Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 14 / Bạn đọc và Diễn Đàn

Bạn đọc và Diễn Đàn

- Diễn Đàn — published 01/12/2010 00:00, cập nhật lần cuối 01/01/2011 18:48


Bạn đọc và Diễn Đàn


Có lẽ cả hai

Mới quen được Diễn Đàn 6 số gần đây, điều mà tôi ưng nhất là cách trình bày và văn phong trong các bài viết, xung quanh đề tài dân chủ cho Việt Nam. Theo cá nhân thì phần tin tức về cộng đồng hơi ít, nhưng thế cũng được – hơn là nhiều mà toàn là nghe mài gươm, sửa giáo thấy dễ sợ quá!

Bố cục của Diễn Đàn rất chặt chẽ, nhưng đọc thấy thiếu thế nào ấy! Không biết vì bài viết của Diễn Đàn lôi cuốn hay là báo ít trang. Có lẽ là cả hai.

(Tôi sang lao động ở Tiệp Khắc từ năm 1988. Gần 40 tuổi, trước khi sang Tiệp là giáo viên dạy nghề trường kỹ thuật cơ điện)

L.B. (Praha, Tiệp)

Vài đề nghị

Báo vẫn ra đều, vẫn đến đều tay, thế là hết lo nghỉ dài hạn như lúc đầu.

Về bảng câu hỏi, tôi xin nói rõ thêm ý kiến:

– Phần chính trị của báo, tôi thấy nặng, nhưng hiển nhiên là nếu tình hình Việt Nam êm trôi, báo chí sẽ không đặt nặng chính trị; tóm lại, phần này không thể ít hơn được.

– Phần văn nghệ là phần tôi thích, vậy không bao giờ chê là nhiều.

Đề nghị Diễn Đàn:

– thỉnh thoảng giới thiệu vài báo chí Việt Nam khác, ở trong nước, và nhất là ở hải ngoại.

– mở mục từ điển giải thích một số từ (như viễn thông, thời thượng...) và dịch ra tiếng Pháp (nếu có thể, tiếng Anh), nhất là khi những từ này không có trong những cuốn từ điển thông dụng.

Vũ Ngọc Quỳnh (Bondy, Pháp)

Cần quân bình, tổng hợp và nhanh gọn

Nên giữ sự quân bình giữa chính trị / văn nghệ / thảo luận, với thỉnh thoảng vài số đặc biệt về văn nghệ cũng như chính trị, ví dụ: đào sâu hơn lịch sử cận đại Việt Nam, đặc biệt cho những thông tin mới về lịch sử Đảng cộng sản, vai trò của ĐCS trong từng thời kỳ, đánh giá lại công / tội ông Hồ, v.v...

Về kinh tế, nếu có thể Diễn Đàn nên làm synthèse (tổng hợp) thường kỳ để giúp độc giả thấy sự lên hay xuống về xuất cảng, sản xuất, lạm phát, mức sống...

Tăng cường phần giới thiệu sách, báo, phim mới. Có thể ngắn gọn không cần style lắm, miễn có đều và nhanh.

Hiền Hậu ( Paris, Pháp)

Sợ nhất là vô chủ

Với lòng nhiệt tình của một con dân lưu vong, gửi đến quí anh chị đang

Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ
Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền

Người ta đấu tranh giành quyền lãnh đạo, còn tôi đấu tranh chỉ giành quyền làm dân Việt Nam. Một nước Việt Nam hiện nay không quân chủ, không dân chủ, mà là vô chủ. Vô chủ là trường hợp nguy hiểm nhất.

Nguyễn Văn Đang (Hoogeveen, Hà Lan)

Ai bảo làm dâu là khổ

Câu hỏi số 13 của Diễn Đàn chỉ cho chọn giữa hai câu trả lời “khó hiểu” hoặc “không khó hiểu” nên... khó quyết định. Giá có thêm một giá trị trung gian như “tương đối khó hiểu” thì đúng với bụng dạ người đọc hơn. Vì nói là (nói chung) “khó hiểu” thì cũng oan cho những bài viết rất dễ đọc và hấp dẫn, bên cạnh một, hai bài kiểu Hàn Thuỷ, Tôn thất Nguyễn Khắc Thiêm... phải đọc kỹ lưỡng vài lần mới có thể tiếp thu được. Tuy là các bài ấy cũng giúp người đọc so sánh lại vốn tiếng Việt của mình...

Chúc các bạn mạnh khoẻ. Xin có lời chào ngưỡng mộ đến anh Bùi Mộng Hùng, bài nào cũng rất hay và dễ đọc, và lời chào nhắc nhở đến anh Đặng Tiến, chịu khó làm sao số báo nào cũng có bài của anh thì Diễn Đàn dẫu có khuyết điểm nào cũng sẵn sàng xí xoá. Làm báo cũng như làm dâu trăm họ, khó mà chiều hết được, nhưng xét ra thì cho tới nay Diễn Đàn làm dâu khá lắm.

Đỗ Tuyết Khanh (Uster, Thuỵ Sĩ)

Tại sao tốn giấy nói chuyện Đoàn Kết?

Là một độc giả của Diễn Đàn từ nửa năm nay, tôi xin nói thực với quý báo: tờ báo có vỏn vẹn 32 trang mà số 13 vừa qua dành 1 trang rưỡi để nói về chuyện báo Đoàn Kết, thì phí giấy quá.

V M. (Paris, Pháp)

Trước khi mua báo Diễn Đàn, tôi là độc giả trung thành của báo Đoàn Kết và hội viên lâu năm của Hội người Việt Nam tại Pháp. Nhận được giấy kêu gọi giúp ĐK (bộ mới) với những lời lẽ mập mờ, tôi sửng sốt, đến khi đọc Diễn Đàn tôi mới vỡ lẽ, và thật buồn khi thấy người ta có thể đổ đốn đến như vậy. Tôi hy vọng là bài báo Diễn Đàn sẽ chặn đứng được đợt rỉ tai, xuyên tạc từ hai tuần qua. Có điều tôi thấy bài báo đưa ra quá nhiều con số, người đọc dễ rối trí, rồi bức thư ký tên ông Trần Đình Lan (ảnh chụp) lại không dịch ra tiếng Việt.

T.H. (Lyon, Pháp)

[Chúng tôi thành thực xin lỗi bạn V. M. và những độc giả mới của Diễn Đàn: đối với các bạn, câu chuyện quản lý báo Đoàn Kết là chuyện xa lạ, không có lý do chiếm chỗ trên mặt báo này. Tuy nhiên, chúng tôi mong rằng các bạn cũng thông cảm: khá đông bạn đọc Diễn Đàn đã từng là độc giả trung thành của báo Đoàn Kết, nhiều người đã giúp đỡ chúng tôi về mặt tài chính trong thời gian 6.90-6.91 trong lúc chúng tôi phải đương đầu với đủ loại khó khăn. Đối với tất cả các bạn đọc đó, chúng tôi có nhiệm vụ tinh thần là thông báo trung thực mọi sự việc và số liệu để mỗi người có thể phán đoán.

Chính vì vậy, mà chúng tôi đã công bố đầy đủ những số chi trả trên số báo trước. Nếu phải tóm tắt, xin nói gọn như sau:

1. Nói rằng chúng tôi để lại cho Hội món nợ nhà in 200.000 FF là sai sự thực, vì trong một năm quản lý báo Đoàn Kết, chúng tôi đưa in 11 số báo, tiền in tổng cộng là 184.929,25 FF, thế mà chúng tôi đã trả cho nhà in Dalex tổng cộng là 214.095,84 FF.

2. Cũng trong thời gian đó, chúng tôi đã trả cho quỹ URSSAF và quỹ ASSEDIC 115.474,79 FF, là những món nợ cũ (trước tháng 6.90). Như vậy là sau một năm quản lý, chúng tôi không mắc thêm nợ, mà còn trang trải gần 150.000 FF là tiền nợ cũ của Hội.

3. Chính vì vậy, mà trong tờ giấy chứng nhận (xem bản chụp toàn văn trong số trước, trang 3) ký ngày 23.5.1991, ông Trần Đình Lan, chủ tịch pháp lý của Hội đã viết rõ: “Hội người Việt Nam tại Pháp xác nhận hết trách nhiệm (donne quitus) cho ông Hà Dương Tường và Hội xuất bản báo Đoàn Kết về việc họ quản lý tờ báo trong thời gian từ ngày 1.6.1990 đến ngày 30.6.1991, (Hội) chấp nhận kết toán tình hình tài chính của tờ báo ở thời điểm 30.6.1991, và chấp nhận toàn bộ di sản vật tư và động sản đăng ký tên HNVNTP hay “Đoàn Kết” mà tờ báo sử dụng tại thời điểm này”

Cũng xin nói thêm: ông Trần Đình Lan (vừa từ trần ngày 5.9.1992) đã thay mặt HNVNTP (ông đứng tên đăng ký HNVNTP từ ngày thành lập Hội năm 1976) ký giấy chứng nhận nói trên theo yêu cầu của Ban thường trực, và giấy này có đóng dấu của Ban thường trực]


Thất vọng

Qua Diễn Đàn, tôi biết được một nhà văn trẻ gặp nhiều khó khăn... đương đầu với nhiều cơ cực trong cuộc sống, bản thân lúc nào cũng phấn đấu để cố vươn lên, điều đó khiến tôi khâm phục và cảm mến. Biết làm gì, và làm thế nào? Để gọi là một chút san sẻ và một chút giúp đỡ, xin nhờ anh gửi về anh Đỗ Phước Tiến 200 F...

Sau đây, qua lãnh vực khác, tôi xin được mạn phép nói lên vài cảm nghĩ thô thiển của mình. Đọc bài Dân tộc và dân chủ của Đặng Tiến (Diễn Đàn số 11) tôi hơi bàng hoàng. Một Đặng Tiến... mà tôi thích đọc từ bấy lâu nay... đã làm tôi thất vọng và hơi “phẫn uất!”. Tôi đã nói với ông xã tôi rằng: “Em rất hy vọng và tin tưởng sẽ có người “hoạ” lại bài của Đặng Tiến trên những quan điểm giống em nghĩ!”. Mãi đến số 13, trang 2, tựa đề “Không nên rẻ rúng” đã thu hút tôi... Phương cách diễn đạt và góp ý của chị Thu Trang đã làm cho tôi “hả dạ” được phần nào; cuộc sống hàng ngày quá eo hẹp thì giờ, tôi không thể diễn tả được nhiều trên giấy viết, nay lại gặp được người nói lên cảm nghĩ của mình thì thật là hạnh phúc!...

Không biết “phải sống dân chủ, cho ra con người của thế kỷ 21” đối với Đặng Tiến phải có những điều kiện cụ thể gì? Trên mô hình rõ rệt nào?... khi mà Đặng Tiến khẳng định “Người gì cũng được, không cần phải là “người mình” – Người mình... nghe lạc loài, xa vắng”?!!

Tôi hoàn toàn đồng ý với chị Thu Trang: Tác giả đã tự mâu thuẫn: “không có tinh thần dân tộc thì không còn nước Việt Nam” và có lẽ chính chị Thu Trang mới là con người thế kỷ 21 thực sự, khi chị đã lập luận một cách rõ ràng: “Không ai cấm những người muốn làm công dân của thế giới (mondialiste) nhưng xin cũng đừng quay lưng lại với nguồn gốc của mình một cách quá đáng và bất công!”

Mimi H. (Aulnay sous Bois, Pháp)

Yêu cầu

Em xin phép được yêu cầu báo Diễn Đàn một điều. Đó là trước đây em đọc rất kỹ các bài của ông Vĩnh Sính trên báo Đất Mới ở Montréal. Các bài này nói về văn hoá Trung Hoa đối với các nước lân cận Trung Hoa ở châu Á, đã mở mang tầm nhận thức của em về các dân tộc phương Đông. Nay Đất Mới đình bản, em không biết đọc các bài viết của ông Vĩnh Sính ở đâu. Ước gì em được gặp lại ông Vĩnh Sính trên báo Diễn Đàn nhỉ?

Nguyễn Tấn Thịnh (Montréal, Canada )

[Ban biên tập Diễn Đàn cũng chia sẻ với ban ước mong ấy! Chúng tôi đã gửi một bản sao thư của bạn cho anh Vĩnh Sính]


Ai bảo làm dâu là sướng

Ban Biên tập Diễn Đàn tuy thực tế tách khỏi tờ Đoàn Kết nhưng nội dung tư tưởng tờ Diễn Đàn nó còn là Đoàn Kết biến dạng chưa lột xác xong. Diễn Đàn còn sợ phạm thượng, còn kỵ huý thì đâu có phải là diễn đàn. Đã là diễn đàn phải đăng tải mọi tư tưởng – chỉ loại trừ những gì chửi bới tục tĩu cá nhân. Không đồng ý cùng tác giả thì ban biên tập có quyền khai quang bằng một “chiếc mũ” để nói lên điểm bất đồng ý của toà soạn.

Cũng vì những lý do kể trên nên có sự cộng tác khi nào nhận ra Diễn Đàn đã lột xong xác.

Ngô Thế Tân (St Cézaire-sur-Siagne, Pháp)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss