Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 13 / Ngôi nhà xưa

Ngôi nhà xưa

- Đặng Nhật Minh — published 06/11/2010 00:05, cập nhật lần cuối 25/12/2010 18:46

Truyện ngắn


Ngôi nhà xưa


Đặng Nhật Minh

 

Tôi là con út trong gia đình. Trên tôi có ba ông anh. Người ta thường nói: tam nam bất phú. Có phải vì vậy chăng nên cha mẹ tôi đã đẻ thêm tôi, đứa con thứ tư. Nhưng tôi lại là con gái. Cũng có thể hai người sẽ còn tiếp tục cưỡng lại định mệnh nếu mẹ tôi còn sống. Bà cũng đã qua đời khi tôi lên bốn tuổi. Cha tôi lúc đó mới ngoài năm mươi, nhưng ông quyết định ở vậy nuôi con cho đến trọn đời. Trước giải phóng thủ đô, cha tôi làm luật sư, mở văn phòng riêng. Đã có một thời gia đình tôi sống khá sung túc trong ngôi nhà hai tầng ở một phố yên tĩnh của Hà Nội. Đó là ngôi nhà được xây nên do tiền của bố tôi dành dụm cộng với một ít hồi môn của ông bà tôi để lại. Ông tự vẽ kiểu rồi tự mình trông coi việc xây cất. Khi tôi sinh ra thì ngôi nhà đã có rồi.Tôi chỉ còn nhớ cây ổi trước sân do cha tôi tự trồng năm tôi lên năm. Tôi lớn lên cùng cây ổi đó. Bây giờ nó đã là một cây ổi cành lá xum xuê che rợp cả một góc sân, quả rất sai và rất ngọt. Cha tôi nói rằng ông đã mua nó từ làng Nghi Tầm quê mẹ tôi, đem về trồng. Nhưng tất cả những chuyện đó lẫn những kỷ niệm tuổi thơ của tôi đã là chuyện quá khứ thật xa xôi. Hơn ba mươi năm nay gia đình tôi không còn sống ở đó nữa. Lý do tại sao là chuyện mà tôi sẽ kể sau này và lẽ ra cũng có thể quên đi được nếu không có cây ổi ở trước sân nhà, cây ổi có liên quan đến số phận ông anh trai ngay sát tôi. Ông hơn tôi hai tuổi. Thực tình tuy là anh nhưng tôi coi ông như là một người em bởi vì ông mãi mãi vẫn là một cậu bé mười ba tuổi. Dạo ấy, sau lần bị ngã đu từ cây ổi xuống ông trở nên ngớ ngẩn như người mất hồn. Cha tôi chữa chạy mãi. Thế rồi thần kinh ông dần dần ổn định nhưng trí óc thì không chịu phát triển nữa, chỉ dừng lại ở trí khôn đứa bé mười ba. Bây giờ ông là một người đàn ông hơn bốn mươi tuổi, độc thân nhưng tâm hồn vẫn là tâm hồn của con trẻ. Tôi đã lấy chồng ra ở riêng từ lâu. Chồng tôi được cơ quan phân cho một căn hộ trong khu tập thể lắp ghép rộng hai mươi mét vuông, tiện nghi khép kín. Đối với tôi đó mới thực sự là mái nhà, là tổ ấm của mình. Thỉnh thoảng tôi mới về thăm bố tôi ở cùng ba ông anh trai. Ông anh cả lấy vợ, nhà có thêm một người đàn bà nữa tổng cộng là năm người sống trên một căn gác rộng ba mươi mét vuông. Cha tôi đã thôi hành nghề ngay sau ngày giải phóng thủ đô. “Cái nghề luật sư thật vô dụng – Đôi khi ông than thở với chúng tôi – cha chẳng giúp ích được gì cho đời, chẳng đóng góp được gì cho kháng chiến, cho cách mạng”. Cũng vì mặc cảm ân hận ấy mà năm 54 ông không chịu nghe theo bạn bè rủ di cư vào Nam. Nhưng cái mặc cảm ấy còn theo ông mãi sau này cho đến khi ông gặp dịp để trút bỏ nó, bằng một hành động cụ thể. Sau giải phóng thủ đô hai năm, một cán bộ của cơ quan nọ đến gõ cửa nhà chúng tôi. Tôi còn nhớ ông cán bộ, trạc tuổi cha tôi, ăn mặc cũng chững chạc trong bộ quần áo đại cán bốn túi. Cha tôi tiếp ông rất lâu ở dưới phòng khách rồi vui vẻ tiễn ông ra cửa. Hôm sau ông ra lệnh cho anh em chúng tôi dọn lên ở trên gác hai rồi khoá kín cửa tất cả những căn buồng ở tầng dưới. Một tuần sau tôi thấy một chiếc xe tải chở bàn tủ, cả giường cá nhân nữa và rất nhiều sổ sách giấy tờ đến. Có rất nhiều người khuân vác đồ đạc vào nhà tôi, chất đầy sân. Cha tôi niềm nở đón tiếp rồi trao chùm chìa khoá cho những người mới đến. Tôi đứng trên gác hai nhìn xuống và hiểu rằng cha tôi đã cho một cơ quan nhà nước đến ở. Tối hôm đó trong bữa cơm từ nay ăn trên gác, cha tôi mới giải thích việc làm của mình:

– Các cơ quan nhà nước đang thiếu chỗ làm việc. Ba đã cho nhà nước thuê. Từ nay các con đừng đùa nghịch ảnh hưởng đến cơ quan. Các con đi học về, lên trên này chơi, học bài, đừng làm phiền các bác các chú.

Cha tôi vui lắm sau khi làm cái việc mà ông cho là đã đóng góp một phần nhỏ mọn của mình vào sự nghiệp chung. Từ đó anh em chúng tôi chỉ suốt ngày ở trên gác, ít khi xuống sân vì cơ quan người ra vào tấp nập. Mùa ổi chín chúng tôi chỉ dám hái quả vào lúc vắng người như kẻ đi hái trộm. Tôi sợ nhất là bác bảo vệ của cơ quan. Bác ở ngay tầng dưới cả ngày lẫn đêm canh gác rất nghiêm. Nhưng dù chúng tôi đã cố gắng vâng lời đến đâu cũng không sao tránh khỏi những lúc đùa nghịch làm cha tôi rầy la. Lúc thì đuổi nhau chạy ầm ầm trên gác, lúc lại vô ý đổ nước xuống sân, có lúc bắn cả vào đầu khách đến liên hệ công tác với cơ quan.

Vài tháng sau, cha tôi được cơ quan mời xuống nhà trao đổi công việc. Trở lên gác lần ấy tôi thấy ông không được vui. Mấy anh em chúng tôi ai nấy đều nín thinh không dám hỏi. Chúng tôi có linh cảm rằng ông buồn vì sự nghịch ngợm của chúng tôi làm phiền đến cơ quan và chắc chắn họ mời cha tôi xuống để khiển trách. Quả đúng như vậy. Ông thủ trưởng cơ quan đã ca thán điều đó với cha tôi nhưng ông cũng tỏ ra thông cảm với tuổi trẻ. Ông nói rằng đó là chuyện thường tình, không sao tránh khỏi. Nhưng cuối câu chuyện ông mới nói rõ mục đích của cuộc gặp gỡ với cha tôi. Ông muốn cha tôi cho cơ quan thuê nốt cả tầng hai. Ông nhắc lại thiện chí và tấm lòng của cha tôi đối với cơ quan ông, và mong rằng thiện chí đó được tăng lên gấp đôi. Ông cho biết cơ quan đã liên hệ một nơi khác của một chủ đi Nam, gia đình tôi có thể đến đó thuê thẳng với phòng nhà cửa của thành phố. Việc rời bỏ một căn nhà, do chính mình xây cất lên, nơi gắn bó với biết bao kỷ niệm vui buồn, nơi mấy anh em tôi ra đời, nơi mẹ tôi đã nhắm mắt... có lẽ đối với cha tôi không phải là việc dễ dàng. Ông không hồ hởi như lần cho thuê trước. Ông tư lự trầm ngâm suốt một tuần liền. Cái mặc cảm có tội vì đã làm một cái nghề vô tích sự, cái mặc cảm của một người đứng ngoài cuộc trong suốt những năm dài kháng chiến chống Pháp, một lần nữa đã khiến ông đi tới quyết định cuối cùng: chấp nhận cho thuê nốt cả ngôi nhà và dọn đi nơi khác. Hồi đó tôi còn nhỏ nên không quan tâm mấy tới chuyện này. Thậm chí còn thấy vui khi được chuyển đến một nơi ở mới, tuy chật hẹp hơn, nhưng lạ mắt, lạ cảnh. Nó như một cuộc du ngoạn dài... Chỉ riêng ông anh trên tôi là thấy tiếc cây ổi. Trí óc ông chỉ dừng lại ở tuổi mười ba khi ông ngã từ cây ổi xuống. Thỉnh thoảng ông lại nhắc cho tôi nhớ tới những kỷ niệm có liên quan tới cây ổi.

– Thuỷ có nhớ hồi ba trói hai đứa mình ở gốc ổi đánh cho mấy roi thật đau vào đít vì cái tội trốn nhà đi xem phim, tối về muộn phải trèo tường vào nhà... Lúc khác ông lại nhắc:

Thuỷ có nhớ hồi mợ ốm có con chim lợn đến đậu ở cây ổi nhà mình... Ba sai bọn mình đuổi đi vì cho là điềm gở. Vậy mà cứ đêm đến, nó lại đến đậu ở đó... không lâu sau thì mợ mất...

Tôi chẳng còn nhớ gì nữa, nhất là sau khi đã lấy chồng ra ở riêng, có con, với bao bận rộn lo toan của cuộc sống.

Tôi chỉ nhớ sau khi dọn đến nơi ở mới, cha tôi cứ bần thần như người mất hồn. Ông già đi rất nhanh. Rồi một sự kiện ập đến làm ông suy sụp hẳn. Đó là vào dịp có chính sách cải tạo nhà cửa. Cha tôi nhận được giấy triệu tập đi học tập để thông hiểu chính sách. Sau suốt một tuần học tập cha tôi mới vỡ lẽ rằng mình bị liệt vào diện cải tạo vì có nhà cho thuê trên 120 m2. Tính đi tính lại, lấy diện tích ngôi nhà chúng tôi ở, trừ đi cho diện tích ngôi nhà chúng tôi cho cơ quan nhà nước thuê, vẫn vượt quá con số 120 m2 qui định. Kết thúc khoá học, cha tôi phải ký vào một bản tình nguyện giao nhà cho sở nhà đất quản lý, từ bỏ phương thức sống bóc lột bằng cách cho thuê nhà.

Tình ngay, lý gian. Cha tôi vốn là một luật sư nên ông hiểu rất rõ: pháp luật là pháp luật. Trước pháp luật không ai cần biết ông cho thuê nhà vì động cơ gì. Vừa ân hận vì đã làm một cái nghề vô tích sự, có một bồ chữ nghĩa cũng bằng thừa, lại thêm cái tiếng tư sản chụp lên đầu, ông tàn tạ đi trông thấy. Chúng tôi đã lớn khôn, đã thông hiểu sự đời, đôi lúc an ủi ông:

Thôi ba ơi, nhà mình ở thế này cũng rộng rãi chán. Khối người còn không có chỗ mà chui ra chui vào.

Những lúc ấy cha tôi cố gượng cười đáp:

Ba có tiếc đâu. Nhưng chỉ bực là mình có định bóc lột ai. Người ta vận động mình cho thuê trước một nửa, rồi sau cả nhà. Giá cả người ta tự đề xuất, thoả thuận. Bỗng nhiên lại thành tư sản bóc lột. Ba chỉ thương các con, mỗi khi phải khai gốc gác lý lịch của mình ra thêm xấu hổ.

Quả là có một thời điều đó xấu hổ thật. Anh cả tôi học rất giỏi nhưng chỉ được thi vào sư phạm. Hồi đó ở Hà Nội, con cái tư sản chỉ được thi vào sư phạm hoặc nông nghiệp, thuỷ lợi. Những nghề này được coi là vô hại, tuy cũng gọi là trí thức nhưng không quan trọng như bác sĩ, kỹ sư. Tốt nghiệp xong, anh tôi may mắn được gọi lại trường làm phụ giảng... và cứ thế phụ giảng mãi cho đến khi ông bực mình xin đi làm chuyên gia ở An-giê-ri. Ông hy vọng vào cái vốn tiếng Pháp cha tôi dạy cho từ nhỏ chứ khoản lý lịch của ông thì hoàn toàn bất lợi. May sao vì thiếu người thạo ngoại ngữ nên người ta cũng châm chước cho. Vả lại, cha tôi cũng đã qua đời rồi, không lẽ còn tiếp tục ảnh hưởng xấu tới cả con cái?

Trước khi lên đường, ông căn dặn tôi:

Anh đi rồi, em ở nhà chăm lo hai anh, nhất là anh Hoà.... Trước khi ba mất, ba chỉ lo cho anh Hoà, không may bị rủi ro. Tôi vội cắt lời:

Anh cứ yên tâm. Tuy em đã có gia đình riêng, nhưng bổn phận lo cho các anh là bổn phận chung. Bấy lâu nay có anh. Nay anh đi vắng em lại phải có trách nhiệm hơn.

Thực ra anh Hoà tôi tiếng là người tâm thần nhưng hiền lành hết chỗ nói. Anh không bao giờ đập phá, gây gổ với ai. Ra đường bị trẻ con trêu chọc anh chỉ cười. Thậm chí anh rất yêu trẻ. Gặp chúng đâu anh vui đùa như những người bạn ngang hàng. Cái bệnh tâm thần của anh biểu hiện rõ nhất chỗ ai sai bảo gì cũng làm. Mà đã làm là làm cật lực, làm hết mình. Đặc biệt ông đi chợ mua bán rất khéo. Hàng xóm nhờ đi mua con cá, hay mớ rau bao giờ ông cũng chọn mua được con cá tươi nhất, rẻ nhất và mớ rau ngon nhất. Mua xong, nếu người ta lại nhờ ông làm cá hoặc nhặt rau hộ, ông sốt sắng nhận lời ngay. Ông không bao giờ biết từ chối bất cứ việc gì hễ có người nhờ hoặc sai bảo. Có điều ông làm quá cẩn thận, quá tỉ mỉ nên ai đã nhờ ông chớ có sốt ruột. Những việc trong hộ như quét sân, vệ sinh hố xí, đổ rác...tất tất đều dồn lên đầu ông. Ông vui vẻ làm mà không một lời ca thán. Cả những lúc có ai đó mất một vài vật dụng lặt vặt trong nhà cũng tru tréo nghi cho ông. Ông cũng chỉ cười trừ. Ông chưa lấy của ai cái gì nhưng khi mất, hoặc để quên đâu, những người trong hộ đều nghĩ ngay đến ông: “Chắc ông Hoà... ông ấy tâm thần, biết đâu táy máy cũng nên”. Khi biết là nhầm, là nghi oan, cũng chẳng cần xin lỗi ông một câu... vì ông có giận ai, có để bụng ai đâu mà phải xin lỗi!

Vất vả nhất đối với tôi là việc chăm nom sức khoẻ cho ông. Ông bị bệnh hen, thỉnh thoảng lại lên cơn. Những lúc trở trời ông vẫn chỉ phong phanh một chiếc áo sơ mi. Biết là lạnh đấy nhưng mặc áo ấm đối với ông là chuyện rất ngại ngùng, giống hệt như trẻ con sợ bố mẹ bắt mặc quần áo nhiều. Trời nóng ông không biết tắm rửa giặt giũ cho sạch sẽ, cứ để người hôi mù. Chẳng biết nhờ ai giới thiệu, ông xin được làm cái chân ngồi làm mẫu vẽ tại trường mỹ thuật. Ông làm rất được tín nhiệm vì ai bảo ông ngồi ngang ngồi dọc thế nào ông đều chấp hành hết sức nghiêm chỉnh. Quả thật kiếm được một người chịu ngồi làm mẫu vẽ như ông không phải dễ ở Hà Nội này. Ai chịu ngồi kiên trì suốt hàng giờ như vậy, kể cả mùa đông rét mướt mà lại chỉ được mặc mỗi chiếc quần đùi? Bởi vậy về cái khoản kinh tế ông tự túc được, lại còn dư dật gửi tiết kiệm. Dăm bữa nửa tháng ông lại đến nhà tôi với con gà hoặc cân thịt nạc trên tay, bày ra nấu nướng ăn uống... Ông tự làm tất cả, cho đến việc ngồi tỉ mẩn thái nhỏ lá chanh như sợi chỉ để rắc lên đĩa thịt gà. Hứng thú đặc biệt nhất của ông là việc cúng giỗ. Ngày rằm mồng một ông bày mâm quả phẩm, cắm hoa đỏ rực cả bàn thờ. Họ hàng xa gần có ai qua đời ông bỏ nhà tới giúp hàng hai ba ngày liền. Bỗng một hôm, tôi được công an khu phố đến báo ra đồn để nhận anh tôi về. Tôi sửng sốt. Làm sao một người như anh tôi lại liên can tới luật pháp, để có thể bị bắt vào đồn?

Khi ra tới nơi tôi mới rõ đầu đuôi câu chuyện. Thì ra chỉ vì cây ổi. Mùa ổi chín, anh tôi lang thang qua ngôi nhà cũ rồi trèo tường vào sân hái ổi trộm. Cơ quan cũ đã dọn đi từ lâu. Một gia đình cán bộ đã được phân đến ở đó. Nhà vắng vẻ, cửa đóng suốt ngày. Chỉ có cô con gái chừng hai mươi ba tuổi cùng một người giúp việc thường hay ra vào mà thôi. Chính cô gái đã gọi điện báo cho công an đến bắt anh tôi. Tôi xin anh tôi về, lòng vừa buồn vừa thương cho anh tôi. Về đến nhà tôi ôn tồn giảng giải:

– Ngôi nhà đó từ lâu không còn là của gia đình mình nữa. Anh không được đến đấy!

Nhưng cây ổi tôi nhớ do tay ba trồng cùng với tôi...Hôm đó ba sai tôi đi xách nước tưới. – Ông cãi lại

Tôi cáu tiết quát:

Nhưng tôi cấm anh không được đến đó. Bận sau tôi không xin cho anh nữa đâu, cứ để cho công an họ nhốt anh vào hoả lò.

Ông cãi lại:

Thì mọi khi tôi vẫn vào nhà mà.

Vào lúc nào? Tôi sửng sốt.

Những lúc cả nhà đi vắng tôi vẫn trèo vào luôn.... Thuỷ có nhớ cái lần anh em mình trèo tường đi xem xinê về muộn không?

Tôi không nhớ gì hết – Tôi hét lên – Anh mà còn vào đó nữa thì tôi sẽ trói anh nộp cho công an. Anh hứa với tôi đi!

Ông mỉm cười cúi đầu đáp lúng búng:

– Tôi hứa...

Ông hứa vậy thôi chứ ai mà tin được! Một lần khác ông hớn hở đem đến cho tôi một chùm hoa móng rồng thơm phức, khoe rằng:

Cô gái trong nhà hái cho đấy.

Cô gái nào? Tôi ngạc nhiên hỏi.

Cái cô ở trong nhà mình ấy.

Tôi giật mình:

Anh lại lảng vảng qua nhà cũ phải không?

Ông gật đầu phân bua:

Nhưng lần này cô ấy mở cửa , mời tôi vào nhà hẳn hoi. Tôi được cô dẫn đi thăm cả sân trước, sân sau. Thuỷ còn nhớ cây quất hồng bì ở gần bếp không ? Nó to lắm, Thuỷ ạ! Cô ấy hứa bao giờ có quả cứ đến mà lấy.

Tôi cảm thấy lo lo. Điều đáng lo nhất là nếu trong nhà mất mát gì thì hẳn anh tôi không ai để yên. Tôi quyết định phải đến gặp cô gái trong ngôi nhà cũ. Lẽ ra tôi đã phải xin lỗi cô ngay sau sự việc ở đồn công an.

Cô gái tiếp tôi hết sức niềm nở, trái hẳn với dự đoán của tôi. Cô tỏ ra ân hận vì cú điện thoại tới đồn công an dạo nào. Quả thật hôm ấy cô rất sợ. Cô cho biết cô sống một mình trong căn nhà mênh mông này. Tầng hai hầu như khoá kín từ ngày bố cô chuyển vào Nam công tác. Ông được phân một ngôi nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn giữ nhà ở Hà Nội vì công việc của ông vẫn có liên quan tới cả hai miền. Thỉnh thoảng ông ra Hà Nội họp, ở dăm ba ngày rồi lại vào trong kia. Mẹ cô cùng em trai cô cũng đã chuyển hẳn vào trong đó. Chỉ còn cô ở lại để tiếp tục học nốt mấy năm đại học cuối cùng. Trong nhà có một người giúp việc cơm nước giặt giũ và trông coi nhà cửa. Sau lần ông anh tôi đột nhập vào nhà ông còn lảng vảng tới mấy lần nữa. Nhìn thấy ông hiền lành không có dáng vẻ của kẻ gian, cô đã mời ông vào nhà chuyện trò và biết được tất cả nguyên cớ khiến anh tôi hành động như vậy. Có điều cô không biết rõ tại sao anh tôi lại thành người lẩn thẩn. Tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện. Cô nghe xong im lặng, thoáng tư lự. Trước khi chia tay, cô nói với tôi đừng cấm đoán, doạ nạt anh tôi nhiều có thể làm bệnh tình anh ấy trầm trọng thêm. Cô gái thật dễ thương. Cô làm tôi nhớ tuổi thơ của mình. Xa lắm rồi cái hình bóng cô bé con ngày xưa ngồi bên hàng hiên nhà vừa đọc truyện, vừa cắn ô mai... Đôi khi tôi kể lại cho con gái tôi về thời thơ ấu của mình, cảm thấy thương cho cha tôi, biết ơn người... những lúc ấy lại thấy rõ hơn bổn phận và trách nhiệm của mình với gia đình và con cái.

Không biết anh tôi còn lui tới ngôi nhà ấy bao nhiêu lần nữa. Cho đến một ngày bà chị dâu hớt hải đến báo tin anh tôi đi đâu biệt tăm ba hôm liền không về nhà. Tôi bổ ra đồn công an, không ai hay biết. Tôi đến tất cả nhà bà con họ hàng gần xa, không ai thấy ông lui tới. Đang hoang mang định sẽ nhờ đăng báo, thì cô gái ngày nào đến tìm tôi cho biết anh tôi đang ở nhà cô ấy. Tôi vội vã đến nhà gặp lúc ông đang chăm bón cho mấy gốc cây ở ngoài sân. Trông thấy tôi ông nhoẻn miệng cười mời vào nhà như chủ đón khách. Ông đưa tôi vào một căn phòng ở tầng dưới. Tôi nhớ đó là căn phòng cũ của tôi. Tôi là con gái nên cha tôi cho tôi ở một phòng riêng. Ông rót nước mời tôi uống, chỉ vào chiếc giường cá nhân:

Tối tôi ngủ ở đây.

Tôi không thể nào hiểu nổi.

Vậy cô chủ nhà? Tôi hỏi.

Cô ấy ở tầng trên. Ông đáp.

Lát sau cô gái từ trên lầu xuống, bước vào buồng, chào tôi rồi nói:

Cháu thi tốt nghiệp xong rồi. Hè này cháu sẽ vào trong kia với bố mẹ cháu. Cô cứ để bác ở đây.

Tôi hoảng hốt:

Chết! Làm thế sao được!

cứ yên tâm. Cháu đã báo cho công an khu phố biết rồi. Không ai làm gì bác ấy đâu.

Anh tôi nhoẻn miệng cười vẻ mãn nguyện rồi góp chuyện một cách thật vô duyên:

Thuỷ ơi cây quất hồng bì bắt đầu có quả rồi đấy. Thuỷ có ăn không tôi hái nhé.

Tôi gạt đi, tiếp tục nói chuyện với cô chủ nhà:

Nhưng bố cô ra đây thì ở đâu?

Trên gác – Cô thản nhiên đáp – Một mình ông ở làm sao hết. Cả một tiểu đội đến đây cũng còn đủ chỗ.

Tôi đành chia tay ra về. Lúc ra tới cửa, ông anh tôi, không biết đã kịp hái từ lúc nào, dúi vào tay tôi mấy quả ổi thơm lừng. Nhưng thật quá bất tiện cho tôi từ ngày ông sống ở đấy. Hàng ngày đi làm về tôi lại phải đảo qua nhà xem có sự cố bất thường gì xảy ra không, đem cơm và thức ăn cho ông, lấy quần áo bẩn về giặt giũ cho ông. Cô gái đi đâu suốt ngày không hề thấy mặt. Chừng một tháng sau người quản gia cho biết cô đã chuyển hẳn vào thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi biết rằng trước sau gì cũng phải đưa anh tôi ra khỏi ngôi nhà đó nên ra sức khuyên nhủ nhưng vô hiệu. Anh tôi hồn nhiên trả lời:

Cô Loan đã cho tôi về ở rồi. Cô Loan tốt lắm.

Tới lúc đó tôi mới biết tên cô gái là Loan. Cái gì phải đến rồi sẽ đến. Đúng hai tuần sau thì việc đó xẩy ra. Bố mẹ cô gái vội vã từ thành phố Hồ Chí Minh đáp máy bay ra, và dĩ nhiên anh tôi được mời ra khỏi nhà ngay lập tức sau đó. Hẳn ông bà đã mắng cho cô con gái cưng của mình một trận thậm tệ về cái quyết định ngông cuồng của cô. Thỉnh thoảng đi qua phố cũ tôi thầm mong được gặp lại cô gái. Nhưng không hề thấy bóng cô đâu cả. Tôi thấy nhớ cái dáng người nhỏ nhắn và gương mặt hiền dịu với đôi mắt đen to của cô. Đôi mắt hơi buồn mà trong sáng lạ. Rồi tò mò, lần hỏi, tôi biết cô đã nhận công tác trong thành phố Hồ Chí Minh và không trở ra Hà Nội nữa. Khi cô vào tới thành phố thì cũng là lúc bố mẹ cô sau khi được hoá giá nhà xong có trong tay một số vàng, bèn quyết định trở ra Hà Nội để sống những ngày về hưu nhàn nhã.

Chừng hai tháng sau, tình cờ có dịp đi qua ngôi nhà cũ, tôi bỗng thấy có hai vợ chồng một người Âu từ cửa nhà bước ra. Ngôi nhà đã được tu sửa sơn quét lại, có lắp cả máy điều hoà.Thì ra chủ nhân đã dành hẳn tầng dưới cho khách nước ngoài thuê. Anh tôi từ đó không lai vãng tới ngôi nhà xưa nữa. Tôi mừng thầm. Có lần hỏi vui:

– Dạo này anh Hoà còn vào hái ổi trong nhà mình nữa không? – Anh im lặng ngẩn ngơ giây lát rồi nói:

Ngôi nhà mình không còn nữa.

Tôi bật cười. Dẫu sao, cứ đến mùa ổi chín tôi lại nhớ về ngôi nhà xưa cùng những kỷ niệm có liên quan tới những người thân của tôi... Những kỷ niệm thật buồn.


Đ. N. M

Hà Nội 1.92
(Văn Nghệ 28.3.92)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss