Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 13 / Trở lại một vài vấn đề của tờ Đoàn Kết

Trở lại một vài vấn đề của tờ Đoàn Kết

- Hà Dương Tường — published 16/11/2010 00:00, cập nhật lần cuối 25/12/2010 22:25


Trở lại một vài vấn đề
của tờ Đoàn Kết

 

Một tuần trước khi số báo này lên khuôn, chúng tôi nhận được bản sao chụp bức thư đề ngày 12.10.1992 của “Hội người Việt Nam tại Pháp” gởi “Ban chấp hành chi hội và các hội thành viên” kêu gọi đóng góp giúp Hội trả một món nợ của báo Đoàn Kết. Đoạn mở đầu dưới đây của bức thư buộc chúng tôi phải trở lại một lần nữa câu chuyện này.

“Báo Đoàn Kết (bộ cũ) trao cho Hội người Việt Nam tại Pháp từ tháng 9.1991, đồng thời để lại cho Hội một món nợ nhà in 200.000 F (hai trăm ngàn quan) cần phải thanh toán gấp.

Như Anh, Chị biết đây là một số tiền rất lớn, vượt khả năng tài chánh của Hội nếu chỉ dựa vào niên liễm của hội viên. Đến nay, báo Đoàn Kết (bộ cũ) không hề trao lại cho báo Đoàn Kết (bộ mới) một số tiền nào.

Trong phiên họp ngày 10 . 10.1992, Ban thường trực (mở rộng), Ban chủ tịch, Ban điều hành, tổng thư ký các hội thành viên, toàn thể đồng ý không nên đưa ra pháp luật để giải quyết những vấn đề thuộc về nội bộ đáng lý không có, thời gian qua, giải quyết vấn đề này, ta dựa trên tinh thần đoàn kết anh em, tin cậy lẫn nhau, tránh đổ vỡ, ...” (những chỗ in đậm là do chúng tôi nhấn mạnh, lời văn và chấm phảy là của bức thư).

Trước hết, xin nhắc lại: cho tới tháng 5.1990, báo Đoàn Kết do Hội người Việt Nam tại Pháp xuất bản và quản lý; từ tháng 6.1990 đến tháng 5.1991, chúng tôi được HNVNTP trao quyền quản lý; sau đó, chúng tôi đã trao trả tờ báo cho Hội. Và, như đã viết rõ trên Diễn Đàn số 2, “ Chúng tôi không mang đi của Đoàn Kết một xu nào, máy móc cũng không. Việc Hội lấy lại tờ báo, cũng như lúc giao cho chúng tôi, là gồm cả phần tài sản có và phần nợ (actif và passif, theo danh từ kinh tế tiếng Pháp). Điều này đã được thể hiện cụ thể trong tờ chứng nhận hết trách nhiệm (quitus) mà ông Trần Đình Lan, đại diện của Hội về mặt pháp lý, đã ký và trao cho chúng tôi, theo đề nghị của Ban thường trực.”.

Khi lập tờ quitus ấy, dĩ nhiên ban lãnh đạo HNVNTP đã có đầy đủ sổ sách trong tay để biết rằng những món nợ chưa giải quyết hết là hậu quả chồng chất của thời kỳ Hội quản lý tờ báo, song một năm quản lý của chúng tôi không những không làm tăng các món nợ đó mà còn làm chúng giảm đi đáng kể, đặc biệt nhờ biện pháp giảm khối tiền lương và giảm bớt chi phí ấn loát.

Vả chăng, tờ Diễn Đàn số 2 khẳng định những điều nói trên đã tới tay bạn đọc từ đầu tháng 11 năm ngoái (trong số các địa chỉ được gửi báo, có Hội người Việt Nam tại Pháp). Thời gian quá đủ để kiểm chứng những lời chúng tôi nói, nhìn trong sổ sách và cuống séc để biết chi tiêu tương ứng với những gì, có còn tiền trong quỹ không và còn bao nhiêu, v.v... Thế mà, ban lãnh đạo Hội đã để đến một năm sau, khi người thừa phát lại (huissier) tới đòi tịch biên đồ đạc trong hội quán, mới quýnh lên, kêu cứu hội viên giúp trả nợ – trong đó phải kể thêm tiền phạt lẫn tiền công huissier! – Rồi, để hỗ trợ cho lời kêu cứu, lại lập lờ, dối trá đổ vấy cho người khác. Lối cư xử đó xin để mỗi người xét đoán.

Dưới đây, để đáp ứng yêu cầu thông tin của những bạn có quan tâm tới vấn đề này và của những ai đã hoặc còn là hội viên của HNVNTP, chúng tôi xin chụp đăng tờ quitus và trích dẫn từ sổ sách của Đoàn Kết vài số liệu minh chứng những điều nói trên.

Cuối cùng, phải nghĩ sao về cái “hảo ý” không đưa vấn đề ra pháp luật, và “ giải quyết vấn đề nội bộ” dựa trên “ tinh thần đoàn kết anh em, tin cậy lẫn nhau” (sic)? Ngày 20.5.1992, một vị lãnh đạo Hội đã gửi cho chúng tôi tờ giấy đòi nợ của huissier, kèm bức thư tay yêu cầu chúng tôi “giải quyết để tránh hậu quả pháp lý”. Tờ giấy đã được gửi trả lại ngày 29.5, cùng với một bản sao chụp từ quitus đã nói trên...

Phải chăng sau mấy tháng nghiên cứu về trách nhiệm pháp lý, ban lãnh đạo Hội đã chọn quay trở lại ngôn từ “đoàn kết”, “anh em”?


Hà Dương Tường


Vài số liệu

 

Ngày 1.6.1990, khi chúng tôi, những người làm Đoàn Kết được Hội NVNTP, là chủ nhân tờ báo, trao cho quyền quản lý tờ báo, Đoàn Kết thiếu nợ của nhà in Dalex 238.196,92 F là tiền in mười số báo, từ số kép 414- 415 (tháng 6-7.1989) đến số 423 (tháng 5.1990). Thời gian ấy, các số báo dày trung bình 50 trang, in bìa 4 màu, tiền in thường trên 25.000 F mỗi số.

Như đã trình bày trong Diễn Đàn số 2, hè 1990 (lúc ra số 424, đề tháng 6.1990), trong trương mục của Đoàn Kết không còn tiền, chúng tôi đã phải mượn tiền thân hữu, trả gấp một phần nợ để nhà in chịu in tiếp. Ngày 9.8.1990, chúng tôi đã ký trả Dalex một ngân phiếu 99.504,17 F. Sau đó, với tiền bán báo, chúng tôi đã ký 4 ngân phiếu trả tiền nhà in nữa (ngày 5.10.1990, 6.12.1990, 29.1.1991 và 3.4.1991), tổng cộng 5 lần chúng tôi đã trả được 214.095,84 F.

Từ số tự quản đầu tiên tới khi ngưng làm Đoàn Kết, chúng tôi vẫn đưa in tại nhà in Dalex 10 số báo nữa (từ số 424 tới số 433 – tháng 4.1991–), các số báo giảm trang so với trước và bìa còn hai màu, giá tổng cộng là 171.070,55 F. Số cuối cùng tuy đề tháng 5.1991 nhưng ra trong hè được đưa in tại nhà in Quick Print (là nơi in Diễn Đàn bây giờ), giá 13.878,70 F.

Tiền in của 11 số Đoàn Kết tự quản như vậy là 184.949,25 F . Xin nhắc lại, chúng tôi đã ký trả nhà in Dalex 214.095,84 F, hơn phí tổn nói trên gần 30.000 F.

Trước khi trao trả tờ báo cho Hội, chúng tôi đã ký trả món nợ danh dự đối với những thân hữu đã cho vay gấp hồi hè 1991, nhưng cũng không còn đủ tiền. Một vài người bạn đã vui lòng xoá nợ nhưng còn một món khá lớn (10.000 F) chưa trả được và cho tới bây giờ Hội vẫn chưa chịu thanh toán, mặc dầu, như đã nói trên đây, Hội đã làm quitus nhận mọi trách nhiệm về Đoàn Kết, cũng như chúng tôi đã lãnh trách nhiệm đối với những món nợ trước ngày 31.5.1990 trong thời kỳ chúng tôi quản lý tờ báo. Mặt khác, trong sổ sách trao trả Đoàn Kết cho Hội NVNTP, còn một số hoá đơn quảng cáo chưa thanh toán của công ty Vietnam Diffusion trị giá 37.952 F, dư đủ để trả món nợ danh dự 10.000 F đã nói trên kia, cũng như 13.878 F nợ nhà in Quick Print.

Ngoài phần nợ cũ đối với nhà in, Đoàn Kết tự quản đã trang trải 104.580,79 F phần nợ URSSAF1 và 10.894 F nợ ASSEDIC1 do thời kỳ Hội quản lý tờ báo để lại (từ cuối năm 1988 đến giữa năm 1990). Chi tiết như sau: ngày 4.7.1990 trả 18.606 F; ngày 20.8 trả 32.108,79 F; ngày 4.2.1991 trả 18.706 F và 35.160 F; ngày 12.11.1990 trả 10.894 F.

Cuối cùng rất khó tính món nợ đối với những người mua báo dài hạn chưa hết hạn. Tuy nhiên, có thể nêu hai con số để so sánh. Từ 1.6.1989 đến 31.5.1990, tiền mua dài hạn Đoàn Kết thu vào là 470.917,15 F. Từ 1.6.1990 đến 31.5.1991, con số đó là 394.647,80 F. Như vậy, số người mà Đoàn Kết nợ tiền báo (đã trả tiền nhưng chưa có báo) cuối tháng 5.1991 là ít hơn con số tương đương cuối tháng 5.1990. Theo nguyên tắc liên tục trong quản lý, người nhận tiếp nối năm 91 có gì để kêu ca?

Tới đây, hẳn có nhiều bạn đọc muốn biết tại sao có những món nợ lắm thế? Chỉ xin nói ngắn là trong các năm trước 1990, do các công ty Vietnam Diffusion, Vina Paris làm ăn phát đạt, tờ Đoàn Kết đã sống trên một ngân quỹ quảng cáo rất lớn – năm 1989 ngân quỹ này là gần 300.000 F, cộng với 110.000 F khác do người sở hữu chủ tờ báo là Hội NVNTP bỏ vào và khoảng gần 500.000 F là tiền mua báo của bạn đọc. Cho nên, năm 1989, khi quyết định “tin học hoá” tờ báo (trang bị máy tính Macintosh, máy in Laser, máy xử lý hình ảnh – scanner –, và những chương trình vận hành cần thiết, giá trị tổng cộng lúc ấy vượt quá 220.000 F), những người trách nhiệm của Hội đã tin rằng ngân quỹ cần thiết có thể có được, và để trả tiền mua máy, đã “tạm ứng với quỹ hoạt động bình thường”. Điều này đã được nói rõ trong Lời cầu cứu bạn đọc, Đoàn Kết số 419, tháng 12.1989. Tuy nhiên, lúc đó, cũng theo Lời cầu cứu trên, “chồng hoá đơn chưa thanh toán cũng (đã) bắt đầu cao nghều nghệu”. Chúng tôi cũng có nhắc lại các khó khăn trên trong Đoàn Kết số 432, tháng 3.1991, trong lời kêu cứu “Chúng tôi muốn sống” (lúc đó chưa có việc Hội NVNTP đòi lấy lại tờ báo.).

Tóm lại, trong một năm Đoàn Kết tự quản, như trên cho thấy là những món nợ đã được thanh toán một phần tuy phần còn lại vẫn khá lớn: lý do chủ yếu là tiền quảng cáo của các công ty xuống nhiều (còn khoảng 190.000 F năm 1990 và 35.000 F trong 6 tháng đầu năm 1991). Song , điều quan trọng cần được nhấn mạnh là một năm quản lý của chúng tôi đã cho phép giảm các món nợ đó được khoảng 150.000 F (cộng các tiền thanh toán URSAFF, ASSEDIC và gần 30.000 F tiền khác biệt giữa phí tổn in 11 số báo Đoàn Kết tự quản với tiền 5 lần trả nhà in Dalex trong năm) chứ không phải là làm cho chúng tăng lên.

Thực tế đó, ban lãnh đạo Hội NVNTP biết rất rõ. Quyết định lấy lại tờ báo là một quyết định chính trị như mọi người đều biết. Giấy tờ còn đó, nhân chứng còn đây. Viết úp mở để ám chỉ rằng chúng tôi trốn nợ, thậm chí rỉ tai là chúng tôi cuỗm tiền của Đoàn Kết ra làm Diễn Đàn, sợ không lừa được ai mà còn mang tiếng là nằm ngửa nhổ ngược.

HDT

(l) URSSAF và ASSEDIC là các cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm xã hội và quỹ trợ cấp thất nghiệp ở Pháp.

quitus

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss