15, 17 và 18.9)

Tìm dầu chưa ra

Theo báo The Economist ngày 15.8, việc tìm kiếm dầu mỏ trong khu Đại Hùng có vẻ không được thuận lợi như mong ước. Tờ báo kể ví dụ của hãng Enterprise Oil, với số vốn đầu tư 300 triệu đô la, đã khoan 18 mũi khoan thăm dò trong ba năm qua mà chỉ một lần tìm thấy dầu nhưng lại không khai thác được.


Liên doanh hàng hải

Công ty đóng tàu Xingapo Keppel Shipyard đã ký với xưởng đóng tàu Ba Son một hợp đồng liên doanh sửa chữa tàu bè trong vùng. Công ty liên doanh sẽ mang tên tiếng Anh Keppel Bason Shipyard and Engineering (Xưởng tàu và kỹ thuật Keppel Bason, viết tắt là KBSE). KBSE sẽ đóng tại cơ sở của Ba Son, có 60% vốn của Keppel, và sẽ làm những dịch vụ kỹ thuật, sửa, đóng tàu phục vụ kỹ nghệ dầu khí ở Việt Nam và sự phát triển công nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh.

(AFP 17.9)

Thêm chuyến bay đi Quảng Châu

Kể từ tháng 11 tới đây, Hàng không Việt Nam sẽ nhân các chuyến bay Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội - Quảng Châu từ một chuyến một tháng lên hai chuyến mỗi tuần. Hãng hàng không Trung Quốc Nam Phương cũng có hai chuyến bay hàng tuần trên đường bay này.

(AFP 18.9)

Ngân hàng người Hoa

Chính phủ Việt Nam vừa cho phép mở cửa ở thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên kể từ năm 1975, một ngân hàng do người Hoa bỏ vốn. Ngân hàng này có số vốn 20 tỉ đồng (1,8 triệu đô la), do nhóm người Hoa đã xây dựng chợ và những khách sạn ở khu An Đông bỏ ra.

(FEER 24.9)

Quan hệ Việt – Trung

Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Từ Đôn Tín đã tới Hà Nội ngày 18 tháng 9 để thảo luận với nhà cầm quyền Việt Nam về các vấn đề tranh chấp biên giới giữa hai nước. Sau hai ngày thảo luận không đạt được kết quả cụ thể nào, Từ đã rời Hà Nội đi Phnom-Penh ngày thứ hai 21.9. Theo bộ ngoại giao Việt Nam, hai bên đã quyết định thương lượng ở cấp chuyên viên, tại Bắc Kinh “trong một ngày gần đây”. Ngoài các cuộc tranh chấp biên giới trên đất liền, vấn đề đáng quan tâm nhất là những ý đồ bá chủ của Trung Quốc trên biển Đông (Xem Diễn Đàn số trước). Sự căng thẳng giữa hai nước đã tăng lên trong hè vừa qua, khi hải quân Trung Quốc đã chặn khám và tịch thu hàng của 19 tàu buôn Việt Nam đi từ Hồng Kông về Hòn Gai. Nghiêm trọng hơn, 9 chiếc tàu với khoảng 180 thuỷ thủ đã bị giữ lại trong các cảng Trung Quốc. Phía Trung Quốc buộc tội các tàu nói trên chuyên chở những hàng điện tử và xe hơi từ Hồng Kông vào Việt Nam để được đưa ngược lên biên giới nhập lậu vào Trung Quốc. Báo chí Việt Nam thừa nhận có sự buôn lậu này và đề ra yêu cầu hợp tác giữa hai nước để chặn đứng nó. Bộ ngoại giao Việt Nam cho biết phía Trung Quốc đã hứa sẽ trả lại tàu và thuỷ thủ đoàn “trong mấy ngày sắp tới”. Chuyến đi của Từ Đôn Tín còn có mục tiêu chuẩn bị cho cuộc đi thăm Việt Nam của thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng vào cuối năm nay. Tuy nhiên, không có thông tin cụ thể nào được đưa ra thêm sau hai ngày làm việc của Từ ở Hà Nội. Song song với những lời hứa thương lượng, Trung Quốc vẫn tiếp tục những hành động coi biển Đông như của mình. Theo tin của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (FEER), Trung Quốc tiếp tục thăm dò dầu mỏ ở vịnh Bắc Bộ trong một khu vực ở phía tây đường biên giới biển đã được Pháp (với tư cách là chính quyền bảo hộ Việt Nam) ký kết với Trung Quốc năm 1887, mặc dầu Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố công nhận đường biên giới này trong khi chờ đợi kết quả thương lượng lại giữa hai nước.

(AFP, Reuter 17-20.9, FEER 24.9)

Vatican và Việt Nam

Một phái đoàn đại diện Toà Thánh Vatican sẽ đi Hà Nội trong tháng 10 hoặc tháng 11 tới đây để thảo luận với nhà cầm quyền về vấn đề cử giám mục tại Việt Nam. Phái đoàn sẽ do Tổng giám mục Claudio Celli, người được coi như “thứ trưởng ngoại giao” của Vatican cầm đầu. Tổng giám mục Claudio Celli là người phụ trách theo dõi các vấn đề Việt Nam ở Toà Thánh Vatican từ năm 1980. Ông cũng đã đi thăm Việt Nam vào tháng giêng năm nay.

(Reuter 23.9)

Mỹ viện trợ giúp người tị nạn trở về

Theo tờ báo tiếng Anh Vietnam News ra ngày 18.9, bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo cho đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc quyết định của chính phủ Washington giúp Hà Nội 2 triệu đô la trong chương trình tái định cư cho những người tị nạn trở về. Theo tờ báo, bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho biết có thể một số tiền 800.000 đô la cũng sẽ được trao cho Cao uỷ Liên hiệp quốc về người tị nạn (HCR). Đây là lần đầu tiên Washington viện trợ cho chương trình giúp người tị nạn trở về nước, vì những khó khăn không tìm được một nước khác nhận cho họ định cư. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước vẫn chưa thiết lập lại và Mỹ vừa quyết định nối dài lệnh cấm vận Việt Nam thêm một năm nữa. Cho tới nay, Mỹ chỉ viện trợ cho HCR để giúp những người di tản ở các trại tị nạn.

(Reuter 18.9)

POW/MIA

Chiến tranh Việt Nam tiếp tục trở lại chính trường Hoa Kỳ, trong việc hai chính đảng Mỹ cãi nhau về thái độ của ông Bill Clinton trong lúc chiến tranh, và trong các buổi điều trần hiện nay của tiểu ban Thượng nghị viện Mỹ về vấn đề quân nhân Mỹ mất tích (MIA) hoặc bị bắt giữ (POW) trong chiến tranh. Các cựu ngoại trưởng Henri Kissinger, Alexander Haig, William Rogers, cựu bộ trưởng quốc phòng Melvin Laird, James Schlesinger đã hoặc sẽ phải ra tường trình trước tiểu ban. Trong khi đó, một tiểu ban hỗn hợp Mỹ - Việt vẫn tiếp tục công việc điều tra, tìm kiếm MIA tại Việt Nam. Ngày 22.9, Việt Nam thông tấn xã cho biết đoàn điều tra mới đào được một ít xương có thể là của phi công Mỹ bị hạ...

Bộ quốc phòng Mỹ dự định sẽ công bố dần 1,3 triệu trang tư liệu về thời kỳ này.

(AFP 21, 22.9)

Pháp - Việt tăng cường trao đổi thương mại

Trao đổi thương mại Pháp - Việt trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng hơn gấp đôi so với cùng thời kỳ năm ngoái. Tổng giá trị trao đổi giữa hai nước sáu tháng qua là 781 triệu Franc (Pháp xuất 578 triệu, Việt Nam 203 triệu), so với 298 triệu trong 6 tháng đầu 1991. Sản phẩm nông - lương thực chiếm 40% tổng giá trị hàng Việt Nam bán sang Pháp, đứng thứ hai là giày dép với 20%.

Cộng đồng châu Âu (phần chính là Pháp và Đức) là bạn hàng thứ năm của Việt Nam, sau Xingapo, Nhật, Hồng Kông và Nga.

(AFP 21.9)

Đại sứ mới ở Pháp

Ông Trịnh Ngọc Thái, đại sứ mới của Việt Nam tại Pháp đã tới Paris nhậm chức từ đầu tháng 9.92. Ông Thái trong những năm qua là phó ban đối ngoại trung ương đảng. Trong thời kỳ hoà đàm Paris ông làm bí thư cho trưởng đoàn Việt Nam dân chủ cộng hoà Xuân Thuỷ.


Cụ Hồ: nói tới cũng tội, quên cũng tội!

Ông Mai Xuân Cẩm, tổng biên tập tuần báo Thể dục thể thao xuất bản ở thành phố Hồ Chí Minh, và toàn ban thư ký toà soạn đã bị cách chức tháng 7 vừa qua vì tội “đã không đăng kịp thời bài viết kỷ niệm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh” (bài này được đăng trong số báo ngày 25.5 thay vì trong số ra ngày 18.5!). Người ra quyết định kỷ luật này là ông Lê Bửu, giám đốc sở thể dục thể thao thành phố, cơ quan “chủ quản” của tờ báo. (Theo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh ngày 12.8.92)

Đúng một năm trước đó, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, bà Vũ Kim Hạnh, cũng đã mất chức sau khi cho đăng lại (từ báo Nhân Dân) một tư liệu năm 1928 mà nhà sử học Daniel Hemery cho rằng là bức thư của Nguyễn Ái Quốc gửi cho “vợ” ở Trung Hoa. Đến nay, bà Kim Hạnh vẫn không được giữ trách nhiệm nào trong ngành báo chí.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss