Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 13 / Dân chủ, ước mơ và hiện thực

Dân chủ, ước mơ và hiện thực

- Trần Đạo — published 11/11/2010 08:15, cập nhật lần cuối 25/12/2010 22:12

Dân chủ, ước mơ và hiện thực


Trần Đạo


mến tặng Dương Thu Hương


Dân chủ, một khái niệm mờ ảo

Cách đây khoảng 10 năm, ở Pháp, xuất hiện một lối nói rất ăn khách: đa nguyên. Muốn tỏ vẻ “in”, phải điền chữ đa vào mọi lãnh vực: démocratie pluraliste, pensée plurielle, société plurielle, culture plurielle, texte pluriel, poésie plurielle, discours pluriel và ... amour cũng phải pluriel mới là amour! Người Pháp vốn tếu. Họ đa cho đã rồi họ đả, và tìm mốt mới. Người Việt vốn trọng kinh thư, lại thích “hệ thống hoá” tư tưởng và lời nói, nên chỉ đã sau khi đả tứ tung và đa mọi chuyện. Dân chủ thì phải đa nguyên, chính trị thì phải đa đảng, kinh tế thì phải đa thành phần, xã hội thì phải đa giai cấp, văn hoá thì phải đa dạng, và tư tưởng đa nguyên dĩ nhiên phải... đa tư tưởng, v.v... Lối suy luận dadaiste đó, mặt nào đó, quý. Nó bắt ta nghi đa.

Nói tới dân chủ, người ta hay nghĩ tới nước Mỹ. Quả nhiên, Mỹ thành lập nền dân chủ tư sản đầu tiên. Người Mỹ có câu: “One man one vote”, một người bằng một người, anh bác học bằng anh mù chữ, tổng thống bằng dân đen, tỷ phú bằng ăn mày, chủ bằng thợ... Trên cơ sở nào những người ấy bằng nhau? Trên cơ sở họ đều là người. “Con người nói chung” ấy không có thực. Thực tế, có ông A, ông B, không có hai người bằng nhau. Vì thế, có người cho đấy là dân chủ hình thức, trong nghĩa trừu tượng, không có thực. Cũng vì thế, trong thế kỷ 18, 19 ở Pháp, có hệ luận chủ trương chuyện cộng đồng dân tộc nên dành riêng cho những kẻ tài đức, không nên trao mọi người quyết định. Cái quan điểm một số người, một đảng, một cá nhân, là tinh hoa của một dân tộc không mới. Nó có trước và trong cách mạng tư sản Pháp. Xa hơn, nó đã có trong tư tưởng của Platon. Nó hình thành vì chưa ai vạch được cơ sở lôgíc của sự bình đẳng giữa người với người. Chế độ dân chủ chấp nhận sự bế tắc về lý, nhưng không chịu từ bỏ hoài bão bình đẳng. Điền thêm từ “Nhân ái” sau “Tự do”, “Bình đẳng”, các nhà cách mạng tư sản Pháp công nhận bình đẳng giữa người với người chỉ có thể tìm trong tình người. Có lẽ vì tình yêu là kinh nghiệm cơ bản cho ta thấy ta bằng mình, mình bằng ta, ta chỉ trở thành ta nếu mình yêu ta. Đây là đề tài triết học chưa có giải đáp thích đáng.

Một người bằng một người. Nhưng nếu phải bỏ phiếu dưới áp lực của quyền lực hay đồng tiền, cũng không có dân chủ. Lá phiếu thể hiện dân chủ khi người bỏ phiếu tự do. Vì thế có nguyên tắc phiếu kín. Phiếu kín bảo vệ an toàn cho người bỏ phiếu. Nó công nhận: người bỏ phiếu chưa thực sự tự do.


Một nền dân chủ mẫu mực: cộng hòa Athènes

Tự do và bình đẳng là nền tảng của chế độ dân chủ. Vì vậy chế độ dân chủ đầu tiên ở Châu Âu hình thành nơi con người tự do và bình đẳng xuất hiện, ở Hy Lạp, tại cộng hòa Athènes.

Công dân Athènes tụ họp tại Agora, công trường của thành phố, bàn và quyết định mọi việc liên quan tới vận mạng của thành phố. Ở đó, mọi người tự do phát biểu, tranh luận. Họ quyết định theo đa số. Trong quan hệ giữa người với người, họ vừa tự do, vừa bình đẳng. Họ tự do trên cơ sở họ bình đẳng với nhau. Họ bình đẳng với nhau với tư cách là người tự do. Họ tranh luận công khai, họ giơ tay đầu phiếu. Họ thực sự bình đẳng qua lá phiếu. Họ thực sự tự do qua cách bỏ phiếu. Vì sao? Vì không ai lệ thuộc ai để tồn tại!

Về kinh tế - xã hội, Hy Lạp thời ấy là xã hội nô lệ. Về chính trị, đó là xã hội dân chủ nhất trong lịch sử loài người. Điều này thoạt tiên khó hiểu. Ta sẽ hiểu nếu ta ý thức rằng, đối với người Hy Lạp, nô lệ không là người, hay ít nhất không là công dân. Họ không có mặt trong không gian chính trị. Không gian ấy dành riêng cho những con người thật, con người tự do và bình đẳng. Trong tiểu thuyết Salammbô, Flaubert viết một đoạn văn hay về điều này trong xã hội Carthage. Amilcar Barca bắt một thằng bé nô lệ thế mạng con mình để tế thần. Cha thằng bé, lão nô bộc đã nuôi Amilcar, quỳ lạy. Almicar ngạc nhiên, bỡ ngỡ (hay ở đó!): sao lão biết tình cảm thiêng liêng ấy của con người ? Trong mắt Amilcar, lão chưa bao giờ là người cả!

Con người tự do trong cộng hòa Athènes được tự do chính vì nó là chủ nô. Nó toàn quyền sinh sát nô lệ của nó. Những kẻ ấy đảm bảo sự tồn tại độc lập của nó đối với người khác. Người công dân Athènes tự do trong hai nghĩa. Nó tự do đối với nô lệ, đối với điều kiện sinh tồn của mình. Nó tự do đối với người công dân khác. Hai hình thái đó của tự do trong cùng một con người liên hệ hữu cơ với nhau. Người công dân Athènes hoàn toàn tự do đối với người công dân khác trên cơ sở sự lệ thuộc hoàn toàn của người nô lệ. Đó là tự do của con người xây dựng trên sự nô lệ hoá con người.

Trong xã hội ấy, bình đẳng cũng có hai mặt. Người nô lệ hoàn toàn bình đẳng với người nô lệ trong tính chất nô lệ của họ. Người tự do hoàn toàn bình đẳng với người tự do trong tính chất tự do của họ. Nhưng người tự do và người nô lệ hoàn toàn không bình đẳng với nhau, ngay cả trong tính chất người của họ. Trong nhân sinh quan ấy, người là người, nô lệ là nô lệ, không có gì chung giữa họ. Về thực tế, chủ nô cũng nuôi nô lệ như “nuôi con gà con vịt trong nhà” (Nguyễn Huy Thiệp). Đó là sự bình đẳng giữa người với người xây dựng trên sự bất bình đẳng giữa người với người (nô lệ).

Thể chế cộng hòa Athènes không độc đáo ở chỗ có chủ nô. Nó độc đáo ở chỗ, trên cơ sở ấy, con người sáng tạo ra chế độ chính trị lấy tự do và bình đẳng làm nền tảng cho quan hệ giữa người với người, chế độ dân chủ. Khái niệm ấy là tiền thân cho khái niệm dân chủ ngày nay. Nó thể hiện qua câu “One man one vote” của người Mỹ, qua quốc hiệu của Pháp: Liberté, Egalité. Trong nghĩa đó, con người thực sự tự do khi thực sự bình đẳng với người khác. Không ai lấy quan hệ giữa chủ nô Hy Lạp và nô lệ làm gương cho nền dân chủ. Trong quan hệ nô lệ, người chủ nô chỉ được tự do đối với những “con vật biết nói”, không được tự do đối với con người. Trong quan hệ nô lệ nó không được làm người tự do. Nó thực sự trở thành người tự do, trong nghĩa hiện đại, khi nó đối diện những người như nó, bằng nó, những người tự do. Đó là điều kiện cơ bản để sự tự do hình thành trong nhân giới. Ta chỉ thực sự tự do đối với người tự do và bình đẳng với ta. Xã hội công dân (société civile) Athènes hội tụ hai điều kiện ấy. Đó là dân chủ trên cơ sở nô lệ, là tự do và bình đẳng trên cơ sở phi tự do và bất bình đẳng (đối với người khác, người nô lệ).

Thể chế dân chủ Athènes tồn tại suốt thời gian người Athènes biết bảo vệ và bảo vệ được nền tảng của nó. Điều đó không đơn giản. Con người đã tự do, không gì ngăn cấm nó sử dụng năng khiếu riêng để áp bức người khác, biến người khác thành nô lệ. Điều đó sẽ tiêu diệt điều kiện cơ bản cho phép nó làm người tự do. Chính vì người khác chỉ bình đẳng với nó ở tính chất tự do, không lệ thuộc ai để sống. Ngoài ra, đương nhiên không có hai người bằng nhau. Do đó, một nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ Athènes là: không sử dụng vũ lực với nhau để quyết định phải trái; công nhận, tôn trọng, bảo vệ sự bình đẳng giữa mình với người khác, giữa những cá nhân khác biệt; chấp nhận đối thoại, thảo luận, tranh luận như phương pháp duy nhất để tranh thủ sự đồng ý, đồng tình của người khác. Ở Athènes, lời nói, lý lẽ, sức thuyết phục là vũ khí nội trị cơ bản, vũ khí chính trị duy nhất giữa công dân. Có lẽ vì vậy Socrate thản nhiên uống thuốc độc thay vì rời bỏ Athènes: nơi ấy, ông được làm người tự do, tuy chính nơi ấy, con người đã dựa vào đa số để tước đoạt quyền làm người của ông. Không phải tình cờ đời sau coi ông như tổ sư của triết học Tây Âu. Tự sát, ông đặt một vấn đề cơ bản của triết học: quan hệ giữa tự do và sự thật. Cũng có lẽ vì vậy nền văn minh Athènes đã phát triển cao trong mọi lãnh vực, triết học, khoa học, nghệ thuật... và tới nay còn ảnh hưởng sâu đậm vào nền văn minh châu Âu. Nó là nền văn minh nhân bản vào bậc nhất trong lịch sử nhân loại.

Tóm lại, đặc điểm lớn nhất của chế độ cộng hòa Athènes là: sự tự do và bình đẳng có thực giữa những con người thực, con người cụ thể, làm nền móng cho nền dân chủ. Đó là lý do khiến nền văn minh ấy không coi nô lệ là người. Khái niệm tự do hình thành ở Athènes vì những công dân thực sự bình đẳng với nhau ở khía cạnh cơ bản nhất của thân phận người: họ không lệ thuộc nhau về mặt kinh tế. Đây là khác biệt cơ bản giữa hình thái dân chủ trong cộng hòa Athènes với hình thái dân chủ trong những xã hội khác trong lịch sử. Nền dân chủ Athènes không lâu bền. Đến nay, không ai hiểu vì sao nó hình thành thời đó, và chỉ ở đó. Một bài thơ độc đáo trong văn học của loài người.


Dân chủ và cách mạng tư sản Pháp

Mục 1 trong “Tuyên ngôn quyền làm người”, lời mở đầu cho Hiến pháp của Pháp, ghi quan điểm dân chủ của người Hy Lạp cổ dưới dạng khá lạ:

“Les hommes naissent et demeurent libres et égaux en droits”

Văn phạm câu này hết sức nhập nhằng ở những từ “en droits”. Phải hiểu thế nào?

Tại sao không viết rõ hơn? Thí dụ:

1. “Les hommes naissent et demeurent libres et égaux” (Con người sinh ra và tồn tại tự do và bình đẳng).

2. “Les hommes naissent et demeurent libres et égaux en droit” (Con người sinh ra và tồn tại tự do và bình đẳng trên nguyên tắc).

3. “Les hommes naissent et demeurent libres et égaux devant la loi” (Con người sinh ra và tồn tại tự do và bình đẳng trước pháp luật).

Câu thứ nhất không chấp nhận được. Một mặt, nó không đúng sự thực: con người thời ấy không tự do và bình đẳng trong bất cứ lãnh vực nào. Mặt khác, không ai muốn vậy trong thực tế: quyền bầu cử tự do và bình đẳng, bước đầu dành riêng cho đàn ông, và trong đám đàn ông, dành riêng cho một thiểu số đủ sức nộp một mức thuế nhất định (vote censitaire), khoảng 10.000 người (theo trí nhớ).

Câu thứ hai càng không thể chấp nhận. Nó nêu rõ: tự do, bình đẳng chỉ là nguyên tắc, không có thực, tự do bình đẳng ảo. Đối với người cách mạng tư sản, người muốn bắt thực tế tuân theo lẽ phải của lý trí, làm sao chấp nhận được!

Câu thứ ba, đối với con cháu Descartes, càng khó chấp nhận hơn: nó mâu thuẫn. Tự do trước pháp luật là điều vô lý! Chỉ có thể nói: trước pháp luật, anh trách nhiệm hành vi của anh vì anh tự do. Trước hết, con người phải tự đo, rồi tự do phải làm nền tảng cho pháp luật, lúc đó con người mới có trách nhiệm trước pháp luật. Bình đẳng trước pháp luật, đương nhiên là tốt. Nhưng ai, với tư cách nào, có quyền lập luật, đặc biệt lập Hiến pháp, bộ luật cơ bản? Với tư cách là Moise, mang Thánh luật ban bố cho nhân gian? Người cách mạng tư sản Pháp không muốn tôn giáo điều khiển xã hội. Với tư cách đại diện dân? Trên cơ sở nào? Tự do và Bình đẳng! Tuyên ngôn xác định cơ sở xây dựng pháp luật. Không thể dựa vào luật pháp để viết Tuyên ngôn!

Viết mục 1 của Tuyên ngôn, các nhà cách mạng tư sản Pháp tỏ ra họ là những người trung thực: chấp nhận bế tắc tư tưởng bằng một câu văn nhập nhằng. Họ cũng tỏ rõ quan điểm của họ về dân chủ mâu thuẫn, lờ mờ.

Libres en droits, hoặc không có nghĩa, hoặc có nghĩa: tự do về một số quyền, không thực sự tự do. Dĩ nhiên, trong đời thực, không ai hoàn toàn tự do về mọi mặt. Nhưng trong tâm linh, mọi người đều có thể nghiệm sinh rằng tự do không có giới hạn. Hơn nữa, câu kia ngược với tinh thần dân chủ của người Pháp. Họ chấp nhận hạn chế tự do của mỗi người ở mức không xâm phạm tự do của người khác. Ngoài ra tự do, tự nó, không có giới hạn, không ai có quyền liệt kê con người tự do ở những quyền gì (Xem cuộc tranh luận nổi tiếng giữa Sartre và Camus).

Egaux en droits có nghĩa bình đẳng ở một số quyền, đồng thời cũng có nghĩa không bình đẳng trong mọi quyền khác, không thực sự bình đẳng.

Tự do và bình đẳng ở lãnh vực nào, tới mức nào, đó là nội dung cơ bản của điều 2 trong Tuyên ngôn:

“Le but de toute association politique est la conservation des droits naturels et imprescriptibles de l’homme. Ces droits sont la liberté, la propriété, la sureté et la résistance à l’oppression.”

“Mục đích của mọi cơ chế chính trị là bảo tồn những quyền tự nhiên và bất khả xâm phạm của con người. Những quyền đó là tự do, sở hữu, an toàn và chống đối sự áp bức.”

Như thế, sau khi tuyên bố một cách nhập nhằng tự do và bình đẳng là bản chất của con người, bước vào cụ thể, để xây dựng cơ chế chính trị pháp quyền, người ta loại bỏ bình đẳng khỏi quyền làm người, thay bằng quyền sở hữu. Nhưng vẫn giữ nguyên tắc tự do! Điều đó dễ hiểu.

Tự do có một trạng thái hoàn toàn trừu tượng đối với quan hệ sở hữu. Trong trạng thái ấy, ngay người nô lệ cũng tự do. Điều ấy thể hiện qua mẩu truyện nổi tiếng về Epictète, một triết gia nô lệ thời cổ Hy Lạp, phái stoicien: chủ bẻ tay ông; ông thản nhiên nói: “Coi chừng nhé, nó sẽ gẫy đấy”; qua thái độ đó, ông thể hiện tính tự do bất khả xâm phạm của mình. Trạng thái tự do này không trừu tượng vì nó là một hiện tượng tâm linh. Trong nghĩa đó, tự do của bất cứ ai cũng là hiện tượng tâm linh, cũng trừu tượng. Nó trừu tượng ở chỗ nó không thể hiện một quan hệ xã hội tự do. Nó trừu tượng “đối với” quan hệ sở hữu thời ấy. Trong quan hệ xã hội thực, Epictète là nô lệ. Ông chỉ tự do trong quan hệ với chính mình. Hồn ông của riêng ông, thân ông của chủ! Trong lãnh vực riêng, ông muốn nghĩ gì thì nghĩ không ai cấm được. Thậm chí, trong quan hệ riêng với vợ con, bè bạn, v.v..., ông có thể muốn làm gì thì làm, miễn sao ông không vi phạm quyền sở hữu của chủ trên chính thân ông và những người ấy: ông có thể yêu hay ghét con, không thể cấm chủ bán con ông. Nền dân chủ tư sản công nhận quyền tự do của con người trong nghĩa trừu tượng ấy: con người hoàn toàn tự do trong phạm vi đời sống riêng. Trong quan hệ xã hội, nó giới hạn tự do vào không gian chính trị, không gian duy nhất nó chấp nhận sự bình đẳng giữa người với người qua lá phiếu kín.

Quyền sở hữu cũng được nêu trong tinh thần đó, với ý ngược lại: trong trừu tượng ai cũng có quyền như ai, trong thực tế không nhất thiết họ bình đẳng về mặt sở hữu, kể cả sở hữu mảnh đất chung của họ. Mảnh đất do trời, lịch sử và ngẫu nhiên tặng từng người, về chính trị, là của chung, ai cũng có nhiệm vụ đổ máu bảo vệ, về kinh tế là của riêng, mạnh ai nấy chiếm (đúng hơn, mạnh ai nấy mua). Chính trị dân chủ, kinh tế độc quyền. Ngay ngày nay, sau khi chế độ tư bản đã thay đổi nhiều để tồn tại, chẳng mấy ai điên đi tìm dân chủ trong quan hệ kinh tế! Bước vào sở, vỡ mộng ngay!

Khái niệm bình đẳng không tình cờ biến mất trong mục 2 của Tuyên ngôn. Những nhà cách mạng tư sản Pháp thoát thai từ xã hội phong kiến. Đối với chế độ phong kiến, họ thiếu tự do. Đối với dân đen họ thừa sở hữu. Trong thực tế, họ cần một chế độ đảm bảo cho những người nắm phương tiện sản xuất được tự do làm ăn. Trong lý tưởng, họ đi xa hơn cái giới hạn lịch sử ấy vì họ là những người cách mạng chân chính. Bất cứ cuộc cách mạng chân chính nào cũng vươn xa hơn (về mặt lý tưởng) những mục đích trước mắt của nó, vì nó chỉ có thể chiến thắng nếu nó thu hút được đa số cộng đồng xã hội. Do đó, nó phải ghi trong cương lĩnh những nguyện vọng của đa số: tự do và bình đẳng. Cũng do đó, nó ghi những điều ấy dưới dạng mập mờ, mâu thuẫn, khó hiểu. Nhưng dễ cảm! Les hommes naissent libres et égaux... en droits!


Marx và nền dân chủ tư sản

Trong Tư bản luận, Marx có lời bình rất hay về đề tài này: tự do và bình đẳng là nền tảng tự nhiên của phương thức sản xuất tư bản. Tự do cá nhân chính là điều kiện hình thành, tồn tại và phát triển cơ bản của nền sản xuất ấy, vì nó dựa trên sự mua bán sức lao động. Thị trường lao động là cốt lõi của phương thức sản xuất tư bản. Không có nó, phương thức sản xuất ấy ắt tiêu vong, tiền không thể biến thành tư bản, không thể đẻ ra tiền. Thị trường lao động đòi hỏi con người tự do, con người đủ thẩm quyền bán sức lao động của mình, bán chính mình. Con người ấy không có trong xã hội nô lệ, nông nô. Một vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản, chính là giải phóng nông nô, biến nó thành người tự do, người có quyền bán chính mình. Bình đẳng là nguyên tắc cơ bản trong sự trao đổi hàng hoá. Nó là nền tảng của thị trường nói chung, của thị trường tư bản nói riêng trong đó có thị trường lao động. Trong thị trường lao động, con người thực sự tự do và bình đẳng với nhau, hoặc với tư cách người bán sức lao động, hoặc với tư cách người mua sức lao động, qua tự do cạnh tranh; họ cũng thực sự tự do và bình đẳng trong quan hệ mua và bán sức lao động, không ai ép ai, mua và bán đúng giá thị trường. Tóm lại, họ tự do trong tư cách mỗi người làm chủ chính mình, họ bình đẳng trong tư cách họ là hàng hoá, có thể trao đổi với nhau trên nguyên tắc cân bằng. A=B=10.000 F / một tháng có nghĩa: A và B cùng thuộc tính, không khác nhau về chất (identité de nature, commensurabilité), tuy có thể khác nhau về lượng (trong trường hợp ấy: A=nB).

Trên cơ sở hai nguyên tắc ấy, kinh tế tư bản đã dẫn tới loại xã hội nào trong những thế kỷ 18, 19, chắc chẳng cần nhắc. Đó là chưa nói tới thuộc địa và hai cuộc chiến tranh thế giới. Vì thế sau khi đề cao tính chất cách mạng và vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản, Marx lại cười nhạt và thay chữ Fraternité bằng Bentham, tên một triết gia nổi tiếng với luận điểm: con người vốn ích kỷ, nhưng rốt cuộc, chính sự ích kỷ của từng người sẽ mang lại sự tiến bộ, tốt lành cho xã hội, cho loài người. Thật ra, luận điểm này chín mùi từ E. Kant (Idée d’une histoire universelle au point de vue cosmopolitique). Nhưng chính Kant cũng thấy nó phi lý nên ông chấp nhận: lý của nó ẩn nấp trong một mẹo của tạo hoá vượt kiến thức của con người.

Quyền sở hữu thiêng liêng nhưng không bình đẳng, không có gì cấm cản có người sở hữu cả điều kiện tồn tại của người khác khiến người khác chỉ còn cách “tự do” bán chính mình để nuôi thân, và do đó mất tự do. Người đi làm thuê, bước chân vào hãng sở, hiểu liền. Càng hiểu thấm thía khi bị đào thải. Ở Pháp có một thị trường tự do khủng khiếp, trong đó một nhúm người tự do mặc cả cuộc sống của 3 triệu người thất nghiệp. Dĩ nhiên người thất nghiệp tự do bán, hoặc tự do ngắc ngoải. Có khi muốn bán với bất cứ giá nào cũng chẳng ai thèm mua. Trong quan hệ ấy, người thất nghiệp, tuy tự do, đã trở thành con người không cần thiết cho xã hội, chết sống cũng như không. Nó không còn là người đối với người. Nó là đồ thừa. Nói cách khác nó tự do trong tưởng tượng, bất lực trong thực tế. Biểu hiện cụ thể của tự do là khả năng hành động (Hannah Arendt, Qu’est-ce la liberté, in Crise de la culture, Folio, Gallimard) trong nghĩa khả năng thực thụ quyết định sự diễn biến của xã hội, của đời mình. Khi con người bất lực tới mức hoàn toàn lệ thuộc kẻ khác để tồn tại, con người ấy không thực sự tự do (còn nữa).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss