Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 13 / Tin tức Việt Nam

Tin tức Việt Nam

- Diễn Đàn — published 15/11/2010 03:05, cập nhật lần cuối 25/12/2010 22:07

Tin tức Việt Nam


Chương trình hành động của chính phủ Võ Văn Kiệt: kiềm chế lạm phát, chống tham nhũng và cải tổ hành chính

Ngày 1.10, sau khi Quốc hội phê chuẩn thành phần chính phủ, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trình bày chương trình hành động của chính phủ mới, nhấn mạnh vào những điểm sau:

Kiềm chế lạm phát . Nhiệm vụ hàng đầu mà chính phủ đặt ra cho mình là tiếp tục “kiềm chế và kiểm soát mức độ lạm phát”. Theo ông Kiệt, thực hiện được mục tiêu chống và hạn chế lạm phát là “tạo tiền đề để tiếp tục ổn định và đưa đất nước sớm ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội”. Chỉ số tăng giá của Việt Nam 9 tháng đầu năm nay là 14%, một kết quả đáng kể so với con số 67% trong năm 1991.

Chống tham nhũng và buôn lậu . Theo thủ tướng Võ Văn Kiệt, “ thách thức lớn nhất đối với chính phủ trong nhiệm kỳ này là tệ nạn tham nhũng trong bộ máy nhà nước, là nạn buôn lậu đi liền với tham nhũng”. Ông cho rằng nhà nước đã có nhiều chủ trương về việc này, bây giờ vấn đề là xác định trách nhiệm và tập trung thực hiện. Biện pháp chính ông đưa ra là “tăng cường năng lực và trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật” phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội và các thông tin đại chúng. Một biện pháp khác là nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp: mỗi bộ trưởng, mỗi chủ tịch uỷ ban nhân dân, mỗi thủ trưởng cơ quan phải là “ người chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc chống các tệ nạn trong ngành mình, địa phương mình, trước hết là trong đơn vị mình phụ trách”.

Phó thủ tướng Phan Văn Khải cho biết “chỉ thị đầu tiên” của chính phủ sẽ nhắm vào việc chống tham nhũng, chống buôn lậu.

* Tác động cụ thể của văn bản này sẽ như thế nào, hay là “ai nói cứ nói, ai làm cứ làm” như dư luận đã từng nhận xét? Từ hai năm nay, nghĩa là từ khi nhà nước ban hành những văn bản chống tham nhũng và buôn lậu, hai tệ nạn này không những giảm đi mà mỗi ngày một bành trướng thêm! Theo Tạp chí Kinh tế Viễn đông (FEER) ngày 22.10.1992, chính ông Nguyễn Văn Linh, nguyên tổng bí thư đảng, trong một buổi họp ở thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đích danh ông Võ Văn Kiệt và phu nhân là tham nhũng! (DĐ)

Cải cách hành chính . Quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật, đó là điều kiện để có “một chính phủ mạnh ” : Chính phủ Võ Văn Kiệt chủ trương “ một cuộc cải cách hành chính sâu rộng” nhằm xây dựng một nền hành chính quốc gia hoạt động theo pháp luật thống nhất, khắc phục những biểu hiện “ vô kỷ luật, phân tán, cục bộ”. Để thực hiện chức năng của mình đồng thời điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, chính phủ sẽ thiết lập hệ thống luật hành chính cùng với toà án hành chính và quy chế công chức. Thủ tướng Võ Văn Kiệt thừa nhận rằng tình trạng “ thiếu một quy chế công vụ và công chức, và chậm đào tạo một đội ngũ công chức” là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới bộ máy “quan liêu, cồng kềnh, kém hiệu lực” hiện nay.

Người đọc chương trình hành động của chính phủ có thể ghi nhận một điều đã từng được các quan sát viên nêu lên: ông Võ Văn Kiệt không hề đặt ra các vấn đề hệ tư tưởng và cụm từ “chủ nghĩa xã hội” hoàn toàn vắng bóng.


Một số chức vụ lãnh đạo nhà nước khác

Ngoài chủ tịch, phó chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, thủ tướng và chính phủ, Quốc hội đã thông qua tên những người đứng đầu một số cơ quan cao cấp của nhà nước trên cơ sở đề nghị của chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội hoặc thủ tướng:

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao : Lê Thanh Đạo.

Chánh án Toà án nhân dân tối cao : Phạm Hưng.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc : Y Ngông Nuck Đan.

Phó chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Hà Phan, Đặng Quân Thuỵ và Phùng Văn Tửu.

Chủ nhiệm các uỷ ban của Quốc hội : các ông Hà Mạnh Tri (Luật pháp), Hoàng Bích Sơn (Ngoại giao), trung tướng Đặng Quân Thuỵ (An ninh và quốc phòng), Mai Thúc Lân (Kinh tế - kế hoạch và ngân sách), Vũ Đình Cự (Khoa học, công nghệ và môi trường), các bà Nguyễn Thị Thân (Y tế và xã hội), Trần Thị Tâm Đan (Văn hoá, giáo dục và thanh niên).


Quan hệ Việt - Mỹ nhúc nhích

Tờ Los Angeles Times ngày 22.10 đã viện dẫn một nguồn tin từ Nhà Trắng nói rằng chính phủ Bush đang chuẩn bị nối lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam trước ngày mở đầu nhiệm kỳ mới vào tháng giêng tới. Trả lời phỏng vấn cùng ngày của đài truyền hình CBS, ông Bush cho rằng nói như thế là “hơi lạc quan”. Tuy nhiên, ông thừa nhận vừa có “khai thông” (breakthrough) trong hồ sơ quân nhân Mỹ mất tích hoặc bị cầm tù (MIA/POW) trong chiến tranh Việt Nam: Việt Nam đã chấp nhận mở các nơi lưu trữ tài liệu của quân đội cho phái bộ tìm kiếm tin tức về MIA/POW của Mỹ. Quyết định này được ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm thông báo trong một cuộc gặp riêng với quyền ngoại trưởng Lawrence Eagleburger và bộ trưởng quốc phòng Richard Cheney ngày 8.10. Mười ngày sau đó, tướng về hưu John Vessey, phụ tá đặc biệt của tổng thống Bush trong vấn đề MIA/POW đã bay sang Hà Nội. Theo tờ Washington Post ngày 20.10, sau hai ngày làm việc ông Vessey đã mang về nhiều tài liệu và thông tin quan trọng, trong đó có một tập ảnh khoảng 4.000 tấm, có thể cho phép giải quyết dứt điểm những nghi vấn về hàng chục, thậm chí hàng trăm trường hợp MIA.

(AFP và Reuter 19-22.10)

Việt - Trung: thương lượng về biên giới

Vòng đầu của cuộc thương lượng Việt - Trung ở cấp chuyên viên về các vấn đề tranh chấp biên giới (xem Diễn Đàn các số 11 và 12) đã diễn ra từ ngày 12 đến 18.10 tại Bắc Kinh. Theo Tân Hoa Xã, hai bên đã trao đổi trong một “ bầu không khí thân thiện và thẳng thắn”, “sự hiểu biết lẫn nhau đã được tăng lên và có những kết quả đã được đạt tới”. Tuy nhiên, Tân Hoa Xã không nói những kết quả đó là những gì. Vòng hai của cuộc thương lượng sẽ diễn ra ở Hà Nội trong một thời điểm sẽ được quyết định sau.

Ngày 19.10, đáp lại một tuyên bố của chính quyền Đài Loan, người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam đã “khẳng định chủ quyền không chối cãi được của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền đó”, đồng thời nhắc lại “ vì hoà bình và ổn định trong khu vực, Việt Nam sẵn sàng giải quyết mọi tranh chấp thông qua thương lượng”. Cùng ngày, báo Nhân Dân đưa tin một đoàn khảo sát khí tượng và tài nguyên vừa được phái tới Trường Sa.

(Reuter 18.10, AFP 18 và 19.10)

Lập lại quan hệ ngoại giao với Nam Triều Tiên

Ngày 9.10, đại sứ Park Noh-Soo đã tới Hà Nội mở một văn phòng liên lạc chính thức của Nam Triều Tiên tại Việt Nam. Trong buổi lễ khai mạc, ông cho biết “Quan hệ ngoại giao giữa hai nước Nam Triều Tiên và Việt Nam đã được bình thường hoá. Trong vài tháng tới, hai bên sẽ mở các toà đại sứ, dù Hoa Kỳ có tiếp tục cấm vận Việt Nam hay không”. Theo ông Park , phái bộ của ông sẽ tập trung vào công tác tăng cường các quan hệ kinh tế giữa hai nước. Trước mắt, khối lượng trao đổi thương mãi giữa Nam Triều Tiên và Việt Nam theo dự kiến của các quan chức Nam Triều Tiên, có thể lên đến 500 triệu Mỹ kim trong năm nay, tăng gấp đôi so với năm 1991. Nam Triều Tiên xuất sang Việt Nam hàng vải vóc, sắt thép, hàng hoá học, v.v..., đạt 213 triệu đôla trong 7 tháng đầu năm nay, và cùng thời kỳ đã nhập của Việt Nam 40 triệu đôla than và các mặt hàng khác. 14 dự án đầu tư của các nhà doanh nghiệp Nam Triều Tiên, trị giá 126 triệu đôla, đã được phía Việt Nam chấp nhận. Một phái đoàn Nam Triều Tiên sẽ đến Hà Nội và Hải Phòng trong vài tuần tới để nghiên cứu về khả năng thiết lập một vùng chế xuất dành riêng cho họ.

(AFP 9.10)

Ngoại trưởng Xingapo thăm Việt Nam

Nhận lời mời của bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, ngoại trưởng Xingapo Wong Kan Seng đã tới thăm chính thức Việt Nam ba ngày kể từ thứ hai 19.10.1992. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một nhân viên chính phủ Xingapo, tính từ tháng 4.1975 tới nay. Hai nước đã lập quan hệ ngoại giao từ tháng 11.1991 và trước đó Xingapo đã là một trong những nước có trao đổi buôn bán nhiều nhất với Việt Nam (một tỉ đô la trong năm 1991). Trong cuộc họp báo kết thúc chuyến đi, ông Wong cho biết hai bên sẽ ký một hiệp định bảo vệ đầu tư của nhau trong tháng này, và chuyên viên hai nước tiếp tục làm việc về một thoả thuận thuế khoá. Ông Wong cũng cho rằng còn quá sớm để Việt Nam tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Economic Cooperation), một tổ chức bao gồm các nước không cộng sản ở Đông Nam châu Á và Úc, Tân Tây Lan, Mỹ, Canada. Cùng trong buổi họp báo, ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng chưa tới lúc đặt vấn đề Việt Nam gia nhập Thoả ước Tự do thương mại châu Á (Asian Free Trade Agreement). Thoả ước này là một sáng kiến của Xingapo đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN đầu năm nay, theo đó một vùng tự do thương mại (không còn hàng rào thuế quan) sẽ được thiết lập giữa các nước ASEAN và một số nước khác trong vòng 15 năm tới. Ngay trong nội bộ ASEAN, một số nước như Inđônêxia, Malaixia cũng tỏ ý e ngại đối với sáng kiến này.

(AFP 21.10)

Nhật, Thái...

Hoạt động ngoại giao của Việt Nam có vẻ được đẩy mạnh trong tháng 10 vừa qua khi bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm tham dự khoá họp thường niên của Liên hiệp quốc. Tại Mỹ, ông đã gặp quyền ngoại trưởng Eagleburger (xem tin trong số này). Sau khoá họp, ông Cầm đã ghé thăm Tokyo và Băng Cốc. Tại Tokyo, ông đã hội đàm với ngoại trưởng Nhật Watanabe và đã mời thủ tướng Kiichi Miyazawa cũng như ngoại trưởng Michio Watanabe thăm Việt Nam. Hà Nội mong thắt chặt hơn các quan hệ với Nhật nhưng Tokyo vẫn tỏ ra thận trọng không muốn gây khó khăn với Mỹ khi chuyện cấm vận chưa giải quyết xong. Ghé Băng Cốc ngày 13.10, ông Cầm đã gặp bộ trưởng ngoại giao Prasong Soonsiri của chính phủ Thái vừa được cử ra sau cuộc tổng tuyển cử tháng trước. Prasong đã tuyên bố với báo chí sau cuộc gặp là chính phủ của thủ tướng Chuan Leekpai sẽ có những quan hệ mật thiết hơn với Việt Nam, tăng cường các mối hợp tác kinh tế giữa hai nước. Mấy ngày trước khi ông Cầm tới Băng Cốc, Hà Nội đã chính thức mời thái tử Thái Maha Vajiralongkorn tới thăm Việt Nam, chuyến đi có thể được thực hiện cuối tháng 11 tới.

Trong tuần cuối tháng 10, người ta cũng được biết phó thủ tướng Phan Văn Khải đã đi thăm chính thức Cộng đồng châu Âu và Paris.

(AFP 9, 13, 15 và 23.10)

Gạo: sản lượng tăng, xuất khẩu tăng, nông dân điêu đứng

Theo báo cáo của văn phòng chính phủ, sản lượng lương thực vụ đông xuân đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng hơn năm ngoái gần 2,6 triệu tấn. Sản lượng cả năm 1992 có thể đạt tới 23 triệu tấn. Trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩn 1,2 triệu tấn gạo và, theo dự báo của bộ thương mại có khả năng lên tới 2 triệu tấn cho cả năm (1,8 triệu tấn từ các tỉnh phía nam và 200.000 tấn từ các tỉnh phía bắc). Mức xuất khẩu cao nhất tới nay là 1 ,6 triệu tấn, đạt được năm 1990.

Tuy nhiên, việc gia tăng sản xuất và xuất khẩu gạo không những đã không đem lại lợi ích cho nông dân, người làm ra hạt gạo, mà còn làm cho họ điêu đứng. Lý do chính là do chủ trương chính phủ hạ giá gạo xuất để cạnh tranh trên thị trường quốc tế (theo báo Bangkok Post, giá gạo Việt Nam hiện nay rẻ hơn gạo cùng loại của Thái Lan đến 40-50 đôla mỗi tấn) mà không có biện pháp giảm giá nguyên liệu, giảm thuế và lãi suất tín dụng để giúp đỡ nông dân.

(Tuổi Trẻ 22 và 29.9.92)

Đường dây siêu cao thế (tiếp)

Theo báo tiếng Anh Saigon Newsreader, các công trái một và ba năm của chính phủ phát hành hồi tháng 7 năm nay để huy động vốn hỗ trợ cho công trình đường dây siêu cao thế tới giữa tháng 10 mới chỉ đạt 169,3 tỉ đồng (15,5 triệu đôla), tức một phần ba kết quả mong đợi. Các công trái này được bảo đảm bằng dự trữ vàng của Nhà nước, có lãi suất từ 4 ,2 đến 5%. Thời hạn bán công trái được dự trù ban đầu là 6 tháng nay phải nối dài ít nhất là 6 tháng nữa. Mặc dù đường dây (1500 km được kéo từ nhà máy thuỷ điện sông Đà vào nam để phục vụ nhu cầu điện của thành phố Hồ Chí Minh, người mua công trái ở trong nam ít hơn ở ngoài bắc.

Các quan chức chính phủ ước tính phí tổn của công trình này là khoảng 300 triệu đô la, nhưng nhiều chuyên viên nghĩ rằng thời tiết và điều kiện đất đai rừng núi khắc nghiệt sẽ làm cho phí tổn lên cao hơn nhiều.


Phục hồi đàn Nam Giao

Ngày 15.9 vừa qua, uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên đã quyết định trả lại đàn Nam Giao cho quần thể di tích triều Nguyễn và tháo dỡ đài liệt sĩ mà chính quyền tỉnh đã xây lên đó năm 1977. Theo thông báo của uỷ ban nhân dân, việc tháo dỡ đài liệt sĩ phải hoàn tất vào đầu tháng 10 và sau đó sẽ bắt đầu công tác phục hồi đàn Nam Giao.

Báo Lao động chủ nhật ngày 20.9.92 đưa tin này cũng cho biết quyết định năm 1977 của chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên cũ “không được sự đồng tình” của người dân, song không nêu tên người trách nhiệm hành động phi văn hoá này: ông Trần Hoàn, người vừa được cử lại vào chức vụ bộ trưởng văn hoá - thông tin trong chính phủ mới.


Tin ngắn khác

* Trong khuôn khổ giải pháp hoà bình ở Cam Bốt, những người Thượng vũ trang của lực lượng Fulro đóng ở tỉnh biên giới Mondolkiri đã chấp nhận giải giáp, trao vũ khí cho quân Liên hiệp quốc, chấm dứt cuộc chiến tranh du kích của Fulro chống chính quyền Việt Nam. 398 người cuối cùng của Fulro, kể cả du kích và gia đình họ, đã được đưa tới Phnom Penh trước khi được đưa sang định cư tại một nước Tây Âu (Pháp hoặc Mỹ).

* Lụt lớn lại xẩy ra ở miền Trung trung tuần tháng 10. Theo tin chính quyền ngày 15.10, 37 người đã thiệt mạng, nhiều người mất tích, hàng nghìn nhà cửa bị nước cuốn trong 6 tỉnh giữa Nghệ An và Quảng Nam - Đà Nẵng. Thiệt hại lớn nhất là tỉnh Quảng Bình. Thiệt hại vật chất ước tính tạm thời là 50 tỉ đồng (4,6 triệu đôla). Cuộc du lịch xuyên Việt bằng xe môtô Harley do cựu phóng viên báo Humanité tại Việt Nam, Daniel Roussel, tổ chức đã bị gián đoạn vì mưa lớn và lũ lụt.

* Nhiều mỏ kim loại quý với trữ lượng lớn vừa được khám phá trong một cuộc thăm dò mới đây tại một miền biển Việt Nam giữa Vũng Tàu và Đà Nẵng. Thông tấn xã Việt Nam đưa tin này ngày 3.10 không nói rõ hơn vùng biển nào.

* Từ giữa tháng 9 năm nay, trên những tuyến bay nội địa Việt Nam đã xuất hiện máy bay chở khách của Pacific Airlines, một công ty liên doanh giữa Việt Nam và một số công ty Đông Nam Á, cạnh tranh với Hàng không Việt Nam. Hiện nay, mỗi tuần Pacific Airlines có hai chuyến bay Thành phố HCM - Hà Nội và một chuyến Thành phố HCM - Hải Phòng, trong khi đó Hàng không Việt Nam có 28 chuyến bay từ Thành phố đi Hà Nội và 4 chuyến đi Hải Phòng.

* Chính phủ Việt Nam vừa ban hành chủ trương mới huy động mọi thành phần kinh tế tham gia phủ xanh đồi trọc, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái, bằng cách giao đất và rừng cho dân sử dụng. Chính sách mới qui định diện tích giao rừng cho mỗi đơn vị kinh tế có thể lên đến 10.000 ha, và mỗi hộ gia đình có thể có 5.000 mét vuông đất làm kinh tế gia đình.

* Hơn 1.000 người chết vì sốt rét từ đầu năm đến nay. Báo Nhân Dân ngày 21. 10 cho biết hơn một nửa số người chết bệnh này là đồng bào các dân tộc ít người ở Tây Nguyên. Theo thống kê chính thức, Tây Nguyên hiện có hơn 92.000 người mắc bệnh sốt rét, tức khoảng 20% tổng số bệnh nhân sốt rét trong cả nước.

* Nhà tù Hoả Lò do Pháp xây dựng ở trung tâm Hà Nội gần 100 năm nay sẽ được xoá đi, thay thế bằng một trung tâm kinh doanh lớn gồm hai nhà chọc trời 22 tầng nối với nhau bằng một nhà 4 tầng. Như ở nhiều khu thương mãi ở các nước khác, trung tâm này sẽ bao gồm một khách sạn cao cấp, những văn phòng của các công ty kinh doanh, cửa hàng buôn bán, dịch vụ, hầm đậu xe, v.v... Chủ đầu tư cho công trình này là một liên doanh Xingapo - Hà Nội mang tên Hasin International. Phía Xingapo là bà Goh Poh Joo, chủ nhân khách sạn Night View ở Xingapo. Một nhà tù thay thế sẽ được xây mới ở ngoại ô Hà Nội.

 

Danh sách chính phủ

Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ 1992-97 được bầu ra ngày 1.10.1992 thành phần như sau:

Thủ tướng: Võ Văn Kiệt

Phó thủ tướng: Phan Văn Khải, Nguyễn Khánh và Trần Đức Lương

Bộ trưởng bộ Quốc phòng : Đoàn Khuê

Bộ trưởng bộ Nội vụ : Bùi Thiện Ngộ

Bộ trưởng bộ Ngoại giao : Nguyễn Mạnh Cầm

Bộ trưởng bộ Tư Pháp : Nguyễn Đình Lộc

Bộ trưởng bộ Tài Chính : Hồ Tế

Bộ trưởng bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường: Đặng Hữu

Bộ trưởng bộ Lao động - Thương binh và Xã hội : Trần Đình Hoan

Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo : Trần Hồng Quân

Bộ trưởng bộ Y tế : Nguyễn Trọng Nhân

Bộ trưởng bộ Văn hoá - Thông tin: Trần Hoàn

Bộ trưởng bộ Xây dựng : Ngô Xuân Lộc

Bộ trưởng bộ Thuỷ lợi : Nguyễn Cảnh Dinh

Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải : Bùi Danh Lưu

Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm : Nguyễn Công Tạn

Bộ trưởng bộ Thuỷ sản : Nguyễn Tấn Trịnh

Bộ trưởng bộ Công nghiệp nặng : Trần Lum

Bộ trưởng bộ Công nghiệp nhẹ : Đặng Vũ Chư

Bộ trưởng bộ Năng Lượng : Thái Phụng Nê

Bộ trưởng bộ Thương mại : Lê Văn Triết

Bộ trưởng chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch nhà nước : Đỗ Quốc Sam

Tổng thanh tra nhà nước : Nguyễn Kỳ Cẩm

Thống đốc Ngân hàng nhà nước : Cao Sỹ Kiêm

Bộ trưởng chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và miền núi : Hoàng Đức Nghi

Bộ trưởng chủ nhiệm Uỷ ban nhà nước về Hợp tác và đầu tư : Đậu Ngọc Xuân

Bộ trưởng trưởng ban Tổ chức - cán bộ của chính phủ : Phan Ngọc Tường

Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng chính phủ: Lê Xuân Trịnh

Bộ trưởng phụ trách công tác Dân số và kế hoạch hoá gia đình: Mai Kỷ

Bộ trưởng phụ trách công tác Bảo vệ và chăm sóc trẻ em : Trần Thị Thanh Thanh

Bộ trưởng phụ trách một số công tác của chính phủ : Phan Văn Tiệm và Hà Quang Dự.

Ngoài ra, do Quốc hội bác bỏ đề nghị của ông Võ Văn Kiệt nhập bộ Lâm nghiệp với bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, việc phê chuẩn tên người đứng đầu bộ Lâm nghiệp chưa được tiến hành.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss