Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 13 / Đối thoại với Nguyễn Ngọc Lan

Đối thoại với Nguyễn Ngọc Lan

- Đặng Tiến — published 13/11/2010 00:00, cập nhật lần cuối 25/12/2010 22:29
Người cộng tác: Diễn Đàn

Dấu chấm trên chữ I
Đối thoại với Nguyễn Ngọc Lan

 

Ngay sau khi Nhật ký Nguyễn Ngọc Lan được Nhà xuất bản TIN công bố tại Paris (cuối tháng 1.92), Diễn Đàn đã đăng bài giới thiệu của Đặng Tiến (bài viết ngày 21.2, số báo đề ngày 1.3). Trung tuần tháng 10, chúng tôi nhận được số 8 tạp chí Tin Nhà (của hội xuất bản TIN, 54, avenue Léon Blum, 92160 ANTONY). Số báo này đăng bài Tác giả trả lời của Nguyễn Ngọc Lan và bài Độc ác? của Lê-Thị Bạch-Nhựt (biên tập viên).

Hai bài báo đều phê phán Đặng Tiến (tác giả bài Đọc Nhật ký Nguyễn Ngọc Lan) và toà soạn Diễn Đàn. Tôn trọng quyền trả lời của Nguyễn Ngọc Lan (mặc dầu anh không gửi thẳng cho Diễn Đàn), chúng tôi đăng ở trang bên toàn văn bài trả lời (vì lý do kỹ thuật, chúng tôi chụp thu nhỏ theo tỷ lệ 9/10). Bài này trước tiên nói tới Đặng Tiến, và chung qui cũng xuất phát từ một ngộ nhận. Vì vậy, trước tiên, xin đăng toàn văn lá thư của Đặng Tiến gởi Nguyễn Ngọc Lan:



Thư Đặng Tiến gửi Nguyễn Ngọc Lan

 

Thân kính gửi anh Nguyễn Ngọc Lan,

Tôi tiếp nhận đầy đủ những lời “ tâm sự” anh gửi đến tôi, ở đoạn cuối bài anh đăng trên Tin Nhà [ xem trang bên, chú thích của ]. Giữa anh và tôi, không có vấn đề gì. Có vấn đề, là với người khác, do một ngộ nhận về phía anh, vì anh ở xa, nằm trong hoàn cảnh bức bách và không được thông tin đầy đủ. Bài tôi viết về anh, đầu tiên là viết cho Diễn Đàn: tôi tình nguyện viết, vì phần việc giới thiệu sách chính trị bình thường không phải là việc của tôi. Tôi tình nguyện vì cho rằng mình nắm vững những vấn đề anh nêu lên, vì mình vốn xuất thân từ môi trường mà anh mô tả, chưa kể đến những đồng ý, đồng tình không cần nhắc lại đây. Sau khi tôi đã viết bài báo, thì tình cờ đài RFI có nhờ tôi giới thiệu sách trên đài trong 5 phút. Tôi sử dụng bản nháp với những biện pháp sau đây:

1. Cắt bớt, ví dụ như đoạn cuối mà anh cho rằng “ châm chích, đâm thọc”, vì không hợp với bài phát thanh về Việt Nam.

2. Bỏ những câu cầu kỳ, ví dụ như câu anh dẫn: NNL “ là một công dân có trách nhiệm về ý thức của mình và có ý thức về trách nhiệm”. Câu này tôi nghĩ bằng tiếng Tây nên ngô nghê, đọc bằng mắt thì tàm tạm, nghe bằng tai thì kỳ cục, dễ bực mình.

3. Bài viết nhắm vào độc giả nước ngoài, nên có câu anh trích “ cha mẹ, chú bác đều có trách nhiệm...” nhắc nhở mọi người, trong và ngoài nước, trách nhiệm giáo dục con em. Bài phát thanh nhắm vào “trách nhiệm những người dành độc quyền lãnh đạo xã hội” là để chuyển mũi dùi sang hướng đấu tranh đòi dân chủ.

Tóm lại, bài báo viết trước, bài phát thanh đọc sau, có sửa chữa. Mà anh thì đặt giả thuyết ngược lại nên cho rằng tôi “đã tiếc rẻ những cảm nghĩ bộc trực tự phát ban đầu của mình nên phải viết thêm...” Không phải vậy anh Lan à. Không thêm, chỉ có thay đổi và bớt đi cho hợp với buổi phát thanh về nội địa.

Ngộ nhận ấy, với tôi, là chi tiết. Với người khác, cũng không đáng trách, nhưng đáng tiếc. Công cuộc đấu tranh cho dân chủ trường kỳ và gian lao; anh em có thực tâm và khả năng tranh đấu cho dân chủ đã không nhiều, mà còn mỗi ngày một thưa thớt, vì tuổi tác, vì hoàn cảnh... Nay những người còn sót lại mà còn nghi kỵ, khích bác lẫn nhau, thì trận tuyến dân chủ sẽ yếu đi. Còn cá nhân của mỗi chúng ta thì có quan trọng gì phải không anh? Trong bất cứ tình huống nào, khi anh còn bị áp chế thì tôi còn bênh vực, khi anh còn tiếp tục tranh đấu cho dân tộc, dân chủ và Phúc Âm thì tôi còn yểm trợ, và vận động bạn bè tôi cùng làm việc đó. Chuyện không có gì mà phải dài lời. Chúc anh khoẻ.


Mùa Chư Thánh 1992
Đặng Tiến




Trả lời của Toà soạn Diễn Đàn

 

Điều chính yếu cần nói ra để giải toả ngộ nhận, Đặng Tiến đã viết. Chúng tôi chỉ xin nhắc lại một vài thông tin để bạn đọc dễ theo dõi, và trình bày quan niệm về đối thoại, tranh luận của tờ báo này để bạn đọc rộng đường phán đoán:

1 Trước hết, về “cách Đoàn Kết 1988 trích đăng “Nói chuyện tử đạo với ông Nguyễn Khắc Viện” của NNL. Chẳng đặng đừng bèn cứ phải gỡ gạc (...). 1988: một cái “chapeau” chụp mũ “đả kích cá nhân” cho một phó thường dân đơn thương độc mã đáp lễ một nhân vật của chế độ đã cùng với cả bộ máy tuyên truyền Nhà nước đào mồ bới mả tổ tiên tinh thần của cả một thành phần dân tộc (...). Làm sao họ tha thứ được cho cái tội đã dám cãi lại ông Nguyễn Khắc Viện, bậc tiền bối thần tượng của họ?”. Trong đoạn này, anh Lan muốn nói tới Đoàn Kết số 403 (tháng 6.1988). Số này dành 5 trang cho hồ sơ phong thánh, để đăng ý kiến của 3 nhân vật Công giáo là giám mục Bùi Tuần (hơn 1 trang), linh mục Trần Ngọc Anh (1 trang rưỡi), và Nguyễn Ngọc Lan (2 trang). Hai trang này không phải là “trích đăng”, như anh Lan đã nhớ sai, từ một bài chiến luận với Nguyễn Khắc Viện. Bài này quá dài (14 trang đánh máy chữ nhỏ, tương đương với 8-9 trang báo Đoàn Kết), anh Lan lại viết với giọng đả kích cá nhân anh Viện (mà chúng tôi lại không đăng bài!), song, như chúng tôi đã trình bày trong số báo nói trên, “về nội dung có nhiều điểm đáng chú ý, nêu ra những vấn đề cần được nghiên cứu theo tinh thần khoa học, gạt bỏ mọi định kiến về tư tưởng”. Chính vì vậy, mà chúng tôi đã nhờ người cùng dòng tu (Dòng Chúa cứu thế) trước đây của anh là linh mục Trần Ngọc Anh tóm tắt trong 2 trang báo (vẫn là bài dài nhất trong 3 bài của hồ sơ phong thánh) và linh mục Anh đã vui lòng nhận lời. Đó là những sự việc, xin nhắc lại để bạn đọc dễ theo dõi. Còn suy diễn sự việc, thì ngày nay, anh Lan cho rằng cách đây 4 năm, chúng tôi đăng bài của anh là “chẳng đặng đừng” nên “gỡ gạc” bằng cách chụp lên đầu anh cái mũ “đả kích cá nhân” đối với anh Viện vốn là “thần tượng’ của Đoàn Kết. Đó là việc của anh Lan.

Chúng tôi không dám coi ai, kể cả anh Viện, là thần tượng, song chúng tôi kính trọng và quý mến anh từ lâu, không phải từ lúc mà anh Lan coi anh là người của chế độ, mà từ thuở anh Viện phải sống bí mật, nay đây mai đó ở ngoại ô Paris những năm kháng chiến, hay bị trục xuất khỏi nước Pháp năm 1963, và càng quý anh Viện mấy năm gần đây, từ ngày ông Nguyễn Văn Linh (tháng 9.1989), tổng bí thư đảng, réo tên anh ra giữa hội trương Ba Đình, nói “ tay này bây giờ lại đi ca ngợi dân chủ tư sản”.

Bất luận thế nào, chúng tôi quan niệm tờ báo không phải là chỗ đả kích cá nhân.

2. Cái “đuôi rết” mà anh Lan nói tới trong bài chắc là cái chú thích của toà soạn. Chú thích này cũng đã gây sự phẫn nộ của Lê Thị Bạch Nhựt vì bà cho rằng chữ “lanal” là “một kiểu ăn nói hạ đẳng”. Chắc vì quá nóng giận nên bà quên không cho bạn đọc Tin Nhà biết nguồn gốc cái chú thích và tính từ “hạ đẳng” này. Chúng tôi xin nhắc lại cho rõ:

Bài Đặng Tiến viết: “Khi ông tố giác căn bệnh trubacanis, dĩ nhiên là một lối chơi chữ độc ác với một cá nhân đồng đạo...”. Khi lên khuôn bài báo, toà soạn thấy rằng phải chú thích vì hai lẽ: (l) tuyệt đại đa số bạn đọc không hiểu lối chơi chữ này là gì, nói tới ai, (2) chúng tôi không thể để bạn đọc hiểu sai là tờ báo đồng tình với cách đối xử như vậy. Do đó, chúng tôi đã chú thích như sau: “Ám chỉ linh mục Trương Bá Cần, tổng biên tập tuần báo Công giáo và Dân tộc. Đây chỉ là trong nhiều ngôn từ độc ác mà tác giả dành cho nhiều đồng đạo: LM. Nguyễn Huy Lịch, Phan Khắc Từ... thậm chí Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình. Đây là chuyện “anh em thù địch” hay là hiện tượng lanal?” và ghi rõ đó là “chú thích của toà soạn”.

Khi tạo ra tân từ lanal, chúng tôi nghĩ rằng anh Lan tinh thông học thuyết Freud và có lẽ cả lối chơi chữ của Lacan, tất hiểu đây là cách bông lơn nửa đùa nửa thật. Đùa bằng biện pháp arroseur arrosé (người tưới nước bị tưới trở lại): anh Lan đã tạo ra chữ trubacanis từ tên họ người đồng đạo và nhiều năm là bạn chí cốt của anh là lm. Trương Bá Cần với chữ canis (latinh, chỉ loài chó), chúng tôi cũng học tập anh mà bày ra chữ lanal, cũng là ghép tên anh với danh từ chỉ giai đoạn phát triển ấu thơ của tâm thần mỗi người. Thật, là để nói với anh rằng chúng tôi không đồng tình với sự đả kích cá nhân. Vậy thôi, và cũng là dịp để kiểm nghiệm rằng người ta có thể thích tưới nước, hay xem tưới nước, nhưng ít khi thích người khác tưới lại. Nếu chữ lanal này có thể được xếp là “hạ đẳng”, thì kiểu “trubacanis” kia phải gọi là gì?

Bây giờ xin nói chuyện nghiêm chỉnh hơn: những điều vừa nói chỉ nhằm mục đích cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ sung để đánh giá đúng vấn đề. Chúng tôi tin rằng bạn đọc sẽ hiểu rõ và mong anh Lan sẽ hiểu ra.

Bất luận thế nào, chúng tôi vẫn tiếp tục đòi trả tự do hoàn toàn cho anh Lan, cho linh mục Chân Tín, bị quản thúc từ hai năm rưỡi nay, cũng như cho mọi tù nhân chính trị ở Việt Nam. Tưởng cũng là điều đương nhiên, để xây dựng một chế độ dân chủ trong đó không ai có quyền sinh sát hay mạt sát người khác.


Diễn Đàn

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss